Ngày 15-3-1975, tôi nhận được điện trả lời của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Đức Thọ ký và của Quân uỷ Trung ương do đồng chí Võ Nguyên Giáp ký. Trong cuộc họp ở Hà Nội, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã đọc kỹ bức điện từ mặt trận gửi về ngày 14 tháng 3, nhất trí với nhận định và chấp thuận các đề nghị của chúng tôi. Những phần nói về kinh nghiệm nghi binh lừa địch, cách đánh, cách huấn luyện cán bộ, chiến sĩ biết sử dụng binh khí kỹ thuật lấy được của địch, những điểm yếu về tác phong chỉ huy đã được Quân uỷ Trung ương giao cho Bộ Tổng Tham mưu phổ biến gấp tới các chiến trường khác. Những đề nghị về việc phối hợp chiến trường được Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chuyển thành chỉ thị gửi đến các quân khu để chấp hành. Sau khi nhận được điện của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, căn cứ vào tình hình mới nhất ở Tây Nguyên, chúng tôi họp bàn thực ltiện kế hoạch phát triển lên phía bắc. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên rất nhất trí với kế hoạch đã đề ra và quyết tập trung mọi cố gắng để thực hiện cho được vì bao nhiêu năm đánh Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên này, các đồng chí phấn khởi hơn ai hết trước những thắng lợi vừa qua và tin tưởng vào những thắng lợi sắp đến. Trong những năm 1968, 1972, ta cũng đánh lớn ở Tây Nguyên, nhưng thắng lợi chưa giòn giã, chưa to lớn như năm nay. Lực lượng ta hồi đó chưa mạnh bằng bây giờ, các cơ sở hậu cần bảo đảm và hệ thống đường sá lại chưa đầy đủ. Địch lúc bấy giờ còn dựa vào sự chi viện hoả lực và hậu cần rất mạnh của Mỹ, còn rảnh tay nơi khác để tập trung đối phó ở Tấy Nguyên. Bây giờ, triển vọng ta giải phóng Tây Nguyên đã rõ ràng, làm tốt, làm nhanh thì có thể xong trước mùa mưa năm 1975. Do đó, các đồng chí thấy rõ trách nhiệm của mình đối với toàn cục lớn quá, vinh dự quá, cũng như nghĩ đến triển vọng trước mắt thì phấn chấn và tự hào vô cùng. Đồng chí Hoàng Minh Thảo thường tâm sự với chúng tôi: "Cách mạng miền Nam giành được thắng lợi cho đến ngày nay, ngoài những nguyên nhân quan trọng và quyết định khác, còn có một nguyên nhân là do ta đã làm chủ một phần Tây Nguyên, và đồng bào Tây Nguyên anh hùng, bất khuất đã đóng góp công sức rất lớn cho thắng lợi cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi mong ngày mong đêm giải phóng hoàn toàn được Tây Nguyên để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sớm được tự do và thoát khỏi cảnh nghèo đói, khổ cực". Trong ngày 15 và sáng ngày 16 tháng 3, chúng tôi nhận được một số tin kỹ thuật và một vài bài bình luận ngắn của các đài phương Tây, tuy lẻ tẻ, vụn vặt nhưng rất quan trọng đối với việc nhận định tình hình địch lúc bấy giờ ở Tây nguyên. Thí dụ, một hãng thông tấn Mỹ đưa tin giá vé máy bay ngày 15 tháng 3 từ Pleiku đi Sài Gòn lên đến 40.000 đồng. Tại sao người ta lại xô nhau mua vé đi Sài Gòn trong ngày 15 tháng 3? Trưa ngày 16 tháng 3, ta bắt được tin của không quân địch cất cánh ở Pleiku gọi nhau về hạ cánh ở Nha Trang. Tại sao máy bay địch cất cánh một nơi, hạ cánh nơi khác xa hơn mà sáng ngày 16 tháng 3 thì ta lại chưa pháo kích mạnh vào sân bay Pleiku? 15 giờ ngày 16 tháng 3, Hà Nội gọi điện báo cho chúng tôi biết là Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 2 nguỵ và lãnh sự Mỹ đã chuyển về Nha Trang. 16 giờ cùng ngày, một tin từ Thuần Mẫn báo về là đài quan sát của ta ở cầu I-a Leo nhìn thấy ở ngã ba Mỹ Thanh một đoàn xe dài đang chạy về hướng Phú Bổn. Đối với chúng tôi lúc đó, khu vực Buôn Ma Thuột vẫn chưa rời mắt khi đọc bản đồ, nhưng khu vực Pleiku, Kon Tum, đường số 14, đường số 19 lại bắt đầu được đặc biệt chú ý. Tin tức gì liên quan đến Pleiku, đến Quân đoàn 2 nguỵ, đến các con đường chiến lược đối với đồng bằng đều rất được quan tâm. Khoảng 19 giờ ngày 16 tháng 3, sau khi nhận được các tin kể trên, trong Sở chỉ huy có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các đồng chí cán bộ tham mưu. Tuy chưa kết luận, chưa khẳng định nhưng ai nấy đều cảm thấy là địch ở Tây Nguyên đang làm một cái gì đấy sau hai đòn thất bại đau đớn liên tiếp ở Buôn Ma Thuột và trong cuộc phản kích của Sư đoàn 23. Có đồng chí nêu lên khả năng là địch tập trung số quân ở Tây Nguyên còn lại về Nha Trang rồi cùng với quân tổng dự bị chiến lược phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột theo đường số 21. Một đồng chí khác lại cho rằng: điện của Quân uỷ Trung ương nêu ba điểm. Điểm 1 là có khả năng địch tăng cường phản kích; Điểm 2 là nếu bị đánh thì chúng co cụm về Pleiku, ta cần hình thành lực lượng bao vây Pleiku ngay; Điểm 3 nói đến dự tính việc rút lui chiến lược của địch. Vậy những tin tức ta nhận được hôm nay cho thấy là địch có thể tăng quân để phản kích mà cũng có thể rút về Nha Trang. Và nếu địch rút thì rút cả Quân đoàn hay chỉ có Bộ Tư lệnh Quân đoàn chạy về chỗ an toàn? Nếu rút thì rút bằng cách gì, theo đường nào? Nếu đi theo đường số 21 phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột thì có dễ đâu! Gặp quân thua trận đang chạy trên đường số 21 về Nha Trang cũng đủ làm cho bọn phản kích mất tinh thần rồi. Mấy đồng chí khác thì thiên về ý kiến cho rằng địch rút chạy vì trong điện của Quân uỷ Trung ương nêu lên ba khả năng, nhưng thực tế đến lúc này thì việc đánh quân phản kích ta đã làm và sẵn sàng sẽ làm tiếp, ta lại đang bàn việc chuẩn bị chuyển lực lượng lên bao vây và diệt địch ở Pleiku, cũng có thể sau hai trận đại bại vừa rồi địch đau quá, không tăng viện lên được, cảm thấy trước sau cũng bị tiêu diệt cho nên không có cách gì hơn là phải bỏ chạy khỏi Tây Nguyên. Vậy ta phải làm cho tốt cả hai việc, tức là một mặt tiêu diệt cho nhanh quân phản kích, mặt khác, chuẩn bị gấp cho việc triển khai lực lượng nhanh chóng lên bao vây Pleiku. Nếu địch rút chạy thì thế chiến dịch của ta đã cài sẵn rồi, các đường chiến lược đã bị cắt, địch lên không được mà xuống cũng không xong. Chúng tôi suy nghĩ nhiều về những mẩu tin kể trên và chú ý lắng nghe cuộc tranh luận. Đúng là Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã dự kiến cả ba khả năng và chúng tôi đã triển khai thế chiến dịch như sau: diệt Buôn Ma Thuột xong thì sẵn sàng diệt viện, không phải một lần mà nhiều lần, không phải chỉ đánh với Quân đoàn 2 nguỵ mà tính cả việc đánh với quân tổng dự bị của Sài Gòn phái đến bằng đổ bộ đường không, vì các đường chiến lược số 19, số 14, số 21 đều đã bị ta cắt và chốt chặn vững chắc, không cho địch lên mà cũng không cho chúng rút. Bây giờ tình huống có thể chuyển biến rất nhanh vì địch từ chỗ chủ quan bị hoàn toàn bất ngờ lúc đầu, sau hai trận thua đau có thể đi đến hốt hoảng và có những chủ trương sai lầm lớn hơn. Nếu chúng tăng thêm quân để phản kích thì càng khó khăn, sa lầy và sẽ bị diệt nhiều nữa mà rút chạy thì càng chết, càng xuơng dốc. Tin tức còn quá ít nhưng cũng hé ra được nhiều căn cứ để suy nghĩ và hành động. Chúng tôi cho kiểm tra lại các hệ thống thông tin, các đài thu tin của địch, gọi về Hà Nội hỏi thêm tình hình chung trên toàn chiến trường, cho mở đài thu thanh nghe các bản tin trong ngày của các đài trên thế giới; đôn đốc Bộ Tư lệnh Tây Nguyên nắm chắc tình hình của các trung đoàn 95, 25, các sư đoàn 320, 10 trên các đường số 19, số 14 và số 21, và phải sẵn sàng tăng cường lực lượng cho Trung đoàn 25 ở đường số 21. 21 giờ ngày 16 tháng 3, đồng chí trực ban nhận được tin là địch đang rút chạy khỏi Pleiku, một đoàn xe đã qua ngã ba Mỹ Thanh theo hướng đường số 7, kho đạn ở Pleiku đang nổ và có nhiều đám cháy trong thị xã. Sở chỉ huy nhộn nhịp hẳn lên. Bản đồ mạng đường sá Tây Nguyên được trải rộng ra trên bàn, đèn pin, kính phóng đại soi dọc theo các con đường số 19, số 14, số 7 để tìm các "nút chặn", các đường vòng, các đường xuất kích, đo cự ly giữa đơn vị gần nhất với đường số 7 để tính giờ vận động. Tôi cầm máy điện thoại nói chuyện trực tiếp với đồng chí Kim Tuấn lúc đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Trước khi đánh Buôn Ma Thuột, tôi đã mấy lần hỏi về con đường số 7 thì được báo cáo là đường số 7 bỏ từ lâu, cầu hỏng, không có phà qua sông, địch không đi lại. Cách đây hai ngày tôi lại hỏi đồng chí Kim Tuấn về con đường này, đồng chí Tuấn cũng trả lời như vậy. Bây giờ nghe tin địch rút theo đường số 7 mà đơn vị vẫn chưa nắm được con đường đó một cách cụ thể, chưa khẩn trương đuổi địch, cho nên tôi đã nói rất nghiêm khắc với người phụ trách cao nhất của đơn vị đó. Tôi nhấn mạnh hai lần với đồng chí Kim Tuấn: "Đó là một thiếu sót, một sơ hở đáng khiển trách. Lúc này do dự một chút, sơ hở một chút, ngại khó một chút, chậm trễ một chút là hỏng việc. Nếu để địch chạy thoát là một tội lớn mà đồng chí là người chịu trách nhiệm". Trong những lúc này, tôi không muốn cấp dưới trình bày những lý do này nọ để thiếu cố gắng mà chỉ muốn cấp dưới hoàn thành được nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc và trọn vẹn nhất. Đã cùng nhau tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, gặp những tình huống phức tạp và khẩn trương nhất, là Tư lệnh, tôi có những đòi hỏi nghiêm khắc đối với anh em và anh em cũng hiểu được tôi cho nên có lệnh rồi là các đồng chí kiên quyết thực hiện và thường là thành công. Buông máy điện thoại ra, trong ký ức tôi hiện lên nhiều hình ảnh rút chạy của địch trong cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ: cảnh tháo chạy của Sáctông và Lơpagiơ trên đường số 4 hồi Chiến dịch Giải phóng Biên giới, cảnh tháo chạy của Trung đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh năm 1968, của Sư đoàn 1, các lữ đoàn dù và lữ thuỷ quân lục chiến nguỵ ở Đường 9-Nam Lào năm 1971, của Sư đoàn 3 nguỵ ở Quảng Trị năm 1972. Địch đã nhiều phen rút chạy trước sức tiến công của ta và thường áp dụng những thủ đoạn nghi binh khác nhau khi rút. Nhưng giờ đây, cả một quân đoàn chủ lực của nguỵ rút chạy hộc tốc, bỏ cả Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược rất quan trọng thì vì sao? Theo lệnh ai? Hai đòn sấm sét ta đánh ở nam Tây Nguyên đã làm rung động quân địch đến thế kia ư? Đúng là đòn đánh trúng huyệt, địch bắt đầu ngấm, chỉ sau có mấy ngày. Đúng là địch đã choáng váng và rối loạn về chiến lược. Lại một sai lầm nữa rất lớn về chiến lược của chúng. Lệnh rút Quân đoàn 2 phải do nguỵ quyền trung ương ở Sài Gòn phát ra, vậy thì vấn, đề đã vượt quá phạm vi chiến dịch và lên tới tầm chiến lược. Lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, trong phạm vi chiến dịch, một quân đoàn địch được trang bị hiện đại đã phải bỏ địa bàn chiến lược quan trọng rút chạy. Tình hình này sẽ dẫn đến nhiều sự kiện quan trọng khác, có thể dẫn đến việc ta kết thúc thắng lợi nhanh chóng cuộc chiến tranh. Địch không dễ gì khoanh gọn vấn đề này được. Sự kiện này sẽ gây phản ứng dây chuyền cả về quân sự và chính trị, sẽ đụng đến cả Mỹ. Mỹ cũng không gỡ nổi cái rối loạn này. Thời cơ lớn bắt đầu từ đây rồi. Muốn nắm chắc thời cơ, trước mắt phải tiêu diệt bằng được quân địch rút chạy, phải diệt chúng ngay trên chiến trường Tây Nguyên, không để chúng thoát về đồng bằng. Phải diệt cho nhanh, cho gọn để thúc đẩy sớm quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh. Nhớ lại chuyện đã qua và suy nghĩ chuyện hiện tại, chúng tôi vừa mừng vừa sốt ruột. Suốt đêm 16 tháng 3, chúng tôi đôn đốc Sư đoàn 320 hành động khẩn trương, ra lệnh cho Bộ chỉ huy Tây Nguyên huy động thêm xe bọc thép, xe vận tải, thêm pháo và vật chất để bảo đảm cho Sư đoàn 320 truy kích tiêu diệt địch. Đồng thời, lệnh cho Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5 ở Bình Định điều động bộ đội địa phương Phú Yên lên chốt đường số 7, không cho địch chạy thoát về Tuy Hoà. Sư đoàn 968 cũng được lệnh tiến nhanh vào Pleiku, vượt qua các vị trí dọc đường để bám sát đội hình rút chạy của địch và từ phía sau đánh tới. Bộ Tư lệnh 559 cho Sư đoàn 470 công binh tiến vào tiếp quản Kon Tum - Pleiku, dập tắt các đám cháy, đón nhân dân ra vùng an toàn, tiếp quản các kho tàng của địch để lại. Từ khi ra lệnh cho đến lúc các đơn vị thực hiện được lệnh đó, nhất là lệnh truy kích tiêu diệt địch rút chạy, chúng tôi rất sốt ruột, mong tin và cảm thấy thời gian trôi chậm quá. Thực tế thì Sư đoàn 320, sau khi nhận lệnh, đã hành quân cấp tốc trong đêm 16 tháng 3. Sáng 17 tháng 3, một đơn vị đã nhanh chóng băng rừng ra cắt đường số 7, chặn được quân địch ở phía đông Phú Bổn. Địch ùn lại ở cả phía tây và phía đông Phú Bổn. Ngày 18 tháng 3, lực lượng lớn của ta đuổi kịp địch, tiến vào giải phóng thị xã Phú Bổn, tiêu diệt số quân địch bị ùn ở đây và tiếp tục đánh xuống Củng Sơn. Trong lúc đó hai tiểu đoàn bộ đội địa phương Phú Yên tiến ra cắt cầu Sơn Hoà và cùng với Sư đoàn 320 tiến vào giải phóng Củng Sơn. Quân địch hoảng loạn tan rã, bị tiêu diệt gần hết 6 liên đoàn biệt động quân, 3 trung đoàn thiết giáp, chưa kể các cơ quan của Quân đoàn 2 và mất toàn bộ xe tăng, pháo binh, xe công binh, vận tải. Đại tá nguỵ Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng biệt động quân thuộc Quân khu 2 khai với ta về cuộc rút chạy của quân nguỵ ở Tây Nguyên như sau: "Chiều 14 tháng 3, lúc tôi đang đến các đơn vị xem lại tình hình phòng thủ Pleiku thì Bộ Tư lệnh Quân đoàn gọi đi họp tại văn phòng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn. Phú cho biết vừa đi họp tại Cam Ranh với Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên và Đặng Văn Quang. Phú thuật lại cuộc họp: Thiệu hỏi Viên: - Còn quân trù bị để tăng cường cho Quân đoàn 2 không? Viên trả lời: - Không còn. Thiệu quay hỏi Phú: - Nếu không có quân tăng viện, anh giữ được bao lâu? Phú trả lời: - Tôi có thể giữ được một tháng với điều kiện không quân yểm trợ tối đa, tiếp tế bằng không vận đầy đủ nhu cầu về vật liệu vũ khí, đạn dược, bổ sung quân số đủ bù số thiệt hại nặng vừa qua. Tôi sẽ ở lại Pleiku chiến đấu và tôi sẽ chết ở đấy. Thiệu nói các điều kiện đó không thoả mãn được, mà Quân giải phóng thì đang đánh mạnh cho nên phải rút khỏi Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, lấy quân đưa về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn. Thiệu lại nói: - Rút bằng đường số 19 được không? Viên trả lời: - Trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, chưa có lực lượng nào rút theo đường số 19 mà không bị tiêu diệt. Thiệu hỏi thêm: - Thế thì đường số 14 ra sao? Viên đáp: - Đường số 14 lại càng không thể đi được. Mọi người dự họp thấy chỉ còn con đường số 7, từ lâu không dùng đến, tuy xấu nhưng tạo được yếu tố bất ngờ. Chuẩn tướng Tư lệnh phó Quân đoàn 2 Trần Văn Cẩm hỏi: - Còn các tỉnh trưởng, lực lượng địa phương và dân chúng có tổ chức cho họ rút không? Phú trả lời: - Theo lệnh ông Thiệu, bỏ lực lượng này lại, không được thông báo cho các tỉnh trưởng, cứ để họ tiếp tục chống giữ. Khi chúng ta rút xong, ai biết thì biết. Địa phương quân toàn là người Thượng thì trả chúng về với cao nguyên. Sau khi trình bày xong, Phú ra lệnh cho Cẩm và Lý, Tham mưu trưởng quân đoàn làm kế hoạch rút lui. Sáng ngày 15 tháng 3, Phú và Bộ Tham mưu chính của Quân đoàn 2 rút bằng máy bay về Nha Trang lấy lý do là để thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ huy tác chiến lấy lại Buôn Ma Thuột. Thế là Phú không tử thủ ở Pleiku như đã hứa. Những đơn vị chuyên môn rút về Phú Bổn mang theo gia đình họ. Việc này làm cho dân chúng thấy rõ ý định bỏ Pleiku. Từ đó sĩ quan binh lính khiếp sợ và gia đình họ ùn ùn kéo vào sân bay, tranh nhau lên máy bay, gây nên sự hỗn loạn. Người nào không vào được sân bay thì dùng đủ các loại xe chạy về Phú Bổn. Đường sá tắc nghẽn, quân lính tranh nhau đường đi, chửi bới, đánh nhau ầm ĩ, gây thêm nhiều cảnh hỗn loạn trên đường. Trong khi đó Liên đoàn biệt động quân 22 cũng rút khỏi Kon Tum. Tới Thanh An, Liên đoàn 25 bị Quân giải phóng đuổi kịp tập kích dữ dội, gây thiệt hại nặng. Theo kế hoạch, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và các đơn vị tác chiến phải lập tuyến phòng thủ tại Phú Bổn chờ các đơn vị cơ giới nặng và các bộ phận chuyên môn qua trước. Khi các lực lượng này tới Phú Bổn ngày 16 tháng 3 thì họ mệt mỏi, chán chường quá, cho nên họ dừng lại không đi nữa. Họ không những ở trong thị xã mà người và xe cộ còn ngổn ngang cả trên đường quanh thị xã. Giao thông trong thị xã bị tắc nghẽn vì lính dồn về đông, trong lúc đó xe cộ cứ tiếp tục ùn về. Binh lính bắt đầu phá phách, cướp bóc trong phố, gây nên cảnh tượng rất hỗn loạn. Ngày 16 tháng 3, Quân đội giải phóng bắt đầu tiến công một đơn vị của Tiểu đoàn 23 biệt động quân trên đèo Ban Blếch, gây thiệt hại nặng. Ngày 17 tháng 3, Quân giải phóng lại pháo kích vào Ban chỉ huy tiểu khu trong thị xã Phú Bổn, gây thiệt hại đáng kể cho Liên đoàn 23. Lúc này các đơn vị địa phương quân thuộc Phú Bổn đã tan rã, tự động bỏ ngũ chạy làm cho tình hình thị xã rối thêm. Quân giải phóng lại tiến công và chốt đoạn đường từ phía đông thị xã Phú Bổn đến đèo Tu Na, làm cho tình hình phòng thủ Phú Bổn suy sụp nhanh chóng. Chiều 17 tháng 3, Liên đoàn 7 gọi không quân yểm trợ. Một đoàn máy bay A.37 đến ném bom lại trúng vào quân của Liên đoàn, một tiểu đoàn gần như bị tiêu diệt. Sáng 18-3 lại bị Quân giải phóng đánh một trận nữa, liên đoàn này thiệt hại nặng, chỉ có một số rất ít vượt qua được điểm chốt. Quân giải phóng tiến vào chiếm Phú Bổn. Phú ra lệnh cho chúng tôi bỏ hết vũ khí nặng và quân dụng, chạy khỏi Phú Bổn. Tôi ra lệnh cho quân bỏ lại hết xe cộ, đại bác, đi bộ vòng rừng không qua đèo. Thiết đoàn 3 cũng bỏ hết xe chạy vào rừng sau khi bị Quân giải phóng chặn đánh nhiều lần. Quãng đường từ đèo Tu Na đến quận Sơn Hoà, các tàn quân phải lẩn trốn, chui rúc trong rừng. Sỹ quan, binh lính lại mang theo gia đình, hàng trăm, hàng nghìn người kéo sau, ồn ào, lộ mục tiêu. Quân giải phóng truy kích sát cho nên chúng tôi bị tan tác, thiệt hại rất nhiều. Binh lính mệt mỏi, không có chỉ huy, bỏ cả vũ khí, máy móc trên đường chạy. Quân ở quận Phú Túc và các đồn địa phương đều ra hàng hoặc rã ngũ, và các nơi đó đều bị Quân giải phóng đánh chiếm. Liên đoàn 6 biệt động quân là cánh quân đi sau cùng và có trách nhiệm hướng dẫn tàn quân các đơn vị khác về Sơn Hoà. Sáng 20 tháng 3, Quân giải phóng bắt đầu tiến công bất ngờ đơn vị đầu tiên của Liên đoàn 6, gây thiệt hại đáng kể. Những ngày kế tiếp, Liên đoàn rút chạy nhưng vẫn bị truy kích và bị đón đánh liên tiếp, chỉ còn một số rất ít chạy được về Tuy Hoà. Quân giải phóng vận động nhanh qua phía đông thị xã Phú Bổn, chốt chặn con đường lên đèo Tu Na, đã quyết định sự thất bại cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên của quân đội Sài Gòn. Thế là rõ. Trận Buôn Ma Thuột hiểm và mạnh quá, tiếp đến trận đánh diệt quân viện Sư đoàn 23 ở phía đông Buôn Ma Thuột nhanh và gọn quá làm cho địch hốt hoảng, rối loạn không những ở cấp sư đoàn, quân khu mà chính là động đến cơ quan đầu não của nguỵ quyền Sài Gòn. Từ sai lầm về chiến thuật, chiến dịch, bị ta đánh đau quá địch đi đến sai lẩm về chiến lược; nguỵ quyền Sài Gòn hoảng hốt ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên, đưa quân về đồng bằng hòng giữ lực lượng và giữ đất. Nhưng nào có đưa được lực lượng về đâu, có giữ được đất nữa đâu! Ta đã diệt chúng trên đường rút chạy. Mà đã sai lẩm về chiến lược rồi thì thất bại trong chiến tranh là điều chắc chắn, không sớm thì muộn. Chính chúng ta đã đưa địch đến sai lầm đó, biết tạo và nắm thời cơ, thúc đẩy quá trình thất bại của địch, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Ta nhanh hơn lên, quyết đoán hơn lên, táo bạo hơn lên, chủ động hơn lên, thừa thắng xông lên thì chắc chắn là ta thắng cuộc.