Chương 8
KẺ Ở NGƯỜi ĐI

Sau mấy ngày bàng hoàng lo ngại, cảnh đời sống trong cái trảng nhỏ ở ngang Giếng Tiên đã trở lại ấm êm vui vẻ như xưa.
Ông Hai Cường hôm nọ ra bẩm cho quan Quận hay rằng khi ra đây được ít ngày cô Lê gặp Thiên Hương cũng gốc gác ở trong Sài Gòn và cũng đồng bị nạn ái tình mà xiêu lạc ra hòn, hai cô kết nghĩa chị em mà chung sống với nhau 16 năm trời, cô Lê không nỡ bỏ bạn bơ vơ ngoài nầy mà đi về được. Lại thêm Xuân Sơn, con trai của Lê, với Thu Thủy, con gái của cô Thiên Hương từ khi mới lọt lòng thì Hai trẻ được săn sóc chung, bởi vậy hai đứa yêu nhau như ruột rà. Xuân Sơn cũng không đành rời em mà đi đâu hết. Ông Hai cậy quan Quận làm ơn viết thơ trả lời cho ông Khải Quang hiểu rõ tình cảnh khó khăn như vậy chớ không phải ông có ý không chịu làm vui lòng Khải Quang. Quan Quận lấy giấy biên mấy lời của ông Hai nói rồi biểu ông về hứa quan sẽ viết thơ mà chuyển đạt lời ấy cho bạn hiểu.
Trót gần một tháng biển lặng trời trong, cây trái xanh tươi, lòng người vui vẻ. Trong nhà ai cũng khỏe khoắn, duy có cô Lê nhức đầu nóng lạnh luôn mấy bữa, ăn ngủ không được, nên cô ốm rồi sắc mặt nhàu nhè.
Một buổi sớm mơi, chú nhơn viên của làng vô kiếm Hai Cường hôm tháng trước, chú trở về mà lần nầy còn dắt theo một ông mặc âu phục đàng hoàng, tuổi lối 45-50. Chú để ông ấy đứng ngoài sân, chú vô nhà cho ông Hai hay quan Quận dạy đưa ông khách ở Sài Gòn vô thăm ông.
Ông Hai lật đật lấy áo bận mà tiếp khách. Cô Lê đương đắp mền nằm trên ván có cô Thiên Hương ngồi một bên. Hai cô nghe nói có khách Sài Gòn vô thăm, Hai cô đều biến sắc, tưởng Khải Quang ra kiếm. Cô Lê liền tốc mền ngồi dậy. Xuân Sơn với Thu Thủy ở phía sau nhà, thấy có khách lạ nên dắt vô nghe coi có việc chi.
Ông Hai ra chào khách và mời khách vô. Ông khách dạy chú nhơn viên của làng ở ngoài kiếm chỗ ngồi chơi, chờ ông nói chuyện rồi sẽ rước ông về.
Khách bước vô giở nón chào Hai cô. Hai cô đáp lễ. Cô Lê nhìn không phải Khải Quang thì cô nhẹ bụng. Ông nầy lớn tuổi hơn, trán cao, đầu sói, bộ tướng vui vẻ đàng hoàng. Chủ khách ngồi rồi ông mới nói: „Tôi ở trong Sài Gòn, vì bận làm việc lâu năm mệt mỏi nên tôi được giấy phép cho nghỉ 29 ngày ra đây hóng gió biển. Tôi giúp việc cho ông Lê Khải Quang, nên nhơn dịp ông cậy tôi kiếm thăm ông Hai Cường với cháu ông tên cô Lê. Xin lỗi phải ông là ông Hai cuờng không?
Ông Hai nói phải. Hỏi cháu ông là ai thì ông chỉ cô Lê và chỉ luôn Xuân Sơn là con của cô cho khách biết. Khách ngó mẹ con cô Lê rồi nói: „Ông Lê Khải Quang có vết thơ gởi gắm tôi cho quan Quận và xin cho tôi ở nhờ trong quận mà hứng gió ít ngày. Ông cũng có gởi một cái thơ cho cô, cậy tôi đem giao giùm rồi chừng tôi trở về tôi rước giùm ông Hai với mấy cô mấy cháu về Sài Gòn cho tiện. Tôi ra tới hồi xế hôm qua. Tối ở tại quận và ở chừng mươi bữa hoặc nửa tháng rồi tôi mới về. Vậy ông Hai với cô có đủ thì giờ sắp đặt đặng về. Như muốn đi sớm hơn, hoặc có việc chi phải đi trễ hơn cũng được, đi sớm thì tôi về sớm, đi trễ thì tôi chờ”.
Ông khách móc trong túi lấy ra một phong thơ lớn đem lại đưa tới tay cô Lê mà nói: „Tôi ở tại quận, ông Hai với cô có cần dùng nói với tôi việc chi thì ra đó có tôi. Lại năm ba bữa tôi sẽ vô đây chơi một lần, đợi tôi vô rồi sẽ nói cũng được”.
Ông khách trở lại ngồi với ông Hai, hỏi ông ra ngoài nầy được bao lâu rồi, khen chỗ ở thanh tịnh, lại khen vườn lập tốt quá. Ông nói chuyện một hồi rồi để cho cô Lê thong thả đọc thơ nên ông cáo từ đặng trở về quận mà nghỉ, hẹn trong vài bữa ông sẽ vô chơi nữa.
Ông Hai Cường ra kêu chú nhơn viên của làng đưa khách đi rồi ông muốn biết liền coi Khải Quang gởi thơ nói chuyện gì, nên ông trở vô biểu cô Lê xé bao thơ mà đọc cho ông nghe.
Cô Lê nói thơ viết dài lắm hay sao mà bao lớn lại nặng quá. Cô đưa cho Xuân Sơn biểu ngồi một bên cô mà đọc đặng bà con nghe chung. Thu Thủy theo ngồi sau lưng Xuân Sơn. Ông Hai cũng qua bên bộ ván mà ngồi gần đặng nghe cho rõ.
Xuân Sơn ngồi giữa, cả nhà ngồi bao chung quanh. Chàng mở ra thì có một bức thơ với một ghim giấy bạc. Chàng trao ghim giấy bạc cho mẹ rồi đọc thơ như vầy:
Cùng bạn chung tình,
Em ôi! tưởng là đời của qua hư hỏng, qua không dè qua còn được hưởng phước như vầy!
Tiếp được thơ thứ nhứt của quan Quận cho hay đã tìm đuợc chú Hai với em rồi, cả Hai người dều an vui khỏe mạnh, mà em lại sanh được con trai năm nay đã 16 tuổi. Qua vui mừng hết sức. qua liền viết thơ cậy quan Quận lập thế đưa giùm chú Hai với mẹ con em về Sài Gòn mau mau, không có chi mà phải suy nghĩ hay bàn tính.
Có lẽ thơ của qua chưa ra tới Phú Quốc thì qua lại tiếp được thơ thứ nhì của quan Quận nói rằng em với Xuân Sơn đều không nỡ bỏ mẹ con cô Thiên Hương mà đi về.
Qua bối rối lại nóng nảy quá chịu không đuợc. Đường sá xa xôi, giao thông bất tiện. Thơ từ đi lâu, lại nói không cạn lời. Qua mới xin cho ông Phán Cao là người tâm phúc của qua, nghỉ phép 29 ngày, và cậy ông đem thơ nầy ra Phú Quốc, thuật hết việc nhà của qua cho em với chú Hai nghe, rồi xin ruớc hết về Sài Gòn, rước luôn mẹ con cô Thiên Hương nữa.
Lòng dạ của qua trước sau cũng vậy. Còn bạn của em tức thị bạn của qua. Vậy xin em đừng ái ngại chi hết, cứ thâu xếp đặng đem nhau về cho mau. Qua trông đợi em lắm, trông đợi đặng thưởng thức cái thú vợ chồng, cha con sum hiệp một nhà, để bù trừ nỗi khổ 16 năm ly biệt của đôi ta.
Truớc kia vì nặng hiếu nên qua phải nhẹ tình. Bây giờ chữ hiếu đã vẹn toàn, thì chữ tình hết trở ngại.
Qua có giao riêng cho ông Phán Cao một số tiền đủ làm lộ phí mà rước em. Qua gởi một ngàn đồng bạc cho em theo thơ nầy để em có thiếu đủ ai thì trả cho người ta. Nếu em lỡ có nhà cửa thì em kêu họ mà cho hoặc bỏ hoang, đừng thèm tiếc.
Ông Phán Cao đi thì qua trông đợi em đêm ngày, vậy xin em về cho mau.
người bạn chung tình không bao giờ quên em,
LÊ KHẢi QUANG
Ông Hai Cường nghe đọc dứt rồi ông vùng đứng dậy mà nói: „Rõ ràng có phải là bợm bội bạc xỏ lá đâu. Người ta biết giữ tròn chung thủy. Nếu mình sống vì mình chớ không chịu vì người thì mình hóa ra là người bội bạc, không biết tình nghĩa hay sao? Khổ dữ a! Tính làm sao bây giờ!”
Thu Thủy lấy bức thơ cầm ra cửa đứng mà coi lại, Xuân Sơn đi theo đứng kề vai mà xem chung nữa.
Cô Thiên Hương nói: „Viết thơ không dùng lời âu yếm, không theo điệu thơ tình, chỉ lấy sự thiệt mà nói, vậy mới thấy rõ tình trung thành chơn chính. Mẹ con Xuân Sơn thế nào cũng phải về, chớ thối thoát sao phải”.
Cô Lê nói: „Em đương bịnh đi xa sao được. Mà em đi thì chị cũng phải đi với em”.
Cô Thiên Hương nói: „Tuy ông Khải Quang biểu mẹ con chị cũng phải đi, song phận chị khác, nên chị cần phải suy nghĩ lại. Còn chú Hai, chú cũng phải đi theo mẹ con Xuân Sơn về trỏng mà ở chớ”.
Ông Hai Cường tư lự rồi đáp: „Chú nghĩ lại chú về trỏng mà làm giống gì, chú đã già rồi, lại không có vợ con. Mẹ con Xuân Sơn đã được Khải Quang lãnh mà bảo bọc, thì chú rảnh tay hết lo nữa. Chú tưởng chú nên ở luôn ngoài nầy sống giữa cảnh thiên nhiên, an hưởng thú nhàn lạc, ngoài vòng trần tục, bạn với nước non, thì khỏe hơn nhiều. Hơn nữa lập cái vườn nầy công lao của chú nhiều quá, chú không nỡ bỏ mà đi. Mẹ con Xuân Sơn có chịu về thì đi theo ông Phán Cao đó được. Nếu muốn có đi nữa thì chú đưa vô giáp mặt Khải Quang, chú ở chơi ít bữa rồi chú trở ra ngoài nầy đặng chú săn sóc vườn tược của chú. Sau chú già, chú nằm giữa cảnh thiên nhiên nầy, mồ mả cũng được thanh cao”.
Cô Thiên Hương mừng và nói: „nếu chú ở đây thì con ở với chú, con lo cơm nước cho chú, chú cháu hủ hỉ với nhau, con vui lòng lắm”.
Cô Lê hỏi: „Còn Thu Thủy, chị tính làm sao?“
Cô Thiên Hương ngó Hai trẻ còn đứng coi thơ với nhau, cô mới nói: „Việc đó để tối hay mai chị sẽ bàn riêng với em và chú, không gấp gì.“
Ông Hai nói: „Trong thơ Khải Quang có nói ông Phán Cao sẽ thuật việc nhà của người cho mình nghe. Hồi nãy ông Phán hứa vài bữa sẽ trở vô đây chơi. Vậy đợi ông vô rồi chú hỏi coi người vợ giàu cha mẹ cưới cho người hồi truớc đó bây giờ ở đâu và cha mẹ rầy rà buộc phải xa con Lê, mà sao người nói đã tròn chữ hiếu nên bây giờ đem mẹ con Xuân Sơn về cho vẹn chữ tình. Để hỏi lại cho rõ tình cảnh rồi mình mới nhứt định được”.
Nên đi hay nên ở, việc đó tuy chưa quyết định, song được thơ của Khải Quang thì cô Lê với cô Thiên Hương không buồn, mà ông Hai cũng không bối rối như hôm trước nữa. Còn Hai trẻ thấy trong thơ Khải Quang xin rước đi hết, tuy chúng nó không mừng song cũng hết lo nữa, vì chúng nó nghĩ dầu ở dầu đi nữa chúng nó cũng khỏi rẽ phân, miễn được sống chung với nhau một nhà thì vui, dầu ở đâu cũng được.
Cách một bữa, ông Phán Cao trở vô nữa. Đã biết đường rồi nên lần nầy ông không cần cậy người của làng dắt đi nữa. Ăn cơm trưa với quan Quận rồi ông bận áo sơ mi, quần sọt cho mát và gọn, tay lấy một cây gậy chống mà đi, tính đi đến chiều sẽ về.
Ông Hai Cường thuộc hạng bình dân. Nhờ ông đã dày dạn phong trần, nên ông lịch lãm nhơn tình thế thái. Nghe đọc thơ của Khải Quang rồi lại đuợc nghe ông Phán nói chuyện hễ chừng nào mẹ con Xuân Sơn đi được thì ông về, sớm hay muộn cũng được, thì ông không nói ra nhưng ông dư biết ông Phán nầy muợn cớ nghỉ hứng gió, chớ kỳ thiệt ông là người tâm phúc lanh lợi của Khải Quang nên Khải Quang cậy đi thuyết khách mà dụ mẹ con Xuân Sơn về cho mau. Hôm qua ông Phán không vô là cố ý để cho chú cháu đọc thơ rồi bàn tính, thế nào bữa nay cũng vô lại mà khuyên dỗ, bởi vậy ăn cơm sớm mơi rồi ông ra vô mà chờ.
Thiệt quả cách chẳng bao lâu, ông Phán Cao vô tới. Đã quen rồi nên ông đi ngay vô nhà, vui vẻ chào từng người. Ông lột nón bỏ trên bàn, dựng cây gậy dựa vách, rồi kéo ghế mà ngồi, không đợi chủ nhà mời. Ông bắt đầu nói hôm kia ông vô thấy cô Lê trùm mền, vóc ốm, nước da mét, ông chắc cô bị rét, vì ở giữa rừng hay có bịnh đó, ông về hỏi quan Quận mà xin một chục ký ninh trao cho cô Lê uống. Ông móc túi lấy gói ký ninh trao cho cô và dặn mỗi ngày cô uống hai viên, sớm mơi một viên, chiều một viên, ăn cơm rồi thì uống liền; uống vài bữa cho hết làm cữ rồi cô giảm bớt, mỗi bữa uống một viên, uống hêt một chục viên đó thì rét dứt. Cô Lê cám ơn.
Rồi ông kiếm chuyện dông dài mà nói, ông khen ngoài nầy phong cảnh đẹp, khí hậu tốt, có núi cao biển rọng nên đêm ngày mát mẻ lôun luôn, lại có cá biển đủ thứ ăn ngon mà giá rẻ, còn có nước mắm nhỉ, có mắm nêm cá cơm ăn mê quá. Ra đến đây thấy phong thổ điều hòa, bề ăn uống sung sướng, hết muốn trở vô Sài Gòn. Hèn chi hồi trước ông chú ra chơi rồi ở luôn ngoài nầy nghĩ cũng phải lắm.
Ai nấy tưởng ông Phán muốn nhập đề, té ra ông vừa xáp vô rồi lại dang ra mà nói qua thổ sản, nói việc trồng tiêu, nói việc lấy huyền, nói nghề chài lưới. Ông Hai Cường nóng nghe việc nhà Khải Quang, tính kéo ông Phán xáp vô lại nên ông nói:
- Thiệt hồi trước chú cháu tôi không biết phong thổ Phú Quốc là thế nào. Vì cậu Khải Quang hồi đó là hạng thanh niên tân tiến, cậu quyết thực hành cái thuyết tự do kết hôn, cậu thỏa thuận với con cháu tôi đây rồi Hai đàng làm vợ chồng với nhau. Chừng con cháu tôi có nghén, cha mẹ cậu Khải Quang sanh giặc bắt nhốt cậu ở nhà, rồi đi cưới vợ cho cậu đâu trong Chợ Lớn. Anh chị tôi cũng không chịu cái thuyết tự do kết hôn đó nên đánh đuổi con cháu tôi. Tôi không theo cái thuyết nào hết, tôi có tật hay thương người lỡ bước chơi vơi, tôi không nỡ buộc cậu Khải Quang xung đột với mẹ cha mà mang chữ bất hiếu, tôi cũng không đành để cho con cháu tôi hổ thẹn ăn năn mà tự tử tầm bậy như nhiều cô gái khác. Tôi mới an ủi rồi đem cháu tôi ra đây mà xa lánh trần tục rộn ràng đặng an hưởng cảnh thú thiên nhiên trời biển. Mười mấy năm nay chú cháu an thân khỏe trí không muốn biết tới việc đời nữa. Cậu Khải Quang tính rước chú cháu tôi về làm chi? Cậu đã có vợ khác, vợ của cha mẹ cưới. Cha mẹ cậu lại không ưa con cháu tôi. Nếu chú cháu tôi về Sài Gòn thì gia đạo của cậu xào xáo, mà chú cháu tôi lại mất cái thú an vui với núi rừng trời biển nầy, về mà không đàng nào có lợi hết thì về làm chi?
- Tôi làm việc với ông Khải Quang mười bảy năm nay tôi biết rõ gia đạo của ổng hết. Bây giờ đổi khác, chớ không phải như hồi trước. Cha mẹ ông thuộc bực phú hào có con học giỏi, xuất thân làm việc được ngồi địa vị có tương lai rực rỡ. Hai ông bà, nhứt là bà muốn kiếm chỗ giàu sang mà làm sui đặng đương môn đối hộ. Ý mấy người thủ cựu thì vậy đó nên ép buộc ông phải bỏ cô đây rồi đứng cưới con gái của một nhà phú thương trong Chợ Lớn cho ông. Vì trái tim của ông Khải Quang đã có người làm chủ rồi, bởi vậy cưới vợ về thì ông lãng lơ, lãnh đạm. Tuy vợ của cha mẹ cưới ông không dám hân hủi, song đối với vợ, ông không tình chi hết. Bà vợ tưởng mình giàu sang về nhà chồng sẽ được chồng yêu thương, chiều chuộng. Té ra ban đêm chồng cứ lo đọc sách, không dắt vợ đi chơi mà có đi thì đi ăn tiệc hoặc đi chơi với anh em, không chịu đem vợ theo. Ở trong tình cảnh ấy, bà vợ tự nhiên cũng không dan díu với chồng được. Bà thất vọng, nhưng cũng nán ở với chồng được ba năm. Sau bà chán nản quá, nên mượn cớ bịnh hoạn xin về ở với cha mẹ ít ngày đặng uống thuốc, rồi lần lần dang ra. Được một năm vợ chồng không khác. Sui gái sợ mang tiếng, mới ra xin với sui trai mà ly dị, chớ vợ chồng không có tình với nhau ấy là tại không phải căn duyên, thôi thì rời rã phứt cho xong. Bà sui trai cự nự lắm, chớ Khải Quang với ông già thì sẵn lòng phân ly. Đàng gái muớn trạng sư vô đơn xin để. Tòa lập thế hòa giải, cả năm mà không được lên án cho phá hôn thú. Ấy vậy cuộc vợ chồng đương môn đối hộ của ông Khải Quang kéo dài trước sau có năm năm rồi rời rã mà may không có con lòng thòng. Bà già ông còn kiếm chỗ khác đặng làm sui nữa. Ông già không cho. Ông nói năm trước Khải Quang có kết tình với cô nào đó nghe nói đã có thai. Vậy thì nên đem cô ấy về đặng vợ chồng đầm ấm mà mình lại có sẵn cháu nội. Bà già nhứt định không chịu. Ông Khải Quang cũng nhứt định không cưới vợ khác. Ông thấy cha một bụng với ông nên viết thơ ra Phú Quốc cậy kiếm giùm. Ông tính rước về, ông muốn để ở riêng. Té ra kiếm không được. Ông Khải Quang cũng không chịu cưới vợ, quyết ở vậy mà chờ. Cách năm sáu năm sau, bà già mất, ông già nhắc Khải Quang rán tìm người cũ, nếu không có chồng thì rước về đặng coi sóc việc nhà. Khải Quang viết thơ cậy kiếm giùm nữa, mà kiếm cũng không ra. Năm nay may có người bạn học hồi trước đổi ra đây. Khải Quang mới viết thơ nói rẽ ròi và cậy mướn người chịu khó đi hỏi từ nhà, đi khắp trong rừng, trong núi mà hỏi, nên tìm được đây. Ông cụ hay tin tìm được, cụ mừng quá. Nghe nói mười mấy năm cô không lấy chồng, cứ ở vậy mà nuôi con, lại được con trai năm nay đã 16 tuổi, thì quí lắm, bởi vậy ông cụ thôi thúc Khải Quang phải làm sao rước hết về cho mau. Tại vậy nên ông Khải Quang vì phận sự ràng buộc ông đi không được, ông mới cậy tôi đi thế, căn dặn tôi phải làm sao rước cho được, ở bao lâu thì ở, phải rước cho được thì mới về”.
Ông Hai Cường vui vẻ nói: „Tình của cậu Khải Quang dẻo dai bền bỉ quá! Mà có việc như vầy mấy ổng mấy bả ở theo xưa họ mới thấy vợ chồng yêu nhau gia đình mới đầm ấm, chớ không phải như đương môn đối hộ. Làm cha mẹ, dầu có con trai hay con gái cũng vậy, hễ biết con nó dành chỗ nào, mình dọ hỏi nếu không phải là nhà trộm cướp hay hung dữ, hay ngang ngược thì mình cho cưới gả, không cần cao thấp hoặc nghèo giàu. Con mình nó có phước đức riêng của nó. Mà rủi ro nó yêu lầm, nó chọn sai thì nó chịu, mình khỏi bị nó phiền trách”.
Ông Phán Cao cũng cười mà nói: „Ông chú già mà trí ý theo thế hệ mới, thiệt đáng khen. Tôi kính phục ông chú rồi. Ông cụ ở trển cũng vậy. Cụ dễ dãi muốn chiều theo ý con. Duy có bà cụ hồi trước gắt gao, ăn ở theo xưa quá, làm cho đời của ông Khải Quang phải lạt lẽo buồn hiu hết mười mấy năm nay. Mà bây giờ tìm được đây, vậy cũng là may. Có lẽ Trời Phật thấy tình ông nặng nề bền vững nên động lòng phải cho ông sum hiệp với vợ con đặng ông vui thú gia đình trong khoảng đời sau, mà cũng cho ông cụ có dâu có cháu nội trong nhà đặng ông cụ vui vẻ với ngày già của cụ”.
Ông Phán hỏi cô Lê biết nhà của ông Khải Quang hay không. Cô Lê nói biết, nhà ở Cầu Kho.
Ông Phán mới nói tiếp: „Bây giờ Hai cha con cũng còn ở cái nhà lầu đó, song tu bổ lại coi đẹp lắm. nhà rộng thinh thinh mà ông Khải Quang thì mắc đi làm việc không có ở nhà. Ông cụ thì ở trên lầu, bỏ từng dưới vắng hoe để cho bồi bếp coi chừng chớ không có ai ở. Mấy bà con về ở từng duới, có ba bốn cái phòng, thiếu gì chỗ ngủ. Tôi rước về đây ông cụ mừng lắm, bởi vì ở một mình, con mắc làm việc, tối ngày không có ai mà nói chuyện, thì vui sao được”.
Xuân Sơn hỏi: „Có vườn hay không”.
Ông Phán nói: „Có chớ. Nhưng ở Sài Gòn đâu có đất rộng mà lập vườn lớn như ở ngoài nầy, nên trồng cây trái chút đỉnh trước sân với chung quanh nhà mà thôi. Tuy vậy mà nhà của ông nội cậu cũng có trồng vú sữa, lu-cu-ma và nhãn”.
Xuân Sơn hỏi: „Vú sữa là cây gì?”
Ông Phán nói: „Tại ngoài nầy không có nên cậu chưa biết. Về trỏng rồi cậu sẽ thấy. Có đủ thứ trái cây hết, có tới nho tươi, xá lỵ, bom, ở ngoại quốc chở vô bán nữa, thứ nào ăn cũng ngon”.
Ông Phán nhận thấy ông mới nói chuyện lần đầu mà cả nhà ai cũng vui mà nghe, ông không muốn nói nhiều nữa, sợ người ta nghĩ ông chuốt ngót đặng dụ dỗ. Ông mới đứng dậy xin phép với ông Hai cho ông đi xem vườn chơi.
Ông Hai Cường sẵn lòng bèn vui vẻ đứng dậy đi với ông Phán Cao.
Xuân Sơn với Thu Thủy nghe ông Phán nói chuyện nãy giờ, Hai trẻ có thiện cảm với ông nên đi theo đặng nghe ông nói chuyện nữa.
Xem vườn tiêu, ông Phán nói thuở nay ông mới được thấy dây tiêu lần đầu. Ông cứ rờ rẫm mấy chùm trái, hỏi Xuân Sơn chùm nầy chừng nào chín mà hái được, hỏi Thu Thủy tiêu để ăn hay là bán, có ai tới mua hay không. Ông kiếm chuyện mà nói với hai trẻ nhiều hơn là nói với ông Hai, rõ ràng ông chủ ý chinh phục lòng yêu mến của hai trẻ.
Ông Hai Cường có cặp mắt tinh đời, ông dòm tới thâm tâm của ông Phán, nhưng ông làm lơ để xem coi mánh lới của ông nọ sẽ có hiệu quả gì?
Ông Phán ra xem suối nước, khen suối nước trong, rủ hai trẻ qua suối đặng ông xem rẫy thơm, thấy thơm chín ông muốn ăn. Thu Thủy chạy vô nhà lấy dao kiếm đốn đuợc Hai trái rồi Xuân Sơn gọt một trái cho ông ăn thử, ông khen thơm ngọt.
Ông Hai dắt đi coi mấy cây dừa trồng theo mé suối, trái sai oằn, xem mấy hàng xoài đương trổ bông rồi trở qua xem mấy hàng chuối vườn mít.
Ông Phán ngó hai trẻ vừa cười vừa nói: „Ở đây có vườn tươi tốt quá, hèn chi hai cháu quyến luyến không muốn bỏ mà đi. Hai cháu về Sài Gòn còn có nhiều thứ trái cây khác nữa. Về trển rồi bác đưa đi lên phía Lái Thiêu có những vườn sầu riêng, măng cụt, lôm chôm cũng đẹp lắm”.
Trở vô nhà ngồi nói chuyện chơi đến nửa chiều rồi ông Phán tính về. Ông cậy Xuân Sơn đưa giùm ông đi một khúc đường vì đường rừng vắng vẻ lạ lùng nên đi một mình ông có hơi ái ngại.
Xuân Sơn sẵn lòng đưa ông đi liền, nói đưa ra tới chợ cũng được. Thu Thủy nói nàng cũng đi nữa, đi theo chơi cho vui. Ông Phán dặn cô Lê ăn cơm chiều nhớ uống một viên ký ninh rồi ông từ giã mà đi với hai trẻ.
Khách về rồi, cô Lê và cô Thiên Hương đều khen ông Phán vui vẻ, hai cô nói cười chớ không buồn lo như bữa trước vậy nữa. Ông Hai Cường thì nói nhờ ông Phán mình mới hiểu rõ gia đạo của Khải Quang; tại bà mẹ lựa chọn chỗ đương môn đối hộ mà làm sui, nên con với đâu khổ vì tình yêu, rồi chịu lỡ làng niềm chồng vợ. Còn Khải Quang năm trước ly dị được người vợ của cha mẹ cưới rồi chàng mới lo tìm kiếm người xưa, bà mẹ gắt gao đã qua đời rồi, còn ông cha dễ dãi rộng dung, ông buồn vì số phận cô đơn, nên chàng mới sốt sắng nong nả ruớc cho được vợ con đem về cho chàng trọn nghĩa chung thủy và cho cha an ủi buổi nhành dâu xế bóng. Cả ba người đều bàn luận về trí ý của cha mẹ Khải Quang không giống nhau và phê bình tình thành thiệt của chàng, nhưng chưa ai dám động tới vấn đề đi về Sài Gòn hay là nên từ chối mà ở luôn ngoài hòn đặng hưởng cảnh thú thiên nhiên, vui với trời cao lồng lộng, biển rộng thinh thinh, quên cả lợi danh phú quí.
Còn ông Phán Cao đi về dọc đường, ông đi giữa để Xuân Sơn với Thu Thủy đi cặp hai bên ông. Ông kiếm chuyện mà nói cho Hai trẻ vui, tả những cảnh tốt đẹp, thuật các cuộc vui chơi ở đấy Sài Gòn. Ông khoe những lầu đài lộng lẫy, những đuờng sá sạch sẻ thẳng băng, xe hơi qua lại dập dìu, nam thanh nữ tú áo quần lòe loẹt. Tới một viên đá, ông ngồi đó nghỉ chưn, biểu hai trẻ ngồi trước mặt ông rồi ông móc túi lấy ra một tấm hình nhỏ của Khải Quang mà trao cho Xuân Sơn và nói: „Cháu coi cho biết mặt mày và hình dáng của ba cháu”.
Xuân Sơn cầm tấm hình chụp của cha mà nhìn. Thu Thủy ngồi khít một bên, nàng để cái càm trên vai anh mà xem chung.
Xuân Sơn nhìn một hồi rồi hỏi ông Phán:
- Thiệt người nầy là cha của con hay sao?
- Ông đó a.
- Thuở nay con chưa gặp lần nào.
- Cháu ra ngoài nầy hồi ở trong bụng mẹ làm sao mà gặp được. Ổng trông con lung lắm nên biểu qua ra rước con đấy. Ổng làm lớn, giàu có sang trọng, đi làm việc hay đi đâu cũng đi xe hơi, chớ không bao giờ đi bộ. Còn ông nội cháu thì vui lắm, tóc râu đều bạc mà còn mạnh. Ông cụ căn dặn qua thế nào cũng phải rước cho được cháu về ở với cụ. Cụ nói hễ cháu về tới cụ mua thêm một chiếc xe nữa, mua xe lớn, để chiều chiều cụ đi chơi với hai cháu. Cụ giàu lớn lắm, tiền bạc thiếu gì. Cháu về trỏng sung sướng quá cháu à. Chiều đi hứng mát có sẵn xe hơi cho mà đi, bữa vô vườn bách thú coi cọp, coi voi, coi nai, coi sấu, coi chim cò đủ thứ, hoặc qua bến tàu coi tàu binh, tàu hàng, chiếc nào chiếc nấy lớn thinh thinh, đậu chật sông. Tối muốn ăn cơm Tây ra nhà hàng ngoài Sài Gòn, còn muốn ăn cơm Tàu thì vô cao lầu trong Chợ Lớn. Ăn uống no nê rồi muốn đi xem chớp bóng hay muốn xem hát cải lương tuỳ ý, có đủ thứ hát cho mà xem.
- Con bận quần áo lôi thôi như vầy đi chơi đuợc hay sao?
- Ôi! Cái đó mà lo gì cháu. Ở Sài Gòn người ta có máy may nên may đồ lẹ lắm. Hễ cháu về tới qua sai đi kêu thợ lại đo mà may đồ Tây như qua đây cho cháu bận đi chơi và may hàng lụa cho cháu bận ở trong nhà. May một ngày thì cháu có đồ mà bận.
- Con nghe má hai nói xe hơi mà con chưa thấy.
- Về tới nhà thì cháu thấy liền. Tốt lắm mà chạy máy lại êm ru, ngồi trong xe sung suớng như tiên.
- Hai trẻ nhìn nhau mà cười.
Ông Phán thấy cá đã ngậm mồi nên ông đứng dậy nói để về kẻo tối. Ông biểu hai trẻ trở lại, vì tới đây rồi thì ông đi về một mình được. Hai trẻ không chịu quyết đưa ông xuống tới chợ rồi sẽ trở về cũng chưa tối đâu mà sợ.
Ba người đi nữa. Xuân Sơn xin để cho mượn tấm hình đem về coi chơi. Ông Phán nói như muốn thì ông cho luôn cũng được.
Tới chợ rồi, ông Phán hối Hai trẻ trở về kẻo ở nhà trông.
Xuân Sơn và Thu Thủy từ khi lớn lên thì ngoài ông ngoại với mẹ ra, duy có nghe một mình sư cụ ở am An Viên là người lớn, đàm luận việc đời mà thôi. Mà sư cụ là tiêu biểu của phái ẩn dật, bởi vậy sư cụ luôn tán tụng hạnh phúc do đời sống thiên nhiên gây ra, vui với trời biển, núi rừng, khỏi tranh đua rần rộ.
Vốn tánh tình chất phác, lại nhiễm với cảnh sống thiên nhiên đó nữa, hai trẻ không bao giờ mong mỏi sự vui suớng nào khác hơn là tình đầm ấm thân yêu trong nhà.
Hôm nay ông Phán Cao là tiêu biểu của phái danh lợi, ông trang ra nhiều cảnh đời vui sướng khác nữa, ông kêu gọi trí háo kỳ của hai trẻ, làm cho hai trẻ lộn xộn trong lòng. Trí non nớt, tánh thiệt thà, hai trẻ có dè ông Phán Cao là quí danh lợi đâu, bởi vậy đi về dọc đường hai trẻ trầm trồ cảnh đời sống thần tiên của ông Phán mới nhem thèm đó. Tuy hai trẻ chưa tỏ ý muốn bỏ Phú Quốc mà về Sài Gòn, song trong trí đã vởn vơ những nhà lầu, xe hơi, ăn cơm ngon, mặc áo tốt, rồi trong lòng phới động. Nhứt là Xuân Sơn thấy chơn dung của cha, rồi lại đuợc nghe ông nội trông đợi, thì chàng bâng khuâng, khoăn khoái, rồi bối rối vô cùng. Phải đi về Sài Gòn hay không? Hai mẹ với Thu Thủy chịu đi với mình hay không? Nếu đi có một mình thì vui với ai?
Tuy vậy về đến nhà Hai trẻ thấy mẹ thì hớn hở mừng vui. Xuân Sơn đưa chơn dung của cha mà khoe với mẹ. Cô Lê với cô Thêin Hương nhìn tấm hình chụp rồi trao cho ông chú xem nữa. ông Hai Cường nói phải hình của Khải Quang, nhưng bây giờ trộng tuổi trên mặt khằn hơn lại ốn hơn hồi trước.
Ăn cơm chiều rồi cô Thiên Hương nhắc cô Lê uống ký ninh. Mấy bà con ráp nói chuyện Khải Quang nữa. Hai trẻ thuật lại cho ông ngoại với hai mẹ nghe các điều ông Phán Cao nói với chúng nó hồi chiều. Ông Hai Cường biết ông Phán chăm nom cám dỗ hai đứa nhỏ, nhưng ông không nói ra, muốn để coi sắp nhỏ với hai mẹ chúng nó có say mê hạnh phúc rực rỡ giàu sang mà bỏ hạnh phúc thiên nhiên nhàn lạc hay không. Về phận ông thì thiệt ông không ham gì hết, ông muốn lục đục ở đây mà vui với cảnh trời nước và hưởng thú an nhàn vậy thôi. Ngặt ông dòm lại thì hai con chưa phải già, hai cháu còn khờ dại, ông không nỡ cám dỗ con cháu vùi thân trong chốn núi rừng mà sống với cảnh đời ẩn dật như ông, muốn để cho chúng nó thong thả mà chọn lựa.
Còn cô Lê với Thiên Hương thiệt cũng hết ham rộn ràng danh lợi, mà hay Khải Quang nặng tình bền chí thì Hai cô động lòng, nên không nỡ vì tình mà làm khổ cho người, bởi vậy hai cô cũng lưỡng lự không biết nên đi hay nên ở, chưa dám quả quyết.
Bữa sau, ăn cơm sớm mơi rồi, ông Phán Cao lẽo đẽo vô nữa. Ông hỏi cô Lê có uống ký ninh theo lời ông dạy hay không. Cô nói có uống hai viên rồi và bữa nay không còn ướm lạnh nữa. Ông khuyên cứ tiếp tục uống hoài, uống hết một chục viên tự nhiên dứt bịnh, ăn ngủ được.
Ông Phán hỏi Xuân Sơn chung quanh đây có cảnh nào đẹp thì dắt ông đi xem chơi cho biết. Xuân Sơn với Thu Thủy muốn nghe ông thuật chuyện trong Sài Gòn nữa nên khoe Giếng Tiên và chùa Phật, rồi Hai trẻ dắt ông đi.
Ông Hai Cường nghĩ việc đi hay ở phải quyết định cho rồi đặng sắp đặt, chớ không lẽ để day dưa hoài. Thừa dịp Hai đứa nhỏ vắng mặt, ông mới hỏi cô Lê với cô Thiên Hương coi Hai cô liệu lẽ nào.
Cô Lê lưỡng lự, cô phú cho chú liệu định.
Cô Thiên Hương nói: „Đọc thơ của ông Khải Quang rồi hổm nay con suy nghĩ lung lắm. Con xin chú cho phép con tỏ ý của con cho chú nghe thử coi. Thiệt hai chị em con sống hẩm hút mà yên ổn mười mấy năm nay chị em con đã quen rồi không còn ham muốn điều chi nữa. Ngặt bây giờ được biết Khải Quang có lòng thành thật, tại bà mẹ khó nên ngày trước người phải xa má thằng Sơn. Bây giờ các cái khó đã chấm dứt, Khải Quang mong mỏi muốn rước vợ con về đặng chung sống hưởng phú púi. Ông thân người hòa thuận nên cũng gắn bó đem dâu với cháu nội về đặng gia đình đoàn tụ cho vui. Khải Quang sợ má thằng Sơn không bỏ con ở đây bơ vơ mà đi, nên sẵn lòng rước luôn mẹ con của con về mà nuôi nữa. Người cư xử đủ tình đủ nghĩa như vậy, mình không phép phụ phàng. Vậy mẹ con thằng Sơn phải về cho vợ chồng, cha con, ông cháu hiệp hòa một cửa chớ không phép thối thoát. Còn phận con thì cha mẹ hai bên đều không nhìn nhận con là người trong thân tộc. Nếu con về Sài Gòn thì nhờ ơn Khải Quang mẹ con sung sướng tấm thân, ngặt con làm gai mắt cho thân tộc đôi bên dường như con có ý trêu bẹo đặng khiêu khích, con đã có lỗi, mà làm cho lỗi thêm nặng nữa. Hôm trước chú nói chú tính ở luôn ngoài nầy vì chú không đành rời khỏi cảnh vui sướng thiên nhiên mà cũng không nỡ bỏ ngôi vườn của chú dày công gầy dựng. Vậy nên để cho mẹ con thằng Sơn theo ông Phán mà trở về Sài Gòn; còn con ở đây đặng mẹ con hủ hỉ với chú cho vui. Còn việc nầy nữa: Xuân Sơn với Thu Thủy từ khi mới lọt lòng mẹ thì bú chung, ngủ chung, chơi chung, ăn chung, học chung với nhau, bởi vậy hai đứa nó không rời nhau. Cách vài tháng trước hai con thấy chúng nó dan díu quá nên lo ngại nghĩ thế nào cũng phải để cho chúng nó phối hiệp vợ chồng. Nhưng mới 16 tuổi, nhỏ quá nên phải giữ gìn, đợi mười chín đôi mươi rồi sẽ cho phối hiệp. Mà ở chung một nhà, đi chơi chung hoài, không phải dễ gìn giữ được. Vậy nhơn dịp nầy mà rẽ phân cho mỗi đứa ở một nơi, đợi vài ba năm lớn khôn rồi sẽ cho chúng nó ăn ở với nhau. Con tưởng ý con như vậy nếu chú chịu thì đâu đó đều được việc hết.”
Cô Lê nói: „Chị tính như vậy thì phải lắm. Nhưng em nghĩ như vầy; mình nghe ông Phán nói chớ chưa dám chắc tình cảnh của cha thằng Sơn phải vậy hay không. Tốt hơn là em nán ở lại đây để chú dắt Sơn về Sài Gòn cho nó gặp cha với ông nội trước, coi tình ý người ta đối với nó thể nào. Nếu thiệt người ta thương yêu nó, muốn ép buộc nó ở, mà nó cũng vui lòng chịu ở, thì chú tỏ thiệt tình yêu của nó đối với Thu Thủy cho cha nó biết, rồi để nó ở lại mà ăn học vài năm. Chừng nó khôn lớn mình sẽ đưa Thu Thủy vô đặng hai đứa phối hiệp. Nếu nó có nhớ cháu thì cháu sẽ vô sau. Còn nếu người ta lơ là nguội lạnh không có tình gì lắm, hoặc thằng Sơn không chịu ở thì chú dắt nó về đây. Em nghĩ bây giờ mẹ con em theo ông Phán mà đi một lượt có nhiều điều bất tiện: thứ nhứt Thu Thủy thấy mẹ con em đi hết, nó tưởng Sơn bỏ nó buồn rầu, thứ Hai em vô đó mà người ta lãnh đạm với em thì khó cho em trở ra, dầu có dễ đi nữa cũng hổ thẹn với thiên hạ. Em lấy cớ hiện giờ em không được mạnh khỏe, để ít tháng rồi em sẽ vô sau. Con tính như vậy chú nghĩ coi phải hay không, chú. Chú đi với Xuân Sơn, Hai chị em con với Thu Thủy ở nhà có em Diệp phụ nên không lo gì. Mà chú về trỏng ở chơi mười bữa hoặc nữa tháng rồi chú trở ra, dầu Sơn chịu ở hay không cũng vậy, thì vườn tược có chị em con săn sóc nên không hư hao gì mà lo. Chú nghĩ sao?
Ông Hai Cường ngồi trầm ngâm một chút rồi ông nói: „Tính như Lê vậy phải hơn Thiên Hương. Nếu để cho ông Phán rước mẹ con Lê đi hết thì Thu Thủy sợ Sơn bỏ nó rồi nó buồn tủi tội nghiệp. Mà còn sợ Sơn cự nự không chịu đi, đòi phải có Thu Thủy theo nữa chớ. Chú đưa nó đi một mình, nói đem nó vô Sài Gòn cho nó thăm ba với ông nội rồi nó trở về ngoài nầy với chú, thì có lẽ hai đứa đều yên lòng hết. Vô Sài Gòn, Sơn thấy vui chắc nó mê, rồi như cha nó thiệt muốn nuôi nó thì dỗ nó chắc nó chịu ở lại. Mà chú vô đặng kiếm thăm bên ngoại của Sơn coi còn mạnh giỏi hay không. Thiên Hương cũng nên biên tên họ và điạ chỉ của cha mẹ và cha mẹ bên chồng con đặng chú dọ hỏi luôn coi tình ý đối với con bây giờ thể nào. Chú đi chừng nửa tháng chú sẽ về tới”.
Thiên Hương nói:
- Cha của con là Hội đồng Trần Quang Niêm ở Châu Thành Mỹ Tho, phía bên Chợ Cũ. chồng của con hồi trước tên Lâm Công Thành, con của Cai Tổng Lâm Công Bình ở Nhựt Tảo, thuộc tình Tân An. Nếu chú đi thì con sẽ biên giấy cho chú đem theo đặng chú nhớ.
- Được. Vậy thì xong. Nhưng trước khi nói co ông Phán biết, mình phải dọ ý hai đứa nhỏ coi Xuân Sơn chịu đi với chú, còn Thu Thủy chịu ở lại hay không đã.
- Việc đó chú để cho Hai con nói với chúng nó. Coi bộ Hai đứa nó ưa ông Phán rồi. Con chắc con cắt nghĩa phải quấy cho chúng nó hiểu thì chúng nó chịu.
- Ừ, như chúng nó chịu thì nói vớI ông Phán ở chơi mươi bữa, đợi may một bộ quần áo mới cho Xuân Sơn bận rồi kiếm ghe vô Hà Tiên mà đi.
- Cũng phải may cho chú một bộ đồ mới đặng chú bận coi mới được. Để mai biểu Diệp ra chợ kiếm hàng lụa mua về may. Nếu không có hàng thì sẽ may vải bận đỡ.
Ba chú cháu nhứt định như vậy rồi đến chiều Thu Thủy với Xuân Sơn về nói dắt ông Phán đi qua giếng Tiên rồi dắt ông lên chùa Phật. Có một bà vãi già cắt nghĩa sự tích giếng Tiên cho ông Phán nghe, coi bộ ổng vui quá. Ổng nghe nói chuyện câu cá ổng mê nên ổng về luôn song ổng biểu sáng bữa sau hai đứa nó ăn cơm rồi đem ba cần câu ra Quận đặng dắt ông đi câu chơi. Bộ Hai đứa ưa ông Phán lắm.
Tối lại ông Hai Cường khởi đầu nói với Xuân Sơn rằng cha với ông nội nó muốn rước hết cả nhà về Sài Gòn mà nuôi. Ngặt lúc nầy má nó trong mình không được mạnh, đi xa không được. lại đi hết bỏ vườn không ai coi. Vậy ông tính bữa nào ông Phán về thì ông dắt Xuân Sơn đi theo ông Phán vô cho Sơn biết cha với ông nội, ở chơi ít bữa rồi ông dắt trở về hòn, đợi mẹ nó mạnh rồi ông sẽ đưa mẹ con nó với con Thu Thủy trở vô một lượt, để Diệp ở lại coi vườn. chừng ông về rồi Diệp sẽ vô sau.
Xuân Sơn buồn và nói nó muốn Thu Thủy đi với nó chớ nó không chịu đi một mình nó với ông ngoại.
Hai bà mẹ mới tiếp nhau mà cắt nghĩa rằng Thu Thủy ở nhà với hai mẹ, không mất đâu mà sợ, nên phải nài nó theo. Trong ít tháng rồi sẽ đưa Thu Thủy vô sau đặng ở luôn với nhau. Cô Thiên Hương nói ngay ra: „Hai má đã nhứt định chừng nào hai con được 19 hoặc 20 tuổi hai má sẽ cho phép làm vợ chồng với nhau. Nay ông ngoại già rồi, gần đất xa trời, hai má không có tiền bạc, lại yếu đuối, nuôi hai con không nổi. Xuân Sơn cần tìm ông với cha mà nương tựa đặng ngày sau có cơm tiền mà nuôi vợ với hai mẹ. Xuân Sơn yêu Thu Thủy thì phải dằn lòng chịu xa cách Thu Thủy trong một thời gian đặng sau mới có bạc tiền sắm áo quần tốt cho vợ bận, có nhà tốt cho vợ ở, có xe hơi cho vợ đi chơi, nói tóm một lời phải có bạc tiền mà tạo cảnh đời sống sung sướng, sang trọng, rực rỡ, tươi cười cho vợ hưởng, chớ yêu vợ mà không lo tương lai cho nó để nó sống với áo quần rách rưới, với lều tranh xiêu xó bữa đói bữa no, thương như vậy là hại chớ đâu phải thương. Vậy chớ Hai con không nhớ lời sư cụ An Viên nói hôm trước hay sao? Sư cụ nói: „Về tình yêu, nếu mình muốn vui mà được thương người và được người đáp tình nên thương mình lại, thì trước hết mình phải rán đè nén tình yêu, rán chịu đau khổ ngóng trông chờ đợi, chừng được thỏa mãn mình mới vui”. Sư cụ có kinh nghiệm về cách ở đời, hai con phải nghe lời sư cụ giảng dạy chớ”.
Xuân Sơn không cự nự nữa, chỉ nói: „Con đi với ngoại vô cho biết rồi con về”.
Cô Lê nói muốn về chừng nào tùy ý.
Thu Thủy lộ sắc lo ngại, chớ không đòi đi theo mà cũng không buồn.
Hai mẹ biết hai con đã xuôi thuận rồi mới kiếm chuyện vui mà nói cho hai trẻ an lòng.
Sáng bữa sau cô Lê phụ với Diệp nấu cơm cho hai trẻ ăn đặng đi câu với ông Phán. Sẵn có tiền của Khải Quang gởi cho, nên trưa cô Thiên Hương với cô Lê đi chợ với Diệp kiếm mua hàng mua vải về cắt may cho ông chú với Xuân Sơn mỗi người một bộ đồ mới đặng bận đi Sài Gòn.
Ngày đó Hai trẻ đi câu, bàn tính tương lai với nhau sao đó mà chiều về vui vẻ vô cùng, khoe câu được cá nhiều, thuật chuyện ông Phán có mua xôi mua bánh đem theo trưa ăn với nhau thiệt vui, ông câu được cá ông mừng dữ, mà hay chừng ông về sẽ có ông ngoại với Xuân Sơn theo ông vô Saigòn thì ông càng vui hơn nữa, hứa vô trỏng ông sẽ dắt Xuân Sơn đi chơi khắp hết cho Sơn thưởng thức cảnh phong lưu hoa lệ của viên ngọc Viễn Đông.
Qua bữa sau ông Phán Cao vô nữa. Hai đứa nhỏ thấy ông thì vui vẻ chào. Hai cô đương cắt quần áo mà may, thấy vậy thì hiểu Xuân Sơn chịu đi mà Thu Thủy cũng không cảnh trở.
Ông Phán liền hỏi ông Hai Cường có phải ông tính sẽ đưa Xuân Sơn vô Sài Gòn hay không. Ông Hai nói phải. Ông Phán hỏi sao không đưa hết hai cô đi luôn theo ý Khải Quang mong ước. Ông Hai nói cô Lê không khỏe nên cô đi chưa được, để cô mạnh rồi ông sẽ đưa đi sau. Ông Phán dặn hễ sắp đặt xong và định chắc bữa nào đi được thì cho ông hay trước đặng ông cậy quan Quận kiếm ghe gởi cho mình vô Hà Tiên mà đi.
Từ đó mỗi ngày, hoặc ông Phán vô rước Hai trẻ, hoặc chúng nó ra Quận hiệp với ông mà đi câu hay là đi chơi. Hai trẻ vui như thường, nhưng hễ về nhà thì hay dắt nhau ra ngồi dựa gốc cây rù rì nói chuyện với nhau.
Ông Phán ra Phú Quốc ở được mươi ngày thì quần áo may xong rồi, ông Hai Cường mới cho ông Phán hay hễ có ghe thì đi được. Quan Quận kiếm giùm đuợc ghe rồi, ông Phán vô cho hay và hẹn với ông Hai sáng bữa sau ông với Xuân Sơn ra Quận hiệp nhau mà đi.
Đêm đó Xuân Sơn với Thu Thủy bận bịu với nhau, theo nhau rù rì nói chuyện rất khuya, tuy cả hai đều buồn hiu, song Xuân Sơn không thối thoát, mà Thu Thủy cũng không cản trở.
Khuya Diệp dậy nấu cơm cho ông Hai Cường với Xuân Sơn ăn. Thu Thủy cứ theo ngồi một bên Xuân Sơn, buồn nhưng không nói chi hết. Thiên Hương giao miếng giấy cô biên tên và địa chỉ của cha mẹ hai bên cho ông Hai đem theo.
Tảng sáng cả nhà đều theo đưa ông Hai với Xuân Sơn ra quận, Diệp xách gói áo quần đi theo sau với ông Hai, để cho hai mẹ với hai con đi trước đặng dặn dò với nhau.
Ra tới quận, quan Quận mời hết vô nhà ngồi chơi. Ông niềm nở hỏi cô Lê hết rét thiệt hôn. Ông đưa thêm cho cô mười viên ký ninh nữa dặng để dành hễ bữa nào cô ướm nóng lạnh thì có sẵn mà uống. Ông khuyên hết hai cô ở nhà nếu có việc chi khó khăn bối rối thì sai người ra cho ông hay. Ông kiếm chuyện vui mà nói với Thu Thủy, dặn ở nhà có buồn thì ra đi câu chơi với con gái ông.
Chừng sửa soạn đưa ba người xuống thuyền thì cô Lê trao hết gói bạc của Khải Quang gởi xuống đó cho ông chú nói còn tám trăm và biểu ông đem theo mà đi đường. Ông Phán cản, ông nói Khải Quang có giao cho ông một số tiền làm lộ phí rồi. Tuy vậy mà ông Hai cũng lấy đem theo hai trăm còn bao nhiêu trả lại cho cháu cất.
Quan Quận cũng theo đưa ra tới bến. Chừng kẻ từ biệt người ở mà xuống thuyề thì Xuân Sơn mạnh mẽ nắm tay Thu Thủy mà nói: „Em ở nhà mạnh đừng buồn nghe hôn, để qua đi ít bữa qua về qua sẽ mua đồ về cho em”. Chàng nói cứng cỏi, nhưng rưng rưng nước mắt.
Thu Thủy nói: „Anh với ngoại đi mạnh giỏi… về cho mau… em trông lắm”. nước mắt tuôn dầm dề, nàng không nói được nữa.
Thiên Hương với cô Lê với Diệp thấy thủy thủ mở đỏi lui ghe, ba người đau đớn quá nên ngồi chùm nhum với nhau mà khóc. Thu Thủy cứ đứng ngó theo ghe không chịu ngồi.
Quan Quận theo an ủi một hồi rồi ông từ mà về.
Thu Thủy với hai mẹ cứ ngó theo chiếc thuyền truơng buồm từ từ mà đi, ngó trót giờ, chừng thuyền qua khỏi cái doi hết thấy nữa, mấy người mới chịu lần bước trở về nhà.