17 giờ. Đường phố Sài gòn ngập đầy bộ đội miền Bắc nón cối và giải phóng quân mũ tai bèo và cỏ đuôi chó. Cỏ đuôi chó mỗi lúc một đông thêm! Chắc ăn rồi, chắc ăn lắm rồi, lính sư đoàn 304 gây khí thế cách mạng. Xe tăng của cộng sản, trước sau chỉ có mười chiếc, nghiến xích sắt thị uy khắp đường phố Sài gòn. Xe tăng thị uy xong đến mô-lô-tô-va Liên xô và GMC Trung Quốc. Máy phóng thanh oang oang bài ca Giải phóng miền Nam của Lưu Hữu Phước. Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước Giết lũ đế quốc Phá tan bè lũ bán nước Ôi xương tan máu rơi Lòng hận thù ngút trời ------- Vùng lên nhân dân Việt Nam anh hùng Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng Thề cứu lấy nước nhà Thề Chiến đấu tới cùng Cầm gươm ôm súng xông tới Vận nước đã tới rồi Bình minh chiếu khắp nơi Nguyền xây non nước vững yên muôn đời... Và bài ca Tiến về Sài gòn: Tiến về Sài gòn ta quét sạch giặc thù Tiến về Sài gòn ta giải phóng thành đô °... Cỏ đuôi chó hát theo. Vì hai bài hát lải nhải hoài nên cỏ đuôi chó thuộc lòng. Tôi nhớ lại: Hoạt cảnh này đã ba lần tôi được chứng kiến trong đời. Lần thứ nhất, buổi chiều 19-8-1945, năm tôi lên mười. Và tôi đã diễn tả thật trung thực trong cuốn Con Thúy, cuốn sách đã đưa tôi vào nhà tù cộng sản để chịu đựng những hệ lụy tự khai. Lần thứ hai, buổi sáng giữa tháng 7-1954. Một thị xã được giải phóng. Bộ đội cộng sản tiến vô thong thả. Cỏ đuôi chó mọc nhanh, tung hô những khẩu hiệu nịnh bợ. Bài hát thuộc nhanh của cỏ đuôi chó hồi ấy là bài Bàn tay chúng ta: Hoan hô bàn tay anh Komsomol đã khơi dòng Volga đông. đã khơi nguồn hạnh phúc cho toàn dân.. Hoan hô bàn tay anh bạn Trung Hoa chắn sông Hoài ngăn đau thương nước không về toàn dân no ấm Raymondielle ngăn xe cho ngừng máu rơi ngăn chiến tranh cho đời huy hoàng ta nhớ ghi tên người tươi sáng bàn tay anh đem về thêm bông bàn tay anh đem về thêm lúa bàn tay ta băng miền thương xót dắt dìu nhau tiến lên... Hoạt cảnh giải phóng lần hai, tôi đã viết ở cuốn Vẻ buồn tỉnh lỵ chưa kịp xuất bản và bản thảo đã bị tich thu. Hôm nay, lần thứ ba, tôi biết thêm hoạt cảnh giải phóng 1975. Ba mươi năm. Vẫn thế. Vẫn thế ở mỗi biến động lịch sử trên quê hương tôi. Nếu cái vẫn thế còn làm cho tôi xúc động là, ngay cả tâm hồn cỏ đuôi chó, đã không dấy lên giông bão thù hận khi họ được khích lệ tuyết hận bừa bãi. Có phải tình nghĩa Việt Nam mãi mãi chế ngự chủ nghĩa cộng sản. Sài gòn chỉ bị cộng sản và cỏ đuôi chó quấy rầy ngoài phố. Sài gòn không hề bị cỏ đuôi chó đập phá nhà cửa, giết người. Cộng sản không dám ra mặt hành động. Cộng sản bất lực thủ đoạn châm lửa phẫn nộ cho người Sài gòn sát hại người Sài gòn. Không có bạo động đổ máu vô lý cho hợp lý khi cộng sản vào Sài gòn. Đừng bao giờ nghĩ cộng sản nhân đạo. Mà nên hiểu miền Nam nhân bản, Sài gòn nhân bản không chấp thuận tàn sát theo ý cộng sản hay theo ý của bất cứ một chủ nghĩa phi nhân nào: Lịch sử nào sẽ ghi chép chính xác? Thứ lịch sử gian dối của Mỹ và Tây phương thân cộng đã toa rập cộng sản, đã giả vờ quên tình nghĩa Việt Nam mà đề cao sự khoan dung, đạo lý cộng sản khi cộng sản xuất hiện ở Sài gòn. Đạo lý làm người của cộng sản đã thể hiện rõ nét ở Huế vụ Mậu Thân. Nó sẽ thể hiện rõ nét hơn, sẽ "phanh thây uống máu quân thù', sẽ "cờ in máu chiến thắng" ở Sài gòn 30-4-75 nếu người Sài gòn muốn. Nhưng người Sài gòn không muốn, cả cỏ đuôi chó đáng ghét cũng không muốn, cộng sản đành thúc thủ. Để được tiếng nhân đạo. Cộng sản nói nhân đạo như tư bản nói nhân đạo, còn đốn mạt hơn cả đĩ điếm, ma cô giảng giải luân lý. Người ta cố tình quên rằng, chỉ cần mảy may lương tâm, cộng sản hết là cộng sản. Và người ta nên sáng suốt, nên thức tỉnh nhớ ràng, cái vỏ ngoài của cộng sản giống hệt áo thầy tu chân chính, những lời cộng sản nói hay hơn Chúa nói, Phật nói. Cộng sản quán triệt bí kíp "một thời im lặng và một thời lên tiếng" ở bất cứ không gian nào. Cộng sản xúi dục người quốc gia lăng nhục người quốc gia, chia rẽ người quốc gia rồi hô hào đoàn kết. Cộng sản nằm vùng, cộng sản hải ngoại còn tinh vi đến độ biết ẩn thân thật lâu, dám sống nghèo hèn, cố tình phô bày tác phong đạo đức, trình diễn đạm bạc, khuất thân hòa hoãn với những kẻ chống cộng dữ dội nhất. Để trở thành biểu tượng gương mẫu của người quốc gia chống cộng. Và, sau hết, đòn muôn thuở nằm trong bản chất cộng sản: Tìm mọi cách hạ bệ uy tín các tài năng của quốc gia để vô hiệu hóa sự chống cộng sản của các tài năng này; công khai đề cao tài năng của quốc gia trên các cơ quan truyền thông cộng sản để cô lập các tài năng này với quần chúng thù ghét cộng sản. Sài gòn động bên ngoài, tĩnh bên trong - cái tĩnh lo âu Cái động đã tôn vo mình còn thiếu nhiều thành thật khi vinh tôn những người lính mũ đỏ. Vậy nên để tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, đôn hậu bày tỏ hết lòng ngưỡng mộ lính quốc gia bằng những rung động thuần khiết, nguyên khối của các em. Với riêng tôi, vài trang truyện nhỏ mọn này nằm trong ý nghĩ: Sự thật nói ra không ai tin, thì nó biến thành tiểu thuyết. Lịch sử bỏ quên thì vẫn còn dã sử, huyền sử... Hai chiếc xe cam-nhông từ đâu không rõ, chạy tới đậu ngay chỗ bùng binh, sau nhà thờ Đức Bà. Lính trên xe nhẩy hết xuống. Dzũng Đakao vui mừng: -Lính nhẩy dù! Bốn ông nhóc đứng dậy, tiến sát ra lề đường. Những thiên thần mũ đỏ còn nguyên vẹn là thiên thần. Vị đại úy chỉ huy rất trẻ, mai vàng rực rỡ trên cổ áo. ông cằm cây gậy nhỏ, say mê nhìn quốc kỳ ủ rũ trên nóc Dinh Độc Lập. Rồi ông xoay lưng lại, quan sát phía Phủ Thủ Tướng. ông hơi cúi đầu giây lát. Đoạn, ông ngó thằng chiến hữu của mình, dõng dạc nói: - Lần cuối cùng, tôi nhắc nhở anh em: Dương văn Minh đã đầu hàng. Nhiệm vụ của anh em chấm dứt. Ai muốn về nhà cứ thản nhiên về. Anh em không nợ nần gì tổ quốc nữa. Những người lính nhẩy dù đứng nghiêm, đồng loạt trả lời: -Chúng tôi ở lại chiến đấu với đại úy. Vì danh dự của người lính. Đại úy dơ tay chào: -Cám ơn anh em. Chúng ta chuẩn bị nghênh địch. Dzũng Đakao, Chương còm, Hưng mập, Bồn lừa phóng tới ôm chặt lấy vị đại úy. - Thưa chú, tên chú là gì? Chương còm hỏi. Vị đại úy xoa đầu bốn ông nhóc, giọng cảm động: -Lính nhẩy dù. Mà cháu hỏi tên chú làm chi? Chương còm nắm tay vị đại úy: - Mai này, tên chú sẽ thay tên đại lộ Thống Nhất. -Chú tin không? Vị đại úy chớp mắt: - Chú tin, thế hệ các cháu phải làm lại lịch sử, phải xóa bỏ dấu tích ô nhục hôm nay. Dzũng Đakao nói: -Chúng cháu đặt tên chú cho con đường này. Chú cho biết tên chú đi. Vị đại úy vỗ nhẹ vai Dzũng Đakao: -Tên chú gắn liền với lính nhẩy dù. Lính nhẩy dù là tên chú. Các cháu nhớ đặt tên đại lộ này là đại lộ Mũ Đỏ nhé? Bây giờ chạy thật nhanh về nhà. Sắp nổ súng. Bồn lừa hỏi: - Cháu có thể giúp chú việc gì? Vị đại úy lắc đầu: - Các cháu đã giúp chú rồi, đã làm tăng ý nghĩa chiến đấu của chú, đã sưởi ấm lòng chú. Chú không còn cô đơn nữa. Nào chạy lẹ, các cháu yêu dấu... Bốn ông nhóc co cẳng chạy. Nhưng chúng không chạy về nhà, mà núp dưới gốc cây đầu đường Alexandre de Rhôdes. Phía bên kia, đường Hàn Thuyên, dân chúng cũng đang lấp ló dưới những gốc cây sao. Nhiều người vào nhà thờ Đức Bà để xem chiến tranh qua kẽ hở của mấy khung cửa bên hông. Nhiều người tụ tập ở sân Bưu Điện. Xe tăng cộng sản, từ xa lộ Biên Hòa, vô Sài gòn hai lối Lối thứ nhất: Hàng Xanh, qua Gia Định, qua đường Chi Lăng, đường Võ Tánh đến Tổng Tham Mưu, rẽ trái qua đường Cách Mạng, qua cầu Công Lý. Rồi chạy thị uy khắp phố Sài gòn. Mười hai giờ trưa, xe tăng vô lối này đã xuất hiện. Lối thứ hai: Thị Nghè, qua cầu Thị Nghè (bị chặn đánh). Mãi gần bốn giờ mới lại qua cầu Thị Nghè, qua Hồng Thập Tự rẽ trái, qua Nguyễn Bỉnh Khiêm, rẽ phải, qua Thống Nhất để vào Dinh Độc Lập. - Xe tăng cộng sản rét rồi. - Bọn điên ấy không rét đâu. -Bao giờ chúng đến? -Cứ từ từ. Vị đại úy đứng ngạo nghễ giữa đại lộ Thống Nhất, khẩu Colt của ông trễ xuống bên đùi. Lính của ông đứng sau những thân cây sao với tư thế sẵn sàng khạc đạn.. -Chú ấy oai quá. - Cứ như shérif đợi bọn cướp. - Tao hồi hộp thấy mồ. - Im lặng. -Thằng nào chạy ra, ngó xuống Sở Thú xem chúng nó vô chưa? - Tao. - Để Bồn lừa đi. Mày mập chạy đâu nổi, Hưng. Bồn lừa cắm cổ chạy ra đường Thống Nhất. Nó chạy vào ngay, hổn hển: - Rồi, rồi, sắp tới! Tiếng xe tăng nghiến xích sắt trên đường nhựa nghe rõ dần rồi sôi sục trong tâm hồn bốn ông nhóc. Như chính mình tham dự trận đánh, Dzũng Đakao hét: - Nó kia kìa. Chiếc xe tăng dẫn đầu đã đến bùng binh. Nó có vẻ làm bộ làm tich. Nó có vẻ khinh khi, ngạo mạn. Đằng sau nó, đám bộ đội nón cối, dép râu ngụy trang cành lá trông dễ ghét. Chúng ôm súng AK lò mò bước y hệt chúng diễn trò khỉ. Vị đại úy đâu rồi? Chiếc xe tăng thứ hai lừ lừ bò ở cửa Bộ Tư Pháp. Một phát súng nổ. Lính nhẩy dù xuất hiện. Không thèm nấp. không thèm nằm, lính nhẩy dù đứng thẳng, bước tới, chắc tay súng, nhằm xe tăng và kẻ thù nhả đạn xối xả. Vị đại úy đó, thần tượng của Dzũng Đakao, Chương còm đó, sát cánh chiến hữu, phóng nhiệt tình và danh dự vào trận chiến cuối cùng. Để trả lời thế giới: Chúng tôi không đầu hàng. Bọn Mỹ và bọn tướng phường chèo khiếp nhược đầu hàng. Lính Việt Nam không biết đầu hàng. Chiến trường kết thúc mau lẹ. Vị đại úy và hơn ba mươi người lính nhẩy dù gục chết trên đại lộ Thống Nhất. Máu của họ, máu Việt Nam anh dũng, bất khuất đã thấm đỏ đường lịch sử tháng 4. Lính nhẩy dù, tại sao anh không chạy trốn ở phi trường, ở tòa đại sứ Mỹ, ở bờ sông? Tổ quốc đã cho anh cái gì? Dân tộc đã cho anh cái gì? Ngôi sao nào trên cầu vai anh, trên mũ anh? Bảo quốc huân chương nào, Bắc đẩu bội tinh nào trước ngực anh? -Thế là xe tăng nó vào Dinh Độc Lập! Bốn ông nhóc, nước mắt đầm đìa, thằng nọ nhìn thằng kia mếu máo. Xe tăng nghiến lên xác chết của lính nhẩy dù. Chúng nó thù hận cả xác chết. Binh cái tĩnh. Đã không có "đấu tranh giai cấp" tình nguyện, tự nguyện và... tự học tập như cộng sản mong muốn. Điều đó đã "giải phóng" biển máu đe dọa của Mỹ và biển máu toan tính của cộng sản. Chúng tôi thả xuống chợ Bến Thành. Ngạc nhiên vô cùng, tôi thấy, ở các đầu đường, góc phố, người ta đã bán cờ đỏ sao vàng và cờ trên đỏ, dưới xanh, giữa sao vàng. Cờ may ở đâu nhanh thế? Vải c