Dịch giả: Văn hòa - Nhất Anh
Chương 7

Năm thứ ba(1) của công cuộc đổi mới, khách sạn Odesse, tuy không phải là con chủ bài của nền kỹ nghệ du lịch luôn luôn còn phôi thai ở Matxcơva, nhưng cũng đông khách, được chọn lọc kỹ càng.
Từ sáu giờ đến chín giờ tối, tiền sảnh khách sạn đột nhiên trở thành ngã tư đường của hàng trăm quốc gia trên thế giới, các viên chức Tachkent sang trọng, các giáo viên Esthonie đầu tóc vàng hoe như râu bắp, các cán bộ ở Turknénnistan và ở Géorgie, các giám đốc xưởng kỹ nghệ ở Kiev, các kỹ sư hàng hải Arkhangelk, chưa nói người Cu Ba, người Afganistan, người Ba Lan, người Hunggari, và người Đông Đức.
Và tối hôm ấy, Barley đang ngồi, thì một bà già vỗ vai ông để đòi ngồi vào ghế của ông.
Ông bèn đi đến đứng gần một bên thang máy, nhưng ở đó chẳng được bao lâu ông thấy mình chẳng khác nào bị cầm cố sau một bức tường thành xây bằng vali và hộp các-tông. Cuối cùng ông phải rút lui ra đứng gần một bên cột trụ chính giữa tiền sảnh, ở đó ông có thể canh chừng cửa ra vào. Thỉnh thoảng ông rời bóng một cột trụ, một tay cầm quyển “Emma” của Jane Austen áp sát vào ngực để người ta dễ thấy và tay kia cầm cái túi xách bằng chất dẻo của phi cảng Heathrow.
Cũng rất may, Katia đã đến.
Cuộc gặp mặt của hai người chẳng có gì là bí mật, cách ứng xử của họ chẳng có gì bí ẩn. Họ nhìn thấy nhau trong lúc Katia còn kẹt trong đám đông đang chen lấn xô đẩy nhau. Barley giơ cao và huơ huơ quyển tiểu thuyết của Jane Austen.
- Xin chào. Tôi, Blair đây – Tuyệt lắm! – Ông kêu to.
Katia biến mất, rồi xuất hiện trở lại. Không biết nàng có nghe tiếng Barley không? Nàng mỉm cười, ngước mắt nhìn lên trần nhà, diễn tả bằng bộ điệu để xin lỗi về sự chậm trễ của nàng. Nàng đưa tay hất một lọn tóc đen ra phía sau. Barley nhìn thấy chiếc nhẫn đính hôn và chiếc nhẫn kết hôn mà Landau đã nói.
Các cử chỉ của nàng diễn tả lý do sự chậm trễ của nàng thay cho lời nói, chẳng hạn: “Nếu ông biết được tôi đã phải khó khăn lắm mới thoát ra khỏi cuộc tiếp tân ấy!”. Hay: “Tôi không làm sao tìm được một chiếc taxi!”.
Barley cũng đáp lại bằng cử chỉ, có ý nói: “Không sao. Không sao!”.
Nàng phải ngừng cuộc trao đổi cử chỉ ấy để lục trong ví của nàng với vẻ tức giận, để tìm thẻ chứng minh mà viên  cảnh sát mặc thường phục đòi hỏi. Anh ta có nhiệm vụ thật dễ chịu, là kiểm soát tất cả đàn bà con gái xinh đẹp đi vào trong khách sạn. Nàng giơ lên một tấm thẻ màu đỏ mà Barley đoán rằng thẻ hội viên Hội Nhà văn Liên Xô.
Barley cũng phải quay sang bên để cố giải thích bằng tiếng Pháp cho một người Palestine cao lớn, rằng rất tiếc mình không phải là thành viên của phong trào Hoà Bình, và cũng không phải là Giám đốc của khách sạn.
Wicklow đứng ở nửa chừng trên cầu thang, đã quan sát cái cảnh ấy từ đầu, và sau này anh ta cho rằng chưa bao giờ anh thấy một cuộc tiếp xúc “chính thức” dàn cảnh khéo hơn thế.
Theo y phục, Barley và Kaita giống như diễn viên của hai màn kịch khác nhau: Katia vai đào chính trong một vở kịch, với chiếc áo dài màu xanh lá, cổ viền đăng ten, đã làm cho Laudan sau đắm, và Barley vai kép gánh hát dạo Ăng-lê, với bộ comlê của bố ông ta, giày ống bằng da hoẵng đã sờn. Họ ngạc nhiên là đã nhận ra được nhau. Nói cho đúng, họ còn là những người chưa hề quen biết. Barley kiềm chế nỗi ước muốn được hôn nhẹ một cái lên má nàng và ngạc nhiên nhận thấy mình đang ngắm nhìn đôi mắt sang long lanh của nàng.
Thấy Barley phô trương cái vẻ lãnh đạm một cách kỳ cục của một số người Anh khi đứng trước một người đàn bà đẹp. Katia thấy đúng ông ta là một con người có tính kiêu hãnh như nàng đã có ấn tượng đầu tiên khi nói chuyện bằng điện thoại.
Hai người đứng bên nhau gần đến nỗi họ cảm nhận được thân nhiệt của nhau. Chung quanh họ, người ta tiếp tục trò chuyện bằng đủ các thứ tiếng của cái tháp Babel ấy.
Nàng đặt nhẹ một bàn tay lên cánh tay Barley và thở hổn hển, hỏi:
- Ông đúng là ông Barley?
- Đúng, đúng. Đúng là Barley. Xin chào. Và bà là Kaita Orlova, bạn của ông Niki. Tôi rất mừng bà đã đến được. Thời gian phối hợp rất tốt. Bà có khoẻ không?
Các bức ảnh không sai, nhưng chúng chưa lột tả được tất cả sự thật, Barley nghĩ thầm khi nhìn ngực Kaita đang phồng lên xẹp xuống theo nhịp thở của nàng.
Sự náo nhiệt của đám đông làm cho barley trở lại với thực tế. Có nhiều điều phải nói với nhau, làm sao hai người có thể đứng mãi để nói chuyện giữa sự ồn ào náo nhiệt như thế này.
- Hay là tôi mời bà vào nhà hàng của khách sạn dùng với tôi một tách trà? Niki đã dặn tôi rất kỹ là phải tỏ ra ân cần và tế nhị đối với bà. Ông ta có nói với tôi: ông ta đã gặp bà tại hội chợ triển lãm. Ôi, cái ông Niki ấy, một con người thật hết sức tốt! Một tấm lòng vàng – Barley tiếp tục nói đùa trong khi Katia đi tới phía cầu thang, mà ở chân cầu thang có một tấm bảng đề: “Cửa hàng giải khát.” – Ông ấy là một người đàng ông tuyệt vời. Lẽ tất nhiên ông ấy có thể làm cho người ta bực mình khi nào ông muốn, nhưng người đàn ông nào lại không thế?
- Ông Landau là một người rất lịch sự - Katia cũng nói hùa theo Barley để đề phòng tai vách mạch rừng, và cũng là một người rất coi trọng chữ tín.
- Ông ấy luôn luôn là người có thể tin cậy được – Barley nhấn mạnh thêm và đến lượt ông thở hổn hển, thiếu đường hụt hơi khi lên đến lầu một – Người ta yêu cầu Niki bất cứ điều gì, ông ta cũng làm. Theo cách của ông ta, tất nhiên, nhưng không đắn đo hỏi đi hỏi lại. Tôi luôn luôn cho rằng đó là điều mà người ta nhận ra được những người bạn thật sự, bà nghĩ thế nào?
- Đối với tôi, không giấu gì ông, không có gì là tình bạn trong đó cả. Tình bạn thật sự phải căn cứ trên sự tin cậy lẫn nhau – Katia đáp như một bài học luân lý.
Tán thành một cách thích thú một chân lý sâu sắc như thế, Barley cũng không ngăn cấm được mình nghĩ rằng đó là cái giọng châm ngôn của Goethe.
Trong một chu vi giới hạn bởi một bức màn có đặt một cái quầy dài gần mười mét, trên đó chỉ có độc một khay bánh ngọt khô, và phía sau quầy, ba bà mập mạp mặc đồng phục trắng, đầu đội mũ có vành hất lên bằng chất dẻo trong suốt, ngồi canh chừng một cái ấm đồng đun nước. Họ đang lớn tiếng cãi nhau.
- Và cũng theo cách của ông ta, Niki biết đánh giá một quyển sách – Barley đi vào chi tiết của vấn đề, trong lúc hai người đứng chờ một cách ngoan ngoãn trước một sợi dây thừng làm rào chắn.
- Quý bà vui lòng cho chúng tôi một bình trà. Ăn bánh ngọt này và uống trà nóng chắc sẽ tuyệt vời lắm đấy! – Barley ngỏ lời với ba bà mập đang ngồi canh chừng cái ấm đồng đun nước sôi.
Ba bà mập cứ tiếp tục mắng nhiếc nhau. Katia nhìn họ đăm đăm. Và đột nhiên, trước sự ngạc nhiên của Barley, nàng rút tấm thẻ đỏ của nàng ra và hét lên một tiếng – đúng là nàng đã hét – làm cho một trong ba bà kia phải đứng dậy để đi lấy hai cái tách và đặt lên trên hai cái đĩa lót với vẻ giận dữ. Luôn luôn với vẻ mặt tức giận, bà ta đổ nước vào một cái ấm to tướng, chộp lấy một hộp quẹt, đốt một bếp ga và đặt mạnh cái ấm lên trên trước khi trở lại bên cạnh hai bà mập kia.
- Xin mời bà dùng một cái bánh bích quy – Barley nói với Katia.
- Không, cám ơn. Tôi đã ăn bánh ngọt trong cuộc tiếp tân rồi.
- Trời đất! Bánh ở đó có ngon không?
- Chẳng có gì đặt biệt.
- Nhưng các vị khách Hunggari chắc là lịch sự lắm.
- Theo tôi, các bài diễn văn có vẻ không được hấp dẫn lắm. Nhưng đó là do lỗi của chúng tôi. Chúng tôi chưa cởi mở một cách đầy đủ với người ngước ngoài, ngay với cả những người từ các nước xã hội chủ nghĩa khác đến đây.
Trong một lúc, hai người không biết nói gì thêm với nhau. Barley nhớ lại một cô gái con của một vị tướng mà ông đã quen biết ở trường đại học. Cô ta có nước da hồng hào như hoa hồng, và đã tận tuỵ bảo vệ thú vật cho đến một ngày cô vội vã lấy một nhà thiện xạ làm chồng. Kaita nhìn đăm đăm về phía đầu kia của gian phòng, nơi đó có đặt mươi cái bàn cao không có ghế. Đứng trước một trong các bàn ấy,Wicklow đang khoác lác với một chàng trai trạc tuổi anh ta, trong lúc ở một cái bàn khác, một ông già Rottmeister uống nước chanh với một thiếu nữ mặc đồ jean.
- Tôi không hiểu vì sao tôi đã không mời bà dùng bữa tối – Barley nói. Ông bắt gặp trở lại ánh mắt của Katia và nhìn đôi mắt nàng một cách đắm đuối đến mức hình như tình cảm hoàn toàn bị thu hút, không còn biết gì khác nữa.
Katia cau mày đáp:
- Điều đó sẽ không tiện.
Ấm nước bắt đầu sôi rè rè, nhưng ba bà mập của cửa hàng vẫn ngồi quay lưng.
- Tiếp xúc bằng điện thoại luôn luôn là một điều khó khăn, bà không thấy thế sao? – Barley nói, tiếp tục trao đổi những lời xã giao – Nói cho cùng, người ta không nói với khuôn mặt một con người, mà là với một dụng cụ bằng chất dẻo. Cá nhân tôi, tôi rất ghét cái đó.
- Xin lỗi, rất ghét cái gì?
- Cái điện thoại. Cái việc nói chuyện từ xa.
Ấm nước sôi bắt đầu trào nước ra.
- Người ta có một quan niệm hoàn toàn sai lầm về những người mà người ta không thấy mặt – Barley nói tiếp ngay.
“Nói đi, nào uống nước đi, Barley tự nhủ. Ngay bây giờ”.
- Đó đúng là những gì hôm trước tôi đã nói với một trong những người bạn làm nghề xuất bản. Chúng tôi thảo luận về một quyển tiểu thuyết mới mà một người nào đó đã gửi cho tôi. Tôi đã cho người bạn ấy đọc và dặn ông ta phải giữ bí mật. Quyển tiểu thuyết ấy đã làm cho ông ta bàng hoàng. Ông ta đã nói với tôi rằng, đây là những gì hay hơn hết mà ông ta đã đọc được từ nhiều năm nay. Quả thật là một sự bùng nổ.
Katia đăm đăm nhìn Barley. Ông ta nói tiếp:
- Nhưng lạ lùng thay, tôi không biết một chút gì về tác giả quyển tiểu thuyết. Ngay cả tên của ông ta, tôi cũng không biết. Cho nên tôi không biết ông ta lấy tài liệu ở đâu để viết, ông ta không thuộc trường phái nào, và v.v… Bà biết những gì tôi muốn nói chứ? Cũng như người ta nghe nhạc mà không biết đó là nhạc của Brahms hay của Cole Porter.
Với vẻ lo ngại, Katia mím môi lại để cho môi thấm nước miếng, và gương mặt nàng sa sầm. Nàng nói:
- Tôi không coi những chi tiết có tính cách riêng tư ấy là thích đáng khi người ta nói về một nghệ sĩ. Có một số tác giả chỉ có thể làm việc trong bong tối. Tài nghệ là tài nghệ. Nó không cần được giải thích.
Thật ra tôi không nói nhiều về sự giải thích, mà muốn nói về sự xác thực của các tài liệu mà tác giả đã thu nhập – Barley đính chính. Bà cũng là người trong nghề xuất bản, chắc là cũng thấu triệt vấn đề. Tôi nói thí dụ khi một chàng trai nào đó viết về một quyển tiểu thuyết về các bộ lạc tại các vùng đồi núi ở miền bắc Miến Điện, thì người ta có quyền tự hỏi, không biết anh chàng ấy đã có dịp đi du lịch về phía nam quá Minsk chưa. Nhất là một quyển tiểu thuyết quan trọng một cách thực sự, như quyển này; một quyển sách sẽ có khả năng bán chạy nhất trên khắp thế giới, theo ý kiến của người bạn tôi. Trong một trường hợp như thế, tôi thiết nghĩ người ta có quyền đòi hỏi tác giả phải ra mặt và trù định những điều cần thiết để nhà xuất bản ấn hành quyển sách ấy.
Một bà mập lớn tuổi hơn hết, rót nước sôi vào trong cái bình bằng đồng. Bà thứ hai mở hộp tiền ra và bà thứ ba cho vài muỗng trà vào cái cân đĩa. Barley rút trong túi ra một tờ giấy bạc ba rúp.
Bà thu ngân thấy vậy, lắc đầu quầy quậy và nói một tràng dài.
Barley ngơ ngác hỏi Kaita:
- Có phải bà ta đòi thêm tiền không?
Katia mỉm cười, rồi đặt lên bàn ba mươi Kôpéc và Barley để ý thấy hai má nàng có lúm đồng tiền. Ông cầm các quyển sách và cái túi xách của nàng. Nàng đi theo ông với hai cái tách để trên một cái khay, khi hai người đã tới bàn của họ, nàng nói ngay với Barley bằng một giọng khiêu khích:
- Nếu một tác giả bị bắt buộc phải chứng minh rằng mình nói sự thật, thì đổi lại nhà xuất bản cũng phải làm như thế.
- Đúng. Tôi, tôi đồng ý hai bên phải chân thực. Càng không giấu giếm, che đậy gì, càng tốt.
- Tôi biết tác giả đã lấy nguồn cảm hứng của mình từ một thi sĩ người Nga.
- Petcherine, Barley nói. Tôi đã có nghiên cứu. Petcherine sinh năm 1807 ở Dymerka, gần Kiev.
Nàng cúi xuống nhìn tách trà của mình, và Barley mặc dầu đang lo nghĩ đến những vấn đề khác, vẫn để ý đến nước da trắng ngần bên trái bên phải của nàng trở thành đục lờ dờ dưới ánh tà dương lọt qua cửa sổ.
- Tác giả cũng đã lấy nguồn cảm hứng từ các quan niệm của một người Anh về vấn đề hoà bình thế giới – Nàng lại nói với giọng rất nghiêm nghị.
- Bà không tin rằng tác giả mong muốn gặp lại người Anh ấy một lần nữa không?
- Điều đó còn phải tìm hiểu.
- Dù sao đi nữa, người Anh ấy rất mong muốn được gặp tác giả, Barley nói. Hai bên có biết bao nhiêu điều để nói với nhau. Bà ở đâu?
- Ở với các con của tôi.
- Các con bà ở đâu?
Katia im lặng một lúc, trong lúc đó Barley lại một lần nữa có cảm giác rằng mình đã phạm một nguyên tắc luân lý nào đó.
- Chúng tôi ở gần trạm tàu điện ngầm phi cảng. Bây giờ không là phi cảng nữa, mà chỉ có những căn hộ. Ông Barley, ông định ở lại trong Matxcơva trong bao lâu?
- Một tuần lễ. Căn hộ của bà có một địa chỉ chứ?
- Đó không phải là một câu hỏi hợp thời. và trong thời gian ấy, ông vẫn ở khách sạn Odessa?
- Vẫn ở đó, nếu người ta không ném tôi ra đường. Ông nhà làm nghề gì?
- Điều đó không quan trọng.
- Ông cũng làm xuất bản chứ?
- Không.
- Ông là nhà văn?
- Không.
- Thế thì ông làm nghề gì? Nhà soạn nhạc? Nhân viên sở kiểm lâm? Đầu bếp? Làm sao ông có thể đài thọ cách sinh hoạt mà bà đã quen rồi?
Barley lại đã thành công trong việc làm cho Katia cười vui.
- Nhà tôi trước kia là giám đốc một nhà máy gỗ.
- Và bây giờ là giám đốc?
- Nhà máy ấy sản xuất nhà lắp sẵn cho những vùng nông thôn. Chúng tôi đã ly dị nhau, như nhiều người ở Matxcơva này.
- Các con của bà? Trai? Gái? Bao nhiêu tuổi?
Katia không cười nữa và Barley chợt có ý nghĩ nàng sắp bỏ đi không một lời từ giã. Nàng ngẩng đầu lên, cau mày:
- Tôi có một đứa con gái và một đứa con trai. Sinh đôi. Tám tuổi. Câu hỏi của ông không lịch sự tí nào.
- Bà nói tiếng Anh hay tuyệt! Hay hơn cả tôi.
- Cám ơn ông quá khen.
- Bà học tiếng Anh ở đâu?
- Ở Leningrad.
- Thế thì, bà đến Matxcơva khi nào?
- Khi tôi lấy chồng.
- Hai người đã gặp nhau trong trường hợp nào?
- Chúng tôi quen biết nhau từ hồi còn nhỏ. Lúc chúng tôi cùng học tiểu học, và cùng đi trại hè với nhau.
- Và hai người cùng bắt cá?
- Và bắt cả thỏ nữa- Nàng mỉm cười đáp. Volodia quê ở Sibérie – Anh ấy biết ngủ trong tuyết, biết lột da một con thỏ và biết bắt cá dưới lớp băng giá. Vào thời kỳ tôi lấy anh ấy, giá trị trí thức của tôi đã bị thụt lùi. Theo tôi, lúc đó phẩm chất quan trọng hơn hết của một người đàn ông là biết lột da một con thỏ.
- Những gì tôi muốn hỏi là bà đã gặp tác giả trong trường hợp nào?
Katia cúi xuống để lấy cái túi xách của nàng ở dưới gầm bàn.
- Ông vui lòng chuyển đến ông Landau lời cám ơn của tôi về việc ông ấy đã có lòng tốt gửi cho tôi sách và trà – Barley hạ thấp giọng xuống và nói rất nghiêm trang- Tôi cần được bà chỉ dẫn về những gì tôi phải làm về bản thảo ấy. Tôi không thể xoay xở một mình được. Ai đã viết bản thảo ấy? Goethe là ai?
- Tôi lấy làm tiếc, nhưng tôi phải về với các con của tôi.
- Không có ai trông nom chúng sao?
- Có chứ.
- Vậy thì, bà hãy gọi điện thoại. Hãy nói rằng bà về trễ. Hay nói rằng bà đã gặp một người đàn ông hấp dẫn muốn nói chuyện văn chương suốt đêm. Chúng ta vừa mới quen nhau. Tôi cần có thời giờ. Tôi có hàng tá câu hỏi đặt ra với bà.
Katia kẹp nách các quyển tiểu thuyết của jane Austen và đi ra phía cửa, Barley theo sát gót như một kẻ bán sách lỳ lợm.
- Tôi van bà. Bà hãy nghe tôi. Tôi là một nhà xuất bản Ăng-lê hèn mọn muốn bàn bạc một vài điều rất nghiêm chỉnh với một giai nhân tuyệt sắc Nga. Tôi không dám đi quá giới hạn. Tôi không dám đối trá. Bà hãy dùng bữa với tôi, để tôi có đủ thời giờ hỏi thêm. Được không bà?
- Điều đó không đúng lúc.
- Thế một hôm khác, có thể sẽ đúng lúc hơn, phải không? Tôi phải làm gì? Đốt một lò trầm? thắp một ngọn nến? Vì bà mà tôi đã đến đây. Bà hãy giúp tôi để tôi có thể giúp bà.
Katia có vẻ bị lung lạc bởi sự cầu khẩn ấy.
- Tôi không thể có được số điện thoại riêng của bà sao?
- Cũng không đúng lúc.
Hai người di xuống cầu thang. Ở giữa đám đông, Barley chợt thấy Wicklow và bạn của anh ta. Ông nắm nhẹ cánh tay Katia, nhưng cũng khá chặt để buộc nàng phải dừng lại.
- Khi nào? – Barley hỏi.
- Có thể tôi sẽ gọi điện thoại cho ông tối hôm nay.
- Không có việc “có thể”.
- Tôi sẽ gọi.
Luôn luôn ở trên cầu thang, Barley nhìn Katia hít một hơi dài trước khi chen vào đám đông và đi tới phía cửa. Ông toát mồ hôi. Ông thèm một ly rượu, nhưng trên hết, muốn thoát ra khỏi người cái máy ghi âm, đập vỡ nó ra từng mảnh, và sẽ gửi các mảnh vụn ấy cho Ned bằng bưu điện bảo đảm.
°
Katia bước nhanh qua các con đường rộng để tìm một chiếc taxi, nhưng đồng thời cũng để cho chân hết tê. Nàng tìm cách đặt một khoảng cách giữa nàng và ông ta, giữa nàng và chính nàng nữa. Nàng đâm ra kinh hoảng, không phải vì sợ mà vì kinh ghét. “Đáng lẽ ông ta không được nói đến hai đứa con của nàng. Ông ta không có quyền phá vỡ bức tường mong manh ngăn cách một cuộc đời với một cuộc đời khác. Đáng lẽ ông ta không được làm nàng bực mình với những câu hỏi quan liêu như thế. Nàng đã tỏ lòng tin cậy ông ta. Vì sao ông ta không đối xử với nàng như thế?”
Nàng rẽ sang một con đường khác, và tiếp tục đi. “Ông ta đúng là một con người đạo dức giả, bất lịch sự, ưa quấy rầy và đa nghi”. Một chiếc taxi chạy ngang qua mà không dừng lại, một chiếc thứ hai chạy chậm lại, nàng vừa nói với tài xế nàng muốn tới nơi nào, thì lập tức anh ta cho xe dông tuốt để kiếm một mối khác nhiều tiền hơn. Thí dụ chở gái ăn sương, chở thực phẩm như rượu, thịt để bán chợ đen, hay chở khách du lịch để loanh quanh, vì họ không biết đường. Trời bắt đầu mưa nặng hạt.
“Sự hài hước không đúng chỗ, những câu hỏi khiếm nhã của ông ta… Ta chẳng bao giờ muốn gặp lại ông ta nữa”. Đáng lẽ nàng nên đi tàu điện ngầm, nhưng sợ cảm thấy ngột ngạt ở trong đó. “Hấp dẫn, tất nhiên, như biết bao nhiêu người Ăng-lê khác. Cái lối vụng về thú vị ấy. Thông minh, tài trí, và chắc chắn là nhạy cảm”. Nàng đã không nghĩ rằng hai người giống nhau về tính tình và tư tưởng. Vì thế ông ta sẽ tìm cách nhích dần lại nàng. Hay là nàng đã nhích lại quá gần ông ta rồi.
Nàng vẫn tiếp tục đi bộ, cố trấn tĩnh lại và kiếm một chiếc taxi. Mưa to hơn. Katia rút trong túi xách ra một cái dù xếp do một người tình cũ mang từ Đông Đức về tặng nàng. Đến một ngã tư, nàng sắp băng qua đường, thì một người lái xe tuổi trung niên lái chiếc landa màu xanh lục cho xe dừng lại gần bên nàng, mà không do nàng gọi.
Nàng lên xe và cho ông ta biết địa chỉ. Rồi nàng lấy ra hai tờ bạc ba rúp, đưa cho ông ta và vừa liếc nhìn đồng hồ tay của mình, vừa nói:
- Gấp, gấp lắm.
Người trung niên vừa lái xe chạy nhanh vừa kể chuyện cũng nhanh không kém chiếc xe. Ông ta nói
 
Chú thích:
(1) Tức năm 1990, Bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế và chính trị ở Liên Xô (La Perestroika) từ năm 1988.