Truyện Cổ Tích Được Ăn Được Nói - Etruyen.com

Được Ăn Được Nói

Trong các loài sinh vật có mặt trên quả đất này chỉ có mỗi loài người là biết truyền thông bằng tiếng nói do chính con người sáng tạo ra, và cũng từ khi bắt đầu có tiếng nói, con người đã tỏ ra không ngừng khai thác và tận dụng cái khả năng nói rất qúy báu này của mình. Hiện tượng này đã tạo cho xã hội loài người càng ngày càng tiến hóa và con người càng ngày càng văn minh.

Về phương diện vật chất, nếu ta nói con người từ khi còn ăn lông ở lỗ cho đến khi biết cách làm sao cho mình lúc nào đói là cũng có cái để ăn và được ăn no, ăn ngon, đó là cả một quá trình tiến hóa về ăn; thì về phương diện tinh thần, sự biết cách bày tỏ tâm tư tình cảm cho nhau khởi đầu từ cách phát ra những tiếng gào tiếng hú thuở còn man rợ cho đến khi âm thanh được cấu tạo thành ngôn ngữ giúp cho con người có thể truyền thông tư tưởng cho nhau một cách dễ dàng và biến đổi xã hội loài người thành một xã hội có văn hóa, đó là cả một quá trình tiến hóa về phương diện nói.

Vào thời buổi mới có ngôn ngữ thì con người có lẽ cũng còn quanh quẩn với cái lo thỏa mãn cho nhu cầu ăn nên ngôn ngữ cũng nghèo nàn và nhu cầu nói chưa nhiều. Tuy nhiên, dần dà nhờ trao đổi kinh nghiệm mưu sinh mà điều kiện sinh sống được cải thiện và kiến thức của loài người cũng được mở mang, tâm tư tình cảm cũng cởi mở ra theo những biến chuyển mới của hoàn cảnh, tất nhiên ngôn ngữ cũng phải được phát triển và phong phú thêm lên để diễn đạt, nhờ thế mà nói càng trở nên thích thú và nhu cầu nói lại càng ngày càng tăng thêm.

Không biết có phải vì tạo hóa không thích luật tiến hóa hay cũng biết ngoắt ngoéo sao đó mà khi con người mới được hình thành, chỉ mới biết có nhu cầu ăn thì cũng đã có hai chân để mà đi tìm kiếm, hai tay để vồ nắm, hai mắt để rình nhìn, hai tai để nghe ngóng, nhưng chỉ có một cái miệng để ăn; rồi đến khi con người có thêm nhu cầu nói thì tạo hóa lại không chịu tạo thêm cho con người một bộ phận khác để đảm nhiệm cái phần vụ mới đó mà lại để cho cái miệng phải kiêm luôn cả việc nói. Chính vì chỉ có một cái miệng để phục vụ vừa cho nhu cầu ăn vừa cả nhu cầu nói cho nên khi đã dùng miệng để ăn thì phải ngưng nói và khi muốn nói thì phải ngưng nhai, bằng không thì có thể bị sặc hay mắc nghẹn mà chết như chơi.

Kể ra khi con người đã văn minh thì cái việc ăn uống dù sao cũng có giờ có giấc và còn tùy thuộc vào giới hạn cho phép của cái bao tử cho nên động tác ăn không đến nỗi bao thầu hết thời gian hoạt động của cái miệng, do đó mà cái miệng còn rất nhiều thời gian để tha hồ thực hiện cái động tác nói. Cái điều này thì ai cũng biết, tuy nhiên đôi khi vẫn có người vốn tính tham lam nên không chịu bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào có thể thoả mãn vừa cái nhu cầu ăn mà cũng không bị lãng phí một giây phút nào của niềm vui được nói nên mới vừa nhai ngồm ngoàm vừa nói loạp choạp. Người ta đua nhau ăn và người ta tranh nhau nói đến nỗi hai tai không còn kịp nghe và đôi mắt không kịp nhìn nữa. Nếu ai không tin chỉ cứ việc nhìn xem qua các buổi hội họp đình đám là biết ngay.

Trong hai cái nhu cầu ăn và nói thì muốn ăn người ta còn phải lao động cực nhọc để làm ra của cải vật chất mới có cái mà nhai như câu tục ngữ "tay làm hàm nhai" nên nhiều khi còn phải chờ đợi, trông trước ngó sau; trái lại, khi nói thì chẳng phải đòi hỏi công lao khó nhọc gì cả, nên hễ muốn nói là có thể nói liền. Ngoài ra, nói cũng không gây tốn kém gì cả cho nên người ta tha hồ mà phí phạm. "Lời nói không mất tiền mua..." mà! Ca dao của ông cha ta đã dạy như vậy từ xưa cho nên hễ gặp nhau dù không thân thiết đi nữa thì cũng phải thốt một câu chào hỏi. Kẻ nào không biết ứng xử như vậy là y như rằng thế nào cũng bị người ta chê bai là cái thứ người bủn xỉn đến độ tiếng nói cũng hà tiện, hoặc mắng cho là đồ "câm như hến".

Mặc dù nói luôn luôn nhằm vào mục đích là để cho người khác nghe nhưng đôi khi không có người nghe, người ta vẫn có thể nghêu ngao hay lẩm bẩm một mình cũng chả sao cả. Những trường hợp chỉ có mình nói mình nghe như thế này mà lỡ có người nào đó bất chợt bắt gặp thì dễ bị người nghe hiểu lầm người ấy nếu không điên thì cũng hơi mát mát, vì như nhiều người cũng từng thấy, ngay cả người điên vẫn cần nói. Cứ nhìn mấy người điên có thể quên ăn nhưng vẫn không ngưng lảm nhảm một mình suốt ngày là đủ thấy nhu cầu nói ám ảnh con người biết ngần nào.

Thông thường khi có điều buồn bực ai cũng muốn có người cảm thông với mình cho nên mới hay đi tìm bạn bè đồng cảnh ngộ để rủ nhau cùng ngồi bên ly cà phê, xị rượu, rồi vừa nhâm nhi vừa xả bớt những bực dọc uất ức trong lòng. Cái màn chia qua xẻ lại niềm tâm sự này chỉ làm vơi đi mấy ly cà phê, những xị rượu và dĩa đồ nhắm thôi, còn bầu tâm sự của ai thì cũng chỉ trao qua đổi lại nên vẫn cứ đầy ắp cho nên người ta lại mong có dịp gặp gỡ nhau bên ly cà phê, xị rượu để mà tiếp tục san sẻ.

Khi có niềm vui người ta cũng muốn tỏ ra cho nhiều người khác biết và muốn cho có nhiều người tụ họp lại thì không gì bằng cho kèm thêm cái màn ăn uống vào. Thế là người ta mới bày ra cuộc tiệc mừng này, đám hội hè kia để có lý do mời đông người đến nghe mình chia xẻ niềm vui, và càng tụ họp đông càng vui, vì cho dù người không học khoa học cũng nắm được cái nguyên lý: cường độ khoái cảm của sự nói tỷ lệ thuận với số người nghe. Người đến dự thì cũng muốn nhân dịp gặp gỡ đông đảo này để mà tha hồ phô trương giàu sang, kiến thức, hoặc trổ tài bốc phét.

Nếu nhờ nói mà con người có thể truyền bá cho nhau kiến thức, điều hay lẽ phải, ước nguyện cao cả, san sẻ những tình cảm thương yêu chân thành và trong sáng, thì nói cũng được những kẻ có cái tâm vẩn đục dùng để phơi bày những tình cảm xấu xa đê tiện, gieo rắc những tư tưởng sai lầm, khích động sự căm thù, ghen ghét, hoặc mưu đồ lợi ích riêng tư, cho nên nói cũng còn là một thứ lợi khí giết người không cần gươm dao. Cũng vì thế mà vào những lúc được dịp "rượu vào lời ra" như thế này, những người có cái tâm ích kỷ thường hay lợi dụng cơ hội để đua nhau xử dụng cái lợi khí không mất tiền mua ấy mà chê ra mặt những cái gì không vừa ý mình, hoặc choảng không tiếc lời những tên nào mình muốn cho hạ bệ.

Đụng chạm bắt đầu xảy ra khi một vài đối tượng nào đó cảm thấy mình bị trúng thương vì lời nói của kẻ khác văng miểng vào tai mình, bèn nổi máu anh hùng lập tức ra chiêu trả đũa. Lời qua tiếng lại cứ thế mà tuôn trào theo với cái đà phùng mang trợn mắt của đôi bên khiến cho nói bây giờ được nâng lên hàng một môn võ gọi là võ mồm, và nếu trận võ mồm này mà không kết thúc được bằng một thỏa ước tạm thời nào đó tất nhiên sẽ có thêm màn thượng cẳng chân hạ cẳng tay tiếp theo để cho người ta lại có thêm đề tài mới để nói.

Nếu về mặt ăn, phái nữ nhiều khi vì tập tục xã hội mà phải làm ra vẻ nhường nhịn phái nam thì ngược lại về mặt nói, phái nữ không những không hề nhân nhượng chút nào cả mà còn tỏ ra rất xuất sắc vì đó vốn là nghề của nàng. Một trong các bài hát đồng dao của dân gian ta khi kể về tài nghệ của phái nữ thì cái nghề được nhắc đến đầu tiên là nghề nói. Hãy nghe bài đồng dao sau:

Thìa la thìa lảy,
Con gái bảy nghề
Ngồi lê là một...

Ngồi lê tức là ngồi lê đôi mách, có nghĩa là thích lân la nhà hàng xóm để lôi chuyện vớ vẩn của nhà mình ra kể chán thì xía lần qua chuyện nhà láng giềng, rồi rỉ tai bới móc đời tư nhà thiên hạ mà họ nghe lóm được đâu đó để chê khen với nhau, và cái đà ngồi lê mách lẻo ấy cứ như vết dầu loang mà tiếp tục được loan truyền từ nhà này qua nhà khác cho tới khi đến tai đối tượng bị nói xấu nói lén. Thế là những trận cãi cọ đôi chối xảy ra và sau khi thi nhau phân bua thề thốt chán mà không hàn gắn nổi cái tình nghĩa đang bị sứt mẻ ấy thì bắt đầu chuyển sang màn chửi rủa.

Chửi không những giúp cho mình hả cơn tức, chửi còn được người ta coi như một dịp để thi nhau trổ tài lớn tiếng, dài hơi, biết chửi có bài bản hơn, và nhất là càng vang vọng vào tai nhiều người càng tốt. Chính vì thế mà đôi khi ta có nghe người nào đó mắng ai là đồ lắm mồm lắm miệng, điều ấy không có nghĩa người bị mắng được tạo hóa ưu đãi nắn thêm cho vài ba cái miệng nữa mà thật ra cũng chỉ có một cái miệng độc nhất đó thôi, nhưng khi nói năng thì dẫu cho nhiều người khác cùng góp miệng vào một lúc mà nói tranh cũng không lại. Có lẽ vì thế mà người ta mới bảo chỉ cần hai người đàn bà gặp nhau là đủ làm thành cái chợ. Chợ đây không có nghĩa là chợ mua bán mà là chợ ồn ào. Ca dao cũng có câu:

Một trăm ông chú chẳng lo
Lo về một nỗi mụ o nỏ mồm

Cứ nhìn qua những sự kiện như trên, ta có thể thấy ngay cái ý nghĩa tiềm ẩn đằng sau những hiện tượng ấy là: Nếu được ăn để sống là một niềm hạnh phúc trần gian của con người về mặt vật chất tất nhiên được nói để truyền thông tâm tư tình cảm ý nghĩ của mình với người khác cũng là một niềm hạnh phúc khác không kém phần quan trọng trong cuộc sống tinh thần. Mặc dù ngoài cái việc ăn là nhu cầu tối thiết cho sự sống vì không được ăn con người sẽ chết, còn nói tuy chỉ là một nhu cầu thứ yếu vì "không nói được" như mấy người câm hoặc "không được nói" như những người bị bịt miệng hay bị cấm nói, con người không đến nỗi chết, có điều, nếu thiếu đi cái khoản này thì hạnh phúc trần gian của con người kể như đã bị mất mát đi một nửa.

Chính vì nhu cầu nói quan trọng và cần thiết như vậy nên từ khi khoa học tiến bộ, người ta đã không ngừng đổ xô vào nghiên cứu và phát triển các phương tiện truyền thông. Nếu ngày xưa hai người ở cách xa tầm nghe của tiếng nói là không còn nghe được tiếng nhau, nhưng từ ngày người ta phát minh ra điện thoại thì cho dù con người có cách xa nhau ngàn vạn dặm vẫn có thể đêm hôm khuya khoắt cũng lôi nhau dậy mà nói với nhau như thường. Tiếp theo đó, người ta lại còn phát minh ra máy truyền thanh truyền hình để cho bất cứ chuyện gì xảy ra trên đời này cũng có thể đem ra mà quảng bá thật nhanh, thật rộng rãi cho mọi người mọi nơi trên quả đất cùng xem và nghe. Không những thế, truyền thanh truyền hình còn là phương tiện hữu hiệu nhất cho những người có tham vọng làm nên nghiệp lớn muốn cho tiếng nói của mình cùng một lúc đến tai thật nhiều người trên khắp thế giới.

Nhưng thế vẫn chưa hết. Nếu ngày xưa người ta còn có lúc phải chịu khó ngồi im lặng để đọc hoặc viết vì "lời nói bay đi, chữ viết còn lại", nhưng kể từ khi máy ghi phát âm ra đời, lời nói từ một cửa miệng người nào đó phát ra vẫn có thể được lưu giữ lại trên băng từ hay dĩa nhựa để phát ra nghe lại khi cần. Điều này chẳng những giúp cho người nói khỏi phải lo mỏi miệng lặp lại, còn người nghe thì có thể tha hồ nghe đi nghe lại bằng thích. Ngoài ra, với cái cường độ tự nhiên của tiếng nói con người đôi khi cũng đủ chát chúa cái lỗ tai của người xung quanh nhưng vẫn có người chưa lấy thế làm hài lòng nên người ta lại chế thêm ra những máy khuyếch đại âm thanh, những dàn loa hàng ngàn "oát", để hỗ trợ cho tiếng nói có thể vang ra xa hơn hoặc xoáy thẳng vào tai những người lơ đễnh hay đang ngủ mê.

Có lẽ vì quá ngán ngẫm cho cái nỗi đam mê nói của người đời đã khiến cho cái hành tinh này đâm ra cứ náo động mãi khiến cho có vài ông triết gia bắt đầu đem cái giá trị của hiện tượng nói ra cân nhắc lại và đi đến kết luận rằng "im lặng là vàng". Kể ra thì loài người đã phải trải qua bao nhiêu giai đoạn tiến hóa mới tạo ra được tiếng nói, rồi chính mỗi con người khi được sinh ra đời cũng phải qua một quá trình học nói mới có thể nói được, rồi nhiều người khi biết nói lại thấy chỉ nói bằng một ngôn ngữ thì chưa đủ xài nên còn phải khổ công học thêm vài ba ngôn ngữ khác nữa để nói cho thỏa mãn mà nay lại bảo nên im lặng chẳng hóa ra uổng công lắm sao.

Mà đừng nói gì người trần tục, ngay cả các vị thánh thiện vì chán cuộc đời ô trọc nên quyết chí tu hành để tự giải thoát hay tìm về một nguồn hạnh phúc thanh cao nào đó thì khi muốn chứng tỏ cái tâm thành của mình với các đấng siêu linh, các vị ấy cũng phải dùng cách cầu kinh hay tụng niệm. Ấy là chưa kể khi các vị ấy vì thấy nhân thế sa đà trong cái đam mê ăn và nói mà trở thành sa đọa làm cho xã hội băng hoại, bèn động từ tâm mà ra tay cứu độ, tất nhiên các vị ấy vẫn cần đến lời nói để rao giảng hay thuyết pháp cho chúng sinh nghe thì mới mong chúng sinh tỉnh ngộ mà cải tà quy chánh để quay trở về với con đường ngay thẳng.

Có lẽ vì thế mà lời thẩm định của mấy ông triết gia lẩm cẩm trên kia được mọi người cho vào sọt rác không mảy may thương tiếc, vì ai cũng thừa hiểu là vàng tuy được coi là qúy thật, nhưng vàng không nhờ nói năng để được biến hóa thành ra cơm gạo thì cũng không thể nuốt thẳng vào bụng mà sống. Thế là thiên hạ lại đua nhau nói như thường, nói không những cho thỏa mãn cái tâm tư chất chứa ở trong lòng của mỗi người, mà còn nói để dùng nó làm cái cần câu cơm gạo cho con người có cái mà ăn nữa.

Kể từ khi con người văn minh ra, phương tiện sản xuất được cải tiến khiến cho không còn cần phải xử dụng nhân công nhiều thì xã hội bỗng dôi ra một số người không có việc gì để làm. Của cải vật chất làm ra tuy dư thừa nhưng phân phối thì không làm sao cho đồng đều được nên kẻ thì dư ăn dư để và kẻ thì chẳng có gì cả để ăn nhưng vẫn phải cần ăn. Dĩ nhiên là một kẻ muốn ăn mà không có cái gì để ăn trong khi thấy người khác đang ăn hay có ăn thì ít nhất cũng phải biết mở miệng ra xin ăn. Khi mà cái hành động xin ăn này được một người nào đó chọn như là cái kế mưu sinh lâu dài của mình thì được coi như là một nghề và người ta gọi đó là nghề ăn mày. Nghề này có lẽ xuất hiện từ xưa lắm và mặc dù người hành nghề này chưa bao giờ dám tỏ ra hãnh diện về cái nghề của mình, nhưng nghề này vẫn tiếp tục được duy trì cho tới ngày nay, và thường tỏ ra rất thịnh hành ở những xã hội nào còn tồn tại nhiều bất công.

Thật ra việc xử dụng nói như là một cái cần câu cơm không phải chỉ có thế, trái lại trong một xã hội văn minh, hầu như làm nghề gì đi nữa cũng cần đến nói, chỉ khác nhau ở chỗ là cần đến nói nhiều hay ít, và nói là quan trọng hay lao động bằng tay chân là chính.

Muốn đi làm công kia việc nọ thì cũng phải biết mở miệng ra xin việc. Được chủ gọi để thuê thì lúc giáp mặt chủ mà có bị hạch hỏi này nọ thì cũng phải biết nói sao cho thông suốt mới mong được thu nhận. Được vào làm việc rồi thì nhiều khi cũng phải biết nhờ có "mồm miệng" mà "đỡ chân tay" ra nhiều lắm, hoặc đôi khi có lỡ làm hư việc hay không được việc thì cũng nhờ cái mồm biết đổ thừa cho hàng trăm thứ "tại và bị" thì may ra mới không bị chủ sa thải, và giữ được cái nồi cơm.

Buôn bán có cửa hàng cửa tiệm thì cũng phải giao dịch, biết ăn gian nói dối thì mới mong "nhứt bổn vạn lợi". Tận cùng nhất như dân làm nghề bán vé số dạo thì cũng phải biết mau mồm miệng vừa rao vừa mời mọc, có khi còn phải năn nỉ. Ngoài ra còn có những người cũng buôn bán nhưng không hàng không vốn, chỉ có cái miệng nói như những người chuyên môi giới, chạy mánh mung, hoặc rao quảng cáo thì lại càng phải dùng miệng lưỡi của mình để nói đến nổi sùi cả bọt mồm bọt mép mới mong có ăn cho nên người ta mới tặng cho họ cái biệt danh là những người làm "nghề nước bọt".

Trong những nghề cần xử dụng yếu tố nói là chính thì ngoài những nghề chỉ cần người hành nghề có một chút năng khiếu nói bẩm sinh, cũng còn có nhiều nghề đòi hỏi người hành nghề ngoài năng khiếu nói còn cần phải được tập luyện thêm, hoặc phải có trình độ học thức, phải qua những trường lớp chuyên nghiệp. Không những thế, có nhiều nghề còn mang lại giàu sang và danh vọng cho người hành nghề nhờ xử dụng cái tài năng nói của mình.

Ngày xưa khi mà xã hội hãy còn mang nặng cái đầu óc phong kiến thì những người làm nghề đem lời ca tiếng hát đổi lấy chén cơm được coi là "xướng ca vô loài", nhưng ngày nay thì người ca sĩ mới là người dễ hái ra tiền và được nhiều người biết đến tên tuổi hơn cả. Nhưng muốn làm ca sĩ trước hết phải có giọng, rồi còn phải dày công tập luyện. Chính nhờ có mấy ca sĩ mà những người bản tính nhút nhát không có can đảm thổ lộ tâm tình riêng tư trước mặt người khác, hoặc không có năng khiếu nói để diễn đạt, thường hay xoay ra làm thơ, đặt nhạc để được ca sĩ hát lên cho nhiều người cùng nghe thì cũng chẳng khác nào họ đã được có người thay mình mà giãi bày cái nỗi lòng mình muốn nói mà không thể nói hay ngại nói ra bằng chính miệng của mình ấy.

Trái lại có những nghề ngày xưa rất được trọng vọng như nghề dạy học vì người thầy được xem là kẻ chuyên dùng "khuôn vàng thước ngọc" gõ đầu bọn trẻ để giúp cho chúng mở mang trí tuệ ra mà được nên người sau này ra giúp nước giúp dân. Nhưng đấy là chuyện ngày xưa khi chữ nghĩa trong thiên hạ mới chỉ đựng đầy vài ba cái bồ. Ngày nay muốn làm thầy phải dày công đèn sách cho có khoa bảng rồi lúc ra hành nghề cũng phải ăn nói giảng bài sao cho hấp dẫn thì học trò may ra còn có đứa lắng nghe, bằng không chúng rủ nhau ngủ gật hết hoặc rủ nhau đi học trường khác nếu là trường tư. Thầy giáo nào mà không câu nổi học trò thì coi như đói cho nên có nhiều thầy lo nói khan cả tiếng mà được ăn chẳng bao nhiêu đến nỗi sinh ho lao. Chính vì thế mà người ta mới gọi nghề nhà giáo là nghề bạc bẽo nhất và tặng thêm cho nghề này cái biệt danh là nghề bán cháo phổi.

Người làm nghề luật sư cũng phải dày công học tập suốt chặng dài của khoa bảng mà còn phải có tài lý luận sắc bén để đánh đu với luật pháp. Nếu ra làm luật sư biện hộ thì càng phải biết ăn nói hoạt bát, có thể dùng miệng lưỡi mà bẻ cong cả cán cân công lý thì mới mong thành công. Mặc dù luật sư vẫn tự cho mình là kẻ bênh vực công lý, mang lại sự công bằng cho mọi người trong xã hội, nhưng người bình dân thì không quan tâm lắm đến những danh từ rỗng không ấy mà chỉ chú trọng vào những hình ảnh thực tế hơn, nên khi thấy những ông luật sư cãi nhau rất hùng hồn trước toà để bào chữa cho thân chủ mình thì phục lắm, bèn gọi nôm na mấy ông luật sư là thầy cãi cho dễ hiểu. Bất cứ ai có chuyện kiện tụng phải ra toà mà chả mong luật sư của mình sẽ cãi thật hay trước toà để cho mình được thắng kiện hay trắng án?

Trên đây chỉ là vài thí dụ đơn cử ra về vai trò của yếu tố nói trong một số nghề nghiệp thôi chứ nếu như muốn kể cho hết thì cũng không ai tài nào kể nổi. Tuy nhiên có một nghề sôi nổi nhất là nghề làm chính trị. Xuất phát của nghề này có lẽ từ khi con người biết sống có tổ chức thành xã hội, nhưng ít ai muốn gọi nó là một nghề mặc dù ngày nay người ta cũng đã thiết lập ra những trường đào tạo khả năng chuyên môn cho người muốn hành nghề này như trường luật, trường hành chánh, trường chính trị, trường ngoại giao, trường đảng v.v... Tuy thế, người làm chính trị thì lại không nhất thiết bị bắt buộc phải trải qua bất cứ một trường đào tạo nào mà chỉ cần có một ý hướng muốn làm chính trị là đủ rồi.

Vào cái thời còn phong kiến lạc hậu thì làm chính trị tức là chăn dân. Khi một người nào đó tự xưng mình là vua tất nhiên sẽ phải nói với mọi người rằng mình là kẻ thay trời để chăn dân thì dân mới sợ. Vì vua giữ quyền chăn dân nên dân cần phải biết lo cho vua ăn để vua có thể sống mà ngồi đó thay trời chăn dắt mình. Thế là dân khỏi cần phải thắc mắc gì nữa, chỉ việc yên lặng cúi đầu tùng phục và vua thì cứ việc yên vị ngồi ăn mà phán bảo muôn dân.

Tuy nhiên, dần dà trong dân cũng có người nhận ra rằng dân thì lo cho vua ăn nhiều quá nên dân chịu đói, mà lòng dân thì chỉ có mỗi mong ước sao cho mình cũng được no đủ, nên mới nhắc nhở kẻ chăn dân: "ý dân là ý trời". Lời nói có lẽ cũng bay tới tai vua đấy, nhưng vua thì lại cho rằng mình thay trời tất nhiên ý trời cũng là ý mình, vậy thì cũng chẳng cần nghe "ý dân ý trời" làm gì cho mất công nên vẫn thản nhiên mà chăn dân theo ý mình.

Vì làm vua sướng như thế đấy cho nên từ ngàn xưa thỉnh thoảng lại nảy thêm ra vài anh dân chợt ý thức ra vua cũng ham ăn và sợ chết còn hơn dân chứ không có gì siêu phàm cả, bèn nổi lên giết vua đi để mà chiếm chỗ. Nếu thành công thì thâu tóm giang sơn lập nên một triều đại mới, bằng như thất bại thì kể như mình cũng tiêu đời nhà ma luôn. Chả thế mà tục ngữ vốn có câu: "Được làm vua thua làm giặc".

Cũng may là cái thời phong kiến ấy không thể cứ tồn tại mãi vì khi trình độ tiến hóa của tư tưởng loài người theo thời gian mà biến chuyển thì những người dân "thấp cổ bé miệng" cũng bắt đầu thấy mình cần phải làm sao cho tiếng nói của mình lớn mạnh lên thì mới mong lấn át được tiếng nói của nhà vua. Nhưng tự quần chúng nếu cứ để tự nhiên không có tổ chức thì cũng chỉ là một đám ô hợp hò hét suông thôi chứ không làm nên trò trống gì. Thế là lại có những người tự cho là mình có tài năng và sáng suốt hơn nhảy ra tập hợp quần chúng lại để cùng đứng lên lật đổ vua và giành lại quyền ăn nói cho mọi người.

Để cho phù hợp với trình độ hiểu biết của thời đại mới tất nhiên mọi danh xưng cũng phải đổi mới cho nên khi rủ nhau vùng lên lật đổ một chế độ này để thiết lập ra một chế độ khác được cho rằng tân tiến hơn thì gọi là làm cách mạng. Người đứng ra kêu gọi mọi người theo mình làm cách mạng thì được gọi là người hy sinh đứng ra lãnh đạo mọi người làm nhiệm vụ cứu dân cứu nước, xóa bỏ bất công, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người. Thế là mọi người ùn ùn kéo nhau đi làm cách mạng. Rồi đến khi cách mạng thành công thì người lãnh đạo lại sáng suốt để tiếp tục hy sinh mà tuyên bố trả giang sơn gấm vóc lại cho nhân dân làm chủ, còn mình thì khiêm nhường chỉ xin được làm đại diện cho dân để quản lý mọi việc. Thế là dân lại yên chí mà ủy nhiệm việc dân việc nước cho các vị lãnh đạo.

Tục ngữ xưa của ông cha ta từng có câu: "Được ăn, được nói, được gói mang về" như là một cách diễn tả cái cứu cánh trong sự đi tìm kiếm hạnh phúc của con người cho nên dù có cách mạng hay không cách mạng thì con người cũng chỉ nhằm theo đuổi cái cứu cánh đó. Chính vì thế mà các nhà lãnh đạo cách mạng một khi đã nắm được cái vai trò quản lý rồi thì các ngài cũng lại thấy mình cần ăn và ăn nhiều hơn để đền bù lại những hy sinh gian khổ của những ngày còn tranh đấu và cần nói nhiều hơn cho xứng với cái vai trò đại diện hiện nay.

Để củng cố cho việc thực hiện cái chân lý này, nhiều nhà lãnh đạo còn cho thiết lập cả một hệ thống thu gom cái ăn lại cho mình quản lý và một bộ máy tuyên truyền để làm tiếng nói chung thay thế luôn cho tiếng nói của dân chứ để cho dân cũng được quyền nói nữa thì "chín người mười ý" chỉ sinh loạn. Và vì thế mà bất công vẫn cứ tồn tại, và đấu tranh lại tiếp diễn, chỉ vì xã hội lại tái diễn cái màn có một số người độc quyền "được ăn được nói", còn đa số những người khác thì nhận thấy cái quyền "được ăn được nói" của mình lại bị kẻ khác cướp mất rồi.

Kể ra bàn về hiện tượng nói của con người thì có nói mấy cũng không cùng, nhưng nếu như cần tóm lại thì cũng chỉ có một điều đáng nói nhất, đó là mặc dù con người chỉ có một cái miệng để vừa ăn vừa nói thì có người lại bắt nó phải làm việc không ngừng trong khi có hai mắt để nhìn và hai tai để nghe thì mắt không chịu nhìn cho hết còn tai thì chỉ nghe những gì mình thích nghe. Vậy thì thiết tưởng những kẻ nào lâu nay chỉ biết xử dụng cái miệng "được ăn được nói" của mình quá nhiều mà ít chiu xử dụng hai tai và đôi mắt của mình, thì lúc này cũng nên mở to mắt để nhìn cho thấy hết xung quanh mình còn có rất nhiều người có miệng mà không được ăn, lắng tai lại mà nghe cho rõ tiếng phều phào của những người có miệng mà không được nói, để mà biết san sẻ. Có như thế thì xã hội mới mong thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của những tranh chấp do cái mưu cầu hạnh phúc "được ăn được nói" gây ra.