Truyện Cổ Tích Cái vết đỏ trên má công nương - Etruyen.com

Cái vết đỏ trên má công nương

Ngày ấy có một ông thượng thư đầu triều nổi tiếng là người nghiêm khắc và hách dịch. Ông có tính nóng như lửa. Đã thế ông lại có quyền "tiền trảm hậu tấu" nên không khỏi giết oan một số người vô tội. Trong triều ngoài quận người ta coi ông như vị hung thần. Mỗi lần ông thét đao phủ chém một người nào, thì dù là kẻ thân thiết nhất cũng không ai có thể can được, cho nên những người ở gần đều sợ ông như cọp.

Ông thượng có một sở thích đệ nhất là món hát bội. Ngày ấy chưa có rạp tuồng bán vé cho công chúng vào xem như sau này, cho nên các nhà quyền quý thường nuôi gánh hát riêng. Chẳng những ông thích xem hát mà còn tự tay biên soạn nhiều vở tuồng, vì vậy ông cũng có một gánh hát trong nhà. Trong số đào kép của gánh hát này thì có kép Châu là một tay xuất sắc. Kép Châu tuổi trẻ tài cao, thường được người xem tán thưởng về hát hay múa dẻo, nhất là đám nữ giới mỗi lần thấy anh thủ vai chính trên sân khấu thì thường mê như điếu đổ về cả thanh lẫn sắc.

Ông thượng không có con trai, chỉ có một cô con gái rất xinh tên là Nhung. Cũng như thói thường của mọi nhà quyền quý khác, ông chăm dạy cho con mọi điều công, dung, ngôn, hạnh. Thấy con gái thông minh và tài hoa, ông yêu dấu rất mực. Đến nỗi hằng ngày hút thuốc, nếu không có thuốc do con ông quấn thì ông hút không ngon. Tuy nhiên, một việc oái oăm ông không bao giờ ngờ tới là cô Nhung được ông dạy dỗ chăm sóc là thế lại thầm yêu trộm nhớ kép Châu. Về phần kép Châu tuy biết thân phận hèn kém, tuy biết tính mạng treo đầu sợi tóc cũng không nỡ vô tình với công nương. Hai bên đã nhiều lần kín đáo gặp gỡ và cũng đã từng chỉ non thề biển, quyết sống chết có nhau.

Một hôm ông thượng ăn mừng thọ. Ngoài tiệc tùng đãi khách như thường lệ, còn có một đêm hát bội đặc biệt diễn một vở do ông biên soạn. Thủ vai chính không có ai khác ngoài kép Châu. Trong khi đào kép đang cố gắng trổ tài trên sân khấu thì ông thượng chăm chú cầm chầu. Hứng thú, ông đốt hết điếu này sang điếu khác. Bỗng chốc số thuốc quấn sẵn đựng trong một cái hộp bằng vàng đã hết nhẵn, ông bèn sai lính hầu vào bảo công nương quấn tiếp cho ông mười điếu nữa. Nhưng tên lính hầu đi quá lâu làm cho ông sốt ruột. Cho đến khi hắn bưng được hộp thuốc vào, ông mắng ngay:

- Mày đi đâu mà lâu thế?

Tên lính hầu đáp:

- Bẩm, vì công nương không có nhà nên con lại phải đi tìm, công nương vừa quấn xong là con mang đến đây liền.

Ông thượng không nói gì. Nhưng khi cầm lên một điếu ông lập tức chau mày. Thuốc của con gái ông quấn bao giờ cũng khéo: vừa gọn vừa chặt bằng giấy quyến tinh khiết, mười điếu không sai một. Đằng này đã quấn lỏng lại có nhiều vết bẩn. Bực mình, ông quát tên lính hầu:

- Vào gọi công nương mày tới đây tao bảo.

- Dạ.

Ấy thế nhưng lần này tên lính hầu cũng lại đi mất hút. Đợi một thôi một hồi, ông mới thấy cô con gái yêu đến. Ông mắng phủ đầu ít câu về điếu thuốc quấn không thành điếu, rồi đuổi con ra. Nhưng khi cô Nhung lui gót, ông vừa nhìn theo chợt trông thấy trên má của con có một cái vết đỏ. - "Hừ, làm sao nó lại có vẻ nhem nhuốc thế kia". Nghĩ thế, song ông vẫn để tâm trí vào trống chầu.

Giữa lúc ấy, đến lượt kép Châu bước lên đài. Ông thượng liếc nhìn thấy bộ mặt hóa trang của hắn cũng nhem nhuốc, nhợt nhạt, thì ông bỗng đoán ra nông nỗi. Một cơn giận bừng bừng bốc lên: - "Chà thằng này láo thật. Đồ xướng ca vô loài". Rồi ông lại nghĩ đến con gái: - "Không ngờ con gái ta lại đâm ra mê say nó, giở trò trên bộc trong dâu. Không thể tha thứ được!". Tuy nghĩ vậy, ngoài mặt ông vẫn điềm tĩnh, tay vẫn đánh trống chầu không nhầm lỗi.

Khi màn bắt đầu hạ để chuyển sang một cảnh khác, lập tức ông đứng dậy dõng dạc truyền lệnh:

- Quân đâu, dẫn kép Châu ra sân, chém đầu!

Tiếng quân hầu dạ ran. Các quan khách và mọi người đang xem hát ai nấy đều ngơ ngác kinh hồn. Chẳng ai hiểu duyên cớ vì đâu mà có cái án tử hình đột ngột này. Đây đó tiếng người thì thầm: - "Có lẽ nó đã làm điều gì đó hỗn xược với cụ lớn". Hay là: - "Chắc tên kép ấy đã phạm "húy" cụ lớn hay là phạm "húy" hoàng đế thì phải".

Trong khi kép Châu còn nguyên cả y phục tuồng bị đao phủ lôi ra sân, thì cô Nhung vẻ mặt hốt hoảng chạy tới trước ghế của cha mình ngồi thụp xuống vái lấy vái để:

- Trăm lạy cha, xin cha tha cho anh ấy. Có giết xin cha cứ giết mình con đây!

Nghe câu nói, ông thượng vẫn không động lòng, mà lại còn cảm thấy như bị thách thức. Trợn mắt, ông quát:

- A, nếu thế thì quân bay hãy cởi trói cho kép Châu mà bắt giải công nương ra chết thế.

Bọn quân hầu nhìn nhau toáng đảm, không ai dám cất tay động chân. Ông thượng đứng bật dậy quát:

- Chúng mày đã nghe rõ lệnh ta chưa?

Lại có tiếng dạ ran. Lính hầu xúm lại dẫn cô Nhung đi ra sân. Không có một lời can ngăn. Không một ai nhúc nhích. Một lát sau, một tiếng rú của công nương bật lên ai oán, rồi tất cả rơi vào im lặng.

Bấy giờ ông thượng quay lại phía bọn đào kép đang chúi vào một xó nhắc: - "Chúng mày hãy diễn tiếp đi!".

Tiếng đàn, nhị, trống, chiêng,v.v. thốt nhiên lại cất lên. Người xem tuy chẳng còn hứng thú xem tiếp, nhưng không một ai dám bỏ chỗ ngồi ra đi. Ông thượng miệng vẫn hút thuốc, tay vẫn nắm lấy dùi trống chầu như không có việc gì xảy ra. Màn diễn đến đoạn cuối: vai chính sẽ than thở bên xác người yêu. Kép Châu lại bước lên đài, mặt cắt không được giọt máu. Anh hát những câu hết sức buồn thảm, anh khóc thật và tỏ điệu bộ não nùng chưa bao giờ làm rung động người xem đến thế. Cứ như vậy, tiếng than khóc mỗi lúc một ai oán. Cho đến câu hát cuối cùng vừa dứt, kép Châu kêu lên mấy tiếng thảm thiết không có trong vở:

- Em ôi! Em hãy đợi anh với!

Đoạn rút trong tay áo một con dao găm đâm ngay vào cổ họng và ngã lăn xuống khán đài. (1)


 

o O o

Khảo dị


truyện này gần như là một truyện thuộc loại muộn nhất của cổ tích, đã mang dáng dấp truyện ngắn hiện đại. Mặc dầu vậy nó cũng có dị bản, nhưng kết cục của dị bản lại không bi đát như truyện trên:

"Trong nhà một ông tuần nọ có nuôi một gánh hát riêng. Trong số diễn viên cũng có một kép trẻ tuổi đẹp trai hát hay, lôi cuốn được nhiều người, nhất là giới phụ nữ. Cũng như truyện trên, kép ta lọt vào mắt xanh con gái ông tuần. Thế rồi mối tình thầm lén ngày một nảy nở. ở đây không có cái vết đỏ trên má cô nàng, mà là bức thư tình của cô do một bạn đồng nghiệp của kép lấy trộm đưa tới ông tuần. Cơn thịnh nộ của ông bùng lên, ông tuốt kiếm bảo người đi tìm kép dẫn đến cho ông tức khắc. Nhưng kép lại vắng mặt lúc đó, nên kết thúc của truyện mang đôi chút hài hước. Trong khi chờ đợi tội nhân, ông cho giam con gái lại; thấy đôi hia đế cong của kép, ông dùng kiếm băm vằm như băm vằm người thật để hả cơn giận. Cơn giận dịu đi trông thấy. Đến chiều, theo dự định, vở tuồng "Từ Thứ quy Tào" sẽ diễn mà vai chính Từ Thứ thì ngoài kép ra không ai có thể thay được. Nhưng, kép ta có lẽ vì sợ vẫn chưa về mà nếu về cũng không có hia để đóng. Cuối cùng, ông tuần bảo người nhà đi mua một đôi hia khác và giục đi tìm kép về gấp để cho vở tuồng không bị hoãn lại. (2)



1. Theo Tiểu thuyết thứ bảy (1935); tạp chí Đông - Nam Á, số 16 (1950); và Phổ thông, số 3 (1952).

2. Theo Bách khoa, số 382 (1972).