Truyện Cổ Tích - Etruyen.com

Vợ chồng đánh nhau

 

Ngày xưa, có một đôi vợ chồng làm chủ một tiệm bán bánh. Họ sống với nhau trong một bầu không khí thuận hòa, nhưng đôi khi họ cũng sanh chuyện xích mích và thường gây lộn với nhau.

Một hôm, vì một sự bất hòa chi đó họ bắt đầu cãi nhau, lúc đầu họ còn nói nho nhỏ nhưng sau dần dần càng sinh to chuyện. Cuối cùng, người vợ thét lên lanh lảnh :

- Giết tôi hả? Tôi không sợ anh đâu!

Người chồng nói:

- Ðược rồi! Nhất định tao giết mày!

Hai người đánh nhau rất kịch liệt.

Ông già bên hàng xóm vội chạy sang khuyên can họ, ông nói:

- Này hai bác ơi! Làm gì mà đánh nhau dữ vậy? Có việc gì không nên không phải hai bác hãy bình tĩnh mà chỉ bảo nhau, chứ đừng nên làm thế người ngoài sẽ chê cười.

Nhưng họ không thèm nghe lời ông già. Người vợ lại nói:

-Cứ giết tôi đi!

Người chồng trả lời:

-Hôm nay nhất định tao không nhượng bộ đâu, không giết mày không được!

Ông già thấy lời khuyên can của mình không có hiệu quả, ông liền đến trước cửa tiệm bánh của họ thu tất cả những bánh trong tiệm rồi đem phân phát cho những người đang bu lại xem họ đánh nhau. Hai vợ chồng thấy thế lập tức không đánh nhau nữa, vội chạy ra hỏi:

-Ồ kìa! Ông làm cái gì vậy? Nhà người ta buôn bán sao tự nhiên ông lại đem lấy của chúng tôi cho không mọi người.

Họ trừng mắt nhìn ông già và hấp tấp ngăn cản ông, không cho ông lấy bánh nữa.

Ông già thản nhiên nói:

-Vừa rồi bác nói bác nhất định sẽ giết bác gái, mà giết bác gái rồi tôi tưởng sau này bác cũng không thể nào sống được. Vậy cả hai người sẽ đều chết và tiệm bánh này cũng sẽ vô dụng, vì thế cho nên tôi đem bố thí hết các thứ của hai bác để gây chút công đức cầu siêu cho hai bác đó.

-Không được, nếu đem hết các thứ trong tiệm tôi mà cho người ta rồi ngày mai chúng tôi lấy gì mà ăn đây.

 Thôi chúng tôi không đánh nhau nữa đâu!

Q. Ð.

“Sự giận giữ là cơn gió lớn làm tắt ngọn đèn thông minh”.

 

Người gieo mạ

 

Một buổi bình minh, ánh nắng vàng trải trên những thảm cỏ xanh non bao trùm những vườn cây tươi tốt, muôn chim líu lo trên cành, mọi ngườI sửa soạn ra đồng làm việc.

Ðức Từ Tôn mặc y nghiêm trang, ôm bát khoan thai đi vào xóm để khất thực, lúc Ngài đi ngang qua nhà của ông Bà La Môn giàu có và danh tiếng nhất trong xứ tên là Ba Ra Va Da, Ngài bèn dừng chân lại trong lúc lão Bà La Môn mang lễ vật ra sân để cúng thần Nông.

Trước dung mạo trang nghiêm và đầy vẻ từ bi của Ðức Phật, mọi người đều tỏ vẻ kính trọng Ngài, người thì chắp tay cúi đầu, kẻ thì nghiêng mình, người lại đảnh lễ sát đất. Trước khung cảnh uy nghi ấy đã không phát tín tâm Ba Ra Va Da còn phát sanh lòng sân hận, lão hét lên:

-Ồ, này Sa Môn kia, tại sao còn khỏe mạnh, tay chân đầy đủ lại đi xin ăn, sao lão không chịu làm lụng như bao nhiêu người khác. Ta phải chịu cực khổ dầm sương giãi nắng cầy cấy, gieo mạ hôm nay mới có cơm ăn. Nếu lão chịu khó làm lụng như ta, thì lão cũng có cơm ăn vậy.

Ðức Phật bèn từ tốn trả lời rằng:

-Ta đây cũng cầy cấy gieo mạ, ta cũng có lúa ăn như ngươi vậy.

Ba Ra Va Da cướp lời:

-Lão dám mạo nhận là một người nông dân sao?

Ðức Thế Tôn yên lặng không trả lời.

Người Bà La Môn cất tiếng cười ngạo nghễ hỏi tiếp:

-Vậy chớ trâu, bò, cầy, bừa và lá lúa giống của lão ở đâu?

Ðức Phật bình thản giảng giải:

-Hột giống của ta gieo là Ðức tin, những việc lành là mưa thuận gió hòa thấm nhuần cho lúa càng ngày càng tốt tươi. Ý chí dõng mãnh và nhẫn nại là cái cày, sự tinh tấn là con bò, trí tuệ là sợi dây đàn, còn Ta cầm cán cân giới luật.

Ta cầy cấy đặng trừ tuyệt cỏ xấu đang đâm chồi nẩy lộc trong tâm của chúng sanh.

Lúa của ta gặt là nơi an vui tuyệt đối bất sanh, bất diệt đại niết bàn, nơi dứt tất cả sự thống khổ. Vốn là một người thông minh và đã tạo nhiều thiện duyên từ nhiều kiếp trước, Ba Ra Va Da nghe những lời giảng giải của Thế Tôn xong được thấm nhuần như tấm vải trắng sạch nhuộm ăn màu, như người bị ngã được đỡ đứng dậy, như ngọc qúy bị giấu kỹ bỗng nhiên được phát hiện trí tuệ, Ba Ra Va Da cung kính bạch Ðức Phật rằng:

-Tiếng đồn thật không sai, Ðức Từ Tôn quả là ngọn đuốc sáng để đưa chúng sanh từ chỗ tối tăm đến chỗ sáng suốt.

Nói xong, Ba Ra Va Da vội lấy dĩa bằng vàng, đựng cơm đề hồ (cơm nấu bằng sữa) đến thành kính sớt vào bát của Ðức Phật và nói rằng:

-Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ nhận lấy lễ vật mọn này để con được gieo duyên lành cho kiếp vị lai.

GIỚI ÐỨC

“Tam Bảo là  ruộng phước phì  nhiêu cho chúng sanh gieo giống”.

 

Chuỗi Anh lạc

 

Ba Lợi là người con trai rất chí hiếu, nội trong thôn xóm anh ở ai cũng mến thương. Mồ côi cha ngay khi còn nhỏ, lớn lên anh lại theo nghiệp của phụ thân làm nghề hàng hải, là một nghề nhiều nguy hiểm hơn an toàn. Nên mỗi lần ra đi, anh từ giã mẹ già thì mẹ anh không lần nào quên dặn con phải luôn luôn chí tâm kêu cầu Bồ Tát Quán Thế Âm. Lần này bà đeo vào cổ cho con một tượng Bồ Tát bằng ngà và cũng dặn con lúc nào gặp nguy hiểm thì phải niệm Ngài cho chí thiết.

Quả nhiên chuyến đi này thuyền anh bị lạc hướng bởi một cơn gió dữ thình lình. Trong thuyền 8, 9 người chơi vơi giữa biển khơi đã hai ngày, nguy ngập nhất là khát nước. Giữa biển mênh mông chỉ trời với nước, thế mà trong thuyền khát nước đến gần nguy. Anh bình tĩnh bảo cả thuyền đều phải nhất tâm kêu cầu Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn cho, thì may đâu từ xa xa có một chiếc thuyền đang hướng về thuyền anh chèo đến, khi hai thuyền xáp nhau anh hỏi xin nước uống. Người thuyền chủ đưa cả hũ nước ngọt cho thuyền anh. Uống xong anh hết sức cảm tạ. Người thuyền chủ hỏi anh, nước ở biển nhiều hay nước ở hũ nhiều?

Anh đáp: nước trong hũ nhiều, vì nước biển tuy nhiều song không thể uống được, nước ở hũ ít nhưng cứu được sự khát ngặt cho người thì phước đức vô lượng.

Thuyền chủ tán thán câu trả lời lý thú của anh, rồi tặng anh một chuỗi ngọc châu quí giá và bảo: “Ta thưởng cho người con chí hiếu”. Nói xong thì không thấy thuyền và người đâu cả. Những người cùng thuyền anh rất cảm động và tin tưởng mãnh liệt vào sự linh ứng của Bố Tát Quán Thế Âm.

Về nhà, anh thuật chuyện cho mẹ nghe, và dâng chuỗi ngọc châu cho mẹ.

Thân mẫu anh bảo: Chuỗi ngọc châu này là của vô giá, con nên đem dâng vua, đừng bán.

Vâng lời mẹ, Ba Lợi đem dâng vua.

Vua Ba Tư Nặc được chuỗi ngọc châu quí giá rất mừng, tạ anh nhiều vàng ngọc khác.

Cách mấy hôm sau vua liền triệu tập các cung phi đến, ý vua nghĩ để ta xem trong số cung nhân người nào đẹp nhất hôm ấy ta sẽ thuởng.

Mấy nghìn cung phi nghe vua đòi, ai nấy đều lo sửa soạn trang sức cực kỳ lộng lẫy.

Thoạt nhìn, không thấy Mạc Lợi phu nhơn (*) Ba Tư Nặc liền hỏi: Sao không thấy đệ nhất phu nhân?

Các cung phi thưa:

- Hôm nay là ngày rằm, ngày của phu nhân thọ giới “Bát Quan Trai” nên không đến được.

Vua có ý giận, hỏi:

- Thọ Bát quan trai mà dám trái ý trẫm ư?

Vua cho đòi ba phen, Mạc Lợi phu nhân sợ, phải đến yết kiến. Song vì ngày trai giới nên nàng không trang điểm gì cả, và chỉ mặc một thứ hoại sắc.

Nhưng nhờ nghiêm trì tịnh giới nên phu nhân có một nhan sắc thanh khiết tỏa ra sáng chói như muôn ánh nhật nguyệt. Khi phu nhân vừa bước vào chánh điện thì có hào quang tỏa khắp hoàng cung. Thoạt thấy, vua rất ngạc nhiên, và sanh tâm ái kính bội phần.

Vua hỏi: Ái khanh nhờ oai đức gì mà hôm nay sắc đẹp lộng lẫy bội phần?

Phu nhân thưa: Thiếp tự tủi mình bạc phước lại sanh làm thân nữ nghèo hèn (*) may nhờ ơn trạch của Ðại Vương nên thiếp được dự phần sang quý. Nhưng thiếp nghĩ: thân mạng vô thường dầu cho hoàng hậu, vương phi châu ngọc đầy mình rồi cũng có ngày già, xấu, lại thêm bịnh hoạn theo liền, khi chết lại bị nghiệp ác dắt dẫn đi vào con đường đau khổ tội lỗi. Vì vậy, thiếp vâng theo lời Phật dạy mỗi tháng thọ trì Bát quan trai giới trong các ngày trai tiết, thiếp nguyện đem công đức ấy để hồi hướng cho nước nhà thịnh trị, muôn dân an lạc, và khi xả báo thân thiếp khỏi bị cái nghiệp phú quý mà sa đọa.

Vua nghe, rất cảm kích và khen ngợi liền đem chuỗi anh ngọc tặng phu nhân.

Mạc Lợi phu nhân từ chối không nhận mà nhường lại cho các cung phi.

Vua đáp: Từ hôm được ngọc, trẫm đã định hôm nay vân tập tất cả các cung phi xem ai đẹp nhất thì trẫm thưởng. Nay thấy ái khanh nhan sắc thù thắng hơn các cung phi, thật hiệp ý trẫm nên trẫm chỉ để tặng ái khanh.

Phu nhân thưa: Thiếp nay thọ trì giới cấm của Phật giữ mình thanh tịnh nên không ưa trang sức những thứ xa hoa, đấy là các nhân gây ra tham lam tội lỗi. Vậy nay thiếp có ý kiến là Ðại Vương nên đem chuỗi ngọc dâng lên Ðức Thế Tôn, nhân dịp được lãnh lời giáo hóa của đức Từ Phụ để về bổ túc thêm cho việc an dân thì phước đức vô lượng.

Vua rất hoan hỷ liền sắc nghiêm sức xe giá, vua cùng Mạc Lợi phu nhân và cả cung phi đồng yết kiến Như Lai. Hôm ấy là ngày rằm, ngày chúng tăng thuyết giới vừa xong, vua vào bái yết Ðức Thế Tôn rồi đem dâng chuỗi ngọc anh lạc lên Ðức Phật và bạch cùng Ðức Phật về việc trì giới không thọ chuỗi anh lạc của Mạc Lợi.

Ðức Thế Tôn hoan hỉ doãn nạp (*) liền thuyết bài kệ rằng:

Người đời ưa trang sức

Cho ngọc châu là quý

Người cầu đạo giải thoát

Lấy giới luật làm hơn

Dù ngọc ngà châu báu

Cùng các thứ hoa thơm

Không sao bằng giới luật

Có năng lực đưa người

Ðến tận bờ ly dục

Trường từ ba cõi khổ

Quyết định được an lạc

Ðức Phật là đệ nhất phước điền (làm ruộng phước để cho chúng sanh gieo công đức vào) nên ai cúng gì Ðức Phật cũng không từ chối, dù một chuỗi ngọc quý giá của vua chúa cũng như một nắm đất của em bé nghèo hèn.

THÍCH NỮ THỂ QUÁN

“Giới luật là anh lạc vô giá, trang nghiêm giáo lý vô thượng Phật đà”.

 

Giành làm lớn

 

Ngày xưa, sau khi Ðức Phật nhập niết bàn không lâu, tại một khu rừng nọ có một con rắn thật to, nhân dân trong xứ ấy ai cũng sợ. Một bữa nọ, đầu và đuôi rắn ta tranh luận với nhau:

Ðầu bảo đuôi:- Ta đây thật đáng làm lớn.

Ðuôi nói lại:- Chính ta mới thật là lớn.

Ðầu nói:- Ta có tai để nghe, có mắt để thấy, có miệng để ăn đầy đủ trí hiểu biết, lúc nào nên đi, lúc nào không nên đi, chỗ nào nên tiến, chỗ nào nên thoái và khi nào ta cũng đi trước. Còn mày, mày làm sao có những điều kiện đó mà đòi làm lớn vậy ta làm lớn mới đúng.

Ðuôi không chịu nghe, cãi lại:

-Như mày nói tao không có những điều kiện ấy, thì thôi cũng đành được đi, nhưng mày nên nhớ rằng khi nào tao khiến mày đi thì mày mới được đi, chứ đâu phải mày muốn là được. Nếu không muốn đi, tao dùng thân tao quấn chặt vào cây luôn 3 ngày, thì xem mày có bò đi và tìm thức ăn được không, hay bị đói khát mà chết khô, rồi bị người ta xách đầu về ăn thịt.

Ðầu nghe đuôi ngụy biện lớn lối như vậy, không biết phải nói như thế nào để đuôi hiểu cho phải, nên buồn rầu bảo đuôi:

-Này đuôi, thôi mày nói như thế tao xin chịu thua. Vậy tao cho mày làm lớn mày hãy đi trước đi.

Ðuôi nghe đầu chịu thua, lòng mừng phấn khởi, ngoắt đuôi phóng ngay nhưng vì chẳng thấy đường nên cứ bò quàng, bò xiên bậy bạ không đường lối, cuối cùng bị rơi xuống hầm lửa chết tươi.

Cũng vậy, như trong chúng tăng, có hàng trưởng thượng đạo cao đức trọng, đủ trí tuệ để phán quyết mọi việc, nhưng gặp phải hàng hậu học sơ cơ ngu muội lại tự thị cho mình là trí tuệ hơn người, nên tỏ ra khinh khi bậc trưởng thượng tôn túc, không chịu nghe lời dạy bảo. Ðến nỗi các ngài buồn phiền nói: “Thôi thôi tôi xin lỗi, các vị tự ý muốn làm gì thì làm”.

Vì vậy, những kẻ thiếu trí ngu si tự do làm theo ý mình tạo các điều bất thiện, khi mạng chung đều đọa vào địa ngục.

GIỚI ÐỨC

Chỉ có ngọn đèn dẫn đường cho chúng ta tới chỗ thành tựu là ngọn đèn của kinh nghiệm.

 

Sự tích Cá He

(cá heo, cá nược)

 

Ngày xưa, có một nhà sư trẻ tuổi rất ngoan đạo. Sau hơn ba mươi năm khổ công tu luyện, sư thuộc lòng tất cả kinh kệ nhà Phật, lại giỏi thuyết pháp. Vậy mà lâu rồi vẫn chưa thành chánh quả. Sư bụng bảo dạ:- “Phải đến đất Phật một phen mới có hy vọng thành Phật”. Nghĩ vậy, sư ta mới quyết chí tìm đường sang Tây Trúc.

Ðường đi từ nước nhà sang Tây Trúc ngày đó chưa có cách nào cho thuận lợi. Việc giao thông hầu hết là đường bộ, mà đi bộ thì thật là muôn vàn nguy hiểm. Nhưng nhà sư trẻ tuổi quả quyết nhằm hướng tây tiến bước.

Cuộc hành trình đã được năm mươi ngày. Nhà sư đã nhiều lần lạc đường và mấy lần mê man vì sốt rét, nhưng nhờ được giúp đỡ nên đều qua khỏi, và chàng cứ tiếp tục cuộc hành trình.

Một hôm, sư đến một khu rừng thì trời đã chiều. Sư cố bước dồn, hòng tìm một nơi nghỉ vì trong người đã thấy ớn rét. May sao giữa rừng sâu, sư bỗng gặp một ngôi nhà. Nghe tiếng gọi cửa một bà cụ già bước xuống sàn. Sư tỏ ngay ý định của mình là xin ngủ nhờ một đêm. Nhưng bà cụ vừa thấy khách đã xua tay rối rít.

-Ði mau lên! Mau Lên! Con ta mà về thì không còn tính mạng.

Sư đáp:

-Tôi bây giờ thật là kiệt sức, không thể nào bước được bước nữa. Nếu không cho nghỉ thì cũng đành nằm liều trước cửa đây thôi.

Bà cụ bảo:

-Chao ôi! Con ta vốn là Ác Lai hay ăn thịt người. Có đi nhanh lên, bây giờ nó sắp về rồi đó.

Nhưng sư đã vứt tay nải, nằm vật xuống đất. Hai đầu gối va vào nhau chan chát. Bà cụ không biết nói thế nào nữa, đành nắm tay y lôi đến một cái hầm đá lớn. Sau khi đẩy vào, bà cụ bảo y phải cố giữ cho thật im lặng để tránh một cái chết thê thảm. Ðoạn, bà cụ chất củi phủ lá rất kín đáo.

Trời tối hẳn thì Ác Lai về đến nhà, tay xách một con mang, hắn dừng lại ở chân thang và khịt mũi mãi. Hắn nói:

-Có mùi thịt mẹ ạ!

Mẹ hắn đáp:

-Thì chả là thịt mày đem về đây là gì?

-Không phải. Thịt người. Con biết lắm. Có thịt người.

Bà cụ chưa kịp cản thì hắn đã quẳng con mang lên sàn rồi chạy đi tìm. Chả mấy chốc, hắn đã lôi được nhà sư bất tỉnh nhân sự từ dưới hầm về nhà mình.

Khi sư tỉnh dậy thì đã thấy Ác Lai đang cầm một mũi mác lăm lăm ở tay. Hắn quát:

-Mày đi đâu

Sư nhìn kỹ thấy hắn cũng không khác gì người thường, bèn tỉnh táo đáp :

-Tôi đi tìm Phật.

-Tìm để làm gì?

Sư bây giờ mới nói rõ mục đích của mình. Rồi luôn miệng, sư giảng giải đạo từ bi cho hắn. Sư nói mãi, kể lại bao nhiêu ngày gian khổ của mình dọc đường, và niềm mong muốn cuối cùng là làm sao được nhìn mặt Ðức Phật để được thành đạo. Sư nói khéo quá, đến nỗi mẹ con Ác Lai đều cảm động đến rơi nước mắt. Thấy họ thành thật hối lỗi. Sư cho họ biết là họ cũng sẽ trở nên “vô sinh vô diệt”, sẽ sống một đời sống vô cùng sung sướng trên niết bàn, nếu họ kiên quyết bỏ ác làm thiện. Tự nhiên mũi mác ở tay Ác Lai rơi xuống sàn. Những đường nhăn hung ác lúc nãy bây giờ dịu lại.

Sáng hôm sau, khi Sư sắp lên đường thì mẹ con Ác Lai vui vẻ sắp sẵn lương thực cho chàng. Họ lại tiễn đưa Sư đi qua một ngọn núi đá. Khi sắp từ biệt Ác Lai hỏi:

-Tôi biết lấy gì mà dâng Phật đây?

Sư đáp:

-“Tâm tức thị Phật. Phật tức thị tâm”. Chỉ dâng tấm lòng mình là đủ.

Sư không ngờ Ác Lai đã rút mũi mác, nhanh như cắt tự rạch bụng mình lôi ra cả một mớ ruột gan đưa cho sư và nói:

-Nhờ Hòa thượng đưa hộ dâng lên Ðức Phật.

Sư lấy làm bối rối quá. Chỉ vì Ác Lai hiểu nhầm lời nói của mình. Bây giờ còn biết làm thế nào đây. Cuối cùng Sư ta đành nhìn vào cặp mắt của Ác Lai, gật đầu nhận lời rồi gói bộ lòng của người đáng thương đó lại và quảy lên đường.

Sư vừa đi được mấy ngày thì khu rừng rậm chấm dứt, hiển lộ ra trước mặt mênh mông bát ngát. Nước trời một vẻ trông rất vui mắt, nhưng trong bụng Sư thì chẳng vui một tí nào. Món lễ vật của Ðức Phật đè nặng trên vai. Nếu chỉ có thế thì không có gì là ngại cho lắm. Khổ một nỗi là mùi thối trong bộ lòng kia xông ra khó tả. Sư đã bọc nó ba tầng bốn lớp mà mùi thối vẫn nồng nặc. Sư lẩm bẩm:- “Như thế này thì các nhà quán dọc đường còn ai dám chứa mình”. Qua ngày hôm sau, không thể chịu được nữa, Sư bèn vứt bộ lòng Ác Lai xuống biển.

Nhà sư đi mãi rồi cũng đến Tây Trúc. Nhưng khi phủ phục trước Phật đài nói lên nỗi thắc mắc của mình vì sao chưa được đắc đạo thì bỗng nhiên trên điện cao có tiếng vọng xuống bảo chàng: “Còn thiếu một vật nữa mới thành chánh quả”. Sư rất đỗi ngạc nhiên, cố ngước mắt nhìn lên một tí. Trên cao vòi vọi, Sư thấy Ðức Phật ngự giữa tòa sen sáng chói, sau lưng có bóng dáng hai người tựa hồ như hai mẹ con Ác Lai. Sư bỗng hiểu hết: Ðức Phật đã rõ sự thiếu thành thực, thiếu tận tâm của mình rồi, còn mẹ con Ác Lai nay đã thành chánh quả chỉ là nhờ sự ngộ đạo đột ngột và chân thành trong phút chốc. Sư nằm phục vị hồi lâu, trong lòng thẹn thò vô kể.

Nhà sư ta sau đó trở về chốn cũ để tìm lại bộ lòng. Tuy biển mênh mông và sâu kín, nhưng cũng cố lặn hụp để mong thấy lại món quà dâng Phật mà Ác Lai gửi cho mình. Sư nghĩ chỉ có làm thế mới dám nhìn lại mẹ con Ác Lai và hy vọng gần gũi tòa sen đức Phật. Sư bơi lên lặn xuống mãi. Sau đó sư hóa làm loài cá mà người ta vẫn gọi là cá he, cũng gọi là cá nược hay có nơi gọi là cá ông sư. Vì cho đến ngày nay dòng dõi loài cá đó con nào con nấy có cái đầu trọc như đầu ông sư, và vẫn làm cái việc của nhà sư, nghĩa là chúng đi hàng đàn, cứ lặn xuống nổi lên luôn không chịu nghỉ.

Những người đánh cá còn nói loài cá he rất ghét những ai trêu chọc mình. Ai trêu chọc nghĩa là gợi lại chuyện cũ của tổ tiên chúng nó, chúng nó sẽ làm cho đắm thuyền rách lưới. Trái lại, ai khen ngợi reo hò thì chúng nó sẽ lặn xuống nổi lên nhiều lần cho mà xem.

NGUYỄN ÐỔNG CHI

Truyện Cổ Việt Nam tập II

“Những người không giữ đức “Thành tín” thì chỉ lừa gạt mọi người được trong một thời gian nào đó thôi, tai hại nhất là sau dù nói thật người ta cũng không tin”. 

Mục Lục Cổ Tích Ngọc báu trong túi áo - Truyện cổ Phật Giáo Tam nghiệp hằng thanh tịnh - Truyện cổ Phật Giáo Phạm chí ngạo mạn - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích ông bình vôi - Truyện cổ Phật Giáo Oan nghiệt - Truyện cổ Phật Giáo Tham y hóa rận - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích con nhái - Truyện cổ Phật Giáo Tôn giả A Nan - Truyện cổ Phật Giáo Ðộ đệ tử - Truyện cổ Phật Giáo Ðạo tràng của Bồ Tát - Truyện cổ Phật Giáo Tấm gương đạo hạnh muôn đời còn ghi - Truyện cổ Phật Giáo Hương Trinh công chúa - Truyện cổ Phật Giáo Tôn giả Bạt Ðà Lợi - Truyện cổ Phật Giáo Mở mắt chiêm bao - Truyện cổ Phật Giáo Ðại bố thí - Truyện cổ Phật Giáo Người làm mặt nạ - Truyện cổ Phật Giáo Người chăn bò - Truyện cổ Phật Giáo Chồn và sư tử - Truyện cổ Phật Giáo Chim bồ câu và chàng đặt bẫy - Truyện cổ Phật Giáo Quả cam oan nghiệt - Truyện cổ Phật Giáo Quan Âm Thị Kính - Truyện cổ Phật Giáo Nhân quả của sự bố thí - Truyện cổ Phật Giáo Túi tham không đáy - Truyện cổ Phật Giáo Chiếc gương soi trong tráp báu - Truyện cổ Phật Giáo Ðức Phật vào xem một gánh hát xiệc - Truyện cổ Phật Giáo Mượn cớ xin sữa hàng phục ngoại đạo - Truyện cổ Phật Giáo Gieo gió gặp bão - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện chàng Lương Cầu - Truyện cổ Phật Giáo Hạt cơm cúng Phật - Truyện cổ Phật Giáo Vakkali - Truyện cổ Phật Giáo Ði biển tìm vàng - Truyện cổ Phật Giáo Nan sư Nan đệ - Truyện cổ Phật Giáo Hẹn cùng sống chết - Truyện cổ Phật Giáo Nghệ thuật tuyệt vời - Truyện cổ Phật Giáo Giữ giới trong sạch được nhiều phước báo - Truyện cổ Phật Giáo Vợ chồng đánh nhau - Truyện cổ Phật Giáo Người gieo mạ - Truyện cổ Phật Giáo Chuỗi Anh lạc - Truyện cổ Phật Giáo Giành làm lớn - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích cá He (cá Heo, cá Nược) - Truyện cổ Phật Giáo Tôn giả Nan Ðà - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện chàng Xơ Ri Ma Ti - Truyện cổ Phật Giáo Vua Quang Minh - Truyện cổ Phật Giáo Con Nhền nhện - Truyện cổ Phật Giáo La Vân Châu - Truyện cổ Phật Giáo Phật Ấn với Ðông Pha - Truyện cổ Phật Giáo Thiếp nguyện hai điều - Truyện cổ Phật Giáo Công đức cúng dường Xá Lợi - Truyện cổ Phật Giáo Gọi Phật bằng bạn - Truyện cổ Phật Giáo Ðạo trời báo phục - Truyện cổ Phật Giáo

Xem Tiếp Trang 14