Truyện Cổ Tích - Etruyen.com

Tôn giả Nan Ðà

 

Tôn giả Nan Ðà là người em trai cùng cha khác mẹ với đức Ðạo sư. Tôn giả xuất gia ngay trong ngày hôn lễ, trong một phút bốc đồng hơn là phát tâm cầu đạo. Vì thế chỉ được vài hôm đầu, Tôn giả cảm thấy nhớ nhung nếp sống vương giả và nhất là vị tân nương mới cưới. Tôn giả nhất định hoàn tục nên tìm đến Ðức Phật ngỏ ý:

- Bạch Thế Tôn! Con không thể nào tiếp tục sống đời xuất gia trong sạch như vỏ ốc được. Bất cứ lúc nào và ở đâu, con cũng nhớ đến hình bóng diễm lệ của tân nương. Con còn nhớ rõ, lúc con theo Thế Tôn ra khỏi kinh thành, nàng hối hả chạy theo, tóc mới chải được một nửa, lệ tuôn đầy má, kêu thất thanh:

- Hỡi Hoàng tử yêu quý! Mau về với em, không có chàng thì em sẽ chết mất... con lo ngại cho nàng quá.

Ðể khuyến khích người em trẻ tuổi, đức Ðạo sư bèn dùng thần thông, khiến Nan Ðà được trông thấy hình bóng của một số tiên nữ trên cung trời Ðâu Suất. Sau đó Ngài hỏi sư:

- Này Nan Ðà! Những tiên nữ này có đẹp bằng Tân Nương hay không?

Tôn giả bối rối:

- Bạch Thế Tôn! Tân nương Ka Lỳ A Ni của con tuy là hoa hậu của thành Ca Tỳ La nhưng so với tiên nữ trên, nàng vẫn kém xa.

- Vậy thì, này Nan Ðà, nếu em cố gắng tu hành, không đòi hoàn tục nữa... thì khi nào đắc đạo, Như Lai sẽ đền bù cho em 500 tiên nữ xinh đẹp như thế. Còn Tân Nương em chớ bận tâm về nàng ta nữa. Phụ hoàng và đình thần sẽ sắp xếp cho Ka Lỳ A Ni tìm chỗ trao thân gởi phận xứng đáng cả rồi.

- Bạch Thế Tôn! Con rất an tâm khi được chuẩn hứa như thế. Con sẽ ở lại tinh cần tu tập để được 500 tiên nữ... không đòi về hoàng cung nữa.

Và Tôn giả Nan Ðà ở lại, tinh cần tu tập, không bao lâu Ngài đắc A La Hán quả. Khi về gặp đức  Ðạo sư để báo tin thành quả tốt đẹp của mình, Tôn  giả cung kính thưa:    

- Bạch Thế Tôn! Xin ngài hủy bỏ lời hứa đền bù cho con 500 tiên nữ cõi trời.

- Lành thay Nan Ðà! Như Lai rất hoan hỷ khi được hủy bỏ một lời hứa như vậy.

Trưởng lão kệ còn ghi lại bài thơ của Tôn giả đã làm sau khi đắc đạo như sau: 

“Có một thuở nào - Vừa dễ duôi vừa nông cạn

Tâm trí của ta - Chỉ chăm chú vào lòng can đảm được biểu hiện bên ngoài.

Ta thật nhẹ dạ và nông nổi

Tất cả những tháng ngày đều bị tiêu phí trong nhục dục phóng đãng và si tình”.

Nhưng:

Nhờ lòng từ bi quảng đại của Ðức Thế Tôn

Ta đã được dẫn dắt

Từ Hoàng cung đến đời sống cao này.

Nhờ thế :

Ta được thoát ra khỏi vòng sinh tử triền miên và chứng đạt Niết Bàn”. 

 “Ðường về cõi Phật rộng bao la

Con nguyện cầu xin Ðức Phật Ðà

Chỉ nẻo cho con tìm ánh Ðạo

Tránh niềm tục lụy lắm phong ba”.

 

Chuyện nàng Xơ Ri Ma Ti 

 

Ngày xưa, lúc Ðức Phật còn tại thế, một hôm, Ngài ngự cùng chư Tỳ kheo gần thành Vương Xá trong vườn tre.

Lúc ấy, trong thành Vương Xá, vua Tần Bà Ta La đương trị vì. Ðất nước của vua sung túc, phú cường, dân chúng an cư lạc nghiệp, không tranh chấp, không làm hại lẫn nhau, chẳng hay bịnh hoạn đau đớn. Cây trái thạnh mậu, thú vật sanh sôi nẩy nở. Vua là bậc minh chúa, ưa đạo đức, mến phong hóa và lấy đức công bình trị dân. Hay Phật ngự đến, vua và quyến thuộc quy y thọ giáo, và nhờ đó thấu đạt chân lý.

Nhằm tiết xuân sang, trăm hoa đua nở. Trong rừng, các loài chim thi nhau ca hát vui mừng. Vua và Hoàng hậu, có cung phi mỹ nữ theo hầu, xuất hành ngự đến vườn hoa trong Rừng Tre. Cung phi tâu:

- “Tâu bệ hạ, ban ngày chúng tôi không thể đến hầu Phật. Vậy xin bệ hạ cho lập trong cung một ngọn Tháp thờ tóc và móng tay của Ðức Thế Tôn. Chúng tôi sẽ được vọng bái thường thường và cúng dường Phật các thứ bông hoa, hương thơm, tàn lọng, cờ phướn”.

Vua Tần Bà Ta La bèn đến bạch Phật: “Cúi xin Ngài ban cho chúng con tóc thừa và móng tay dư để thờ. Chúng con định xây một ngọn Tháp trong cung để phụng thờ Thế Tôn. Ðức Phật ban tóc và móng tay cho vua. Rồi đó, vua Tần Bà Ta La và các bà phi rất cung kính, cho xây một ngọn Tháp thờ tóc và móng tay của Phật, ở ngay giữa Hoàng cung. Từ đó, các bà phi thường vào Tháp dùng đèn, hương hoa, cúng dường Ðức Phật.

Kịp đến khi Thái tử A Xà Thế, vì nghe theo lời xúi biểu của Ðề Bà Ðạt Ða mà giết cha là Tần Bà Ta La và soán ngôi, thì sự thờ cúng trong Tháp bị cấm ngặt. Tân vương ra chỉ thị: “Không ai được cúng gì trong Tháp thờ Thế Tôn”. Từ đó trở đi, đến ngày rằm, không một ai quét dọn trong Tháp cũng chẳng ai đốt đèn, thắp hương và dâng hoa. Trước cảnh đìu hiu lạnh lẽo ấy, những người trong cung, chạnh nhớ đến Tiên vương Tần Bà Ta La, đồng khóc kể rất đau thương: “Bạc phước thay cho chúng ta! Vì đức vua Pháp (chỉ Tần Bà Ta La) mất đi cho nên chúng ta mới chẳng tạo được công đức”. Tuy vậy, trong đám cung phi có một cô tên Xơ Ri Ma Ti không kể mạng mình, một lòng niệm nhớ đức Phật, can đảm vào Tháp và dọn quét.

Lúc ấy A Xà Thế, đứng trên nóc đền bằng thẳng, trông thấy ánh sáng rực rỡ, phán hỏi: “Gì lạ thế”. Một bà phi đáp: “Ánh sáng ấy do cô Xơ Ri Ma Ti thắp đèn trong Tháp thờ tóc và móng tay Phật ánh ra”. Vua cho đòi thể nữ đến : - Sao ngươi dám cãi lịnh ta? Thể nữ đáp: Tôi đành cam cãi lịnh ngài, nhưng tôi làm theo lịnh vua Pháp, đức Tần Bà Ta La. Vua giận giữ, liền ném vào đầu thể nữ một cái dĩa sắt. Thể nữ chết ngay. Trong khi thác, lòng đang hoan lạc tưởng niệm Ðức Thế Tôn nên thể nữ được sanh lên cõi tiên, miền Ðao Lợi.

Tiên nữ thấy rằng sở dĩ được phước là nhờ cúng dường Ðức Phật. Nàng bèn định đến hầu Phật. Trang điểm thanh tịnh, đeo đồ trân bảo, ướp chiên đàn và trầm thủy, mặc đồ đẹp trên cảnh thượng tiên, lại bọc thêm hoa Mạn Ðà La, nàng hiện thân đến chầu Phật. Hào quang Tiên nữ chói khắp cảnh vườn, chỗ Ðức Thế Tôn ngồi. Nàng rải hoa mừng Phật và làm lễ ngồi trước Phật nghe thuyết pháp. Ðức Thế Tôn giảng cho nghe vừa với sức hiểu biết của nàng. Tiên nữ rất vui mừng, hân hạnh được thêm phước đức, như người buôn bán được lợi. Nàng lậy chào Phật và lui về tiên cảnh.

Ðêm ấy, chư Tỳ kheo thức tham thiền, bỗng thấy hào quang chói cả rừng tre. Sáng lại các ngài hỏi Phật. Ðức Thế Tôn giải rằng: “Hào quang ấy của một Tiên nữ, nguyên là cung phi trong đền vua Tần Bà Ta La. Chẳng tiếc thân mạng, nàng đã vi phạm lời ngăn cấm của vua A Xà Thế, vào Tháp thắp đèn cúng dường Như Lai, vì lòng niệm nhớ công đức Phật. Vua A Xà Thế nổi giận giết nàng. Trong khi thác, nàng không quên niệm tưởng Phật nên được sanh làm Tiên tịnh lạc nơi miền Ðao Lợi.

Hồi hôm này, Tiên nữ đến hầu ta, được nghe ta thuyết pháp và thấu hiểu chân lý. Xong, nàng mới trở về Tiên cảnh.

- “Này chư Tỳ kheo, vậy các ngươi phải biết điều này: Nên tôn trọng, tán thán, cúng dường Phật, sống đời mà thờ Phật”.

Phật thuyết xong, chư Tỳ kheo lấy làm vui mừng, hoan lạc.

TRÍ GIẢI

“Máu ai đổ xuống đất này

Ðể cho đạo pháp đêm ngày nở hoa”

 

 

Vua Quang Minh  

 

Về đời quá khứ lâu xa đã trải qua vô số a tăng kỳ kiếp, bấy giờ ở cõi Diêm Phù Ðề này, có một ông vua tên là Ðại Quang Minh, vua là người rất phước đức thông minh trí tuệ, có đủ vương tướng. Lúc ấy ở biên cảnh, có một vị quốc vương là người đối với vua Quang Minh rất mực thân hậu, nên mỗi khi ở trong nước đó có thứ gì thiếu thốn vua Quang Minh cũng cho người đem qua tặng, để đáp lại, vua nước biên cảnh kia, hễ trong nước có thứ gì quí, cũng lại đem sang biếu cho vua Quang Minh.

Một hôm vua nước biên cảnh kia, đi săn được một con voi con rất đẹp, sắc trắng như pha lê, trong lòng rất vui mừng, và tự nghĩ: “Ta sẽ đem biếu cho vua Quang Minh”. Nghĩ như thế rồi, vua lấy các thứ châu báu như vàng bạc trân bảo, trang sức cho voi, xong rồi, sai người đem đến tặng vua Quang Minh.

Vua Quang Minh xem thấy, lòng rất vui mừng, liền bảo Quản tượng tên là Tản Xà: “Nay ta giao cho nhà ngươi trông nom dạy bảo con voi này, khiến cho nó được điều thuận”.

Tản Xà phụng giáo. Không bao lâu voi đã được điều thuận. Tản Xà đến tâu vua: “Nay tôi dạy voi đã được điều thuận rồi, xin vua ra xem thử”. Vua nghe nói thế, tâm rất vui mừng, hạ lệnh đánh trống, hội họp các quần thần, để vua xem thử voi.

Khi đại chúng đã tụ họp đông đủ rồi, vua  bước lên cưỡi voi, trông oai nghiêm rực rỡ như mặt trời mới mọc. Vua cùng với thần dân, đồng ra ngoài thành du ngoạn, toan đến thí trường, nhưng lúc ấy, vì voi khí lực cường tráng, vừa trông thấy đàng xa một đàn voi đang ăn ngó sen dưới ao, dục tâm phát động, tức thì chạy lồng lộn đuổi theo những con voi cái trong bầy. Ðoàn voi chạy vào rừng sâu, voi bạch đuổi theo làm cho áo mũ của vua bị rách nát, rơi mỗi nơi một mảnh, còn vua thì đầu tóc mặt mày đều bị những cành cây đâm cà xây xát chảy máu. Vua đâm lo hỏi Quản tượng: “Ta nay liệu có cách gì sống thoát được không?”. Quản tượng đáp: “Nếu vua thấy có cành cây nào có thể bám được, vua hãy bám lấy, rồi leo xuống đất, thì mới có thể sống được”. Vua liền bám được cành cây, rồi leo xuống đất ngồi, tự thấy áo mũ mất hết, thân thể bị thương tích, đau đớn nhức nhối, thêm ở giữa chốn rừng sâu, không còn biết phương hướng để tìm lối ra nữa.

Nhưng sau đó, Quản tượng cũng bám được cành cây, và thoát khỏi tai nạn, trở lại tìm vua. Khi thấy vua ngồi một mình sầu não thê thảm, Quản tượng khấu đầu tâu vua: “Xin đại vương chớ nên buồn rầu, con voi ấy khi dục tâm đã hết, lại chán những thứ cỏ hôi nước đục, nó sẽ nhớ lại những thức ăn ngon ngọt trong sạch ở nơi vương cung, tự nhiên nó sẽ trở về”.

Vua bảo Quản tượng: “Ta nay không muốn nghĩ đến ngươi và con voi ấy nữa, vì con voi ấy mà tính mạng ta gần nguy hại”.

Khi ấy các quần thần đều lo sợ cho vua, bèn cùng nhau tiến vào rừng, theo dõi dấu vết tìm vua, hoặc có người nhặt được áo mũ của vua, hoặc thấy những giọt máu rơi, lần hồi mới gặp thấy vua, rồi họ đem một con voi khác để vua cưỡi trở về cung. Khi về tới nơi, nhân dân trong thành, thấy vua mắc phải tai nạn đau đớn như thế ai cũng buồn rầu!

Bấy giờ con cuồng tượng ấy ở ngoài đồng, ăn những thứ cỏ hôi, uống nước dơ bẩn, thì dục tâm tự tắt, nó bỗng nhớ đến những thức ăn uống ngon ngọt ở trong vương cung, rồi nó đi như bay trở về chỗ cũ. Quản tượng thấy voi trở về, đến tâu vua: “Tâu Ðại Vương, con voi mất khi trước, nay nó đã trở về, xin vua ra xem”. Vua nói: “Ta không dùng ngươi và con voi ấy nữa”. Tản Xà tâu vua: “Vua không dùng tôi và voi ấy, nhưng xin vua hãy xem qua phương pháp tôi điều phục voi thôi”. Vua bằng lòng, và cho người bày tòa ngồi ở đó, chứng kiến phương pháp điều phục voi của Quản tượng.

Tin ấy được truyền đi, tất cả nhân dân trong nước nghe tin Quản tượng muốn cho vua thấy phương pháp điều phục voi đều nô nức kéo đến thí trường đông đúc như ngày hội lớn. Lúc ấy, vua cùng đại chúng theo hầu ra ngoài thành, và tiến đến tòa ngồi. Quản tượng Tản Xà đem con voi đến hội trường khiến thợ làm bảy viên sắt, nung đỏ, tự nghĩ nếu con voi ấy nuốt những viên sắt này, quyết định sẽ chết, Quản tượng mong vua đổi ý nên mới tâu vua: “Con bảo tượng này, chỉ vua Chuyển Luân Vương mới có mà thôi, nay nó mới có một lỗi nhỏ, không nên làm cho nó chết thì thật quá uổng! Vua bảo Tản Xà: Voi nếu chưa được điều phục, chẳng nên để ta cưỡi, và nếu nói đã điều phục tại sao lại xảy ra sự tình như thế? Nay ta không dùng ngươi và cũng không dùng con voi ấy nữa!”. Quản tượng tâu vua: “Vua không dùng tôi, tôi cũng đành cam chịu, chứ con voi này mà vua không dùng thì thật là đáng tiếc lắm! Lúc ấy đại hội ai nghe thấy thế cũng đều chảy nước mắt, chăm chú nhìn con voi sẽ bị hành tội kia mà trong lòng chứa chan niềm thương xót! Quản tượng ra hiệu bảo voi phải nuốt hết những viên sắt nung đỏ này, nếu không ta sẽ dùng búa bổ vào đầu ngươi cho đến chết. Voi đoán biết được ý của quản tượng, nó tự nghĩ: “Ta thà nuốt viên sắt này mà chết, còn hơn để chết bằng những lưỡi búa, khổ đau khó nhẫn; như người tự thắt cổ mà chết chứ chẳng muốn để cho người khác thiêu đốt mà chết!”. Voi liền quì hướng về chỗ vua, nước mắt chảy ròng ròng, tỏ mong vua thương hại tha thứ, nhưng vua lại càng thêm phẫn nộ, ngoảnh mặt trông đi nơi khác, không một chút đoái hoài. Tản Xà bảo voi: “Cớ sao ngươi lại không chịu nuốt những viên sắt này?”. Lúc ấy con voi nhìn quanh cả bốn phía, và biết rằng không ai có thể cứu sống nó được, rồi nó tự lấy những viên sắt ấy bỏ vào trong miệng mà nuốt, ruột gan bị cháy sém mà chết, chẳng khác lấy chày bằng kim cương, đập vào quả núi pha lê, cho đến khi những viên sắt ấy rơi ra đất cũng vẫn còn đỏ rực. Bấy giờ trong hội thấy thế, ai cũng thương đến chảy nước mắt. Vua trông thấy, rất kinh ngạc, triệu Tản Xà đến hỏi rằng: “Ngươi điều phục được voi như thế, tại sao khi ở trong rừng lại không chế ngự được nó?”. Bấy giờ người ở cõi trời Tịnh Cư, biết vua Quang Minh, hợp lúc có thể phát tâm Bồ Ðề, liền dùng thần lực, khiến Quản tượng quỳ tâu với vua rằng:

- “TÔI NAY CHỈ CÓ THỂ ÐIỀU PHỤC ÐƯỢC THÂN VOI, CHỨ KHÔNG THỂ ÐIỀU PHỤC ÐƯỢC TÂM VOI”.

Vua hỏi:

- “VẬY CÓ AI ÐIỀU PHỤC ÐƯỢC THÂN CẢ TÂM KHÔNG?”.

Tâu Ðại Vương:

- “CHỈ CÓ PHẬT THẾ TÔN, KHÔNG NHỮNG ÐIỀU PHỤC ÐƯỢC THÂN, MÀ NGÀI CÒN ÐIỀU PHỤC ÐƯỢC CẢ TÂM NỮA”.

Vua Quang Minh vừa nghe đến danh hiệu Phật, trong lòng xiết nỗi kinh ngạc, chân lông dựng đứng, bảo với Tản Xà rằng: “Ngươi vừa nói đến Phật, vậy ngươi có biết Phật thuộc về dòng giống họ nào mà sanh ra không? Tản Xà tâu vua: “Phật Thế Tôn từ hai dòng họ mà sanh ra: Một là dòng giống TRÍ TUỆ, hai là dòng giống TỪ BI. Ngài siêng năng làm sáu việc, gọi là lục Ba La Mật, công đức trí tuệ đầy đủ nên gọi là Phật, đã tự hay điều phục được mình, lại hay điều phục hết thảy chúng sanh”.

Vua nghe Tản Xà nói như thế, trong lòng hớn hở vui mừng, liền trở về cung, tắm gội sạch sẽ, vận y phục mới, lên trên lầu cao hướng lễ cả bốn phương, sanh đại bi tâm thương xót tất cả chúng sanh và đốt hương thệ nguyện: “Nguyện tôi ngày nay làm được chút phước đức gì, tôi đều hướng về Phật Ðạo cho tới khi nào tôi thành Phật, tự điều phục được tâm mình, cũng sẽ điều phục cho hết thảy chúng sanh, nếu còn sót một chúng sanh nào mà bị đọa đầy ở nơi địa ngục chịu khổ, tôi sẽ nguyện vào ở trong đó đề cứu vớt, và làm những việc lợi ích cho chúng sanh, thoát khỏi mọi điều khổ não, và tôi thệ nguyện trọn đời không bỏ tâm Bồ Ðề”.

Khi vua phát lời đại nguyện lớn lao như thế, quả đất đều rung động, nước ở các đại hải đều dâng trào, trên hư không tự nhiên có vô lượng chư Thiên trỗi các thiên nhạc, ca ngợi Bồ Tát, mà xướng lớn lên rằng: “Như việc làm của Ngài, không bao lâu sẽ thành Phật, khi nào Ngài thành Phật nguyện sẽ độ cho chúng tôi. Khi ấy cũng sẽ có phần được dự vào pháp hội của Ngài.

Phật bảo các Tỳ kheo: “Con bạch tượng lúc bấy giờ nay là ông Nan Ðà, Quản Tượng nay là ông Xá Lợi Phất, còn vua Quang Minh nay là thân ta ngày nay vậy. Ta thấy việc điều phục voi mà phát Ðạo Tâm, cần cầu Phật Ðạo”.

Bấy giờ đại hội, nghe Phật khổ hạnh như thế, có người chứng được bốn đạo quả, có người phát Ðại Ðạo Tâm, có người xuất gia tu hành, và ai cũng hoan hỷ tin kính thực hành theo lời Phật chỉ dạy.

CHÍNH TIẾN

“Làm chủ được thân, tức là làm chủ được ngôn ngữ. Làm chủ được cái ý, tức là làm chủ được cái tâm. Kẻ học đạo nào tự chủ được thân tâm, sẽ thoát khỏi mọi nỗi khổ não”.

 

 

Con nhền nhện

 

Ngày xưa, có một vị sư tọa thiền rất chuyên cần tinh tấn. Trải qua nhiều năm tu tập, một ngày nọ trong lúc tọa thiền, sư thấy một con nhện to bự giăng tơ trước mặt ông. Càng lúc nó càng lớn và xích tới gần ông một chút, cho đến khi nó án ngữ cả vòm trời tâm thức. Tám cái chân của nó giăng ra đe dọa, như sẵn sàng vồ lấy nhà sư mà nuốt chửng. Bốn mắt nhìn nhau quái đản, kinh hoàng. Sư nhiếp tâm chánh niệm, nhưng hình ảnh con nhền nhện càng rõ hơn. Mở mắt đã thấy rõ mà nhắm lại rõ hơn bội phần. Sư toát mồ hôi hột, định thần quán không quán giả. Nhưng quán không mà con nhền nhện vẫn có sờ sờ ra đó, quán giả thì đã đành là giả nhưng mà... run vẫn cứ run. Sư bèn đổi pháp môn, quay ra niệm Phật, bắt ấn giữ quyết, trì niệm thần chú cầu chư Phật Bồ Tát, Thiên Long bát bộ đến cứu mình ra khỏi con nhền nhện ác ôn này. Nhưng, mặc dù sư đã bắt ấn đủ kiểu, mật niệm đủ thứ thần chú nổi tiếng trừ tà rất linh nghiệm, mà con nhền nhện vẫn cứ ỳ ra đấy, càng lúc càng gần nhà sư hơn, càng đe dọa hơn. Sư đành phải chịu thua, xả thiền đứng dậy. Hình ảnh ghê rợn của con nhền nhện trong thời thiền định vẫn ám ảnh sư. Sư trở nên thẫn thờ suy nhược như người mất hồn. Quá đau khổ, nhà sư đi đến vị thầy trình bày tự sự. Vị thầy hỏi sư:

- Bây giờ ông tính thế nào?

- Bạch Thầy, con đã làm đủ mọi cách, nhưng con nhền nhện vẫn trơ trơ ra đó. Con nghĩ rằng, phải giết quách nó đi mới tu hành được, con định bụng, sẽ để sẵn một con dao bén. Chờ nó tới thì con đâm cho nó một dao rồi đời.

- Ông tính vậy cũng được, nhưng trước khi đâm con nhền nhện, ông hãy gạch dấu chữ thập bằng phấn trắng ở ngay cái chỗ mà ông định thọc con dao. Vào thời tọa thiền kế tiếp ông sẽ đâm nó cũng không muộn.

Vị sư nghe lời, cáo từ thầy trở về tọa thiền. Lần này ông thủ sẵn một viên phấn trắng, chờ con nhền nhện xuất hiện, ông cầm phấn gạch ngay một dấu chữ thập vào bụng nó. Sau khi xuất định, ông trở lại yết kiến vị thầy, bày tỏ ý chí cương quyết giết con nhền nhện vào giờ tọa thiền kế tiếp. Vị thầy bảo:

- Ðược nhưng ông hãy vén áo cho tôi xem thử. Vị đệ tử ngạc nhiên nhưng đành phải vâng lời thầy. Ông mở áo ra cho thầy xem, và lạ thay trên bụng mình, ông bỗng thấy một dấu chữ thập bằng phấn trắng... do chính ông đã gạch, ông nhân đó hoát nhiên đốn ngộ.

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

“Thông thường chướng ngại mà ta nghĩ là ở ngoài tới kỳ thật nó ở ngay trong ta. Khi tách biệt nó và ta xem nó như thù nghịch, muốn hủy diệt nó, thì coi chừng ta hủy diệt ngay chính mình”.

 

 

La Vân Châu

 

Thuở Phật còn tại thế, có một thầy Tỳ kheo số phận hẩm hiu, từ lúc mới sanh cho tới khi tu hành chứng quả, chưa khi nào thầy được một bữa no lòng. Vì thiếu sinh tố dinh dưỡng, nên người thầy trông ốm o, lều khều, nước da mét mét, trong lòng lúc nào cũng đói meo, thật thiểu não.

Tuy trong lòng trống trơn như vậy, nhưng thầy vẫn siêng năng tu hành. Mỗi sáng thầy dậy thật sớm, cần mẫn trong công việc của chúng tăng, rồi sau đó thầy đắp y, mang bát vào thành khất thực. Thầy lần lượt đến nhà này đến nhà kia, hết xóm này đến xóm khác, nhưng chẳng ai cúng cho thầy một tí đồ ăn nào cả. Ðến đâu họ cũng đóng cửa, hoặc lẩn tránh nơi khác, cho đến khi hết buổi, thầy buồn bã ôm bát trở về. Có khi năm bảy hôm mới được một bữa tàm tạm để cầm hơi. Dù vậy, thầy không bao giờ nản lòng, thối chí, thầy biết do nghiệp lực nhiều đời của thầy đã tạo, nên thầy càng dõng mãnh tinh tiến tu hành hơn. Ðối với bổn sư của thầy – Ngài Xá Lợi Phất, thầy hết lòng hầu hạ, đối với các vị Trưởng lão kỳ túc, thầy luôn luôn tôn kính, đối với bậc ngang hàng hoặc nhỏ hơn, thầy luôn luôn từ hòa nhu thuận. Ai cũng mến thầy, nhưng vì nghiệp lực chẳng ai giúp gì được cho thầy.

Một hôm thấy thầy mệt lả vì cơn đói hoành hành, Ngài Xá Lợi Phất sau khi khất thực về dành phần cho thầy, nhưng thương thay, cơm vừa để vào bát liền hóa thành đất bùn. Ngài Mục Kiền Liên thấy thế liền vận thần thông cho cơm vào bát, nhưng oan nghiệt lạ, từ trên không một con chim to tướng bay rớt xuống gắp phần cơm đi mất, thần thông của Ngài Mục Kiền Liên cũng không làm sao thắng được nghiệp lực, đành đứng mà nhìn. Ðến phiên Ngài Ca Diếp, thương lòng, đem cơm đến và tự mình bốc cơm đưa vào miệng cho thầy, nhưng cơm vừa đến miệng, thì miệng thầy tự nhiên ngậm lại chẳng chịu hả ra, nên không ăn được.

Từ nơi Tịnh Xá, Ðức Thế Tôn biết được tình trạng của thầy La Vân Châu như vậy, Ngài đi đến và dùng bi lực trao đồ ăn cho thầy, nhờ bi lực của Thế Tôn, đồ ăn ấy trở thành vị cam lồ, thầy vừa đưa vào miệng đã thấy một niềm hoan lạc vô biên. Sau khi dùng cơm xong, Ðức Thế Tôn nói pháp cho thầy nghe, quá cảm xúc tấm lòng đại bi của Phật, thầy thọ nhận pháp vi diệu ấy với cả thân tâm, hoát nhiên chứng quả A La Hán.

Các thầy Tỳ kheo chứng kiến cảnh ấy rất lấy làm cảm kích, bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, La Vân Châu tu hành như vậy, nhưng vì sao mà không khi nào thầy được no lòng cho đến khi chứng quả?

- Này các Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên La Vân Châu phải chịu đói khát, mà từ vô lượng kiếp, La Vân Châu đã phải chịu rồi. Khi thì làm ngạ quỷ, khi thì súc sanh, khi thì người, trải qua 500 kiếp không khi nào no lòng, nhưng đến hôm nay, nhờ thầy tinh tấn tu hành, chứng quả A La Hán thầy mới hết nghiệp.

Này các Tỳ kheo, quả báo như thế cũng chỉ vì từ vô lượng kiếp La Vân Châu đã lấy trộm đồ ăn của một vị Bích Chi Phật, do quả báo ấy mà phải chịu đói khổ nhiều đời.

GIỚI ÐỨC

“Nỗi khổ bị thiêu trong ba đường dữ, nỗi khổ con lạc đà, con lừa chở nặng, nỗi khổ bị đói khát áp bức chưa gọi là khổ. Si mê không học, không biết hướng đi mới gọi là khổ”.

Mục Lục Cổ Tích Ngọc báu trong túi áo - Truyện cổ Phật Giáo Tam nghiệp hằng thanh tịnh - Truyện cổ Phật Giáo Phạm chí ngạo mạn - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích ông bình vôi - Truyện cổ Phật Giáo Oan nghiệt - Truyện cổ Phật Giáo Tham y hóa rận - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích con nhái - Truyện cổ Phật Giáo Tôn giả A Nan - Truyện cổ Phật Giáo Ðộ đệ tử - Truyện cổ Phật Giáo Ðạo tràng của Bồ Tát - Truyện cổ Phật Giáo Tấm gương đạo hạnh muôn đời còn ghi - Truyện cổ Phật Giáo Hương Trinh công chúa - Truyện cổ Phật Giáo Tôn giả Bạt Ðà Lợi - Truyện cổ Phật Giáo Mở mắt chiêm bao - Truyện cổ Phật Giáo Ðại bố thí - Truyện cổ Phật Giáo Người làm mặt nạ - Truyện cổ Phật Giáo Người chăn bò - Truyện cổ Phật Giáo Chồn và sư tử - Truyện cổ Phật Giáo Chim bồ câu và chàng đặt bẫy - Truyện cổ Phật Giáo Quả cam oan nghiệt - Truyện cổ Phật Giáo Quan Âm Thị Kính - Truyện cổ Phật Giáo Nhân quả của sự bố thí - Truyện cổ Phật Giáo Túi tham không đáy - Truyện cổ Phật Giáo Chiếc gương soi trong tráp báu - Truyện cổ Phật Giáo Ðức Phật vào xem một gánh hát xiệc - Truyện cổ Phật Giáo Mượn cớ xin sữa hàng phục ngoại đạo - Truyện cổ Phật Giáo Gieo gió gặp bão - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện chàng Lương Cầu - Truyện cổ Phật Giáo Hạt cơm cúng Phật - Truyện cổ Phật Giáo Vakkali - Truyện cổ Phật Giáo Ði biển tìm vàng - Truyện cổ Phật Giáo Nan sư Nan đệ - Truyện cổ Phật Giáo Hẹn cùng sống chết - Truyện cổ Phật Giáo Nghệ thuật tuyệt vời - Truyện cổ Phật Giáo Giữ giới trong sạch được nhiều phước báo - Truyện cổ Phật Giáo Vợ chồng đánh nhau - Truyện cổ Phật Giáo Người gieo mạ - Truyện cổ Phật Giáo Chuỗi Anh lạc - Truyện cổ Phật Giáo Giành làm lớn - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích cá He (cá Heo, cá Nược) - Truyện cổ Phật Giáo Tôn giả Nan Ðà - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện chàng Xơ Ri Ma Ti - Truyện cổ Phật Giáo Vua Quang Minh - Truyện cổ Phật Giáo Con Nhền nhện - Truyện cổ Phật Giáo La Vân Châu - Truyện cổ Phật Giáo Phật Ấn với Ðông Pha - Truyện cổ Phật Giáo Thiếp nguyện hai điều - Truyện cổ Phật Giáo Công đức cúng dường Xá Lợi - Truyện cổ Phật Giáo Gọi Phật bằng bạn - Truyện cổ Phật Giáo Ðạo trời báo phục - Truyện cổ Phật Giáo

Xem Tiếp Trang 14