Truyện Cổ Tích - Etruyen.com

Ngũ Xú Nương   

Thuở ấy tại một xóm nghèo trong khu tồi tàn của xứ Ấn Ðộ, có một cô gái đến tuổi cập kê (tức là tuổi có thể lấy chồng ) mệnh danh là Ngũ Xú Nương vì cô quá xấu. Sắc của cô đủ năm vẻ xấu của mặt mày, hai tay và hai chân nên được mệnh danh là như vậy. Trẻ con mới thấy mặt cô đều phải khóc vì sợ hãi. Nhưng cô có một xúc giác rất êm ái, đến nỗi ai động đến người cô đều cảm thấy khoan khoái vô cùng. Trẻ con thấy cô đều khóc, nhưng được cô ẵm lên thì không muốn rời ra nữa, bởi vì sự xúc chạm đến cô gây cho chúng một cảm giác êm ái lạ lùng, không khác gì được ấp ủ trong vòng tay của mẹ.

Tại sao cô lại chịu một số phận kỳ quái như vậy? Là vì kiếp trước cô là con gái một người thợ gốm nghèo. Một hôm, có vị Tỳ kheo đi khất thực tới nhà, cô đã không cúng dường mà lại xua đuổi vị ấy bằng những lời chua ngoa. Vị Tỳ kheo trước sự ngu si của cô bé động lòng từ bi muốn gieo cho cô một ít phước lành của sự bố thí, bảo cô:

-Nếu cô không có cơm để bố thí thì cho bần tăng một ít đất sét vậy.

Cô gái vào lấy một ít đất sét nắn đồ gốm đem ra cho vị Tỳ kheo mà bảo:

-Ðó! Ði cho khuất con mắt cho rồi. Cái ông lỳ lợm.

Do lời mắng nhiếc và thái độ bực tức của cô khi bố thí, kiếp này cô phải bị quả báo là nhan sắc xấu xí vô cùng. Nhưng do sự bố thí đất sét cho vị Tỳ kheo kiếp này cô được quả báo có một xúc giác êm dịu thần tiên.

Vì quá xấu, nên tuổi đáng lấy chồng mà cô vẫn được nhàn nhã rong chơi với bọn trẻ con suốt ngày trong xóm. Bấy giờ đức vua có thói quen giả dạng thường dân đi vào các khu đông đúc để xem xét dân tình mà chỉnh đốn đời sống của họ. Một hôm vua đến xóm Ngũ Xú Nương vào lúc xẩm tối. Ngũ Xú Nương đang chơi bịt mắt bắt dê với tụi trẻ. Nàng bịt mắt quơ tay chụp bọn nhỏ đang hò la né tránh. Ðức vua giả dạng đi qua bị nàng quơ trúng. Ngũ Xú Nương hớn hở reo lên:

-Thằng Cột!

-Không phải!

-Thằng Kèo!

-Không phải!

Nàng tiếp tục gọi tên năm bẩy đứa đều trật lất, bèn thả tay ra. Trong lúc đó Ðức vua như chết điếng cả người vì sự khoái lạc thần tiên. Ngài chưa bao giờ thưởng thức một sự xúc chạm nào êm ái kỳ diệu như vậy, dù đang sống trong nhung lụa gấm vóc, được đoanh vây bởi vô số cung nữ nhan sắc diễm kiều. Trước sự xúc chạm của Ngũ Xú Nương lần đầu tiên, Ngài bỗng thấy bao nhiêu phi tần đều vô dụng nên cho về vườn hết, Ngài chỉ cần một nàng này là đủ. Nhà vua giả dạng mặc dù đã được Ngũ Xú Nương thả ra vẫn đứng trơ trơ như phỗng đá ... Không muốn rời chân. Ngài đứng nhìn nàng tiếp tục trò chơi bịt mắt bắt dê trong bóng mờ. Cho tới khi trời tối, bọn trẻ thấm mệt giải tán, Ngũ Xú Nương đủng đỉnh về nhà. Vua lẽo đẽo theo chân cô gái. Vừa đi vừa tưởng tượng nhan sắc của nàng chắc là chim sa cá lặn, vì sự xúc chạm của nàng êm ái như thế. Vua muốn đến tận nhà nhìn cho rõ mặt hơn, nhưng ngài nhất quyết đặt cô gái lên ngôi chánh cung hoàng hậu.

Vừa đi ngài vừa hỏi cô bé (vua vẫn giả bộ thường dân):

-Này em, qua muốn hỏi em về làm vợ, em có bằng lòng không?

Cô bé cười lớn:

-Ha ha! Ông muốn cưới tôi hả? Cha mẹ tôi nghèo lắm, không có gì cho ông đâu! Chưa bao giờ ai hỏi tôi như vậy cả.

-Qua không cần của hồi môn, tiền bạc gia tài chi cả. Qua chỉ muốn sống gần em thôi.

Cô bé vẫn cười nói hồn nhiên, chẳng tỏ chút gì e lệ:

-Ha ha, cái ông này thật kỳ! Ông hỏi mẹ tôi đi. Tôi không biết!

-Vậy em đưa qua về nhà hỏi mẹ nhé?

-Ðược, ông cứ đi theo tôi.

Vua mừng khấp khởi đi theo cô bé về nhà. Vừa bước vô căn nhà lá lụp sụp, cô bé đã gọi lớn :

-Mẹ ơi! Có cái ông này muốn cưới con về làm vợ đây nè!

-Tốt! Thằng nào mà nó mê cái nhan sắc của mày đó, chắc cũng là đồ ma chê quỷ hờn, thần sầu quỷ khốc mới thèm vào cái thứ mày!.

Bà mẹ vừa nói vừa bưng cây đèn dầu đi ra để giữa nhà. Dưới ánh đèn leo lét, vua thấy ra mặt mày Ngũ Xú Nương, thất kinh hồn vía. Nhưng bùa lực sự xúc của nàng vẫn mãnh liệt nơi vua, vua nhất quyết cưới nàng dù nàng xấu hơn Chung Vô Diệm. Trong phút chốc, vua đã định đoạt xong chương trình vì say mê nàng quá đỗi. Chương trình ấy là, hằng ngày sau khi công việc triều đình xong xuôi, ngài sẽ cải dạng thường dân về nhà nàng vào lúc chiều tối, sáng sớm mai trở về cung. Như vậy vua được sống với nàng mà khỏi bị chê cười, ngài chắc chắn nếu rước Ngũ Xú Nương về cung, thì triều đình sẽ cho ngài đã loạn trí mới tuyển vào ngôi chánh hậu một Chung Vô Diệm như thế.

Bởi vậy vua đề nghị với bà mẹ như vầy:

-Thưa bác, cháu muốn cưới cô em này, nhưng cháu chưa có nhà riêng xin bác cho cháu tạm “gởi rể”. Ban ngày cháu đi làm, tối về nhà vợ. Khi nào đủ tiền sắm nhà cháu sẽ đưa nàng đi.

-Ðược, nếu ông chịu cưới nó thì tốt lắm, mà nhà tôi nghèo, ông cũng thấy đó, tôi không có đồng xu nào cho nó đâu!

-Không hề gì, thưa mẹ!

Ðược lời như cởi tấm lòng của hai bên. Từ đó nhà vua tối tối lại về nhà Ngũ Xú Nương. Ngài xem túp lều tồi tàn này còn hơn muôn vàn lầu son gác tía, vì nơi đó ngài được sống với những xúc giác kỳ diệu như ở cõi trời.

Một thời gian khá lâu trôi qua, vua thấy thật bất tiện nếu cứ phải giả dạng lần mò về nhà nàng mỗi chiều như thế. Nhưng ngài không xa Ngũ Nương được. Ngài nghĩ cách đưa nàng về cung lên ngôi hoàng hậu mà khỏi bị ai chê cười là đồ ngu. Bởi thế, ngài bày ra một mưu kế lạ lùng.

Một hôm, Ngũ Xú Nương đang ngồi buồn rầu thì vua về. Ngài hỏi:

-Tại sao em buồn vậy?

-Tại vì cha em bịnh, muốn ăn một bát cháo tôm cua mà em không tiền mua đồ nấu cháo.

-Tưởng là gì! Mai anh sẽ gánh về một gánh cháo tôm cua cho cha, muốn ăn bao nhiêu cũng được. Vua nhân cơ hội ấy, mua một nồi cháo tôm cua tại nhà bà bán cháo ở chợ, đặt vào một đầu gánh, đầu kia vua lấy cái vương miện quý giá, gắn đầy hột xoàn năm ly của Ngài gói cẩn thận bỏ vào một cái thúng, trên phủ đầy lá chuối. Rồi gánh về nhà cô gái mà dặn:

-Ðây, anh mua cháo tôm cua về cho cha đó. Ðầu gánh này là cháo tôm cua, đầu kia muốn tôm cua rùa ếch cóc nhái chi cũng có cả. Khi nào cần mua thì cứ lấy ra.

Cô gái được nồi cháo thì mừng quýnh, không vội để ý thúng lá chuối kia. Nàng dẹp nó vào một nơi, đem cháo cho cha ăn. Cả nhà cũng được một bữa ăn khoái thích.

Hôm sau trở về cung, vua hô hoán cái vương miện, vật quốc bảo đã biến mất, và ra lịnh các quan phải mở cuộc truy tầm. Triều đình nhốn nháo phái người đi tìm lục soát khắp nơi trong hoàng thành đều không có. Vua đề nghị:

-Trong thành không có thì tìm ra ngoài thành, ở những khu tồi tàn xem kẻ gian có tẩu tán tài sản về đó không. Ban điều tra vâng lời, lục soát đến khu tồi tàn của Ngũ Xú Nương. Họ vào đến nhà nàng, lục tới thúng lá chuối tìm được cái vương miện, bèn bắt trói cả ông bà. Hai ông bà một mực kêu oan. Quan điều tra hỏi:

-Vậy thì cái thúng này của ai?

-Ðó là của thằng rể tôi đem tới.

-Thằng rể ở đâu?

-Không biết! Hắn nói không có nhà, đi cả ngày tới tối mới trở về đây. Có thể là một thằng trốn lính. Các ông chờ tới tối sẽ gặp.

Ban điều tra ở lại chờ mãi không thấy thằng rể xuất hiện. Bà mẹ cô gái đấm ngực la làng:

-Hắn có lẽ đã nghe động tịnh nên chuồn thẳng rồi! Oan ơi là oan, hỡi trời, hỡi đất!

-Vậy bà hãy tả hình dáng mặt mày thằng rể cho tôi nghe.

-Làm sao tôi thấy rõ mặt mày hình dáng hắn? Nhà nghèo, dầu hôi khan hiếm, tối chỉ thắp một ngọn đèn leo lét một lát là tắt. Thằng rể tôi thì tối mịt mới về khi tôi đã ngủ. Mà có thức thì tối quá cũng không thấy rõ được, mắt già lem nhem.

Họ bèn hỏi tới Ngũ Xú Nương:

-Còn cô, mặt mũi hình dáng chồng cô ra sao, hãy tả ra nghe.

-Tui cũng không thấy rõ được. Ảnh thường về lúc đã tối mịt, đèn lu tui cũng lờ mờ lắm.

-Vậy thì làm sao cô nhận được chồng cô.

-Sờ người thì biết.

Cả ban cười rộ. Họ không biết giải quyết ra sao nên cho người về tâu vua. Vua phán:

-Vậy thì ta đã có cách bắt thủ phạm. Các ngươi hãy trả tự do cho vợ chồng nhà đó. Vua bàn với các quan rằng, theo lời khai của cô gái, sờ người thì biết được chồng cô. Vậy hãy làm một cái chòi như cái phòng bỏ phiếu ở giữa công trường cho cô gái đứng vào trong, chừa một lỗ vừa thò bàn tay vào thôi. Xong xuôi, hãy bắt tất cả đàn ông ở tuổi có thể lấy vợ, tới đưa bàn tay vào cho cô gái sờ. Gặp bàn tay nào cô gái cho trúng là chồng cô thì đó là thủ phạm đã đánh cắp vương miện. Ðình thần đều cho nhà vua cao kế và thực hành ngay.

Ðúng ngày, tất cả nam nhi từ 18 đến 45 tuổi nối đuôi tới đưa tay cho cô gái sờ. Nhà vua cũng dự cuộc. Sau một ngày, cô đã sờ hàng ngàn bàn tay đưa vào, song không người nào trúng (mỗi người khi được cô gái cầm tới tay đều cảm thấy sung sướng vô ngần, không còn ham muốn gì hơn trên đời này nữa). Cuối cùng, khi nhà vua đưa tay vào, Ngũ Tú Nương la lên:

-Ðây đúng là tay chồng tôi!

Cả triều đình ngơ ngác. Khi ấy họ mới hiểu ra mưu mẹo của vua, bởi vì ai cũng công nhận cái hạnh phúc tối cao do sự xúc chạm của nàng thì chỉ có nhà vua là xứng đáng hơn cả. Vì chính họ cũng quên mất vẻ xấu xí của nàng sau khi được bàn tay nàng sờ đến.

Triều đình tuân lệnh làm lễ tuyển Ngũ Xú Nương vào ngôi chánh cung, mà không còn bận tâm đến vẻ xấu xí của nàng, đồng thời cũng không cho là vua điên, sau cuộc thử thách ấy.

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

“Khoái lạc vật chất trong đời sống quả thật vô số kể, vừa êm dịu vừa ngọt ngào và quyến rũ, dưới đủ hình thức dục lạc làm lòng người say đắm, hãy nhận chân hiểm họa của nó.

Ðồng thời cũng cho chúng ta thấy: những kẻ có quyền thế thường lạm dụng uy quyền và dùng những mưu mô xảo quyệt để hợp thức hóa dục vọng xấu xa của mình”.

 

Có Niết Bàn không?  

 

Ngày xưa có một con cá, vì nó là loài ở nước, nên dĩ nhiên cuộc đời chỉ sống trong nước, và ngoài nước ra, nó không biết gì hết.

Một hôm nó đang nhởn nhơ bơi lội trong hồ, tình cờ gặp một con rùa mà nó đã quen từ trước, đi du lịch trên đất liền về. Nó liền chào:

-Chào anh! Ðã từ lâu tôi không gặp anh. Vậy xưa rày anh ở đâu?

-Ồ, tôi đi du lịch từ trên đất liền về. Trên ấy mặt đất khô ráo quá!

-Ðất khô? Anh nói cái gì lạ vậy? Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào kỳ lạ như vậy. Lẽ nào lại có đất khô?

-Xin thề rằng tôi không nói đùa với anh đâu. Nhưng nếu quả tình anh không thể tin được thì tùy anh, không ai ngăn cản được anh. Nhưng dù sao, tôi cũng mới từ đó về.

-Này, anh cố gắng diễn lại cho hợp lý hơn. Tôi nghĩ rằng: cách diễn đạt của anh chưa được rõ ràng lắm. Anh vui lòng cho tôi biết đất mà anh nói đó, nó giống như cái gì trong thế giới chúng ta nào? Nó có ẩm ướt không?

-Không, nó không ẩm ướt.

-Thế nó có mát dịu và lạnh không?

-Nó không mát, không dịu mà cũng chẳng lạnh.

-Thế nó có trong suốt để cho ánh sáng xuyên qua được không?

-Không, nó không trong suốt và ánh sáng không thể xuyên qua được.

-Thế nó có mềm và dễ bị ép để cho tôi có thể quậy vi và đi lại dễ dàng trong ấy không?

-Không, nó không mềm, không bị dồn ép dễ dàng và trong ấy, anh cũng không thể bơi lội được.

-Thế nó có lưu động và đổ thành thác được không?

-Không, nó không lưu động và cũng không đổ thành thác được.

-Vậy thì nó có dâng lên để tạo thành những mũi sóng bạc đầu được không?

-Không, tôi chưa bao giờ thấy nó dâng lên thành làn sóng cả.

Ðến đây, con cá vênh váo tự đắc than rằng:

-Tôi đã từng nói với anh rằng đất mà anh nói đó là không phải cái gì cả. tôi cũng vừa hỏi anh về đất ấy và với câu hỏi nào anh cũng trả lời rằng không. Ðất anh nói đã không phải bất cứ cái gì tôi nêu ra, vậy thì đất hẳn là ngoan không. Anh đừng tìm cách bịp tôi nữa.

-Tốt! Anh đã quả quyết rằng không có đất liền. Tôi cũng không có cách nào hơn là cứ để anh tiếp tục tin như anh đã nghĩ. Nhưng một mai, có ai khác hơn tôi và đủ sức phân biệt cho anh thấy sự sai khác giữa đất và nước, ngày ấy anh sẽ thấy rằng anh chỉ là một con cá ngốc.

THÍCH THIỆN HOA

“Niết bàn là một cái gì tuyệt đối không dung Ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết Bàn vô tướng – Vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết bàn ta cũng phải vô tướng như Niết bàn. Cửa Niết bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc, nên ta không thể mang thêm một hành lý nào mà hy vọng vào Niết bàn được cả. Cái thân ta cũng không mang theo được, mà cả ý niệm về tôi, về ta cũng không thể mang theo được. Cái ta càng to thì càng xa Niết bàn. Nên biết rằng: Hễ Hữu Ngã là luân hồi mà VÔ NGÃ LÀ NIẾT BÀN”.

 

Niết bàn  

 

Có một tên ăn trộm bị người ta bắt đem nạp cho nhà Vua. Muốn giam giữ nó nhà vua ra lịnh dở nắp rương thả ra bốn con rắn độc. Con thứ nhất quấn tay mặt tội nhân, con thứ hai quấn lấy tay trái tội nhân, con thứ ba quấn ngang hông và con thứ tư quấn ngang cổ nó.

Một người đức hạnh đến gần tội nhân, thấy rõ tình cảnh, liền nói rằng: -Ngươi đã bị người ta giữ gìn cẩn thận, vậy hãy đứng yên chớ nên cựa quậy mà bị rắn cắn. Nọc con rắn thứ nhất sẽ làm cho thân ngươi cứng đơ như đá, nọc con rắn thứ hai làm cho thân ngươi tiêu ra nước, nọc con rắn thứ ba làm cho thân ngươi tan ra bột và bị gió cuốn đi, nọc con rắn thứ tư sẽ đốt ngươi cháy như ngọn lửa.

Tên ăn trộm trả lời:

-Không phải! Những con rắn ấy đều là đồ trang sức của tôi. Ðây là đôi vòng của tôi, đây là sợi giây chuyền cổ và đây là sợi giây lưng.

Người đức hạnh lại dạy nó từ từ gỡ bốn con rắn ấy, đem bỏ vào trong rương, đậy nắp lại, rồi mau mau chạy trốn.

Nó làm theo.

Hay tin, nhà vua liền truyền lịnh cho năm tên lính đuổi theo bắt tên ăn trộm.

Nó ráng chạy được một đỗi, lại gặp người đức hạnh khi nãy hô to:

-Ngươi hãy chạy thật mau lên! Có năm tên lính đang đuổi theo sau lưng kìa! Chúng lại thả ra bốn con rắn độc để rượt bắt ngươi đó.

Khi đã đuối sức, tên ăn trộm liền dừng chân lại, và thấy phía trước có 6 cái nhà bỏ trống, vừa bị 6 tên cướp vào vét sạch của cải.

Sáu tên cướp lại nhập đoàn với năm tên lính để đuổi bắt nó.

Người đức hạnh lại hô to lên nữa:

-Ngươi ráng chạy mau lên! Bọn cướp và lính nhà vua sắp đến nơi.

Chúng lại bắt thêm một người bạn thân của ngươi để dụ ngươi trở về trị tội.

Nhưng chạy được một đỗi, tội nhân lại gặp một cái biển ngay trước mặt, nên phải dừng chân lại. Nó hết sức lo âu, vì tại đây không có ghe thuyền chi để thoát thân cả.

Người đức hạnh dạy nó lấy tám cành cây khô, kết lại thành bè để bơi đi trốn.

Làm bè xong, nó bơi ra được một đỗi thì gặp một hòn cù lao. Nó định ghé lên, nhưng dòm ngoái lại phía sau, thấy quân lính còn đuổi nà theo. Nó cố sức bơi đến một cù lao thứ nhì, rồi thứ ba, và thứ tư. Nhân dân ở chỗ đó liền tôn nó lên làm Vua. Lúc ấy, đoàn người đuổi theo sau nó đều bị tiêu diệt và nó không còn thấy hình bóng đâu nữa!

Nhà vua ám chỉ các nghiệp, tên ăn trộm ám chỉ người đi tìm đạo, người đức hạnh chỉ ông thầy đi dạy đạo, bốn con rắn độc ám chỉ tứ đại, năm tên lính ám chỉ ngũ uẩn, sáu cái nhà bổ trống sau khi bị ăn cướp ám chỉ sáu căn, sáu tên cướp ám chỉ sáu trần, tám cành cây kết lại thành bè ám chỉ bốn bức thiền định hay bốn quả thánh, lễ tôn vương ám chỉ sự giải thoát. Sự tiêu diệt của đoàn người đuổi theo sau ám chỉ sự tan biến của màn vô minh và sự bẻ gãy bánh xe luân hồi.

                THÍCH THIỆN HOA

Kẻ phàm phu bị màn vô minh che lấp, đắm mê theo vật dục, nhận khổ làm vui, nhận xấu làm tốt, khác gì kẻ tội ăn trộm nhận rắn độc làm đồ trang sức. Nếu nó không nhờ nhà tu hành đức hạnh dạy bảo, thì đâu biết mình bị rắn độc bao vây để chạy thoát, và đâu có gắng sức dẻo dai để bước lên bờ giải thoát.

 

Ân oán  

 

Hồi xưa tất cả cỏ cây và sinh vật đều biết nghe cũng như biết nói. Con người thì có trí khôn, nên được tôn: chúa tể vạn vật. Núi rừng trùng điệp bao la, là giang sơn của Chúa Sơn Lâm. Cọp, đứng đầu trong các loài thú dữ, mà theo luật cung cầu là “Vật dưỡng nhân”. Như thường ngày, cọp nương theo đường mòn đi dọc về ngang, bất thần một hôm chui đầu vào rọ!... Chiếc bẫy rọ được giương lên, ngụy trang khéo léo của nhóm người đi săn. Bẫy sập xuống nhốt gọn Chúa Sơn Lâm. Cọp cố sức vùng vẫy, gào thét, mà không có cách nào thoát ra khỏi bẫy, đành thu mình nằm trong bẫy rọ, đầu óc Cọp hoang mang lo sợ!... Bất ngờ, nghe tiếng động, từ hướng trước mặt, Cọp giương đôi mắt nhìn.

Ô kìa... may mắn thay, bóng dáng một nhà sư, Cọp vội cất tiếng than! “Ông Sư ơi! Là người tu hành ông làm ơn làm phước cứu tôi thoát khỏi bẫy rập này, ơn đức ấy muôn đời tôi ghi nhớ!” Xúc động từ tâm, vị tu sĩ kia vội vàng mở cửa rọ cho Cọp thoát thân. Ðiều ngạc nhiên hơn, vừa thoát ra khỏi bẫy, Cọp rùng mình gầm rống lên vang dội, đôi mắt như hai tia lửa hung tợn chầm chập nhìn thẳng vào nhà sư hiền từ đức độ... Cọp hằn học căm tức lớn tiếng: Loài người các ông ác độc lắm, đánh bẫy định bắt ta ăn thịt. Nay thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng, ta phải giết ông để trả thù, xác ông là miếng mồi ngon cung cấp cho bao tử ta sau hai ngày đói khát... Nhà sư nét mặt bình thản hiền lành trả lời: Thế gian là cõi tạm, sống ở thác về, luật tạo hóa nhiệm mầu, hễ có sanh là lẽ dĩ nhiên phải có tử, nào ai lột da sống hoài mà không chết. Chết là giải thoát kiếp con người trên cõi ô trược này, có điều tôi muốn phân trần với Chúa Sơn Lâm tiếng tăm lừng lẫy lại giết chết một kẻ tu hành. Vì muốn cứu mạng sống của Chúa Sơn Lâm, kẻ này có lỗi với người thợ săn, mở bẫy thả ngài... Mai sau tôi chết rồi, những sinh vật bé nhỏ hơn nó coi thường việc đối xử hẹp hòi của Ngài, biết đâu ngài không khỏi tủi thẹn với cỏ cây sông núi...

Cọp nghe xuôi tai nên nói:- Thôi được, tạm để cho ông yên, nhưng ta ra điều kiện thế này: ông cùng ta đi hỏi xem ba nhân chứng khác nhau. Nếu cả 3 mà đồng ý: “Loài người các ông ác” thì tôi xẻ xác ông, ông có chịu không?... Nhà sư đáp: Mô Phật, tôi xin bằng lòng...

Ðầu tiên, gặp trâu đang ăn cỏ. Cọp cất tiếng hỏi:- Trâu ơi! Ta hỏi câu này, loài người hiền hay ác, Trâu trả lời ta nghe thử?... Trâu nói: Lòng dạ con người độc ác khó đo lường. Người bắt tôi làm lụng suốt ngày hết đi cày đến kéo xe, chở từ hột lúa cho người ăn. Tôi làm thì nhiều mà người bố thí cho một mớ rơm khô để ăn đắp đổi sống qua ngày. Ðến khi kiệt sức còn da bọc xương người không thương, tham lợi bán tôi cho lò thịt. Nơi đây tôi chịu cực hình đau đớn họ lóc từng miếng thịt để chia nhau ăn, thậm chí đến tấm da người đem dóng giày bịt trống. Loài người quá ác độc nhẫn tâm...

-Ðến lượt thứ hai, gặp cây me, Cọp hỏi:- Me ơi! Ta muốn biết tiếng nói chân thật của me, mi thấy loài người Hiền hay Ác? –Suy nghĩ giây lâu cây me trả lời:- Loài người Ác Thiện lẫn lộn. Khi tôi còn bé, người vun phân tưới nước tôi đến tươi tốt trưởng thành. Những tưởng khi lớn lên trả trái cho người để đền đáp ơn săn sóc. Khổ thay, trái chưa kịp chín đến thời kỳ cung cấp, người trèo lên bẻ đại bức càn để ăn tươi nuốt sống, làm cho thân xác ủ ê lá rụng, cành gãy!... Suy đi tính lại, loài người Thiện ít, mà Ác lại nhiều hơn.

-Ðến nhân chứng cuối cùng. Cọp gặp chú khỉ con... Vì khiếp oai Cọp nên Khỉ thập thò nhìn lén!... Cọp gọi khỉ lại, hỏi y như hai câu hỏi lần trước, chú khỉ nhíu mày, nét mặt nhăn nheo khó nghĩ!... Hồi lâu Khỉ trả lời :- Việc đời khó đo lường, mà cũng khó nói, trời đất đang yên lặng nhưng bỗng đâu chốc lát giông gió nổi lên, lòng dạ người ta vô cùng khó hiểu. Nhưng tôi muốn biết vì sao Chúa Sơn Lâm lại hỏi tôi câu này? Khỉ hỏi ngược lại, Cọp bèn thuật lại việc bị mắc rọ cho khỉ nghe, chăm chú nghe xong câu chuyện Khỉ đáp:- Vừa nghe ngài kể là một việc, còn sự thật có hay không lại là một việc khác. Vì đầu óc non nớt của tôi, khi nào thấy được tận mắt tôi mới tin là sự thật. Cọp gầm lên: chú Khỉ không tin thì leo lên lưng ta cõng chú đến đó cách đây một dặm đường. Khỉ bằng lòng theo Cọp cùng vị Sư.

Tại đây Cọp chỉ vào bẫy rọ phân trần với Khỉ. Lúc đó ta bị kẹt trong ấy! Khỉ hỏi:- Rồi làm sao mà ngài ra được? Cọp trả lời:- Chú mày ngu quá. Lúc ấy cái nắp bẫy được giương lên. Khỉ gật đầu ra điều hiểu biết: Bây giờ đâu ngài làm lại tôi xem nắp bẫy sập ra làm sao? Muốn cho Khỉ thấy tận tường, Cọp nhờ nhà sư dở nắp bẫy lên, đoạn chui vào bẫy rọ. Nắp sụp lại! Khổ thay, Cọp bị mắc lừa chú Khỉ con bé nhỏ kia... Sự việc xảy ra y như lúc Cọp vừa mắc bẫy, Khỉ nhìn về nhà Sư hỏi: Còn nhà Sư lúc đó ở đâu? Cọp cướp lời: ông từ hướng trước kia đi lại. Nghe xong Khỉ nói:- Giờ đây sự thật đã hiển nhiên rồi, thì giờ rất quí báu. Bậc tu hành thì đường thẳng ông cứ việc đi, xem như chẳng có việc gì xảy ra, lo chi thêm nhiều phiền lụy!... Hướng về phía Cọp, Khỉ nói:- Phần tôi nhỏ bé lại yếu đuối, không giải quyết được việc gì, phiền Chúa Sơn Lâm chờ dịp may khác, biết đâu lại cũng có người đến cứu ông. Tôi cầu mong trời đất phò hộ ông nhiều sức lực để đương đầu với sư tử, mãng xà, kiếu ông, tôi xin tạm biệt!... Cọp nghe xong nổi giận gầm vang rền cả núi rừng. Mặt trời vừa chen lặn, trả về núi rừng một vẻ âm u.

HUỲNH VĂN BỘ

“Bóng ai bỗng hiện trên non vắng

Lửng thửng trên đồi một vị sư

Ta gắng hỏi sư, sư chẳng đoái

Mắt nhìn mây trắng vẫn trầm tư”.

 

Tôn giả Xá Lợi Phất  

 

Trong kinh tạng Pàli, Tôn giả Xá Lợi Phất chiếm địa vị quan trọng hàng đầu, chỉ đứng sau Phật. Nhiều kinh được mở đầu với câu cổ điển “Như vậy tôi nghe”, mà người thuyết kinh thay vì đấng giác ngộ, thì lại chính là bậc Thánh đệ tử uyên bác ấy đại lao cho Ngài. Có khi đức Ðạo Sư thăng pháp tòa, chỉ trình bày một bài kệ ngắn gọn, rồi lui về am thất của Ngài. Trong những dịp như vậy, chúng ta thường gặp Tôn giả Xá Lợi Phất xuất hiện khai diễn ý nghĩa lời dạy súc tích của Phật và cuối cùng, chính Phật đã xác chứng cho lối giải thích của Tôn giả bằng một câu còn giá trị hơn tất cả những lời khen tặng : “Nếu các ông hỏi ta, ta cũng giải thích như Xá Lợi Phất!”.

Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputra, dịch nghĩa là Thu Tử) là con trưởng trong một gia đình thuộc thế cấp Bà La Môn giàu nhất làng Upatissa, gần Nàlanda ngày nay. Upatissa cũng là tên được đặt cho Ngài khi sơ sinh. Mẹ Ngài tên Sarì. Trong bốn người con trai Ngài được mang tên của mẹ, trong khi một người em của Ngài lại có tên của cha là Vagantaputra. Tôn giả có ba em trai và ba em gái, về sau đều theo Ngài xuất gia đắc quả A La Hán. Những tiểu sử của các vị này được tìm thấy trong “Trưởng lão Tăng kệ” và “Trưởng lão Ni kệ”.

Ba người em trai của Tôn giả có tên tuần tự như sau : Cunda (Thuần Ðà) Upasena và Revata (Ly bà da). Ba em gái của Tôn giả là : Càlà, Upacàlà, và Sìsùpacàlà. Ly Bà Ða là vị đệ tử thiền định đệ nhất của Phật. Vì Ngài là con út, bà mẹ rất cưng quý không muốn cho xuất gia nên tìm cách cưới vợ cho Ngài rất sớm. Vào ngày hôn lễ, không may cho hai gia đình, cậu bé tình cờ thấy bà ngoại già 120 tuổi của cô bé, và trực nhận lý vô thường, trong phút chốc cậu đâm ra chán ngấy tất cả cảnh hoa lệ giả dối của cuộc phù sinh, và muốn thoát ly bằng mọi giá. Ðược anh cả yểm trợ, cậu út chuồn ngả sau giữa lúc đám tiệc linh đình, và trực chỉ đi đến một ngôi tịnh xá, xuống tóc xuất gia. Ít năm sau khi nhập đạo, vào một mùa an cư, trên đường đi bái yết Phật, Tôn giả dừng chân ở một khu rừng cây Kha-disa (cây gai) và tại đây Ngài đắc quả, nên ngày sau Ngài được hiệu là “Ly Bà Ða ở rừng gai”. Ngài được Phật khen là người xuất sắc nhất trong những vị yêu thích độc cư ở núi rừng.

Em trai giữa tôn giả là Upasena hay Vagataputta là vị tỳ kheo được Phật khen ngợi có hạnh hoan hỷ đệ nhất. Ngài từ trần sau khi bị rắn độc cắn, như được ghi trong một kinh của Tương Ưng bộ.

Người em kế là Cunda (Thuần Bà) được mệnh danh chú tiểu Thuần Bà ngay cả khi thọ giới, vì để phân biệt với Trưởng lão Ðại Thuần Ðà. Khi Tôn giả Xá Lợi Phất nhập diệt, chính vị này đã hầu cận Ngài và mang di vật của Ngài trở về thông báo với Ðức Phật và Thánh chúng.

Ba người em gái của Tôn giả cũng xuất gia sau khi đã lập gia đình mỗi người có một người con. Những người con trai này đã theo học với Tôn giả Ly Bà Ða. Chính Tôn giả Xá Lợi Phất, vào một dịp đến thăm người em út của Ngài lâm bệnh, đã gặp các cháu và khen ngợi hạnh kiểm tốt đẹp của họ, như được tìm thấy trong Trưởng lão Tăng kệ 42, phần luận số.

Hạnh - Nhẫn - Nhục

Mặc dầu cả bảy anh em Tôn giả đều xuất gia theo Phật, bà mẹ Tôn giả vẫn giữ đạo Bà La Môn, và có thái độ thù nghịch với Phật giáo và tất cả những người liên hệ. Bà thù hận sa môn Gotama đã cướp hết đàn con của bà. Vào một năm gặp thời đói kém, Tôn giả Xá Lợi Phất đưa 500 vị Tỳ kheo đến khất thực tại nhà bà Sàrì, bà vừa bày thức ăn bà vừa lằm bằm nguyền rủa. Ðể thực phẩm vào bát Tôn giả, bà mắng:

-Ngu ơi là ngu! Nhà cao cửa lớn, ruộng vườn thẳng cánh cò bay thì không chịu ở, lại bỏ mà đi đầu đường xó chợ, ngủ bụi ngủ bờ, ăn cơm thừa cơm cặn của người ta.

Tôn giả vẫn yên lặng cùng Chúng Tăng thọ thực. Ăn xong, Tăng đoàn cùng theo Tôn giả im lặng trở về tịnh xá. Ðại đức La Hầu La nhỏ nhất trong Tăng đoàn thóc mách thuật lại cho Phật nghe mọi sự đã chứng kiến tại nhà bà thí chủ nọ. Phật nhân đó thốt bài kệ sau đây, được ghi trong kinh Pháp cú, phẩm Bà La Môn:

Ðầy đủ đức hạnh không nóng giận,

trì giới thanh tịnh không nhục nhiễm,

thì chỉ ngay thân này là cuối cùng,

không bị tiếp tục sanh nữa,

Người như thế ta gọi là Bà La Môn.

(danh từ Bà La Môn ở đây chỉ người cao thượng)

Hạnh nhẫn nhục của tôn giả được Phật và những vị đồng phạm hạnh không ngớt tán dương. Một hôm, một người đang đề cập về các đức tin của tôn giả.

-Trưởng lão Xá Lợi Phất của chúng ta có hạnh nhẫn nhục chẳng ai bì. Ngài chẳng tức giận ai bao giờ.

Khi nghe thế, một người Bà La Môn lên tiếng:

-Vô lý! Ai mà khỏi có lúc tức giận. Ðấy là vì không ai khiêu khích ông ta thôi.

Mọi người phản đối:

-Không phải vậy đâu, cư sĩ.

Người Bà La Môn kia nói:

-Ðể tôi có cách chọc ông ta tức giận cho coi.

Người ta đồng ý chờ xem. Ngờ đâu, người Bà La Môn ấy chực khi Tôn giả vào thành Xá Vệ khất thực chạy theo đấm một đấm như búa bổ vào lưng Tôn giả. Tôn giả vẫn thản nhiên không quay lui, chỉ lên tiếng hỏi khẽ: “Cái gì thế” và tiếp tục bước. Người kia sanh tâm hối hận, đến trước tôn giả sụp lạy xin sám hối. Tôn giả hoan hỷ tha thứ ngay. Người kia bạch:

-Bạch tôn giả, nếu Ngài đã tha thứ cho con, xin thỉnh Ngài về nhà con thọ thực, và hôm nay trở đi, xin Ngài cho con được cúng dường Ngài thường xuyên.

Nói xong, y đỡ lấy bình bát trên tay Tôn giả và đưa Ngài về nhà. Nhưng có một bọn người đã vây lấy người Bà La Môn ấy, sẵn gậy gộc cầm tay, và bạch Tôn giả:

-Bạch Ngài, xin Ngài giao tên ác ôn đó cho bọn con sửa trị một mẻ.

-Tại sao?

-Bạch, nó đánh Tôn giả! Chúng con phải bửa đầu nó ra!

-Kẻ ấy đánh các ông, hay đánh ta?

-Bạch, đánh Tôn giả.

-Vậy thì y cũng đã xin lỗi ta rồi. Các ông hãy đi đi.

Vào một dịp, Phật ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, Tôn giả bị một tỳ kheo vu khống, vì vị này phẫn nộ bất mãn. Khi các Tỳ kheo đến từ giã sau mùa an cư, Tôn giả luôn luôn gọi tên thân mật từng vị Tỳ kheo, nhưng vị này lại không được Tôn giả nhắc đến tên, do nhân duyên ấy, vị này nổi lên phẫn nộ và bất mãn, nghĩ rằng: “Tôn giả đã không thăm hỏi ta như những người khác”. Ðang lúc tức giận, Tôn giả đi ngang lại đụng chéo y vào người ông một cái, làm cho ông càng thêm tức, đến kiện với Phật.

-Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá Lợi Phất luôn luôn nghĩ mình là đệ tử số 1 của đấng Ðạo sư, đã đánh con một tát gần điếc lỗ tai, thế mà không thèm nói gì, đã bỏ đi một bước.

Ðức Phật cho gọi Tôn giả Xá Lợi Phất. Thay vì phủ nhận sự vu cáo, Tôn giả đã rống lên tiếng sư tử giữa hội chúng với một bài pháp hùng hồn xác chứng Ngài đã thoát ly vĩnh viễn sân hận, có sức chịu đựng những mạ lỵ phỉ báng như đất nhận đồ phế thải. Vị Tỳ kheo ngập tràn hối hận, xin Ngài tha thứ tội lỗi. Trước đức Ðạo sư, Tôn giả thốt lên những lời đầy khiêm cung:

-Bạch Thế Tôn, con tha lỗi vị Ðại đức, và con xin vị ấy hãy tha lỗi cho con nếu con có làm gì phật lòng người ấy.

Ðức Phật bảo chúng đệ tử đang vây quanh Ngài:

-Này các Tỳ kheo, Xá Lợi Phất và những người đã chứng đắc như ông không bao giờ ôm lòng hận thù ai. Tâm ông lớn như đại địa, vững như trụ đồng và an tĩnh như mặt nước ao thu.

Lòng nhớ ơn

Trước khi xuất gia, Tôn giả đã nhờ Trưởng lão Assaji mà ngộ đạo – đạo lý duyên sanh và tìm đến Ðức Phật để tham học. Tôn giả nhớ ơn vị ấy suốt đời. Khi cùng ở một tịnh xá, Ngài luôn luôn đảnh lễ Assaji sau khi đảnh lễ đức Ðạo sư, và khi Assaji ở chùa khác, Tôn giả thường hướng về ngôi chùa ấy mà đảnh lễ sau khi đảnh lễ Phật.

Khi Phật ở Xá Vệ trong Kỳ Viên tịnh xá có một người Bà La Môn nghèo khổ làm vườn, quét dọn để kiếm ăn. Phật quán thấy ông ta có thể đắc quả, nên hỏi trong đại chúng có ai nhớ đã chịu ơn của người Bà La Môn kia lần nào không. Ngài Xá Lợi Phất thưa rằng, có lần Ngài khất thực trong thành Vương Xá, người Bà La Môn kia đã sớt cho Ngài một muỗng đồ ăn của y đã xin được. Phật bảo: vậy ông hãy độ y xuất gia. Dưới sự hướng dẫn của Tôn giả, chẳng bao lâu người này đắc quả A La Hán.

Bậc thiện tri thức

Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc thiện tri thức của tất cả mọi người. Ngài được tất cả yêu kính không những vì trí tuệ siêu phàm mà còn vì đức khiêm cung và lòng từ bi hiếm có. Ngài không bao giờ tỏ ra mình là bậc thượng thủ trong giáo hội của Phật. Trong tịnh xá Kỳ Ðà Lâm, Tôn giả luôn luôn vấn an thăm hỏi những vị thượng tọa già yếu bịnh tật, và mỗi khi ra khỏi độc cư thiền định Ngài thường đi một lượt quanh khu tịnh xá, quét dọn lại những nơi bừa bãi, để du khách khỏi chê cười đệ tử Phật ở dơ. Mỗi khi theo Phật du hóa một vùng xa, Tôn giả thường đi sau cùng, sau khi thu xếp cho những vị Tỳ kheo yếu bịnh. Cũng vì lẽ ấy mà có bận Tôn giả đến nơi đã định khi quá nửa đêm, không có chỗ nào dành cho Tôn giả, Tôn giả đành ngồi nghỉ tạm ngoài trời, dưới một gốc cây. Khi Ðức Phật biết rõ việc này, Ngài liền chế định, phải dành chỗ sẵn cho những bậc tôn túc trưởng thượng.

Thông thường, những người quá thông minh xuất chúng phải trả giá thiên tài của họ bằng nỗi cô đơn. Nhưng Tôn giả Xá Lợi Phất lại là một ngoại lệ. Ngài có rất nhiều bạn, có thể nói Ngài là bạn của tất cả, kể từ Ðức Phật trở xuống.

Nhiều kinh điển Pali đã ghi lại những cuộc luận đàm kỳ thú giữa Tôn giả Xá Lợi Phất với những bực Thánh đệ tử khác. Chính đức Ðạo sư dường như cũng ưa nói chuyện với Tôn giả hơn với những người khác. Ngài thường gọi: “Này Xá Lợi Phất” mỗi khi thuyết pháp. Thật là một địa vị đáng thèm.

Ðức tính thứ nhất làm cho mọi người yêu kính là Tôn giả: biết thấy ưu điểm của người khác. Một lần, khi Tôn giả đang thiền định ngoài khoảng trống, có một con qủy chơi xấu, đến đánh một cú như trời giáng vào đỉnh đầu. Nhưng do định lực sâu xa Tôn giả không bị giao động. Khi Ngài xuất định, Tôn giả Mục Kiền Liên đến hỏi:

-Hiền giả có hề gì không?

Xá Lợi Phất đáp:

-Không sao cả thưa Hiền giả. Tôi chỉ bị nhức đầu chút ít.

-Kỳ diệu thay! Thật kỳ diệu thay năng lực thần thông siêu việt của Hiền giả Mục Kiền Liên, có thể thấy được mặt mày con quỷ ấy.

Tôn giả Mục Kiền Liên và Tôn giả Xá Lợi Phất là đôi bạn chí thiết từ nhỏ, ra đời cùng một ngày, trưởng thành trong một môi trường sang quý như nhau. Trong lúc tham dự một cuộc vui huyên náo kéo dài nhiều đêm, đôi bạn cùng một lúc khởi tâm nhàm chán thế tục với những lớp sơn lừa phỉnh của ngũ dục tạm bợ và cùng nhau đi tìm thầy học đạo. Trước hết, họ theo Sanjaya một tu sĩ ngoại đạo nổi danh ở thành Vương Xá. Với sự gia nhập của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, uy tín của Sanjaya càng tăng gấp bội, và những thanh niên thuộc danh gia vọng tộc cũng nối gót hai ngài đến thọ giáo với Sanjaya. Trong một thời gian ngắn, đôi bạn đã học xong tất cả những gì Sanjaya có thể trao truyền, nhưng vẫn không tìm thấy đâu là con đường đưa đến giải thoát. Họ phải từ giã Sanjaya và sau này, khi được gặp Phật, nghe giáo lý của Ngài, họ sung sướng trở về khuyên Sanjaya theo Phật. Khi ấy Sanjaya nói một câu điển hình của hạng thầy dốt nát như ông:

-Ðịa vị của ta không cho phép ta làm một người học trò được. Ngươi tốt hơn nên ở lại với ta. ta sẽ chia cho một nửa đồ chúng mà lãnh đạo.

Xá Lợi Phất thưa:

-Thưa thầy, tôi không hiềm gì phải làm một học trò suốt đời, bao lâu chưa tìm ra được con đường giải thoát sanh tử. Và một đấng giác Ngộ không thể gì gặp được! Xin thầy hãy cùng đi với chúng tôi!

-Trong thiên hạ, kẻ ngu nhiều hơn hay kẻ trí nhiều hơn?

-Thưa thầy, kẻ ngu bao giờ cũng nhiều hơn người trí.

-Vậy thì hãy để những người trí đến với Sa môn Gotama, còn kẻ ngu sẽ theo ta.

Khi đôi bạn ra đi, một nửa đồ chúng của vị thầy cũng đi theo họ đến quy y Phật, hai vị Tôn giả đã trở thành đôi cánh của một con chim đại bàng. Hai vị đối với đấng Ðạo sư là hai cánh tay đắc lực trên đường hoằng pháp đến nỗi khi hai Ngài nhập Niết bàn, Ðức Phật đã thốt ra:

-“Hội chúng từ nay đối với ta thật trống rỗng”.

Qua lời dạy ấy, chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của hai bậc Thánh đệ tử ấy đối với đức Ðạo sư và đối với chánh pháp.

Một đức tính khác làm cho Tôn giả Xá Lợi Phất được tất cả đồ chúng của Phật yêu kính là Ngài biết tôn trọng ý kiến của mọi người. Ngài không bao giờ tự cho là trí tuệ đệ nhất để áp đảo kẻ khác bằng lý luận. Trong những cuộc luận đàm Tôn giả thường hỏi ý kiến từng người, để họ tự do phát biểu, và khi có sự bất đồng Ngài rủ mọi người cùng đi đến yết kiến Phật để xin đức Ðạo sư giải quyết, chứ không bao giờ tự cho ý kiến mình đúng, thiên hạ đều sai. Một kinh của Trung bộ III kể, vào một đêm rằm, trăng sáng vằng vặc chiếu xuống khu vườn cây Sa La nơi Tôn giả đang trú ngụ. Ðêm khuya, trăng tỏ, hương hoa đang mùa rộ nở cùng với sương đêm tỏa ngát không gian. Cảnh thật xứng với người: một cuộc hội kiến giữa những bậc thượng thủ đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả mở màn cho cuộc pháp thoại bằng một câu hỏi, cũng vừa là một lời chào:

-Ðêm thanh, trăng tỏ, vườn Sa La khả ái thơm nức một mùi hương như thiên giới, chư Hiền nghĩ sao, vị Tỳ kheo nào, theo ý chư Hiền, sẽ là người làm sáng chói khu vườn (tức một mẫu Tỳ kheo lý tưởng trong Phật giáo phải như thế nào?)

Tôn giả A Nan đáp:

-Theo tôi, một vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn là vị nào đa văn đệ nhất.

Tôn giả Ca Diếp:

-Vị Tỳ kheo sáng chói khu vườn là vị trì khổ hạnh đầu đà đệ nhất.

Tôn giả Mục Kiền Liên:

-Tôi thì cho rằng vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn, chính là vị nào thành tựu biện tài số một.

Tôn giả Ly Bà Ða:

-Ý kiến của tôi thì, vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn phải là người thiền định bậc nhất.

Khi tất cả mọi người đều cho ý kiến, Tôn giả Mục Kiền Liên giục bạn:

-Hiền giả nghĩ sao? Ý kiến của người nào đúng? Và ý Hiền giả như thế nào về một vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn?

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

-Vị Tỳ kheo nào chế phục được tâm, không bị tâm chế phục. Vị Tỳ kheo nào, buổi sáng muốn trú tâm như thế nào, có thể an trú tâm như thế ấy vào buổi sáng. Buổi trưa vị ấy muốn an trú tâm nào vị ấy cũng có thể làm như ý muốn vào buổi trưa. Buổi chiều, buổi tối cũng vậy.

Như một vị vua hay đại thần có một tủ đầy áo đẹp, và khi vị ấy sáng muốn mặc áo nào, trưa muốn mặc áo nào, chiều muốn mặc áo nào đều có thể làm theo ý muốn của mình. Cũng thế, đối với một vị Tỳ kheo đã chế phục được tâm ý, không bị tâm chế phục. Một vị Tỳ kheo như thế, này Hiền giả, sẽ làm sáng chói khu vườn Sa La khả ái này. Nhưng này chư Hiền, chúng ta hãy đi đến đảnh lễ đấng Ðạo sư để thỉnh giáo về vấn đề này.

Khi Ðức Phật nghe thuật lại ý kiến của từng vị. Ngài dạy rằng mọi người đều trả lời đúng theo địa vị khả năng của mình. Tuy nhiên, Ngài thêm ý kiến của Ngài theo đó:

-Vị Tỳ kheo sáng chói khu vườn chính là vị nào sau khi đi khất thực về, sau khi chánh niệm thọ thực xong, rửa chân rồi trải tọa cụ ngồi thiền cho đến khi nào không còn lậu và móng khởi.

Ðiểm lý thú trong kinh này là ở chỗ khi mới nghe qua, chúng ta thấy dường như mỗi vị tự đề cao cá nhân vậy, song kỳ thật không thế. Mỗi người phát biểu cái lý tưởng mình muốn đạt, cho nên ngài A Nan, con người ưa đa văn, tôn trọng học vấn, đương nhiên phải cho đa văn là nhất. Ngài Ca Diếp cho hạnh đầu đà là lý tưởng của xuất gia, nên Ngài mới chuyên môn hạnh ấy. Mục Kiền Liên yêu thích biện tài, muốn phát triển mặt ấy, nên cho rằng thành tựu biện tài là nhất. Ly Bà Ða chú trọng thiền định cũng thế, vì cho thiền định là lý tưởng. Câu đúc kết của Phật rất ý vị ở chỗ, cái điều Ngài cho là lý tưởng chính là những việc làm rất thường, không có gì quái dị phức tạp, thế mà lại rất khó, chỉ có Phật mới thành tựu trọn vẹn được. Ðó là những việc như ăn cơm, rửa chân, trải tọa cụ ra ngồi... những việc Phật làm khi mở đầu kinh Kim Cang. Như vậy, ta thấy rõ Phật muốn ám chỉ đạo là rất giản dị, đó là cái tâm bình thường (bình thường tâm thị đạo), nhưng đồng thời quả thật cái việc “thường” ấy lại khó khăn gấp bội những việc “phi thường” của các bậc đa văn, biện tài, trí tuệ.

Tôn giả Xá Lợi Phất lại còn một đức tính khá thu hút tất cả những bậc đồng phạm hạnh ấy là khiêm tốn và hâm mộ những tài đức khác. Kinh Trạm Xe (TB II) kể, có vị Tôn giả là Phú Lâu Na được Phật và chúng Tỳ kheo ở chung luôn luôn tán thán về giới hạnh không thiếu sót, yêu thích độc cư, tinh tấn, tri túc, thiểu dục, đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến và là người thường khuyến khích người khác tu những hạnh kể trên. Khi nghe như vậy, Tôn giả Xá Lợi Phất vô cùng hoan hỷ mong muốn có ngày sẽ gặp được Tôn giả. Phú Lâu Na đến yết kiến Phật và lui về ở một nơi lân cận. Các vị Tỳ kheo báo tin cho Ngài Xá Lợi Phất biết để đi thăm. Ðến nơi, Tôn giả bắt đầu hỏi chuyện:

-Hiền giả, hiền giả vì mục đích gì mà sống phạm hạnh với Ðức Ðạo sư? Phải chăng vì mục đích thành tựu giới thanh tịnh?

-Không phải vậy, hiền giả.

-Vì mục đích kiến thanh tịnh?

-Không phải vậy, hiền giả.

-Vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh?

-Không, hiền giả, phi đạo.

-Vì mục đích Ðạo tri kiến thanh tịnh?

-Cũng không, hiền giả.

-Vì mục đích Ðạt tri kiến thanh tịnh?

-Cũng không, hiền giả.

Khi ấy Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

-Hiền giả, tôi hỏi cái gì hiền giả cũng đáp không phải mục đích ấy mà hiền giả sống phạm hạnh. Vậy thì, hiền giả sống phạm hạnh vì mục đích gì?

-Hiền giả, với mục đích vô thủ trước Niết bàn.

Xá Lợi Phất hỏi tiếp:

-Có phải Giới thanh tịnh là vô thủ trước Niết bàn?

Phú Lâu Na đáp không. Hỏi tâm thanh tịnh, cũng đáp không, lần lượt hỏi bảy thanh tịnh, cũng đáp không phải là vô thủ trước Niết bàn. Khi ấy, Xá Lợi Phất hỏi lại:

-Trong bảy thanh tịnh, hiền giả đều nói không có cái gì là vô thủ trước Niết bàn, nghĩa là làm sao?

Phú Lâu đáp:

-Hiền giả, nếu Thế Tôn dạy giới thanh tịnh là Vô thủ trước Niết bàn thì Vô thủ trước ấy cũng đồng đẳng với Hữu thủ trước (chấp vào giới), về sáu thanh tịnh kia cũng vậy. Và nếu Thế Tôn dạy cái gì ở ngoài bảy pháp ấy là Vô thủ trước Niết bàn, thì kẻ phàm phu cũng gọi là Bát Niết bàn, vì phàm phu không có bảy pháp ấy. Hiền giả, tôi lấy một ví dụ. Như vua Ba Tư Nặc đi từ Xá Vệ đến Sàveta qua bảy trạm xe. Khi vua đến nơi bằng chiếc xe của trạm thứ bảy, đình thần ra đón và hỏi có phải nhờ chiếc xe này mà vua đi từ Xá Vệ đến hay không. Khi ấy, vua phải trả lời thế nào mới đúng? Xá Lợi Phất đáp:

-Dĩ nhiên vua phải nói, đã đi từ trạm thứ nhứt đến trạm thứ hai bằng một cỗ xe khác, lần lượt đổi xe ở mỗi trạm cho đến cỗ xe cuối cùng này.

-Hiền giả, cũng như vậy với bảy thanh tịnh. Giới thanh tịnh chỉ có mục đích đạt được Tâm thanh tịnh, Tâm thanh tịnh là để đạt đến Ðoạn nghi thanh tịnh, Ðoạn nghi thanh tịnh là để đạt đến Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là để đạt đến Ðạo tri kiến thanh tịnh, Ðạo tri kiến thanh tịnh là để đạt đến Tri kiến thanh tịnh. Tri kiến thanh tịnh là để đạt đến Vô thủ trước Niết bàn.

Nghe xong, Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Tôn giả Phú Lâu Na:

-Tôn giả tên gì? Các vị đồng phạm hạnh gọi Tôn giả như thế nào?

-Tên tôi là Phú Lâu Na, các bạn gọi tôi là Di Ða La Ni Tử.

-Thật vi diệu thay hiền giả! Những câu hỏi sâu kín đã được một bậc đệ tử đa văn của đấng Ðạo Sư giải, và vị ấy là Tôn giả Phú Lâu Na. Thật hạnh phúc cho chúng tôi được thân cận thăm viếng Tôn giả.

Khi ấy, Tôn giả Phú Lâu Na hỏi lại:

-Còn hiền giả tên chi, các vị đồng phạm hạnh gọi hiền giả như thế nào?

-Tên tôi là Tích Sa, các vị đồng phạm hạnh gọi tôi là Xá Lợi Phất.

Một bất ngờ kỳ thú! Tôn giả Phú Lâu Na muốn bật ngửa người vì ngạc nhiên, không ngờ nãy giờ mình múa rìu qua mắt thợ! Nhưng ông thợ này quá khiêm tốn dễ thương. Ngài Phú Lâu Na ngợ đi một hồi mới bảo:

-Tôi đang nói chuyện với bậc đệ tử được xem ngang hàng với đức Ðạo sư mà không biết! Nếu tôi biết Ngài là Tôn giả Xá Lợi Phất, thì tôi đã không nói nhiều như vậy.

Những ngày cuối cùng

Sau một mùa an cư ở làng Beluva gần Vesàlì, Ðức Thế Tôn tuần tự trở về Xá Vệ, Tôn giả Xá Lợi Phất đến đảnh lễ Ðức Ðạo sư rồi trở về độc cư thiền định. Khi Tôn giả an lành xuất định, Ngài khởi lên ý nghĩ: “Thông thường các đấng Giác Ngộ nhập Niết bàn trước hay các đệ tử trưởng nhập trước?”. Rồi quán sát nội lực của tự thân, Ngài thấy thân dư báo chỉ còn tồn tại bảy ngày. Kế đó Tôn giả tự hỏi: “Không biết ta sẽ xả bỏ báo thân ở chỗ nào? La Hầu La thì nhập diệt ở cõi Tam thập tam thiên, Tôn giả Kiều Trần Như ở trên đỉnh núi Hy Lạp. Còn ta, thì chỗ nào?” Nghĩ đi nghĩ lại, Ngài bỗng nhớ đến mẹ. “Mẹ ta, mặc dầu là mẹ của bảy vị A La Hán, bà vẫn không có lòng tin đối với Phật, Pháp, Tăng. Bà còn chút duyên nào để sanh khởi tịnh tín chăng?” Tôn giả quán sát một hồi và thấy rằng mẹ có thể chứng quả dự lưu. Rồi Ngài tự hỏi do ai mà bà sẽ được chứng quả? Quán sát bằng thiên nhãn thiền định, Ngài thấy chính do mình mà mẹ sẽ đắc quả. Do đó Ngài quyết định trở về quê cũ để nhập diệt. Tôn giả Thuần Ðà em ruột Ngài, cùng với 500 đồ chúng của Ngài được lệnh thu xếp để theo Ngài về Nàlaka. Ði đến bái biệt vị Ðạo sư lần cuối, Ngài tác bạch:

-Bạch Thế Tôn, xin đấng Thiện Thệ hứa khả cho con: thời gian nhập Niết bàn của con đã đến. Từ đây sẽ không còn luân hồi sanh tử với con. Ðây là lần cuối cùng con đến đảnh lễ Ðức Thế Tôn. Bảy ngày nữa, con sẽ đặt chân đặt thân này xuống, sẽ quăng bỏ gánh nặng này. Xin đấng Ðạo sư hứa khả.

Ðức Thế Tôn im lặng. Nếu Ngài tán thành bằng một câu: “Ðược, ông hãy nhập Niết bàn đi”, người ta sẽ cho rằng Ngài khuyến khích sự chết. Nếu Ngài bác bỏ rằng: “Ông đừng nhập Niết bàn” người ta sẽ cho rằng Phật tán thán sự sống. Cho nên Phật yên lặng. Ngài chỉ từ tốn hỏi lại:

-Ông sẽ nhập Niết bàn ở chỗ nào?

Tôn giả thưa:

-Bạch Thế Tôn, tại xứ Ma Kiệt Ðà, trong làng Nàlaka, ở ngay trong cái nhà con đã ra chào đời, con sẽ nhập Niết bàn tại đó.

Khi ấy, Thế Tôn dạy:

-Ông hãy làm những gì ông nghĩ là phải thời. Nhưng từ nay các huynh đệ của ông trong tăng chúng sẽ không còn được thấy một vị Tỳ kheo như ông nữa. Hãy thuyết pháp cho họ một lần cuối cùng.

Tôn giả vâng lịnh, thăng pháp tòa. Với giọng nói trầm tĩnh mà hùng hồn, dung điệu uy nghiêm khả kính, Tôn giả ban bố pháp nhủ cho đại chúng lần cuối cùng. Khi thì Ngài đưa tâm hồn cử tọa lên đến những đỉnh cao tuyệt vời của chân đế, khi thì pháp âm bay lượn là đà xuống tục đế với những thí dụ trước mắt. Khi thì Ngài thuyết pháp bằng cách trực chỉ, khi thì Ngài dùng ẩn dụ. Thuyết xong thời pháp Tôn giả đến đảnh lễ dưới chân Ðức Thế Tôn. Ngài ôm chân Phật, bạch rằng:

-Chính vì ước nguyện được đảnh lễ đôi chân này mà con đã hoàn thành các pháp ba la mật trải qua vô lượng kiếp. Nguyện ước của con nay đã thành tựu. Từ nay sẽ không còn gặp gỡ, bạch Thế Tôn, nếu con có lời nói hay việc làm nào không vừa ý Thế Tôn, xin Thế Tôn tha thứ cho con. Bây giờ đã đến lúc ra đi.

Phật đáp:

-Ta tha thứ cho ông, Xá Lợi Phất. Nhưng ông không có lời nói hay việc làm nào không vừa ý ta. Ông hãy làm những gì ông thấy phải thời.

Ngay khi Tôn giả đứng lên từ biệt Phật đại địa chấn động, trời nổi sấm sét, một đám mây đen lớn trùm khắp như một chiếc khăn tang của hoàn vũ và một trận mưa ào ào trút xuống, như òa khóc trước cảnh ra đi của một bậc Chúng Trung Tôn.

Ðức Thế Tôn bảo đồ chúng đang vây quanh:

-Bây giờ, các con hãy ra đi đưa tiễn bậc huynh trưởng của các con lần cuối.

Toàn thể tứ chúng đều rời Kỳ Viên Tịnh xá chỉ còn lại một mình đức Phật. Họ đi theo Tôn giả từng đoàn lũ lượt càng lúc càng đông vì dân chúng thành Xá Vệ cũng tiếp theo đoàn đưa tiễn, với đầu tóc nhúng nước rũ rượi (dấu hiệu tang lễ thời ấy), họ theo khóc lóc ta thán. Tôn giả ủy lạo quần chúng đang rên siết:

-Ðây là một đoạn đường mà không ai tránh khỏi.

Và Ngài bảo họ trở về. Quay lại Tăng chúng ở Kỳ Viên đang theo đưa tiễn Ngài, Tôn giả căn dặn:

-Bây giờ, chư hiền hãy trở lại Tịnh xá đi. Hãy nhớ chăm sóc đấng Ðạo Sư!

Còn lại 500 đồ chúng, Tôn giả tiếp tục cuộc hành trình. Cuộc du hành kéo dài cả tuần lễ, khiến nhiều người được dịp chiêm bái Tôn giả lần cuối cùng. Khi về đến làng quê trời đã tối. Tôn giả dừng chân dưới một gốc đa đầu làng. Tình cờ, một người cháu của Tôn giả đi mua đồ về, thấy Tôn giả, đến gần chào Ngài, Ngài hỏi:

-Bà ngoại con có nhà không?

-Bạch Tôn giả, có.

-Con hãy trở về báo tin có chúng ta đến. Thưa bà rằng chúng ta sẽ ở trong làng một ngày, và xin bà dọn chỗ cho ta trong phòng ta đã ra chào đời, và sắp đặt chỗ nghỉ cho 500 vị Tỳ kheo.

Cậu bé trở về thuật lại cho thân mẫu Tôn giả. Nghe xong, bà ngẫm nghĩ: “Tại sao con ta lại trở về? Tại sao y bảo dọn chỗ cho đông người quá vậy? Sao lại muốn ở trong phòng chỗ chào đời? Bộ muốn hoàn tục hay sao? Bao nhiêu câu hỏi xoay vần trong đầu óc bà cụ. Nhưng bà vẫn làm theo lời dặn”.

Khi Tôn giả về đến nhà, Ngài vào phòng dành sẵn, và bảo các Tỳ kheo hãy đi đến khu vực dành cho họ. Chúng Tỳ kheo vừa đi khỏi, Tôn giả phát đau bụng dữ dội, quặn thắt cả ruột. Ngài đi cầu không ngớt, thị giả đem thùng vào rồi đem ra. Bà mẹ lo âu, thầm nghĩ: “Cha chả, bộ con mình gặp nguy rồi”. Và bà cụ cứ đứng như vậy nhìn về phía phòng Tôn giả suốt đêm không dám đến gần. Trong lúc ấy Tứ Thiên Vương bằng thiên nhãn thấy bậc Ðại Tuệ Xá Lợi Phất sắp nhập diệt, bàn nhau xuống trần để viếng thăm Ngài. Giữa đêm khuya, gian phòng sáng rực vì dung sắc của vị Thiên Vương chiếu ra. Tôn giả hỏi:

-Ai thế?

-Bạch Tôn giả, chúng tôi là những vị trời Tứ Thiên Vương.

-Các ngài đến đây làm gì?

-Chúng tôi muốn hầu hạ Tôn giả trong cơn bịnh.

-Cám ơn, tôi đã có thị giả. Các ngài đi đi.

Sau khi Tứ Thiên Vương từ biệt, đến lượt Ðế Thích, và sau Ðế Thích là Ðại Phạm Thiên đến viếng thăm Tôn giả. Tôn giả đều cảm ơn bảo họ lui về. Bà cụ suốt buổi quan sát dung sắc thù thắng của những vị khách cõi trời mà lòng cảm thấy quái lạ. Bà tự hỏi: “Ai vậy? Ai mà đối với con ta có vẻ cung kính thế nhỉ?”. Rồi, không cản nổi cơn tò mò, bà đến tận cửa phòng Tôn giả. Tôn giả Thuần Ðà báo tin cho sư huynh, Tôn giả hỏi:

-Tại sao mẹ đến vào giờ khuya khoắt này?

-Ðể thăm con, con ạ! Này, con hãy nói cho mẹ nghe, những người đến đầu tiên là ai thế?

-Thưa mẹ, đó là Tứ Thiên Vương.

Bà mẹ trố mắt:

-Ồ ra, con còn lớn hơn Tứ Thiên Vương kia à?

Tôn giả đáp:

-Họ cũng như những người giữ chùa từ ngày Ðức Thế Tôn đản sanh, họ đã luôn luôn canh gác đêm ngày, gươm đeo lủng lẳng.

-Và kế tiếp họ là ai thế?

-Ðó là Ðế Thích, vua của những vị trời.

-Vậy con lại lớn hơn Ðế Thích à?

-Ông ấy cũng như chú tiểu ôm y bát theo hầu các Tỳ kheo. Khi đấng Ðạo Sư lên cõi trời 33, chính Ðế Thích đã ôm y bát theo hầu Ngài trở về trần thế.

-Ồ, còn sau Ðế Thích là ai nữa?

-Ðó chính là vị Phạm Thiên mà mẹ thờ.

-Ui chao! Thế ra con còn hơn cả vị trời Ðại Phạm của mẹ nữa sao?

-Vâng thưa mẹ, vào ngày đấng Ðạo Sư đản sanh, chính bốn vị trời Ðại Phạm đã đưa lưới báu cõi trời đỡ lấy thánh nhi.

Khi nghe thế, bà cụ suy nghĩ: “Nếu con ta đã có oai thần như vầy, thì bậc thầy của con ta còn oai thần đến bậc nào”. Và khi nghĩ thế, một niềm hoan hỷ tràn ngập thân tâm bà. Tôn giả quán thấy mẹ mình đã phát tâm sinh hỷ lạc đối với Tam Bảo, và đã đến lúc nên thuyết pháp cho bà. Ngài hỏi:

-Mẹ nghĩ gì thế?

-Tôi đang nghĩ rằng, nếu con tôi đã oai thần như vậy, thì đấng Ðạo Sư của người còn oai thần đến mức nào.

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

-Vào lúc đấng Ðạo Sư đản sanh, lúc Ngài xuất gia, lúc đắc đạo và chuyển pháp luân lần đầu, vào tất cả những dịp ấy, mười phương thế giới đều rung chuyển. Không có ai sánh được với Ngài về phương diện giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Rồi Tôn giả tiếp tục giải thích cho mẹ nghe vì sao Ðức Ðạo Sư đã được xưng tôn là đấng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn. Nghe xong thời pháp, bà cụ đắc quả dự lưu. Bà hỏi Tôn giả:

-Tại sao, này con Tích Sa yêu dấu, tại sao suốt nhiều năm ròng con đã không ban bố cho mẹ pháp vị cam lồ này.

Tôn giả nghĩ thầm: “Thế là ta báo đền ơn dưỡng dục”. Và Ngài bảo mẹ:

-Bây giờ tín nữ hãy về nghỉ đi.

Khi bà cụ đi khỏi, Tôn giả hỏi Thuần Ðà:

-Bây giờ khoảng canh mấy?

-Bạch Tôn giả, gần tảng sáng rồi.

-Hãy triệu tập chúng Tỳ kheo.

-Thưa vâng, bạch Tôn giả.

Khi chúng Tỳ kheo đến, Tôn giả bảo Thuần Ðà:

-Hãy đỡ ta ngồi dậy, Thuần Ðà.

Sau khi ngồi dậy, Tôn giả nói với chúng Tỳ kheo:

-Này chư hiền, tôi đã sống, du hành với chư hiền trong 40 năm. Trong thời gian ấy, nếu tôi có làm gì, nói gì không vừa ý xin chư hiền tha thứ cho tôi.

Tất cả đồng thanh bạch:

-Thưa Tôn giả, không có một điều bất mãn nhỏ nào Tôn giả đã gây cho chúng con, những người theo Tôn giả như bóng theo hình. Nhưng bạch Tôn giả, xin Tôn giả hãy tha thứ cho chúng con!

Kế đó, Tôn giả quấn y quanh mình trùm cả mặt, nằm xuống hông bên phải. Rồi, cũng như Ðức Thế Tôn đã làm khi Ngài nhập Niết bàn, Tôn giả lần lượt nhập và xuất chín tầng lớp thiền định rồi trở lại nhập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Sau tứ thiền, Ngài hoàn toàn nhập Niết bàn vô dư y. Ðó là ngày rằm tháng Kattika tức vào khoảng giữa tháng 10 và 11 dương lịch.

Khi được tin, bà cụ không ngớt than khóc cho tới khi mặt trời mọc. Bà mở kho xuất nhiều tiền bạc để làm tang lễ. Quần chúng khắp làng đến nghe thuyết pháp và đảnh lễ thi hài Tôn giả. Bảy ngày sau, lễ trà tỳ được cử hành. Thi hài Tôn giả được đặt trên một giàn hỏa lớn bằng gỗ trầm. Sau khi hỏa táng, Tôn giả A Nâu Lâu Ðà rưới nước thơm dập tắt ngọn lửa. Tôn giả Thuần Ðà thâu nhặt xá lợi bọc vào trong một mảnh y. Liền sau đó, Tôn giả trở về Xá Vệ báo tin cho Phật, mang theo y bát và xá lợi của vị sư huynh. Ðến nơi, Thuần Ðà bái yết thị giả A Nan trước và tác bạch:

-Bạch Tôn giả, Tôn giả Sàriputta đã nhập Niết bàn. Ðây là y và bát của Ngài.

-Hiền giả, về việc này ta hãy đi đến đấng Ðạo sư.

-Thưa vâng, bạch Tôn giả.

Rồi cả hai cùng đi đến Ðức Phật. Sau khi đảnh lễ Phật, họ ngồi qua một phía.

Tôn giả A Nan bạch:

-Bạch Ðức Thế Tôn, chú tiểu Thuần Ðà nói với con rằng Tôn giả Sàriputta đã nhập Niết bàn. Ðây là y bát của Tôn giả. Khi nghe vậy bạch Thế Tôn, con bủn rủn tay chân vạn vật xung quanh con trở nên mờ mịt. Con không còn trông rõ cái gì ra cái gì nữa, khi nghe tin Tôn giả Sàriputta từ trần!

-Sao vậy? A Nan. Khi Xá Lợi Phất từ trần, ông ấy có đem theo bớt đi phần giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến nào của ông chăng?

-Không phải vậy, bạch Thế Tôn. Khi Tôn giả Sàriputta từ trần, Tôn giả đã không đem theo bớt phần giới định tuệ nào của con cả. Nhưng bạch Thế Tôn, Tôn giả đối với con là vị hướng dẫn, một bậc đàn anh, một người hướng đạo, một người đã khích lệ con làm con hoan hỷ, phấn khởi, một người giảng pháp không biết mỏi mệt, một người giúp đỡ kẻ đồng phạm hạnh. Chúng con nhớ xiết bao những lời chỉ giáo bổ ích, linh động và thú vị của Tôn giả!

-A Nan, há tôi không dạy cho ông rằng sớm muộn, chúng ta đều phải chịu sự chia ly với những gì thân yêu gần gũi? Cái gì đã sinh thành tất phải hoại diệt, tan rã. Không phân ly là điều không thể có. Này A Nan cũng như cành lớn của một cây đại thọ vững mạnh đã gãy xuống, Xá Lợi Phất nhập diệt đối với chúng Tỳ kheo thanh tịnh này cũng vậy. Quả thế, A Nan có tụ hội tất phải có phân ly. Không phân ly là điều không thể có. Bởi thế, này A Nan hãy tự mình làm một hòn đảo, một chỗ nương cho chính mình, đừng tìm chỗ nương tựa bên ngoài. Hãy lấy chánh pháp làm hòn đảo, lấy chánh pháp làm chỗ nương đừng tìm chỗ nương nào khác.

Rồi Ðức Thế Tôn đưa tay đỡ lấy di cốt của vị Thánh đệ tử thân yêu, và bảo đại chúng:

-Này các Tỳ kheo, đây là di cốt trắng như vỏ ốc của vị Tỳ kheo cách đây không lâu đã xin phép ta để nhập Niết bàn.

Vị Tỳ kheo ấy là người thành tựu các hạnh Ba La Mật trải qua vô lượng kiếp. Vị Tỳ kheo ấy là người đã giúp ta chuyển bánh xe pháp. Vị Tỳ kheo ấy là người được chỗ ngồi bên cạnh ta. Vị Tỳ kheo ấy là người trong cõi Tam thiên thế giới không có ai sánh kịp về phương diện trí tuệ, chỉ trừ Ðức Như Lai. Vị Tỳ kheo ấy là người có trí tuệ lớn, có trí tuệ rộng, có trí tuệ sáng, có trí tuệ sắc bén, có trí tuệ sâu xa. Vị Tỳ kheo ấy ít muốn biết đủ, thích độc cư, không thích đám đông, đầy nghị lực. Vị Tỳ kheo ấy là bậc khích lệ những người đồng phạm hạnh, sẵn sàng chỉ điểm những lỗi lầm. Vị Tỳ kheo ấy khi xuất gia đã từ bỏ một gia sản lớn lao có được nhờ công đức tích lũy từ 500 đời trước. Vị Tỳ kheo ấy là người có hạnh nhẫn nhục như đại địa. Vị Tỳ kheo ấy có tâm bất hại, như một con trâu đực đã cưa hai sừng. Vị Tỳ kheo ấy có tâm khiêm hạ như đồng tử.

Này các Tỳ kheo, hãy nhìn đây xương trắng tro tàn của bậc Ðại tuệ, bậc Quảng tuệ, bậc Lợi tuệ, bậc Minh tuệ ấy, con người ít muốn biết đủ ấy, con người ưa thích độc cư, con người đầy nghị lực ấy! Nhìn đây, xương tàn của một Tỳ kheo đã khích lệ, làm cho phấn khởi đấng Tỳ kheo, sẵn sàng chỉ điểm lỗi lầm cho chúng Tỳ kheo.

Bên bờ sông Hằng, không lâu sau khi hai đệ tử của Ngài nhập diệt, một hôm Ðức Thế Tôn đưa mắt im lặng nhìn khắp tất cả đại chúng vây quanh rồi dạy:

-Hội chúng này, hỡi các Tỳ kheo, đối với ta bây giờ quả thật trống rỗng, khi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên không còn!

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

“Nếu con đòi hỏi mỗi khi đi đến đâu, thiên hạ phải trải chiếu hoa cho bước chân con khỏi bị đau đớn vì gai góc sỏi đá, thì điều đó khó thực hiện. Chi bằng hãy mang một đôi hài nhẫn nhục, thì tha hồ mà xông bờ lướt bụi”.

Mục Lục Cổ Tích Ngũ Xú Nương - Truyện cổ Phật Giáo Có Niết Bàn không - Truyện cổ Phật Giáo Niết Bàn - Truyện cổ Phật Giáo Ân oán - Truyện cổ Phật Giáo Tôn giả Xá Lợi Phất - Truyện cổ Phật Giáo Phóng túng - Truyện cổ Phật Giáo Ðừng ôm lòng cừu hận - Truyện cổ Phật Giáo Khi công tử chê tiền - Truyện cổ Phật Giáo Sợi dây bền nhất - Truyện cổ Phật Giáo Chỉ tụng đề kinh Pháp Hoa mà mình và người thoát khổ - Truyện cổ Phật Giáo Giữ ý như giữ thành - Truyện cổ Phật Giáo Ðịnh nghiệp khó tránh - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích cây nêu ngày tết - Truyện cổ Phật Giáo Một cách cho - Truyện cổ Phật Giáo Công Ðức thọ Bát quan trai - Truyện cổ Phật Giáo Những con ngựa dữ - Truyện cổ Phật Giáo Thế nào là Thượng tọa? - Truyện cổ Phật Giáo Người được ca ngợi - Truyện cổ Phật Giáo Lại Tra Hòa La - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích cái mõ - Truyện cổ Phật Giáo Y Vương - Truyện cổ Phật Giáo Con cọp dễ thương - Truyện cổ Phật Giáo Tìm Thánh Tăng - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện con ngỗng trời vàng - Truyện cổ Phật Giáo Ðường lầy - Truyện cổ Phật Giáo Ô Sào thiền sư - Truyện cổ Phật Giáo Năm con lừa - Truyện cổ Phật Giáo Hành động bất khả tư nghì của một bậc đã tu chứng - Truyện cổ Phật Giáo Cụ già tu mướn - Truyện cổ Phật Giáo Lạy Phật cầu chồng - Truyện cổ Phật Giáo Khang Hy tìm Phổ Hiền - Truyện cổ Phật Giáo Phật ở đâu? - Truyện cổ Phật Giáo Ðức Phật và Chiến Già - Truyện cổ Phật Giáo Chàng nhạc sĩ và ông vua trời - Truyện cổ Phật Giáo Phật tích chùa Hương - Truyện cổ Phật Giáo Hai thằng đệ tử - Truyện cổ Phật Giáo Không ham sắc được quyền cao - Truyện cổ Phật Giáo Người yêu muôn thuở - Truyện cổ Phật Giáo Con thằng lằn chọn nghiệp - Truyện cổ Phật Giáo Ánh mắt từ bi - Truyện cổ Phật Giáo La Hán mù - Truyện cổ Phật Giáo Bảy nàng công chúa - Truyện cổ Phật Giáo Một đạo sĩ chí hiếu - Truyện cổ Phật Giáo Bất diệt trong sanh diệt - Truyện cổ Phật Giáo Bảy bước thăng trầm - Truyện cổ Phật Giáo Chim cú mèo - Truyện cổ Phật Giáo Phất Già Sa Vương với pháp vô thượng - Truyện cổ Phật Giáo Oán thù vay trả - Truyện cổ Phật Giáo Ðáng mặt cao tăng - Truyện cổ Phật Giáo Sư đệ - Truyện cổ Phật Giáo

Xem Tiếp Trang 15