Truyện Cổ Tích - Etruyen.com

Ðáng mặt cao tăng 

Minh Thứ Trai làm huyện lệnh tại huyện Hiến, ông có tiếng là một quan thanh liêm, minh chánh. Nay ông đổi về tại phủ Thái Bình.

Một hôm có người nghi án, Thứ Trai thay đổi y phục, giả thường dân đi nghe ngóng, dò xét. Ông đi mỏi mệt ghé và chùa nghỉ. Tăng trưởng trong chùa trên tám mươi tuổi, người thấy ông vào chắp tay chào, rồi gọi tiểu dâng trà.

Tiểu nói:

- Quan Thái Thú chưa tới, để con mời mấy vị khách vào phòng khách sẽ ra bưng trà.

Tăng trưởng nói:

- Thái Thú đã tới rồi!

Thái Thú nghe hoảng hồn nói:

- Tại sao sư ông biết tôi?

Sư nói:

- Ngài làm Thái Thú một quận, Ngài không biết người ta, chớ nhân dân trong quận ai lại chẳng biết Ngài. Nhất cử nhất động trong phủ của Ngài ai ai cũng biết.

Thái Thú nói:

- Thế thì sư ông biết tôi đi việc gì đây chăng?

Sư nói:

- Thì vụ án chưa giải quyết đấy. Ðôi bên đều cho người đi bố cáo đầy đường    cùng nẻo. Hễ gặp phe này thì phe này phải, gặp phe kia thì phe kia phải. Người đời ai cho khỏi chuyện ân oán.

Như thế Ngài biết tin ai, mà còn làm hại cho Ngài nữa là khác. Ngài nên “thính tụng” là tốt hơn.

Tiểu nhân ai cũng lo lợi riêng cho bản thân và gia đình của chúng.

Tôi là người phương ngoại, lẽ ra không dự việc thế gian, huống hồ việc quan. Nhưng Phật pháp từ bi, xả thân tế chúng, dù lợi Phật cũng phải liều chết để mà nói. Phương chi là lợi nhân, nỡ nào tôi lại làm thinh.

Án ấy Tù hay Ðày tùy Ngài định liệu “Thủy hữa lợi tắc y dĩ tự phí. Thủy hữu hoạn tắc lân quốc vị hóa” (Nước có lợi cho ta, ta nên ngăn lại để dùng, nước có hại cho ta thì cho nó chảy ra hàng xóm làm khe mương). Ăn thua nơi sự tính toán của Ngài.

Thái Thú nghe Sư nói, ngồi trầm ngâm một hồi rồi về, không đi phỏng sát nữa. Ngày mai Thái Thú cho người mang gạo và dầu, hương đến cúng chùa. Thì hỡi ôi! Sư ông đã viên tịch sau khi Thái Thú trở về Phủ đường.

Trước khi sư viên tịch có nói với đồ đệ một câu: “Tâm sự của ta đã xong rồi...”

Chim hót ve kêu đều đạo lý

Sương mai lá rụng thảy thiền na.

 

Sư đệ   

 

Thiền sư Bankei có rất nhiều đệ tử đến để học pháp. Trong số đó có một chú đệ tử nhỏ thường hay ăn cắp vặt và đã bị bắt quả tang nhiều lần.

Thấy Thiền sư cứ bỏ qua không đả động gì đến tội phạm, các sư huynh của chú tiểu phạm tội liền họp nhau làm một tờ đơn thỉnh nguyện dâng lên bổn sư, dọa rằng họ sẽ bỏ ra đi tất cả nếu Thiền sư còn làm lơ không xử tội tên ăn cắp.

Ðọc xong tờ thỉnh nguyện khiếu nại, Thiền sư bèn họp chúng tuyên bố:

Tốt lắm, cứ theo tờ thỉnh nguyện này thì các con đều là những người thông minh, phân biệt rành rẽ về thiện và ác... các con có thể đi bất cứ nơi nào cũng xuôi chèo mát mái cả... và thấy cũng không có gì để lo ngại. Duy chỉ có thằng đệ tử đáng thương này là chưa hiểu rõ tà chánh... Thầy có bổn phận phải dạy dỗ nó... các con cứ lên đường, còn nó phải ở lại với thầy.

Chú tiểu ăn cắp òa lên khóc và từ đó chú không bao giờ tái phạm lỗi cũ.

Tất cả môn đồ đều xin ở lại... và họ sống bên Thiền sư cho đến ngày người viên tịch.

Như Thủy

Cần thức tỉnh người chưa giác ngộ

Giác ngộ rồi, hóa độ ích chi?

 

Lòng từ bi còn kém  

 

Ngày xưa, có một người đàn bà góa chồng, không biết quê quán ở đâu, rất nghèo nàn đói lạnh, nhưng về phụ hạnh vẹn toàn, khiến hàng phụ nữ và đấng nam nhân, ai ai cũng đều kính phục.

Nàng nghe thiên hạ đồn rằng: Có một ngôi chùa kia do một vị sư trú trì, hợp lực cùng mấy nhà từ thiện kiến lập trai đàn. Mục đích là cầu an cho bá tánh và bố thí gạo vải cho dân nghèo.  Nghe tin ấy, nàng rất vui mừng, bèn bồng hai đứa con và dắt con chó đến chùa để xin bố thí.

Đến nơi, nàng thấy trai đàn trang nghiêm thanh tịnh, đèn thắp sáng choang, khói trầm nghi ngút, những nhà giàu sang thì đang đem tiền của cho người nghèo khổ, thuốc thang tặng cho những người đau ốm bệnh hoạn.

Nàng đứng xớ rớ trong đám người đi xem trai đàn, mà trong lòng thì tự nghĩ: Người ta giàu có, tiền của dư giả, đem ra làm chay làm phước để cầu phước báu về sau.  Còn mình thì phước mỏng nghiệp dày, thiếu thốn đói khát, há mình không tìm được một cách gì để bố thí làm lành như những người giàu sang kia được?

Nghĩ như vậy rồi, nàng liền tự hớt đầu tóc của mình, đem vào dâng cho vị trú trì để làm vật bố thí.

Khi ấy chưa đến giờ thọ trai, Tăng chúng và thiện nam tín nữ còn đang hành lễ.

- Bạch thầy, phận tôi cơ hàn, chồng thì đã chết, để lại cho tôi hai đứa con nhỏ đây, và một đứa con ở trong bụng. Thế mà người thân chẳng có, gia sản cũng không, nên tấm tân phải vất vả, nay đầu làng mai cuối chợ, ăn nhờ hột cơm dư của quần chúng. Nay tôi đến đây, xin thầy từ bi bố thí cho mấy mẹ con tôi một ít cơm chay để đỡ lòng, mẹ con tôi còn đi xin nơi khác.

Vị trú trì nghe vậy, liền sai ông đạo nhỏ chạy xuống nhà bếp đơm cho nàng ba bát cơm thật đầy. Vị trú trì tưởng cho như vậy là đủ.

Ai dè, người đàn bà nhìn ba bát cơm một hồi, rồi thưa:

- Bạch thầy, thầy từ bi cho thêm một bát cơm nữa, đặng cho phần con chó.

Vị trụ trì nghe nàng nói như vậy, thì trong lòng đã hơi giận rồi, nhưng cũng ráng dằn lòng xuống và bảo người đi xúc cho con chó một bát cơm nữa cho êm chuyện.

Nào ngờ, người đàn bà tiếp lấy bát cơm, lại thưa tiếp rằng:

- Bạch thầy! Đứa nhỏ mà tôi đang mang trong bụng đây. Thiết nghĩ thầy cũng nên hoan hỷ cho nó một bát cơm nữa mới đúng!

Vị trú trì nghe nói như vậy nổi xung, liền lớn tiếng:

- Kiếp trước nàng ôm lòng bỏn xẻn, không biết bố thí làm nhân, nên nay mới chiêu cảm cái thân bần nữ như thế, lại góa bụa không chồng, sống ăn nhờ của dân chúng, chết chẳng ích gì cho quê hương; vậy mà không biết thân, còn muốn ăn tham của Tăng chúng nữa. Vả lại xưa nay, có ai thấy những đứa nhỏ còn ở trong bụng mẹ mà người ta cho nó ăn cơm bao giờ, mà nàng đòi xin một cách trái đời như vậy! Thôi hãy đi chỗ khác, chớ đừng nói chuyện dây dưa mà làm trễ giờ của bần Tăng lễ Phật.

Câu nói của vị trú trì vừa dứt, thì năm sắc mây màu kết lại, rực rỡ trên hư không; rồi người bần nữ ấy hiện ra chân tướng của đức Văn Thù, cưỡi con sư tử rất hùng tráng oai nghiêm, hai bên thì có Thiện Tài và Ưu Điền Vương đứng hầu, làm cho ai nấy trông thấy đều hoảng kinh và cúi đầu đảnh lễ.

Đức Văn Thù liền đọc bài kệ:

Bầu đắng, đắng tận gốc

Dưa ngọt, ngọt cùng dây

Ta đã siêu tam giới

Còn bị chư Tăng rầy!

Khi đọc bốn câu kệ rồi, thì đức Văn Thù liền ẩn thân năm sắc mây lành lần lần tan biến.

Thấy vậy, vị trú trì thất thần biến sắc, mở hai con mắt nhìn trân trân, một chặp lâu mới định trí lại, và tự trách mình rằng: Tiếc bấy lâu nay tu hành, ăn cơm Phật, nhận mình đã vào cửa vô vi, mà lòng từ bi còn kém, đức nhẫn nhục chưa tròn, đến nỗi không thấy chơn Thánh như vậy, thì ta còn để đôi mắt làm chi?

Vị trú trì tự trách rồi, liền với tay lên muốn lấy con dao nhỏ để khoét đôi mắt, mọi người lật đật xúm lại giựt con dao và khuyên giải một hồi, thì ngài mới bớt lòng buồn rầu ân hận. Sau đó vị trú trì đắp y hậu đến trước Phật đài, chí thành đảnh lễ Tam Bảo để thành tâm sám hối.

Từ đó về sau, đối với mọi người, vị trú trì giữ được tâm từ bi bình đẳng để tiếp đãi, không còn phân biệt giàu nghèo, sang hèn nữa…

Còn đầu tóc của đức Văn Thù thị hiện bố thí đó. Thì nhà chùa xây dựng một ngôi tháp ngay chỗ Bồ Tát thị hiện xin cơm để tôn thờ, và hằng ngày chiêm ngưỡng cúng dường…

Giác Nhựt

Một sự bố thí đúng pháp, là sự bố thí phát xuất từ lòng thương vị tha và tự nguyện, mà không bị chi phối bởi động lực lợi danh, hoặc một lý do nào khác.

 

Có khi gương vỡ lại lành hơn xưa 

 

Upaka là một nhà tu khổ hạnh trẻ tuồi, đẹp trai, vì ở lâu trong rừng núi nên người ta gọi chàng là vị Ẩn sĩ thanh tịnh. Lại nữa, chàng có đôi mắt rất đẹp nên người ta thường gọi chàng là Đạo sĩ Mắt Đen.

Thưở nhỏ, chàng tự ý lìa bỏ gia đình xin xuất gia trong giáo phái Ni Kiền Tử (Phái lõa thể của ngoại đạo). Chàng ở lâu trong sơn lâm, luyến ái sơn lâm nên đạo hạnh của chàng cũng được nhiều người nghe tiếng; nhưng thực chất chàng không có gì, chưa có đường chân chánh để đi, chưa có ánh sáng để tới. Chàng đi khất thực, trở lại ngôi rừng thân ái của mình để thiền định, nhưng tâm cứ như vượn hoang, như thú núi, nay rong chơi chỗ này, mai leo chuyền chỗ khác. Thỉnh thoảng, chàng muốn thay đổi không khí, tạm biệt chỗ cư ngụ, vân du lang thang đây đó vài ba ngày, rồi lại trở về để “thanh tịnh khất thực, thanh tịnh thiền định”. Dung mạo cử chỉ, thái độ bên ngoài rõ là bậc đại Ẩn sĩ nên người ta đồn đại với nhau rằng đấy là vị A La Hán.

Ven khu rừng có một xóm làng bé nhỏ, mọi người tín mộ chàng. Và gia đình người thợ săn kia thường trực để bát cho chàng, bất cứ lúc nào Đạo sĩ Mắt Đen ấy đi qua.

Hôm nọ sau cuộc vân du trở về, trên đường ngược chiều, upaka thấy một sa môn trẻ tuổi. Chàng dừng sững lại. Sa Môn kia không to lớn lắm, chẳng phải gầy, chẳng phải mập, mà đầy đặn. Y áo chẳng phải cũ, chẳng phải mới nhưng thanh sang và hài hoà. Tất cả nơi ông Sa Môn đều toát ra cái vừa phải, cái chừng mục nhưng đẹp và gợi cảm một cách lạ lung. Upaka bước tới rồi bước lui, nhìn ngắm mê mải, ngạc nhiên. Có một thứ ánh sáng sáu màu khi đậm, khi nhạt, khi loang rộng như túa hẳn ra, lung linh, chập chờn rồi yên lặng, phẳng lặng như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Đến gần hơn tí nữa thì chàng hoàn toàn bi nhiếp phục ởi sự trầm tịnh, ổn định, an lạc toát ra từ đôi mắt, từ bước đi. Có một sự khôn ngoan vượt ngoài thế giới, sự minh triết sáng ngời, một trí tuệ siêu đẳng ẩn ở đâu đó, không chỉ nơi vùng trán bát ngát, mà còn có thể ở cả nơi từng sợi tóc, lông mi, từ ngón tay, lóng tay và cả ngón chân nữa… “Chàng này, vị Sa Môn trẻ tuổi đẹp trai này chắc hẳn không phải là người, là … Phạm Thiên chăng?”.

Upaka nghĩ vậy rồi cất tiếng chào:

- “Chào bạn thân ái! Bạn đẹp quá, đẹp lạ lùng! – Chàng mỉm cười sung sướng tán thưởng rồi tiếp: Lục căn của bạn thanh tịnh và an ổn làm sao! Ồ! Không phải chỉ có thế, nói vậy chưa đúng. Nó làm cho sự an ổn và thanh tịnh cũng bị nhiếp phục. Hào quang sáu màu từ nơi bạn làm cho một vị Đại Phạm Thiên cũng phải ganh tị. Nước da của bạn chói ngời như mẹ vàng ròng. Chắc sức khoẻ của bạn dồi dào lắm? Chẳng hay bạn tên chi? Ở đâu? Xuất gia với ai? Đấng Đạo Sư của bạn là vị nào? Bạn tin tưởng vào giáo lý nào?

- Này Upaka! Vị Sa Môn trẻ tuổi dừng lại, gọi đúng đích danh chàng – Như Lai là kẽ đã vô nhiễm giữa trần cảnh, đã đoạn tận ác pháp, đã tịch tịnh, vô dục, đã bước ra khỏi mọi chấp trước ở bản thân và thế gian điên đảo kiến. Như Lai đã chiến thắng tam giới, chứng đạo quả Vô Thượng Bồ Đề thì còn ai là thầy của Như Lai? Giữa chúng chư Thiên, Phạm Thiên, Như Lai đứng một mình, là thầy của họ. Nay Như Lai đang đi đến vườn Nai ở Ba La Nại, quay bánh xe Pháp, giống tiếng trống Bất Tử cho chúng sanh tỉnh giấc mộng trường!

Upaka nghĩ rằng: “Vị đạo sĩ này ăn nói dễ nghe, dễ thương đến vậy? Chà, cái óc và cái lỗ tai nó được làm sao!”.

Bèn nói:

- Mong rằng sự việc sẽ như bạn nói. Bạn thật xứng đáng gọi là Bậc Chiến Thắng Bất Diệt!

- Này Upaka! Kẻ giải thoát ra khỏi mọi trói buộc trần gian xứng đáng được gọi như vậy. Kẻ mà ma quân, phiền não không còn tìm thấy dấu vết, xứng đáng được gọi như vậy. Các đấng Như Lai thường được danh xưng là Tối Thượng Tôn, Vô Năng Thắng, là bậc Chiến Thắng Bất Tử, Chiến Thắng Vô Tận, Vô Hạn Định!

Upaka gật đầu lia lịa:

- Thật đúng như vậy! Thật đúng như vậy! Thôi, này bạn của ta, chào bạn sức khoẻ!

Sau khi đối thoại với đức Đạo Sư, gật đầu lia lịa tán thán đức Đạo Sư: “Thôi, này bạn của ta, chào bạn sức khoẻ!”. Upaka không dừng lại nơi giáo pháp này, chàng bỏ đi. Bằng đường tắt, chàng đến ngôi lều cỏ nơi khu rừng Vankahara thân yêu của chàng. Lại khất thực, lại thiền định, lại tâm viên ý mã, lại đi về thanh tịnh, trang nghiêm, lại được người ta kính mộ coi như là bậc A La Hán.

Gia đình người thợ săn có cô con gái đào tơ, sen ngó. Nàng là pho tượng, là tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ của thợ trời, thợ nghiệp. Nàng có đôi mắt đen mướt và trong xanh lóng lánh; là sự mát dịu của uyên ương, của chú bồ câu. Có dáng đi đài các và uyển chuyển của thiên nga. Cái chân, cái tay, đôi má, cái cổ như trứng gà nõn và mũm mĩm như cây lựu nẩy mầm. Có nụ cười ướt sương và trinh bạch như nụ hoa đầu núi. Nàng đẹp đến nỗi ông thợ săn ít dám cho nàng đi đâu, sợ thanh niên trai tráng mọc đứng, mọc ngồi thành “cây si”, “bụi si tất thảy”. Nàng tên là Càpà.

Hôm kia, vì cả gia đình đi vắng nên Càpà phải ra để bát cho ông Đạo sĩ Mắt Đen, A La Hán trẻ tuổi đẹp trai. Điều linh nghiệm, chân lý của ông thợ săn đã xảy ra. Đạo sĩ Mắt Đen sững sờ, chết lặng, trái tim tự động bước ra ngoài mà không thèm hỏi chàng một tiếng. Đôi mắt đen của chàng Đạo sĩ thu bắt tức khắc, chuyên chú tinh cần vào đề mục “Thiền định hấp dẫn” này. Ôi! Cái đề mục này sao mà dễ “gom tâm” đến thế! Mỗi khi chàng niệm hơi thở, nhìn chót mũi, quán bộ xương khô, bát đất hay lỗ chân long thì nó như con cá quăng trên cạn, như con khỉ bị trói hai tay! Sao mà kỳ!

Căn nhà khép cửa đã lâu mà chàng còn “nhập đại định” ở đấy. Nhưng rốt cuộc lại cũng phải “xả thiền” chứ? Thế là chàng như người mất hồn, lững thững lê bước nặng nề về chốn “cô đơn thầm lặng”, ôm bình bát vật thực trên tay, bao giờ cũng nhiều món ăn thượng vị chàng ngồi xuống trên nệm cỏ, tâm thần còn choáng váng như uống tách rượu say, cái thần hồn như còn gởi ở cõi “mỹ sắc đại thiên tưởng”.

Upaka không ăn uống gì. Chàng ngồi trọn bảy ngày, bình bát chưa hề mở ra, kiên quyết khởi tâm nhất hướng, tối thượng tinh tấn vào đề mục: “Một là lấy cô gái người thợ săn làm vợ, hai là chết khô!”.

Sau bảy ngày công việc trở về, người thợ săn hỏi cô gái rượu:

- Này con than! Bậc A La Hán của chúng ta vẫn đều đặn đến khất thực đấy chứ?

- Thưa cha thân! Một lần thôi!

- Sao kỳ vậy hả? Ngài có đi hóa độ phương nào?

- Các bậc A La Hán thường nhập đại định đến bảy ngày. Chắc Đạo sĩ Mắt Đen của chúng ta như vậy!

Người thợ săn đi nhanh đến cửa lều của Upaka, nhìn qua nệm cỏ thấy một cái xác vô hồn, đang ôm bát trên ngực, đôi mắt lờ mờ mê dại.

- Ôi! Người thợ săn hớt hải la to – Ngài bị bệnh gì? Hay là ma nhập? Ối! Ma nhập rồi làng xóm ơi!

Upaka tỉnh lại, nhận ra người thợ săn, mệt mỏi xiêu ngả đứng dậy, bình bát rơi đổ tung tóe những món ăn thượng vị mốc meo. Rồi bất ngờ nhất, chàng ôm chầm người thợ săn khóc nức nở. Người thợ săn hoảng vía, gỡ ra không được, hỏi dồn dập:

- Sao vậy? Sao kỳ lạ vậy Ngài? Bệnh gì đây? Ma quỷ gì lạ đời?

- Ông ơi! Tôi chết mất thôi! – Upaka mở tiếng được tiếng mất rồi gắng gượng nói một hơi  - Con gái ông đã lấy hồn tôi, đã  làm cho tôi bị bệnh. Cái bệnh này còn vạn lần đau khổ hơn cái bệnh thân xác. Ông hãy cứu tôi. Tôi không phải là bậc A La Hán đâu. Tôi chỉ là kẻ tầm thường. Tôi đi tu là vì thấy yêu thương hình bóng các ông Đạo sĩ. Nay thì tôi thương yêu con gái ông hơn. Con gái ông đã chiến thắng tôi, là bậc “chiến thắng bất diệt”. Ông ơi! Ông hãy giải thoát cho tôi khỏi mối tương tư. Một là tôi chết khô, hai là ông cho tôi người con gái. Nàng là thiên thần, là nữ Đại Phạm Thiên! Nàng là người trên đầu trên cổ tôi, là thượng đế của tôi, là “đề mục thiền định cho tôi gom tâm tu hành. Ông ơi! Hãy cứu tôi!

- Nói như vậy thiệt là hết kinh hết sách, hết chữ nghĩa, hết tín ngưỡng. Người thợ săn bối rối, ngỡ ngàng trước sự việc như thế. Hồi lâu, nghĩ cũng cảm cảnh thương tình, ông ân cần dịu dàng nói:

- Thôi được rồi! Để tôi giải thoát mối đau khổ cho ngài. Thời tuổi trẻ, tôi cũng đã từng biết thương yêu nên tôi hiểu.

Nhìn bậc tu hành từ dung sắc chói sáng, thù thắng tuyệt mỹ như Phạm Thiên mà phút chốc trở nên tiều tụy; đôi mắt xanh đen biêng biếc thành đôi mắt xám bạc thẫn thờ, người thợ săn thông cảm xiết bao. Nhưng nghĩ có điều thực tế nan giải ông bèn hỏi:

- Nhưng mà này Ngài ạ! Khi cưới nhau rồi chẳng thể “một mái nhà tranh hai quả tim vàng” được đâu. Cổ thi dạy khác mà tân thi dạy khác. Tân thi nói rằng: Hạnh phúc thường cho ăn cơm với thịt và cá; bạn mà cho nó ăn rau, uống nước lã thì nó sẽ mang guốc, đội nón ra đi thôi! Ngài xuất gia từ nhỏ, ít quen được nắng mưa lam lũ, nghề chân, nghề tay, oằn lưng, trệ vai, đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Con gái tôi, tôi “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, quen mặc áo lụa Kàsi, quen đeo vàng hoa Pàtalim tóc mây, thân thể mượt mà quen ướp hương Chiên đàn Haricanadana tối thượng, da thịt tay chân óng ánh ngọc ngà như nụ Paduma mới nở. Thì Ngài có nghề ngỗng gì mà nuôi nó?

Upaka vừa thong hai chân xuống cuộc đời, chưa đi được bước nào đã vấp phải cục đá, ruột đau, im sững.

Người thợ săn gục gặc đầu rồi mở giọng ồ ồ:

- Làng trên xóm dưới hay ở đâu đó có hát hỏng ví von rằng:

“Thấy đóa hoa nở thì thương

Mang vô bình cắm sợ hương nhụy tàn

Áo cơm không đủ cho nàng

Muốn dua đĩa ngọc, bẽ bang tuổi xanh.”

Đấy! Đấy Ngài tính đi! Bụng làm dạ chịu. Tôi cũng thương Ngài lắm mà!

Sau một hồi suy nghĩ, Upaka nói:

- Ông đã thương thì thương tôi cho chót. Tôi xin thú thiệt. Tôi chẳng biết một nghề gì. Nhưng những khi ông bắn rơi một con chim, bẫy được một con thú… tôi có thể “làm nghề” lượm chúng, mang xuống chợ bán để đổi gạo, đổi thức ăn cho cả…gia đình ta!

Cầm lòng không đậu, người thợ săn tốt bụng và hay nói chữ, gật đầu, dẫn về nhà, cho y phục rồi đem đến trình diện cô con gái:

- Này con gái thân! Bắt đầu từ nay, cha nuôi bậc ẩn sĩ trong nhà, con chịu chứ?

Nàng Càpà đã đoán ra mọi sự nhưng giả vờ ngớ ngẩn hỏi:

- Bậc” ẩn sĩ” sao lại “ẩn” trong nhà có con gái?

- Không! Đây là bậc ẩn sĩ đã hết “ẩn sĩ” rồi!

- Ẩn sĩ hết ẩn sĩ, sao kỳ vậy?

- Nghĩa là bậc ẩn sĩ… bây giờ gọi là “ẩn tại gia” và ẩn tại gia…nghĩa là muốn nhận cha làm…nhạc gia!

Nàng Càpà ré lên bỏ chạy. Người thợ săn cất tiếng cười ha hả. Chàng Upaka đỏ bừng mặt, cúi gằm xuống.

Cũng là duyên cũng là Nợ, cũng là Nợ cũng là Duyên! Cái quả của sự gặp gỡ thương yêu nhau cho họ một đứa con. Khi có một đứa con thì sắc đẹp, tính nết nàng không còn như xưa nữa, và chàng thì nay núi này, mai núi khác, da đã chai sạn màu đồng hun. Làm nghề lượm thịt săn không đủ sống, phải phụ thêm nghề đốn củi, đốt than. Đôi khi chàng cũng mơ màng nghĩ đến đời sống nhàn cư thanh tịnh cũ. Đôi khi lại nhớ tưởng đến hình bóng của “Người bạn gặp trên đường, bậc Chiến Thắng Bất Diệt!”. Nàng Càpà cũng thương cám cảnh than dài. Nhưng chim đã liền cánh, bóng đã dính hình, ân nhân duyên phải đành thế. Một hôm con khóc, nàng vô tình hát rằng:

“Ầu ơ…ru con, con ngủ cho ngon,

Cha con ẩn sĩ…lượm thịt săn giữa rừng

Ầu ơ…ẩn sĩ rớt bát giửa chừng,

Vì con, vì vợ còng lưng tháng ngày”.

 

Nghe được, Upaka tức giận nói:

- Này nàng Càpà! Nàng nói ta là “ẩn sĩ lượm thịt săn”, “ẩn sĩ rớt bát”. Nàng tưởng ta không có nơi nương tựa. Ta không có còng lưng cúi đầu mãi ở trong cái nhà này đâu. Ta biết ta là kẻ ăn đậu ở nhờ, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Ta biết thân phận của ta lắm. Ta có một người bạn, bậc “Đại Chiến Thắng Bất Diệt”. Ta sẽ đến nương tựa với bạn của ta.

- Em không nói thế đâu, chàng Mắt Đen của em! Em thấy chàng suốt ngày cúi dầu và còng lưng lượm thịt săn một cách vất vả, một cách khốn khổ đấy thôi.

- Nàng có cách nói hai nghĩa, nghĩa đằng đầu và nghĩa đằng đuôi. “Cúi đầu và còng lưng”. Chà, mai hay nhỉ? Ta nói cho nàng biết, ta đã sa đầm lầy khốn cùng. Ta thức ngộ rồi. Ta sẽ xuất gia trở lại. Ta sẽ đi theo bạn của ta, bậc Chiến Thắng Bất Diệt!

Chớ có tức giận em, chàng Mắt Đen của em. Có thể em đã dại dột, lỡ lời, xin chàng tha tội!

- Ta không có tha tội. Chí ta đã quyết. Ta sẽ rời khỏi Vankahara, nơi ta đã bị trói buộc và bị quyến rũ bởi sắc đẹp ma quái của nàng. Ích gì cái kỷ niệm đau xót này!

- Ôi! Chàng Mắt Đen của em! Hãy ở lại, chớ có đi! Em không dại dột thế nữa đâu. Em sẽ hầu hạ phục tùng chàng, là nô lệ của chàng.

- Không thể nữa đâu, nàng Càpà! Một phần mười sáu lời nói của nàng có thể làm cho trăm vạn nam nhân phải mê mệt. Nhưng ta thì không thể nữa đâu!

- Chàng Mắt Đen của em! Em đã đến nỗi nào. Em vẫn còn như cây Takkàrim nở hoa trên đầu núi. Những vòng hoa Patalim vẫn rực rỡ dung sắc hiến tặng chàng. Những chiếc áo lụa Kàsi tối thượng vẫn làm dịu mắt chàng. Tóc em, da thịt em vẫn ướp hương chiên đàn thơm lừng lựng.

Upaka bây giờ cất giọng chậm rãi:

- Nàng Càpà! Bây giờ nàng lại dung mồi sắc dẹp để bủa giăng cánh chim trời đấy phỏng? Dẫu nàng là dòng dõi thợ săn tuyệt xảo đến bảy đời, cánh chim kia chỉ một lần sa lưới!

Nàng Càpà chợt tức giận:

- Chàng Mắt Đen của em! Chàng nói thế mà nghe được sao? Em bủa giăng lưới hay tự chàng bước vào lưới?

Upaka nín lặng. Càpà lồng lộn lên:

- Này! Còn đứa con thì tính sao đây?

Upaka vẫn không nhượng bộ:

- Bậc trí bỏ vợ con, bỏ tài sản và quyến thuộc ra đi không ngoảnh lại!

- Thế thì giả dụ “tôi” đánh nó, “tôi” giết nó, “ông” cũng không thèm cứu ư?

- Nó là con của nàng, từ trong núm ruột của nàng mà ra, quẳng cho chó sói ăn là quyền của nàng. Tâm ta vẫn bất thối.

Nàng Càpà thở dài. Thế là hết rồi. Con hỗ đã trở lại rừng xưa. Chàng đã trở lại tâm đích thực của một ẫn sĩ. Sắc đẹp ta, nụ cười ta, vòng tay ta, cả con cái nữa, đã bất lực trước chàng. Chiếc gương đã vỡ, hình đã rời bóng, cánh đã lìa than. Nàng buồn bã cất giọng dịu dàng:

- Chàng Mắt Đen củ em! Chàng bỏ đi đành đoạn vậy ư?

- Từ khi biết nói đến nay, ta chưa hề nói dối.

- Vậy chàng đi đâu?

- Ta đã nói với nàng mấy lần, ta có một người bạn. Ta sẽ đến với bạn của ta, bậc Chiến Thắng Bất Diệt.

- Vị ấy ở đâu?

- Bạn của ta đang đi gióng tiếng trống bất tử ở vườn Nai, từ đó, bạn của ta sẽ bộ hành với đồ chúng, làng này sang làng khác để chuyển bánh xe pháp.

Im lặng khá lâu giữa hai người.

Nàng Càpà nói:

- Vậy thì khi chàng đến gặp vị ấy, hãy thay mặt em nhiễu quanh ba vòng về phía hữu, chàng đãnh lễ dùm em. Em tỏ lòng cung kính đối với vị ấy - Bậc Chiến Thắng Bất Tử ấy đã quyến dụ được chồng em, hơn em.

- Phải thế! Nói vậy là đúng đắn. Vì lợi ích cho cả hai ta, ta sẽ tỏ lòng cung kính và tri ân bậc Vô Thượng ấy.

Đức Đạo Sư, hôm ấy ở Sàvatthi, trước khi vào hương phòng, nói với người thị giả:

- Này Tỳ Kheo! Khi nào có ai đến hỏi: “Vị Chiến Thắng Bất Diệt, bạn của ta, giờ ở đâu? Thì hãy đưa người ấy vào gặp Như Lai”.

Vẫn còn trong y phục của người thợ săn, Upaka sau rất nhiều do tuần đường đất, theo dấu chân đức Đạo Sư lần đến Sàvatthi, tìm ra cửa tịnh xá, cất giọng oang oang:

- Này ông Đạo sĩ! Vị Chiến Thắng Bất Diệt bạn của ta, giờ ở đâu?

Đức Đạo Sư chờ đợi người ấy, chờ đợi đã lâu, không phải chỉ sáng nay, nhờ thiên nhãn, mà chờ đợi từ ngày giác ngộ dưới cội Bồ Đề chẳng dùng thần thông, chỉ đi bộ về vườn Nai cốt gặp người ấy để gieo một hạt giống. Hạt giống ấy hôm nay đã nẩy mầm, nứt ra, lớn rất nhanh, và chờ lúc trổ quả; Upaka xuất gia, thọ đại giới với đức Thế Tôn, và dễ dàng chứng đạo quả Bất Lai không một gắng sức nào.

Cuối đời, mệnh chung sinh vào cõi trời Aviha thanh tịnh, đắc quả A La Hán luôn tại đấy.

Còn nàng Càpà không bao lâu sau, gởi con trai cho ông ngoại, theo chân Upaka xuất gia với Trưởng lão Ni Gotamì, đắc quả A La Hán.

Chàng và nàng gặp gỡ nhau, yêu nhau, sanh con, giận nhau, cãi nhau, xa nhau rồi lại gặp nhau nơi cõi Vô Sanh Bất Tử. Hi hữu thay!

Cho nên có thơ rằng:

“Tích xưa chuyện cũ rành rành,

Có khi gương vỡ lại lành hơn xưa”.

Minh Đức

Nếu mai mốt còn vào ra sinh tử

Bước thăng trầm đâu có sá nguy nan

Nếu giờ đây vẫy tay chào cuộc lữ

Cát bụi này in trả lại trần gian.

 

Thiền trong mọi phút  

(Truyện cổ P.G Nhật Bản)

 

Teno là một thiền sư vừa hạ sơn, sau mười năm khổ luyện công phu. Sư đến yết kiến thiền sư Nanin

Vừa gặp mặt, Nanin đã hỏi:

- Lúc nảy, nhà thầy đã bỏ chiếc dù bên phải hay bên trái đôi guốc, trước khi vào thiền thất của ta.

Teno bối rối thú nhận rằng đã không nhớ rõ…và đành ở lại xin thụ giáo với sư Nanin.

Một lần khác Nanin lại hỏi:

- Khi nãy thầy bỏ dép trước khi vào thất, thầy đã bỏ dép ở chân nào trước?

Teno cũng không thể trả lời được. Nhiều năm trôi qua, Nanin cũng không dạy dỗ gì thêm ngoài chuyện dù và dép. Cho đến một hôm, tự thấy mình đã hoàn toàn thiền được trong bốn môn oai nghi. Teno đến từ giã thầy ra đi. Nhưng lại thêm một lần rủi ro nữa. Thầy mở cửa hơi mạnh tay, khiến nó vang lên một tiếng động nhỏ…điều này chứng tỏ thầy đã dùng một sức lực quá mức cần thiết. Teno lại phải ở lại bên thầy thêm vài năm để học cách đóng cửa…Và sáu năm sau khi ở với Nanin, sư trở thành một thiền sư lừng danh của nước Nhật.

Như Thủy

Hũ nước lâu ngày đã cạn khô

Hôm nay ra giếng xách đem vô

Thấy hoa leo nở cần quây đẹp

Đành đến nhà quen mượn một bô.

Mục Lục Cổ Tích Lòng từ bi còn kém - Truyện cổ Phật Giáo Có khi gương vỡ lại lành hơn xưa - Truyện cổ Phật Giáo Thiền trong mọi phút - Truyện cổ Phật Giáo Kiếp luân hồi - Truyện cổ Phật Giáo Bát nê hồ - Truyện cổ Phật Giáo Phá táo đoạ - Truyện cổ Phật Giáo Ryonen - Truyện cổ Phật Giáo Một lễ trai tăng lạ thường - Truyện cổ Phật Giáo Vậy sao??? - Truyện cổ Phật Giáo Vết thương nặng nhất - Truyện cổ Phật Giáo Phục hổ thu đồ đệ - Truyện cổ Phật Giáo Ðóa hoa vương quốc - Truyện cổ Phật Giáo Pháp sư đậu hủ - Truyện cổ Phật Giáo Ảo ảnh - Truyện cổ Phật Giáo Nguồn ngóc vũ trụ và muôn loài Sự tích mưa, gió, mặt trời và mặt trăng Sự tích hình con thỏ trên mặt trăng Cá thác lác đi xin lúa Sự tích áo bà ôm Niếc-tà Phờ-num Niếc-tà Tức Sự tích lễ Chôi chxơ-năm Thơ may Pô-pít-xno-ka Sự tích chuyếc thuyền vỡ Sự tích địa danh bãi sầu Cối xây thần Hoàng tử Sâng-sên-lờ-chay Châu sanh Châu thông Niêng Kòn-tuốc Niêng chồng-ầng-kam Niêng Mô-rô-nắc Mê-đa Niêng sóc Kờ-rô-ốp Châu bay cà-đăng Hai cây khế Tát biển Chuyện nàng KA-Cây Chàng Dao Bảy Sự tích vết rạn trên mai rùa Cóc náo loạn nhà trời Thỏ khôn ngoan Sáo, Qụa, Ếch, Rùa giết vui ù hung ác Cá sấu, quạ và ông lão chở củi Sự tích con hổ Người đi cầy và con cọp Thỏ và ốc Bướm và sâu Thỏ thông minh Hai con rái cá và chó sói Hai người giành cá Chuyện gã phú hộ và đầy tớ Thầy thuốc cứu cọp Ông tà linh thiêng

Xem Tiếp Trang 16