Truyện Cổ Tích Trâu Vàng Hồ Tây - Etruyen.com

Trâu Vàng Hồ Tây

Ngày xưa, vào thời nhà Lý, thế kỷ thứ 13, ở thành Đại La (Hà Nội) có một nhà sư pháp thuật cao cường. Sư có tên là Không Lộ. Tục truyền rằng nhà sư Không Lộ là một vị Thần của nhà trời giáng xuống đất nước Việt Nam, để cứu đân độ thế.

Thuở bấy giờ, nước Việt đang thiếu thốn đồng và sắt. Bao nhiêu quý kim, vàng bạc, châu báu đã bị người Tầu vơ vét chở về phương Bắc, sau bao nhiêu thế kỷ người Tầu đô hộ nước Việt Nam. Một ngày kia, sư Không Lộ lên đường sang Trung Quốc, mang theo một cái túi nhỏ. Ngài định dùng phép thuật để lấy lại một ít của cải quý thuộc về dân tộc phương Nam bị người phương Bắc đánh cướp. Nhà sư xin yết kiến vua nhà Tống, để quyên một ít kim khí, đựng trong một túi vải nhỏ đem về đúc thành tượng Phật.

Thấy cái túi vải bé nhỏ của nhà sư, vua Tống không ngần ngại sai bảo quan hãy đưa sư Không Lộ vào tận kho, chọn lựa tuỳ thích vàng hay đồng, miễn là chỉ đựng đầy túi thôi. Vừa bước vào cửa kho, sư Không Lộ trông thấy một con trâu to lớn, đúc toàn bằng vàng ròng. Trâu vàng lớn hơn cả con trâu thật ngoài đời. Trâu vàng đứng nghênh ngang, như muốn canh giữ kho vua. Ở gian chính giữa, có cất giữ một số kim khí hiếm quý hơn vàng, gọi là đồng đen.

Sư Không Lộ bèn giở phép thuật thần thông, mở cái túi vải nhỏ ra, thâu tóm quá phân nữa số đồng đen trong kho vàng bạc cuả vua Tống. Viên quan giữ kho hốt hoảng trước hành vi thần bí kỳ lạ của nhà sư, bèn bắt nhà sư phải trả lại số đồng đen quý giá, trả về chỗ cũ. Sư Không Lộ nhắc lại cho viên quan Tầu nhớ rằng chính nhà vua đã cho phép ngài được chọn lấy bất cứ thứ kim loại nào, miễn là không chứa đầy quá cái túi vải nhỏ bé của ngài.

Viên quan Tầu này quýnh quáng, chẳng biết làm sao, bèn chạy đi báo tin cho Vua Tống hay biết tự sự. Vua Tống nổi giận, ra lệnh chém đầu nhà sư nước Nam nhỏ bé, dám xấc láo với thiên triều. Nhà sư Không Lộ có phép mầu, có thể nghe được tiếng nói từ xa, xuyên qua vách tường. Khi biết đựo+c quyết định của Vua Tống, sư Không Lộ vội vàng thoát ra khỏi kho báu vật, nhanh nhẹn vượt qua hoàng thành.

Số đồng đen mang theo quá nặng, nhà sư không thể đi mau. Được mấy dặm đường, đã nghe tiếng người ngựa đuổi theo. Sư bèn ra sức phi hành, được một quãng dài thì gặp một giòng sông rộng chắn ngang, không thấy bóng dáng thuyền bè. Sư Không Lộ bèn tháo chiếc nón tu, thả xuống nước, hoá phép thành ghe. Trong chớp mắt, sư đã mang được túi đồng đen vượt thẳng qua bờ sông bên kia. Đám quân Tầu đuổi theo, nhìn thấy pháp thuật phi thường của nhà sư, trở về tâu vua. Vua đành chịu, không biết làm sao.

Trở về nước, Sư Không Lộ tập hợp những tay thợ rèn trứ danh của Việt Nam, nhờ đúc một cái chuông bằng đồng đen lấy ở Tầu về. Sư muốn đúc chuông theo hình hoa sen hé nở, và tiếng chuông phải thanh, vang xa. Nhưng thời đó, đúc chuông khá khó, vì dụng cụ thô sơ. Sư bèn nghĩ ra cách nấu chảy đồng đen, đổ vào một cái khuôn hình chuông, bằng đất sét. Phương pháp đúc đồng mới này thành công.

Vào ngày lễ khánh thành chuông đồng đen, sư Không Lộ cầm chày đánh lên tiếng chuông đầu tiên. Tiếng chuông vang xa, rung động đến ngàn vạn dặm. Con trâu vàng ở kho tàng vua Tống nghe tiếng chuông đồng, bỗng phóng chạy về phương Nam. Thấy con trâu vàng chạy đến, nhà sư ngừng đánh chuông, e rằng vàng bạc đất Trung Quốc sẽ theo nhau về Việt Nam, sẽ gây bất hoà trầm trọng giữa 2 nước, khiến Trung Quốc lại có cớ xâm lăng đánh chiếm phương Nam.

Sư Không Lộ bèn lăn chuông xuống Hồ Tây. Chuông đen rung vang một lần cuối cùng, trước khi rơi xuống nước. Con trâu vàng, theo đó, cũng nhảy xuống Hồ Tây biến mất theo chuông đáy hồ.

Sau đó, Sư Không Lộ trở về trời. Những người thợ rèn nước Việt đã dựng nên một ngôi đền thờ bên cạnh Hồ Tây, để nhớ ơn nhà sư Không Lộ đã dạy cho họ phương pháp đúc đồng. Vua nhà Lý đã ban sắc phong tặng sư Không Lộ biệt danh là Thần Thợ Đúc.