Truyện Cổ Tích Nùng Trí Cao - Etruyen.com

Nùng Trí Cao

(Cổ tích Thái)

Ngày xưa, dưới triều Lý Thái Tông (1028-1057) trong bộ tộc Thái ở vùng biên giới thượng du miền Bắc, có Nùng Tôn Phúc, tù trưởng châu Đằng Gio ở giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, nổi lên chiếm các hạt chung quanh, tự xưng là Hoàng Đế Trường Sanh (1039), không chịu thần phục nhà Lý. Vua Lý Thái Tông phái quân đi dẹp, bắt được Nùng Tôn Phúc và con trai là Nùng Trí Tông cùng năm tùy tướng giải về kinh đô Thăng Long trị tội.

Vợ Nùng Tôn Phúc cùng con trai là Nùng Trí Cao chạy thoát được, đến lẩn tránh ở một nhà người cậu của Trí Cao. Tục truyền rằng một hôm Trí Cao đang chăn ngựa trên núi, bỗng thấy một vầng mây đen chở một con rồng đến phủ lên một con ngựa cái trong bầy ngựa đang ăn cỏ. Đến khi ngựa con do rồng phủ sinh ra, Trí Cao bắt cỡi, thấy nó sức lực phi thường, vượt núi như bay. Được con thần mã, Trí Cao bèn nối chí cha, liên kết các châu thượng du lại, tự xưng là Hoàng Đế Đại Lịch. Bị quân triều đình đánh bại, không nỡ diệt tuyệt họ Nùng, tha cho Trí Cao về, và phủ dụ bổ cho làm tri châu cai quản ba châu Quảng Uyên, Thượng Lang và Hà Lang, cùng phong cho chức Thái Bảo.

Song mồi quyền quý, danh vọng của triều Lý ban không làm thỏa mãn hoài bão to tát của chàng tuổi trẻ họ Nùng, nên đến năm 1052, Trí Cao lại nổi lên hùng cứ, tự xưng là Hoàng Đế Đại Nam. Quan quân triều đình phái đi không dẹp nổi. Nùng Trí Cao nuôi chí lớn mở mang bờ cõi, muốn thực hiện mộng chiếm cứ các tỉnh lân cận của Trung Quốc. Để lôi cuốn binh sĩ theo mình, chàng đốt hết doanh trại, bảo là lương thực cháy sạch, muốn sống thì phải đi chiếm lấy tỉnh Quảng Tây. Nùng Trí Cao cầm đầu năm ngàn người xuôi theo sông Bằng Giang và Quảng Tây, lần lượt chiếm các châu Ung, châu Hoanh, thủ phủ của Nam Ninh ngày nay. Trên đường chiến đấu, đạo quân của Nùng Trí Cao được tăng cường lớn lao, quân số lên tới một trăm ngàn.

Người ta kể lại rằng Trí Cao có các tướng tá tinh thông pháp thuật và chiến lược, như một vị sư tăng có phép hóa rồng khạc lửa xuống bên địch, hai nữ tướng là Đoàn Hồng Ngọc, con gái của tướng Đoàn Hồng Y, và Hoàng Lan Anh, bạn của Hồng Ngọc, có tài phép phi thường. Hai nàng đều có nhan sắc rực rỡ, quyến rũ bao nhiêu tướng trẻ của đối phương phải say mê, đem mình đến nạp dưới chân. Cả hai lại có phép thần thông, gọi gió, kêu mưa, đổi sông, dời núi, vãi đậu thành binh.

Triều đình nhà Lý muốn liên minh với Nùng Trí Cao, gởi giúp một đạo quân to lớn do tướng Vũ Nhi cầm đầu, để phối hợp tiến đánh Trung Quốc, thế mạnh như vũ bão. Sau khi chiếm trọn tám châu Hoanh, Quí, Đang, Ngô, Khang, Đoàn, Cung và Tâm ở tỉnh Quảng Tây, liên quân Nùng-Việt sửa soạn tiến đánh luôn Quảng Đông. Các tướng Tàu là Du Tĩnh, Dương Điền và Tôn Hiến đều đại bại, Nùng Trí Cao gởi giấy đòi vua nhà Tống phong cho mình cai quản những châu đã chiếm được, bằng không thì sẽ cử quân tiến đánh Trung Quốc. Vua Tống đã toan nhượng bộ thì có tướng Địch Thanh đứng ra xin đi chinh phạt kẻ xâm lăng. Tống Địch Thanh được cử làm nguyên soái thống lãnh ba mươi vạn quân, gồm cả đại quân của các tướng Tôn Hiến và Du Tĩnh. Viên Tổng Đốc Quảng Tây mang tám ngàn quân nghênh chiến Nùng Trí Cao ở cửa ải Côn Lôn, bị đánh thua chạy về. Nguyên soái Tống Địch Thanh xuống lệnh chém đầu viên tướng bại trận để nêu gương cho quân sĩ.

Nùng Trí Cao vẫn áp dụng chiến thuận rồng phun lửa của vị sư tăng cùng tà thuật của hai nữ tướng để chống lại đại quân nhà Tống ở Côn Lôn. Thấy khó bề chiến thắng đối phương, nếu không có phép mầu đối phó lại, Tống Địch Thanh phải nhờ đến một người đàn bà Trung Hoa có tà thuật là Đà Long Nữ. Đà Long Nữ có một cặp gọng kềm lợi hại có phép hóa thành đông rồng lửa thiêu cháy đối phương.

Khi rồng của vị sư tăng phóng ra đối địch với cặp rồng lửa của quân Tống, thì khói lửa phun ra quày ngược trở lại đốt cháy cả quân Trí Cao. Thấy thế, Trí Cao liền cho hai nữ tướng hóa phép để dập tắt ngọn lửa đốt rồng bên mình. Đôi bên đánh nhau bất phân thắng bại.

Tống Địch Thanh bèn nghĩ ra diệu kế để phá phép thần thông của hai nữ tướng đối phương. Từ trước đến nay, hai nữ tướng đã dùng nhan sắc kiều mị của mình để chiến thắng các tướng tài trẻ tuổi, Địch Thanh mới áp dụng ngay chiến thuật chiếm tình cảm để chiến thắng, cho hai con là Địch Long và Địch Hổ cầm quân ra trận. Hai con vị nguyên súy nhà Tống diện mạo tuấn tú, trẻ đẹp, đem lời dịu ngọt ra tán tỉnh hai nữ tướng đối phương, ngỏ lời muốn hòa hiếu giữa đôi bên để kết duyên đôi lứa, và đề nghị chấm dứt ngay cuộc xung đột. Trong phút chốc, chiến trường biến thành nơi trao đổi tình ái. Thiên anh hùng ca rực rỡ của Nùng Trí Cao đành phải nghẹn lời từ đây.

Tống Địch Thanh thấy đối phương đã bị mắc mưu của mình, liền thừa cơ xua quân tiến đánh. Nùng Trí Cao đại bại, lui quân về đến Long Châu thì bị quân Tống đuổi theo vây bắt được. Thấy chủ tướng bị chém đầu ngay giữa trận tiền, cả quân sĩ vỡ tan mà chạy. Nùng Trí Cao hai tay ôm lấy đầu, cỡi con thần mã phóngn như bay về đến quê nhà là Sốc Giang để gặp mẹ già. Đến nơi, Trí Cao liền hỏi mẹ để hỏi: "Mé ơi, cây chuối bị chặt mất ngọn vẫn sống, người ta bị chặt đầu rồi có còn sống được không"? Bà mẹ là Hoàng A Nùng không nhìn con, đáp rằng: "Cây chuối bị chặt mất ngọn vẫn sống, nhưng người ta bị chặt mấy đầu rồi thì làm sao mà còn sống được"! Trí Cao quẳng đầu mình xuống dưới chân mẹ mà than: "Mé đã nói những lời làm chết con mất rồi"! Trí Cao quay lại bảo em là Nùng Trí Viễn, dặn chôn xác mình ở chân ngọn núi và trồng lau chung quanh mộ, rồi đốt hương luôn ngày đêm giữ cho đừng tắt, đợi cho đến khi lau mọc cao oằn cong tới đất, bấy giờ sẽ mở ngôi mộ ra, thì thấy một đạo quân với chủ tướng là Nùng Trí Cao sống lại, sẵn sàng gươm giáo, cung tên để tiến đánh quân nhà Tống mà chiếm lại đất nước.

Nùng Trí Viễn nóng lòng muốn thấy ngày giải phóng đến sớm, mới cố ý tự tay uốn cong những cây lau cho chóng cong oằn xuống đất. Khi đầu những ngọn lau chấm đến đất, Trí Viễn bèn họp những người trong gia đình lại, bảo là đã đến lúc cải táng, rồi làm lễ cúng để khai phần mộ lên. Người ta thấy dưới đáy huyệt có cả một đạo quân đang sửa soạn hàng ngũ, song giờ chưa đến, còn phải ba hôm nữa mới đúng kỳ hạn, binh sĩ này mới có thể vùng lên đi đánh được. Thế là dự định hồi sinh của Nùng Trí Cao thất bại.

Sau đó, dân trong vùng thường thấy Nùng Trí Cao hiện ra, cỡi con thần mã bay trên mây, bèn dựng một ngôi đền thờ ngày này hãy còn tại Sốc Giang, quê hương vị anh hùng xứ Thái. Dân hạt lân cận cũng thấy Trí Cao ứng hiện, nên cũng xây một đền thờ trên ngọn núi Kỳ Sâm, ở núi phía bắc tỉnh thành Cao Bằng. Hằng năm, đến ngày mồng mười tháng giêng, dân chúng ở quanh vùng lũ lượt trèo lên ngọn núi hai sừng Kỳ Sâm, mang lễ vật đến đền thờ họ Nùng. Người ta giết trâu, bò, heo, dê, cùng nhiều súc vật khác để cúng tế rất trọng thể. Dân chúng phải khó nhọc leo núi viếng đền, nên một hôm có người đại diện đứng ra khấn xin Nùng Trí Cao chỉ định cho một nơi khác để thờ phụng. Tức thì một trận gió lớn nổi lên bật tung mái tranh đền, thổi lên một gò cao gần làng Bản Ngôn. Người ta cho rằng đó là ý muốn của vị thần họ Nùng biểu hiện nên dân chúng họp nhau dựng lên một ngôi đền thờ mới ở giữa thắng cảnh này, đến ngày nay vẫn còn.

Đến đời Trần, thể theo nguyện vọng của dân chúng, triều đình phong cho Nùng Trí Cao chức Kỳ Sâm Đại Vương. Tượng chiến sĩ họ Nùng được dựng lên ở miền biên giới Việt-Hoa, quanh năm hương khói, tay cầm gươm tuốt trần, ngồi trên con thần mã, như sẵn sàng chống lại người phương bắc muốn dòm ngó phương nam.