Truyện kể về một người
đàn bà tu hành muốn đắc đạo nhưng trong lòng vẫn đầy thói hiềm tị và độc ác,
cuối cùng phải hóa thành cái bình vôi luôn để cho người đời móc ruột. Truyện thể
hiện một triết lý của đạo Phật nói riêng và đạo làm người nói chung: để được
chính quả, không những cần có quá trình tu luyện mà còn phải có cái tâm sáng.
Ngày xưa, có một người con gái con nhà giàu rất đẹp nhưng cũng rất kiêu. Cô làm
cho các bạn gái xa lánh mình. Cô cũng làm cho các chàng trai ghét cô vô hạn.
Cũng vì thế đến tuổi lấy chồng, cô gái vẫn chưa có đám nào vừa ý. Chàng trai nào
cũng bị cô chê, vì "cao chê ngỏng, thấp chê lùn; lớn chê béo trục béo tròn, gầy
chê xương sống xương sườn bày ra".
Nhưng rồi cô cũng lấy được chồng. Chồng cô
yêu vợ nhưng lại bực mình vì thói ghen của vợ. Cô ghen chồng đến mức làm cho xóm
giềng luôn luôn khó chịu vì những lời qua tiếng lại của họ. Cuối cùng hai người
không vừa ý nhau và ly dị. Buồn bực vì duyên phận, cô bỏ đi tu.
Cô xuất gia ở
một ngôi chùa cổ trên núi gần hai mươi năm. Chim muông, thú rừng hầu như quen
thuộc bóng dáng của sư nữ. Hai mươi năm qua, cô vẫn chưa đắc đạo. Cô thắc mắc,
vì tự cho mình thông kinh kệ hơn người và chịu đủ mọi sự khổ hạnh của nhà chùa.
Một ngày kia cô quyết định sang Tây Trúc một phen để tìm cho ra lẽ. Đường sang
Tây Trúc thiên nguy vạn hiểm nhưng cô quyết đi cho bằng được.
Một hôm, sau
khi qua khỏi một trái núi, sư nữ tìm vào một ngôi nhà hẻo lánh dọc đường để nghỉ
chân. Hai mẹ con chủ nhân tuy người rừng núi quê mùa, nhưng vốn là kẻ ăn chay
niệm Phật, nên thấy khách là nhà tu hành thì tiếp đãi rất hậu. Khi họ được nghe
kể công trình tu luyện của sư nữ thì họ càng cung kính, coi như bậc thầy. Và khi
họ biết ý định của sư nữ thì họ cũng xin phép bỏ nhà bỏ cửa đi theo thầy để mong
được đắc đạo. Nghe họ cầu khẩn, sư nữ cười: "Hai mẹ con nhà này cũng muốn thành
Phật ư? Được, cứ đi theo ta!". Nhưng bụng nàng bảo dạ: "Chuông khánh còn chẳng
ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre".
Từ hôm đó nhà sư nữ có thêm hai
bạn đồng hành. Chân bớt mỏi, đường bớt dài, họ đi chả mấy chốc đã tới đất Thánh.
Từ trước đến sau, hai mẹ con nhà nọ vẫn cung kính, coi sư nữ như thầy. Còn sư nữ
đối với họ không được như trước: - "Không biết chừng họ được thành Phật trước
ta. Họ sẽ hơn ta... Bọn này mà đắc đạo, thật là một điều nhục cho Thiền môn".
Nói chuyện đức Phật khi vừa nghe tin có người tìm đường đến Tây Trúc, cầu đạo,
vội hóa thân đi theo dõi. Từ đầu đến cuối, đức Phật vẫn không bỏ sót một lời
nói, một cử chỉ của sư nữ. Khi họ sắp qua một con sông rộng, đức Phật hóa phép
hiện ra ở bên kia bờ một tòa cổ tự, trước cửa có một cây bồ đề rất lớn, để chờ
họ.
Muốn cho hai mẹ con khỏi lẽo đẽo theo mình đến đất Thánh, nên khi qua
sông, sư nữ giả cách ngạc nhiên, chỉ ngôi chùa và cây bồ đề bảo rằng:
- Kìa,
chúng ta đã tới Tây Trúc. Chóng thật! Chính là cây bồ đề của đức Thế tôn tu
luyện ngày xưa. Thôi! Hai mẹ con cứ việc trèo lên một cành cao niệm kinh rồi
buông tay rơi xuống là tự khắc thành Phật!
Tin tưởng ở lời nói của bậc thầy,
hai mẹ con mừng rỡ làm theo không chút ngần ngại. Nhưng khi họ buông tay cho
người rơi xuống thì đức Phật đã đón họ đưa lên trời. Có bốn vị La Hán mang tòa
sen đến rước đi. Tay hai mẹ con vẫy vẫy như có ý gọi người bạn đồng hành.
-
"Đúng là họ thành Phật rồi!". Sư nữ vừa kinh ngạc vừa mừng, vội trèo lên cây để
làm như họ và để mong được như họ. Nhưng đức Phật đã có ý trừng phạt người đàn
bà kiêu ngạo và độc ác ấy một cách đích đáng, nên đã để cho bà ta rơi thịch
xuống đất, tan xương vỡ sọ. Và sau đó đức Phật lại bắt người khốn nạn ấy hóa
thành bình vôi. Tại sao lại hóa thành bình vôi? Có người bảo là chính đức Phật
muốn bắt những kẻ trong lòng bất nhân, nhưng lại đeo bộ dạng từ bi phải để cho
người đời luôn luôn móc ruột.