Bác Ba đang cùng với mấy đứa cháu lối xóm ngồi chuyện trọ từ trưa đến giờ dưới gốc bụi tre tàu trước nhà. Gió chướng thổi xạc xào cành lá. Ngồi thấy bác Ba có vẻ mỏi mệt, không muốn kể chuyện thêm nữa, thằng Truyền cắc cớ, kiếm chuyện hỏi thêm.
- Ừ! Cá kèo tao bắt dữ lắm. Có hôm lấy ghe mà chở - Bác Ba trả lời.
- Thiệt vậy hả bác? Ủa mà hồi đó bác bắt cá kèo ở đâu vậy?
Thằng Truyền lại hỏi, vẻ mặt coi bộ nghi ngờ, khó hiểu. Mấy đứa trẻ khác thì mở trừng mắt nhìn theo mấy ngón tay đang múa may như phù phép của bác.
- Nè, coi tao bắt đây! Bác Ba đứng dậy trỏ một ngón tay xuống đất. Tụi con nên nhớ vùng biển Đá Bạc của mình hồi đó vô cho tới tận con kinh Lung Tràm này. Cá kèo lội đặc như bánh canh trong nồi. Nhưng ngày xưa mà, đâu có phương tiện gì nhiều để bắt cá kèo như bây giờ. Chủ yếu là bắt bằng tay thôi. Cũng không phải ai cũng bắt bắng tay giỏi như tao. Tụi con coi đây.
Bác Ba x̣e hai bàn tay giơ lên.
- Đơn giản như vầy chứ mỗi lần tao thò tay xuống sông rồi giở tay lên là bắt được mười con, mỗi kẽ tay một con, nằm im không vẫy gì được. Cá kèo coi nó trơn lùi vậy chớ không con nào chạy tuột ra khỏi được tay tao đâu.
Mấy đứa nhỏ ngồi nghe chợt thấm ư, bật cười, cái đầu tụi nó gục gặc. Chỉ riêng thằng Truyền không nói, cũng không cười. Nó ngồi yên, chỉ đưa hai bàn tay ra trước mặt, cái miệng nó lép nhép nói gì như đếm thầm. Vụt một cái nó đứng dậy bước tới, nắm tay áo bác Ba Phi lại, hỏi:
- Bác mới vừa nói mỗi kẽ tay bác bắt một con. Hai bàn tay có tám kẽ tất cả, vậy làm sao bác bắt được mười con một lần?
Thằng nhỏ bất ngờ hỏi "trẹo cẳng ngỗng", bác Ba đớ người một lúc rồi đưa tay vỗ vỗ xuống đầu nó như thể nựng nịu. Bác xuống giọng:
- Đúng thế. Thằng Truyền hỏi đúng. Thông thường làm gì bắt được một lúc mười con cá kèo như vậy. Nhưng vìtay tao bắt cá "dính" quá, nên có số cá kèo nịnh lội tới lội lui, chực sẵn bên ngoài, chờ tao thò bàn tay xuống mỗi lần như vậy, là chúng nó nhào vô hai con một lượt để "dính ké". Nhờ vậy mà mỗi lần tao giơ tay lên thì được đến mười con!