Hồi ấy, gần xứ Quỳnh ở, có một pho tượng đá rất kỳ lạ, trần truồng đứng giữa đồng, miệng tủm tỉm cười, tay trỏ xuống chỗ kín, gọi là tượng bà Banh.
Pho tượng kỳ cục vậy nhưng linh lắm, ai đi qua trông thấy, nhếch mép cười thì không xếch mồm cũng méo miệng. Đồn rằng đó là chỗ người Tàu giấu của, thiêng lắm. Quỳnh nghe đồn, đi xem. Đến nơi thấy tượng trần truồng mà chân lại đi giày, cổ đeo hạt. Quỳnh không cười không nói, cầm bút đề ngay vào ngực tượng một bài thơ nôm rằng:
Khen ai đẽo đá tạc nên thầy!
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt.
Dưới chân đứng chéo một đôi giày,
Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay là bốc gạo thử thanh thầy?
Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,
Phô phang chi ở đám quân này.
Quỳnh đề thơ xong, bỏ đi. Tượng đá bỗng toát mồ hôi ra từ đó mất thiêng.