Một ông quan nọ được điều lên thành phố làm việc. Vợ ông vẫn đang ở quê, lâu ngày lên thành phố thăm chồng.
Vì cách ăn nói và xử sự ở thành phố khác xa với nhà quê nên ông chồng cứ gặp phải vấn đề gì là giảng giải cho vợ để vợ đỡ bỡ ngỡ.
Sáng hôm sau thức dậy ông đưa vợ đi ăn sáng bằng xe đạp, trong lúc đi hai vợ chồng nói chuyện với nhau, ông bảo với vợ rằng:
– Ở thành phố người ta ăn nói lịch sự lắm. Ví dụ như lúc người ta nói “làm sao” thì ở quê mình nói “làm răng”.
Và ông lấy ví dụ luôn ở chiếc xe đạp:
– Ở đây người ta gọi là “cái nan hoa” chứ không như ở quê mình gọi là “cái tăm” xe đạp.
Nói một lúc thì ông bảo:
– Tóm lại là ở đây “răng” người ta nói “sao” và “tăm” người ta gọi “nan hoa”.
Lúc vào quán ông chồng gọi 2 bát phở bò ra cho 2 vợ chồng ăn. Thịt bò dai quá nên người vợ bị mắc vào răng nhưng nhìn quanh trên bàn không thấy tăm đâu.
Bà vợ nhớ lại lời chồng đã dặn cách ăn nói ngoài này khác với quê bà, bà sợ rằng nếu gọi “tăm để xỉa răng” thì sợ người thành phố cười nên bà nghĩ mãi rồi cũng quyết định:
– Cho tôi xin cái nan hoa để xỉa cái sao.
Ông chồng:
– ???