Người ta nói ở Cạnh Đề: “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”, chớ vùng này, những năm đầu mới khai rừng thì người ta hay hát đưa em như vầy: ” Ở đâu bằng xứ Lung Tràm, chim kêu như hát bội, cá lội vàng như mắm nêm”.
Mỗi buổi sáng, giấc hừng đông, lúc đài Hà Nội báo thức thì lũ giang sen, chàng bè, gà dãy, lông ô, khoan cổ, chàng bè… ra tập “thể dục” rần rần. Con nhỏ đứng trước, con lớn đứng sau chẳng khác nào cuộc duyệt quân, thiên binh vạn mã. Loại trích cồ tuy nhỏ con nhưng làm “thầu hồ” nháy nháy cặp mắt màu ve chai, niểng cái đầu có mồng đỏ chót, là “tò le tét le”. Vợ chồng nhà quạ nghe vậy, từ trong cũng vội vã bay ra “dạ” rân. Đám vạc ăn đêm về ngủ nướng ở những bụi rậm, giật mình thức giấc, “nhảy mũi” hạt hạt. Trong vườn “đội nhạc công” chìa vôi thổi gió véo von. Dòng họ nhà chim bắt muỗi cũng gõ đầu hòa tấu “toang toang”. Đấy chú cưỡng bông đậu chót vót trên cành cao lé mắt “thổi kèn Tây”; chị em tu hú thấy hừng đông, chạnh lòng nhớ quê cất tiếng kêu não nuột. Ngoài mé ruộng nhà, anh chàng nghịch dầm mưa long óc mấy ngày cứ gù lưng “nhảy mũi khìn khịt”. Tội nghiệp cho bác mỏ nhác, ăn chi mà đau bụng rên “tằng yết, tằng yết” sáng đêm. Trời vừa tảng sáng, cậu rắn hổ đất đã thổi bể phù phù cho anh chim trảo chẹt “rèn” những cây phản gỗ nghe choảng choảng…
Ở ven rừng U Minh thưở ấy, vào những buổi sáng thật vui vẽ rộn rã làm sao! Ai đi làm đồng trước đó cũng phải nán lại ít nhất ít phút để nghe bản “nhạc rừng hòa tấu”.
Lũ chim chóc ngày đó dạn khì, chúng sống lẫn lộn với bầy gia súc. Chàng bè rề rề theo đổ trống vịt xiêm, vịt đẻ… khi trứng nở ra con nào con nấy cái mỏ nhọn thon như mũi kéo. Vịt ta đi đạp mái giang sen, làm con cái giang sen chân lùn tịt, con nào cũng có giọng kêu “cạp cạp”. Lạ đời nhất là loại cúm núm, chúng sống chung lộn với gà nhà, lâu ngày cúm núm ngoài đồng, con trống nào cũng có hai cái cựa nhọn lểu. Còn gà trống trong nhà thì đêm đêm cất tiếng gáy vang : “Ò ó o… cúm ! Ò ó o… cúm!”.