Trong lúc nói chuyện, nhiều người mang tật nói đi vói lại mãi những điều nào đó làm cho người nghe phải bực mình. Đối với cuộc đời, người ta nói: "Dưới bóng mặt trời không có gì mới lạ". Chúng ta có thể nói, trong thứ người ấy, không có chuyện gì mới lạ cả. Hầu hết những điều họ thốt ra có thể gọi một cách vui vui là "Bổn cũ soạn lại". Người ta hay lặp lại, thường bởi nhiều nguyên dọ Vì nghèo nàn trí nhớ, nói rồi quên, nên phải nhiều lần nhắc lại để kẻ khác cảm hiểu với mình. Vì nhàm chán cảnh đời hiện tại, thích mơ vọng tương lai. Vì một nhu cầu khẩn thiết nào đó, nên phải hạ mình xuống van nài lòng tốt của kẻ khác. Vì cho mình là quan trọng, thấy mình giàu tài đức khao khát thiên hạ ngợi khen mình. Vì thiếu lương tri, thiếu tâm lý, nên thích nhai đi nhai lại một hai điều gì đó tưởng thiên hạ mê nghe, và tự đắc rằng mình duyên dáng trong khi nói chuyện. Vì quá yêu thích một ai, hay một vật nào nên người ta thấy cần nhắc mãi những gì có liên hệ đến đối tượng yêu của mình. Vì cô đơn, đau khổ, nghèo túng. Có lẽ do kinh nghiệm, bạn biết nhiều người hay nói mãi một vấn đề chỉ vì họ kém trí khôn, hoặc bởi hoàn cảnh gia đình nghèo túng, họ không thu trữ được nhiều kiến văn. Phạm vi hiểu biết của họ chỉ căn cứ trên những công ăn việc làm chật hẹp hằng ngày của mình, vì vậy, khi nói chuyện, họ không biết gì mới lạ để nói, phải bàn luôn những việc tầm thường cuộc sống của mình. Chúng tôi có quen được một bà lão bán kẹo đậu phộng. Trong mười lần chúng tôi đến thăm bà là có đến bảy lần nghe bà nói về cách rang đậu, xào đậu với đường, cách nướng bánh tráng, về mùa nào kẹo đậu phộng phải đổi lúa, đổi dừa, phải bán bằng tiền để có lợi. Trong xã hội, có biết bao người hay nói chuyện như bà lão nầy. Tật kém trí nhớ cũng làm cho nhiều người khi nói chuyện bị kẻ khác chê chán. Chuyện họ mới nói vài bữa trước, nói rất nhiều, rất lâu mà bữa nay họ lại nghiễm nhiên nói lại nữa. Bởi não nhớ khiếm khuyết, nên những điều họ học tập từ trước dần dần tiêu tan trong thời gian. Câu chuyện của họ do đó không được dồi dào ý tưởng. Những điều họ mới bàn, họ cắt nghĩa lại. Bệnh lập lại này chẳng những rất thường ở bậc lão thành mà cũng không ít ở những thanh niên yếu tinh thần, đau thần kinh, ít trí khôn, trác táng qúa độ hay dùng không chừng mực những món kích thích như cà phê, rượu mạnh. Không biết bạn có gặp như chúng tôi, nhiều ông lão hay chê thời hiện tại cuảa chúng ta và ca tụng thời dĩ vãng của mình đã sống không? Chúng tôi thỉnh thoảng lại gặp những bậc cao tuổi có tinh thần như vậy. Tự nhiên họ có ác cảm với cuộc sống, mà họ đang sống có cảm tình rất nhiều với cái kiếp xửa xưa nào của thời họ còn măng xuân. Họ hay đem những chuyện xưa ra kể lể. Ít khi bạn gặp một ông lão hay bà lão mà không nghe họ nói hồi đó người ta không như thế này, trời đất, cây trái, tôm cá như thế kia, đời bây giờ tệ hơn hồi xưa nhiều. Và bạn nên nhớ rằng, cái thời mà khi họ còn xuân tráng, họ không ca ngợi gì lắm đâu. Có khi họ cũng chê chán lắm. Lúc về già, họ mang tâm lý "Vang bóng một thời". Mà không phải chỉ người già mới có tâm lý này nghe bạn. Hạng thanh niên cũng có nhiều người ưa khen ngợi thời xưa. Bạn và chúng tôi chắc có lần nói, bây giờ học sinh lười biếng và học kém hơn chúng ta hồi lúc bằng tuổi chúng. Có kẻ khác chê hiện tại, khao khát những cải cách ngày mai và hay nói đi nói lại những kết quả còn trong mộng. Tất cả hai hạng này điều làm cho thính giả bực mình. Sự tự ty mặc cảm có khi cũng làm cho đôi người hạ mình xuống thái quá để van nài lòng từ nhân của kẻ khác. Khi kẻ này, vì lý do nào đó không làm họ thỏa mãn được, họ lặp đi lặp lại mãi lời yêu cầu của mình. Thính giả trước mặt họ phải bực mình hơn cả người mắc nợ trước mặt chhủ nợ. Nhiều người hay "bổn cũ soạn lại" chỉ vì có tính khoe khoang thái quá. Lúc nào họ cũng muốn đời nhận mình là một người quan trọng và muốn cho thiên hạ biết những tài đức của mình. Gặp ai họ cũng hay bàn đến những thành công của họ về quân sự, những kết quả của họ về doanh nghiệp, những cấp bằng, những tác phẩm văn nghệ, những ngành văn hóa mà họ chuyên khảo. Các đầu đề ấy ám ảnh tâm hồn họ, nên hễ nói về chúng là tâm hồn họ được thỏa mãn phần nào. Trong nhiều cuộc hội đàm, có không ít kẻ hay trào phúng, hay làm trò hề mà thiếu lương tri và dốt tâm lý thính giả. Họ nói những điều mà họ tưởng làm kẻ khác cười vỡ bụng, tronh khi thính giả ngượng nghịu, thương hại tính khờ dại của họ, và muốn bịt giọng họ cho rồi. Một nguyên nhân nữa hay làm cho nhiều người có tật lập lại lúc nói chuyện là yêu say mê một người hay một vật nào. Chắc bạn nhiều lần chán ngắt một vài bè bạn hễ gặp bạn là bàn về người tình của họ. Có nhiều chi tiết bá láp của kẻ ấy, họ cũng đem ra nói như thuật một kỳ công. Họ thích nói đi nói lại về người họ yêu, là vì thự nhiên họ muốn chia sẻ nỗi sung sướng trong tâm hồn yêu và được yêu của mình. Song tiếc một nỗi họ quên rằng, con người ai cũng ưa nói về mình như họ, và ai cũng không thích kẻ khác bàn những việc không ăn thua gì đến mình vì thế thính giả không thích họ. Chúng tôi có biết được một bà lão rất thích những đồ cổ như ghế trường kỷ, mâm thau, dĩa chén, lư ô... Và một ông lão rất say mê chuyện Tàu. Ai gặp hai người này đều nghe họ bàn về những họ yêu thích. Trong xóm chúng tôi ở, thiên hạ không ưa mà họ không lo lắng gì. Có lần chúng tôi đến chơi nhà ông lão mê truyện tàu, sau khi ông thuyết cho chúng tôi nào Chung Vô Diệm đánh cờ với Hầu Anh, nào các anh hùng trong Thủy Hử, nào Đắc Kỷ với Bá Lạc Đài. Ông nói với chúng tôi: Nhiều người không ưa tôi, nhưng tôi thấy tôi ưa truyện Tàu là đủ rồi. Thật là ông Lão ngoan cố! Những người gặp tai nạn, tật nguyền, bệnh hoạn, gặp cảnh chia ly, đói rét cũng hay nói đi nói lại nguy cảnh và tâm sự của mình. Thiệt ra, họ không đáng trách, vì tâm hồn đau khổ của họ cần được chia sớt, cần nơi nương ẩn, ủy lạo. Nhưng bởi người đời, không mấy ai quan tâm đến tâm sự của kẻ khác, nên một khi họ lài nhài kể lể cõi lòng của mình, thì nhiều người chán ghét họ. Bây giờ xin bạn hãy tự xét mình, coi trong câu chuyện hàng ngày, bạn có tập quán "bổn cũ soạn lại" như những người đáng tiếc trên này không. Nếu rủi có, sinh bạn mau mau trừ tuyệt. Lối nói lập lại làm cho kẻ có óc sáng suốt phải khổ tâm. Nó làm cho kẻ khác, thấy người nói ra không biết chú trọng đến kẻ xung quanh mà mãi lo nghĩ đến mình. Và bởi cái gì nhiều quá gây chán nản, nên câu chuyện của người có tật lập lại làm kẻ xung quanh mất thiện cảm của họ.Trong xã hội, nếu bạn thường gặp những người có tật xấu này, bạn nên khoan hồng với họ. Phần đông họ bị cô độc, tâm hồn lúc nào cũng khao khát bạch lộ để được an ủi. Nếu không tốn thì giờ, hay không có hại, thì bạn nên nhẫn nhịn nghe họ giao phó cõi lòng. Bạn sẽ là người họ yêu quý cách riêng, và nhờ họ bạn có thể thành công trong nhiều việc. Sự nhẫn nhịn như thế, đã đành là thái độ lịch sự mà còn là bí quyết rèn luyện tâm tính cho mềm dẻo, có thể ăn chịu nhiều đau khổ và đủ khả năng để làm nên.