Cu Tường lấm lét, mắt trước mắt sau, rồi nhanh như cắt, leo qua cổng sắt vào sân. Cái cổng chỉ cao hơn một thước và chẳng bao giờ khoá. Đáng lẽ đẩy cổng vào thì nó lại nghịch ngợm leo qua. Cổng không cao nên nó không sợ ngã. Nhưng sợ bị Ông ngoại hay bố mẹ nó mắng. Có khi không leo, thì nó đu một chân lên ngạch cửa, một chân đạp đạp dưới đất cho cửa mở ra mà vào sân.
Cu Tường mới sáu tuổi, người gầy dài, rắn rỏi. Tóc húi « cua » để lộ cái trán rộng, bướng bỉnh. Nó thông minh, lanh lẹ, lém lỉnh lại thêm dí dỏm, cũng như đôi lúc nó già dặn, ăn nói như « ông cụ non ». Nó giản dị, không biết làm dáng như đa số trẻ con ở nước Pháp này, nên khi tóc nó khá dài thì bố nó lại lôi ra hớt thật ngắn, kiểu lính mới tò te, không đưa ra tiệm cho đõ tốn tiền. Nó ngoan ngoãn đi lấy ghế đẩu kê ngoài sân, dưới giàn hoa hồng và lấy cái khăn trải bàn lớn quấn quanh người che từ cổ xuống tới sát đất. Hớt xong, nó tự xoa cái đầu tròn vo, cười khen bố nó hớt giỏi quá, không đau mà lại đẹp nữa, làm bố nó phải bật cười.
- Cái thằng, thiệt tình...
Nó sinh ra ở bên Pháp. Bố mẹ nó vượt biên sang tị nạn ở nước này từ gần 20 năm nay. Họ lấy nhau cách đây tám năm. Nhờ ở nhà toàn nói tiếng Việt với nhau và cả với nó, nên nó không bị đớ lưỡi như phần đông trẻ con sinh ra ở xứ người. Không những thế, nó còn dùng và hiểu rất nhiều từ ngữ Việt Nam xưa và nói đặc giọng bắc vì ông ngoại hay trò chuyện với nó. Cách đúng 72 năm, mà hai ông cháu thân nhau và trò chuyện với nhau như hai người bạn. Có hôm, mặt hãnh diện, nó thủ thỉ khoe với mẹ:
- Mẹ biết không, buồn cười lắm, ông gọi Tường bằng anh. Có khi ông bảo, nó bắt chước giọng ông ngoại, « anh ở nhà trông nhà nhé, ông phóng ra chợ một tí » thì Tường lại bảo « ông ơi, tại sao ông phải phóng đi? Ông cứ đi chầm chậm cũng được, lỡ ông ngã thì sao? »
Mẹ nó hỏi:
- Thế Tường có thích ông gọi bằng anh không?
- Thích chứ, Tường lớn rồi chứ bộ. Chỉ có mẹ cứ tưởng Tường còn nhỏ. Trong bàn ăn, nó nói thao thao bất tuyệt, đến nỗi nhiều khi bố nó phải gắt lên:
- Mày có im hay không, bố mẹ mệt muốn chết mà mày cứ lải nhải mãi.
Cụt hứng, nó ngồi xụi lơ, cúi gầm mặt xuống và chậm chạp ăn. Được một chốc, ông ngoại thương hại, gợi chuyện cho không khí bớt căng thẳng, thế là nó lại tươi tỉnh và lại bắt đầu kể chuyện. Chỉ một phút sau, mắt nó lại sáng long lanh và miệng lại tí toét không ngớt. Dù sao mắt vẫn liếc bố mẹ thăm dò phản ứng. Khi thấy có vẻ còn có thể ăn mắng nữa, nó thỏ thẻ:
- Thì Tường thấy bố mẹ mệt nên kể chuyện cho bố mẹ vui đấy chứ.
Ông và bố mẹ nó đều phải phì cười. Bố nó chẳng thể làm sao hơn, đành lắc đầu than:
- Ôi cái thằng này, thiệt tình...
Biết không bị mắng nữa, nó láu cá nhại bố:
- Ôi cái thằng này, thiệt tình...
Hai mắt nó nhìn bố nó cười long lanh.
Nó kể hết chuyện trong trường đến chuyện ông cho nó và con em đi chơi những đâu. Nào là chuyện mấy đứa bạn tây ranh mãnh rủ rê nhau giả làm gió tốc váy mấy đứa bạn đầm. Chuyện thằng Julien mê con Marie Claire, xếp hàng vào lớp cũng cặp với nó, ngồi trong lớp cũng ngồi gần nó. Chuyện thằng Julien « tâm sự » với Tường là sau này lớn lên sẽ lấy con Marie Claire, không lấy ai khác cả. Còn Tường thì chẳng thích con nào cả, nhưng có một con khoái Tường, nó tên Aisha, người Rệp, chuyên môn cho Tường chewing gum. Hay là chuyện ông cho đi Jardin des Plantes xem nhiều loại cây trồng ở đây và nhiều cây chỉ trồng ở các nước có nhiều mặt trời như ở Việt Nam. Lại coi xương mấy con khủng long và các con thú nhồi rơm. Nào là đi La Geode xem vũ trụ, trăng sao cùng các hành tinh, nào là đi manège ở thương xá gần nhà. Ông không có nhiều tiền nên mỗi đứa chỉ được đi một vòng, hơi ít, nếu được đi thêm vòng nữa thì thích hơn. Rồi ông lại chỉ cho nó cách chụp ảnh. Nó chạy tìm những « tác phẩm » của nó. Quả thật nó chụp được lắm, không cắt đầu cắt chân. Có một điều nó nhắc đi nhắc lại là hai anh em nó không vòi vĩnh ông bao giờ, nhưng tự nhiên ông cũng mua kẹo, mua cà rem cho bọn nó. Mỗi lần nó kể chuyện, trong bữa cơm chiều, thì ông ngoại và bố mẹ nó lại cười ngất vì cách diễn tả rất hồn nhiên của nó. Mà chiều nào cũng có chuyện để kể và chiều nào bố nó cũng gắt lên rồi cuối cùng đành cười xòa vì lần nào nó cũng khéo tìm ra câu làm lành. Chữ nào bí, nó dùng tiếng Pháp, nhưng hỏi ngay tiếng Việt phải nói thế nào. Người lớn chỉ xong, nó dùng ngay tiếng Việt mới học. Có điều thú vị là nó nói hai thứ tiếng một lúc, một cách đâu ra đó. Ngay cả khi ở trường, trước mặt bạn bè hay cô giáo. Nó quay sang nói tiếng Việt với bố mẹ nó hay ông ngoại và đồng thời khi quay sang bạn hay cô giáo thì đổi sang tiếng Pháp, không mặc cảm, không ngượng ngùng, cũng không sợ bị trêu ghẹo. Lũ bạn ngoại quốc gọi nó là « chinois », nó gân cổ cãi:
- Tao là Việt Nam, không phải người Tầu, chúng mày chẳng hiểu gì cả. Dốt đặc.
Nó lắc đầu ra vẻ « chê ». Hôm nào theo bố mẹ đi chợ tầu ở quận 13 Paris, cu Tường vui lắm. Nó ngắm nghía, tìm hiểu đủ thứ, hỏi luôn miệng. Nó biết phân biệt ai người Tầu, ai người Việt, nhờ biết căn cứ theo tiếng nói. Hễ nghe tiếng Việt vọng tới, nó quay phắt về hướng đó. Có khi reo to:
- Mẹ ơi, có người Việt Nam mẹ ạ!
Rồi nó lân la làm quen với người đó. Cười cười, rồi chào. Người kia lịch sự chào lại, thế là nó hãnh diện khoe với mẹ:
- Mẹ ơi, bác kia chào con.
Khi bố mẹ nó trả tiền ở két, nó vẫy tay người vừa làm quen và hẹn:
- Bác đến chơi nhà Tường nghe!
Người kia khen ngoan thì nó rất hãnh diện, mặt tươi tắn hẳn lên, hí hửng chạy nhẩy bên cạnh cái xe thức ăn đầy trở ra chỗ đậu xe. Nó nói:
- Mẹ thấy không, bác đó khen Tường ngoan.
- Tường ngoan thật thì được khen là đúng rồi.
- Thế sao mình không mời bác đó về nhà mình ăn cơm hả mẹ?
- Mình có quen bác đó đâu.
- Thế sao mình không làm quen? Bác đó là Việt Nam mà.
Trong cái đầu non nớt của nó chỉ thấy toàn cái đẹp, cái hay, cái nồng ấm của tình người. Mặc dù thông minh, nó không thể ngờ rằng người ta đã không đối đãi tử tế với nhau, nhất là người Việt Nam với nhau. Nó càng không thể hiểu rằng nó là một trong những nạn nhân gián tiếp của sự bạc đãi lẫn nhau xẩy ra vừa quá 20 năm nay trên đất nước Việt Nam mà nó chỉ nghe tả về cái đẹp của cái xứ sở gốc của nó. Nó không hiểu được tại sao gia đình nó lại không ở Việt Nam và nó lại sinh ra ở xứ Pháp, mặc dù nó được dạy dỗ rằng phải hãnh diện về gốc nguồn của nó. Có lần bố nó lấy quả địa cầu chỉ cho thấy nó đang ở đâu và nước Việt Nam ở đâu. Nó đã hỏi tại sao lại ở xa thế và bố nó đã kể sơ qua biến cố đã khiến gia đình nó phải sống lưu vong. Nhưng với khối óc non nớt và lòng thiện, cu Tường đã mau quên lý do mà chỉ thấy ấm cúng khi gặp người đồng chủng.
Có hôm mẹ nó trách móc:
- Sao Tường không nói tiếng Việt với cu Toàn, cứ nói tiếng tây với nó làm gì, cứ nói tiếng Việt, tự nhiên nó phải nói.
- Thì tại nó đâu có biết nói tiếng Việt. Sao mẹ nó không dạy nó tiếng Việt nhỉ, nó cũng là Việt Nam phải không mẹ?
Rồi nó đành dùng tiếng tây với cu Toàn. Hễ gặp nhau là xí xa xí xô, phùng mang trợn mắt, đặc tây con. Chơi đấy lại hục hặc nhau đấy. Những tiếng chửi rất tây lại có dịp vang trong sân nhà. Đang chơi, nghe tiếng hét của cu Tường:
- Xuống, Tường An xuống, ngã bỏ mẹ bây giờ.
Cả nhà vừa hoảng vừa buồn cười vì từ ngữ cu Tường dùng. Nó cóp y hệt cách nói của ông ngoại khi ông la mắng nó. Tường An là em gái nó, mới lên ba, đang cố leo lên cổng, bắt chước hai thằng con trai. Mỗi đứa bị đét đít và bắt vào một xó. Cu Tường lườm lườm con em, miệng lầm bầm:
- Tại Tường An đó, đã bảo đừng leo. Nếu không đã thoát đòn rồi.
Con em bị đánh lại bị anh mắng bắt đầu nhè, thì cu Tường lại vỗ về:
- Anh yêu Tường An mà. Thôi đừng khóc nữa. Ra chơi với anh, với cu Toàn nghe.
Con em lại lẽo đẽo theo hai thằng anh chạy chơi. Tiếng Pháp tiếng Việt lẫn lộn reo vui trong sân nhà.
Có những chiều đông ẩm thấp, lạnh lẽo, ông ngoại ngồi thu mình trong ghế nệm dầy. Tường An ngồi trong lòng ông. Cu Tường thuỗn mình nằm vắt ngang chiếc ghế khác. Ba ông cháu lặng lẽ xem một cuốn phim vẽ trên truyền hình. Cuốn phim đã được xem đi xem lại nhiều lần đến thuộc lòng rồi nên lâu lâu cu Tường lại than thở một mình:
- Buồn như chấu cắn ấy, chán, chẳng có gì xem!
Nó nằm không nhúc nhích, mặt buồn thiu, mắt lơ đãng nhìn màn ảnh. Hoạt động, nghịch ngợm như nó mà phải nằm một xó, nên nó khổ tâm lắm. Câu than thở đặc biệt bắc kỳ, thêm vào giọng chán nản kiểu « ông cụ non » của nó khiến ông ngoại phải tủm tỉm cười. Ông cố moi óc tìm câu chuyện nào chưa kể để kể. Khi ông chậm rãi vào chuyện thì mắt nó rực sáng. Nó ngồi phắt dậy. Co hai chân lên ghế, thu mình, kéo cái áo khoác dài bằng nỉ xanh, tây gọi là robe de chambre, che kín hai bàn chân, hai tay chống cầm, sửa soạn lắng nghe, vẻ thích thú ra mặt.
Những ngày mưa cũng vậy. Cu Tường bị bó chân trong nhà. Nó hay đứng ở cửa kính, nhìn ra ngoài trời mưa rả rích, nhìn cây vật vã theo gió, lá hoa tơi tả, thở dài thườn thượt. Có khi hứng khởi, nó ngồi vào dương cầm. Nó mới học đàn được hơn một năm thôi, nên những nốt nhạc chỉ là căn bản. Nhưng nó cũng gật gù, nhịp nhàng. Đánh đàn chán, nó rủ ông và em đánh ngựa gỗ. Ba ông cháu lại có dịp reo hò vui vẻ, quên một ngày buồn, quên cả mưa gió. Cu Tường có lẽ có khiếu về âm nhạc. Nó cũng mê hát. Những khi nhà nó có bạn bè họ hàng đến chơi, có màn văn nghệ bỏ túi, cu Tường bao giờ cũng hăng hái. Nó lăng xăng, vui ra mặt. Nó tự động ôm micro, tự giới thiệu và hát tự nhiên. Y như hoạt náo viên « nhà nghề ». Nó hát khá hay và đúng nhịp. Lại có khi làm trò nữa. Bà con khen làm nó hứng chí, mặt rạng rỡ. Có người thấy nó lém lỉnh quá, hơi ngán, dặn dò bố mẹ nó phải coi chừng, đừng để nó đi quá đà.
Sự già dặn và hiểu biết của cu Tường quả thật đôi lúc khiến người lớn phải để ý. Khi đi thăm bà bác ở viện dưỡng lão, nó hỏi:
- Mẹ Ơi, tại sao bà Đốc phải ở nhà dưỡng lão?
- A, tại bà không có con không có thân nhân ở gần, bà lại già và bịnh, nên phải vào đây.
Nó giật bắn người lên, mặt tái đi:
- Thế ông ngoại già và bịnh có phải vào đó không? Đừng đem ông ngoại vào đây nhé, mình nuôi ông ngoại nghe mẹ!
Mẹ nó phải cắt nghĩa ông ngoại không bao giờ phải vào đây vì có gia đình nó rồi. Cu Tường yên tâm, hăng hái:
- Mai mốt ông ngoại già, Tường mua cái gậy cho ông chống. Nếu ông không đi được, Tường mua cái xe, Tường đẩy ông đi chơi, há mẹ?
Đi một quãng, có vẻ chưa hẳn yên tâm, nó lại hỏi, giọng ngờ vực lẫn lo lắng:
- Nhưng mà mẹ ơi, người ta già, người ta có chết không?
Mẹ nó ngập ngừng rồi chậm rãi cắt nghĩa. Cố làm như không có chuyện quan trọng đáng phải quá lo vì đó là điều đương nhiên, rồi thêm rằng, nếu chịu khó ăn uống cẩn thận, điều độ, chịu tập thể dục, chơi thể thao, đừng để bệnh hoạn, thì sẽ sống lâu. Nghe xong nó reo:
- A, thảm nào Tường thấy ông ngoại tập thể dục. Có hôm chủ nhật, mà Tường vẫn dậy sớm, vào phòng ông, Tường thấy ông tập thế này này. Ông vẫn nằm trên giường mà ông giơ chân giơ tay như thế này này.
Cu Tường khoa chân múa tay để diễn tả các động tác của ông.
- Tường hỏi « ông làm gì thế? » ông bảo « ông tập thể dục. » Rồi ông bảo Tường làm giống ông. Ha, ha, thế là Tường biết rồi, Tường chỉ cần bảo ông phải ăn nhiều thôi, ông ăn ít quá há mẹ há?
Về tới nhà, cu Tường chạy tìm ông ngoại và nói ngay như sợ sẽ quên mất:
- Ông ơi, ông phải ăn cơm nhiều đấy nghe, không thì sẽ già rồi chết đấy. Tường không muốn ông chết đâu.
Rồi nó sán lại, ôm lấy ông. Rồi làm như tình thương ông khiến cho ký ức nó hoạt động mạnh. Nó chợt nhớ thời còn bé hơn:
- Bà ngoại đâu rồi mẹ? Tường nhớ bà hay gọi « thằng Tường đâu, ra bà hỏi một tí ». Rồi bà nắm tay Tường thế này này.
Nó cầm tay mẹ nó mà nắn nắn từ cánh tay xuống đến bàn tay để tả cảnh bà ngoại cầm tay nó.
Mẹ nó lại thận trọng giảng cho biết bà ngoại đã mất rồi, tức là đang ở trên trời, một nơi thật yên tĩnh. Nghe thế thì nó lại bảo:
- Tội nghiệp ông ngoại, bây giờ ông chỉ có một mình.
Rồi nó lại hỏi:
- Thế ông và mình có đi gặp bà ngoại được không?
- Có chứ, lúc nào đó mình sẽ gặp lại bà, nhưng mình chưa biết được lúc nào. Tường hiểu không?
Nó gật đầu, ra vẻ hiểu, nhưng vẫn tư lự. Rồi có lẽ óc trẻ con láu lỉnh của nó phong phú, nên nó lại nghĩ đến trò chơi cút bắt, đi trốn đi tìm hay sao đó, nên nó nói mà ánh mắt như cười:
- Surprise hả mẹ?
Tò mò tìm hiểu, nhưng dù sao cu Tường chỉ là đứa trẻ lên sáu, nó lại lãng quên, không thắc mắc nữa.
Cu Tường rất hiếu thảo và hảo tâm. Nó rất thích những cuộc hội họp đông đủ họ hàng. Nhiều khi cuối tuần, tự động gọi điện thoại hỏi thăm các cô cậu nó rồi mời đến nhà. Nó mời tha thiết chứ không phải tật lém lỉnh, nóí giăng nói cuội. Các cô cậu cũng thích tụ họp, vì ở xứ người, chỉ còn anh chị em trong nhà là vui, nên rủ nhau đến, mỗi người mang một món. Thế là ngày cuối tuần qua đi trong tiếng cười rộn rã của mọi người.
Nhiều khi người lớn lan man nói chuyện hết đề tài này đến đề tài nọ. Cu Tường có khi bỏ đám con nít, lân la tò mò nghe lóm hay có khi tỉnh bơ chễm trệ ngay trên một cái ghế giữa đám người lớn, bàn góp một cách hết sức tự nhiên. Khi bàn về chuyện thanh niên Việt nam kiếm vợ kiếm chồng ở ngoại quốc, thì cu Tường tỉnh bơ góp ý:
- Tường cũng không biết tính thế nào nữa.
Mọi ngưới lớn ngạc nhiên trước sự tuyên bố quá già dặn của thằng bé sáu tuổi, bấm nhau để yên cho nó nói, xem sao. Cu Tường thản nhiên, tiếp:
- Nếu Tường lấy người tây thì chỉ sợ nó không biết ăn phở thôi.
Mọi ngưới phá lên cười. Cu Tường tỉnh bơ:
- Thật ấy chứ, nó bắt mình ăn đồ tây thì mình đâu có thích mấy. Ăn vài ngày thôi thì thích, chứ ăn mãi thì chán bỏ xừ đi. Mà nó lại không biết nấu đồ ăn Việt Nam như mẹ.
Mọi người cười lăn, cười bò ra. Tuy cười, nhưng thấy nó có lý quá, có người bàn tiếp:
- Vậy Tường lấy con gái Việt Nam là xong chứ gì?
Nó lại tỉnh bơ tiếp lời:
- Nhưng lỡ Tường yêu người tây thì sao?
Mọi người lại phá ra cười lần nữa. Tuy cười ngả cười nghiêng, nhưng thấy quả thật thằng bé có lý quá. Nó tả đúng cảnh khó khăn, dằng co giữa văn hoá âu và á của tất cả mọi người Việt sinh sống ở ngoại quốc. Cuối cùng nó tìm ra cách tốt đẹp nhất là lấy người mình thương. Nếu là người tây thì sẽ dắt nhau đi ăn cơm Việt Nam thường xuyên cho đỡ thèm vậy.
Ai cũng ngạc nhiên sao một đứa bé mới sáu tuổi mà cách suy nghĩ của nó quá già dặn như thế. Nhìn thân người nhỏ nhắn, nhìn cái đầu trọc của thằng bé, thì mọi người càng thán phục đầu óc nó trưởng thành sớm thế.
Buổi chiều, mọi người ra về, thì cu Tường buồn lắm. Nó cố câu giờ bằng đủ cách để mọi người ở lại thêm chút xíu.
Dù thông minh, già dặn đến đâu, cu Tường vẫn chỉ là thằng bé sáu tuổi. Không thể tránh những ngỗ nghịch, lì lợm, bướng bỉnh và cũng không thể tránh cảnh trêu em để em khóc toáng lên, khiến cả hai đều ăn đòn và bắt mỗi đứa mỗi xó. Thủ thỉ trong xó một lúc rồi ngủ quên không hay.
Sự già dặn và tinh nghịch của cu Tường khiến nó hay lơ đãng trong lớp học. Đối với nó, có lẽ những gì học trong lớp không hứng thú bằng những điều nó biết về đời sống, nên nó trở thành một học trò bình thường, mặc dù thông minh. Cô giáo hay phê trong sổ « nghịch ngợm và lơ đãng ». Mỗi lần mang sổ điểm về, nó lại rụt rè, lo sợ bị mắng. Nó chận đầu, chận đuôi, rào đón trước sau lung tung và hứa hẹn đủ điều trước khi chìa sổ điểm ra. Bị đe nẹt, mắng mỏ rồi bắt hứa hẹn loạn cả lên, nhưng cu Tường vẫn chỉ học làng nhàng và vẫn bị phê « nghịch ngợm ».
Thứ tư vừa rồi, tôi ghé qua nhà nó có chút việc với mẹ nó. Từ đàng xa, thấy ba ông cháu, túi xách trên lưng, đang đi ra trạm xe buýt để đi chơi đâu đó. Ông dắt hai đứa hai bên, chúng vừa đi vừa nhẩy nhót vui sướng lắm. Dù xa vẫn thấy cu Tường tí toét cái miệng. Và chiều nay, bố mẹ nó lại được nghe nó kể chuyện không dứt. Và bố nó lại sẽ lắc đầu than:
- Ôi cái thằng, thiệt tình...

Hết

 

Xem Tiếp: ----