Đối với tôi, sau mẹ tôi thì chị tôi là người đàn bà tuyệt diệu thứ hai. Nếu ai có bảo đúng là mẹ hát con khen hay thì cũng cứ việc. Tôi vẫn khẳng định như vậy. Nhớ hồi xa xưa còn học lớp ba lớp tư, cô giáo bắt tả một người. Tôi làm một bài luận ngắn ngủi như sau:
« Chị tôi có khuôn mặt trái xoan, có đôi mắt to sáng long lanh, có nụ cười thật tươi, có cái răng khểnh, có làn da mát rượi và thơm như hoa chanh. »
Để kết luận tôi xuống hàng, bỏ cách một dòng, rồi viết: « Tôi yêu chị tôi rất nhiều ». Tôi chấm hết bằng một dấu chấm, một gạch chéo và một dấu chấm nữa, đúng như cô giáo đã dặn khi viết xong mỗi bài chính tả hay mỗi bài luận văn.
Cho đến bây giờ, khi đầu đã hai thứ tóc, tôi vẫn thấy bài luận tuy cụt lủn của tôi vẫn tả được hết và đúng hình dáng chị tôi, đồng thời nói lên nỗi lòng tôi yêu chị, yêu một cách khẳng định và càng theo thời gian, tình yêu ấy càng mãnh liệt, đậm đà, sâu sắc hơn.
Bố tôi người làng Bạch Mai, ngoại ô Hà Nội. Mẹ tôi là con gái Hàng Cau, một trong ba mươi sáu phố phường của thủ đô văn hiến. Chị tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng tôi lại sinh ra ở Hải Phòng, khi bố tôi đổi xuống đây làm việc.
Gần Hải Phòng có bãi biển Đồ Sơn, cát mịn và rủ bóng thùy dương. Khi mang tôi trong bụng, hẳn bố mẹ tôi hay ra đấy tắm biển và ngoạn cảnh và có lẽ ở đấy bố mẹ đã chọn tên cho tôi.
- Cũng tại bố mợ đặt tên cô là Biển Mây nên, gớm, từ lúc lọt lòng, cô khóc ơi là khóc. Cứ nhè ban đêm là cô tỉnh dậy, khóc ra rả suốt đêm. Ban ngày thì cô quay ra ngủ mới ác chứ.
Chị tôi cười hiền dịu trách móc.
- Cô ấy khóc dạ đề đấy. Mợ tôi giảng. Các cụ ngày xưa bảo rằng hễ khóc dạ đề như vậy thì cứ từ lúc sơ sinh kéo qua ba tháng mới hết.
- Thế thì đúng quá rồi mợ nhỉ? Cô ấy khóc suốt mấy tháng chứ ít đâu.
- Tôi phục bố các cô. Mợ lại tiếp. Bố các cô là người chồng, người cha kiên nhẫn nhất trên đời. Tối nào cũng vậy, khi con khóc thì bố các cô bế cô này, vác lên vai, chỉ một tay thôi mà gọn gàng đâu ra đấy, tay kia cầm quyển sách, cứ đi qua đi lại trong nhà, vừa dỗ con vừa học. Thời đó bố các cô dù có vợ, có con rồi mà vẫn học, để lên ngạch. Tôi phục ông ấy. Con cứ ra rả bên tai, mà ông ấy cứ điềm tĩnh như không, đi qua đi lại, vừa rung con vừa đọc sách.
- Cô có biết là cô khóc dai và nhiều đến nỗi cậu T. đến chơi, cậu ấy đùa bảo sao không cho quách bà sơ cho xong. Chị tôi lại tiếp lời trong tiếng cười ròn rã. Giá mà bố mợ nghe cậu ấy thì bây giờ cô là con bà sơ rồi.
Khi chị cười, cái răng khểnh lộ ra. Duyên ơi là duyên. Mẹ tôi trêu:
- Ờ, đáng lẽ cho bà sơ rồi đấy. Nhưng cô có được ông bố đặc biệt nên đời nào ông ấy đem cho, trái lại cô còn được bố cô cưng nhất nhà đấy, cô biết không?
- Này kể cho cô nghe, cái hồi nhà mình ở ĐaKao trong Saigon, lúc cô mới có mấy tháng thì nhà mình đổi vào Saigon ở. Cô sướng như tiên. Bố mợ mua cho cô cái xe nôi có bánh xe to cao, không phải xe lùn tịt vẫn thường thấy đâu. Lại nuôi một chị vú, chị Xuân ấy, chỉ riêng trông coi cô thôi, nên suốt ngày chị ấy lo cho cô, lúc nào cô cũng thơm phức mùi phấn, tã lót toàn mua ở hiệu cả. Chị ấy đẩy xe đưa cô đi chơi quanh phố. Còn tôi cứ phải đi bộ bên cạnh. Cái ông bà Tây ở gần nhà, mỗi lần thấy chị em mình đi dạo lại ra đón ngắm cô. Rồi cô lớn lên thì chị Xuân nghỉ việc. Lúc đó chiến tranh Việt-Pháp bắt đầu nổ lớn. Mỗi khi bom đạn ầm ầm thì cô lại ré lên. Rồi lại phải chui vào tăng-xê nữa chứ, mà cô cứ khóc toáng, khổ ơi là khổ. Cô có biết bổn phận tôi là gì không? Mỗi khi như vậy tôi phải nhớ ôm theo cái bình nước và hộp bánh bích quy đem vào tăng-xê cho cô. Quên là khổ với cô đấy.
- Đúng thế, chị cô yêu cô lắm đấy và cũng chật vật vì cô không ít lúc cô còn nhỏ. Ai lại tai ác thế cơ chứ.
Mợ tôi dịu dàng trách móc.
Đột nhiên chị tôi cười ngất không nói tiếp được. Chị đang nghĩ đến việc gì nên còn lo cười. Mãi một lúc mới tiếp nổi.
Buồn cười, chị có tật hay bắt đầu câu chuyện bằng hai chữ đó, nên nhiều khi bố tôi hóm hỉnh trêu chị. Khi thấy chị dợm nói, bố đã giáo đầu trước buồn cười, thế là chị cười ngất.
- Buồn cười, mợ có nhớ cô ấy lúc ba tuổi không nhỉ? Cô ấy ra cái điều giúp quét nhà. Người thì lùn xủn, cái chổi còn dài hơn cả người, thế mà cũng đòi quét. Rác chỗ này cô tha ra chỗ khác, còn chết tôi hơn, thế mà hễ bảo cô thôi đừng quét nữa, không cần nhờ đâu, thế là cô lẫy. Cô mà dỗi thì thôi, khóc hết nước mắt. Lúc đầu cô còn khóc trong xó nhà, sau mãi chẳng thấy ai để ý, cô mò ra trước mặt người ta mà khóc. Cứ ròng ròng đứng bên cạnh mà nỉ non. Thật là cả một sự đau khổ tàn nhẫn vô nhân đạo cho tôi. Vuốt ve dỗ cho cô nín thì cô lại tủi thân khóc nhiều hơn nữa mà lờ đi thì cô cũng tủi thân lại cũng khóc mùi mẫn. Tôi chẳng biết phải làm sao. Đến nỗi cả họ đặt tên cô là cô Tư Nhè, cô biết không?
Những kỷ niệm thời tôi còn nhỏ được mợ và chị tôi lâu lâu kể lại với tất cả sự trìu mến yêu thương. Tôi chỉ biết lặng lẽ ngồi nghe mà thấy lòng mình ấm áp, lặng lẽ ngắm hai khuôn mặt có rất nhiều nét giống nhau của mợ và chị tôi. Hai khuôn mặt hiền từ, phúc hậu và duyên dáng. Có khi bắt đầu câu chuyện ở lúc tôi mới lọt lòng. Có khi bắt đầu ở chặng gia đình tôi bỏ Saigon ra Bắc vì trong Nam đánh lớn, cuối năm 1944 đầu năm 1945.
- Suốt dọc đường từ Nam ra Bắc, đến đâu mợ đi thăm thai đến đấy vì mợ có bầu lớn rồi mợ nhỉ? Ra đến Hải Phòng thì phải lấy xe lửa để lên Hà Nội. Đến Hải Dương phải đổi xe. Người ta đông như kiến ở nhà ga, trời thì tối. Mợ thì bầu to, cô thì nhỏ. Bố mợ giao cho tôi đồ đạc. Dặn tôi cứ ngồi trên cái vali và ngồi yên đó, để bố chạy đi tìm một toa xe còn chỗ trống cho mợ và cô. Tôi sợ muốn chết mà vẫn phải gồng mình ngồi lại sân ga vừa tối vừa đông. Tôi còn nhớ tôi cứ ngồi ôm khư khư cái phích nước của cô. Đi đâu cô cũng được tôi phục vụ chu đáo.
Chị lại cười. Cái răng khểnh của chị làm nụ cười thêm duyên dáng.
Gia đình tôi trở lại Hà Nội đúng lúc nạn đói năm Ất Dậu đang hoành hành. Người chết như rạ. Cứ sáng tinh sương, có chiếc xe bò đi nhặt xác, lọc cọc qua các đường phố. Nhiều khi vừa mở cánh cửa nhà cũng có xác người nằm chết dựa vào phía ngoài cửa. Cái xác đổ xuống bên cạnh, gục xuống vỉa hè. Hà Nội tang thương chưa từng thấy. Kinh hoàng lắm, chị tôi nói thế, nét sợ hãi thoáng trên mặt. Có khi chị bắt đầu chuyện từ khi chúng tôi chạy tản cư. Tôi được bỏ ngồi trong thúng cùng với em trai tôi mới sinh ra đời ở Hà Nội, sau chuyến di tản từ Nam ra Bắc. Chị tôi lẽo đẽo chạy bên cạnh đôi thúng thuê người gánh. Khi tôi lớn hơn tí nữa thì chị nắm tay tôi chạy loạn, còn em tôi được bố cõng. Chị nhắc cho tôi nhớ cái áo dài bông mầu đỏ có tay áo bên phải bóng láng vì nước mắt, nước mũi của tôi hay được chùi vào đấy, nhiều đến nỗi chỗ đó đóng thành một tảng cứng như áo giáp. Những lần kể chuyện như vậy, chị chỉ nhắc đến tôi, không kể gì về chị nhiều. Qua chuyện của tôi, tôi biết được phần nào về chị mà thôi. Thảng hoặc lắm chị mới nói về chị như hồi ở Thái Bình. Nhà trọ có vườn dâu nuôi tầm. Chị đã học luộc kén, gỡ tơ và dệt tơ rồi đem ra chợ bán. Những cúi tơ óng mịn, mầu vàng nhạt được đặt cẩn thận trong cái thúng lót vải. Chị đã ôm ra chợ mời chào, nhưng chỉ mời những cúi mịn. Những ai không chuyên môn định lấy những cúi xấu, tơ dệt bị đứt nên hay có mấu nối, thì chị thật thà bảo người ta đừng mua. Chính chị lựa cho người ta cúi đẹp. Có ai trách chị sao thật thà đến thế, thì chị chỉ cười, không nói. Nụ cười thật hiền.
Ngày tháng trôi qua. Chị em chúng tôi sinh ra ở thành thị, nhưng lại lớn lên ở thôn dã. Mộc mạc như những cánh hoa đồng nội, trong sạch như đọt lúa mới đâm đòng đòng. Thuở thiếu thời bồng bềnh như những thân gỗ thả trôi về xuôi trên dòng sông Mã, nhấp nhô dưới ánh nắng ban trưa. Bồng bềnh như những con thuyền đinh chở hàng từ thượng du xuôi về kinh, trong ánh trăng váng đêm rằm. Trên sông rộng, mang mang tiếng hò nhặt khoan và tiếng mái chèo gõ nhịp vào mạn thuyền. Nơi đây, bên bờ sông lịch sử, hai bờ sông đá lởm chởm, cỏ cây mọc chen nhau, dòng sông sâu hun hút phiá dưới. Sau này giờ Việt văn, có câu thơ của bà Huyện Thanh Quan « Cỏ cây chen đá lá chen hoa » làm tôi nhớ ngay đến bờ sông cũ. Cảnh sông vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Nhưng không phải chỗ nào bờ sông cũng lởm chởm đá, mà đôi khi trở nên thoai thoải, lộ ra một bãi cát nhỏ. Nước chảy nhu mì chứ không cuồn cuộn sóng như ở vài khúc khác.ơi đây, tôi được ngắm chị tôi e lệ kéo cái quần đen lên đến tận nách, thắt chặt dải rút ở phía trên ngực, hai vai trần mịn màng, mầu nâu hồng khỏe mạnh của tuổi dậy thì. Chị bắt chước cách tắm sông của người thôn quê. Cũng quần đen kéo cao và tóc búi sát gáy. Chị khoan thai tiến xuống dòng nước trong mát lạnh cho nước ngập đến cổ mới dừng lại. Còn tôi mới chỉ là con bé con năm tuổi ham đùa nghịch trên cát hay tinh nghịch té nước dọa làm ướt tóc chị. Nhưng cũng có lúc tôi ngẩn người ra ngắm chị khi chị tiến xuống nước hay từ từ nhô người ra khỏi mặt nước loang loáng nắng chiều. Những giọt nước đọng trên mầu da nâu hồng của chị. Những lúc đó tôi thấy chị tôi như nữ thần nước, đẹp tuyệt vời. Rồi tôi sung sướng chạy theo chị. Hai chị em chui vào bãi ngô bên cạnh, tôi khúc khích nhìn chị choàng váy qua đầu, thắt dây rút ở cổ, cái váy được thả dài xuống tận mắt cá chân, chị cố trút áo quần ướt thay cái khác trong cái váy chật hẹp đó. Vừa thay hai chị em vừa cười với nhau. Có khi tôi láu lỉnh giả bộ la hoảng lên như vừa bắt gặp ai đang nhìn trộm thì chị lại cuống quít thêm và càng lúng túng trong cái váy chật hẹp. Chị vừa cười vừa sợ, dọa sẽ đét đít tôi nếu quả thật tôi nói láo. Buổi tối, sau bữa cơm đạm bạc, trong ánh sáng tù mù một ngọn đèn dầu, tôi lại có dịp ngắm hai khuôn mặt tuyệt diệu của tôi, nghiêng nghiêng trên tấm áo đang phải vá hay trên trang vở học trò nhạt mầu mực tím. Giờ phút sung sướng nhất trong ngày có lẽ là giờ phút được rúc vào lòng chị, cảm thấy cánh tay mát rượi của chị quàng qua người tôi, hơi thở ấm áp tỏa vào gáy tôi và một mùi thơm như mùi hoa chanh ướp trong khoảng không gian chật hẹp của cái màn vải sô trắng đục. Nhịp thở đều, nhẹ và ấm của chị giúp tôi đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng.
Ở làng Sét, nhưng hai chị em tôi đi học tận làng Là, cách đó khoảng bốn năm cây số. Bà ngoại tôi dậy thật sớm, trước khi gà gáy. Bà lúi húi thổi nồi cơm rồi nắm cơm trong mo cau, không quên rắc tí muối vừng vào bên cạnh. Có hôm bà kèm cho củ khoai lang lùi, thơm phưng phức. Cái áo tơi mưa bằng lá gồi cứng ngắc, ngay đơ, chúng tôi vai khoác chiếc ghế xếp dùng làm bàn học, cuốn vở nhét vào trong túi vải, lọ mực tím móc vào ngón tay trỏ, một tay thủ trong túi áo ủ mo cau ấm hơi cơm nắm tỏa nóng một khoảng bụng. Chúng tôi co ro đi học. Đường đê cao hun hút gió đêm về sáng. Tiếng ếch nhái côn trùng còn ra rả vang vang trong cõi cô tịch. Bóng tối chưa thật tan nên đôi lúc còn thấy đom đóm lập lòe trong cỏ ướt ven đê hay bay chập chờn phía xa, trên những ngôi mả hoang. Vài con châu chấu hốt hoảng bị đánh thức nhẩy lao xao. Trên đê vắng hai chị em rù rì trò chuyện. Chúng tôi sợ nhất là khi đến gần làng Là. Đầu làng có cái miếu khá to, đổ nát rêu phong, lù lù trong sương mờ đục. Ở đấy có một cây si hay cây đa mà quạ cả trăm con đêm đêm về làm tổ. Chúng tôi thôi không dám nói chuyện, nín thở, rón rén đi. Cố không cho hai chiếc áo tơi đụng nhau hay xột xoạt theo bước chân. Nhưng dù cẩn thận đến đâu vẫn đánh thức được đàn quạ. Chúng hoảng hốt tung bay loạn xạ, kêu quang quác. Bay xà cả lên nón lên người mình. Những lúc đó, chị em tôi sợ lắm, rủ nhau ba chân bốn cẳng chạy thục mạng vào đến tận cổng làng mới dám dừng lại thở hổn hển. Lúc hết sợ rồi thì chị em tôi lại cười như nắc nẻ, hú vía không bị quạ mổ. Chúng tôi lớn lên trong tiếng bom đạn và khói súng, trên hoang tàn đổ nát của quê hương dưới thời thực dân, cho đến năm 1950, bố mẹ dắt chúng tôi trở về thành phố cũ. Hà Nội mến yêu, có Hồ Gươm liễu rủ, có Hồ Tây lộng gíó, có đường Cổ Ngư nổi tiếng bánh tôm ngon.
Một lần nữa, tôi lại ngẩn ngơ nhìn chiếc khăn quàng cổ bay bay theo tà áo dài tha thướt chị mặc đi học. Nụ cười có cái răng khểnh càng thêm duyên dáng.
Hiệp định Genève chia đôi đất nước khiến chị em tôi lại một lần nữa bôn ba chạy loạn. Tôi ngỡ ngàng nhìn chị tôi theo bà ngoại và những người Bắc đầu tiên trên hơn nửa triệu dân miền Bắc di cư, xuống tầu há mồm vào Nam trước bố mẹ và tôi. Gần một năm sau, tôi vui sướng gặp lại chị. Tôi ngạc nhiên nhìn chị thay đổi, khác hẳn, với mái tóc cắt ngắn uốn rợn sóng, nét chì tô đôi mắt thêm sâu và long lanh, phơn phớt chút sáp hồng trên má trên môi. Chị tôi đã trở thành thiếu nữ đang xuân rực rỡ. Chị đi học bằng xe solex. Tà áo dài trắng dắt vào yên sau, tà trước nắm trong tay để trên ghi- đông, khiến chị như đang đi trên con thuyền có cánh buồm căng gió. Khi nhìn chị với vài bạn học đi xe về cùng khu phố chào nhau chia tay, ríu rít như đàn hạc trắng, tôi lại thấy chị tôi đẹp quá.
Đã lâu rồi và vì đã lớn hơn, thêm phần nhà rộng rãi, tôi tiếc không còn dịp ngủ chung giường với chị nữa, nhưng vẫn được chung phòng. Có đêm, nằm trong màn, tôi nhìn sang giường chị thấy chị hay trở mình, có lúc hình như chị thở dài. Tôi muốn bò sang xin chị cho ngủ chung như trước, nhưng vì giường chỉ đủ một người nằm và trời lại nóng nực, hơn nữa thấy mình đã...lớn, chẳng lẽ còn làm nũng chị, nên tôi lại bỏ ý định. Nằm trong màn tôi theo dõi. Hình như chị đang đọc thư. Rất nhiều lần như vậy. Tiếng giấy mở sột soạt rất nhẹ. Tôi bất chợt nhận ra rằng bây giờ có rất nhiều cánh thơ gửi cho chị. Có những lá thư chị thờ ơ đọc, nhưng có những lần chị có vẻ mong ngóng, đi ra đi vào, đợi chờ thư đến, chộp ngay lấy, mang vào phòng, đóng cửa lại đọc một mình rồi đợi đêm mang ra đọc lại trong màn. Trong ý nghĩ con nít của tôi, tôi thấy thú vị vì sẽ có nhiều dịp trêu chị, làm eo làm sách với chị, như thời xa xưa vẫn dọa làm ướt tóc chị hay giả bộ nói có người nhìn trộm chị thay quần áo trong bãi ngô. Nhưng tôi cũng mơ màng nghĩ chị tôi đã yêu ai rồi, á à chị có bồ. Ý nghĩ đó làm tôi càng muốn cười. Tôi phải bụm miệng cho tiếng khúc khích không phát ra to, để chị không biết là tôi đang biết bí mật của chị. Tuy đã mười ba, nhưng tôi vẫn rất con nít, vẫn còn thơ ngây đi rước đèn Trung Thu quanh xóm vào dịp lễ tháng tám, nên vấn đề yêu đương đối với tôi chỉ như một chuyện...tiếu lâm. Có đêm tôi ngạc nhiên thấy chị vừa đọc thư vừa khóc thút thít thật khẽ. Chị sợ tiếng xịt mũi hay lau nước mắt của chị làm tôi chú ý nên cố giữ cho khỏi gây tiếng động. Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại có vẻ vừa sung sướng vừa đau khổ vì thứ tình cảm mà tôi nghe thiên hạ gọi là tình yêu. Tôi cũng ngạc nhiên và nhiều lần tự hỏi cái tình cảm đó nó ra làm sao mà khiến chị tôi khi buồn khi vui, khi tươi như hoa khi sầu thảm lẫn lộn như vậy. Có những chiều chủ nhật, chị không đi chơi chung với bố mẹ và tôi nữa. Chị thoái thác lấy cớ bận học, ở nhà. Lại có khi chị xin phép đi chơi với bạn. Tôi lân la ngồi cạnh chị bên bàn phấn trong phòng ngủ, nhìn chị trang điểm. Có khi tôi dành đánh móng tay móng chân cho chị. Thương tôi, chị để yên cho tôi làm. Nhưng tôi vụng về, lóng ngóng, bôi tèm lem, chị phải sửa lại, nhưng không gay gắt với tôi bao giờ. Sửa soạn xong, chị tươi tắn ra đi. Có một lần duy nhất, nhân thấy chị rảnh rang, nằm đọc sách trong phòng, tôi giả bộ vào phòng tìm kiếm cái gì để có cớ nói chuyện với chị. Sau lần đó tôi biết được tên người chị yêu. Cái tên mà sau lần đó chị vẫn nhắc đến với tôi với một sự trìu mến chưa bao giơ tôi thấy ở chị, khác hẳn sự trìu mến chị vẫn dành cho tôi xưa nay. Từ sau lần mở cửa tâm hồn ra với cô em nhỏ dại và ngây thơ khờ khạo đó, chị như tìm thấy một người để đi khoe những đoạn thơ tình tha thiết, những món quà nho nhỏ, chia sẻ cái vui cái buồn của chị và nhất là để chị nhắc đến tên người yêu và tâm sự những toan tính tương lai của hai người. Tôi nhận thấy chị vui nhiều hơn buồn. Chị yêu và chị được yêu. Như con chim sơn ca, chị hay hát nho nhỏ những bài ca ngợi tình yêu, những bản tình ca ướt át.
Tôi hốt hoảng đỡ chị không kịp. Chị ngã vật xuống sàn gạch. Hai chị em đang làm bếp, chị đang đứng bên hồ nước trong bếp thì kêu chóng mặt và bất thần ngã xỉu. Tôi la to kêu bố mẹ vào phụ đưa chị ra nhà ngoài. Ngưới chị nhũn ra và mặt tái mét. Bố cho người đi mời bác sĩ đến. Sau khi khám tổng quát, bác sĩ nói cần phải đưa chị vào bệnh viện. Tôi lo lắng không biết chị bị bệnh gì, chỉ biết lẽo đẽo theo vào nhà thương.ác sĩ ở bệnh viện báo một tin mà tôi không muốn tin. Không muốn tin một tí nào vì tôi nghĩ nếu là sự thật thì Hoá Công quá bất công đối với chị tôi. Chị tôi đễ thương là thế, chị tôi đẹp là thế và chị tôi đang yêu đời là thế. Ai nỡ tâm giáng xuống một thảm họa như thế, bắt chị tôi phải gánh chịu? Chị tôi bị ung thư máu. Thời gian sống còn không có gì bảo đảm sẽ kéo dài lâu hơn vài năm. Vào thăm chị thì tôi nghĩ rằng chẳng bao giờ tôi quên được nước da tái xanh, khuôn mặt nhợt nhạt và nhất là ánh mắt buồn thảm sâu thẳm mênh mang của chị. Tất cả mạch sống như bị cắt đứt. Chị nằm đó mà tâm hồn chị chắc chắn đang bay về bên cạnh người chị yêu, cố sống những giây phút cuối cùng của cuộc đời yêu đương đôi lứa. Chị quay nhìn tôi thờ thẫn. Tôi chỉ nhìn thấy đáy vực sâu hun hút trong đôi mắt đen của chị. Đôi mắt với ánh nhìn hiền từ, trìu mến. Đôi mắt mà trong đó đã tắt ngấm nét vui tươi yêu đời tôi vẫn thấy khi đọc vài đoạn thơ tình của người yêu cho tôi nghe, hay ánh cười phản chiếu trong gương khi chị ngồi trang điểm bên cạnh tôi trước bàn phấn.
Rồi thời gian trôi. Đường đời chia chị em tôi mỗi người mỗi ngả. Chị tôi đã trở về bên giòng sông cũ, làm nữ thần nước như tôi đã tưởng thấy trong lúc xúc động vì vẻ đẹp mộc mạc của chị. Ngày hôm nay, khi viết những dòng này, mắt tôi đã nhạt, tóc đã phai màu, bàn tay đã nhăn nheo. Tôi vẫn nhớ bài luận văn ngắn gọn tả chị tôi, mà trước khi cẩn thận chấm hết, tôi đã khẳng định rằng tôi yêu chị tôi rất nhiều.

Hết


Xem Tiếp: ----