Trên đường đi ra thương xá nhỏ gần nhà, Nguyệt thấy từ xa bà cụ Phước đang khóa cửa rồi tấp tểnh đi phía trước. Bà cụ Ở cùng quận với Nguyệt. Quận nhỏ nên gặp nhau luôn. Chắc lại bị phong thấp, đau chân rồi đây, nên mới đi cà nhắc như vậy, thật tội quá! Nguyệt nghỉ thầm. Nhanh bước lại gần bà cụ hơn. Nguyệt lên tiếng gọi:
- Bác ơi, bác đi đâu vậy?
Bà cụ quay lại, dừng chân đứng đợi, tươi cười. Nguyệt lại gần, mau mắn:
- Chào bác ạ, bác đi chợ?
- Chào bà, dạ tui đi chợ. Tui đi mua đồ về nấu ăn cho con gái tui đây. Bà cũng ra chợ chớ?
Bà cụ theo thói quen gọi Nguyệt bằng bà, có lẽ vì thấy nàng cũng chẳng còn trẻ trung gì. Nhưng nàng lại cứ gọi bà cụ bằng bác. Nàng thấy cách gọi đó gần gũi, thân mật hơn là dùng chữ cụ, nghe già quá và lễ mễ quá. Hơn nữa, tuy bà cụ đã gần 70 tuổi, nhưng tính tình trẻ trung và cách ăn mặc cũng rất mới. Nàng thấy nếu gọi là cụ thì quả thật tiếc cho cái sự trẻ trung hiếm có ấy.
- Dạ, cháu cần mua chút đỉnh. Sao, chân bác sao thế? Lại đau phong thấp rồi chắc?
- Không có, trời ơi, xui hết sức bà ơi! Bữa hổm lấy xe buýt đi thăm con gái, mình vừa đưa thẻ « vẹc mây » ra, ông tài xế rồ máy chạy liền, có kịp nắm níu gì đâu, thế rồi gần té chúi nhủi đầu, mình cố giữ thăng bằng mà hổng được, chạy xô tớ mấy bước, ngón cẳng cái thúc vô chân ghế, tróc móng đau thấy ông bà ông vải. Mấy ngày trước nó đọng máu, xưng tù vù, nhức nhối đi hổng được, phải đi bác sĩ, rồi nằm nhà uống thuốc, chán quá, buồn thúi ruột thúi gan, bà ơi! Giờ đây đã đỡ, chỉ còn đen thui cái móng. Chắc chắn nó sẽ tróc ra, thay cái khác được thì tốt, mà hổng thay được thì ngón cái sẽ hổng có móng, bà thấy có khổ không? Cho nên bây giờ chắc bà thấy tôi đi cà nhắc?
- Dạ phải, nhưng sao bác không ở nhà nghỉ cho bớt đau đã rồi hãy ra ngoài?
Bà cụ giẫy nẩy:
- Trời ơi! Phải đi chớ bà. Đau cũng phải ráng đi, nằm nhà một mình lâu chịu gì thấu. Tui không ở nhà nổi nguyên ngày đâu bà ơi! Phải lấy cớ này cớ khác mà ra ngoài đường, đi ngó người này người kia, ngó cái này cái khác, cho qua thời giờ. Hơn nữa bà coi, ở một mình, mình không đi chợ lo cái ăn, ai lo cho mình đây? Con cái mắc kẹt hết rồi. Tụi nó có gia đình, chồng, vợ rồi con của nó, thì giờ nào nó lo cho mình chớ? Ở đây nó vậy đó, bà cũng biết đó chớ, tui cũng rất hiểu bà à.
Nguyệt lặng thinh. Quả thật ở mấy xứ Âu Mỹ đời sống như thế cả. Lúc nào cũng vội vã, hộc tốc xốc gan, lúc nào cũng như thiếu thời giờ. Sáng mở mắt ra, chồng vợ con cái mạnh ai nấy lo thân cho kịp sinh hoạt riêng của mỗi người. Ở bên Mỹ, nhà cửa rộng rãi, nhà nào cũng có ít nhất hai phòng vệ sinh, hai phòng tắm. Cái nạn chờ đợi vào buổi sáng không xẩy ra. Nhưng ở bên âu châu, nói chung và Pháp nói riêng, nhà nào đông người mà chỉ có một phòng tắm và một vệ sinh thì quả là điều khổ tâm vì sẽ phải xếp hàng đợi lượt mình, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, làm đẹp chớp nhoáng, nếu không đợi được thì cứ việc chen chúc nhau trong đó, không ai nhìn ai cho xong việc. Sau đó ăn sáng cũng chớp nhoáng. Có người còn ráng nấn ná dăm phút để nuốt cho xong mẩu bánh hay uống vội ly sữa, mà thân người đã ở ngoài bực cửa, chỉ trực vù đi. Đấy là chưa kể đến màn đẩy xe đưa con đi gủi vú trước khi đi làm. Gần như chẳng kịp nốc ly cà phê nóng chứ đừng nói tới chuyện ngồi nhâm nhi bên ly cà phê nhỏ giọt từ phin ra rồi bốc khói thơm ngát như hồi xa xưa còn ở Việt Nam. Những buổi sáng trong quán gật gù trước tờ báo, bên ly cà phê phin và tô phở nóng cháy môi không còn bao giờ được thấy và được hưởng ở mấy cái xứ chạy đua với thời gian này nữa. Buổi chiều rã rời từ những hãng xưởng hay văn phòng, hấp tấp ra về, hộc tốc chạy theo cho kịp chuyến xe buýt, xe điện ngầm, hùng hục đi như lính tập trận hay những đàn cừu bị lùa về chuồng trong những hành lang dài hun hút quanh co và gió lộng xoáy vào những ngày đông giá. Không bao giờ được thấy mặt trời vì ra đi từ lúc còn tờ mờ sáng mà khi về thì đã tắt nắng từ lâu. Chưa kịp thay áo đã nhào vào bếp, vội vã lo cho kịp bữa cơm tối, con cái đứa nắm áo mẹ đòi ăn, đứa nhõng nhẽo bố vì thèm được cha mẹ âu yếm một tí.
Đời sống này bà cụ Phước đã thấu hiểu và đã thông cảm với con cháu.
- Ở đây mấy người già chúng tôi cực lắm, cực cái đầu, cực cả cái thân nữa. Đó là tui may mắn, con gái nó mua « ápạc » cho tui ở đàng hoàng. Nó cũng tới lui thăm tui thường, gần nhà nó nên tui cũng tới lui coi sóc và chơi với mấy đứa cháu ngoại được. Nhưng ở chung không được bà ơi!
Bà cụ nhỏ giọng lắc đầu:
- Khó lắm, rể tây. Con gái tui nó nói, thôi má ở một mình đi, con tới thăm được rồi. Nói gì nữa bà? Tui «đắc co» ngay cho nó yên tâm. Mình là mẹ mà, có nề hà gì đâu? Miễn con cái có hạnh phúc là mình vui rồi. Đó là rể ngoại quốc đó đó. Phải mà dâu đầm thì còn mệt hơn nữa đó bà ơi. Nhưng nói cho ngay, cũng tùy người cả, hả bà? Tui có bà bạn có con dâu đầm. Vậy chớ nó cũng tình nghĩa lắm. Ngày Tết hay ngày giỗ kỵ, nó cũng biết tới, cũng lăng xăng, thấy cũng tội nghiệp lắm. Trời thương tui cho tui sức khỏe, nên đi tới đi lui tối ngày cũng đỡ khổ. Xế trưa tụi nó chưa đi làm về, tui qua nhà nó nấu món ăn Việt Nam cho tụi nó ăn tối. Về tới là có ăn rồi. Nhưng nấu xong tui về nhà tui. Đôi khi tui cũng ở lại ăn với tụi nó. Lâu lâu một lần vậy mà, cho nó có món Việt Nam mà ăn. Con gái tui có biết nấu nướng gì đâu. Đi du học từ nhỏ, lớn học ra trường rồi lấy chồng tây rồi ở đây luôn tới giờ. Tới chừng mất Saigon, bảo lãnh tui qua. Ông nhà tui mất lâu rồi, trước ngày cộng sản chiếm Saigon lận. Cũng tại nó ỷ y có tui, chớ thấy mấy bà sang sau này, thời vượt biên dữ đó, họ cũng học nấu món này món kia đó chớ. Bà nào cũng nấu ăn giỏi hết, mà còn đi làm nữa chớ. Đàn bà Việt Nam mình giỏi quá chớ, chỉ có con gái tui là dở.
- Vậy thì bác ở Pháp khá lâu rồi còn gì..
- Dạ, từ năm 77 tới giờ. Cũng hai chục năm rồi chớ ít gì. Có quốc tịch Pháp đàng hoàng nữa chớ.
Bà cụ cười hì hì.
- Thế bác có lấy tên tây không? Nguyệt trêu
- Trời đất thánh thần ơi! Mấy đứa trẻ chớ tui già cỡ này rồi, lấy tên tây làm gì? Hổng lẽ lấy tên mari sến?
Bà cụ Phước tỏ ra hài hước. Nguyệt cũng cười theo.
- Từ hồi qua đây, bác ở một mình ngay à?
- Chớ sao bà. Trước khi bảo lãnh qua đây, con gái tui viết thơ cho tui biết rồi. Tui nghĩ đằng nào tui cũng ở một mình, ở Việt Nam cũng một mình, vì có hai đứa con gái thì du học tuốt luốt hết. Rồi ông nhà tui mất trước tui. Qua đây ở một mình cũng hổng sao. Mình quen rồi, bà biết hông? Mình ở đâu thì phải quen đó. Người ta nói phải biết...biết...gì đây nè, ờ phải biết hội nhập đó mà, mới dễ sống. Sáng dậy tui cũng tập thể dục. Ăn sáng xong xuôi là mặc áo ra đi. Đi chỗ này, đi chỗ khác, ngắm thiên hạ vậy đó. Có khi vô trong Paris quận 13 mua đồ Việt Nam, mua chút chút thôi, chớ nặng quá na về sao nổi. Chừng nào mua nhiều thì đợi con gái đưa đi. Bữa hổm tui mua được cuốn băng viđéo vọng cổ hay thiệt hay, mà không phải của cộng sản à nghen. Ham xem, ham mua, vậy chớ tui để ý lắm bà à. Giao lưu văn hóa, tụi nó đang đánh tâm lý đó đó. Nó tung ra nhiều cuốn băng nhạc, băng cải lương này nọ, khơi lòng quyến luyến quê hương lúc nào mà chẳng tàng ẩn trong lòng mỗi người mình. Vô hình chung, mình để cho chúng nó đưa dắt hồn mình, nó điều khiển trí óc mình, rồi qua về xứ sở này nọ, chúng làm cái màn nhập nhèm vậy mà. Xem xong cũng nhớ Việt Nam quá chớ. Nhưng tui chưa về lần nào. Hổng còn bà con gì ráo bà ơi, đi hết rồi. Ruộng vườn cũng không còn vì phải cúng cho chúng nó tui mới đi được. Tư sản, điền chủ mà bà. Chỉ có miếng đất hương hỏa mộ phần từ đời ông cố của tui thì để cho người bà con ở lại trông coi. Chẳng biết có tươm tất hay không. Có về thì cũng như đi du lịch vậy thôi, đâu còn nhà cửa gì, mà tui nghĩ về sẽ buồn lắm, vì còn nhiều người khổ lắm, mình đã khổ, nhưng còn nhiều người ở lại khổ hơn mình nữa. Mà bà đã về Việt nam chưa?
- Dạ chưa. Cháu cũng như bác chưa về lần nào. Thấy người ta về rần rần, cháu cũng có nghĩ tới, nhưng không hiểu sao cháu vẫn chưa thấy thật vui khi nghĩ đến ngày về. Chúng cháu cũng như bác, có ở với Việt Cộng rồi nên càng thấu hiểu họ ra sao. Bao nhiêu người đã và còn khổ vì họ. Thâm tâm cháu chẳng bao giờ quên được, làm sao nói chuyện về nước vui chơi được bác
- Tui cũng như bà đó. Nhưng mà bà ơi, không phải ai cũng như mình đâu. Tui thấy người mình coi vậy mà mau quên, thua xa người Do Thái. Thật ra so sánh với người Do Thái cũng không đúng lắm vì Do Thái bị tụi Đức quốc xã giết. Còn đây là người mình giết người mình. Anh em trong nhà đánh giết nhau. Cho nên người mình dễ xí xái bỏ qua chăng? Vì sự thật nhà ai cũng có người ở phía bên kia. Sau này chiếm được miền Nam rồi thì nhà ai cũng có người đi tù cải tạo. Nhưng xí xái như vậy, hỏi bà, còn gì là công lý trên cõi đời này nữa? Đứa có tội không bị trừng trị, chính nạn nhân lại hè nhau kêu gọi chín bỏ làm mười, kêu gọi nhau hỉ xả. Ngay cả khi đứa gây ra thảm cảnh chưa lên tiếng nhận lỗi hay xin tha thứ. Cứ nói bao dung, chẳng hoá ra dung túng cho kẻ xấu tiếp tục làm càn sao? Dù sao đi nữa, mới ngày nào đây, thiên hạ xanh rờn mặt mũi, chạy tóe khói theo máy bay, theo trực thăng, hay là trốn chui trốn nhủi đi chui bằng ghe, bằng thuyền, năm lần bảy lượt mới thoát, tán gia bại sản, có người tù lên tù xuống, chạy sạch nhẵn tiền của mới đi nổi, hoặc là thiết tha nhờ bảo lãnh, chạy tiền không ít mỗi lần ra vào sở ngoại vụ và mấy tòa lãnh sự, mà nay chẳng hiểu họ nghĩ sao, kêu nhau về hà rầm, lấy cớ chán nản xứ người, lấy cớ gặp phải kỳ thị, không được làm chức vụ xứng đáng, lấy cớ chán con vợ đầm, chán thằng chồng tây, lấy cớ buồn nhớ quê hương. Hỏi bà chớ ai sung sướng khi phải dứt ruột bỏ nước mà đi? Ai thích ở xứ người chớ? Mình có đi du lịch đâu? Mình chạy loạn mà. Phải biết vì sao và vì ai mà mình phải bỏ nước ra đi chớ? Thời đó sao không gồng mình ở lại như số người còn ở Việt Nam hiện giờ đi, mất công, mất của làm chi cho tốn kém, có khi mất mạng nữa. Rồi bây giờ khen thôi là khen, vui lắm, sướng lắm, rẻ lắm. Vậy chớ mấy người đó có tự hỏi vì sao hồi đó mình « ngu quá, ra đi làm chi, ở lại thì khỏi cái màn nhớ nhà, nhớ nước, khỏi mất công, mất tiền mua vé máy bay đi đi về về? » Còn nếu ngon nữa, thì về ở luôn, xé thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ quốc tịch ngoại quốc đi cho rồi. Nói theo cộng sản, chạy theo « phồn vinh giả tạo » làm chi nữa? Về một xứ mà cứ phải canh cánh trong lòng, bưng tai, bịt miệng. Ối bà ơi! nói ra thấy rầu. Mấy thằng Việt Cộng nó cười thúi. Cái nhục chưa đánh, tổng thống với tướng tá đã bỏ chạy, đã đầu hàng, chưa phai, nay lại đến cái thờ ơ, cái ngây thơ, cái ích kỷ chết người của ngưới đời làm mình...hết ý...hết ý. Tự mình chà đạp lên ý nghĩa của sự ra đi trước đây của mình. Thằng cộng sản không cần đụng một ngón tay. Trước đây nó không tốn viên đạn cũng chiếm được miền Nam, bao nhiêu chiến sĩ chết tức chết tưởi. Bây giờ nó không cần kêu xin tha thứ, cũng tự động có người kêu dùm và coi như phải được tha thứ. Ai không tha thứ, ai không về Việt Nam coi như « lỗi thời », nghe được không bà? Bà có thấy thằng cộng sản nào mở miệng xin bỏ qua những hành động dã man của chúng đối với đồng bào suốt từ năm 54 đến giờ hồi nào không? Chỉ cần nó tung ra ít bài ca ướt át, lấy tình quê hương ra dụ khị, thiên hạ cũng tự nguyện đem công của về cúng cho nó, gỡ rối dùm nó lúc các đàn anh cộng sản nát bấy, không viện trợ được nữa. Già như tui đây nhiều lúc còn thấy nản. Hết ý kiến...Hết ý kiến...Tui chỉ nói chuyện được với bà thôi chớ nói như vừa rồi với nhiều người thì họ bảo tui...chống cộng ấu trĩ lắm.
Bà cụ Phước thở hắt thật mạnh như cố trút hết phẫn nộ ra ngoài.
- Thật đấy, bác nói có lý lắm. Cháu cũng đồng ý với bác. Ví dụ có trường hợp đặc biệt, như người đã xa quê nhà lâu quá rồi, họ sinh ra ở nước ngoài, họ đi du học từ khi còn trẻ, hoặc có khi họ sinh sống ở các nước lân cận như Lào, Miên, họ không biết gì về Việt Nam, hay ngay cả thanh niên muốn tìm hiểu về đất nước ra sao vì buồn lòng khi bạn hữu khác chủng tộc có nước non, có quê hương, hoặc những người ra đi một mình, cả nhà kẹt lại, họ muốn về thăm gia đình, thì còn có lý do chính đáng. Nhưng đằng này toàn những người trước đây tìm đủ mọi cách ra đi, mà bây giờ năm nào cũng về hai ba lượt, chỉ để hưởng lạc thú, để buôn bán, vì mọi thứ quá rẻ so với đồng lương ngoại quốc, nhưng họ không thấy rằng quá đắt so với đồng tiền trong nước. Sau đó còn vô tình sang đây quảng cáo không công cho cộng sản, thì cháu cũng như bác, hết ý kiến...Cho nên con đường của những người ôm ước mơ không còn bóng dáng cộng sản trên quê hương còn chông gai, còn chua cay lắm bác ơi! Nhưng cuối cùng cháu nghĩ việc gì cũng có lợi và có hại bác ạ. Ngưới về nước, tuy mang ngoại tệ về, nhưng đồng thời mang theo cách sống thoải mái, dân chủ, cách sống tự do về xứ. Ít nhiều gì cũng ảnh hưởng với người bị sống bó buộc, thiếu tự do, thiếu dân chủ trong nước. Chẳng cần tuyên truyền bác ạ. Người trong nước sẽ cảm thấy sự khác biệt giữa hai cung cách sống và âm thầm họ sẽ có phản ứng bác ạ. Cháu tin tưởng như thế. Thành thử khi bà con đi về Việt Nam, ta cứ coi như đó là một cách chống cộng. Nếu như không có ai ra vào Việt Nam, thì sẽ như miền Bắc trước đây, bị phong tỏa, bị bưng bít, đến nỗi chỉ cách một con sông thôi mà những đọa đầy của dân miền Bắc không ai ở miền Nam hay biết, vì thế cộng sản mới bịp bợm mà kêu gọi tập kết được. Sau này gặp lại nhau, một số người miền Bắc đã khóc sướt mướt kể lại rằng họ ước mơ biết bao nhiêu, mong miền Nam ra giải thoát cho họ khỏi xích xiềng cộng sản. Họ đã khóc nhiều hơn khi thấy miền Nam lọt vào tay cộng sản như họ. Bác biết không, có một thanh niên 19 tuổi khi miền Nam bị chiếm, cậu ta tìm mọi cách vào Nam xem thật giả ra sao, vì trước đây bị tuyên truyền, nhưng thâm tâm cậu ta không tin. Đêm hôm phải trở về Bắc, cậu ta đã thức suốt đêm, chỉ để ngồi viết một câu duy nhất, viết kín một tập vở học trò. « Saigon ơi, vĩnh biệt! Saigon ơi, ta yêu người. »
Bà cụ và Nguyệt đột nhiên im lặng. Hình như việc nhắc tới quê hương làm cả hai cùng bâng khuâng. Nhắc tới sự hời hợt của tình người vị kỷ làm cả hai cùng ngao ngán, phẩn nộ, nên bà cụ và Nguyệt chỉ lấy im lặng làm nguôi. Nguyệt đi chầm chậm bên bà cụ cứ tấp ta tấp tểnh đôi chân.
Bà cụ Phước quả thật rất hòa nhập với đời sống tây phương. Cụ mặc bộ đồ jogging mầu tím, thắt cái khăn cùng mầu ở cổ, đi giầy basket nhẹ. Mái tóc bạc trắng được búi sát gáy, loà xoà những sợi tóc ngắn. da dẻ hồng hào và mặt mũi lúc nào cũng được trang điểm thật kín đáo. Trông cụ rất đẹp lão và rất văn minh tiến bộ. Với cách ăn mặc hoàn toàn tây phương và hợp thời trang nữa, từ xa có thể tưởng cụ là ngưới Pháp. Tuy bề ngoài như thế, song bà cụ lại hoàn toàn sống theo lối Việt Nam. Nhiều lần cụ khoe đã nấu món gì cho gia đình con gái cụ. Nào canh chua cá bông lau, cá kho tộ, tôm rim thịt ba chỉ, bánh tét, bánh ít trần, chè táo xoạn, chè sương sa hạt lựu v.v..mà con cháu cụ mê tít.
Đột nhiên như chợt thoát khỏi nỗi bâng khuâng và ngao ngán, bà cụ vui giọng:
- A, tết này bà có đi coi sinh viên tổ chức văn nghệ không? Năm nào cũng có tui, vui lắm.
- Dạ có, cháu có đi mà kỳ rồi không gặp bác. Có lẽ vì đông quá.
- Có lẽ vậy. Người ta đi đông lắm. Năm nào cũng chật rạp. Mà mấy cháu sinh viên đó cũng có lòng với xứ sở đấy chớ. May nhờ mấy cháu đó, may ra đám tụi tui còn có ngày thấy lại mồ mả ông bà. Có điều các cháu đó phải cẩn thận, đừng để ai lèo lái, giật giây sau lưng theo ý xấu của họ. Đôi khi trẻ người non dạ và thiếu kinh nghiệm. Thời buổi này, làm cái gì cũng nên dè dặt chút đỉnh. Như thời chúng tôi còn trẻ. Chúng hô « chống Pháp thực dân » mình hè nhau nhào dô. Ai dè sau này, té ra chúng là cộng sản. Chết cha luôn. Té ngửa cả bầy. Có người tiêu mạng, thật uổng.
Bà cụ thở dài, thật nhẹ. Nguyệt cũng giữ im lặng. Cả hai bỗng dưng lại bâng khuâng, lặng lẽ đi bên nhau.
Nhắc đến văn nghệ Tết thì cả hai người cùng nhớ lại những tết Nguyên Đán xa xưa, những ngày bố ngắt lá cây mai tứ quý, những ngày mẹ lo tỉa củ hoa thủy tiên. Rồi những ngày sát Tết hơn, mẹ và con gái đi mua lá rong, mua ống giang về chẻ lạt, rồi ngồi gói bánh chưng, bánh tét, giò thủ, giò lụa. Muối những hũ dưa hành, dưa mắm, củ kiệu trắng phau, thơm thơm ngai ngái. Con trai gò lưng chà bóng bộ lư, đỉnh đồng, với giấy báo cũ, hai bàn tay đen thui. Nhà nhà đượm mùi trầm hương thơm ngát tỏa trên bàn thờ gia tiên, được sửa soạn từ trước ngày 23 tháng chạp. Những cành đào hồng thắm hay những cành mai vàng rực rỡ, có gắn mấy tấm thiệp chúc tết của thân hữu gửi đến. Rồi đêm 30 rộn tiếng pháo giao thừa và những bàn thờ lộ thiên nghi ngút khói hương. Rồi tiếng lâm râm thành kính của mẹ xì xụp khấn vái. Rồi dáng dấp nghiêm nghị và tin tưởng của cha nơi phòng khách sáng mồng một. Người người với khăn áo chỉnh tề, như chờ đợi một điều gì, một đổi mới đến với mình. Những cậu trai mới lớn lúng túng chưa biết thắt nút ca vát lần đầu tiên trong đời. Những thiếu nữ mười ba, mười bốn, mượn áo dài của chị, e thẹn sợ chàng trai nào đó biết được. Trẻ con khấp khởi mừng vui, súng sính trong quần áo mới và trong hy vọng sẽ được nhiều tiền lì xì. Rồi những câu chúc tụng « bằng năm bằng mười năm ngoái », « an khang thịnh vượng », « đầu năm con trai, cuối năm con gái», được nhiều người dùng đến, năm nào cũng như năm nào, mà vẫn làm cho mọi người hể hả sung sướng. Tất cả những hình ảnh đó chợt như một cuốn phim ngắn chạy qua đầu óc bà cụ Phước và Nguyệt. Nỗi nhớ xứ sở và hương vị quê hương quặn thắt trong tâm hồn.
Hai người vẫn lặng lẽ đi bên nhau. Đã vào tới chợ, bà cụ chợt lên tiếng:
- Hôm nay có cá lotte tươi, bà ơi. Hôm qua tui đã ghé qua hỏi. Bữa nay mua vài khúc về làm chả cá cho mấy đứa. Hôm qua vì biết sẽ có cá lotte tươi ở đây, nên mình đã ra Paris mua rau thì là, hành lá và lọ mắm tôm rồi. Món này là món bắc đây, mà mình học lóm được, lâu lâu nấu thay đổi gu.
Bà cụ vừa nói vừa nhìn Nguyệt cười cười vì biết Nguyệt là người Bắc.
- Bác khéo quá. Chúng cháu hậu sinh kém cỏi, thua các cụ xưa nhiều lắm.
- Bù qua xớt lại chớ bà. Chúng tôi đâu có được đi học chữ nhiều. Cao lắm là cái bằng Thành Chung, còn thì ở nhà học nấu ăn thôi. Các bà sau này được đi học, làm tới luật sư, bác sĩ, dược sĩ, không thua gì nam giới, thì giờ đâu học làm bếp?
Bà cụ ngập ngừng, rồi tiếp hóm hỉnh:
- Nếu bà muốn, tôi chỉ cho, dễ lắm.
Bà cụ cười tươi, mắt liếc nhìn Nguyệt, khuyến khích.
Tới quầy bán cá. bà cụ líu lo tiếng Pháp và chỉ chỏ bảo người bán hàng cắt khúc cá ngon cho cụ. Anh thanh niên bán cá có cặp mắt mầu nâu hạt dẻ lên tiếng chào « ça va mémé? » rồi nhìn bà cụ cười dễ dãi ra dấu đã hiểu ý. Chợt bà cụ quay sang Nguyệt cười ngặt nghẽo:
- Bà coi, tui xí xa xí xô vậy chớ tụi nó hiểu. Mấy đứa này coi vậy chớ đỡ ngu hơn tụi Mỹ. Qua Mỹ, tui đã qua Mỹ mấy lần thăm đứa con gái thứ hai của tui. Đi chợ, tui cũng trổ tài vài câu tiếng Mỹ, mà tụi nó trơ mắt thao láo nhìn mình, nó không hiểu gì ráo trọi, làm mình cũng quê luôn. Ở đây coi bộ còn dễ sống hơn bên đó đó.
Nguyệt bật cười vì cách nói rất xác thực của bà cụ.
Mua bán xong xuôi, bà cụ hí hửng ra về, không ngớt lấy làm thú vị sẽ có dịp trổ tài nấu ăn cho con cháu. Ra tới trạm xe buýt, trước khi chia tay, bà cụ còn đùa:
- Thôi tui đi nhà con gái tui đây. Bữa nay mà ông tài cho tui đo ván thì mấy đứa hết có chả cá Thăng Long ăn tối nay? Kỳ này tui phải nhớ vịn thật chắc rồi mới đưa thẻ ra. Thôi chào bà nhé. Đi chợ chung vui quá. Bữa nào gặp nhau nữa nghe! Cho tui hỏi thăm ông nhà bà và mấy cháu nhé!
Nguyệt nấn ná ở lại đợi bà cụ lên xe buýt cẩn thận rồi mới ra về. Đi ngang qua nhà cụ, thấy cửa đóng kín mít, nhưng tối nay sẽ lại có chút ánh sáng lẻ loi và một bóng già đơn côi có lẽ sẽ ngồi xem vidéo cải lương để tâm hồn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn xa tắp, mịt mù.

Hết

 

Xem Tiếp: ----