Một ngày của Quân bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 sáng. Vệ sinh cá nhân xong, hắn tiếp mẹ chất các thứ đồ lề như bếp lò than, soong, chén đũa, các loại thịt, và các thứ phụ gia khác để chế biến món điểm tâm mì, hủ tiếu, các thức uống như cà phê, sữa đậu nành… lên yên sau chiếc cúp 81 cà tàng đưa ra đầu ngã ba đường, nơi có tán bã đậu tỏa rộng, trước quán hớt tóc của một ông già hưu trí, tụ điểm của những xe honda ôm chờ khách.Tiếp mẹ bày hàng, nhóm lửa xong, từ xóm chùa Chơn Pháp, Quân chạy băng qua đường lớn sang tới khu biệt thự, ở đây sáng nào cũng có lắm người đến chạy bộ, tập thể dục, đánh cầu lông… Sau cữ chạy bộ chừng bốn mươi phút, Quân quay về ăn sáng. Những hôm có tiết học thì tới trường, rỗi rảnh thì hắn đến văn phòng Nhóm Sao Biếc.Sáng nay Quân tới văn phòng ở tầng trệt ngôi nhà mặt tiền trong một khu phố chưa sầm uất lắm, thấy Thái, Hải, Vân, Nhi ngồi ở quán cà phê vỉa hè bên kia đường, hắn vội tấp vào. Khỏi cần hỏi, cậu bé chạy bàn mang đến cho Quân một tách cà phê đen nóng. Vân nói: - Sao sếp? Cái xe và mấy thùng hàng vẫn còn kẹt hả? - Ờ, nhưng thế nào cũng ổn thôi. À, có chuyện này khá thú vị…Đoạn Quân kể chuyện cái áo váy nền đen chấm trắng sau hành trình cứu trợ, từ Đồng Tháp lại quay về Sài Gòn. Nhi xuýt xoa:- Thú vị thiệt, nhưng mà chủ cũ của cái áo ấy, cô Trang Bê Rê Tím sao lại chết?- Bị tai nạn giao thông ngay trong đêm sinh nhật! - Quân quay sang Thái - Có gì mới không?Thái kích cùi chõ vào hông Hải ngồi kế bên:- Hải nói đi!- Không xong rồi sếp! - Hải lắc đầu - Kiểu túi xách S.B của mình đã bị bọn làm hàng nhái tung ra, giá chỉ bằng một phần ba giá mình xuất xưởng.Quân vò đầu bứt tóc:- Như vậy thì có nước… chết!
°
*
Tình cờ gặp nhau ở thư viện tổng hợp, mượn sách xong, Ngọc rủ Quân ra quán vỉa hè uống nước. Quân uống cà phê đá, Ngọc uống trà Lipton. Ngày vắng gió giàu nắng, đôi má cô gái hồng mọng lên trông ngon muốn… cắn. Kính cận của gã trai luôn bị hơi nóng hay mồ hôi làm mờ, chốc chốc gỡ ra lau qua rồi đeo lại. Lần gặp đầu hắn hơi lúng túng trong cách xưng hô, nay ngắm kỹ Ngọc hơn, hắn yên chí gọi bằng chị là vừa lịch sự vừa… phải phép. Quân nói:- Chị có hay tới thư viện không?- Thỉnh thoảng. Đọc hay mượn sách chỉ là cái cớ, tìm một góc vắng để mơ mộng, viết vài trang nhật ký mới là chuyện đáng để làm! - Ngọc nửa đùa nửa thật.- Thiếu khối gì nơi để mơ mộng hay viết nhựt ký? Ở nhà chẳng hạn… - Quân nửa ngờ nửa tin.- Ở thư viện thú vị hơn, quanh mình toàn là những bậc vĩ nhân lặng lẽ ngồi nằm trên các kệ sách, lặng lẽ nhìn ngắm ta, khích lệ, an ủi ta vân vân và vân vân...- Quân thì khác. Học, học và học!- Để trở thành con mọt sách!- Không, thành vĩ nhân để ngày nào đó cũng được vào ngồi đứng hay nằm lặng lẽ trên các kệ sách chờ chị tới để ngắm.- Thì ra cậu cũng biết đùa?Cả hai cùng cười. Quân lại gỡ mắt kính ra lau, không vội đeo vào:- Nè, không hiểu sao Quân hay nghĩ tới trường hợp chị gặp lại cô em qua Dịu.- Gặp lại? Cậu nói hơi quá, nhưng cũng không hẳn sai. Hôm đó bước qua cửa bắt gặp chiếc áo váy quen thuộc khoác trên người cô gái xa lạ, mình sởn cả gai ốc. Cái cảm giác gì đó thiệt khó tả lùa qua người và tim đập loạn nhịp khi thấy ba chữ B.S.T. Mang phở cho bà dì xong, mình quay ra ngay và gặp cậu!Quân nhăn nhó:- Kể như lòng từ thiện của má chị Ngọc đã được hồi âm. Trường hợp này hiếm có lắm, chị nên coi đó là một niềm vui, còn Quân thì hơi… khó!- Dịu nó nhận lỗi về phần mình, sớm muộn gì cảnh sát cũng trả lại xe và hàng hóa cho cậu, khó chỗ nào?- Thà đụng phải người khác, đụng nhằm con nhỏ bỏ quê ra đi, bơ vơ giữa Sài Gòn đô hội như vầy, hổng lẽ giờ bỏ trốn, không giúp đỡ gì nó. Trước mắt là ăn uống thuốc thang hàng ngày, sau đó là viện phí.- Ờ, cũng khó thiệt. Mình hứa với cậu sẽ suy nghĩ thêm về việc này. Hiện cậu sống thế nào, có được thoải mái không?- Thoải mái à? Chắc còn hơi lâu. Thấy mấy đứa bạn bên Bách khoa lập nhóm buôn bán, lắp ráp máy vi tính, giờ chuẩn bị huy động vốn thành lập công ty thấy ham, bọn kiến trúc tụi này bắt chước lập nhóm thiết kế các mẫu mã thời trang, design các mẫu hàng công nghiệp…Quân chợt bỏ lửng, mắt xa vắng gửi đâu đâu vào dòng người ngược xuôi ngoài đường phố. Ngọc bỗng thấy “cu cậu” không còn măng sữa như lần gặp đầu mà già dặn, sương gió hẳn ra.- Có ăn nên làm ra không? - Ngọc tỏ vẻ sốt ruột. Quân nhẩn nha, nói như thể khó nhọc chọn từng từ, từng tiếng:- Chỉ mới nửa năm công việc chưa đâu vào đâu, đứa nào trông cũng xuống cấp trầm trọng, vì bao nhiêu tiền bạc dù cò con đổ hết vô làm vốn, ăn mặc thường ngày chỉ qua loa, nhan sắc kể như tàn tạ!Vẻ mặt “buồn tàn thu” của gã sinh viên trường Kiến khiến cô trường nhạc bật cười:- Tưởng lâu lắc gì, mới có 6 tháng đã bày đặt than với thở. Nhóm có mấy thành viên, có mống nào mắc “bịnh than” như cậu không?- Kể cả Quân là 3 nam, 2 nữ. Tụi nó vừa dễ thương vừa dễ ghét, khó tả lắm, toàn là công tử mí lị tiểu thư nửa mùa, bói cả ngày, thậm chí cả tháng cũng hổng lấy đâu ra một tẹo cái gọi là tác phong công nghiệp. Cả trước mặt lẫn sau lưng chúng đều gọi Quân là Quân khờ, nhưng lại ép Quân ngồi vô ghế sếp nhóm. Tên tạm đặt là Nhóm Sao Biếc!- Chưa biết cái nhóm Sao Siếc, ủa quên, Sao Biếc của cậu ra sao, nhưng chỉ mới nghe kể mình thấy hơi thích rồi đó. Thế nào mình cũng ghé chỗ các cậu. Chắc là mải chơi nên đến giờ công việc chưa đâu vào đâu hả?- Có chớ, chị! Mặt hàng do tụi này vẽ mẫu mã, thuê may gia công tung ra thị trường cả ba tháng nay rồi đó.- Mặt hàng gì vậy?- Túi xách nhãn hiệu S.B. Tối qua, Quân đi giao hàng đột xuất thì gặp phải cái cô Dịu kia đút giò vô bánh xe, xui tận mạng!Họ cùng cười. Ngọc ái ngại nói:- Vừa đi học lại làm thêm chắc nhọc lắm hả? Vậy cậu ở ký túc xá hay ở ngoài?- Ngoài, hơi xa trung tâm. Chị biết Phố Hoa chớ?- Ủa, Phố Hoa à? Cậu ở khu biệt thự hay khu nào?- Khu chùa Chơn Pháp!- Mình ở nơi khác nhưng nhà má ở Phố Hoa, trong khu biệt thự í!- Vậy sao?Cách trung tâm thành phố non mười lăm cây số đường chim bay về phía Đông Bắc, xưa vốn là một làng hoa, quanh năm cung cấp hoa tươi cho hầu hết các chợ ở nội thành. Cái thời sáng sáng hoa theo xe thổ mộ về phố giờ đã hóa ra thời… xa xưa, chỉ còn trong ký ức của các ông già bà lão.Từ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, làn sóng đô thị hóa ào ạt xâm thực vào các làng quê xóm mạc vùng ven đô, các ngôi vườn đầy hương sắc ở đây dần lùi bước trước “đạo quân” xi măng, sắt thép… Làng hoa nay phân thành hai khu theo cách gọi truyền miệng dân dã. Khu xóm cũ gồm nhiều đình chùa dẫu có lắm nhà xây mới, đường tráng nhựa vẫn chưa mất hết dáng vẻ xưa, hơi hiếm, vẫn còn lác đác vài vườn hoa chưa nỡ phân lô bán đất. Khu mới cách khu cũ con đường nhựa mới mở khá rộng, được quy hoạch thành khu biệt thự, trên đất nghĩa địa cũ giờ mọc sừng sững các tòa nhà mái chóp, mái bằng, mái cong pha trộn hổ lốn đủ kiểu kiến trúc Âu, Á, Mỹ, Phi… theo ý thích hay sự tưởng tượng của các ông bà chủ.Làng đã và đang hóa thành phố mỗi ngày. Do phong thổ phù hợp với việc trồng hoa, hay bởi truyền thống “yêu hoa” của đất cũ nhiễm vào người mới, nhà nhà ở đây bây giờ lại rủ nhau trồng hoa. Hoa trước thềm, trong sân, ngoài rào, và hoa leo lên cả những sân thượng lộng gió. Chẳng biết từ lúc nào có kẻ vui miệng gọi cái tên Làng hoa xưa thành ra Phố Hoa nay, và cứ thế truyền nhau. Dẫu cái tên mới nay chẳng thấy ghi ở bất cứ giấy tờ, văn bản hành chánh hay địa chính nào cả, nhưng hễ lên xe ôm, xe taxi hoặc hỏi đường, chỉ cần bảo về “Phố Hoa” thì hầu như ai cũng biết!- Cậu có hay sang khu biệt thự chơi không?- Hổng có vinh hạnh quen ai ở khu toàn nhà giàu đó, nhưng sáng nào Quân cũng sang chạy bộ, tập thể dục bởi bên đó thoáng mát, ít bụi. Từ đường Cây Điệp rẽ vào nhà má chị ở quãng nào?- Rẽ phải chừng trăm mét, trước cổng leo kín hoa loa kèn vàng.- À, vậy thì biết rồi, ngôi nhà lớn ba tầng lầu, cửa xanh lá cây nhạt, tường màu trắng, có vườn hẹp bao quanh. Thỉnh thoảng ngang qua nghe nhạc pop-rock phát ầm ĩ, hoặc tiếng trống nện thẳng cánh khá điệu nghệ...- Đúng, đúng rồi! - Cô gái thấp giọng gần như thì thầm - Bây giờ tiếng nhạc và trống không còn nữa! - Đoạn cô gọi trả tiền nước, đứng lên chìa tay cho gã trai bắt - Ngọc phải biến đây, bye, hẹn gặp lại.°
*
Làng quê trong ký ức của Dịu:Sớm mai mùa lũ. Làng mạc lai láng nước. Từng tốp học trò lớn nhỏ quần xắn quá gối, cặp sách mang vai hoặc đội trên đầu, đi chân đất lội nước, qua cầu treo, ngồi xuồng tới trường.Chinh và Dịu trên chiếc xuồng ba lá chất đầy ngó bông súng. Xuồng tấp vào cổng trường Trung học cơ sở Tương Lai mái tôn tường gạch cũ kỹ. Chinh trao chèo cho Dịu, cúi xuống xắn cao hai ống quần, cởi giày săn đan cầm tay, vai mang cặp da xuống xuồng.Ba tiếng trống vang lên báo giờ vào lớp. Chinh nói:- Đi chợ về nhớ đón anh nghen!- Dà! Ủa, hồi nãy anh Hai dặn em mua...- Vài cây bút bi, hai cuốn tập.Dịu che miệng cười:- Lại làm thơ thất tình à?- Không, lần này anh tính viết văn xuôi.- Về cô nào hả?- Trật lất, đề tài mênh mông và hay ho hơn chuyện... con gái nhiều.Họ cùng cười, Dịu khuấy chèo quay mũi xuồng ra đường lớn, dù chẳng còn thấy đường đâu, nó chìm sâu dưới nước. Chinh rảo bước lội vào lớp. Các cô cậu lớp 8 thôi râm ran trò chuyện, đứng lên chào thầy. Chinh leo lên bục, dù nó chìm dưới cả vài tấc nước, anh cũng bỏ vội hai ống quần xắn cao xuống, mang giày vào, quét tia nhìn vui đáp lại những ánh mắt ngược sáng với ánh mặt trời dọi qua các lỗ thủng mục trên mái tôn của lũ học trò, khẽ nói:- Các em ngồi xuống! Gỡ cặp bỏ lên bàn, cầm mẩu phấn trắng, Chinh khoát tay:- Hai tiết văn sáng nay, các em sẽ tập làm văn về một đề tài hết sức quen thuộc đối với chúng ta, thầy hy vọng sẽ có được những bài hay để làm thành một tuyển tập văn xuôi, in và phát hành hẳn hoi!Bọn trẻ vỗ tay rần rần. Thằng Châu lớp trưởng đứng lên nói:- Có cả bài của thầy nữa mới hay! - Nó đảo mắt ngó quanh, cười toe - Phải không các bạn?Bọn trẻ nhao lên “phải, phải, phải!”, và vỗ tay đập bàn rầm rầm, Chinh phải gõ thước kẻ lên bàn vài lần để vãn hồi trật tự, mỉm cười:- Thầy chỉ tính biên tập và đứng tên chủ biên thôi, nhưng nếu... ờ thì, thầy trò mình cùng viết vậy! Ta bắt đầu nào!Chinh viết thật nắn nót đề bài lên bảng: “Hãy kể một câu chuyện khó quên về mùa lũ mà em từng biết, hoặc đã trải qua”.Một giề lục bình cõng bông tím lặng lẽ trôi qua cửa lớp, tấp vào bên bục giảng, chẳng ai hay.Như thể những đoạn phim quay chậm, chắp lại thànnh từng mảnh rời, “màn ảnh ký ức” của Dịu lại bật sáng hình ảnh của một ngày khác:Đồng trống mênh mông nước, bông súng trắng xóa bập bềnh, mênh mông giữa đất và trời. Chinh mò mẫm vừa lội vừa kéo xuồng đi, chốc chốc hụp lặn mất tăm rồi ngoi lên thả vài con ốc bươu hoặc vài nhánh lúa sót vào xuồng.Thoạt tiên mưa luồn qua những đám mây vần vũ rơi lắc rắc rồi nặng hạt dần, gió và sóng cũng dần dà lớn hơn, không ngớt xô đẩy chiếc xuồng con nghiêng ngả, Chinh vừa khó khăn giữ xuồng đừng lật, vừa cố tiếp tục công việc. Cách anh chừng vài chục sải tay, hai đứa trẻ trai chừng 12 - 13 tuổi cũng lâm vào cảnh khốn đốn tương tự. Mưa gió mỗi lúc một lớn hơn, Chinh quyết định quay về. Từ hướng hai đứa trẻ bỗng xuyên qua màn mưa trắng đục tiếng kêu bạt trong gió nửa hư nửa thực:- Cứu... ối, cứu với... thầy ơi!Tiếng kêu lặp lại lần thứ ba dần yếu lả đi rồi chìm nghỉm. Buông vội chiếc xuồng, Chinh ráng hết sức bơi dấn về phía hai đứa học trò đang lâm nạn...Chiều muộn. Được tin cấp báo của hai đứa trẻ được tiếp cứu bởi một chiếc ghe máy chở hàng tạp phẩm ngang qua, bà Tư Hồng chèo xuồng len lỏi qua các mái nhà và ngọn cây xác xơ lác đác nhô trên mặt nước ra bãi Sấu, Dịu đứng đằng mũi cố rướn cao người bắc tay lên miệng làm loa, lom lom trông mặt nước dịu sóng sau cơn mưa, gọi khản cả tiếng:- Anh Hai ơi, anh Hai à!Đêm buông nhanh, nuốt trọng tiếng kêu tuyệt vọng và xóa nhòa tất thảy. Từ làng, hàng chục chiếc xuồng, ghe gắn máy hoặc không túa ra đồng trống. Những ánh đuốc cháy bập bùng soi lúc mờ lúc tỏ từng vẻ mặt, từng ánh nhìn lo âu của mọi người. Những xuồng ghe quay đảo mọi hướng trên mặt nước, những tiếng kêu đủ giọng lồng lộng chen vào nhau thảng thốt:- Thầy Chinh, thầy Chinh ơi!- Hai Chinh ơi, Hai Chinh à!- Thằng Chinh, mầy ở đâu hả?- Anh Chinh ơi, đừng để con Dịu mồ côi, tội lắm!...Những tiếng kêu vật vờ, rách bươm trong gió. Những tiếng kêu vỡ vụn trong tai Dịu, chui tọt vào ngực cô làm trái tim đau buốt. Anh Hai đã bị cơn lũ nuốt chửng rồi, bị những móng vuốt hung bạo của nó siết chặt, hổng buông tha thiệt rồi! Những tiếng kêu và những xuồng ghe cứu hộ dần im hơi, khuất bóng trong màn đêm bít bùng, chỉ còn mỗi chiếc xuồng con bập bềnh trên sóng. Đằng lái, bà Tư Hồng - người hàng xóm tốt bụng - buồn bã buông chèo ngồi câm sững, cơ hồ muốn thu mình nhỏ lại trước nỗi đau to lớn của cô học trò lớp 11 lâu nay bà vẫn coi như con. Gọi khản cả giọng, tắt cả tiếng, đưa cao ngọn đuốc dọi mãi vào mênh mông chẳng tìm thấy chút hồi âm, Dịu ngồi ủ rũ trước mũi xuồng ngửa mặt trông lên ngàn sao. Cả trời sao lung linh hư ảo sau màn lệ nóng. Ở đâu đó trong những cánh mây không ngừng trôi kia có không một chút linh hồn nhỏ nhoi của Hai nương náu? Ngọn đuốc bất chợt rời khỏi tay cô, tức khắc bị nước lũ ngoạm lấy, cuốn đi, cuốn đi...Dịu khẽ trở mình, cả làng quê trong cô trở mình theo.Từ ngoài cửa bước vào, Ngọc đặt cái túi xách cũ kỹ, căng phồng lên giường, đập nhẹ vai Dịu, gọi:- Dịu à, trưa trật rồi còn ngủ sao?Cô gái quay ra, ngồi lên, cả làng quê trong cô ngồi lên theo rồi vụt tan biến. Nụ cười tươi rói của Ngọc khiến Dịu tỉnh táo hẳn:- Chị mới tới!- Ừ, mở túi ra kiểm lại coi có thiếu hụt mất mát cái gì không?Ôm lấy cái túi xách, không vội mở dây kéo, Dịu nói vui:- Cảm ơn chị hết sức, sao bà chủ chịu giao lại cho chị vậy?Dịu buột thốt: “Nhờ ba chị phôn tới cho bà Huyền í!”. Nhưng rồi Ngọc lại nói:- Chuyện nhỏ! Bả bảo đảm với chị giấy tờ tùy thân, quần áo lẫn tiền bạc trước sao giờ vẫn y vậy!- Trước, cái túi lép kẹp đâu có đầy dữ thần vầy nè!- À, lại là một chuyện nhỏ khác, chị tặng em vài bộ đồ í mà, hàng đại hạ giá vỉa hè nhưng còn tốt và thời trang lắm.- Ui, cảm ơn chị đã mang tới cho em sự tốt lành, nhưng em lại sắp báo chị tin không được vui.- Tin gì?- Sớm nay dì Nẫm được xuất viện ra đi từ hồi 7 giờ kém. Dì biểu em nhắn lại với chị là chừng nào lành lặn hẳn dì sẽ quay lại. Được biết hổng đời nào chị đồng ý cho dì về quê, nên dì phải trốn.- Trời đất, cái đức tự trọng của dì dày ghê nơi, đành thua thôi! Dì ngại về nhà lúc này không làm việc nhà được thành ra ăn bám nên... Sao? Thằng nhóc có ghé lại không?- Í chết, suýt quên! - Dịu lùa tay dưới gối lôi ra một phong thư không niêm dày cộm đưa Ngọc - Chị coi đi!Cọc tiền 2 triệu gồm toàn giấy bạc 100.000 đồng ràng giây thun kèm tờ thư, Quân viết: “Dịu mến! Cảm ơn em đã ký giấy bãi nại giúp anh nhận lại được chiếc Cub cà tàng và mấy thùng hàng. Lần nữa, xin lỗi em về tai nạn không may vừa rồi. Anh đã hỏi kỹ, coi cả phim chụp X quang, em chưa đến nổi gãy xương, chỉ bị bong gân, sai khớp thôi, điều trị ít hôm nữa sẽ khỏi. Phải đi công tác gấp, có chút tiền mọn gởi em dùng tạm, mong không từ chối! Quân”.Ngọc bỏ cả cọc tiền lẫn tờ thư vào phong bì trả lại Dịu:- Nói chung, Quân là một người tốt, em cứ nhận khoản tiền này đi, đừng ngại gì cả.- Nhưng mà... - Dịu nhăn nhó, đôi mày trên cặp mắt to sáng cau ríu lại - Em thấy kỳ quá hà! Ảnh có lỗi gì đâu mà cứ hết xin lỗi đến cám ơn em? Lại nữa, mới quen chưa chi đã xưng anh mí lị em ngọt xớt!Ngọc cười. Dịu lảng cái nhìn xa vắng ra tận khóm hồng oặt ẹo vẫn ráng hết sức nở một đóa còi cọc ở bồn hoa trước sân bệnh viện.°
*
Trong hơi lạnh dễ chịu phả từ máy điều hòa, bà Thu ngồi sau bàn làm việc ở văn phòng công ty, ký xong mớ giấy tờ, xóc lại gọn ghẽ đưa cô thư ký Phụng đứng chờ bên cạnh:- Bảo phòng kinh doanh báo cáo ngay doanh số của đại lý miền Trung trong ba tuần qua để kịp điều chỉnh kế hoạch phân phối này, sẽ họp bàn vào sáng mai.Cô thư ký “dạ!” khẽ, ôm xấp giấy tờ đã bỏ vào kẹp trình ký quay ra ngoài. Cùng lúc Ngọc bước vào, khép nhẹ cửa, kêu lên:- Má!Bà Thu rời bàn làm việc:- Má biết rồi!Hai mẹ con đến ngồi ở salon.- Sáng nay con không đi học sao?- Dạ không! Thì ra... má hay rồi à?- Ờ, dì Nẫm đã gọi cho má từ bến xe. Đơn giản là vết thương trên đầu ổn rồi, dì đã được phép xuất viện, bốn tuần nữa mới quay lại cắt băng cánh tay nên xin được về quê tịnh dưỡng.- Thiệt ra dì ngại cánh tay chưa lành về nhà mình..- À ra vậy, má hiểu rồi. Sao dì cả nghĩ đến vậy chứ! Mấy chục năm nay má vẫn coi dì như chị em ruột dì hổng biết sao?- Bà ngoại thì đâu coi dì...- Vắng dì Nẫm không ai lo cơm nước, hổm rày đành kêu cơm nhà hàng mang tới, má bỏ cái lệ qua bữa trưa ở công ty, về nhà ăn với ngoại cho vui. Không thông cảm đã đành, ngoại còn nặng nhẹ với má đủ điều, thiệt rầu hết sức. À, con nhỏ Dịu sao rồi?- Khá lên nhiều rồi. Thằng nhóc gây tai nạn tuy nghèo mà rất biết điều.- Chưa từng gặp, nhưng từ hôm nghe con kể về trường hợp của nó má cứ suy nghĩ hoài.- Riêng con thì thấy cái áo của em Trang đã tưởng không bao giờ... nhưng rồi bỗng gặp lại bất ngờ như vầy, quả là một hồi âm kỳ diệu về lòng từ thiện của má!- Má cũng nghĩ tương tự như con, cảm thấy có chút nhân duyên trong việc này, rồi cứ băn khoăn nửa muốn nửa không muốn gặp con nhỏ bất hạnh đó, và đâm ra mất ngủ.°
*
Quay lại cái nơi quen thuộc thuở ngày ngày cơm hộp, băng video giao tận nơi, bà Báu có cảm tưởng cái cầu thang đã được tay tinh quái nào đó cơi nới thêm cho nó lắm bậc, tới tầng hai đã mệt, lên tầng ba càng mệt hơn, và đến tầng bốn thì phải nói là... bở hơi tai. Đứng trước căn hộ cửa đóng im ỉm có tiếng tivi vẳng ra, bà Báu đưa tay chặn ngực cố nén hơi thở dồn dập, nghỉ mệt giây lát mới lớn tiếng đĩnh đạc kêu:- Út ơi, mở cửa coi!Tiếng kêu lặp lại lần thứ hai, cửa mới mở hé, Lựu vừa cài cúc áo phía trên vừa thò đầu ra xoe tròn mắt nhìn khách, ngỡ ngàng nói:- Bà... muốn gặp ai?- Ủa, vợ chồng thằng Út Liêm hổng có đứa nào ở nhà sao? - Bà Báu chưng hửng, cố dịu giọng - Tui là má thằng Út, còn... cô là ai?Lựu mở rộng cửa:- Dà, xin mời bà...Người đàn bà trẻ cúi xuống bế thốc đứa bé gái chừng một tuổi đang lê la trên sàn, ngồi vào ghế salon, bấm remote tắt ti vi. Bà Báu dè dặt ngồi xuống ghế đối diện với cảm giác hẫng hụt pha chút ấm ức như thể mình vừa bị mắc lừa, đến cái nơi không nên đến, ngồi cái chỗ rõ ràng chẳng hề chờ đợi mình. Miễn cưỡng cầm ly nước lọc Lựu đưa mời, hắng giọng định nói cái gì đó nhưng rồi bà mím môi giữ im lặng. Đáp lại tia nhìn dò hỏi của bà cụ, người đàn bà trẻ từ tốn nói:- Thưa bà, cháu là chủ mới của căn hộ này.- Ủa, từ hồi nào vậy?- Dạ, từ vài tuần nay thôi, thủ tục sang nhượng và giấy tờ hợp lệ, nếu bà cần...Bà Báu cố giữ điềm tĩnh, giọng vẫn run khẽ:- Trời đất, tụi nó đâu cho tui hay. Thằng Út bán nhà sao đồ đạc còn y nguyên vầy nè?- Bộ salon này ảnh lưu chủ, còn cái ti vi, đầu máy video và ít đồ gỗ trong kia, ảnh trừ nợ cho má cháu.- Má cháu?- Dà, cháu là con thứ năm của má Chín, ở đây người ta thường gọi là bà Chín... mập í mà!- À ra vậy, bà Chín đồng bóng, chuyên cho vay nóng chớ gì?- Ủa, thì ra bà cũng từng là thân chủ của má cháu sao?- Hổng dám, có lúc tui từng ở đây vô ra thỉnh thoảng gặp rồi quen sơ thôi!- Vậy mà má cháu lại nói là quen rất thân với má anh Út.- Bà chỉ vui miệng nói chơi, may ra thì chỉ có người cõi tiên mới chơi thân với bà nổi!Cái giọng gay gắt và vẻ mặt bực bõ không thèm giấu của bà Báu khiến Lựu hơi... dội, vội cười, nói bỗ bã:- Vợ chồng anh Út hứa bán căn hộ này cho má cháu lâu rồi, nhưng cứ hoãn đi hoãn lại mãi. Vừa rồi những ông bà chủ nợ họp nhau lại, thuê cả bọn giang hồ chuyên đòi nợ mướn tới làm dữ, vợ chồng ảnh túng thế đành...Đang căng tựa dây đàn chợt chùng xuống y bánh tráng nhúng nước, bà Báu lặng người giây lát, đoạn thở hắt, buồn rầu lắc đầu:- Vậy cô Năm có nghe hay biết tụi nó dọn đi đâu không?Con bé cảu rảu khóc, Lựu vạch áo chìa vú cho con bé, buông thõng:- Dạ không!Quay về nhà, sau bữa cơm trưa do nhà hàng mang tới, dù bà Thu đã hâm nóng lại, bà Báu vẫn cứ cảm thấy chán ngắt, như là nhai rơm rạ. Hai mẹ con ra phòng khách ăn măng cụt tráng miệng, uống nước. Bà Báu lấy từ túi áo bà ba ra cái phiếu ghi kết quả siêu âm hôm trước Út Liêm đưa đặt trước mặt bà Thu:- Con coi giùm cái phiếu siêu âm này dỏm hay thiệt?- Siêu âm gì? Của ai vậy má?- Của vợ thằng Út.Bà Thu cầm phiếu coi, lật qua lật lại săm soi, buột thốt:- Thiệt, không dỏm đâu! Con trai, ba mươi mốt tuần tuổi, chỉ còn chừng sáu, bảy tuần nữa má có thằng cháu nội đích tôn, con xin chúc mừng!Bá Báu chẳng tươi tỉnh lên chút nào, cười nhạt:- Nó báo cho má biết sẽ đẻ con trai, rồi nay lại bán nhà, con nghĩ thằng Út tính giở thêm quẻ, thêm chiêu gì đây?°
*
Chiều muộn. Dưới bóng râm một tán cây trong khuôn viên bệnh viện Bình An, Dịu lặng lẽ ngồi trên ghế đá, cây nạng gỗ dựng kế bên. Những âm thanh, tiếng động ngoài phố vẳng vào như thể hòa âm của một thứ nhạc đệm hổ lốn, nhưng không thể át được bao sắc âm của ký ức dần dà mưng ngợp trong cô.Gió thổi rạp những bông súng trắng chen hoa điên điển vàng phủ đầy trên chiếc quan tài bằng gỗ tạp không sơn phết đặt trên bốn cái cọc tre xóc tréo cách mặt nước chừng hai tấc giữa đồng trống.Trên các ghe, xuồng, đám học trò, những thầy cô và bà con làng nước lặng lẽ vây quanh. Mọi ánh mắt đổ dồn về bó nhang lớn cắm đầu áo quan tỏa khói mù mịt. Chén cơm cõng cái hột vịt luộc cắm đôi đũa đặt trước khung ảnh lộng kính chân dung Chinh tươi cười. “Nam mô tiếp dẫn đạo sư a di đà phật!...”. Vị sư trọng tuổi khoác áo cà sa ngồi dưới tán dù hoa trước quan tài gõ mõ tụng kinh. Tiếng mõ và kinh bạt trong gió. Quỳ sau lưng ông, Dịu tiều tụy với khăn sô trắng chít trên đầu tóc xõa và áo bà ba rộng thùng thình màu nâu non mượn tạm của bà Tư Hồng, chắp tay cúi sát ván xuống lạy mỗi lúc vị sư gõ mõ lơi dần, lấy hơi để tụng tiếp câu kinh khác.Lễ cầu siêu chấm dứt, mọi người ra về. Thấy Dịu mải ngồi bó gối trên xuồng, Thiện nói với lũ bạn về trước, đoạn bước từ ghe lớn sang xuồng cô bạn, dỗ dành:- Về thôi Dịu ơi! Ngồi đây khóc riết, đang nắng đổ bệnh thì khổ.- Kệ mình, Thiện về đi!- Chỗ thím Tư Hồng chật chội, má Thiện nói Dịu có thể đến ở tạm nhà mình.- Cảm ơn, không tiện đâu!Gã trai buồn bã lắc đầu, nhẹ tay gỡ sợi lòi tói buộc mũi xuồng vào cái cọc xóc tréo đầu quan tài, xô xuồng ra, khuấy chèo cho xuồng đi.- Về nhà mình nghen?- Đã nói rồi mà!- Vậy giờ muốn đi đâu?- Đâu cũng được, còn nhà đâu nữa mà về!- Phải chi hổng có gì buồn xảy ra tụi mình vẫn cùng nhau đi học như thường ngày há Dịu!- Qua lũ, chắc Thiện đi học một mình thôi! - Ủa, sao vậy?Cô gái làm thinh, trông xa vời lên những đám mây trên trời.Hôm ấy, Thiện chèo xuồng đưa Dịu đi qua không biết bao nhiêu chợ, bao nhiêu bến sông. Lúc quay về nhà bà Tư Hồng thì đã tối mịt. Dịu đâu ngờ đó lại là cuộc gặp sau cùng của hai đứa, để rồi cả mấy năm sau họ mới lại gặp nhau!Hôm sau, tảng sáng, Dịu và mấy đứa nhỏ chưa thức dậy, bà Tư Hồng đã chèo xuồng ra chợ.Trưa, thằng cu An và hai đứa em gái mặt mày nhếch nhác, buồn thiu đứng ngồi không yên trước ô cửa nhỏ trổ trên mái lá thắc thỏm trông ngóng. Thoáng thấy bà Tư và chiếc xuồng nhô ra sau một tán cây, chúng reo hò tở mở:- Má về, má về!Buộc xuồng vào đầu kèo dấp dính làn nước bạc, bà Tư khệ nệ ôm bọc hàng cứu trợ chui vào mái lá vui vẻ hét lũ trẻ tránh ra nhường lối. Gói quà được mau mắn mở ra. Gạo, mì gói, mùng mền, quần áo cũ bày ra trên sàn ván kê sát nóc. Chẳng chờ mẹ phân phát hay cho phép, mỗi đứa trẻ nhặt lấy một gói mì ăn liền xé ra, bốc ăn rau ráu.Dịu lặng lẽ ngồi quay lưng ngoài mé sàn buông chân xuống nước khuấy nhè nhẹ. Cầm từng món quần áo cũ lên săm soi, bà Tư Hồng giăng rộng cái áo thun màu vàng cam, giữa ngực áo in hình trái tim đen và dòng chữ Tây trông rối rắm, cười nói:- Dịu nè, cái này chắc mầy mặc vừa, còn mới lắm.Vẫn găm mắt xuống những vòng tròn xõa rộng dưới chân, Dịu nhỏ nhẹ nói:- Thím giữ lấy mà dùng. Chưa biết tới lúc nào nước mới chịu giựt, còn cứu trợ dài dài, lo gì.- Ờ, chiều mầy ra mà nhận lấy phần, lúc nãy tao và thằng Thiện nhận thế, mấy ông ngoài ủy ban không cho.- Vậy người ta có cứu trợ đất không hả thím?Bà Tư xoe tròn mắt:- Đất à? Mầy nói gì tao không hiểu?- Cái cháu cần lúc này là một chỗ đất cao ráo để anh Hai cháu được mồ yên mả đẹp.- Buồn quá mầy nói sảng rồi chắc? Người ta giúp mình cái ăn cái mặc lúc ngặt nghèo như vậy, ai lại đi cứu trợ đất để chôn cất bao giờ? À, suýt quên, thằng Thiện nhắn mai mầy ghé nhà lấy mấy tay lưới bén, lờ, lọp vừa có việc làm đỡ buồn, vừa có thêm cái ăn...- Ủa, Thiện nó hổng xài mấy thứ đó nữa sao?- Không. Hôm qua đi với nhau cả buổi, nó hổng nói gì à? - Toàn chuyện trên trời dưới đất, tào lao bắc xế chớ có chuyện gì đâu!- Hèn gì nó nói với thím là tính chào cháu để đi, nhưng thấy cháu buồn quá nên...- Đi đâu, chạy lũ tiếp hay sao hả thím?- Thằng anh nó ngoài Cao Lãnh mới mở thêm một nhà máy nước đá kêu nó ra ngoải ở luôn, vừa phụ việc vừa đi học. Mà nè, tao hỏi thiệt, chơi thân với nhau từ nhỏ, đi học đi mần thêm, từ làm cỏ cắt lúa tới bắt ốc hái rau, quăng lưới đặt lờ đặt lọp luôn cặp kè sớm tối, tụi bây hổng có tình ý gì với nhau sao?Dịu cười buồn:- Tụi cháu còn nhỏ nhít mà thím. Vả lại từ năm cháu 13 tuổi hổng tắm truồng chung với lũ con trai trong xóm nữa, Thiện nó bắt đầu mắc cỡ, lúc nào cũng đóng vai ông cụ non...- Mầy nói sao tao nghe vậy, nhưng sao hồi trưa hễ nhắc tới mầy là trông nó buồn thiu buồn chảy?Cả Thiện, cả bà Tư Hồng, và cả làng quê tan biến khi Ngọc sóng vai bà Thu bước tới chỗ Dịu ngồi.- Trời đất, em ở đây mà chị cứ kiếm mãi - Ngọc nói, đoạn quay sang bà Thu - Má chị nè Dịu!Dịu lễ phép gật đầu chào bà Thu, khẽ dịch người nhường chỗ, hai mẹ con ngồi vào ghế đá. Đôi mắt to tỏa ánh buồn dìu dịu của cô gái cứ hút lấy bà Thu, nhìn cô quên chớp. Dịu ngượng ngùng cúi mặt, bà Thu nhỏ nhẹ nói:- Cô thành thực chia buồn cùng cháu về cái chết của người anh trong trận lũ vừa rồi!- Cháu xin cảm ơn cô!- Có phải vì sự mất mát to lớn ấy mà cháu...- Sau khi nước rút, chôn cất anh Hai xong, nhà cửa bị cuốn sạch không nơi nương tựa...- Cô hiểu rồi, nhưng đi liền ra thành phố cháu hổng nghĩ tới mọi bất trắc có thể xảy ra nơi xứ lạ đường xa sao?- Dà, cháu chỉ nghĩ đơn giản là ở hiền sẽ gặp lành.- Sẽ có Bụt hiện ra giúp đỡ y như trong các câu chuyện cổ tích?Dịu tẽn tò nở nụ cười yếu xìu chữa thẹn. Ngọc nói giọng cà rỡn:- Có Bụt hiện ra thiệt đó má!- Đâu có, chị... - Dịu cãi, Ngọc cười:- Bụt đã hiện ra trong lốt một chú chàng sinh viên đi giao hàng, sao em chóng quên vậy hả?Họ cùng cười. Bà Thu nói vui:- Cháu hổng công nhận kẻ đã tông mình suýt gãy chân là ông Bụt à?- Dạ có... chút chút! Nhờ ông Bụt dỏm đó cháu mới được đưa vô đây điều trị, được gặp chị Ngọc, dì Nẫm, và bây giờ gặp cô. Còn đối với anh Quân, chị Ngọc à, kể như em mắc nợ ảnh.- Ủa, nợ gì? Hồi nào?- Món tiền ảnh gọi là chút tiền còm, nhưng với em thì chưa lúc nào em có được nhiều tiền như vậy. Em định bụng sau này có việc làm tử tế thế nào em cùng tìm ảnh để trả lại.- Quên đi nhỏ! - Ngọc làu bàu - Hắn hổng tốt như em nghĩ đâu, làm chút nghĩa cử đẹp để rồi dông biến í mà.- Thiệt vậy sao chị? Mà em cũng đâu tính làm phiền gì ảnh nữa!- Giờ cháu tính thế nào? Về quê hay tiếp tục tha phương cầu thực? - Bà Thu thấp giọng. Dịu cười buồn:- Trước khi đi cháu đã khấn vái, nguyền với vong linh anh cháu là sau này dù sung sướng hay khổ cực thế nào cháu cũng sẽ quay về nơi chôn nhau cắt rốn! Giờ thì...- Cháu đã từ bỏ các nhà hàng trá hình đó dứt khoát đến nỗi suýt chết, cô tin cháu không thể là người xấu hoặc yếu đuối. Cứ yên tâm, cô hứa sẽ hết lòng giúp đỡ cháu.Bà Thu bỗng gập người, ôm bụng nhăn nhó, mặt mày tái nhợt, tươm vã mồ hôi. Ngọc lo lắng:- Ủa, má sao vậy? - Vừa nói cô vừa lấy khăn tay lau mồ hôi cho mẹ. Bà Thu gượng cười.- Tới kỳ tái khám mà hổm rày má... quên!°
*
Bà Thu và cô Phụng thư ký ngồi ở salon văn phòng công ty. Họ vừa ăn trái cây, uống nước suối vừa vui vẻ trò chuyện:- Sao? Việc đi học của nhỏ Dịu em giúp chị tới đâu rồi?- Kể như xong, thưa chị. Em đã tìm hiểu kỹ, vô trường công lập thì không thể rồi, trong số các trường bán công và dân lập, trường phổ thông dân lập Hoài Bão là có uy tín nhứt...Bà Thu đưa tay bóp trán:- Trường Hoài Bão à? Ông hiệu trưởng tên Vinh phải không?- Thì ra chị cũng biết ổng sao?- Chắc em còn nhớ công ty mình góp hai phần học bổng cho các em khiếm thị học giỏi? Cùng tham gia đợt này còn có trường Hoài Bão, và vài doanh nghiệp tư nhân khác tặng thêm cả chục phần nữa. Tháng rồi đi dự lễ phát học bổng trong chương trình Những ước mơ xanh, chị đã ngồi kế bên ông Vinh...- Văn phòng trường Hoài Bão đã đồng ý nhận hồ sơ của em Dịu vì chiếu cố trường hợp đặc biệt của em và đầu tuần tới phải đi học ngay mới kịp học kỳ 2.- Vậy thì tốt quá rồi, rất cảm ơn em!- Về việc chú Phong muốn bán lại toàn bộ cổ phiếu thế nào, chị?- Công ty sẽ mua lại tất.- Hội đồng quản trị sẽ khuyết mất một ghế.- Lo gì, không mợ chợ vẫn đông. Ổng rút, sẽ bầu bổ sung người khác vào kỳ đại hội cổ đông sắp tới.- Trưa nay chị nhớ ra quán Trúc Xinh kẻo Ngọc chờ.- Con nhỏ buồn cười lắm, thỉnh thoảng tạo cớ này nọ để chị và ba nó có dịp ngồi với nhau. Bữa nay là cớ mới lãnh lương kèm trẻ học đàn.- Con cái nào mà hổng mong ba mẹ sum vầy hả chị? Vả lại, thời chiến tranh lạnh chấm dứt rồi mà!Họ cùng cười. Và, buổi trưa bà Thu mang theo nụ cười tươi tắn ấy đến quán ăn Trúc Xinh, ông Thái và Ngọc đã chờ sẵn ở đó. Họ ăn cơm, tán gẫu đủ thứ chuyện từ thời sự đến kinh tế, sau cùng đề cập đến trường hợp của Dịu. Bà Thu nói:- Về việc cái áo của nhỏ Trang đi theo đoàn cứu trợ về Đồng Tháp rồi ngược lên thành phố, ba con Ngọc thấy thế nào?- Một sự tình cờ thú vị.- Em đã nhờ phòng hành chánh công ty về quê xác minh lý lịch nó, ai cũng thương quý hai anh em con Dịu.- Thì ra nhà từ thiện này cũng kỹ tính gớm!- Em nghĩ, con Trang mình không may vắn số. Gặp con Dịu không hẳn là tình cờ mà do Phật trời run rủi. Một ngày nào đó nếu thấy Dịu đúng là người tốt, em sẽ chính thức nhận nó làm con nuôi.- Má thiệt... tuyệt vời! - Ngọc gần như reo lên.Ông Thái lảng mắt ra phố, tránh cái nhìn đau đáu của bà vợ cũ. Bà Thu đập khẽ tay ông:- Nói đi ba con Ngọc, những vấn đề như vầy em rất mong được nghe ý kiến của anh.- Nếu em thấy có nhu cầu làm đầy sự trống vắng Trang để lại thì nên nuôi con Dịu, cho nó những điều tốt đẹp lẽ ra em đã cho Trang nhưng rồi... không còn kịp nữa.°
*
Ngày Dịu xuất viện, vết bầm trên má không còn, chân đi hơi cà nhắc nhưng không cần nạng chống, Ngọc đưa cô về thẳng ngôi nhà lớn ở phố Hoa. Họ ngồi ở phòng khách, bà Thu nói:- Tuần tới cháu sẽ đi học. Cái quan trọng là cháu có còn ham học nữa không?- Dạ... còn! - Dịu dè dặt nói.- Cháu sẽ ở căn phòng trước đây của chị Trang!- Dạ, hổng dám đâu! Sau bếp hoặc nhà kho cũng được, thưa cô Hai!- Hay là cháu sợ?- Mùa lũ vừa rồi, trong khi chờ nước rút, áo quan anh Hai cháu phải quàn treo ngoài đồng trống, đêm nào cháu cũng chèo xuồng ra với ảnh...- Từ ngày nó ra đi, căn phòng yên ắng, lạnh lẽo quá, cô muốn bây giờ nó được ấm hơi người trở lại - Quay sang Ngọc, bà Thu thấp giọng - Trước, mỗi sáng nghe tiếng nhạc Trang tập Aérobic, thỉnh thoảng thêm tiếng trống hay đàn ghi-ta của nó, đôi khi má bực mình, nay thì cảm thấy thiếu...- Con hiểu, và xin má đừng có tự dằn vặt nữa. Bây giờ tiếng trống thỉnh thoảng vẫn còn vang lên đó thôi.- Thì ra con cũng nghe thấy sao?- Không chỉ con mà cả ba Thái, dì Nẫm và ngoại!- Con giải thích điều này như thế nào?- Con không giải thích nổi, ba thì nói chừng nào còn nghe thấy tiếng trống thì em Trang vẫn còn trong tâm tưởng mọi người!Đôi giọt trong vắt lặng lẽ ứa lăn trên má bà Thu.°
*
Không hài lòng vì bà Thu dám mang “một con nhà quê trôi sông lạc chợ” về cho ăn học tử tế, lại cho chiếm luôn cả căn phòng của “cô cháu yêu quý” của bà trước đây, bà Báu “hầm” lắm, nhưng hễ mỗi lần chớm nhắc tới viêc này, bà Thu cứ giả lảng, lờ đi, thậm chí mượn cớ này cớ nọ để làm mình làm mẩy, bà giám đốc cũng... Sau cùng, bao nhiêu bực dọc, bà mang trút hết lên Dịu, kẻ giúp việc trong khi chờ bà Nẫm quay về. Cô cứ một mực ngậm tăm, cần mẫn chu đáo phục vụ,ï mặc bả dở đủ ngón quá quắt của một bà chủ khó tính xấu nết.Đêm qua mê mải với một bộ phim video Trung Quốc nhiều tập mới ra lò đến hết canh tư, sáng nay mặt trời lên quá ngọn cây sa kê ngoài vườn, bà Báu còn ngủ nướng. Dịu giặt giũ xong đống quần áo, đang máng lên dây phơi phía sau nhà thì chuông gọi cổng vang lên. Cô cầm xâu chìa khóa ra mở hé cánh cửa sắt.Thoạt thấy nhau, cả khách lẫn Dịu cùng xoe tròn mắt kinh ngạc. Thoáng sững người, Dịu buột thốt:- Ơ... ông là...Vẫn ngồi trên xe Vespa, Út Liêm nheo mắt cười:- Cậu Út đây, hổng ngờ em chưa quên. À mà sao em ở đây? Hổng phải bị xe cán chết đêm hôm đó rồi sao? Cái bà Huyền láo toét thiệt.Dịu run tay đóng sập cánh cổng, bóp ổ khóa quay bước vào nhà mặc Út Liêm bấm còi xe lia lịa. Đoạn, gã dựng xe vừa bấm chuông vừa đá rầm rầm vào cánh sắt, la lối:- Nè, sao không mở cửa cho ông hả con chết tiệt? Dịu tưởng chừng trái tim trong lồng ngực chợt hóa thành chim quẫy đạp, đòi bay thoát ra ngoài.°
*
Quán nước có mảnh sân hẹp bên hông rợp bóng cây. Dịu mặc đồng phục áo dài trắng, phù hiệu Trường phổ thông Trung học dân lập Hoài Bão đính trên ngực áo, cặp sách đặt trên lòng. Quân, quần áo xộc xệch, tóc biếng chải, trông bù xù bụi bặm. Nhạc âm lượng vừa nghe, lác đác có vài cặp trẻ khác trong quán. Họ uống cà phê đá. Dịu nói:- Gặp lại anh sớm hơn dự định nên...- Cái gì mà nên với không nên? - Quân cười, đôi mắt sau kính cận hơi nheo lại nhìn cô gái nay gần như lột xác hẳn so với hôm nằm trong bệnh viện, trông tươi tắn hẳn ra - Nói đi, đừng nhìn chằm chặp vậy, mắt em to dễ làm người ta chết đuối lắm đó.- Em định lúc nào có đủ số tiền hai triệu để trả lại anh thì mới gặp!- Quên vụ đó đi nhỏ. Đó là tấm lòng của cả Nhóm Sao Biếc, chớ có phải riêng một mình anh đâu.- Nghe chị Ngọc nói Nhóm Sao Biếc ai cũng dễ thương, ai cũng kêu anh bằng sếp. Chị dặn nếu có gặp em cũng nên gọi anh bằng sếp cho anh mừng, hay ăn chóng lớn.- Muộn rồi nhỏ. Nhóm rã rời, làm ăn lỗ lã, mặt bằng bị đòi lại, đành tạm rút vô bí mật chờ thời thôi.- Ủa, anh thiệt hay đùa vậy?- Thiệt! Vừa tuyên bố “phá sản” cách đây đúng... – Quân lật tay dòm đồng hồ - Đúng hai giờ mười tám phút.- Buồn quá anh mới đến chờ em trước cổng trường chớ gì?Quân cười, cơ hồ nắng của cả trần gian đều đổ dồn vào nụ cười của hắn, sáng lóa tới độ Dịu phải lảng mắt vờ ngắm những nụ bông trứng cá sắp nở trên đầu hai đứa.Từ sau lần gặp đó, sớm mai nào từ xóm cũ chùa Chơn Pháp chạy bộ sang khu biệt thự tập thể dục, Quân cũng lén đứng chờ trước ngôi nhà lớn. Thoạt tiên Dịu ngại, sau dạn dĩ dần và...Từ đó phố Hoa trong mắt Quân bỗng giàu âm sắc hơn bất cứ khu phố nào khác. Hoa ở mọi nhà như tươi hơn đẹp hơn, cả bầu trời trên cao dù mưa hay nắng vẫn xanh ngăn ngắt, trong leo lẻo...°
*
Út Liêm tới Công ty Kim Phú tìm gặp bà Thu. Chẳng mấy ngạc nhiên về cuộc thăm viếng đột ngột này, bà miễn cưỡng tiếp cậu em ở văn phòng. Hai chị em ngồi ở salon.- Lâu quá mới gặp cậu. Sao? Có chuyện gì không?Giọng nói và vẻ mặt lạnh lùng của bà chị khiến cậu em bất bình. Ngả người ra lưng ghế, Út Liêm châm thuốc, nhả khói:- Chị thừa biết, khối chuyện. Trước hết, bà già ra lệnh em phải gặp bà trong vòng 48 tiếng đồng hồ, không thì đăng báo từ luôn. Thứ đến là xin báo để chị biết, tụi em đang lâm vô cảnh khốn cùng.- Có ai biểu cậu bán nhà rồi đến khu ổ chuột mướn nhà ở đâu? Cậu mợ tự tung tự tác thì ráng mà gánh lấy hậu quả.- Chị nhứt định không thông cảm sao?- Cậu tính sống kiểu lông bông cho tới bao giờ? Cái bằng kỹ sư cơ khí không giúp cậu tìm được việc làm nào ổn định sao? Cậu sẽ đẻ cho má thằng cháu đích tôn, rõ rồi, nhưng đừng dùng nó để yêu sách, tìm cách moi tiền má.- Đừng vội trách người khác, chị hãy tự nhìn lại mình đi.- Nói đi, thực ra cậu muốn gì khi đến đây?Đáp lại cái nhìn khiếm nhã của bà chị, cậu em cười, nói tỉnh khô:- Muốn gì đâu? Lâu lâu chị em gặp nhau tâm sự đôi điều, chị hổng chia sẻ được với em thì thôi. Nhân tiện xác minh những lời đồn đãi không có lợi cho địa vị và cả việc làm ăn của chị lúc này!Thấy bà Thu có vẻ chùng xuống, Út Liêm cười khẩy:- Dư luận cho rằng, việc chị nhận một con nhỏ bia ôm về nhà cho ăn học là đạo đức giả, vì đằng sau nghĩa cử từ thiện ấy che giấu ý đồ hổng tốt đẹp gì.- Cậu ăn nói cho cẩn thận vào, đặt điều hay bôi nhọ là không xong với tôi đâu.- Ý đồ một, xóa bớt mặc cảm phạm tội vì trước đây đã đối xử bất công với nhỏ Trang, gián tiếp gây ra cái chết oan uổng của nó. Thứ hai, bây giờ hết lòng mua chuộc con Dịu, để sau này sẽ mượn vĩnh viễn quả thận trẻ trung của nó thay cho quả thận lâu nay triền miên đau yếu của mình.Bà Thu bám chặt hai tay vào ghế, chúng vẫn khẽ rung lên vì tức giận, đoạn cố trấn tĩnh:- Láo toét! Sao nữa?- Công ty Kim Phú đang tuột dốc, sắp phá sản, bà giám đốc lại bỏ ra cả một đống tiền mua lại toàn bộ cổ phiếu của một cổ đông vì chán tư cách đạo đức, kiểu làm ăn không thức thời của bả nên rút khỏi hội đồng quản trị công ty.Vẻ mặt bà Thu bỗng giãn hẳn ra, không cau có nữa. Bà cười nhạt, chậm rãi nói:- Đây không phải là những lời đồn đãi như cậu phóng đại mà chỉ là phát biểu linh tinh của một cá nhân là ông Phong, người trước đây tôi đã lầm và bây giờ không bao giờ lầm nữa! Bà vụt đứng lên, mắt tóe lửa, chỉ tay ra cửa:- Đủ rồi, cậu cút đi, để tôi yên!°