Phần 01


Phần 01

Sớm mai yên tĩnh, trong lành. Vài tiếng chim mỏng mảnh bay luồn qua bóng lá hình cây còn đẫm sương ngoài rẻo vườn bọc quanh ngôi nhà lớn, xinh xắn. Vào lúc tia nắng đầu tiên đáp nhẹ xuống mái hiên thì trong nhà, bà Thu cầm điện thoại di động bước vào phòng ăn, vừa đi vừa tiếp tục cuộc trò chuyện chẳng rõ đã bắt đầu từ lúc nào:
- Ờ, y hẹn nhé! Gặp sẽ nói lắm chuyện, chuyến đi vừa rồi khá thú vị. Không đâu, chỉ là công việc, công việc và công việc! Ờ thôi, bye!
Thả người xuống ghế nhỏ nhẻ ăn uống các món điểm tâm dọn sẵn trên bàn, bà Thu nói với bà Nẫm - người giúp việc đang đứng bên bếp chế nước sôi vào bình thủy:
- Con Trang dậy chưa dì?
- Dạ, chưa!
- Tối qua mấy giờ nó mới về?
- Dà... - Bà Nẫm thoáng ngập ngừng rồi thấp hẳn giọng - Gần hai giờ sáng.
Dằn tách cà phê sữa uống dở xuống bàn, bà Thu lắc đầu, làu bàu:
- Hết biết, con với cái!
Người mẹ tỏ ra bình tâm trở lại khi bước lên chiếc Toyota màu đỏ sậm do ông Bảy cầm lái. Chiếc xe chậm rãi hòa vào phố đông. Không rời mắt khỏi tờ báo mở rộng trên lòng, bà Thu nói vui:
- Chú đã đưa quà cho nhỏ Ngọc chưa?
- Dạ rồi! - Ông Bảy lén nhìn vẻ mặt không vui của bà giám đốc ở cái gương nhỏ trên tay lái và không quên phụ đề thêm là quà cô Hai đi Singapore mới về!
Bà Thu gấp tờ báo lại, tiếp tục cái giọng ngược hẳn với vẻ mặt:
- Nói có thể chú Bảy không tin, lắm lúc tôi muốn sống trở lại thời công ty mình chỉ mới là cái xí nghiệp cỏn con. Cái thời nghèo khổ, chạy vạy, thiếu trước hụt sau ấy sao mà vui quá chừng.
- Cô Hai nói đơn giản như là đang giỡn í, cô kế toán quèn hồi đó làm sao so với bà giám đốc công ty cổ phần giỏi dang bây giờ? Chỉ có thằng tôi ôm riết cái vô lăng là chưa có gì thay đổi thôi.
Họ cùng cười và vẻ mặt bà Thu tươi lên một tí để rồi sau đó sa sầm trở lại khi thoạt bước vào phòng thấy ông Phong nửa nằm nửa ngồi trên ghế salon, ngửa mặt lờ mờ nhả từng vòng khói thuốc lên trần nhà.
Giả lảng như chẳng hề thấy khách đang chờ, bà Thu ngồi vào bàn làm việc, gọi điện thoại cho Ngọc. Mắt người mẹ vụt sáng rỡ khi nghe giọng cô con gái bên kia đầu giây. Bà Thu âm yếm nói:
- Xấp vải con thích chớ? Dù rất bận, má cũng dành ra cả một buổi lùng sục qua cả chục cái shop. Hàng Thượng Hải chính cống à nghen!
- Con xin cảm ơn má! - Giọng Ngọc nghe ngọt và trong - Còn quà cho em Trang là gì hả má?
- Ôi hơi đâu, con dư biết mà, nó khó tánh lắm, hễ má mua sắm cái gì nó cũng chê ỏng chê eo. Trưa nay má con mình đi ăn cơm nghen!
Bà Thu gác máy đến ngồi đối diện ông Phong.
- Nếu vừa rồi nghe không lầm thì... - Ông Phong cấm cẳn nói - Em lại không công bằng đối với nhỏ Trang!?
- Anh quan tâm đến nó hơi nhiều đó.
- Đơn giản vì anh yêu quý nó, vì nó là con gái rượu của...
Bà Thu nóng nảy ngắt lời:
- Thôi, xin anh, không bao giờ!
- Sau chuyến đi Singapore, trúng gió gì mà em dễ đổ quạu quá vậy?
- Đã bao lần em nói với anh, rằng quan hệ giữa chúng ta bây giờ chỉ là công việc, anh nên xử sự trong giới hạn, chừng mực của một cổ đông, một thành viên hội đồng quản trị công ty, ngoài ra...

°

*

“Thế giới” riêng của Trang bày biện trong căn phòng rộng chừng mười hai mét vuông, tường sơn mảng xanh đậm, mảng vàng nhạt chen nhau một cách ngẫu hứng. Quanh tường lác đác những tranh ảnh, áp phích in hình các ca sĩ, ban nhạc phương Tây thời thượng, các nam nữ diễn viên điện ảnh Hàn Quốc, mặt nạ tuồng, nón rơm... Cạnh bàn trang điểm và tủ quần áo là một dàn trống hiện đại, cây ghi-ta dựng sát tường. Ở khoảng tường trống trơn trên bàn học treo duy nhất một khuôn ảnh lộng kính chụp hai chị em Ngọc và Trang kề vai áp má tươi cười.
Mặt giường bề bộn chăn gối, vài thứ quần áo, đồ lót máng vắt lộn xộn trên lưng ghế mây kê bên ô cửa sổ mở rộng... Tất thảy tắm đẫm trong màu sắc, giai điệu vui nhộn của một hòa tấu khúc thuộc loại khiến máu trong người nghe bất kể trẻ hay già đều rậm rựt chảy mạnh. Nhạc phát từ máy VCD và cô gái trẻ nhẹ nhõm trong quần soọc, áo thun bó khoe rẻo bụng trong tư thế trồng cây chuối với hai tay lót đầu dính thảm, hai chân thẳng tắp hướng lên trần. Qua mắt Trang trong tư thế ấy, cả thế giới lộn ngược hoặc sẵn sàng đổ nhào.
Giữa lúc bọn thằn lằn, kiến, gián núp kín trong các ngóc ngách đâu đó nín thở dõi theo cô gái thì bất thần, Trang hạ thấp chân, bật dậy, dang tay, rùn vai làm các động tác Aérobic theo nhạc một cách thuần thục, môi mím chặt, mắt ngước ngắm trân trân hệt thôi miên trần nhà, bộ ngực không nịt sau làn áo thun rung nẩy khỏe khoắn, trán vai lấp lánh mồ hôi.
Bà Nẫm đứng ké né bên khung cửa mở rộng, cố la to át tiếng nhạc:
- Cô Ba ăn phở hay hủ tiếu?
Nghe thủng, Trang nhăn mặt:
- Khỏi, cảm ơn dì!
Cô gái ngưng tập, tắt nhạc. Trước cổng, Tuấn tóc đinh dừng xe mô tô, cho hai ngón tay vào miệng huýt sáo lớn tiếng. Trang quay lưng rảo bước khuất vào buồng tắm, tiếng nói rơi lại:
- Dì ra nói ảnh chờ cháu mươi phút!
Những tiếng chim tròn trịa lăn vỡ ngoài vườn lặng lẽ hơn rất nhiều tiếng nước xối và tiếng hát đứt quãng của cô gái: “Ai đánh rơi chuỗi mơ. Nhuộm tim ai lá biếc...”.

°

*

- Đang tuổi ăn tuổi lớn, con không nên để các băn khoăn thuộc loại đó quấy rầy! Thôi, quên ông ta đi, thiếu chuyện gì để nói. Ngọc nó than cả tuần nay không cách chi gặp được con qua máy cầm tay.
- Đơn giản vì nó đã bị con ném xuống biển hôm đi chơi Vũng Tàu với lũ bạn rồi!
- Thì ra cái tính ưa xài phí tới nay ở con vẫn y nguyên à?
- Hổng có đâu ba, tại bữa đó thằng bạn cà chớn chọc quê con xài đồ đề mốt nên… Con đã sắm cái mới, ba coi nè, có xịn không?
Vừa nói, cô vừa vui vẻ móc cái điện thoại di động đưa ông. Ông cười, lắc đầu.

°

*

Ngày mồng một âm lịch lại thấm đẫm bát ngát hương trầm khói nhang trong và ngoài chùa Vạn Hạnh, nhiều thiện nam tín nữ đến lễ Phật đông chen. Ngọc vừa dừng xe Dream, Trang từ một quán nước đối diện phía bên kia cổng chùa vội rảo bước ra níu tay cô chị:
- Nãy giờ em hết rảo vô chùa lại ra canh chừng nhưng… vô quán uống nước đã!
Ngọc đảo mắt nhìn quanh, chậm rãi gỡ kính râm, tháo găng tay che nắng và khăn bịt mặt chống bụi, nói vui:
- Chắc trớt quớt quá à!
- Hãy chờ coi, chị sẽ thấy dự đoán của em là đúng.
Họ vào quán. Trang uống tiếp ly nước ngọt bỏ dở, Ngọc gọi ly nước mía và cả hai vừa giải khát vừa chong mắt ra đường. Dưới nắng ngút cả hai chiều xuôi ngược, chưa bao giờ những người đến chùa và thiên hạ ngang qua ngoài đường được hai chị em nhìn ngắm kỹ đến thế.
Nhìn riết thiên hạ đâm nản, Ngọc quay nhìn cô em:
- Nè, hình như em có gì bí mật mà mắt cứ chơm chớp, chơm chớp vậy?
Nói hú họa, chẳng ngờ trúng phóc, Trang mỉm cười:
- Ủa, sao chị biết?
- Đừng có đánh trống lảng, nói đi nào. Có cái gì mới giữa em và Tuấn tóc đinh sao?
- Trật lất!
- Chú Phong vừa tặng món quà đặc biệt nào đó?
- Càng không đúng, bỏ cái tật lúc nào cũng làm ra vẻ “đi guốc trong bụng người ta” đi! - Lườm cô chị một cái sắc lẻm, cô em lấy từ túi xách ra xấp giấy bạc dày gói trong giấy báo đặt vào tay Ngọc - Bí mật đây, chị cầm lấy cho em vui.
Ngọc mân mê cọc tiền:
- Bao nhiêu mà dày quá vậy nè?
- Nhiêu đâu, có 5 triệu à!
- Em lấy đâu ra mà… - Ngọc nghiêm giọng.
- Hỏi vớ vẩn, em biết ba và chị lúc này đang gặp khó khăn, giữ lấy mà tiêu. Còn ở đâu ra à? Thì em rút từ sổ tiết kiệm gửi ngân hàng ra chớ đâu!
- Nhìn thẳng vô mắt chị và lặp lại lần nữa coi, nhỏ.
Lảng tránh tia nhìn nhọn hoắt của cô chị, cô em lặp lại câu nói vừa rồi tỉnh queo. Ngọc mím môi bỏ cọc tiền vào túi xách mang bên vai. Họ tiếp tục chong mắt trông ra đường. Trang nói:
- Nghe ba nói có người mời chị làm gia sư, chị nhận lời không?
- Gia sư gì đâu! Chỉ dạy piano cho một con nhóc 12 tuổi tuần hai buổi. Buồn cười lắm, ba nó vốn là một “ông kẹ”, được người ta biếu một cây đàn mới cáu cạnh chưng ở phòng khách ngôi nhà mới xây trông cho nó sang. Vậy là ổng bắt buộc con nhỏ phải học đàn.
- Nó có khoái học không?
- Không, nó chỉ mê chơi game điện tử. Lâu quá không gặp cậu Út, chiều nay chị em mình ghé nhà cậu nghen!
Nghi hoặc, Trang nhìn chăm Ngọc, uống vội hớp nước ngọt hệt bất thần bị mắc nghẹn:
- Cậu mợ vẫn thường, có gì mà phải thăm viếng, chị?
Vẫn dõi mắt ra đường, Ngọc thủng thẳng nói:
- Cảm ơn chân tình, sự lo lắng em đã dành cho ba và chị, nhưng chị không thể sử dụng món tiền má đã cho cậu mợ Út, lỡ má biết được thì không chỉ ác cảm thêm với em mà còn coi thường cả ba lẫn chị, biết chưa? Hứa đi…
- Cậu mợ Út lâu lâu vẽ chuyện để moi tiền má, em thấy ghét nên dối chị. Nếu chị nghĩ riết róng như vậy thì em hứa lần sau hổng thèm làm vậy nữa. Trước mắt, chị cứ giữ lấy dùng tạm, sau này em kiếm khoản khác bù vào.
- Không nên, cái gì ra cái đó chớ em. Vả lại, sau thời gian ế ẩm, sân khấu đang đông vui trở lại, ba vừa ký được hợp đồng dàn dựng vài vở cũ và mới nên cũng chưa đến nỗi nào.
Ngoài đường, giữa dòng xuôi ngược nhàm chán chợt xảy ra một “sự cố”, dù hết sức bình thường nhưng lại ở trong mong đợi nãy giờ của hai chị em: Bà Báu cùng một bà bạn xuống xích lô, mỗi người xách một giỏ đựng đầy hương hoa quả phẩm chậm rãi đi vào chùa. Thoạt thấy, hai chị em đưa tay chặn ngực cố nén xúc động, Trang “nổ”:
- Chị thấy chưa? Một Phật tử ngoan đạo như ngoại làm sao quên ngôi chùa mình từng lui tới hàng chục năm nay, em đoán trúng phóc.
Và, họ trả tiền nước, gửi xe, rảo bước vào chùa. Ngọc gọi điện thoại báo ngay tin vui cho bà Thu.
Cuộc hội ngộ, hàn huyên sau gần hai tháng xa cách có cả nụ cười và nước mắt. Quá trưa, năn nỉ muốn sái quai hàm, gãy vài ba khúc lưỡi, người mẹ vẫn cứng lòng không chịu quay về mái nhà xưa, bà Thu cùng hai cô con gái đành đưa bà Báu và bà Mùi - bạn của bà - về nơi “ở trọ” mới của họ: Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.
Ngồi giữa căn phòng trống trải, đồ đạc cũ kỹ sơ sài, gọn ghẽ tinh tươm, hít thở không khí tĩnh lặng của cái “thế giới” nhỏ bé dành cho những người già neo đơn, bà Thu buồn nẫu lòng, lại không cầm được nước mắt, lại nhìn mẹ van lơn, thấp giọng khẩn nài:
- Con xin cắn cỏ lạy má, cả gần hai tháng nay con ăn không ngon, ngủ không yên.
- Má biết! - Bà Báu lạnh lùng nói.
- Má vô đây ở, người ta sẽ chê cười con, con mang tiếng bất hiếu bỏ bê má.
- Thây kệ… người ta, đèn nhà ai nấy rạng mà con! Ở đâu cũng là ở trọ, chỗ trọ này tốt chán. Má hổng còn ích gì cho con cháu, đi chỗ khác chơi thì có gì là lạ?
- Nói vậy nhưng con biết má không thực bụng nghĩ vậy đâu, má luôn thương con yêu cháu, sống xa tụi con sao đành má?
- Đành tuốt! Đây mới đúng là chỗ của má, đông bạn bè cùng trang lứa, đâu có cô đơn thui thủi như ở nhà?
- Bà Mùi đúng là bạn tốt, nhưng…
- Bả có thằng con trai duy nhứt độc đinh, lấy vợ Việt Kiều, theo vợ sang Canada rồi quên béng mẹ luôn mới ra nông nỗi…
- Hoàn cảnh bà Mùi khác xa má…
- Cũng già cả, cũng lạc lõng như nhau, khác chỗ nào đâu?
Bà Thu cầm tay mẹ áp lên khuôn mặt đẫm lệ của mình, van vỉ:
- Nói vậy mà nghe được sao má? Tụi con có để má phải lạc lõng hồi nào đâu? Con cắn cỏ xin má về…
Bà Báu lắc đầu, cứng giọng:
- Má nói rồi, bao giờ tụi bây sum họp…