Người đàn bà ngồi trên chiếc ghế chạm trổ,đẹp lộng lẫy với cái mũi dọc dừa cao quý và đôi lông mày vút lên như hai cánh hạc.
Đó là nữ chủ nhân gallery Kình Dương.Vào 8 giờ tối nay,gallery sẽ mở cửa lần đầu. Chừng hai trăm nhân vật trong thành phố đang chuẩn bị đến dự lễ. Những người giàu tưởng tượng bị hình ảnh con nhân sư trên tấm thiệp thu hút, còn những người thực tế và tò mò thì bị hấp dẫn bởi tin đồn rằng gallery Kình Dương, tọa lạc nơi một tòa nhà bốn tầng đồ sộ, ngay một mặt phố lớn, sẽ là ngã tư của các đường dây buôn bán tranh quốc tế, và sở dĩ nó có được sức mạnh đó chính vì có một thế lực ngầm rất lớn đằng sau nữ chủ nhân xinh đẹp.
Suốt hơn tháng nay,những gì liên quan đến Kình Dương đều trở thành chất men kích thích tính hiếu kỳ của mọi người: sắc đẹp của Tuyết N., lai lịch miếng đất và nguồn tiền xây dựng ngôi nhà, những họa sĩ và nhà thơ thường lui tới đó, những bức tranh sẽ được trưng bày... Tất cả đều khơi nguồn cho những câu chuyện nóng bỏng với nhiều chi tiết thêu dệt chẳng khác nào truyện cổ tích.
Tuyết N. cũng hiểu rõ rất nhiều ánh mắt đang nhìn về phía mình, vì vậy, nàng đốc thúc đàn em phải tổ chức lễ khai trương thực chu đáo, không được để xảy ra một sơ xuất nhỏ nào. Nàng muốn ngày mai, mọi chi tiết của buổi lễ sẽ được trầm trồ trên cửa miệng của mọi người dân thành phố, tạo thành một thanh thế vô giá cho nàng.
Tuyết N. ngồi nhìn,  chân đặt lên cái đôn thấp bọc nệm. Bàn chân nàng trắng, nhỏ và nuột nà, làn da ở gót mỏng và ửng hồng, nằm ngay ngắn như một bảo vật trên tấm nệm nhung.
“Hầu hết thời gian của buổi tiệc đứng, chị sẽ ngồi ở đây” viên đạo diễn dặn dò. “Tất cả việc đón tiếp đã có người lo. Chị chỉ có một nhiệm vụ duy nhất, là phải đẹp”. Tuyết N. gật đầu, nàng mỉm cười với đạo diễn, nụ cười cao sang và quyến rũ như một thứ hào quang vụt sáng khiến anh ta cúi đầu thuần phục.
Giữa lúc ấy ngoài cửa có tiếng lao xao, Tuyết N. quay đầu lại, cử chỉ ngoái đầu làm căng lớp áo mỏng khiến một phần bộ ngực tươi tắn như hiện ra đập vào mắt người đàn ông đang cúi xuống. Y không rời mắt khỏi nàng, miệng kêu lớn:
- Hôm nay không tiếp khách nữa đâu nhé, bà chủ và tôi ai cũng bận lắm.
- Cho tôi vào gặp bà chủ đi. Một chút thôi, không mất nhiều thời giờ đâu.
Gã bảo vệ khinh khỉnh nhìn cô gái. Ánh mắt gã đàn ông lướt qua với vẻ bỉ thử như ánh mắt người ta thường ném lên những món hàng thứ phẩm trên sạp chợ hạ giá; cuối cùng thì ánh nhìn anh ta cũng tươi lên đôi chút khi dừng lại nơi đôi mắt to đen với hàng lông mi dày và cong, trông man dã và nồng nàn.
“Này cô em, biết điều thì xéo đi thôi. Ở đây...”
Chỉ mất một giây để tính toán, cô gái quay ngoắt lại, bỏ đi. Con phố lớn trước gallery Kình Dương có nhiều ngõ nhỏ, các ngõ cũng được trải nhựa đường, có thể nói là những con đường nho nhỏ dù chẳng có tên.
Cô gái đi thẳng vào, rồi bước qua cái cửa nhỏ dẫn vào phòng trong.
Trái ngược với gian bên ngoài xinh xắn, căn phòng này tiều tụy và luộm thuộm, đồ đạc chỉ có độc một chiếc giường đôi với mấy cái ghế nhỏ xíu, nhỏ đến nỗi có thể lầm là mấy chiếc đòn. Một cái giá vẽ nằm trong góc, chung quanh là rất nhiều tranh vẽ lở dở, dựng bừa bãi ở chân tường. Một cửa sổ nhỏ phía sau đủ cho một luồng ánh sáng tỏa xuống, soi rõ gian buồng ảm đạm.
Trên cái giường bừa bộn, một người trẻ tuổi ngồi dựa vào vách. Chàng đang nguệch ngoạc những nét phác thảo trên một phiến giấy trắng. Ánh sáng từ cửa sổ đọng lại trên bờm tóc quăn rũ trước trán và sống mũi thanh tú. Cô gái dừng lại trên ngưỡng cửa, ánh mắt cô đầy vẻ yêu thương.
Chàng trai ngước lên, thấy cô, chàng không giấu được vẻ vui sướng. Quẳng cả bút và giấy xuống giường, chàng reo lên và vươn tay ra; cô gái như con mèo nhảy thót vào lòng chàng.
Họ ôm nhau rất lâu, bất động, những cánh tay càng lúc càng riết chặt. Mũi họ hít càng lúc càng sâu vào lồng ngực mùi da thịt của nhau, một nỗi hứng khởi sâu sắc và mãnh liệt làm cả hai như bay lên, bay mãi.
Khi không thể riết chặt hơn nữa, cô gái buông tay ra, ngã vật xuống giường. Cô vùng dậy, lao vào góc phòng, lục lọi trong chiếc tủ cũ và lôi ra một bộ váy màu tím vốn bị nhét trong một góc. Cô vuốt vuốt mớ váy áo, chất thun tốt còn mới nhanh chóng duỗi ra, cho thấy bộ y phục còn khá đẹp và sang trọng.
Đấy là bộ cánh Na sắm từ thuở mới ra trường,đã từ lâu không động đến.
“Em làm gì vậy?” Chàng trai hỏi. Cô gái vắt bộ y phục lên thành ghế, bắt đầu ngồi xuống trước gương, chải tóc, kẹp gọn lên, đôi mắt vốn đã to và sáng càng long lanh hơn.
- “Tuấn ơi, sáng nay bà chủ nhà có đến không?”
- “Có” - Vẻ mặt Tuấn đang vui chợt cau lại. “Mụ ta thật láo, nhất định chỉ muốn gặp em thôi. Na à, có phải ý mụ ta xem anh là một gã vô tích sự không?”
- Không phải thế đâu, chẳng qua là vì em đã dặn mụ ấy không được làm phiền anh về những chuyện tầm thường.
Có người đang muốn dành thuê căn hộ hai người đang ở.
Hai nghìn rưỡi đô cho ba năm, số tiền đó có thể không đáng kể với nhiều người, nhưng với đôi tình nhân họa sĩ này là một thách thức quá lớn. Vì vậy Na đã giấu chàng con số mà nàng cho là quá kếch sù ấy để chàng khỏi khiếp hãi.
Nàng đứng vụt dậy,  chạy đến sau lưng Tuấn kéo mạnh bức màn, để lộ một bức tranh sơn dầu cỡ lớn. Trong tranh là một phụ nữ bán khỏa thân: đó là Na, dưới nét cọ tài hoa của người đàn ông yêu nàng. Vẫn mái tóc ấy, đôi mắt ấy, vẫn thân thể mỏng manh ấy nhưng dường như  là một Na khác: bất cứ ai đứng trước bức tranh cũng bồi hồi xúc động mà không hiểu vì sao. Họ không biết đã có một ngọn lửa cháy rực từ nỗi say đắm của người họa sĩ, ngọn lửa thần ấy chiếu lên thân thể người đàn bà để soi sáng cho người ta thấy phần linh hồn ẩn sâu đằng sau da thịt. Cả bờ vai mỏng và đôi vú nhỏ - mà những gã đàn ông dung tục vẫn đánh giá như thứ hàng chất lượng kém - ở đây cũng hiện nguyên hình với vẻ đẹp khắc kỷ xót xa mà người ta thường gặp ở những tranh thánh thời Trung Cổ.
Na tiếc đau tiếc đớn khi nghĩ đến chuyện phải rao bán bức tranh, nhưng chẳng còn cách nào khác. Nàng tự an ủi rằng rồi đây nó sẽ được lưu giữ trong sưu tập của một người am hiểu hội họa.Rồi biết đâu đấy,một ngày kia nó sẽ vào nằm ở một bảo tàng,và tình yêu của nàng được ký thác trong đó sẽ còn mãi mãi cùng với giấc mơ bất tử mà nghệ sĩ nào cũng từng ấp ủ.
Na và Tuấn yêu nhau từ năm đầu tiên học chung ở trường nghệ thuật. Tuấn là sinh viên trội bật nhất, còn Na ở trong đám đông những cây  cọ trẻ tầm thường làm nền cho lớp học. Nàng luôn khổ tâm vì những ngón tay không quyền năng, chúng bất lực không giúp nàng diễn tả những rung cảm thuần khiết nhất trong lòng nàng. Nàng cũng từng vẽ người mình yêu, nhưng bức chân dung ấy lúc nào nàng cũng giấu kỹ trong một góc tủ. Mỗi lần nhìn thấy nó, nàng lại xấu hổ, bởi cũng là mái tóc rũ trước trán, cũng là gương mặt với vẻ đẹp đàn ông, nhưng chẳng có một tí gì là quyến rũ và sức sống. Gương mặt thiên thần của người mẫu khi bị nhốt vào tranh đã hóa thành một bộ mặt thô thiển, nông cạn và chẳng có tí linh hồn.
Sự kém tài là nguyên nhân khiến nàng dần dần xem người yêu như một thần tượng.Về sau khi đã sống chung, nàng là người yêu, người bạn, người phục vụ và bảo vệ chàng, ngủ cùng giường với chàng ban đêm, nấu ăn cho chàng ban ngày, làm người mẫu thường xuyên cho chàng vẽ, bởi chàng chẳng có tiền thuê mẫu, mà cũng không muốn vẽ ai ngoài nàng.

°

Khi nàng bước vào đại sảnh, đoàn thiếu nữ tiếp tân đã xong phần luyện tập của mình, đang ngồi nơi hai dãy tràng kỷ dài dọc theo vách. Nữ chủ nhân Tuyết N. đang bước từng bước uyển chuyển trên tấm thảm nhung màu huyết dụ, tiến về phía chiếc ghế lớn với dáng dấp như một nữ hoàng đang tiến đến chiếc ngai của mình. Theo sau Tuyết N., gã đạo diễn không rời mắt khỏi từng cử động.
Giữa lúc đó người nữ khách xộc vào. Tuyết N. cau mày lại:
“Tôi đã bảo với cô rồi. Tranh trưng bày đã chọn xong từ hơn mười ngày. Giờ này tôi không tiếp các họa sĩ nữa”.
Từ lúc vào, Na đã cố đè nén cho trái tim mình đừng đập rộn lên dưới cái vỏ lạnh lùng kiêu ngạo; giờ đây lồng ngực nàng lại loạn xạ lên với nhịp tim thon thót. Nàng cố giữ bình tĩnh:
- Thưa bà, nghe nói mới lúc nãy họa sĩ B.D, họa sĩ T.Đ.N vẫn còn cho người đưa tranh đến.
Tuyết N. cười, tiếng cười nàng nghe như tiếng thủy tinh và sứ chạm nhau, sang trọng nhưng rất lạnh lẽo. “Họa sĩ B.D, họa sĩ T.Đ.N? Cô là ai mà dám so với những tên tuổi ấy? Gallery của tôi chỉ nhận giới thiệu những tranh thật xịn, tác phẩm lớn của các danh họa”.
- Thưa bà, tôi đến đây không phải vì tôi, mà vì một người khác. Một thiên tài, thưa bà. Nếu bà nhìn thấy... Bà sẽ không thể ngoảnh mặt đi. Người ta đồn rằng bà là tri âm của các họa sĩ, bà phát hiện và khơi dậy những tài năng.
Nói rồi nàng quả quyết rút trong ngực áo ra một tấm ảnh. Đấy là ảnh chụp bức tranh lớn mà Tuấn đã vẽ, bức tranh mà chàng trai tâm đắc và yêu quý nhất trong suốt quãng đời từ khi cầm cọ đến giờ. Na cầm nó bằng hai tay, run run đưa cho người đàn bà.
Tuyết N. đã ngồi trên cái ngai lộng lẫy, bà ta liếc qua phiến ảnh trên tay cô gái. “Thiên tài của cô đâu, sao hắn ta không đích thân đến đây?”
Na ngắc ngứ không nói ra lời. Nàng sợ làm phật lòng người đàn bà nếu nói ra sự thật, rằng Tuấn không bao giờ chịu cúi mình cầu lụy các gallery; rằng anh cảm thấy phải đặt tài năng mình dưới sự mặc cả của những đầu nậu là nhục nhã; rằng nàng muốn gánh lấy cái phần tục lụy của nghệ thuật để cho tâm hồn anh khỏi bị tổn thương. Làm sao giải thích chuyện này với Tuyết N.? Na lúng túng và lặng im. Dù sao bà chủ Tuyết N. đã chịu bắt lời nói chuyện với mình, đấy đã là điều đáng mừng rồi.
Tuyết N. nhìn tấm phóng ảnh một lúc, rồi trả lại cho Na.
- “Thưa bà...?”
- “Cô bảo tác giả là một thiên tài. Nhưng tôi chưa nghe tới tên y bao giờ cả”.
- “Thưa bà, thiên tài nào khi đầu cũng đã từng là người vô danh... Nhưng nếu bức tranh này được treo ở gallery trong đêm khai mạc, thì nó có rất nhiều cơ may lọt vào mắt xanh của những nhà buôn tranh có cỡ; có thể họ sẽ mua nó với một giá lớn, lúc đó Kình Dương sẽ có cả lợi nhuận lẫn tiếng tăm, vì người ta sẽ hiểu rằng đây là nơi giới thiệu với họ những giá trị mới”.
Những mơ ước nóng bỏng trong lòng khiến cả lời lẽ lẫn vẻ mặt Na nhuộm một vẻ say sưa đầy thuyết phục. Ngồi trên bệ, dưới chân bà chủ, gã đạo diễn lặng lẽ quan sát cô, vẻ chán chường dần tan biến trên khuôn mặt y.
Tuyết N. đáp lời cô gái bằng một cái nhún vai:
- Cô nói đúng, nếu một gã vô danh tiểu tốt được treo tranh ở đây, ngày mai người ta sẽ nhìn y kính nể như nhìn một bậc thầy.
- Thưa bà, bà có thể giúp được một tài năng trong cơn khốn khó, xin bà đừng tiếc công. Nếu bán được tranh, chúng tôi sẽ nhớ ơn bà mãi mãi.
Người đàn bà quay đi. “Tôi không biết ai có tài mà lại phải chịu khốn khó. Tôi làm nghệ thuật, không phải lập trại tế bần”. Dứt lời, bà ta ném một cái nhìn sắc sảo về phía gã đạo diễn; thế là gã này chồm dậy, chụp lấy cườm tay Na, kéo ngược nàng ra khỏi đại sảnh.
- Với bọn người này, cô phải mua sự đồng ý của chúng. Không đủ sức mua thì thôi, đừng van xin. Phải nói thách giá của mình để chúng khiếp hãi, đừng gợi lòng thương của chúng, vô ích.
“Tôi chịu thôi. Tôi không thể...” Na nghẹn ngào. Người đàn ông lắc đầu:
- Cô có đem theo sổ tay không? Không có thì một mẩu giấy cũng được. À, phía sau bức ảnh ấy, được rồi. Tôi đọc cho cô ghi cái này. Có thể đó là một cơ hội cuối cùng...
Gã đọc cho Na ghi một địa chỉ Email trước khi hai người ra đến cánh cửa lớn, nơi gã buông tay cho Na một mình bước ra, như một con bọ rơi ra khỏi chiếc hộp vàng.
 
°
 
Tên vệ sĩ ngồi trên bậc thềm, bộ quần áo của hắn dày, lùng thùng và có vô số túi; những đường xếp và túi lớn trên y phục giúp hắn giấu kín những vũ khí nho nhỏ làm bằng thép quý. Hắn chỉ giấu nhẹm chúng vì yêu cầu mỹ quan thôi, chứ ai cũng biết Hùng Rô không bao giờ đi đến đâu với hai bàn tay không.
Gian phòng hắn đang ngồi rộng và sâu hút, ở cuối phòng là một giàn cửa kính lớn nhưng những tấm màn dày đã ngăn hết ánh sáng bên ngoài, thành thử mọi thứ chỉ còn được chiếu sáng bởi bốn ngọn đèn mắt cáo nhỏ xíu gắn lút vào bên trong trần nhà. Giữa phòng, trên chiếc ghế bành lớn, một người đàn ông mảnh dẻ ngả mình; Mái tóc và cái mũi đổ bóng xuống che hầu hết những đường nét khác của khuôn mặt. Lúc này đây, người đàn ông đang cầm hờ hững trong tay một điếu xì gà lớn gắn vào cái tẩu bằng ngà, vốn là một cổ vật. Y rít thuốc bằng vẻ đủng đỉnh của một con mèo già đang thu mình. Mỗi lần điếu thuốc cháy đỏ, chút ánh sáng bừng lên hắt ánh lửa vào đôi mắt lim dim trên khuôn mặt gầy. Màu xanh lờ mờ nơi những gốc ria trên mép sát cạnh màu hồng sậm của đôi môi mỏng.
Một người đàn ông vào trạc tuổi đã gần sáu mươi mà còn có màu môi  như vậy, kể cũng kỳ lạ. Gã vệ sĩ ngồi dưới chân y, mắt cũng lim dim, gã đang khoan khoái và thèm thuồng vì hít phải mùi thơm tỏa ra từ điếu thuốc kia: mùi thơm của một vườn nhãn chín.
Một màn hình vi tính đặt cạnh chiếc ghế bành giúp người đàn ông có thể nhìn thấy cảnh tượng ngoài đại sảnh từ trong căn phòng kín.  Trên màn hình, Tuyết N. đang cười mãn nguyện. Người đàn ông nhìn nụ cười ấy với khuôn mặt bất động, nhìn vẻ mặt ấy chẳng ai có thể hiểu y đang nghĩ gì.
Rút chiếc điện thoại di động trong túi ra, y mở đọc các email đang được gửi tới, cũng với vẻ mặt đóng kín.
Bỗng y dừng lại, đôi mắt lim dim hơi mở to ra nhìn vào màn hình nhỏ xíu của điện thoại. “Hùng Rô!” Nghe tiếng gọi, gã vệ sĩ to lớn đứng phắt dậy. Thấy chủ chỉ về phía màn hình máy vi tính, y hiểu ý ngay, tắt mạch phím đang truyền dẫn từ đại sảnh, mở sang mục check mail. Chốc lát, bức tranh người thiếu nữ đã hiện ra. Qua ánh sáng của màn hình tinh thể lỏng, những đường nét của người trong tranh như tỏa hào quang làm chói mắt người nhìn.
“Hùng Rô!” Người đàn ông lại gọi. Tiếng gọi khàn khàn phát ra từ thân hình lép kẹp đó lại có sức mạnh khiến cái thân thể to lớn dềnh dàng của Hùng Rô phải tuân theo răm rắp.
Hùng Rô đi ra cửa.
Mấy phút sau, có tiếng giày cao gót hấp tấp gõ lách cách ngoài hành lang. Rồi cánh cửa mở, Tuyết N. lách qua tấm màn nhung tiến vào.
Nàng đến bên chiếc ghế bành, ngồi dựa vào lòng người đàn ông:
- Anh muốn xem bức tranh đó sao? Em đã từ chối rồi. Một bức tranh tầm thường. Em không chịu nổi những gì tầm thường, trong gallery của em, tất cả phải là tranh của những tên tuổi lớn.
Tuyết N. ép sát mình vào thân người đàn ông, chiếc soirée cổ rộng xếp nếp hững hờ, thân thể nàng tươi mát và gợi mở như mâm cỗ hoan lạc. Người đàn ông đưa một tay lên ngực Tuyết N., tay kia vẫn tiếp tục cầm điếu xì gà. Tuyết N. khép nhẹ mắt, nàng mơn trớn y bằng cả thân thể, vẻ mặt và giọng nói rủ rỉ như những giọt mật. “Em chọn đủ số tranh, con số này phù hợp với cung số của anh trong năm nay, thầy chiêm tinh đã dặn lui dặn tới không được làm sai, nguy hiểm lắm anh à”. Người đàn ông gật đầu, vẻ mặt không lộ vẻ tán thành hay phản đối. Tuyết N. lay nhẹ vai y,nũng nịu:
- Vậy em  gọi Hùng Rô quay lại nhé?
Người đàn ông lắc đầu. Tuyết N. hất mạnh bàn tay y ra, đứng phắt dậy, ngồi dịch ra khỏi lòng y. Nàng kêu lên như xé tai:
- Vậy mà anh nói tôi là chủ gallery này!
Người đàn ông vẫn điềm đạm hút thuốc. “Anh không hiểu em muốn gì. Coi chừng, khi giận dữ trông em xấu hẳn đi”.
- Em muốn một là anh tôn trọng quyền làm chủ của em ở đây, hai là đừng nhìn mặt em nữa.
- Thực sao? Anh cứ nghĩ em thích ở vị trí hiện nay hơn là quay về cái quán karaoké nơi anh gặp em lần đầu.
Người đàn bà im lặng quay lưng. Khi nàng ra tới đại sảnh, da mặt nàng xám ngoét kỳ dị đến nỗi gã đạo diễn sững sờ khi nhìn thấy nhân vật chính của mình.
 
°
 
“Tại sao cô không đưa tranh đến đây?”. Người đàn ông hỏi. Khi ngồi ngay ngắn, trông gã đầy uy lực. Dù thân hình gầy guộc và khuôn mặt xanh xao, giọng nói gã lớn, mạnh và âm vang.
Cô nàng họa sĩ nghèo không thể không cảm thấy xao xuyến trước sự tráng lệ của gian phòng, trông như một u cung. Ở đây, tất cả toát ra cái vẻ lấn át lạnh lùng, như một con thú khổng lồ đang chực há mồm nuốt chửng lấy nàng.
Na cảm thấy vướng ở cổ họng, nàng không nén được mấy tiếng ho khúc khắc. “Tôi chờ một lời thỏa thuận. Người của ông bảo rằng chẳng những nhận trưng bày, ông còn muốn mua đứt bức tranh”.
Người đàn ông nhếch mép. “Cô muốn bao nhiêu?”
Trái tim Na lồng lên, đập rộn rã trong lồng ngực. Cố giữ vẻ mặt lạnh lùng, cô thốt lên với vẻ khinh khỉnh:
- Hai nghìn rưỡi đô, thưa ông.
Người đàn ông ngả lưng vào thành ghế, y bắt đầu bẻ các đốt ngón tay khiến chúng kêu lên lốp bốp. Mặt y không đổi sắc, ánh mắt đảo từ đầu đến chân người phụ nữ trước mặt.
- Cô tưởng đây là Hồng Kông hoặc Singapore sao? Hai nghìn rưỡi đô cho tác phẩm của một họa sĩ chưa hề tiếng tăm?
Na không chuẩn bị cho mình một thái độ nào tiếp theo, nên nàng khựng lại. Rồi đôi mắt nàng đột ngột sáng lên, lần này là ánh sáng của một niềm tin mạnh mẽ thực sự:
- Hôm nay nếu ông mua nó, ngày mai Kình Dương sẽ sánh vai với những nơi ông vừa nhắc.
Người đàn ông cười hoài nghi, mắt không rời ánh chớp trên mặt cô gái. Y buông sõng:
- Được rồi. Tôi mua. Tôi trả cho cô ba nghìn, không kém một xu.
Na bất ngờ quá, cô không kìm chế được nỗi vui sướng, hai tay ôm lấy mặt.
Chờ cho cô ngửng lên, gã đàn ông nói tiếp:
- Với một điều kiện. Cô là người mẫu của bức tranh phải không? Tôi muốn cả bức tranh và cả cô. Ba ngàn đô,  cả hai. Cô hiểu chứ?
Bên tai Na như có một thanh sắt đang nung đỏ chợt bị dụi và nước lạnh.
Cô lùi lại một bước, vẻ như muốn tát mạnh vào mặt gã đàn ông, nhưng gã đang ở ngoài tầm tay cô.
Ông nói gì thế? Ông có điên không?
Người đàn ông  mỉm cười không đáp.
Na hụt hẫng, quay ngoắt lại, bỏ đi với vẻ mặt hầm hầm ghê tởm.
Người đàn ông điềm tĩnh nhìn theo.
Bước chân Na chếnh choáng như người ngủ mơ vừa tỉnh. Trước mắt cô hiện ra hình ảnh Tuấn, giờ này đang miệt mài vẽ trong căn phòng nhỏ.
Ngày mai, một người giàu có sẽ đến chồng tiền thuê nơi ấy.
Lúc sắp bước ra khỏi phòng, bỗng nhiên Na òa lên khóc thảm thiết, rồi nàng quay lại, những giọt lệ căm hờn ứa ra từ đôi mắt lửa cháy.
Người đàn ông khẽ gật đầu.Lặng lẽ,y ngắm nghía vẻ đau khổ của cô gái  với vẻ khoái trá,như người ta nhấm nháp một cốc rượu vang khai vị. “Lại đây, em bé - Y quay sang nói với tên vệ sĩ - “Lúc nào ta cũng  khâm phục phụ nữ ngày nay, họ quyết định trong vài giây những gì mà ngày xưa phải đắn đo nhiều tháng trời”.
Na lắc đầu. “Tôi đồng ý, nhưng không phải bây giờ. Hai giờ sau tôi sẽ quay lại.”
Dù trí óc mê mụ và đau buốt, Na vẫn còn nhớ bây giờ là năm  giờ chiều.Như lệ thường giờ ấy dù đang đi đâu họ cũng quay về bên nhau.Nàng pha cà phê và hai người ngồi  nhìn ra khoảng trời xanh trên cửa sổ;Họ nói với nhau về  những niềm hy vọng, những bức tranh đang ấp ủ,những chuyến đi xa trong tương lai......
Giờ đây nàng phải về. Nàng muốn gặp Tuấn,bởi nàng biết lát nữa đây khi đã bán mình,sẽ không có gì như trước nữa,không bao giờø có lại một giờ ngọt ngào như thế.
Trên ghế bành, gã đàn ông không tỏ vẻ gì nôn nóng. Y bảo:
- Được thôi. Hai giờ sau cô sẽ trở lại, mà này, đừng mặc bộ váy ngớ ngẩn này, hãy mặc cái gì khác. Luộm thuộm cũng được, rách rưới cũng được, tôi rất thích cái vẻ thiên thần vô lại của cô, chớ có tìm cách tỉa tót nó.
Na đi rồi, Hùng Rô nhìn chủ:
- Biết đâu cô ả sẽ chuồn thẳng.
Gã chủ lắc đầu:
- Con bé cần tiền đến cháy da.Món tiền của ta là sợi dây đã buộc vào cổ nó.
Hùng Rô cười hềnh hệch:
- Giá quá cao. Một đứa con gái lép kẹp, có gì là hấp dẫn? Tệ hơn những con mái bèo nhất.
- Chú lầm. Người phàm ăn không thể hiểu cái thú ẩm thực của người sành. Chú có thấy cái eo của con bé không? Ta chưa thấy đứa con gái nào có cái eo nhỏ như thế.
- Eo nhỏ thì sao?
Trong lúc hai thầy trò nói chuyện thì bên ngoài, Tuyết N. đang đi đi lại lại. Giờ đây, dáng vẻ nàng là dáng vẻ của con hổ cái bị thương.
Một cô giúp việc trẻ tay bưng khay rượu đến nói thầm vào tai nàng. Tuyết N. chăm chú nghe rồi cười gằn:
-Đồ điếm!
Mắt Tuyết N. phát ra những tia sáng hung hãn. Rồi như chợt nghĩ ra,nàng bỗng dịu vẻ mặt,nhoẻn một nụ cười đắc ý.Thấy nụ cười ấy,cô bé giúp việc sợ hãi nhìn quanh, rồi bưng khay đi.
Tuyết N. gọi với theo:
-Gọi Hùng Rô,bảo ta có việc cần gặp y.
 
°
 
Quãng đường từ gallery  tuy không xa, nhưng đôi chân lẫn lộn khiến Na loanh quanh mãi giữa những con đường nhỏ. Nàng vừa đi vừa khóc rồi cuối cùng câm nín, lặng lẽ, mắt ánh lên nỗi đau đớn gan lỳ.
Khi Na về đến trước nhà, chẳng còn giọt nắng nào trước hiên, và trên da mặt nàng cũng chẳng còn một giọt máu.
Có tiếng động ở phòng trong. Na giật mình,theo thói quen, nàng lo lắng, có thể Tuấn sẽ  nổi cơn giận khi thấy nàng đã lén đi với bộ váy đỏm dáng này, chắc chắn là đến những nơi chàng không thích.
Trong phòng, chàng trai đang cắm cúi vẽ, lưng quay về phía cửa sổ.
“Na! Na ơi!” Chàng kêu to khi nghe tiếng chân nàng, mắt vẫn không rời bức vẽ. “Anh đã gặp vận đỏ rồi. Anh đã nói mà. Thần may mắn đã đến!”’
“Anh nói sao?” Na kêu lên, tưởng chừng tim vỡ ra. Có thể nào? Nàng phấp phỏng....
“Một người đàn bà, em ạ, một người đàn bà tuyệt đẹp, bà ta bảo rằng gallery của bà ấy sẽ rất vinh dự giới thiệu bức tranh của anh. Bà ta đến bằng xe hơi! Anh chưa bao giờ nhìn thấy ai đẹp và lịch lãm như bà ấy! Gã vệ sĩ dẫn đường cho bà ta còn bảnh hơn một ông chủ!”
Tuấn không ngừng tay dập những tảng màu lên khung vải. Na chạy tới, nhìn vào bức tranh lớn chàng đang tô sửa. Chợt nàng hét lên, chết điếng.
Đó là bức tranh về  nàng, giờ đây Tuấn đang vội vã trét những đường nét mới lên. Vẫn màu nền đó, vẫn dáng người đó, nhưng thay vì mái tóc xõa rối là mái tóc búi cao quý phái, và bộ ngực nữ tu giờ đây đã hóa thành bộ ngực đồ sộ mỡ màng của nữ chủ nhân gallery Kình Dương.
 
°
 
Đúng tám giờ tối gallery Kình Dương được cắt băng khánh thành. Tháp sâm banh tuôn trào, những khách mời nâng ly, lót tay bằng những chiếc khăn lụa trắng nõn.
Trước cổng gallery, xe hơi đậu bóng loáng dọc vệ đường. Trong buổi tiếp tân, nữ chủ nhân Tuyết N. tươi tắn và sung mãn, xuất hiện như một bông hoa bằng pha lê rực rỡ dưới ánh đèn chùm muôn màu chiếu sáng. Bên cạnh nàng là một gương mặt mới, một họa sĩ còn trẻ nhưng được lưu ý nhiều nhất vì vẻ hào hoa lãng mạn và cả vì bức tranh đang được trưng bày ở chỗ sáng nhất, quan trọng nhất trong đại sảnh. Đó là bức vẽ về nữ chủ nhân gallery, kết quả của sự chắp nối dị dạng vô hồn, trông giống như một thứ côn trùng đang biến thái dở dang. Mặc dù vậy, nhiều người đã tấm tắc khen ngợi nó, một số nhà phê bình hội họa còn phát hiện ra nơi đây một bút pháp mới đầy sáng tạo, pha trộn giữa hư và thực.
Hai giờ khuya, Tuấn mới về đến nhà. Thứ men quyến rũ của vinh quang lần đầu thấm vào hồn anh, khiến chân anh cứ lâng lâng như đang đi trên mây khói.
Ngả lưng một lúc lâu Tuấn mới nhận ra Na không có trong căn hộ, những xống áo của nàng treo trên vách cũng biến mất. Tuấn nhổm dậy, nhìn kỹ lại quanh phòng. Chiếc lược, chiếc bút chì tô môi, chiếc mũ vải gai màu beige của nàng cũng không còn nữa.
Tuấn bồn chồn, muốn đi tìm Na nhưng đã quá khuya. Đi lui đi tới một lúc, anh chợt kéo tấm màn trước kia vẫn che bức tranh lớn...
Nơi khoảng trống mà bức tranh để lại, Na đã đặt một cái bàn nhỏ, trên bàn là bức chân dung của anh mà trước đây nàng đã vẽ: một bộ mặt thô thiển, nông cạn và chẳng có tí linh hồn.
Trước bức tranh là một bát nhang mới, trên đó cắm cây nhang đang còn cháy dở.
Kể từ hôm đó, người trong phố chẳng ai còn thấy Na ở đâu nữa.
Còn Tuấn thì càng ngày càng nổi tiếng. Sự nghiệp của chàng không phải chỉ ngừng ở gallery Kình Dương.
T.T.M
2003

Xem Tiếp: ----