Mỗi tộc người đều độc đáo và có những tính cách riêng, về phương diện dân tộc học nhiều hơn là nhân chủng học. Các yếu tố khác nhau về địa lý chỉ làm biển đổi rất ít loại hình thể chất chủng tộc, nhìn chung đều giống nhau trên những nét lớn, song lại tạo nên những tính chất dân tộc học riêng biệt và định hướng sự phát triển của những tính chất ấy. Cách cấu tạo của vùng đất, những ngăn cách hay những lối đi qua, đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ của những người bản địa, chia cách những người này, tạo thuận lợi cho sự tiếp xúc giữa những người khác. Nghiên cứu so sánh tiếng nói của mỗi tộc người cho thấy những sự gần gũi khiến ta có thể giả định có một nền tảng duy nhất về cách biểu đạt. Từ đó phái sinh ra các phương ngữ tùy theo từng nơi chốn. Các phương ngữ đó là những thổ ngữ địa phương hơn là những ngôn ngữ khác biệt. Phải chăng ngôn ngữ mẹ là cái ngôn ngữ ddös pönddik [1] của Truyền thuyết, được nói thời kỳ còn ở biển? Người Tây Nguyên cho là như vậy. Chúng ta chỉ có thể có những giả thuyết. Song vẫn có một quan hệ họ hàng giữa các phương ngữ Tây Nguyên, họ hàng về âm thanh, từ vựng, cấu trúc, cách biểu đạt. Bảng đối chiếu sau đây rất đáng chú ý về mặt này (xem bảng I) Nó gồm các từ thông thường thuộc các lĩnh vực khác nhau. Ðôi khi cách thức ghi từ che lấp một sự giống nhau về âm mà tai nghe có thể nhận ra. Bảng I Giarai Êđê kan aseh jögau k'gao chim phiör kong böcah böcah böcah böcah pöchah m'chah ami Yang Yang Yang Yang Yang Yang Những tên riêng của người, giống nhau ở nhiều tộc người, dù họ ở rất xa nhau, càng xác định sự thống nhất cội nguồn đó. Việc xem xét từ vựng cho phép ta nhận ra, trên một nền tảng dường như là chung, những ảnh hưởng từ bên ngoài đến nhóm ngôn ngữ, một phía là từ người Khơme, phía khác từ người Chàm. "Ông chủ" trong tiếng Bana là gru, trong tiếng Srê là pogru; đấy chỉ là cách nói khác của kru trong tiếng Cămpuchia (đến lượt nó lại gần với guru của tiếng sanscrit). "Chim", Bana là xem, Srê là sim, Êđê là chim, Chàm là chim. "Bao", Chàm và Mã Lai là sarun, Srê là sömprung. "Cày", Srê là ngal, Chàm là lanal, Mã Lai là tangala. "Người", Srê là bönus, Chàm là man, Sanscrit là manus. Các phương ngữ Tây Nguyên được xếp vào nhóm các ngôn ngữ Inđônêdiêng, trong đó có cả tiếng Java, Mã Lai. Chúng tôi cũng được nghe nói đến một phương ngữ, rất gần với tiếng Bana, được nói ở các đảo Nicobar. Tiểu nhóm các phương ngữ Tây Nguyên cho phép ta nhận ra ở đấy một sự thống nhất trong các sự khác nhau của chúng. Các phương ngữ này có tính chất chung là dính kết và đa âm. Quả là một số lớn từ là đa âm, nhưng có những từ hai và ba âm, những từ gồm có một gốc và những phụ tố, cũng có những từ không thể tách rời. Sự phong phú về âm khiến mọi việc phiên âm đều khó khăn; dường như không bao giờ có thể tìm ra đủ các nguyên âm trong chữ cái của chúng ta để ghi lại một cách thỏa đáng. Thay vì làm cho các chữ cái la-tinh mang nặng thêm các ký hiệu quá nhiều và xồm xoàm, gần đây người ta đã thỏa thuận chỉ dùng các ký hiệu phổ thông và thông dụng, đủ để viết các từ trái ngược nhau. Ở đây chúng tôi đã dùng cách la-tinh hóa đó để phiên âm các phương ngữ Tây Nguyên. Không có giọng; ngữ điệu của giọng nói là tùy theo từng người và tương ứng với cả câu, giống như trong các ngôn ngữ châu Âu. Tư duy Tây Nguyên là tư duy viễn đông; điều đó biểu hiện trong ngôn ngữ bằng tình trạng rất phong phú của các từ ngữ cụ thể, đặc biệt các từ ngữ nói về các hoạt động thường ngày, việc trồng trọt, các kỹ thuật, nhiều đến mức làm rối trí những người học các phương ngữ, và khiến cho diễn từ đạt đến một sự chuẩn xác đáng kinh ngạc. Với một từ "mang" duy nhất trong tiếng Pháp, người Tây Nguyên có đến một chục từ ngữ tùy theo chỗ ta mang bằng tay, trên vai, một mình hay cùng nhiều người khác, v.v. Và lắm khi ta phải dịch mỗi một từ ngữ đó bằng cả một câu nói vòng dài. Các từ đa âm thường là các từ ghép. Cách cấu tạo chúng tuân theo những quy luật cố định, cho phép ta khi cần có thể tạo nên những từ mới nếu ta muốn làm cho ngôn ngữ được phong phú, chẳng hạn để du nhập một từ vựng khoa học mới. Các quy luật đó là chung cho các phương ngữ khác nhau. Hiện tượng này có thể thấy trong các ví dụ sau đây được chọn trong hai phương ngữ cố tình xa nhau: Trong tiếng Bana, dar có nghĩa là "một vòng"; thêm tiền tố pö, trở thành pödar: "vây bọc lại"; trong tiếng Srê dar và pödar cũng có nghĩa hệt như vậy. Trong tiếng Bana, pö hay tö, đứng trước một động từ hành động có nghĩa là "làm cho"; như vậy ta có gan (đi qua) và pögan (đưa qua); kram (nhúng) và pökram (ném [xuống nước]); mut (vào) và tömut (đưa vào). Trong tiếng Srê cũng như vậy, chỉ có điều tiền tố có nghĩa là "làm cho" luôn là tö (đôi khi là tön hay tör do luật hài âm):gan (đi qua) và tögan (đưa qua), nyhöp (nhúng) và tönyhop (ném [xuống nước]); mut (vào) và tömut (đưa vào). Trong tiếng Giarai, người ta cũng nói gan và pögan; kram và pökram; mut và pömut. Cách đo, giống nhau ở tất cả các tộc người, cho ta những khái niệm dân tộc học quý báu. Người Tây Nguyên không biết đến trọng lượng; họ chỉ tính các độ dài, các dung lượng, là những đơn vị đo lường duy nhất dùng trong trao đổi. ngay cả một con trâu cũng được tính theo độ dài bộ sừng của nó. Các đơn vị đo độ dài tương quan với cơ thể con người: từ bề ngang ngón tay cho đến sải tay, có không ít hơn mười lăm đơn vị "chính xác" được thông dụng (bàn tay, gang tay, khuỷu tay... và tất cả các đơn vị chia nhỏ của chúng). Cách đo thời gian tương ứng với vị trí của mặt trời để tính các giờ ban ngày, với tiếng gà gáy để tính các giờ trong đêm, với hình thù mặt trăng để tính các ngày trong tháng. Khoảng cách được tính bằng thời gian phải đi: làng ấy cách đây ba "đêm" đi, nghĩa là cách bốn ngày đường, vì người ta phải ngủ đường ba đêm. Ðiều này đưa chúng ta đến chỗ nghiên cứu lối đánh số của người Tây Nguyên. Ta sẽ nhận thấy những sự khác nhau, nhiều lúc có vẻ không dung hòa được (xem bảng II). Bảng II Biat Stiêng Bana Mạ Srê Raglay Noang Giarai Êđê Chàm sa dua klau pak limö nam tijuh 8 pham p'ham töhngam pham pham lapan dölpan sopan epan dalapan 9 chin sienh töxin sin sin salapan salapan duaröpan doapan salapan pluh 1000 r'bau diban röbau röbu röbu r'tu r'tu röbao etuh ribau Bảng III Pháp Biat Stiêng Bana Mạ Srê Raglay Noang Giarai Êđê (Chàm) một muoi mui ming dul dul sa sa sa sa sa nước dak dak dak daa daa ya ya ia lửa ugn ugn unh pui ous pui pui apui pui apuei thóc ba ba ba koe koe bödae pöde lúa phe p'hey phe phe phe brah brah breh braeh cơm piang poi - por piöng piang por sei sei ase êsei trống gor s'ngör xögor högôr (I) söngör söngör sögör sögör hagör hgör hagör chiêng tchign cheng xar (I) cing cing car sar car ching ching cin lợn chör sur nhung sur sur un (I) bui bui un un gà mái iar ir ir ir iar mönu (I) mönu mönu mönu m'nu vào lap lap mut mut mut tama tama mut eran nuôi chiam tchim xiem siam siam rong (I) siam siam rong chiem rong ciam mua r'wat ruöt ruöt roat blei (I) roat roat ble bley (I) Hai hình thức được sử dụng khác nhauBảng này cho thấy rõ có hai tiểu nhóm ngôn ngữ mà chúng ta có thể ngỡ là không thể quy làm một nếu chúng ta không biết mối quan hệ họ hàng gần gũi giữa các phương ngữ. Chúng ta còn nhận thấy một sự đồng nhất về cách biểu đạt trong mỗi tiểu nhóm: một bên là các phương ngữ Biat, Stiêng, Bana, Mạ, Srê; bên kia là các phương ngữ Raglay, Noang, Giarai, Êđê. Trên bảng, nhóm bên trái đã chịu ảnh hưởng Khơme càng rõ hơn khi ta càng đi về phía trái. Các phương ngữ ở phía phải, nhất là tiếng Raglay và Noang, chịu ảnh hưởng Chàm [2]. Mọi việc diễn ra cứ như một cái gốc nguyên thủy chung cho các phương ngữ Tây Nguyên đã được đổi khác đi tùy thuộc vào nơi về sau mỗi tộc người cư trú và theo những "tuyến năng lượng" của các dân tộc láng giềng phát triển hơn do đó gây ảnh hưởng, như những người Khơme hay Chàm. Tiếp tục phân tích các phương ngữ, bây giờ chúng ta lập một bảng (xem bảng III) cố ý chọn các từ rất thông dụng. Những sự khác nhau mới lại nổi lên, buộc ta phải phân chia thành những tiểu nhóm nữa. Vấn đề các phương ngữ này đặt ra rất phức tạp; chúng ta không tìm cách rút gọn chúng đi, mà là khoanh vùng chúng lại. Những sự khác nhau là gì? Ðôi khi chỉ là một vấn đề về nguyên âm, cái khung cốt các phụ âm đều giống nhau: như, "gạo" tiếng Raglay là brah và tiếng Giarai là breh; "gà mái" tiếng Srê là iar, tiếng Bana và Stiêng là ir. Hiện tượng này rất thường gặp; nó diễn ra thậm chí bên trong tộc người ở đó ta có thể nhận thấy các nguyên âm thay đổi từ làng này qua làng khác. Như ở vùng Srê, trong khi ở làng này nói â (a đóng) thì ở làng bên cạnh chỉ cách một giờ đi đường lại nói ö. Ta cũng nhận thấy có sự chuyển động của các phụ âm, thường theo những quy luật cố định; như thóc trong tiếng Raglay là bödae, pöde trong tiếng Giarai; thường chuyển từ âm gió sang âm bật hơi: xögör (Bana), sögör (Srê), högör (Bana), hagör (Giarai), hgör (Êđê). Hai hình thức xögör và högör dùng trong tiếng Bana, cái đầu gần với nhóm Srê, cái sau gần với nhóm Êđê. Một số phụ âm rơi ra, một số tiền tố thêm vào, nhưng cái gốc vẫn nguyên. Tuy nhiên còn có những hình thức không thể rút chung lại, như ous và pui (lửa). Ta có thể kết luận là có một sự du nhập từ bên ngoài, một phía là Khơme, phía kia là Chàm; nhưng người Tây Nguyên, trước khi một số người này Khơme hóa, một số người khác Chàm hóa, tất đã phải biết lửa. Có thể một hình thức xưa đã bị mất đi. Vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Nghiên cứu Bảng III, ta nhận thấy lần này có ba nhóm ngôn ngữ (do nhóm từ Biat đến Srê được chia đôi ra): tiểu nhóm 1, gồm các phương ngữ Biat, Stiêng, Bana; tiểu nhóm 2, gồm các phương ngữ Mạ và Srê; nhóm 3, gồm các phương ngữ Raglay, Noang, Giarai và Êđê. Bên trong mỗi nhóm, ta còn có thể phân biệt ra những mối họ hàng gần nhau hơn: Biat và Stiêng, Raglay và Noang, Giarai và Êđê. Nhiều phương ngữ có những hình thức lạ đến từ tiểu nhóm bên cạnh: "lửa" trong tiếng Mạ là pui, khiến nó giống với tiểu nhóm 3; "chiêng" trong tiếng Bana là cheng hay xar, hình thức sau giống với tiểu nhóm 3. Mut (vào) là một hình thức thấy có ở mỗi tiểu nhóm, ít nhất là trong một phương ngữ. Chứng tỏ trong khoa học nhân văn, không có những định luật chặt chẽ. Chúng ta thấy có hai hình thức song song được sử dụng trong một phương ngữ, ấy là do hiện tượng có hai nguồn ảnh hưởng. Phương ngữ Srê đặc biệt phong phú những hình thức đôi như vậy (sur và un, iar và mönu,...), một cái giống với tiểu nhóm 1, cái kia giống với tiểu nhóm 3. Ðiều này tạo cho tiếng Srê một vị trí ưu tiên, trung gian giữa hai nhóm phương ngữ, và làm cho nó trở thành "hiện trường ngôn ngữ" nơi gặp gỡ và cân bằng các ảnh hưởng, vả chăng điều đó có tương quan với vị trí địa lý của những người Tây Nguyên nói tiếng Srê. Có thể điều đó cắt nghĩa vì sao phương ngữ Kơho được nhiều tộc người khác hiểu trong khi người Kơho không hiểu một phương ngữ nào khác. Ðấy là tính chất chung của tất cả các dân tộc có ngôn ngữ được hiểu ở nước ngoài và, do đó, chẳng hề cố gắng học một ngôn ngữ khác. Sau khi đã nhìn tổng quát về cộng đồng các phương ngữ và phân tích những sự khác nhau giữa chúng, có thể đi đến ý tưởng tổng hợp sau đây: các tộc người gần nhau về mặt địa lý thì nói các phương ngữ gần nhau, những tộc người xa nhau về địa lý đôi khi lại xếp trong cùng một tiểu nhóm ngôn ngữ (Raglay và Êđê chẳng hạn), các vách ngăn giữa các tiểu nhóm đặc biệt không phân định ranh giới cho các loại hạng nhất thiết xa lạ với nhau. Các tiểu nhóm ấy không phải là một ngôn ngữ nguyên gốc. Do đó, dường như có thể giả định sự tồn tại của một ngôn ngữ nguyên gốc chung cho tất cả các tộc người. Ðến đây ta gặp lại kết luận của nghiên cứu chủ yếu mang tính dân tộc học đã làm trên kia. Cách cắt nghĩa theo truyền thống của người Tây Nguyên về "cội nguồn chung" của họ, như vậy là hoàn toàn có thể chấp nhận. Các dòng chảy con ngườiTrong khi hát kể các truyền thuyết truyền thống, các truyện kể cổ xưa, người Tây Nguyên hình dung tổ tiên của họ là những nhà du hành vĩ đại. Vì những lý do gia đình, vì một mối quan hệ hôn nhân với một "người con trai của lục địa", họ rời bỏ quê hương ở phía "mặt trời mọc", băng qua biển cả và đi đến "xứ sở phía mặt trời lặn". Bao nhiêu bài ca đã ám chỉ đến cuộc vượt biển ấy! Như vậy tình trạng ở biển của họ đã khiến thuở ấy họ đã phải làm như vậy. Trước khi biết người Chàm, họ hẳn đã từng sử dụng chiếc thuyền độc mộc để đi lại ven biển và cả biển xa, nơi họ gặp cá voi. Rồi đến cuộc di cư lớn để đến chiếm vùng lục địa là Ðông Dương ngày nay. Dường như trong nhiều thế kỷ, đã có những cuộc chuyển động quan trọng tiến sâu dần vào nội địa, lên chiếm vùng núi, vượt qua núi để đến cư trú trên những cao nguyên nằm ở phía bên kia, đi xuống khai phá những thung lũng màu mỡ. Việc định cư, trên một vùng đất riêng, của các nhóm sẽ trở thành những tộc người mang tính cách riêng, không chỉ diễn ra trong thời gian một thế hệ; đấy là dịp của những cuộc chuyển cư liên tục, thử nghiệm, thiên di, quay trở lại. Một khi các tộc người đã định cư, các cuộc di cư không vì thế mà ngừng lại, song qui mô nhỏ hơn; các cuộc đan chéo trộn lẫn các nhóm vào nhau và là nguồn gốc của các tộc người nhỏ "kiểu hỗn hợp" mà ta có một ví dụ ở người Noup mang tính chất của nhiều tộc người láng giềng. Ở ranh giới địa lý của một tộc người, ta thấy có những nhóm làng mang dáng vẻ trung gian. Một tộc người đã định cư, những nhóm nhỏ người, bên trong tộc người đó vẫn còn đi tìm một vùng đất để trồng trọt, điều đó đòi hỏi nhiều chuyển động trước khi đứng lại tại chỗ. Cư dân vùng Drong-Klong, phía nam Ðà Lạt, di cư về hướng nam để tìm những vùng ruộng tốt hơn và lập nên năm làng Drong cách nơi xuất phát của họ sáu mươi cây số. Một truyền thuyết kể lại cuộc di cư này theo cách huyền thoại và thơ mộng. Rồi các thành viên của những làng Drong này, trở nên quá đông, đất có thể làm ruộng nước không còn đủ, lại di cư tiếp về phương nam để tìm đất làm rẫy. Ðể làm việc đó, họ vượt qua vòng núi và đổ xuống trên một cao nguyên. Hiện nay họ làm thành một tiểu nhóm người Srê gọi là Rölöm. Các tộc người chỉ làm rẫy di chuyển trong một chu vi nào đó trong năm, mười hay mười lăm năm, để tìm đất mới khai phá và trồng trọt; như người Mạ và người Raglay. Các bản đồ những vùng ấy cứ năm này sang năm khác lại sai đi: các làng thay đổi; các con đương đổi khác, những con đường mới được vạch ra, những con đường cũ bị xóa đi. Tùy theo chỗ các tộc người làm rẫy hay làm ruộng ở chỗ bằng mà các làng thành ra phân tán hay cụm lại. Các tộc người đã định cư trong xứ sở như vậy không vì thế mà trở thành cô lập hẳn với nhau. Có những dòng chảy theo mùa - các cuộc du hành theo đúng hạn hay bất ngờ - đi thăm viếng bè bạn, cưới xin - tiếp tục trộn lẫn và nhào trộn các dân tộc này. Dưới nền đô hộ của người Việt, mỗi năm một lần người Tây Nguyên đi xuống biển, vùng duyên hải. Ðấy là dịp đi đóng thuế; họ nhân thể mua bán. Ðến mùa khô, vụ thu hoạch xong, mọi người, gùi đeo trên lưng, lên đường, cả gia đình, đàn ông, đàn bà, trẻ con. Họ đi đến vùng người Mạ, người Srê, người Raglay... Họ mang theo những tấm chăn, da thú vật, heo, mà họ sẽ đổi lấy quần áo, muối, ché. Họ đi theo những con đường truyền thống xuyên qua vùng Tây Nguyên từ Tây-Bắc xuống Ðông-Nam, vượt qua núi, men theo các đỉnh, đổ xuống đồng bằng và cuối cùng đến Phan Thiết, hoặc Phan Rang, hoặc Nha Trang, ở xứ Việt. Ðấy là những con đường lớn của một thời, "con đường của các thủ lĩnh", gung Böjai (đường đi Phan Thiết), gung Phöri (đường Phan Rí). Các cuộc du hành dài có khi kéo đến nhiều tuần, vì mang nặng, ấy là những dịp vui thú, mà những người Tây Nguyên ngày nay kể lại một cách thích thú, thăm viếng, trao đổi với các tộc người gặp dọc đường. Ta có thể hình dung phần nào không khí hồi bấy giờ, qua những câu chuyện kể truyền thuyết ca ngợi các cuộc du hành ngày xưa đó. Như bài thơ Mạ sau đây, cũng rất phổ biến ở vùng người Srê: "Thuở bấy giờ những người láng giềng của chúng ta, các thủ lĩnh Cămpuchia và các thủ lĩnh Lào tranh giành quyền lực với nhau. Họ ganh đua nhau xem ai giàu hơn ai, về chiêng về trống; họ đối xử bạo ngược với những người nghèo. "Sörli và Sun rời làng - ở tít tận phía Ðông-Bắc xứ người Mạ - đi xuống phía ven biển. Họ ăn mặc rất đẹp. Họ mang theo bao nhiêu thứ đẹp để đổi lấy muối và cá của người Việt; họ mang nào gỗ thông, nào ngà voi, nào tấm chăn, tất cả đều là hàng hóa có nhiều giá trị; họ dắt theo một con dê to. Trên đường đi về phía biển, họ đi qua những làng ở đó đàn ông, đàn bà đi theo họ, mang theo những gùi gạo, những tấm chăn do họ dệt. Ðoàn người lúc đầu còn ít cứ qua mỗi làng gặp trên con đường Phöri lại đông dần lên. "Họ đi đến con suối có "nước biết đánh nhạc", một ngọn thác nơi nước rót lên một mảnh tre vang lên âm thanh giống như mboat [3], nghe hay đến nỗi mọi người đi qua đều dừng lại, mê mẩn vì tiếng nhạc của nước. Plöm, thủ lĩnh làng Kon-Yaê, Tom, thủ lĩnh làng Kon-Tach, đi trước; họ đập vỡ nhạc nước ở ngọn thác du dương, thác Löyang Köjong; họ làm bẩn nước khiến đến ngày nay nước không còn hát nữa. Ðoàn người đi theo họ, sau khi đã dừng lại qua đêm ở đó. "Cuộc đi rất vui, rất nhiều phụ nữ đi mua đồ trang sức. Những người trai trẻ đùa giỡn với họ. Một nàng nói với Sörli: - Nếu anh muốn chúng ta sống với nhau, thì đến "chợ lớn" anh tìm cho em một chiếc váy thật rộng, em rất thích một chiếc váy như thế; một tấm chăn thêu, em thích lắm; một tấm chăn màu xanh, rồi lụa nữa, em sẽ mừng lắm. - Vậy thì chúng ta cùng đi, Sörli trả lời. Khi trở về nhà, em sẽ làm việc ở nhà anh, em sẽ nuôi heo và heo sẽ béo lên; chúng ta sẽ mua thêm nhiều heo nữa ở làng Kon-Hin, làng Bösrê, làng Köyan, ơi em gái của anh. Ta đi cùng em, cô em gái nhỏ, ta đi xuống biển, và ta mặc áo quần thật đẹp vì em. Ta sẽ cúng thần, ơi em; ta rưới máu gà máu dê trên mặt đất. Trong ba tháng nữa, sẽ là lúc chúng ta đang cùng nhau làm ruộng, ơi em gái, trong bốn tháng nữa chúng ta đã xong. Trong chín tháng nữa chúng ta sẽ làm một căn nhà sàn cho hai ta, ơi em, trong mười tháng nữa chúng ta sẽ sống ở đấy cùng nhau, ơi em gái. - Anh hãy đi trước để chuẩn bị mọi thứ; em là con gái, em đi sau, và gùi của em rất nặng. Em là em gái của anh, em mang nồi cám đun nuôi con lợn trên đường để anh đem bán ở chợ. Anh hãy đi tìm dây rừng để trói con lợn đi, tìm những dây mây thật đẹp, những dây leo thật chắc. - Ta sắp đến nơi rồi đây, ơi em. Chúng ta sẽ ngủ lại đây đêm nay, chúng ta sẽ ngủ bên bờ nước, ơi em. "Ðến chợ, họ mua đủ mọi thứ cần thiết; họ mua bát, cúc áo mạ vàng, quần áo đẹp. Ðêm trở về đã đến: "Chẳng còn bao đêm nữa, ơi em; bây giờ là lúc phải trở về. Hãy mang gùi lên và trở về, ơi em. Ta nhớ mẹ ta, ở trên kia; ta muốn thấy em gái ta ở quê. Hãy trở về nhà, nơi ta sẽ đón em, ơi em gái". Người Tây Nguyên mới biết đến bạc, tiền trong thời gian gần đây. Ngày xưa, ngay cả thuế cũng được đóng bằng hiện vật (da súc vật, lợn, v.v.) Mọi việc mua bán, ngay đến hiện nay vẫn vậy, đều tiến hành bằng trao đổi. Mùa khô, giữa vụ thu hoạch và thời kỳ đốt rẫy, là thời gian lý tưởng cho các cuộc du hành, đi xuống vùng duyên hải hàng năm, những cuộc đi liên miên đến các tộc người khác để đổi chác. Ngày xưa người Tây Nguyên, được tự do hơn, tìm cách sản xuất thừa: họ có thời gian và phương tiện. Bằng cách đó họ kiếm được những sản phẩm mà họ thiếu. Họ đi lại tự do, trao đổi những gì họ muốn, ở nơi họ muốn. Việc mua bán diễn ra vui vẻ, thuận hòa. Các tộc người giàu thóc gạo cố sản xuất thừa để đem đến vùng người Mạ đổi lấy những tấm chăn và quần áo vải bông; ngà voi, ché, chiêng thì đổi tận bên Cămpuchia. Những tộc người không làm ra được đủ lúa ăn thì lại có một thứ công nghệ nào đó cho phép họ đem sản phẩm ấy đổi lấy ngũ cốc, hoặc những người làm ruộng tìm đến chỗ họ, hoặc chính họ mang hàng đến đến đổi lấy gạo tại chỗ. Ðôi khi cả hai phía đều ngày càng giàu có khá giả lên. Ngày nay, trong các nhà giàu, ta còn thấy những chiếc chiêng cổ rất quý, nguyên gốc Cămpuchia hay Lào, là bằng chứng của những cuộc trao đổi thời phồn thịnh ấy. Các cuộc đi lại mua bán ấy có khi cũng là dịp cho các cuộc hôn nhân. Nói chung, người Tây Nguyên lấy nhau trong tộc người của mình, thông thường ngay trong làng mình. Nhưng cũng có khi họ đi tìm vợ ở một tộc người bên cạnh, ở lại luôn phía vợ hay đưa vợ về làng mình, tùy theo tập tục của chế độ mẫu hệ; nhưng những cuộc hôn nhân với người nước ngoài - da vàng hay da trắng - rất hiếm và bị coi là hôn nhân không tương xứng. Các cuộc hôn nhân giữa những người khác tộc đó tuân theo những sự gần gũi nhau vốn có giữa tộc người này và tộc người nọ, chẳng hạn giữa người Mạ và người Srê, người Srê và người Noang.
[1] Ddửs pửnddik là từ Srê dùng để chỉ ngôn ngữ thiêng, bí hiểm, cổ xưa, dùng để hát các truyền thuyết, ngôn ngữ huyền bí ngày nay ít ai hiểu, nhưng lại chung cho tất cả có tộc người. Hiện tượng này cũng thấy ở người Chàm, cũng như ở hầu hết những người malayo-pôlynêdiêng. [2] Người Bih, ở Ðông-Nam Daklak, là một tộc người nói tiếng Chàm.[3] Một thứ nhạc cụ.
°
Các nhân tố địa lý, chính trị, dân tộc học, đã vẽ nên trên bản đồ Tây Nguyên những con đường thông thương lớn, cũng đồng thời là những tuyến ảnh hưởng. Các con sông, phụ lưu của sông Mê Kông nối liền người Mạ, người Stiêng, người Bana, toàn bộ vùng Tây-Bắc cao nguyên với Cămpuchia và Lào, những con đường ở đó việc buôn bán rất sôi nổi, bằng thuyền độc mộc có thể chở đến hai trăm kilô. Ðấy là những con đường lớn, gung bötau như cách gọi của người Srê ngày xưa, xuyên qua cả xứ sở rừng núi từ Tây-Nam đến Tây-Bắc, những con đường của người Mạ dùng voi để chở hàng, đường của người Srê đi về phía Blao hay Ðà Lạt, đường của người Raglay đi đến vùng người Noang, đường của người Bana đi đến vùng người Xơđăng, hầu như bao giờ cũng song song với các dãy núi. Ðấy là những "con đường muối" của người Tây Nguyên đổ xuống phía Ðông-Nam đến bờ biển Trung bộ, người Bana xuống Qui Nhơn, người Noang xuống Phan Rang, người Mạ, người Srê, người Raglay xuống Phan Rang và Phan Thiết. Trên những con đường thông thương lớn đó diễn ra việc buôn bán trao đổi; chúng tạo nên những cuộc tiếp xúc và định hướng các ảnh hưởng. Chúng tạo cho một số tộc người những vị trí-chìa khóa, như làm cho tộc người Mạ trở thành một cánh cửa mở về hướng Cămpuchia, người Raglay thành một cánh cửa quay, vừa là nơi đi qua của người Noup và người Noang ở vùng Ðông-Bắc vừa là cánh cửa mở xuống vùng duyên hải Ðông-Nam. Chúng cũng khiến cho người Raglay trở thành những người trung gian giữa cư dân trong nội điạ với người Chàm, rồi với người Việt. Ngày nay vẫn còn dấu vết của cái ngã tư con người đó: ở một làng nhỏ dường như mất hút trên những ngọn đồi khô cằn, làng Yabö, có một gia đình mang dòng máu trộn lẫn từ nguồn gốc, một phần Mạ, một phần Srê. Chỉ trong một căn nhà sàn, ta có thể nghe nói cả tiếng Mạ, tiếng Srê lẫn tiếng Raglay. Do những điểm gặp gỡ tạo nên bởi các con đường lớn ấy, người Tây Nguyên đã trộn lẫn vào nhau, hoặc bằng cách đến cư trú trong một nhóm bên cạnh - điều khiến cho những nét đặc trưng của mỗi tộc người bị che lấp đi - hoặc bằng những tiếp xúc lặp đi lặp lại khiến không có tộc người nào không được biết đến. Những tộc người hay đi du hành nhiều nhất biết phương ngữ của các tộc người được xích lại gần, và do đó, cả phong tục tập quán của họ. Một khi đã biết nhau, họ thán phục nhau, phán xét nhau, phê phán nhau: người Mạ thông cảm với người Srê hơn; họ cần thiết lẫn cho nhau. Người Êđê nhìn người Srê như những kẻ hạ đẳng đáng khinh, người Srê đến lượt mình lại xem những người Cil khốn khổ như loại người hạng bét, và người Cil, chẳng chút tự tôn, sẵn sàng chấp nhận. Các ngọn núi dốc đứng khô cằn của họ chẳng phải không làm phai nhạt tính cách của họ.°
Người Tây Nguyên ngày xưa là vậy đó, những nhà du hành lớn, nhưng không phải là người du cư. Ngày nay không còn như thế nữa. Các biến cố chính trị, các cuộc chiến tranh khiến các con đường không còn an toàn; những sự gò bó của chế độ thuộc địa khiến các khối người trở thành bất động. Ở một vùng, người Tây Nguyên không dám phiêu lưu quá xa; ngoài ra họ chẳng còn có thì giờ rong ruổi trên đường. Kết quả là tình trạng nghèo khổ và một sự suy thoái nhất định. Các cuộc du hành ngày nay bị hạn chế về nhịp độ và tầm đường. Thời kỳ được lựa chọn luôn là mùa khô, sau vụ thu hoạch; nhưng người ta đã bỏ các con đường lớn. Người ta không còn đi về phía duyên hải, mà là về các tỉnh ly trong nội địa nơi người Việt đã đến và độc quyền buôn bán. Người Srê chẳng hạn, chỉ còn thấy người Mạ đến chỗ mình mang theo những tấm chăn để đổi lấy gạo, hay người Raglay bán những loại dược thảo đổi lấy gạo mà họ cũng thiếu. Chính người Srê cũng ít đi ra khỏi xứ, nếu không phải là đi mua một con trâu ở nơi người Mạ gần nhất, hay những sản phẩm tre đan nơi người Rölöm, cần thiết cho công việc tối thiểu hàng ngày. Chẳng phải vô cớ nếu ta kết luận rằng, trong lĩnh vực này, người Tây Nguyên chẳng được lợi lộc gì với sự thay đổi nền thống trị, làn sóng châu Âu đã đẩy lùi sự đi lại, làm khô cạn các dòng trao đổi và làm thụt lùi sự phồn vinh ngày xưa.[1] Ddửs pửnddik là từ Srê dùng để chỉ ngôn ngữ thiêng, bí hiểm, cổ xưa, dùng để hát các truyền thuyết, ngôn ngữ huyền bí ngày nay ít ai hiểu, nhưng lại chung cho tất cả có tộc người. Hiện tượng này cũng thấy ở người Chàm, cũng như ở hầu hết những người malayo-pôlynêdiêng. [2] Người Bih, ở Ðông-Nam Daklak, là một tộc người nói tiếng Chàm.[3] Một thứ nhạc cụ.