Linh hồn và các giấc mộng Người Tây Nguyên, đúng như một người nguyên thủy, sợ tất cả, và chẳng ngạc nhiên về bất cứ điều gì. Họ thấy mình yếu đuối, thấp kém, bất lực, ngu dốt. Họ sợ tất cả những gì không phải là mình: các lực lượng của tự nhiên, các con thú trong rừng, những người lạ. Dù là đi chặt gỗ trên rừng, đi ra chợ Di Linh, đi đâu đó hơi xa, bao giờ họ cũng cảm thấy, trong các hành vi của mình, một lực lượng thù địch đe dọa; và ngay cả khi họ không hề động đậy chân tay, họ cũng không thoát khỏi các Thần ác mà họ sợ hơn mọi thứ. Tóm lại, họ thấy mình thua kém, và điều đó ở trong một không khí sợ sệt, có hay không có lý do. Họ cũng có một khả năng cảm thụ đáng chú ý và một tính cả tin mềm dịu - họ học mọi thứ và rất dễ tin; cái kỳ lạ, cái khác thường, cái kỳ diệu bao bọc lấy họ và đối với họ là tự nhiên. Họ nhìn một điều kỳ diệu vượt quá họ bằng cái lô-gích đơn giản nhất và thích lối giải thích đó hơn mọi thứ khác; tự nhiên vốn đầy những điều huyền diệu và bí ẩn, họ chẳng hề ngạc nhiên về bất cứ điều gì. Chúng tôi nghĩ rằng, "khiên cưỡng" một chút, ta có thể có một ý niệm về cái mặc cảm đó khi so sánh với con người của ta lúc ta nằm mơ, cái trạng thái theo tôi dường như gần với dáng vẻ tư duy của người mọi hơn cả: con người bất lực trước những gì vượt quá mình, gây nên sự sợ hãi và, đồng thời đầu óc lại quy phục không còn ngạc nhiên nữa, đi vào cõi kỳ lạ và huyền diệu. Ðối với người Tây Nguyên thế giới hiện lên như là một chuỗi hình ảnh mà nội dung không giải thích được nó. Tất cả đều là hình ảnh, rup; chúng ta chỉ nắm được chúng, còn sự thật sâu xa thì chẳng thể biết. Và giấc mơ là gì nếu không phải một sự phóng chiếu siêu nhanh các hình ảnh kỳ lạ? Vả chăng, đối với người Miền núi, có một mối liên hệ sâu xa, sinh động nối liền giấc mơ với trạng thái thức: đấy đều là cái hồn ấy, soan, ban ngày dưới dạng rup người, ban đêm lại dưới một dạng rup khác, cảm nhận các hình ảnh liên quan đến điều kiện cái rup của mình, mà sự thật sâu xa vẫn là một. Soan, hồn. Ðêm bên bếp lửa trong nhà người Tây Nguyên. Chúng tôi nói với nhau rất lâu về những đề tài nghiêm túc; tôi yêu cầu họ giải thích cho tôi về soan và rup, những thực thể mà tôi không hiểu rõ... Bếp lửa gồm một cái khung gỗ đặt trên nền nhà, đựng đầy đất, trên đó các cây củi đang cháy; ở cuối bếp, có một tấm gỗ hay tôn, dựng đứng. Một vật đặt giữa bếp lửa và tấm ấy sẽ in bóng lên đó. Và vậy là nảy ra cách giải thích: một vật, giả định không thể nhìn thấy (cái nhìn chỉ có thể thấy được những gì diễn ra trên tấm gỗ hay tôn kia), chiếu bóng của nó lên tấm ấy; ta chỉ biết được cái hình ảnh ấy. Sự thật - tức vật không nhìn thấy - là soan (hồn, cái tinh thần khiến ta sống, cái phần sâu xa nhất trong chính ta); cái bóng thấy được kia là rup (hình, ảnh, vẽ). Sa, thân thể của ta, như vậy là rup của soan. Thân thể con người là một trong những hình ảnh của soan. Những gì ta biết về hồn là một hình ảnh của con người. Sa, đấy là cá nhân có thể nhận biết; đấy là cái "nó" có thể xác định được (bằng các giác quan của ta, các giác quan chỉ có thể nhận biết một hình ảnh thứ cấp của sự thật tinh thần). Sa chỉ là một hình ảnh - một sự phóng chiếu của soan lên bình diện các giác quan của ta - rup và sa gần như đồng nhất với nhau, khi nói về con người. Nhìn thấy rup và sa của một ai đó thì cũng như nhau, bởi vì, trong các điều kiện bình thường, soan không có hình thức nào khác hơn là cái cơ thể đó. Ðiều đó giải thích sự xúc động của người đàn bà thấy trên màn ảnh cái rup của con trai bà, đã chết sau khi quay phim; bà van người ta trả lại con cho bà bởi cậu ta còn sống đó. Rup, đấy là cái ta thấy của người khác, và cái người khác thấy của ta. Ðấy là thân thể, là một hình ảnh của thân thể, đấy còn là một hình ảnh của linh hồn sâu xa và không thể nắm bắt được của ta. Tôi đã nghe người ta nói: "Mắt tôi lừa dối, quên, không biết nhìn thấy cái thật". Các giác quan của ta bất lực chỉ có thể nắm bắt được cái hình ảnh của sự thật được phóng chiếu lên kia. Có người có thể xác định được rup bằng những cái phụ tạo nên một hình hài; người Tây Nguyên thì nói: "Ðấy là cái ta nhìn thấy, cái mà soan của ta có thể biết được về một cái soan sâu xa, được điều kiện hóa bằng một hình thức nào đó, nhưng nó là một sinh thể riêng, thực hơn, ít biến đổi hơn, thật và không bề ngoài". Từ đó mà họ thản nhiên với cái chết của cơ thể con người, hình thức đầu tiên của soan, bởi vì soan, sau đó, vẫn tiếp tục - dưới những hình thức khác - và trải qua những biến đổi lý thú. Sự vắng mặt của cơ thể ấy tương đương với sự vắng mặt của một hình ảnh cảm nhận được; đấy là trường hợp soan lom - một linh hồn thuần túy. Sa, thân thể (hình hài người của sinh thể) chỉ cho phép chúng ta nhìn thấy hình ảnh của soan, còn hơn thế nữa, một hình ảnh đối với chúng ta, của một sự thật vô hình. Bọn Chà - bọn ma - lại nhìn thấy cái ấy dưới dạng trâu, cho nên lúc nào chúng cũng muốn ăn thịt người. Tất cả sự sống (ý nghĩ, kỷ niệm, tâm hồn...) đều ở trong soan; nó chỉ thể hiện ra bên ngoài bằng cái rup của sa và, sau khi sa chết, tiếp tục các cuộc viễn du của nó trong các cuộc sống khác dưới một hình thức này hay hình thức khác, ngẫu nhiên, chẳng có gì quan trọng. Tóm lại, trong mọi sự tồn tại, thường xuyên có hai yếu tố:
- soan, sâu xa, vô hình, cái nhân tính thật
- rup
, cái mà chúng ta nhìn thấy, là hình ảnh của soan, ở tầm các giác quan của chúng ta, là sự phóng chiếu, là cái bóng biến mất hay biến đổi.
- mơ thấy giàu có = điềm nghèo đói.
- mơ thấy một người nào đó khỏe mạnh = anh ta đang ốm.
- mơ thấy uống rượu cầm = ngày mai sẽ mưa.
- mơ thấy một người nào đó chết = mất mùa lúa. Một người nào đó trong nhà đi xa:
- mơ thấy anh ta trở về = anh ta đang ốm nặng, phải đi tìm anh ta ngay.
- thấy anh ta cười trong mơ = anh ta sẽ đến ngay.
- mơ thấy người ta đi xa = ý thức về các cuộc lang thang của soan.
- mơ thấy người ta vác củi, gỗ thông = người đi săn sẽ mang con mồi về.
- mơ thấy người ta vứt chỗ gỗ ấy đi = săn hụt con mồi.
- mơ thấy bắt gà = hôm sau sẽ được nhiều cá.
- mơ thấy trâu chết, nai bị giết, xẻ thịt = trong làng có người chết.
- mơ thấy hổ, rắn, ngựa cắn = một con Chà (ma) đang đuổi bắt một người nào đó trong nhà sắp chết (hồn đi lang thang gặp một con Chà).
- mơ thấy một người trong gia đình đã chết trở về và ngồi với người thân = một người đàn bà trong nhà sẽ sinh một đứa con mang hồn người đã chết.
- mơ thấy hồn lang thang, đi đến xứ sở của các nấm mồ = người nằm mơ sắp chết.
- mơ thấy mặc áo trắng = đề phòng có bệnh.
- mơ rụng răng = một người thân sắp chết.
- Khi cơ thể trên mặt đất chết, hồn thoát ra, từ bỏ cái hình hài người sẽ thối rữa đó: nó bay lên đến tận mặt trời để cho mặt trời phán xử. Nếu nó không bị cầm tù, nó sẽ xuống buch, thế giới các mộ, ở đó nó mang một hình hài người mới, nói chung là vô hình đối với thế giới người trần. Truyền thuyết rất phong phú những câu chuyện kể về cuộc sống của những con người mới này, ở dưới buch mọi thứ họ làm đều ngược với những người sống. Các nghi thức tang lễ cũng chứng minh cuộc sống mới này của con người; những người thân đặt vào quan tài quần áo và thức ăn, cho con người mới, cũng có những nhu cầu như trên trần. Ở dưới buch, "người ta vẫn còn nghe người trên trần nói chuyện, nghe gà gáy". Những người ở dưới mộ không sung sướng, cũng chẳng đau khổ: họ nhàn rỗi. Tuy nhiên soan vẫn có thể thoát ra để trở về trên trần, nếu nó muốn. Trong thực tế, mọi người đều cố trở về: lik-ri; ai cũng chớm có ý định lik-ri. Hồn muốn hóa kiếp trở về trần thì phải trút bỏ hình thức ở buch, để lấy lại hình hài người. Lang-Ka, chỉ huy Ðịa ngục, cũng là người chỉ huy buch. Ông ta có đội quân cảnh sát gồm các Chà làm nhiệm vụ đàn áp các soan để ngăn họ trở lên cõi trần. Nếu các linh hồn không gặp các sứ giả của cái Ác ấy và đi theo đúng con đường được đánh dấu bằng các lá bị cắt dẫn họ trở lại cõi trần, họ sẽ được hóa kiếp. Hồn chỉ được hóa kiếp như vậy một lần; nếu nó trở về trong một ngôi nhà thân thuộc, ban đêm, những người trong nhà sẽ thấy cuộc trở về đó trong giấc mơ. Nếu một người đàn bà có thai sinh con trong nhà đó, hồn sẽ đầu thai vào đứa bé ấy, trở lại hình người. Nói chung, trong cuộc sống mới này, người ta không có ý thức về cuộc sống trước; tuy nhiên người ta kể có trường hợp một người còn nhớ về cuộc sống trong hình hài một người khác đến mức anh ta tìm được cả kho báu do người trước cất giấu. Tất cả các hồn ở buch, nếu không gặp thần ác, đều được đầu thai lại một lần. Sau khi chết lần thứ hai, họ trở xuống cõi mồ, ở lại đấy một năm, rồi đi xuống Ðịa ngục. Khi biến khỏi hình hài của mình ở buch, hồn thoát ra và đi về Ðịa ngục ở đấy, dưới những hình thức khác nhau, hồn còn phải trải qua ba giai đoạn:
- Trước tiên, hồn đi đến Brah-ting, ở đấy nó vẫn còn mang hình người. Hồn những người nghèo, những người chính trực, được Mặt trời xét xử tốt, không phải gặp đau khổ ở đây. Những người khác thì khốn khổ, phải làm việc cật lực cho tên bạo chúa Lang-Ka khắc nghiệt và hung ác. Ðây là một cuộc sống khổ sai thường trực dưới sự giám sát của các hồn bị đày xuống Ðịa ngục. (Hồn các trẻ con chết khi mới sinh đi xuống Ðịa ngục và xung vào đội cảnh sát này.) Rồi hình hài người này đến lượt nó cũng tàn rụi. Ðấy là một lần chết nữa và hồn thoát ra dưới hình dạng một con mòng, đi xuống Gling-Glong.
- Ở cõi mới này, hồn sống một cuộc sống khác. Dưới dạng con mòng của mình, nó lang thang khắp nơi, có ý thức và thông minh.
- Ðến khi hình dạng-mòng chết, nó đi vào một cõi gọi là Chorang lu-chorang liang, ở trong những tảng đá gần sát với mặt đất. Lúc này, nó có hình dạng một hòn đá. Ðến lúc này, soan trải qua một sự biến đổi sâu sắc, nó vẫn là nó tiếp tục sự tồn tại của nó, nhưng không có ý thức về mình, giống như một sinh khí của loài vật. Ở giai đoạn này, thoạt tiên dưới rup đá, nó đi vào một cái rễ cây mọc lên và như vậy đi lên trên mặt đất, từ bỏ hẳn giai đoạn Ðịa ngục.
- Khi cây này mất, hồn thoát ra và lấy rup một Ka bo (con cá bạc nhỏ) muốn đi đâu thì đi. Khi con cá này chết, nó mang một dạng hình khác. (Nếu một người họ hàng ăn phải con cá này, một số người bảo rằng hồn hóa vào với người ấy).
- Rồi nó biến thành plaê jirko (quả, một loại quả mọng nhỏ mọc thành chùm) cho đến khi quả này bị người ăn hay thối rữa đi. Hình dạng-quả chấm dứt.
- Cuối cùng, nó hiện lên dưới dạng sonom bolà (cây có củ và lá rộng, thuộc loài các cây độc dược). Ðấy là hình thức cuối cùng của soan. Khi cây này chết, không ai biết số phận của soan ra sao nữa. Có thể, nó cũng đã biến mất. Cuộc hóa thân gồm bảy thì đó là chung cho soan của mọi người. Ðối với những sinh linh đặc biệt - được biết đến trong bài ca thiêng của Truyền thuyết - nó có thể mang những hình dạng khác, dưới những hình ảnh khác nhau. Sau đây là những ví dụ điển hình: hồn ở trong một quả xoài (truyền thuyết Choduon, trong đó một người con gái chết, một cây xoài mọc trên mộ cô; hồn cô gái mang hình một trong những quả xoài đó. Một người đàn bà ăn quả xoài ấy, sinh ra một đứa con gái là hóa thân của linh hồn trú ngụ trong quả xoài); hồn ở trong một quả chuối (truyền thuyết bà tiên Prit-Pha, lúc thì hiện lên thành quả chuối rừng lúc thì là một người đàn bà-thần); hồn trong một quả dưa chuột (truyền thuyết Sorich-Sorach và cha của họ mà linh hồn hiện lên dưới hình thức một quả dưa chuột; đập phá quả dưa này khiến ông ta chết).
- Một người đi trên một con đường mòn, các dấu chân anh ta in lên đó. Một con rắn bò theo sau và khạc lên các dấu chân ấy. Ðấy là một ký hiệu về cái chết, trong thực tế gây ra cái chết của người ấy, cứ như là con rắn đã cắn anh ta. Như vậy cơ thể anh ta và dấu chân của anh ta là hai rup của hồn anh ta hay, đúng hơn, dấu chân là rup của cơ thể và cơ thể là rup của hồn. Hình ảnh "con rắn cắn dấu chân" là một ký hiệu; thông qua trò chơi các hình ảnh, ký hiệu ấy có tính quyết định đối với chính soan.
- Nhiều người đi trong rừng, nơi có hai con chó sói. Nếu, bị bắt gặp, những người ấy không nhìn thấy chó sói trước, cũng không sủa để xua đi vận xấu, mà chó sói lại sủa trước, thì chó sủa bao nhiêu lần, một năm sau trong số người đi rừng này sẽ có bấy nhiêu người chết. Tiếng sủa của chó sói là một hình ảnh, một ký hiệu của Thần chết đuổi theo những người đã nhận được hình ảnh ấy.
°
Mong bạn đọc thứ lỗi cho tôi về sự khô khan của những trang này. Một sự nghiên cứu trung thực về con người, tất yếu phải phức tạp. Nguyên thủy không phải bao giờ cũng có nghĩa là đơn giản. Dẫu nó là thế nào đi nữa, con người vẫn là sinh linh phong phú nhất của thế giới. Công trình cứu này, không muốn chỉ đơn giản là một bằng chứng phục vụ cho một triết lý về những người Nguyên thủy, đã trở thành một cái gì hơn thế: một lời kêu gọi lưu tâm đến những sự giàu có của một tinh thần, dẫu là nguyên thủy, cần phải được đào tạo và học hỏi để về sau có thể tự mình biểu đạt không cần có người phiên dịch và một ngày nào đó viết ra - ôi thật là một nghịch lý gây sốc cho niềm kiêu hãnh trí tuệ của chúng ta - một bản tuyên ngôn ngợi ca sự thông tuệ!... bởi một nghiên cứu như vậy cuối cùng ắt phải đưa đến điều ấy. Toàn bộ thế giới cảm nhận được, mà chúng ta ngỡ đã biết, chỉ là hiện tượng bề ngoài, là hình ảnh của một thực tại sâu xa. Các trạng thái thức và ngủ, thế giới cảm nhận trực tiếp và thế giới trong mơ chỉ là những phương diện của một thực tại duy nhất, ở bên kia, soan. "Hui mat", các giác quan đánh lừa chúng ta, chúng ta không biết được tận cùng các sự vật. Người Tây Nguyên có ý thức về sự dốt nát của mình - và đấy đã là một khoa học lớn mà chúng ta, những người Phương Tây, có thể chúng ta đã đánh mất. Ðầu óc họ mang thiên hướng biểu tượng một cách tự nhiên; một hòn đá không phải chỉ là đá, nó có một ý nghĩa riêng; họ đọc ra cái mà Thiên nhiên biểu hiện: tảng đá này là của Yang-Jong, cái cây kia là của một Yang khác trồng, v.v. Quan niệm của họ về rup rất đáng chú ý: "Ðấy là cái ta nhìn thấy về các sự vật", chứ không phải cái thật là chúng. Như, cơ thể con người là một rup của soan, nhưng nó không phải là soan. Từ đó mà có một sự chủ quan của việc cảm nhận dẫn đến chủ nghĩa tương đối toàn cục: hồn hiện ra thế này hay thế khác, tương ứng với hình hài, với hình ảnh mà hạng sinh linh này hay hạng khác cảm nhận, tùy theo bản chất của mình, tương ứng với đối tượng cảm nhận. Người, vật, cây cỏ, đá, là những rup soan, những rup biến đổi tùy theo nơi chốn (trên mặt đất, dưới mặt đất), thời gian (đêm, ngày), đối tượng cảm nhận (người, yang, chà). Còn con người sâu xa? Không thể nắm bắt được. Không ai có thể nắm bắt được soan, mà chỉ nắm bắt các rup khác nhau. Bao giờ soan cũng mang một hình thức có thể cảm nhận được, nó cần cái đó làm giá đỡ. Ðôi khi, như ta đã thấy, có sự thiếu vắng rup, trong lúc chuyển từ một hình thức này sang hình thức khác; nhưng tình trạng đó là giao thời, mãnh liệt. Tất cả các Yang cũng có - hoặc đã từng có - một rup làm giá đỡ; duy nhất có Ndu, ở bên dưới các Yang, là ngoại lệ; quả là ngài đã xuất hiện dưới hình thức người hay chim, nhưng trạng thái bình thường của ngài là một soan không có rup: một tinh thần bản chất là thuần túy. Ðây là sinh linh duy nhất tồn tại in se, tách ra ra khỏi tất cả, không gắn với bất cứ cái gì. Cho nên người Tây Nguyên có một khái niệm rất mập mờ về ngài, đối với họ ngài không thể được biểu hiện. Tất cả những cái "nhìn thấy" đều là rup của cái vô hình, của cái tâm linh. Toàn bộ tự nhiên, toàn bộ cuộc sống đều là như vậy. Chủ nghĩa chủ quan gắn liền (một cách tất yếu?) với một chủ nghĩa duy linh. Người miền núi, không hề phàm tục như người ta vẫn tưởng, có thể là những người duy linh chủ nghĩa một cách tự nhiên hơn những người "văn minh" thực chứng chủ nghĩa, tin ở khoa học - và chỉ tin ở khoa học mà thôi - chỉ tin ở những cái "nhìn thấy", chỉ coi là triết học những đối tượng của các giác quan, chỉ những gì cảm nhận được mà họ gọi là "cái thật". Có nhiều thứ chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa hiện thực của các đối tượng sẽ giết chết chủ nghĩa hiện thực của con người tâm linh. Thật đáng buồn khi nhận thấy rằng con người miền núi phát triển lên theo phương hướng biến họ thành một nạn nhân của hình thức bên ngoài của văn minh. Họ đánh mất lối tư duy của mình khi tiếp xúc với những người văn minh duy vật chủ nghĩa hiện đại, da trắng hay da vàng. Họ cũng đánh mất Truyền thống của mình. Anh chàng trai trẻ mơ ước súng và rượu cồn; anh ta bị lôi kéo bởi cái hào nhoáng vốn chỉ là một cái rup khốn khổ, đối với anh ta là mới. Họ được lợi gì từ hình thức văn minh của chúng ta? - mà, vả chăng, họ không hề đòi hỏi. Hẳn không phải là sự chính xác trong nghệ thuật chém giết, cũng chẳng phải là việc chạy theo đồng tiền; chẳng chút gì ở những điều không phải là tiêu biểu cho một giá trị tinh thần chân chính. Trong khi đó, noi theo Truyền thống của họ mà không hạn chế mình ở đó, tiếp tục con người đường đã được Tập quán vạch ra, con đường sẽ khiến họ gặp những con người cũng có niềm tin ở sự vĩ đại siêu nghiệm của tinh thần, họ chỉ có thể được giàu thêm lên tất cả những gì nâng cao tâm hồn họ, đưa họ lên cao hơn, xa hơn trong đường hướng tư duy, và họ sẽ được nghe tiếng nói, từ phương Ðông cho đến phương Tây dạy chúng ta rằng: Thế giới thực hơn cả là cái chúng ta không nhìn thấy, đang chi phối cái chỉ là một hình ảnh của những thực tại tương lai.°
Chúng tôi kết thúc bằng một truyền thuyết đặc biệt minh họa một số điểm trong phụ lục này: Truyền thuyết về Gliu-Glah. Gliu và Glah chăn dê. Hai cô nhìn thấy một con quạ cắp nơi mỏ một đôi giày. Chính hoàng tử Chàm đã giao đôi giày đó cho quạ, để quạ mang món quà này đi tìm cho chàng một người vợ. Quạ bay đến xứ sở của Gliu và Glah; người chủ làng tập họp tất cả phụ nữ lại. Ðôi giày chỉ đi vừa chân Gliu. Ngày hôm sau, hoàng tử đến; chàng lấy Gliu làm vợ và cùng nàng đi về. Glah có hơi ghen, đi theo cô em gái. Sau đó, hoàng tử phải đi phục vụ một vị quan trên, để vợ ở nhà, cùng với Glah. Glah muốn làm vợ hoàng tử, giết chết Gliu và chôn ở gần nhà. Hoàng tử trở về; chàng rất buồn vì cái chết của Gliu; Glah xin thay Gliu; hoàng tử không muốn lấy Glah làm vợ. Một lùm tre đẹp mọc lên ở nơi chôn Gliu. Hoàng tử nằm mơ biết rằng chính là hồn vợ mình hiện lên trong những cây tre ấy; nên chàng cho rào lùm tre lại không để cho ai quấy phá nơi yên nghĩ của linh hồn ấy, không ai được đến chặt tre. Rồi hoàng tử lại ra đi xử kiện. Trong khi chàng đi vắng, Glah chặt lùm tre đi; hồn Gliu thoát ra và trở thành một con chim. Khi hoàng tử trở về, con chim thả rơi xuống từ mỏ của nó một cái hộp nhỏ mà hoàng tử nhận ra là cái hộp trầu của Gliu; như vậy chàng biết hồn của vợ chàng ở trong con chim đó. Chàng bắt con chim để nuôi. Mấy ngày sau, lợi dụng lúc hoàng tử đi vắng, Glah giết chết con chim; hoàng tử trở về chỉ còn thấy lông; chàng đem chôn. Ở chỗ đó mọc lên một cây đu đủ lớn lên rất cao và ra quả; hồn Gliu ở trong các quả ấy. Một bà già đi qua. Từ trên cây đu đủ, hồn Gliu gọi bà và nhờ bà trao lại cho hoàng tử cái hộp xưa mà nàng thả rơi xuống gốc cây. Những người thủ lĩnh già thấy hoàng tử nói chuyện với bà già; họ tưởng bà đến vì một vụ án và mừng trước vì sẽ được lãi. Họ hỏi bà già, bà không trả lời; họ rất muốn có một vụ án để mà xử! Hoàng tử nghe bà già, bà hẹn sẽ gặp chàng ngay mai. Ðến ngày hẹn, bà già dặn hoàng tử trốn trong bụi, rồi bà biến mất. Một lúc sau, bà từ trong cây đu đủ đi ra; đến lượt hồn Gliu từ trong thân thể bà già đi ra và nói chuyện với bà. Bà già bảo cô: "Ở đây chẳng có ai cả, đừng sợ gì hết". Hồn Gliu bèn trở về trong thân thể nàng đã được chôn; Gliu sống lại như trước. Hoàng tử từ trong chỗ trốn bước ra và nắm lấy Gliu; họ cùng nhau trở về. Hoàng tử ra lệnh cho người của mình giết chết Glah, chặt ra từng khúc và giữ trong một cái ché với muối. Chàng gửi cái ché ấy về cho bố mẹ Glah, họ tưởng đó là xác của Gliu, mà người con gái lanh lợi của họ là Glah đã giết chết. Họ ăn thịt trong ché. Ở chỗ hoàng tử, tiến hành lễ hội; người ta làm lễ phục tôn lớn cho Gliu. Lúc đó bố mẹ Glah đến, họ muốn gặp thăm con gái. Hoàng tử không cho họ vào, bảo nói cho họ biết trong ché đựng cái gì và cho người đuổi họ đi.Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2003
- Hết -