Ray Bradbury được công nhận là một tác giả lớn của văn học Mỹ đương đại và là một trong số ít nhà văn còn sống có tên trong Bách khoa toàn thư Britannica. Thế giới nội tâm của Ray Bradbury là một thế giới phong phú, tràn ngập tình yêu đối với những sự vật vĩnh cửu và đẩy những xúc cảm khoáng đạt
Vợ chồng George và Alice Smith xuống tàu ở Biarritz một trưa hè và trong vòng một giờ đã chạy băng từ khách sạn ra bãi biển nhào xuống sóng nước rồi quay lại phơi mình trên cát.
Nhìn George Smith nằm dài, người đỏ hồng dưới nắng, hẳn bạn sẽ cho rằng anh ta chỉ là một du khách mới đến châu Âu lần đầu và chẳng bao lâu sẽ quay về chốn cũ. Nhưng đây là một con người yêu hội họa còn hơn cả yêu chính cuộc sống.
– Thế đấy... – George thở dài. Thêm một chút mồ hôi nữa chảy dài trên ngực anh. Hãy đun cho sôi cạn nguồn nước Mỹ trong người, anh nghĩ thầm, rồi uống cho đầy loại rượu Bordeaux ngon nhất. Hãy để cho cặn rượu nồng đất Pháp thành phù sa trầm lắng bầu máu ta để ta có thể nhìn thấy bằng đôi mắt dân bản xứ!
Tại sao? Sao lại phải ăn, uống, hít, thở mọi thứ mọi điều của đất nước này? Phải làm thế để anh có thể thật sự hiểu ra thiên tài của một con người duy nhất, nếu có thời gian.
Môi anh mấp máy hình thành một cái tên.
– George? – Bóng vợ anh chờn vờn cạnh bên. – Em biết anh đang nghĩ gì rồi. Em biết anh thầm gọi ai.
Anh nằm yên như tượng đợi chờ.
– Ai?
– Picasso – vợ anh nói.
Anh nhăn mặt. Rồi có ngày vợ anh phải học cách gọi cái tên ấy.
– Em xin anh đừng bận tâm mà. Em biết anh đã nghe tin đồn ấy sáng nay, nhưng giá như anh thấy được ánh mắt của anh... Anh lại bồn chồn rồi kìa! Được rồi, Picasso đang ở đây, xuống dưới kia mấy dặm, ông ta viếng thăm bạn bè tại một làng chài nhỏ nào đó. Nhưng anh phải quên chuyện ấy đi chứ không thì uổng phí cả kỳ nghỉ mát của chúng ta.
– Ước gì anh đừng bao giờ nghe tin đồn ấy, – anh nói thật lòng.
– Giá như anh yêu thích các họa sĩ khác.
Những người khác? Đúng, còn nhiều người khác. Anh có thể dùng bữa sáng hết sức tương đắc với những bức tĩnh vật của Caravaggio vẽ những trái lê mùa thu và những quả mận nửa khuya. Cho bữa trưa: mấy đóa hướng dương Van Gogh oằn oại như những con giun căng phềnh, phụt lửa, những đóa hoa mà một người mù cũng nhìn thấy được chỉ bằng cách vuốt nhanh mấy ngón tay dọc theo khung vải rực nóng. Nhưng còn buổi đại tiệc? Còn những bức tranh mà anh đã dành cho một bảng màu riêng? Kia, tràn lấp chân trời như thủy thần Neptune đội sóng vươn lên, tóc vướng rêu rong, cẩm thạch, san hô, mớ bút vẽ lăm lăm như những cây đinh ba trong hai nắm tay móng sừng siết chặt, và với chiếc đuôi cá mênh mông đủ sức quật tung những cơn mưa rào mùa hạ trên khắp eo biển Gibranta – còn ai nữa ngoài người sáng tạo ra tuyệt tác Guernica và Cô gái trước gương soi?
– Alice ơi – anh nhẫn nại nói – Làm sao anh giải thích được? Bước chân xuống tới ga là anh đã nghĩ ngay: Trời ơi, đây đúng là xứ sở của Picasso!
Nhưng có thực vậy chăng? – anh tự hỏi. Bầu trời này, mặt đất này, những con người này, những viên gạch hồng thắm màu má thiếu nữ ở đây, những ban công bằng thép lá cuộn vòng ánh xanh chớp điện nằm kia, cây đàn măng-đô-lin mọng tròn như trái chín hằn in cả ngàn dấu tay ai đó, những tờ thông cáo rách tơi bay tung trong gió đêm như công-fet-ti rơi – còn bao nhiêu Picasso, còn bao nhiêu George Smith đang dõi nhìn thế giới với đôi mắt Picasso? Không làm sao anh trả lời được. Ông già ấy đã chưng cất trọn tinh túy của dầu thông và nhựa lanh qua con người George Smith để chúng hình thành nên sự sống của chính anh, trọn Thời Kỳ Xanh chạng vạng hoàng hôn, trọn Thời Kỳ Hồng bình minh thức tỉnh.
– Anh cứ suy đi tính lại mãi, – anh nói lớn – nếu như chúng ta đã dành dụm...
– Chúng ta chả bao giờ có được năm nghìn đôla.
– Anh biết – giọng anh trầm lại. – Nhưng cứ nghĩ là một ngày nào đó ta sẽ xoay xở được cũng thích chứ. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu như ta có thể bước thẳng tới trước mặt ông ta và nói “Pablo ơi, năm nghìn đôla đây! Hãy cho chúng tôi đại dương, bãi cát, bầu trời, hay bất cứ vật thể cũ kỹ nào ông muốn, chúng tôi sẽ rất vui sướng...".
Sau một lúc im lặng vợ anh nắm lấy cánh tay anh.
– Em nghĩ anh nên xuống tắm biển thì hay hơn.
– Ừ, làm thế còn hơn – anh lẩm bẩm.
Những tia lửa trắng tung tóe lên khi anh lao mình xuống sóng.
Suốt buổi chiều George Smith hết quay về phòng lại đi ra biển, hòa mình trong dòng chuyển động tràn ngập, dập dờn của những con người lúc nóng lúc lạnh; những kẻ cuối cùng cũng lê bước trở về khách sạn lúc mặt trời xế bóng, tấm thân đỏ hồng màu tôm luộc hay nâu giòn màu gà rán.
Bãi biển nằm hoang vắng hàng dặm chập chùng chỉ còn lại hai người. George Smith là một; khăn tắm choàng vai, anh dạo quanh một lần cuối cùng sùng bái.
Cách đó một khoảng, một người đàn ông khác tóc húi cao, người thâm thấp, lang thang một mình trong tiết trời tĩnh lặng. Da nhuộm thâm màu nắng, mặt trời hun xạm mái đầu, và trên gương mặt ông là đôi mắt trong veo, sáng ngời như mặt nước.
Thế là một kịch trường đã được dựng lên trên bãi biển, và trong một vài phút nữa hai con người ấy sẽ gặp nhau. Một lần nữa, định mệnh đã ấn định khuôn thước cho bao sửng sốt cùng ngạc nhiên, bao lần ra đi và về đến. Trong khi đó hai kẻ lang thang cô độc kia không một phút nào nghĩ đến sự ngẫu nhiên: Dòng nước khuất lấp luôn mời gọi cạnh bước chân mỗi người trong mọi đám đông trong mọi phố phường. Họ cũng không nghĩ rằng nếu một người dám lao mình vào dòng nước ấy, hắn sẽ vồ được trong mỗi bàn tay một sự diệu kỳ. Giống như những kẻ khác, hai người ấy nhún vai trước những trò ngu xuẩn như thế rồi đứng tránh thật xa trên bờ kẻo định mệnh sẽ xô nhào họ xuống.
Người lạ mặt đứng một mình. Liếc nhìn quanh, ông thấy mình trơ trọi, thấy những con sóng trên vịnh biển yêu kiều, thấy vầng dương đang tuôn xuống những sắc màu cuối cùng của một ngày, và rồi, dợm quay lưng, chợt bắt gặp một que gỗ nhỏ nhoi trên cát. Nó chẳng lớn hơn gì chiếc que mảnh dẻ cắm vào một miếng cà-rem ngon ngọt đã chảy tiêu ra nước từ lâu. Mỉm cười, ông nhặt chiếc que lên. Thêm một lần nữa đảo mắt nhìn quanh để yên lòng mình vẫn lẻ loi, người đàn ông lại khom xuống, khẽ nâng chiếc que. Bằng những đường múa bay bổng của bàn tay, ông bắt đầu làm điều duy nhất trên đời ông biết cách làm hoàn mỹ nhất.
Ông bắt đầu vẽ những hình tượng kỳ ảo dọc theo bờ cát.
Ông phác họa một ý tưởng rồi nhích người sang một bên, mắt vẫn cúi nhìn xuống, hoàn toàn tập trung vào công việc, vẽ thêm xuống cát bức tranh thứ hai, thứ ba, và cứ thế vẽ mê mải.
George Smith bước đi, bàn chân in dấu trên bãi biển, mắt dõi nhìn đây đó và trông thấy người đàn ông ở phía trước. Anh tiến lại gần, nhận ra vóc dáng lom khom của người đàn ông da sạm nắng. Gần hơn nữa, giờ thì đã rõ ông ta đang làm gì. George cười thầm. Tất nhiên, tất nhiên... Một mình bãi vắng người đàn ông ấy – bao nhiêu tuổi nhỉ? Sáu mươi lăm? Bảy mươi? – đang triền miên vung tay nguệch ngoạc trên cát ướt. Cát biển tung bay mới dữ dội sao! Ôi, những bức chân dung man dại ném mình ra phô bày trên bãi kia! Ôi...
George Smith tiến thêm một bước và dừng lại, đứng lặng.
Người lạ mặt kia vẫn vẽ mãi không thôi, dường như chẳng hề nhận biết có ai đó đang đứng ngay sau lưng mình và thế giới của những bức tranh trên cát. Đến lúc này thì niềm sáng tạo cô quạnh đã cuốn hút ông ta miệt mài đến độ những quả bom có nổ tung trong lòng vịnh cũng không thể ngăn được bàn tay bay bổng của ông hay buộc ông phải ngoái nhìn lui.
George Smith cúi nhìn xuống cát. Cả người anh bắt đầu run lẩy bẩy.
Vì trên bờ biển phẳng phiu kia là hình ảnh của những con sư tử Hy Lạp với đàn dê Địa Trung Hải cùng những trinh nữ thịt da bằng cát mịn óng vàng, những dương thần thổi chiếc tù và gọt đẽo thô sơ với đàn trẻ nhỏ đang nhảy múa, đang rải hoa dọc theo bờ cát, rồi tới các nhạc công lướt tay trên những cung tơ nhảy theo tiếng đàn lyre, đàn harp, mấy con kỳ lân đuổi theo đám thanh niên về đồng lúa xa xôi, những nương rẫy, những hỏa sơn cùng bao thành quách điêu tàn. Dọc theo bờ biển này, bàn tay, chiếc que gỗ của người đàn ông đang cúi gập trong cơn sốt và suối mồ hôi nhễ nhại, cứ không ngừng chuyển động, vạch thẳng, khoanh tròn, ngoằn ngoèo, vút ngang, xẻ dọc, vào trong, ra ngoài, xuyên thủng, thầm thì, nán lại, rồi hối hả bay tiếp như dường cơn say sưa phiêu lãng này phải bùng vỡ đến tận cùng trước khi mặt trời chìm lún trong lòng biển.

*

°
Người họa sĩ ngừng tay.
George Smith thối lui và tránh xa một khoảng.
Người họa sĩ ngước nhìn lên, ngỡ ngàng khi nhận ra có kẻ đứng gần. Rồi ông chỉ đứng đó, hết nhìn George lại quay sang nhìn những sáng tạo của mình ngổn ngang trên cát như những dấu chân biếng lười. Sau cùng ông nhún vai và mỉm cười như muốn nói: Hãy xem tôi đã làm trò gì kia; thật trẻ con quá phải không? Anh thứ lỗi cho tôi nhé? Đôi khi tất cả chúng ta đều cư xử như những kẻ ngu xuẩn... Cả anh cũng có lúc...?
Nhưng George Smith chỉ có thể bàng hoàng nhìn người đàn ông thấp bé kia, nhìn màu da sạm nắng, nhìn đôi mắt tinh anh và thầm gọi tên ông chỉ một lần, rất khẽ, cho riêng mình.
Họ cứ đứng như thế một hồi lâu. George Smith đăm đăm nhìn xuống mặt cát và người họa sĩ quan sát anh với vẻ hiếu kỳ thú vị. Môi George Smith mấp máy không nên lời, bàn tay anh đưa ra rồi ngượng ngùng rụt về. Anh tiến đến gần những bức tranh rồi lại lùi xa. Sau đó anh lại đi men theo những hình tượng trải dài trên cát như một người đang chiêm ngưỡng một sưu tập quý báu toàn những pho tượng cẩm thạch bị phế bỏ trong chốn điêu tàn cổ đại nào đó trên bãi biển này. Đôi mắt anh không chớp, bàn tay khao khát được chạm vào nhưng không dám. Anh muốn trốn chạy nhưng vẫn đứng đó.
Anh đột ngột nhìn về khách sạn. Chạy mau, đúng! Chạy mau! Làm gì? Vớ lấy một cái mai, cái xẻng nào đó, đào, quật, cứu lấy một tảng cát quá đỗi mong manh này? Tìm một người thợ gốm, xua anh ta tới đây với bột thạch cao Paris để đổ khuôn lưu lại một phần nhỏ nhoi của những ảnh hình này? Không, không. Ngốc nghếch, ngốc nghếch. Hay là...? Mắt anh liếc nhanh về hướng cửa sổ phòng trọ. Chiếc máy ảnh! Mau, chạy đi, mang nó lại đây rồi cuống cuồng men theo bờ cát, bấm máy, thay phim, bấm máy, cho đến khi...
George Smith quay phắt lại đối diện với mặt trời. Nắng tà đang tàn lụi trên mặt anh châm bừng hai ngọn lửa cỏn con trong đôi mắt. Mặt trời đã chìm nửa thân dưới sóng, và khi anh ngoái nhìn, nó vội ngụp lặn mất tăm trong khoảnh khắc.
Người họa sĩ bước lại gần anh và bây giờ đang đăm đăm theo dõi nét mặt George Smith với vẻ thân thiện tột cùng chẳng khác nào ông đã đoán được mọi ý nghĩ trong tâm trí anh. Ông gật đầu khẽ chào George, chiếc que kem hững hờ rơi tuột qua mấy ngón tay. Bây giờ ông ta đang nói lời tạm biệt, tạm biệt. Bây giờ ông ta đã bỏ đi, đi xuôi theo bãi biển về hướng Nam.
George Smith đứng lặng nhìn theo. Rồi sau đó, anh cứ đi đi lại lại như thế cho đến khi không còn ánh sáng trên bầu trời hay trên bãi cát để soi rọi cho anh nhìn thấy.

*

°
Anh ngồi vào bàn ăn.
– Anh về muộn quá, – vợ anh bảo. – Em đành phải xuống đây một mình. Em đói lắm rồi đây.
– Không hề chi, – anh nói bâng quơ.
– Đi dạo có gì thú vị không, anh?
– Không.
– Trông anh lạ thật đấy, George, anh không có bơi ra quá xa đấy chứ, không suýt chết đuối đấy chứ? Nhìn mặt anh là em biết ngay mà. Đúng là anh đã bơi ra quá xa, phải không?
– Ừ, – anh đáp gọn.
– Này, – vợ anh nhìn chăm chú. – Đừng có dại thế nữa nhé. Thôi... anh dùng món gì đây?
Anh cầm tờ thực đơn lên định đọc rồi bất giác ngồi yên.
– Có chuyện gì thế? – Vợ anh hỏi.
Anh nghiêng đầu và nhắm mắt hồi lâu.
– Nghe kìa.
Vợ anh lắng nghe.
– Em có thấy gì đâu nào? – Vợ anh thốt lên.
– Không à?
– Không. Cái gì vậy?
– Thủy triều đấy mà, – anh trả lời sau một lúc im lặng ngồi đó, mắt vẫn nhắm nghiền. – Chỉ là một cơn thủy triều đang tiến vào bờ.

Xem Tiếp: ----