Ngần là tên cô bạn học cùng lớp, ở cùng phòng với tôi thời học Đại Học. Ngần không đẹp kiểu liễu yếu, đào tơ, dịu dàng, khuê các. Cái đẹp của Ngần toát ra vẻ mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, một cái đẹp rất hiện đại. Giá như nước da của Ngần đừng trắng ngần như cái tên cha mẹ đặt, mà đen nâu mặn mà một chút, thì có lẽ vẻ đẹp sẽ là hoàn hảo.
Phù hợp với vẻ đẹp và vóc dáng bên ngoài, tính tình của Ngần cũng mạnh mẽ, hiện đại. Ngần có khiếu khôi hài, các câu chuyện của Ngần luôn làm mọi người cười đau bụng. Ngần hay nói thẳng chứ không vòng vo, ngay cả khi phê bình cũng rất thẳng thắn, mọi người bảo tính Ngần "thẳng như ruột ngựa". Hình như Ngần là một con người chẳng bao giờ biết buồn và cũng không bao giờ biết lo xa. Lúc nào cũng thấy nụ cười tươi rói của cô ấy thường trực trên môi và chỉ cần đứng ngoài hành lang đã nghe giọng cười khanh khách, giòn tan của Ngần.
Hầu như tất cả mọi người trong khu ký túc xá đều có "bồ" ngay năm thứ nhất, đứa nào tệ lắm thì năm thứ hai cũng có người sớm đón, chiều đưa. Vậy mà Ngần đẹp là vậy, vui tính là vậy, có khiếu khôi hài và giỏi ăn nói là vậy... lại không có chàng nào để ý. Tất cả mọi người đều thắc mắc và lấy làm lạ... Phải chăng các chàng thời "hiện đại" chỉ thích kiểu đẹp "cổ điển"? Mấy đứa chúng tôi vừa thắc mắc vừa tự phân tích vừa tự trả lời.
Bốn năm đại học nhanh chóng trôi qua, trong số bạn bè có nhiều đứa đã lấy chồng, vài đứa đã có con bồng con bế. Sau khi ra trường Ngần làm việc tại một Ngân Hàng ở địa phương. Nhận được điện thoại của Ngần báo tin có người yêu và chuẩn bị đính hôn, tôi vừa bất ngờ, vừa ngạc nhiên. Càng bất ngờ hơn khi nghe Ngần giới thiệu Chú rể tương lai tên Văn... vì tôi biết anh chàng này. Ngần có vẻ rất hạnh phúc, kể huyên thuyên về thiên tình sử của hai người, từ khi quen biết nhau đến khi anh chàng ngỏ lời cầu hôn, không qúa hai tháng. Tôi không biết nói gì hơn là chúc cho Ngần hạnh phúc. Trước khi nói lời tạm biệt, tôi cũng không quên "khen" chồng tương lai của Ngần một câu để bạn vui
- Anh chàng Văn coi vậy mà cũng "hiện đại" và thức thời qúa hả, biết ứng dụng có hiệu qủa câu "cưới vợ phải cưới liền tay".
Ngần lại cười khanh khách như ngày nào và nhắn nhủ
- Đám cưới tao, mày làm Phù dâu đó nha!.
Đám cưới Ngần tôi không làm Phù dâu như đã hứa, và cũng không thể đến dự... Hôm đó tôi đi công tác xa không về kịp chỉ gọi điện thoại và gởi hoa chúc mừng. Bẵng đi một thời gian khá lâu chúng tôi không liên lạc với nhau vì ai cũng bận bịu với công việc riêng.
Khoảng 2 năm sau, trong lễ cưới của một người bạn, tôi tình cờ gặp lại Ngần. Hôm đó Ngần ngồi chung bàn và đối diện với tôi. Tôi có dịp ngắm nhìn Ngần thật kỹ, nhưng không có thời gian nói chuyện nhiều. Tôi cảm thấy Ngần đã trở thành một con người khác không còn cái vẻ mạnh mẽ như ngày nào, thay vào đó là nước da xanh xao, yếu ớt, nét mệt mỏi. Gương mặt lanh lợi, vui tươi, hóm hỉnh với nụ cười tươi rói luôn thường trực trên môi cũng không còn, thay vào đó là một nét buồn u uất trên đôi mắt thâm quầng dù đã khéo che giấu bằng những lớp phấn trang điểm. Suốt buổi, mọi người vui vẻ hỏi thăm nhau đủ mọi chuyện, riêng Ngần không nói một câu, lặng lẽ cúi đầu không dám nhìn ai.
Tôi nhìn Ngần một cách ái ngại, cuối buổi tiệc chỉ hỏi Ngần được một câu
- Có chuyện gì phải không Ngần? Anh Văn đối xử với Ngần như thế nào? Con có khoẻ không?
Ngần cúi mặt rất lâu không trả lời... Khi ngẩng mặt lên, tôi thấy mắt Ngần ngân ngấn lệ... cảm thấy thương cho bạn qúa và cũng không biết phải an ủi làm sao? Tôi biết tất cả lời nói bây giờ đều là thừa, xiết chặt tay Ngần... Tôi nói
- Bữa nào dắt con tới nhà mình chơi đi, mình cũng muốn tới thăm hai mẹ con Ngần, nhưng Ngần ở nhà chồng có lẽ không tiện.
Hai giọt lệ Ngần cố nén lại vẫn lăn dài trên má, Ngần vội lấy tay lau vì sợ mọi người trông thấy. Ngần cũng xiết chặt tay tôi vừa gật đầu vừa nói
- Chủ nhật tới Nghi rảnh không, mẹ con Ngần tới chơi nha.
Tôi cũng nghẹn lời muốn khóc, không nói gì, tôi chỉ gật và hai đứa vội vàng chia tay.
Thứ Sáu, vừa đi làm về Mẹ đã nói
- Không biết có chuyện gì mà Hiền gọi điện cho con mấy lần
- Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì các bạn cũ từ khi ra trường rất ít liên lạc với tôi, chắc chắn không phải báo tin lấy chồng vì Hiền đã có chồng và có con rồi. Tôi vội vàng tìm số điện thoại và phone cho Hiền. Tôi nghe giọng Hiền lạc đi và hơi thở hổn hễn
- Nghi ơi, Ngần mất tối hôm qua rồi, mai chôn rồi mày tới đưa nha, ở nhà chồng nó.
Tôi không kịp hỏi thêm gì Hiền đã cúp máy, có lẽ nó vội vì còn phải báo cho các bạn bè khác.
Tôi ngồi thẫn thờ, tay vẫn cầm điện thoại... đầu óc tôi trống rỗng và không rõ đang nghĩ gì nữa. Tôi lẩm bẩm
- Ngần mất, sao lại mất?... Mất nghĩa là chết... là không còn tồn tại trên đời này nữa... Vô lý mới gặp nó hôm Chủ Nhật rồi mà, chắc Hiền lộn rồi...
Và tôi chợt nhớ Nga làm chung Ngân Hàng với Ngần, tôi liền phone cho Nga để hỏi rõ mọi chuyện.
Nhận ra tiếng tôi Nga òa khóc và xác nhận
- Đúng rồi Nghi ơi, Ngần mất rồi, bị chồng nó và gia đình chồng bức tới chết.
Tôi càng nghe càng không hiểu gì cả. Thấy tôi ngơ ngác, Nga trách tôi
- Mày chẳng quan tâm tới bạn bè gì cả, Ngần nó khổ sở lắm, đúng là "hồng nhan, bạc phận...
Và Nga bắt đầu kể câu chuyện về Ngần...
Ngần lấy chồng khi chưa kịp có tình yêu. Văn hơn Ngần 9 tuổi, là du học sinh ở Ba Lan 7 năm trở về. Tính tình của Văn hoàn toàn trái ngược Ngần. Văn ít nói, nhút nhát, sống nội tâm và rất ngại giao thiệp. Văn luôn thiếu tự tin và mặc cảm về ngoại hình của mình. Có lẽ vì vậy mà đã ngoài ba mươi tuổi Văn vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai nào. Công việc của Văn làm ở phòng vi tính của một Ngân Hàng, bạn gái của Văn là chiếc máy vi tính, các em gái thường trêu Văn như vậy.
Văn quen Ngần trong một buổi giúp Ngân Hàng bạn phục hồi dữ liệu và chỉnh sửa một số lỗi chương trình.Họ đã nhanh chóng cưới nhau chỉ sau ba tháng quen biết dưới sự sắp đặt và hối thúc của mẹ Văn.
Văn là con trai trưởng và cũng là con trai một. Văn có 2 em gái. Ba Văn mất khi Văn chuẩn bị tốt nghiệp cấp III. Mẹ Văn là một người đàn bà giỏi ăn nói. Bà là một Cộng Sản nòi và làm công tác tuyên truyền Đảng nhiều năm. Thế nhưng, không ai có thể ngờ rằng bên trong những lời tuyên truyền đanh thép về một xã hội cộng sản chủ nghĩa công bằng, bình đẳng đó lại là một cái đầu đầy ắp những tư tưởng cổ hủ phong kiến. Điều mong mỏi duy nhất của Bà là Văn lấy vợ và sanh cho Bà một đứa cháu trai để "nối dõi tông đường". Vì vậy Bà mừng rơn khi Văn lần đầu tiên dắt bạn gái về nhà và Bà muốn Văn cưới vợ ngay.
Ngần về làm dâu nhà chồng, Mẹ chồng đối xử với Ngần đúng nghĩa một bà mẹ chồng đối xử với nàng dâu trong xã hội phong kiến ngày xưa. Mỗi sáng Ngần phải thức dậy thật sớm nấu nước nóng cho mẹ chồng rửa mặt. Pha trà và chuẩn bị đồ ăn sáng cho mẹ chồng và cho chồng. Sau khi lo cho mọi người xong, Ngần chỉ kịp mặc quần áo và đi làm với cái bụng lép kẹp. Chiều đi làm về Ngần tất bật chạy ra chợ rồi chạy vội về nhà chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Vậy mà có bữa không vừa miệng mẹ chồng hất đổ cả mâm cơm. Những lúc như vậy Ngần chỉ biết nuốt những giọt lệ mặn đắng và lầm lũi xuống bếp thầm khóc cho phận mình. Tất cả mọi việc trong nhà từ dọn dẹp, chợ búa, bếp núc, giặt giũ,... Ngần đều phải lo. Hôm nào cũng vậy, đến tận khuya công việc mới xong và vừa đặt lưng xuống Ngần đã ngủ ngay vì qúa mệt mỏi. Mỗi khi mẹ chồng không vừa ý lại mắng chửi
- Mẹ Chị không biết dạy con, chuyện gì cũng làm không nên hồn...
Ngần chỉ biết khóc, nghĩ mà oan cho Mẹ vì Ngần mà bị chửi lây.
Ngần có thai, ít bị mắng chửi hơn nhưng vẫn phải làm ngần ấy việc. Mẹ chồng bảo:
- Làm không chết, không có ăn mới chết, vận động nhiều mới dễ sanh....
Ngần ốm nghén không thể ăn uống bất cứ thứ gì, ăn gì vào cũng nôn ói hết. Mỗi lần như thế, mẹ chồng lại mắng:
- Giả bộ, giả tịch hoài... sung sướng quá mới ra nông nổi như vậy. Ngày xưa tôi chửa vượt mặt vẫn phải làm lụng vất vả kiếm ăn chứ đâu ngồi mát như chị bây giờ.
Ngần sợ cá, mỗi lần nhìn thấy cá là Ngần lại muốn nôn. Mẹ chồng lại ép Ngần ăn cá, Bà bảo:
- Ăn cá con mới thông minh.
Ngần phải làm theo lời Mẹ cố nín thở và nuốt, để rồi lại khổ sở với những trận ói mửa ra cả mật xanh, mật vàng.
Văn chưa bao giờ yêu Ngần, cũng chưa bao giờ quan tâm lo lắng hay chăm sóc Ngần. Văn lại luôn đứng về phía Mẹ và em gái, không bao giờ bênh vực Ngần. Một lần thấy Ngần bụng đã quá to, thật khó nhọc khi phải bò dưới sàn lau nhà. Văn vừa cầm lây dẻ lau định giúp vợ đã bị Mẹ mắng
- Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về... chiều vợ qúa có ngày nó leo lên đầu ngồi.
Văn không nói gì, vứt ngay dẻ xuống sàn cho Ngần.
Bao nhiêu khổ cực Ngần đều có thể làm được, bao nhiêu lời mắng chửi oan ức của Mẹ chồng, Ngần đều có thể cắn răng chịu đựng. Nhưng điều làm Ngần buồn đau nhất là Văn lạnh lùng với Ngần. Ngần hiểu ra Văn lấy Ngần chỉ vì nghe lời Mẹ. Đối xử với Ngần như thế nào cũng hoàn toàn theo ý của Mẹ.
Cái thai vừa được 7 tháng Ngần đã đau bụng. Tối hôm đó nhà đi vắng hết không có ai. Ngần vật vã đến ngất đi trong cơn đau. Tỉnh dậy Ngần gọi điện thoại nhờ hàng xóm đưa giúp đến bệnh viện. Ngần không thể sanh thường vì vỡ ối sớm, bác sĩ phải giải phẩu để kịp cứu sống con Ngần. Nghe nói mẹ chồng và Văn đến thăm con, khi biết con Ngần là con gái mọi người đã thất vọng bỏ về. Ngần và con nằm lại bệnh viên 1 tháng vì con Ngần sanh thiếu tháng, nhỏ xíu lại bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ nên phải nuôi dưỡng trong lồng kính. Khi giải phẩu các bác sĩ cũng phát hiện ra Ngần bị bệnh tim bẩm sinh và khuyến cáo Ngần không thể sinh con lần thứ hai vì nguy hiểm đến tính mạng. Biết được tin này, cổ họng Ngần khô khốc, đắng ngắt, muốn khóc mà không khóc được. Vì hơn ai hết Ngần biết được điều gì sẽ xảy ra khi Ngần không thể có con trai cho gia đình chồng.
Hôm xuất viện Văn cũng không đến đón mẹ con Ngần. Ngần nhờ cô hộ lý gọi dùm một chiếc xích lô. Một tay ẳm con, tay kia xách giỏ, Ngần lặng lẽ chào mọi cười và cám ơn các bác sĩ, y tá và bước lạng choạng lên xe xích lô. Cô hộ lý vội chạy theo quàng thêm một cái khăn lên đầu Ngần và mắng
- Phải cẩn thận gió máy một chút chứ.
Tối hôm đó Văn không về nhà. Cả tháng nằm viện Văn chỉ vào thăm mẹ con Ngần 3 lần, mỗi lần chỉ ở lại một chút và không lần nào Văn ẳm con hay nhìn mặt con. Ngần nghe đau nhói nơi trái tim, thật oái ăm vì con gái lại giống bà Nội và giống Văn như đúc. Ngần nghe tiếng mẹ chồng oang oang bên ngoài phòng khách, nhưng bà cũng không vào thăm mẹ con Ngần. Từ ngày Ngần trở dạ, Bà đã mướn một chị giúp việc, làm các công việc của Ngần.
Sáng hôm sau Ngần lại nghe thấy tiếng Mẹ chồng bảo chị giúp việc đi chợ mua giò heo về hầm cho Ngần ăn để mau lại sức. Bà vào phòng, vẫn không nhìn và không ẳm cháu nội. Bà dặn dò:
- Chị khoẻ chưa? Ráng ăn uống bồi bổ, năm nay là năm tốt, tính toán như thế nào để sanh con trai vào cuối năm sẽ phúc đức cho cả họ.
Không đợi Ngần trả lời Bà đã đóng cửa bỏ ra ngoài.
Chiều hôm đó Bà lại vào phòng Ngần
- Nghe con Sen nói Chị ăn ít lắm phải không? Cứ ăn như mèo vậy làm sao có sức để sanh con? Thằng Văn nó khổ sở bỏ nhà đi nhậu nhẹt suốt cả tháng nay chị có biết không? Liệu mà giữ chồng!
Khuya hôm đó trễ lắm Văn mới về, Văn bước xiêu vẹo, không kip thay quần áo và cởi giày, anh nằm vật ra giường. Ngần vội lấy khăn nóng lau mặt cho chồng, cởi giày, vớ cho anh. Văn nói lảm nhảm gì đó trong mơ, người Văn nồng nặc mùi rượu bia. Vừa chăm sóc chồng, nước mắt Ngần lăn dài trên má, Ngần không yêu Văn nhưng chưa bao giờ cảm thấy chán ghét hay oán trách gì Văn, dù Văn chưa một lần tỏ ra yêu thương hay quan tâm chăm sóc đến Ngần.
Sáng hôm sau, Văn đã tỉnh rượu Anh nói
- Mẹ nói năm nay tốt, mình phải sanh con trai.
Không cần nghe câu trả lời của Ngần, Văn vội vã thay quần áo đi làm. Văn đi rồi, Ngần vẫn thẩn thờ như chết lặng. Tiếng Văn như vẫn còn văng vẳng bên tai
- Mình phải sanh con trai.
Bổng dưng Ngần thấy đau nhói nơi lồng ngực và nước mắt lại trào ra. Ngần lẩm bẩm nhắc lại câu nói của chồng:
- Mình phải sinh con trai...
Lại một cơn đau nữa... đau nhói, Ngần ôm ngực và nằm xuống bên cạnh con, đầu óc nghĩ mông lung... Ngần cảm thấy đầu đau nhức và thiếp đi trong giấc ngủ mệt mỏi. Trong giấc ngủ chập chờn Ngần thấy con Ngần là con trai chứ không phải là con gái. Thấy Bà Nội nó, Ba nó, các cô nó đang dành nhau bế... mọi người ai cũng cười vui vẻ, Ngần cũng cười thật hạnh phúc. Tiếng con khóc làm Ngần bừng tỉnh, và Ngần lại trở về với thực tại... một mình đơn độc trong căn phòng vắng vẻ, đứa con gái bé bỏng, yếu đuối đang đòi ăn. Nước mắt Ngần lại lăn dài. Ngần ôm chặt lấy con trong vòng tay lạnh giá
- Con yêu của Mẹ, tội nghiệp đứa con bé bỏng của tôi, mới chào đời đã bị hắt hủi chỉ vì con là phận gái.
Hôm đó Văn về sớm và ăn cơm với gia đình, không khí gia đình cũng có phần vui vẻ và nhẹ nhàng hơn, nhất là Mẹ chồng Ngần. Ngần đoán biết kế hoạch của mọi người và hơn ai hết Ngần hiểu chuyện gì sắp xảy ra. Đêm hôm đó Văn ôm lấy Ngần một cách hồ hởi, Ngần lạnh lùng gạt tay Văn ra và nói:
- Em có chuyện muốn nói với Anh.
- Chuyện gì để từ từ nói, không chuyện gì quan trọng bằng chuyện này. Mình phải có con trai...
Rồi mặc kệ Ngần có muốn hay không, Văn không cần biết. Văn vẫn như vậy, Anh làm chuyện đó như là một bản năng, như một con thú. Ngần cắn răng chịu đựng, nước mắt lại tràn ra giàn giụa. Ngần co quắp người không chống cự, nằm yên như một khúc gỗ. Khi Ngần vẫn chưa kịp hoàn hồn thì đã nghe tiếng ngáy và tiếng thở đều đều của Văn. Ngần nấc lên trong tức tưởi.
- Tại sao ai cũng có học mà không chịu hiểu rằng sanh gái hay trai đều là do đàn ông? Tại sao ông Trời lại bất công với tôi như thế này. Mẹ ơi, con khổ qúa, Mẹ ơi!
Ngần nấc lên nghẹn ngào trong đêm khuya, nước mắt giàn giụa ướt cả gối. Mắt nhìn trân trân lên trần nhà vô định, cứ như thế Ngần không thể chợp mắt cho tới sáng.
Văn mở mắt, vươn vai sau một giấc ngủ ngon. Ngần không thể lưỡng lự nói ngay:
- Em bị bệnh tim rất nặng, bác sĩ nói em không thể tiếp tục sanh con.
Văn tỉnh hẳn, hỏi như thét vào mặt Ngần:
- Cô nói cái gì tôi không hiểu, cô nói lại xem.
Ngần kiên nhẫn lập lại như đọc từng chữ:
- Em bị bệnh tim, không thể có con
Văn quắc mắt giận dữ nhìn Ngần, gắt lên:
- Cô đùa với tôi à? Không thể sanh con? Cô định chọc cho tôi chết vì tức giận à?
Ngần vẫn bình tĩnh vừa nói vừa đưa cho Văn xem Sổ theo dõi sức khoẻ có ghi rõ tình trạng bệnh của Ngần cho Văn xem. Văn giằng lấy cuốn sổ, xem lướt qua. Bất giác Văn ném trả cuốn sổ xuống giường và vội vã thay quần áo. Tiếng cánh cửa sập lại sau bước chân hối hả và nặng nề của Văn làm con Ngần giật mình khóc thét. Ngần cũng kịp hồi tỉnh sau tiếng động mạnh của cánh cửa và tiếng khóc của con. Mắt cay xè, ráo hoảnh, miệng khô khốc và đắng ngắt. Cơn đau tim lại nhói đau trong lồng ngực Ngần vội nằm xuống và lịm dần trong cơn đau.
Suốt ngày hôm đó Ngần không thể ăn uống gì. Cổ họng đắng và khô. Ngần cứ nằm lim dim lúc tỉnh, lúc mơ. Nghe văng vẳng vừa xa lại vừa gần tiếng Mẹ chồng, Ngần choàng tỉnh giấc và vội vàng ngồi bật dậy khi thấy Bà đã đứng bên giường từ lúc nào:
- Ăn xong lại nằm ngủ suốt ngày thảo nào không hết đau chổ này, lại nhức chổ kia. Thằng Văn nó sắp điên lên chị có biết không mà còn nằm đó?
Ngần vẫn cam chịu cúi mặt không nói câu nào. Bỗng tiếng hét của Bà làm Ngần giật thót mình.
- Trời ơi, kiếp trước tôi ăn ở thế nào mà trời đành hại tôi không có cháu trai để nối dõi tông đường.
Bà vừa tru tréo vừa ồ ồ khóc
- Trời ơi, sao tôi khổ thế này. Tôi biết ăn làm sao, nói làm sao với ông bà tổ tiên? Tôi có chết cũng không nhắm mắt...
Bà còn nói nhiều, nhiều lắm... Tai Ngần như ù đi, Ngần không nghe thấy gì cả. Ngần qùy sụp xuống dưới chân bà, nói trong nước mắt:
- Con van Mẹ, Mẹ đừng khóc nữa, con nào có muốn như vậy đâu, con cũng khổ sở lắm Mẹ ơi!...
Bà giật mạnh tay Ngần kéo Ngần đứng dậy và hét thật to
- Đứng dậy đi, Chị muốn tôi tổn thọ hay sao? Người qùy lạy, van xin Chị là tôi. Chị không đẻ được con trai thì cưới vợ khác biết đẻ con trai cho thằng Văn.
Toàn thân Ngần run rẩy, Ngần qụy xuống bất tỉnh.
Tỉnh dậy khi trời đã nhá nhem tối. Cảm thấy bụng đói cồn cào. Ngần nhìn xung quanh trắng toát một màu. Ngần quờ quạng tìm con nhưng không thấy. Một bóng áo trắng dịu dàng đến bên cạnh hỏi Ngần:
- Chị đã tỉnh lại rồi?...
Ngần biết mình đang nằm trong bệnh viện. Ngần hỏi:
- Con tôi đâu?
- Con chị vẫn khoẻ, chị yên tâm điều trị để sớm xuất viện về với con. Cô y tá nói
Ba hôm sau Ngần xuất viện về nhà. Không ai khác là chị giúp việc đón Ngần. Chị ấy nói:
- Cậu Chủ đi uống rượu suốt không về. Bà cứ về tới nhà lại mắng chửi, không ai dám hé răng.
Tối hôm đó, Ngần vẫn chưa khoẻ, nằm với con trong phòng. Bên ngoài rất đông người đang ngồi ở phòng khách. Mẹ Văn đã mời mấy ông chú Văn đến dự. Văn cũng được em gái lôi về nhà để tham dự cuộc họp gia tộc bàn về việc lấy vợ khác cho Văn. Ngần nằm bên cạnh con, mắt lại nhìn chằm chằm lên trần nhà, đầu óc mụ mẫm, trống rỗng. Tiêng rì rầm bên ngoài làm Ngần bừng tỉnh. Có ai đó nhắc đến tên Ngần. Ngần cố gắng tập trung và lắng nghe. Ngần bước xuống giường, nhẹ nhàng lê bước đến gần cửa, áp tai vào khe cửa để nghe rõ hơn. Tiếng Mẹ chồng Ngần thì thào:
- Con Ngần nó bị tim không thể sanh đẻ được, thằng Văn là con trai một, dòng họ nhà ta không thể tuyệt giống được, phải lấy vợ khác cho nó.
Rồi Ngần qụy ngã...
Con Ngần khóc thét đòi bú. Chị Sen thấy em bé khóc lâu qúa không nín. Mọi khi nó chỉ thét lên một tiếng khi được bú nó nín ngay. Chị chạy vào phòng và thấy Ngần nằm sóng soài trên nền nhà. Chị sợ hãi hét lên cầu cứu mọi người.
Ngần được đưa đến bệnh viện bằng xe taxi, nhưng đến nơi thì không còn kịp nữa. Ngần đã chết mà không kịp cho con bú lần cuối, không được gặp mặt Cha Mẹ ruột và cũng không kịp trăn trối bất cứ lời nào.
Tôi đứng từ xa lặng lẽ quan sát đám tang Ngần, Mẹ Ngần ngã qụy và ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Ba Ngần lặng lẽ trước quan tài con, Ông không khóc nhưng nhìn vẻ mặt đau khổ của Ông không ai cầm được nước mắt. Văn đứng đó lặng lẽ không cảm xúc. Mẹ chồng Ngần cũng vật vã than khóc... sao mà giả dối. Chờ cho xe tang đi một đoạn, tôi nối theo dòng người lặng lẽ bước phía sau quan tài đưa Người Đàn Bà vắn số, bạc mệnh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sau khi hạ huyệt, tôi chen lấn giữa dòng người, trên tay cầm bó hoa đã sắp tàn vì cái nắng oi ả giữa trưạ Tôi ngắt từng cánh hoa đủ màu sắc vứt xuống quan tài Ngần. Tôi thì thầm như nói cho mình Ngần nghe:
- Ngần ơi, kiếp người như những cánh hoa sớm nở, sớm tàn. Phận đàn bà cũng vậy, như bèo dạt mây trôi, trong nhờ đục chịu. Hãy nhận lấy những cánh hoa tàn cùng những dòng lệ này của một người bạn như một niền an ủi, tiếc thương cuối cùng...
Tối hôm đó tôi thao thức hoài không ngủ được, Tôi suy nghĩ miên man về một kiếp người, một thân phận... Cái chết bất ngờ ở cái tuổi 25 tràn đầy nhựa sống, bỏ lại đứa con mới 7 tháng tuổi. Cái chết kết thúc số phận nghiệt ngã của một người đàn bà vô tội, đáng thương bị đầy đọa đến cùng cực bởi những người luôn đề cao một giá trị hư danh - đàn ông hay đàn bà thì cũng là con người. Con trai hay con gái thì cũng là con. Thì tại sao chỉ có con trai mới có thể "nối dõi tông đường", còn con gái thì "mất họ"? Thật là nghịch lý.
Tôi đến thăm Ba Mẹ Ngần một tuần sau ngày đưa Ngần ra nghĩa trang, ngạc nhiên khi biết con gái Ngần ở với Ông Bà Ngoại. Mẹ Ngần nghẹn lời khi kể cho tôi nghe:
- Không ai ngờ gia đình họ lại đối xử như vậy với con Ngần. Đến giọt máu cuối cùng của nó họ cũng không muốn nuôi...
Bà vừa nói vừa lấy khăn lau nước mắt. Bà nói tiếp:
- Thằng Cha nó mới khốn nạn không đáng làm cha. Cả tuần nay cũng không tới thăm con.
Tôi nhìn con gái Ngần, gầy gò, xanh xao, ốm yếu, nó đang ngủ nhưng chốc chốc lại giật mình, khoé mắt vẫn còn đọng những giọt nước mắt khóc đòi Mẹ. Tôi thầm nghĩ: lại một kiếp đàn bà sinh ra trên cõi đời, biết sau này cuộc đời của nó có sáng lạn hơn Mẹ nó không? Hay cũng lại "hồng nhan bạc phận" ; rồi đây thân phận nó chẳng biết có trôi về "bến trong" hay cũng vẫn về "bến đục"?

Thân tặng người bạn qúa cố Trần Thúy Ngần


Xem Tiếp: ----