Con bé đứng dưới mái hiên nhìn ra sân. Nắng đẹp quá, rực rỡ. Nó nheo mắt liếc nhìn bức tường đối diện, phía bên kia sân. Nắng rọi vào đó làm chói mắt. Bức tường quét vôi màu vàng nhạt trở thành trắng xóa hắt ánh vàng chói lọi khiến cho ánh sáng mặt trời như được pha thêm màu vàng óng như mầu mật ong.
Ngoài sân đầy học trò đang chạy nhẩy, cười nói, nô đùa. Đây là giờ ra chơi buổi sáng. Con bé rất muốn chạy chơi. Hai chân nó chỉ thèm nhảy nhót, nhất là nắng đẹp và mọi người vui như thế.
Có nhóm chơi đánh chuyền. Tiếng đũa cọ sát vào nhau rồi đập xuống đất hay đập vào lòng bàn tay, lách cách, lách cách, nghe thật vui tai. Hai bàn tay quay bó đũa nhiều vòng trong lúc trái banh nhỏ tung cao rồi rơi xuống được hứng lấy gọn gàng, trông như đang múa.
Tốp khác nhảy dây. Hai đứa con gái cầm hai đầu dây vung tròn thật mạnh, quật tréo hai sợi dây thành vòng tròn đôi. Đám này khá đông, có đến hơn mười đứa. Xếp hàng một, đứa đứng sau ôm eo và xô đẩy đứa đứng trước, dập dềnh như làn sóng, thay phiên nhau vào vòng dây, nhảy nhịp nhàng. Hai chân trước sau nhún lên khỏi mặt đất đủ để lướt qua sợi dây rà sát đất rồi lại vòng lên qua đầu. Đợi khi hai sợi dây vượt qua đầu, nó chui ra khỏi vòng thì đứa khác nhảy vào. Có đứa nhảy vào hụt, nó phải ra thay thế đứa đang quay dây. Một vài đứa sợ vạt áo dài vướng dây nên túm cả hai vạt áo buộc thắt lại thành một búi lòng thòng trước bụng. Cứ thế rồng rắn lòng vòng. Chúng cười rỡn, hò hét vang dậy một góc sân.
Lại có nhóm chơi lò cò. Bàn lò cò như hình thánh giá được vẽ bằng gạch đỏ trên nền xi măng. Đứa vẽ cẩn thận vạch đi vạch lại mấy lần cho rõ các lằn ranh ô vuông. Chúng đúng xây lưng lại bàn lò cò, ném viên gạch qua đầu để xem sẽ rơi vào ô nào. Gọi là « thi ». Càng gần phía chân càng được chơi trước. Có khi viên gạch nẩy ra xa thì đứa đó xụ mặt, buồn rầu, vì như thế, nó sẽ phải đi bét cùng. Viên « tràm » của nó không « ngon » rồi. Nó đem viên gạch đi gò lại, cạ xuống nền xi măng nhiều lần cho thật vừa ý, ném thử vài lần cho chắc bụng, rồi mới tụ vào đám bạn, chơi tiếp.
Chợt có đứa la to:
- Ê, con Hạnh ăn gian Con Hạnh ăn gian. Không được để tràm ngay đầu rồi cho nó tuột xuống lưng. Nó ăn gian, bắt nó thi lại đi tụi bay.
Cả lũ nhao nhao. Con Hạnh đỏ mặt cãi:
- Không giao ước trước, tao làm sao tao làm chớ!
- Không được, không được. Mày phải thi lại, không thì xịt mày ra, khỏi cho mày chơi.
Con Hạnh vùng vằng vì vừa rồi, với cách cho tuột tràm qua đầu chứ không hất ném như mọi người, tràm của nó rơi ngay vào ô đầu tiên. Tức là nó được chơi trước tiên. Nó gân cổ, đỏ mặt lên cãi. Nhưng cả bọn không đứa nào chịu. Nó giận dữ ném hòn tràm của nó ra xa. Mồm ngoạc ra kể lể lỗi lầm của những đứa kia, trong những lần chơi trước đây. Nhưng cả bọn khăng khăng không chịu và đã như quên mất nó, cứ say sưa tiếp tục thi và bắt đầu chơi.
Con Hạnh tần ngần đứng bên cạnh, tiếc rẻ. Mặt nó đỏ bừng. Mồ hôi lấm tấm trên trán. Mấy phút trôi qua. Dường như nó đợi tụi kia thương hại, cho nó chơi lại. Nhưng chẳng đứa nào lý tới nó nữa và vì tự ái nó không mở miệng xin chơi tiếp.
Đợi chán, chân nó đã dợm bước đi mà mắt vẫn nhìn đám bạn. Tụi này miệng hò hét, mắt chăm chăm nhìn vào chân đứa đang chơi rình xem có dẫm lên vạch đỏ hay hòn tràm có nằm lên lằn ranh không. Chúng nó quên hẳn con Hạnh mất rồi. Con Hạnh từ từ quay đi, vừa tức tối, vừa buồn bã, vừa tiếc rẻ. Nó chợt nhớ miếng tràm.
Những ai trong đời niên thiếu, đã chơi lò cò, thì tất hiểu người chơi quí hòm tràm đến thế nào. Con Hạnh nhớ đến rồi cuống quít đi tìm miếng tràm nó đã vất xa trong cơn giận dữ. Nó lom khom, len lỏi trong đám học trò đang nô đùa, chạy qua chạy lại. Nó bị nhiều đứa la hét đuổi đi vì làm vướng chân trong lúc chúng đang chơi hăng say. Miếng tràm của con Hạnh làm bằng mảnh sành của cái chậu kiểng vỡ. Nó đã ghè tròn, nhẵn thín, trơn mịn, không dày lắm và chỉ to cỡ hơn 2cm đường kính. Con Hạnh tìm mãi không thấy. Nó bắt đầu cáu kỉnh, nạt lại mấy đứa xua duổi nó bắt tránh chỗ. Nó cũng tức mình vì nếu lỡ mất hòn này, nó lại phải mất công mài rũa hòn khác, mà chưa chắc đã ngon như hòn này, vừa nặng, vừa trơn, thẩy đâu nằm đó, xủi một cái, nó chạy lướt tới mấy ô. Cũng nhờ nó mà con Hạnh hay ăn mỗi khi chơi. Nó tiếc hùi hụi vì đã tìm khá lâu mà không thấy. Tính bỏ ý định đi tìm, thì nó chợt thấy con bé bỏ hàng hiên, bước xuống sân, cúi nhặt cái gì trong rãnh cạn ngay sát bờ hiên. Con Hạnh phóng như bay đến bên cạnh, chỉ kịp liếc vào tay con bé, nó đã nhìn ra hòn tràm của nó. Con bé chưa kịp mở miệng nói, con Hạnh đã nhảy bổ tới, giựt phắt miếng sành, hùng hổ:
- Của tao, bộ mày tính lấy hả?
Rồi như chợt nghĩ ra điều gì, nó nhìn sát vào mặt con bé rồi ngặt nghẽo:
- Bắc Kỳ ăn cá rô cây, Bắc Kỳ ăn cá rô cây!
Nó vừa la to vừa nhảy quanh con bé, xoè đủ mười ngón tay ra đưa lên gắn hai bên tai mà vẫy vẫy như hai cái tai voi. Cổ nó vươn dài, đưa ra đàng trước. Mồm nó tru lại, lưỡi thụt ra thụt vào, lùa nhanh trong mồm phát ra những âm thanh kỳ dị. Trông nó như du côn. Hai đứa con gái khác, chẳng hiểu ở đâu, tự nhiên cũng chạy lại về hùa với con Hạnh. Miệng và tay không ngớt trêu trọc con bé. Một đứa bắt trước con Hạnh phe phẩy hai bên tai, còn một đứa để năm ngón tay ở đầu mũi mà ngoáy ngoáy. Ba đứa cứ vừa nhảy nhót chung quanh con bé vừa cười ngặt nghẽo:
- Bắc Kỳ ăn cá rô cây, Bắc Kỳ ăn cá rô cây!
Chúng nó chỉ độ 10, 11 tuổi. Mới lên lớp đệ thất. Tựu trường đã được mấy tháng nên học trò cũ mới đã có thì giờ làm quen với nhau. Những đứa ngổ ngáo như con Hạnh đã có đủ thì giờ lập thành một nhóm cứng đầu, phá phách và hay trêu ghẹo người khác cũng như ăn hiếp những đứa nhút nhát.
Riêng con bé, ba ngày nay hãy còn đứng một mình dưới mái hiên, nhìn người ta chơi và nhìn nắng vàng trải khắp sân trường. Mới đây bà hiệu trưởng vừa đưa nó vào lớp của con Hạnh, giới thiệu là một người bạn đến đây từ phương xa, vì chẳng những nó từ trường khác đến đây, lẻ loi, mà còn từ phương khác đến, xa lắm, tận Hải Phòng, Bắc Việt.
Đầu năm 1955, ăn xong cái Tết cuối cùng. Tết gì mà buồn thiu, chỉ có pháo xì, pháo chuột của lũ trẻ con. Người lớn, người ở lại cũng như người ra đi, chẳng còn ai thiết tha đến ăn Tết và đốt pháo. Trẻ con không có lì xì cũng chán ngán, đành tự an ủi bằng vài cái pháo xì, pháo chuột vậy. Trái lại chợ trời đầy dẫy các vỉa hè. Người mua thì ít, người bán thì nhiều. Trong số người ở lại chưa chắc toàn thể đã ở lại vì muốn sống với chế độ mới. Họ Ở lại vì không đủ tiền ra đi, không có thân thích cùng đi cho an tâm, không dám mạo hiểm, dù chỉ là đi vào Nam, cũng là đất nước Việt Nam. Nhưng đối với một số người cũng đã cách trở quá. Có người không đi vì nghĩ chẳng lẽ đang tự nhiên bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ mộ phần ông bà cha mẹ mà đi? Có người nghĩ đơn sơ rằng có làm cái quái gì đâu mà sợ, chẳng chính chị chính em gì, lương thì quèn, ba cọc ba đồng, ai sao mình vậy, mà ai làm gì mình mới được chứ? Thế thì ở lại là phải. Lại có người ở lại vì tiếc của. Cơ sở làm ăn đang khấm khá, ruộng vườn bao năm do ông cha làm ra, chính tay mình vun bồi, gây dựng, chẳng lẽ bỏ? Có người ở lại vì tin ở cuộc bầu cử hai năm sau khi đình chiến. Lúc đó thì sẽ hai năm rõ mười. Thế thì cần gì phải đi đâu? Có người trái lại thấp thỏm, vui vẻ, ở lại. Hớn hở chờ đón bác Hồ và những gì bác hứa hẹn. Tây thực dân cút rồi, đất nước hòa bình mà chạy đi đâu nữa? Nhưng có người dứt khoát tư tưởng. Có « họ » sẽ không có tôi, cái thứ ma quỷ ấy thì chỉ nên tránh, chẳng nên dây vào. Không diệt được thì chỉ có « tẩu » là thượng sách.
Vì thế chợ trời đìu hiu. Thành thử giá cả rẻ mạt. Dẫu vậy cũng chỉ lác đác người mua. Thượng vàng hạ cám, từ tủ chè, sập gụ trạm trổ tinh vi những con dơi, những chùm nho, trông như thật, vài chỗ khảm xa cừ lấp lánh. Tất cả được khổ chủ đánh bóng lưỡng, sờ vào mặt gỗ đen nhánh, êm mịn và mát rượi. Cả đến câu đối, hoành phi sặc sỡ, thêu rồng, thêu phượng, rồi tủ giường, bàn ghế đủ kiểu. Đến cả những thứ linh tinh như bình phích nước, ấm giỏ, sách dầy cộm, nặng nề, tự điển, sách chữ hán, cho đến chổi cùn rế rách cũng được đem tuốt tuột ra vỉa hè. Bán được đồng nào hay đồng ấy, dằn túi vào Nam lập lại cuộc đời. Nhưng chỉ có rất ít người mua không đắn đo vì quá rẻ. Số còn lại chỉ đi xem. Có người nghĩ có thể đợi thêm ít hôm sẽ được cho không. Nhưng có lẽ tin đồn về sự san bằng giai cấp khiến đa số hoang mang và do dự không dám mua.
Con bé đi theo bố mẹ đi xem chợ trời. Bố mẹ nó chẳng vì ưa thích, vì vui thú mà đi xem. Nhưng vì muốn chứng kiến tận mắt, muốn sống những giây phút tự do cuối cùng trên mảnh đất của cha ông và của chính bản thân mình. Chứng kiến và sống những giẫy giụa cuối cùng, giây phút lâm chung của một nửa quê hương thương quý. Như chứng kiến sự tê liệt bán thân của người thân thích, sót sa mà không cách gì cứu vãn. Nhà nó đã cho hết một số đồ đạc cồng kềnh cho người thân ở lại. Một số đã gửi theo các chị nó cùng bà ngoại nó đi tầu há mồm vào Nam từ giữa năm 1954. Nó được bố mẹ giữ lại đi máy bay vào phút chót, tức là còn ăn xong cái Tết cuối cùng này, trước khi đất nước hoàn toàn chia đôi.
Mặc dù đã học dở dang đệ thất ở ngoài Bắc rồi, nhưng khi vào Nam, bố nó vẫn bắt nó học lại lớp đệ thất ở trường này. Nó chẳng hiểu tại sao, vì các chị nó không bị học lại như thế. Còn bé, nó chẳng thể có ý kiến gì.
Không phải tại nhút nhát mà mỗi buổi ra chơi con bé còn đứng dưới mái hiên từ ba ngày nay. Thực ra nó đã quen với những đổi thay suốt từ khi ra đời cho đến giờ phút này.
Tám năm trời con bé đã ròng rã theo chân bố mẹ chạy tản cư khắp Bắc Việt, trong chiến tranh Việt Pháp. Từ Hà Nội, phố Hàng Cau, chạy về quê nội ở Bạch Mai, rồi Phủ Lý, Nam Định, Thái Bình, cuối cùng chạy vào tận Thanh Hoá. Kể từ khi còn được bỏ ngồi trong cái thúng cho người ta gánh, chung quanh chèn nào chăn màn, tay nải quần áo, chui dưới cái chiếu bẻ khum che mưa nắng, đôi khi còn ngồi chung với đứa bé khác. Cho đến khi biết chạy bộ tấp tểnh, thất thểu trên những con đê cao và dài thăm thẳm, tay nắm chặt vạt áo của chị nó không dám rời. Hoặc trên những con đường ruộng nhỏ hẹp, trơn như mỡ vào những ngày mưa phùn dai dẳng trên đất Bắc. Sột soạt trong cái áo tơi mưa làm bằng lá gồi. Cái áo cứng ngắc, ngay đơ, không có tay, ở cổ có sợi dây dừa bện để buổc lại. Áo chùm cả người suốt từ cổ xuống đến bàn chân. Mu bàn chân rám nắng hằn rõ nét hai quai dép cao su to bản bắt chéo vào nhau.
Nó đã quen với cảnh đi học lớp vỡ lòng ở trường làng. Trong ngôi đình trống trơn, trơ nền đất nện mát lạnh. Bàn học là chiếc ghế gỗ xếp lại và cặp là túi vải bà ngoại nó may cho. Hàng ngày nó phải cắp hai thứ đó kèm thêm lọ mực tím móc ở ngón tay trỏ, đu đưa theo bước chân hai chị em nó đi đến ngôi đình này cách nhà nó cả bốn năm cây số đường ruộng. Lọ mực tím đôi khi nhạt mầu đã được chị em nó bóp nát mấy hạt mồng tơi bên hàng dậu, bỏ thêm vào cho đậm mầu hơn. Trong đình, trên đầu cột tròn mọt ruỗng, trước đây đã khá lâu có lẽ được sơn mầu đỏ, từng mảng mầu nâu gụ lẫn mầu đỏ long lở như đám ghẻ, có chỗ cột chưa rụng ra, nhưng y như bị rỗ hoa, đầy lỗ mọt. Mạng nhện giăng đầy chỉ rung rinh chứ không đứt, mỗi khi bom đạn nổ tơi bời vì máy bay Pháp thực dân nã xuống, cùng bụi cát ào ào đổ xuống từ mái đình dột nát.
Nó cũng đã quen với những lần lăn nhào xuống hố cá nhân hay hố tập thể để tránh bom đạn. Không kịp nhìn xem hố nông sâu, ngập nước, có rắn, có ếch nhái hay hố khô ráo, đất đỏ lấm bê bết, hoặc hố đã có người nhảy xuống trước. Hoặc có khi hoảng quá, không kịp nấp vào đâu, cứ việc sóng xoài ngay ra mặt đất. Nằm dán sát mình vào mặt đất mà run cầm cập, như con thằn lằn, răng cắn đứt môi chảy máu lúc nào không hay. Có người mắt nhắm nghiền, mồm lắp bắp niệm Phật, câu niệm đứt quãng vì thở hổn hển. Có người vừa run nhưng vẫn nghiêng mặt hé mắt nhìn lên trời xem có bao nhiêu chiếc máy bay đen ngòm đang chao liệng và khạc lửa hay thả những chùm bom. Vừa nhìn vừa hồi hộp đợi bom chạm đất, đợi tiếng nổ đinh tai nhức óc, long trời lở đất, mà cảm thấy mặt đất rung chuyển dưới lồng ngực mình đồng thời cũng hiểu rằng mình vừa thoát chết, rằng mình còn sống, còn nghe được tiếng bom nổ. Đợi khi máy bay đã lắng xa, tiếng bom đạn không còn ầm vang nữa, nó cũng như mọi người lại lóp ngóp chui lên khỏi chỗ nấp và sinh hoạt bình thường lại tái diễn.
Mặc dù chạy loạn, nhưng lúc nào bố mẹ con bé cũng lo lắng việc học của các con, nên đi đến đâu, cho dù chỉ ở vài tháng vì chiến tranh lại gần phải bỏ chạy, chị em nó vẫn được đi học. Nên nếu kể số bạn thì phải kể rất nhiều vì cứ thay đổi trường luôn, mỗi khi gia đình nó chạy quanh những làng mạc miền Bắc.
Một ngày nào đó, còn đang học lớp vỡ lòng ở trường làng, nghe nó hát leo lẻo như con vẹt bài Quốc Tế ca của người cộng sản, Bố mẹ nó hốt hoảng. Thế ra « họ »đã có mặt nơi hẻo lánh này. Một cuộc bàn tán âm thầm được bố mẹ nó quyết định. Thu vén cho nhanh, dắt gia đình vềâ tề. Đó là tên gọi những vùng đất không cộng sản.
Khi tám tuổi, nó tha thẩn đi nhặt sấu chín rụng quanh những gốc cây sấu sơn trắng ở phố Hàng Vôi, Hà Nội. Rồi ngơ ngác bước vào sân trường tiểu học của bà sơ ở Hà Nội. Chưa được bao lâu, đã thấy ghi tên vào một trường khác, cũng bà sơ, ở Hải Phòng. Sau đó, chưa xong niên khóa, thì nó lại đã đứng đây, gần giữa năm học ở Saigon. Cho nên con bé không nhút nhát vì lạ trường, xa bạn cũ. Nó cũng chẳng vội vàng bắt bạn cho bớt cô đơn hay bớt sợ bị bắt nạt. Nó để thì giờ nhìn ngắm, nhận diện, thu thập những hình ảnh mà trước đây cuộc sống bấp bênh, vội vã đến hốt hoảng không cho phép nó tận hưởng tất cả những rung động của một đứa bé khi cắp sách đến trường. Cho nên khi con Hạnh và hai đứa bạn nhảy nhót xung quanh mà trêu nó « Bắc Kỳ ăn cá rô cây », nó lấy làm lạ, vì chưa bao giờ nó chứng kiến trò chơi như thế, mặc dù nó hiểu tụi kia không chơi mà đang trêu trọc nó. Con bé tự hỏi thầm « ăn cá rô cây » là cái gì? Trong bụng nó bật cười vì mấy chữ lạ tai đó. Lòng nó cười nên nụ cười thoáng hiện trên khuôn mặt nó.
Ba đứa kia đang nhảy nhót, tự nhiên thấy con bé cười, thì hơi ngạc nhiên. Chúng do dự một giây rồi lại tiếp tục trêu, nhưng cường độ giảm hẳn.
- Cá rô cây là cái gì thế?
Con Hạnh và hai đứa bạn giật nẩy mình. Thôi nhảy nhót. Ngẩn mặt ra vì câu hỏi bất ngờ. Chúng tưởng con bé phải sợ, ai ngờ nó đã chẳng sợ, lại còn cười và rất bình tĩnh nói chuyện. Ba đứa ngưng nhảy, đứng thộn mặt ra. Con Hạnh ngập ngừng:
- Cá rô cây hả? Tao hổng biết, mày có biết hông?
Nó quay sang hỏi con bạn bên cạnh. Con nhỏ này nhún vai, lè lưỡi ra, rụt cổ lại. Con bạn thứ hai từ tốn hơn:
- Tao nghe thiên hạ trọc quê mấy đứa Bắc Kỳ...
Bất thình lình, nó ngừng bặt, mặt đỏ lên, mắt nhìn con bé, do dự vài giây, nhìn sang hai con bạn, rồi tự nhiên nó sửa lại:
- Mấy người...mấy người ở ngoải như dậy đó. Nghe nói ở ngoải người ta nghèo lắm, hổng có tiền ăn cá, nên làm con cá bằng cây, mỗi bữa ăn đem ra bày cho có dậy đó, giả bộ làm như ăn cá thiệt dậy đó.
Nó có vẻ mừng rỡ khi tìm ra được cách gọi hay ho hơn là gọi bằng...mấy đứa Bắc Kỳ.
- Làm bằng cây?
Con bé mở to mắt hỏi. Rõ ràng nó chẳng hiểu làm bằng gì. Cái cây to thế kiạ.. Dù âm thanh tiếng nói mấy đứa kia lạ tai, nhưng con bé vẫn hiểu câu chuyện, chỉ có chỗ làm bằng cây thì vẫn thấy hơi lạ.
- Ừa, làm bằng cây. Bộ mày hổng biết cái cây sao? Người ta cưa cái cây ra rồi làm thành con cá.
A, bây giờ thì con bé mới vỡ lẽ. Hoá ra con cá được đẽo bằng gỗ.
- Mày có biết chơi cò cò không?
Con Hạnh buột miệng hỏi.
- Có chứ, tụi mình chơi chung nhé.
Con bé mau mắn đề nghị. Hai chân nó quá thèm chạy nhảy rồi.
- Ừà, mà mày có tràm hông?
Con Hạnh vừa hỏi vừa đưa hòn gạch ra như sợ con bé lại không hiểu gì cả. Nó cũng thấy giọng của con bé hơi ngồ ngộ. Vẻ du côn lúc nãy biến mất. Bây giờ nó lại rất ôn nhu.
- Không, tao không có...tràm.
- Tao cho mày hòn tràm. Tao có một hòn cũng ngon lắm. Nhưng không phải hòn này. Hòn này tao quý lắm đó, mất nó là khổ tao lắm à.
Nó giơ hòn gạch ban nãy vừa giựt trên tay con bé. Con Hạnh nghiêng đầu nghiêng cổ nói với vẻ sung sướng lẫn hãnh diện rằng mình đang làm một việc tốt. Nó vạch cái túi vải nhỏ đeo ở cườm tay ra. Hóa ra đó là cái túi nó cất mấy hòn tràm của nó. Nó đổ ra đất. Con bé và hai đứa bạn ngồi thụp xuống xem. Tay nắm vạt áo dài dắt vào bụng cho khỏi lết đất. Có đứa thò tay lựa lựa. Con Hạnh ré lên, hất tay đứa đó ra:
- Hông, hổng cho mày, chỉ cho con nhỏ...Bắc Kỳ thôi. Nó chưa có, nó từ ngoải dô đây, đâu có cái gì đâu héng? Mà... mày tên gì? Tao tên Hạnh, con này tên Dung, con này tên Tiên. Mày hổng cho biết tên, tụi tao cứ gọi...con Bắc Kỳ ráng chịu à!
Nó ngước nhìn con bé ra chiều khuyến khích con bé đồng ý với nó. Giọng nó hoàn toàn dịu ngọt, dễ thương. Nó bốc nhanh hòn gạch đưa cho con bé rồi vội vàng thu vén những hòn còn lại vào túi vải, đeo vào cườm tay. Nó hăng hái lom khom vẽ bàn lò cò khác. Nàng cẩn thận đứng nép sau bụi cây ngoài hàng rào ngôi trường rõi nhìn con bé đang đứng tần ngần một mình giữa sân trường huyên náo. Đã ba ngày nay, con bé vẫn đứng chỗ đó, vẻ tần ngần, nhưng không sợ hãi. Hôm nay có ba đứa đang nhảy nhót xung quanh con bé. Sáu ngón tay trỏ dược đưa ngang đuôi mắt mà kéo đôi mắt cho dài ra và híp lại. Chúng reo hò như hát:
- Eh, la chinoi...se, eh, la chinoi...se!
Vừa nhảy nhót vừa kéo mắt cho giống người á đông. Lưỡi cũng thụt ra thụt vào phát ra những âm thanh kỳ dị để trêu con bé. Con bé vẫn bình tĩnh đứng đó. Hình như có thoáng nụ cười trên khuôn mặt da vàng trong sáng ấy.
Nàng chợt nhớ đến nụ cười của chính mình bao năm về trước. Đã tưởng cái cảnh đổi trường, đổi cả địa phương, nơi ở, chỉ có thế hệ nàng bị hệ lụy. Ai ngờ đâu, hôm nay, nàng đang chứng kiến, không đang sống lại hoàn cảnh cũ. Con bé, con gái nàng, có lẽ còn vất vả hơn nàng nhiều, vất vả trăm lần mới mong chinh phục được lũ bạn khác mầu da, khác tiếng nói, khác chủng tộc, khác cả phong tục tập quán.
Nhưng nụ cười vừa thoáng hiện trên khuôn mặt kia khiến nàng yêm tâm. Nàng quay đi, trong lòng vươn lên hằng hà mơ ước.

Hết


Xem Tiếp: ----