Đầu hắn tròn. Mặt hắn tròn. Núng nính như cái thủ lợn. Cũng may hắn có chút chiều cao nên dù có phốp pháp cũng không đến nỗi ung ủng tròn lăn.ưa nay trong ca dao, dân gian thường hát: Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon. Có lẽ cũng vì thế, do ảnh hưởng văn hóa cổ truyền, mỗi khi muốn nấu cháo lòng, các bà nội trợ thường cố chọn cho được bộ đồ lòng béo nây nây, trắng hồng, uốn khúc chặt chẽ, khít khao, và khúc cổ lọ chắc nịch. Nhìn thôi đã thấy vừa ròn vừa mềm, lại vừa thơm tho nữa. Bên xứ tây này, ở Paris, chỉ có chợ Tầu, quận 13 và chợ Belleville. Tìm được một bộ đồ lòng tốt thật hiếm có. Đa số cứ thưỡn ra, lỏng lẻo, teo nhách, lại có khi hơi xanh xanh. Trông đã thấy dai, tanh và đắng. Hết cả hấp dẫn. Lòng heo để nấu cháo thì cần con lợn thật mập. Nhưng còn ruột gan hắn có tốt như hình dong thừa thãi ấy hay không lại là chuyện khác hẳn. Hồi bà con ta còn lính mới tò te, chân ướt chân ráo tới xứ tự do này, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ai có lỡ miệng hỏi han tới hắn, thì làm cách gì hắn cũng xa gần cho biết hắn gốc gác họ « Đờ » từ bao nhiêu đời rồi. Cái tên cúng cơm của hắn ở Việt Nam xưa nay bà con biết, chỉ là tên dùng tạm thời trong xứ la....xa xôi ấy mà thôi. Nay về « cố quốc » thì cái tên ấy yêu cầu bà con...quên đi. Xin từ nay gọi hắn với cái tên...tây thật. Người đối diện nhìn hắn kín đáo, suốt từ đầu chí chân, cố tìm trên con người, trên khuôn mặt da vàng mũi tẹt ngắn ngủn, ninh ních ấy, một chút gì để gợ nhớ đến những tên họ « Đờ » phú lăng xa, nhưng thấy quả thật là khó. Khó hơn cả tìm bộ đồ lòng ngon ở chợ tầu, vì chẳng có một tí gì gọi là liên hệ, vương vấn, giông giống cả. Có người bạo phổi hỏi thẳng hắn có dính dấp giây mơ rễ má gì thì hắn...ngượng ngập trong một giây đồng hồ, sau đó hít một hơi dài trên cái tẩu thuốc gắn chếch trên mép, phà khói vào mặt ngưới đối diện, xốc lại cổ áo ba đờ suy cho có vẻ...Tây, tằng hắng xong, hắn cho biết là từ đời ông cố ông sơ gì đó có quan hàm với...mẫu quốc. Người đối diện vỡ lẽ, nhưng cứ nhìn cách ăn nói, cách cư xử của hắn, người nghe tự dưng muốn cười. Mà người muốn cười phải công nhận là người dễ tính. Nếu gặp người khó khăn, họ sẽ tìm cách kê tủ đứng mát mẻ về thái đô....tây vàng của hắn. Có người sau khi biết gốc tích của hắn, gặp hắn đâu đó, mà gọi hắn bằng cái tên tây thật « Đờ » ấy thì hắn lộ vẻ sung sướng lắm và người đó bảo đảm được hắn có cảm tình đặc biệt. Bất cứ ở đâu cũng thấy hắn. Bất cứ hội họp nào, hắn cũng le te, lảng vảng, có mặt. Kể từ một buổi văn nghệ bỏ túi đến ngày lễ tế Tổ Hùng Vương. Lúc nào cũng ra cái điều mình là nhân vật nòng cốt của cục diện. Hắn cứ tự nhiên như vào chỗ...đông người. Có nghĩa là, khổ chủ chẳng hề cầu cứu tới hắn, hắn cứ phe lờ, nhờ hay chẳng nhờ, hắn cứ vác cái thân hộ pháp tới, cũng chạy tới chạy lui, chỉ chỏ, ra lệnh cho vài chú thanh niên có thiện chí đến giúp mà không biết rõ hay chẳng cần biết rõ ai là trưởng ban tổ chức vì tuổi trẻ làm việc không vụ lợi. Nhưng tuyệt nhiên không thấy hắn trong những buổi họp chính trị, buổi biểu tình, đêm không ngủ, kịch liệt chống cộng của người Việt yêu tự do, đòi nhân quyền. Có người sốt ruột hỏi tại sao hắn có mặt gần như khắp nơi, nhưng lại không bao giờ thấy hắn đi biểu tình này nọ, thì hắn trang trọng và khiêm nhường bảo rằng hắn chỉ lo về văn hóa, chính trị có người khác lo. - Một mình làm sao ôm được hết. Hắn trả lời như vậy trong giọng cười hềnh hệch. Được cái chưa thấy ai than thở về hắn rõ rệt, một con người chẳng ai ưa, nhưng cũng chẳng ai ghét. Bà con Việt Nam mình vốn tính dễ dãi nên dù bực bội vẫn cứ để hắn can thiệp vào việc của mình một cách...không giấy phép. Thời gian trôi nhanh như vó câu qua cửa sổ. Chẳng mấy chốc đã xa xứ hơn 20 năm trời kể từ năm 1975. Những lính mới ngày xưa đa số đã trở thành....Tây giấy. Có người thực tế lấy tên tây cho mình hay cho con cái để dễ giao thiệp hàng ngày. Điều đó có phần có lý. Có người cẩn thận hơn, áp dụng đúng câu « nhập gia tùy tục », nhất là các bà các cô, nên mỗi khi gặp nhau trong nhà hay ngoài phố đều chìa má hôn hít thắm thiết và xổ tiếng phá lăng xa loạn xạ. Cái màn hôn má này cũng được các đấng mày râu áp dụng một cách hăng hái. Tuy nhiên họ cũng...khôn lắm. Biết lựa người mà hôn. Họ biết bà nào khoái ôm hôn và bà nào nhăn mũi tránh xa. Vì thế không phải muốn...gỡ gạc ai cũng được mà lại không bị...xỉ vả oan. Cuối thế kỷ XX có sự kiện lịch sử lớn. Đó là sự tan rã của khối cộng sản Âu Châu nói chung, Sô Viết nói riêng và sự cúp viện trợ của Sô Viết cho cộng sản Việt Nam, nói riêng nữa. Cùng trong thời gian Việt cộng gặp khó khăn chính trị và kinh tế ấy thì có phong trào người Việt ở hải ngoại về thăm quê hương. Những người ngày hôm trước còn ôm hôn nhau ở...chợ tầu Paris, ngày hôm sau lại gặp nhau trên vỉa hè...Saigon. Vì đã bỏ nước ra đi, khi trở về, họ mang ảo tưởng về thăm Saigon, chứ không phải thăm thành Hồ. Trong lòng họ Saigon vẫn là Saigon. Huyễn mộng đã khiến họ quên mất rằng trên thực tế Saigon đã bị đổi tên. Dù về nước chơi, trong những câu nói, cũng may không ai còn dùng đến tên của cái xác ướp kia nữa. Trong lúc một số người Việt Nam trở thành...Tây Đầm trong cách sống và một số trở thành...Việt kiều yêu nước về thăm quê hương,...vô tình trở thành cứu tinh, trong sự mừng rơn của Việt cộng trong cơn túng quẫn, thì hắn cũng...thay đổi. Phải thành thật nói ngay rằng dù Việt cộng mừng hết lớn vì được ngoại tệ, nhưng một mặt vẫn « chết giun chết dế » vì lo sợ những người về nước đem cái gu yêu tự do, yêu nhân bản, về thôi vào tâm hồn những kẻ thiếu thốn các món ấy trong cái nước Cộng Hoà xã Hội Chủ Nghĩa và...vô tình lột mặt nạ cái nhà cầm quyền Xạo hết Chỗ Nói ấy. Hắn ráo riết có mặt ở các buổi họp có tính cách văn hoá hơn. Chú trọng khuyến khích mầm non văn nghệ Việt Nam hơn. Văn nghệ tình tự dân tộc, nhưng tha thiết tự do, hạnh phúc thật sự, tha thiết một quê hương không bóng dáng cộng sản. hắn rưng rưng xúc động mỗi lần được đứng nghiêm chỉnh, kính cẩn, chào quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ và hãnh diện hát vang bài quốc ca cùng mọi người trong phòng họp. Gặp hắn. Người quen miệng gọi hắn bằng cái tên phú lăng xa, thì hắn nghiêm mặt, trịnh trọng chỉnh nhẹ thiên hạ rằng phải biết nhớ nguồn, nhớ gốc của mình, rằng mình là người Việt Nam, da vàng mũi tẹt, cho dù cái tên cha mẹ đặt cho có xấu cách mấy chăng nữa cũng cứ nên dùng. Thế là hắn lại đào cái tên cúng cơm Mít Đặc đã chôn sâu đâu đó từ cả chục năm nay ra xài lại trước sự chưng hửng và sững sờ của người đối diện. Nhân khi cả thế giới kêu gọi bỏ hoặc bớt hút thuốc lá, thì hắn cũng vứt bỏ cái ống tẩu đi luôn. Trong câu chuyện, không thấy hắn phà khói rồi nhún vai kiểu tây nữa. Cách xưng hô « toa, moi » cũng không còn. Trái lại hắn cho người đối diện biết là không những tiếng mẹ đẻ, tức tiếng Việt Nam, có một kho mà còn có một bụng chữ...nho nữa. Nếu người kia mở mắt thao láo nhìn hắn ngạc nhiên, thì hắn rút liền trong túi áo vét ra một tờ giấy vẽ ngoằn ngoèo mấy hàng chữ nho và những vần thơ cổ. Thế rồi chẳng cần người đối diện yêu cầu, hắn rung người ngâm liền vài câu. Cái thủ lợn gật gù ra vẻ hiểu biết sâu sắc lắm. Những năm xưa, mọi người còn nhớ, hắn như một ông...tây vàng, trong lúc mọi người còn là « mít » một trăm phần trăm. Nay ngược lại, thì thiên hạ thành...tây, thành...đầm hết cả, thì chỉ hắn đơn độc trở về nguồn. Rất có thể hắn học nhiều hiểu rộng thật. Một bà có tuổi đứng gần đó nghe hắn ngâm thơ sang sảng, lại nghe hắn khoe vừa đi làm vừa đi học, bà càng bội phục người có chí lớn. Tò mò bà hỏi làm quen: - Gớm ông giỏi quá nhỉ, lại chịu khó thế nữa. Thế ông học môn gì đấy ạ? - Tôi học...cao học. Bà có tuổi định hỏi gì thêm, nhưng trù trừ giây lát rồi thôi. Mặt có vẻ bần thần. Bà quay đi, vừa đi vừa suy nghĩ. Chắc đó là môn học mới. Ở cái xứ văn minh này, cái gì cũng khác lạ. Xưa nay người ta học y khoa, nha khoa, dược khoa, luật khoa, kế toán, thiết kế, kỹ sư, giáo sư, kiến trúc sư, rồi điện toán là môn bà mới nghe nói khoảng hơn chục năm nay v.v...Mấy môn đó bà nghe nói tới thường, nhưng riêng môn...cao học, thì chưa nghe qua bao giờ. Bà nghĩ thầm rõ ràng đó là cấp bực của các môn học thì đúng hơn, như cấp tiểu học, cấp trung học đệ nhất, đệ nhị, tú tài, cử nhân v.v...Bà định bụng về nhà sẽ hỏi chồng môn cao học là môn học gì. Bà không dám hỏi thẳng hắn, sợ hắn chê bà quê mùa. Tóm lại, hắn là thế đó. Đặc biệt như vậy. Nhìn hắn núng nính như con lợn thì chẳng hiểu có nên bắt hình dong hay không và việc nhìn bề ngoài của người có thể biết bên trong tâm óc người ấy, đúng hay sai, quả thật khó nói.
Hết