Phiên tòa sáng nay xử hai vụ nên trong hành lang và sảnh đường khá đông người. Tuy đông nhưng hầu như ai cũng cố nói khẽ nên chỉ nghe tiếng động trầm trầm, rù rì mà thôi. Không khí tòa án căng thẳng. Hai bên cửa vào phòng xử, hai cảnh sát Mỹ cao to, vạm vỡ đứng ngay đơ như hai pho tượng, cây súng dài chống xuống đất được giữ ngay ngắn trong bàn tay phốp pháp.
Mọi người không ai dám đứng gần hai ông hộ pháp đó. Nhất là đám á đông. Họ túm tụm với nhau ở một góc hành lang có cửa sổ nhìn ra vườn cỏ cắt thật ngắn, gọn gàng, thẳng góc cạnh, có trồng mấy cây cọ vươn cao, đâm lá cứng tua tủa. Dân á đông xưa nay đi tới đâu là ồn ào tới đó mà ở đây hôm nay, người nào người nấy chẳng ai bảo ai, chỉ dám thì thào.
Vốn dĩ nhỏ người, đám á đông đứng với nhau trông như đàn kiến nhỏ bên cạnh những người khổng lồ đi qua đi lại trong sảnh đường rộng có trần nhà cao vút đưa đến nhiều phòng làm việc khác. Nhóm thứ hai là người Mễ. Trông bề ngoài có vẻ dân tứ chiếng. Nước da ngăm đen, mai mái. Tóc đen bóng như lông quạ, quăn và dài. Có người buộc túm thành đuôi sau ót dù là đàn ông. Có người dù trời nóng, cũng diện quần da bóng loáng, đi giầy mũi nhọn, có đế cao. Vụ xử người Mễ đến sau vụ xử người á đông, nhưng có lẽ vì cẩn thận hay vì nóng máu, sốt ruột, họ cũng có mặt. Đám này trông vẻ hung hăng. Nói năng vung tay loạn xạ, hùng hổ đi qua đi lại, bước chân kêu lộp cộp trên sàn gạch carô đen trắng bóng loáng. Tuy thế họ cũng không dám lớn tiếng.
Cửa phòng xử chợt mở rộng. Một ông mặc quần áo dân sự và một cảnh sát đi ra. Ông mặc dân sự tiến đến hai nhóm người nói vài câu, rồi thấy mọi người lục tục kéo nhau vào. Phía á đông cũng có đến hơn mười người. Già trẻ, lớn bé đủ cả. Một bà cụ lom khom, chống cây gậy, quần đen áo bà ba, cũng đi lẫn trong đám, có người thanh niên dắt đỡ một bên. Người cảnh sát khi nãy đi sau cùng, đóng cửa lại sau lưng ông ta rồi đứng ngay đó. Bà con nhút nhát ngồi gần vào nhau ở những hàng ghế cuối cùng. Nhưng ông dân sự ra mời lên ngồi vào mấy dẫy ghế hàng đầu. Lại lúc thúc kéo nhau lên sát đằng sau bàn luật sư có lan can gỗ ngăn chia ranh giới. Lúc đó nhóm á đông mới tự động tách ra hai phe đối nghịch. An vị xong, mọi người lại nín thở chờ đợi.
Tuyết được chỉ định ngồi ngay ghế bên cạnh ông biện lý vì Tuyết là nạn nhân và là người đưa đơn kiện. Phía bàn bị cáo chỉ mới có bà luật sư.
Nghe tiếng động lịch kịch phía cửa hông đối diện cử tọa, mọi ngưới nhìn hướng đó. Bồi thẩm đoàn lần lượt kéo vào, ngồi trên bục cao có ngăn riêng. Mười hai người nhiều chủng tộc khác nhau. Chỉ có một người gốc da vàng, nhưng hình như người Đại Hàn. Ít phút sau nữa, cửa cuối phòng xịch mở, bà con ngoái đầu lại. Giữa hai người cảnh sát lực lưỡng, Tiùến bước vào. Hai tay bị còng thòng phía trước bụng. Dù đã mặc bộ đồ âu phục tạm tươm tất vẫn không dấu vẻ mặt hốc hác, xương xẩu, hai mắt chõm sâu, thâm quầng. Anh siêu vẹo đi giữa hai hàng ghế đến bàn nữ luật sư. Một cảnh sát mở còng khóa tay cho anh, chỉ anh ngồi xuống ghế, rồi họ ngồi xuống hai bên.
Có tiếng thút thít rất nhẹ và tiếng khịt mủi trong cử tọa phía sau lưng Tiến. Nhìn lên bục bồi thẩm đoàn, rồi nhìn bàn quan toà còn trống, Tiến hơi xoay người liếc nhìn qua bàn bên kia. Anh thấy Tuyềt ngồi ngó đi chỗ khác. Nhưng hai đứa con anh đang chăm chăm nhìn anh. Tiến vội vàng nhìn xuống chân, lòng anh tan nát. Tiện đà, Tiến xoay hẳn người ra đằng sau. Mắt anh chợt sáng lên rồi đỏ hoe lập tức. Anh vội quay ngoắt đi, ngồi ngay người lại, mắt nhìn thẳng lên phía quan toà. Anh đau đớn thấy em trai ngồi cạnh mẹ anh. Bà cụ đang chậm nước mắt. Tiếng thút thít khi nãy chắc chắn là do bà.
Lại có tiếng mở cửa rồi tiếng hô dõng dạc báo hiệu phiên toà khai mạc. Cử tọa đứng lên ngồi xuống đồng loạt sau khi quan tòa an vị.
Đây là phiên tòa chót, sẽ tuyên án, nên không còn chuyện tranh biện, buộc tôi và chống đối giữa đôi bên.
Tiến bị đưa ra tòa vì tội cố sát vợ và bạn. Tuyết bị thương ở bả vai. Sau hơn một tháng điều trị đã lành nên đi dự đủ các phiên tòa, kéo dài hơn bảy tháng rồi. Người bạn trai bị thương nặng hơn nhiều, lủng phổi, lủng ruột, gẫy chân, còn phải điều trị nên vắng mặt.
Tiến là cảnh sát đô thành Saigon. Cấp bực không ghê gớm gì nhưng anh rất khoái bộ đồng phục, chiếc dùi cui và cây súng dắt bên hông. Cảnh phục cho anh vẻ oai phong của các đấng mày râu anh vẫn thấy trong các phim cao bồi xứ Mỹ, cưỡi ngựa, bắn súng đùng đùng. Anh thì không có ngựa, nhưng có chiếc Honda đàn ông màu đen, anh coi như con tuấn mã trong phim vậy. Cũng như các vai chính, anh bênh vực kẻ yếu và hù dọa trừng trị đám ăn cướp, ăn cắp, lâu la làm càn, làm khó dễ bà con trong đô thành. Yêu nghề nghiệp, anh phục vụ cơ quan an ninh thành phố Saigon rất đắc lực.
Tuyết vợ anh làm trong PX của Mỹ, nên nhà anh có đầy đủ mọi thứ. Đồ ăn, đồ dùng cần thiết. Đôi lúc thừa thãi, đem cho bớt bà con lối xóm, không kể đã đem bán chợ đen. Thành thử quỹ gia đình có đồng ra đồng vào. Tuyết lúc nào cũng láng coóng, tóc tai ra hiệu chải bới, uốn gội đàng hoàng. Móng tay móng chân để dài, sơn đỏ, trông như hai bàn tay mẫu bằng thạch cao nặn, bày trong tủ kiếng mấy tiệm bán vàng bạc ở Saigon. Quần áo thì khỏi nói. Lúc nào cũng theo mốt theo thời. Thêm vào vóc dáng óng ả, Tuyết lại sáng dạ. Chỉ theo học một khóa anh văn ở Hội Việt Mỹ vào buổi tối, Tuyết đã đối đáp trôi chảy với mấy lính Mỹ coi kho PX.
Đôi khi tiện giờ, Tiến chở vợ đi làm. Thả vợ xuống tận cổng cơ quan, Tiến hãnh diện thấy vợ xí xa xí xô với mấy đồng sự khác chủng tộc. Cũng có khi anh thấy ghen tuông chút đỉnh khi thấy họ Ôm vai, vỗ lưng vợ anh. Nhưng Tuyết xì nẹc chê anh quê mùa, không biết cử chỉ đó chỉ là xã giao của người ngoại quốc. Sau nhiều lần để ý, anh thấy quả thật người xứ đó họ cư xử như vậy với bất cứ ai quen biết, bạn bè, chứ không phải sàm sỡ riêng vợ anh. Và anh thấy thật tình anh quê mùa quá. Tính ghen bậy bớt đi rất nhiều thì sự tin tưởng ở lòng dạ Tuyết tăng lên bấy nhiêu.
Bao nhiêu năm lính Mỹ có mặt ở Việt Nam, bấy nhiêu năm gia đình anh sung túc, hạnh phúc tràn trề. Hai đứa con lần lượt ra đời, tăng thêm hạnh phúc sẵn có. Tiến rất mãn nguyện.
Khi quân đội Mỹ ào ạt rút lui thì các cơ quan Mỹ ở Việt Nam đồng loạt đóng cửa. Tuyết ngày đêm rủa xả và kêu than xui xẻo. Tuy nhiên tình trạng gia đình chưa đến nỗi nào. Với vốn liếng khá, Tuyết khôn ngoan, khéo léo, kịp thời xoay sang mở sạp bán linh tinh ở chợ Kim Biên. Tuy không ăn ngon như bằng làm cho PX, nhưng vẫn có tiền. Tiến phục vợ sát đất. Người đâu mà giỏi thế. Xoay sở nhanh như chớp. Vừa bị mất việc ở PX, đã tìm ngay ra kế sinh nhai khác. Trông ăn diện vậy chớ té ra cũng biết để dành, bằng không lấy đâu ra tiền sang sạp chợ? Lại chịu thương chịu khó thức khuya dậy sớm. Anh quả là có phúc lớn mới lấy được. Nhưng điều này anh giữ kín trong tâm thôi, hé môi ra nó sẽ làm tàng ngay. Tiến tự nhủ như vậy. Anh thấy yêu vợ tha thiết. Làm ăn được gần hai năm thì bắt đầu ế ẩm. Chiến tranh leo thang. Người ta lo thủ, không ăn tiêu dễ dàng như xưa. Hàng ế, Tuyết kiếm thêm bằng cách buôn đô la. Nhưng cũng không ăn thua. Gặp tiền giả cũng ớn lắm. Buôn bán chẳng còn lời bao nhiêu. Phần Tiến bù đầu vì công việc lo giữ an ninh thành phố. Du côn, du đãng, gặp thời thế hỗn mang, làm càn nhiều hơn. Ngoài ra còn phải cảnh giác cao độ, vì Việt Cộng cho đặc công trà trộn trong dân chúng, gây rối loạn trong đô thành. Mức sống trong gia đình sụt xuống nhanh chóng. Hai vợ chồng đấu khẩu gần như cơm bữa. Mới đầu còn nho nhỏ. Trẻ con chưa hay biết. Sau thì chẳng ai giữ mồm giữ miệng nữa, mạnh ai nấy gào. Hai đứa bé sợ quá, rúm vào trong xó nhà mỗi khi cha mẹ thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chẳng ai nhường nhịn ai, chẳng ai thua kém ai. Tiến đau nhất là những lúc Tuyết lên mặt kể lể công lao mình xây dựng nên sự nghiệp. Những lúc đó Tiến chỉ muốn nổi điên lên mà vặn cổ con vợ già mồm. Ý nghĩ mình là người có phúc lớn mấy năm trước hoàn toàn biến mất trong đầu Tiến. Bây giờ anh chỉ thấy bị nhục mạ, coi thường, coi rẻ. Tính cả ghen đột nhiên trở về. Anh chợt nghĩ có khi vợ anh có tình ý với thằng bạn Mỹ nào rồi cứ vịn cớ đó là cách giao thiệp tự nhiên của người ngoại quốc. Bạn bè gì mà hôn má, ôm lưng? Mới tới cửa hãng đã « hai » với « ba ». Ra về không khi nào quên hô « bai » rồi vẫy tay rối rít. Tuyết thì cứ cười tít mắt. Mới tụt xuống khỏi xe chồng là chạy tế vào sở. Điệu này chắc trước đây con vợ có cho mình mọc sừng mà mình không hay? Nó còn chê mình quê mùa nữa. Càng suy nghĩ càng ức lòng, càng tiếc khi xưa không biết vì tin tưởng quá, nếu không đã bắn bỏ cả hai đứa cho rảnh mắt. Đôi khi Tiến lén lút ngắm hai đứa con, cố tìm một nét gì khả dĩ có thể nghi nghờ có chút máu lai nào chăng. Nhưng ngắm mãi vẫn chỉ thấy đứa con trai giống hệt mình và đứa con gái y khuôn mẹ nó. Ấy vậy mà óc tưởng tượng của Tiến vẫn hoạt động và lòng ghen hờn càng như lửa cháy. Tuyết thấy Tiến quá vô lý đến lố bịch khi ghen với chuyện không có, hơn nữa chuyện không có này lại thuộc về quá khứ. Hồi đó không ghen, bây giờ trở chứng. Tuyết thấy mình chẳng có gì đáng trách về mặt tình cảm đó. Vì quả thật Tuyết chẳng mê ai. Bản tính hay trưng diện khi có phương tiện, hay cười đùa, có khi cợt nhả thật, nhưng đi đến ngoại tình thì Tuyết chẳng bao giờ nghĩ đến. Ở môi trường nào Tuyết cũng sống được nhờ tính dễ dãi, bất cần, dễ hội nhập, dễ hòa mình, nhưng không vì thế mà Tuyềt trở thành hư đốn như Tiến lên án từ ngày gặp khó khăn trong cuộc sồng đến nay. Cô thầm nghĩ « Trời ơi là trời! Đói gần chết, không lo kiếm tiền nuôi con, còn bày đặt ghen với tuông, thật là lãng xẹc! ». Cũng vì thấy vô lý quá nên cô nhất định không nhượng bộ mỗi khi cãi nhau.
Lúc đầu chỉ đánh nhau cãi nhau vì không quen sống thiếu hụt và cho rằng bị coi thường. Riết rồi Tiến xoay chiều thành ra vì ghen tuông. Điều đó làm Tuyết tức muốn điên luôn. Chán rồi cô chẳng buồn cãi cọ. Mỗi khi Tiến bắt đấu nổi cơn, cô dắt con chuồn sang hàng xóm, không để cho Tiến đánh mình nữa. Nhưng khuya về, nếu Tiến chưa chịu nguôi, lại giở thói vũ phu, thì Tuyết nhất định ăn thua đủ, không chịu thua. Hai đứa nhỏ lại nấp trong xó nhà hay trở sang hàng xóm.
Tuy cãi nhau, đánh nhau với chồng, nhưng Tuyết rất cưng con, không bao giờ để chúng thiếu thứ gì. Lúc nào hai đứa bé cũng tươm tất dù nhà thiếu hụt. Tuyết có thể bỏ trưng diện, bỏ thói đi tiệm uốn tóc, bỏ sơn móng tay, bỏ quần áo mốt, nhưng Tuyết không bao giờ để các con thiếu thốn.
Chợ Kim Biên hôm nay vắng teo vắng ngắt một cách khác thường. Khách không có một người. Chỉ có mấy dẫy quán. Số lớn đóng cửa. Vài quán cố mở bán. Buồn bã, bạn hàng túm tụm kẻ đánh tứ sắc, kẻ coi bài đoán quẻ. Cũng còn kẻ còn chìa chân ra sơn móng chân. Cả khu chợ đìu hiu. Tuyết ngồi ngáp vặt. Xương sống mỏi nhừ vì cứ ngồi suốt ngày, không hoạt động. Cô thượng hai cẳng chân lên cao, gác vào cột quán. Tay bóp bóp bụng chân, vuốt ngược lên đầu gối. Người ta chạy giặc từ miền Trung vào đông như kiến. Cô thấy trong hình trang nhất tờ báo của ông bạn hàng bên cạnh.
- Bộ Ở ngoài đó đánh lớn lắm hả, anh Tư?
- Còn phải hỏi, thiên hạ chạy rần rần đây nè.
Ông bạn hàng tên Tư, vỗ vào tờ báo.
- Nè thấy người ta tràn lan dữ chưa? Chết quá xá. Hổng chết bom đạn cũng chết chìm. Bây nhiêu người đeo lấy mấy chiếc tầu buôn, không chìm thì có phép lạ.
- Anh Tư thấy tình hình có sao không anh? Cái mửng bán hàng này, chắc tụi mình chết trước ai hết.
- Ơ chắc ngày mai tui cũng đóng mẹ nó cho rồi. Ngồi cả ngày không có một cắc bạc. Em có bán được đồng nào không?
- Có khỉ khô, ngày mai anh đóng cửa hả? Chết em rồi, hổng lẽ em mở một mình? Còn có mấy nghoe đây, anh mà đóng thì tiêu hết.
- Vậy chớ mở, bán cho ai? Nghỉ vài ngày coi sao, sau rồi tính.
- Chà, vậy chắc em cũng theo anh Tư quá.
- Nghe đâu Việt cộng đang đánh ở Thủ Đức, Biên Hoà gì rồi. Chiều qua có hai máy bay thả bom dinh Độc lập, nhưng ông tổng thống đi mất mẹ nó rồi, em không nghe sao?
- Ủa, ai mà thả bom? Bộ Việt cộng hả anh Tư? Em nghe bom thả nhưng có biết ai thả ai. Cha, cái điệu này...
Tuyết mệt và lo muốn chết. Ngồi hoài mà không có đồng nào vào. Ai đánh ai cô chẳng cần biết, chỉ cần có người mua hàng mà thôi. Ngày hôm nay, coi như thất bại hoàn toàn. Vì còn phải chi tiền xăng cho chiếc Honda để chạy về nhà nữa chớ. Gần 7 giờ, sắp đến giờ đóng cửa rồi. Qúa 7 giờ, mọi người lục đục đóng cửa quán. Khoá kỹ càng bằng sợi xích lớn rồi kéo then sắt ngang. Khóa thêm lần nữa. Tuyết ngao ngáo lên xe ra về.
- Em về nghe anh Tư. Ngày mai anh không mở thiệt hả? Chà, em không biết tính sao đây. Hổng mở, chắc chắn hổng có gì ăn rồi đó. Kẹt quá! Em nhịn miệng được chớ con em làm sao đây? Tội ghê đi! Đánh nhau chi vậy, làm khổ bà con chớ được cái gì. Ba cái thằng Việt cộng ác ôn...
Trời tháng tư nóng điên người. Chạy xe mà vẫn nóng. Về nhà đã xẩm tối. Hai đứa con lóng nhóng trước cửa đợi mẹ.
- Ba đâu? Mấy con ăn chưa? Sao không ở trong nhà bật đèn lên, để nhà tối thui vậy con?
- Ba chưa về. Tụi con đói quá à. Hết đồ rồi. má có mua gì ăn hông má?
Tiến vắng nhà. Tuyết thở phào. Đỡ cãi nhau, đánh nhau. Tuyết dịu dàng nói:
- Má mệt gần chết đây. Ôi tội chưa, chờ má chút xíu, má lo cho mấy con ăn liền nghe!
Hai đứa bé lẽo đẽo theo mẹ vào nhà. Cơm nước chu đáo cho hai con xong, cho con đi ngủ, Tuyết mới lo tới mình. Không hiểu sao cái lưng hôm nay đau nhức quá trời, mỏi nhừ nơi thắt lưng. Tuyết lấy miếng Salonpas dán vào rồi lấy dầu cù là thoa hai thái dương. Nhức đầu nữa. Mệt quá. Nằm trằn trọc hoài, khá lâu mà chưa ngủ được. « Ông Tiến đi đâu mất tiêu, không thấy về.» Tuyết thầm nghĩ. « Lúc rày hay bị trực, đánh nhau rát quá mà... ». Đánh nhau, cãi nhau vậy chứ mà Tuyết vẫn yêu chồng. Nhiều đêm Tiến bị trực, Tuyết cũng thấy thương chồng lúc sau này cực nhọc hơn xưa. « Nhưng ai mà không khổ hơn xưa, Việt cộng đánh dữ quá mà... » Cô lại thầm nghĩ. « Nhưng mà thật là xì nẹc, thật là khùng, bầy đặt ghen với tương. Chết đói tới nơi còn bầy chuyện. Bộ hết chuyện lọ.. »
Người ta ồn ào ngoài phố. Tiếng xe cộ và tiếng người ầm ầm như ngày hội. Tuyết bực mình vì ồn quá không ngủ được, phần thì nóng. Nàng mò dậy mở cửa sổ ra xem.
- Ủa lạ, người ta đi đâu mà nhiều thế?
Mặc dù có lệnh giới nghiêm, ngoài đường thiên hạ vẫn kéo nhau chạy ào ào. Kẻ chạy bộ, kẻ đi xe đủ loại. Nào ôm, nào vác, nào đội, đủ mọi thứ, túi xách, va li, đồ đạc cũng có. Dân cũng có mà nhà binh cũng có. Tuyết hết hồn khi thấy hàng xóm mình cũng có nhà đóng cửa bỏ chạy. Con cái lốc thốc chạy theo người lớn, kêu réo om xòm.
- Chết cha rồi, chạy giặc. Thánh thần thiên địa ơi! Làm sao bây giờ? Ông Tiế-n đâu rồi?
Vội vã đóng cửa sổ lại, Tuyết hoảng hốt quay vào khua hai con dậy.
- Dậy mau, giặc tới.
Thằng nhỏ thèm ngủ, người cứ mềm rũ ra. Tuyết lắc mạnh. Nó chỉ ú ớ, nhướng đôi mắt lên, rồi lăn ra ngủ tiếp. Con chị hoảng hốt lồm cồm bò dậy. Dụi mắt, chẳng hiêûu chuyện gì.
- Cái gì vậy mẹ?
- Lẹ đi, lẹ đi. Qươ đại quần áo bỏ vào đây đi con, lẹ lên.
- Quần áo nào mẹ?
- Trời ơi, quần áo chớ còn quần áo nào.
Tuyết quýnh quáng. Tuy nói thế mà chính cô cũng không biết quần áo ở đâu mà quơ. Con bé còn ngái ngủ, chẳng thấy cái xách tay Tuyết quăng cho nó, cứ chạy quanh. Tuyết hét lên:
- Bỏ vào đây.
Nàng lại quăng thêm cho nó cái giỏ nylon đan mầu hồng. Phần cô miệng hét tay quơ lung tung. Cô vớ tấm drap buộc túm bốn đầu rồi vơ được cái gì cũng nhét vào đấy. Cô tiếp:
- Kêu em dậy đi con. Trời ơi là trời, giặc tới rồi còn ngủ.
Giặc đâu cô không thấy, nhưng thấy người ta chạy quá xá, nên cô phát hoảng. Vai khoác gói quần áo bọc trong khăn trải giường, một tay dắt con chị mếu máo, một tay bế xốc thằng con trai vẫn ngủ mềm rũ người, cô quýnh quáng chạy quanh. Con bé chạy theo mẹ, tìm chìa khoá xe Honda.
- Trời ơi là trời! Chìa khóa xe đâu rồi, có thấy không con?
Con bé bị lôi xềnh xệch. Nó vẫn nắm chặt cái giỏ nylon mầu hồng vẫn xài đi chợ. Quần áo loi thoi nhét vội lòi ra cả mép giỏ. Tìm được chìa khoá rồi. Tuyết vội nhét thằng nhỏ ngồi vào chiếc ghế nhỏ gắn ở sau ghi đông. Thằng bé ngồi gật gù nửa thức nửa ngủ, người nghiêng hẳn sang một bên, đầu nghẻo vào vai. Hối con gái trèo lên yên sau, cô rú ga phóng xe đi. Con bé ôm chặt bụng mẹ, mặt áp sát vào lưng mẹ. Một tay nó thõng xuống vẫn không rời cái giỏ mầu hồng. Hoang mang chẳng biết đi đâu. Cứ thấy đông người ta chạy hướng nào, cô đi theo hướng đó. Nhà cô chỉ cách đường lớn Hàng Xanh độ 50 thước. Khi ra tới đường lớn, cô càng hết hồn. Người ta chạy loạn đông như kiến. Thiên hạ mặt mũi thất thần, chạy ngược chạy xuôi, nhốn nháo. Trời tối mò. Đèn đường không đủ sáng. Đèn xe hơi, xe đủ loại loang loáng, càng gây thêm vẻ kinh hoàng. Theo dòng người như thác lũ, cô chạy xe về phía Khánh Hội. Rồi cũng theo dòng người, không kịp suy nghĩ, không kịp nuối tiếc chiếc xe Honda, cô bỏ xe lại bến tầu tối om, xốc nách con gái, ôm con trai, chạy bộ trối chết. Bom đạn bay veo véo, tiếng xe gầm rú, tiếng trực thăng xành xạch ngay trên đầu. Ba bốn lần ba mẹ con ngã dúi xuống đất. Nhưng chẳng hiểu sức mạnh nào, đến từ đâu, cô lại lồm cồm trỗi dậy, tiếp tục dắt con chạy thục mạng. Có chiếc tầu rất lớn ngay bến tầu. Người ta ùn ùn leo lên. Tuyết cũng kéo con leo lên. Cô thoi, cô đạp, cố chen lấn để leo lên chiếc tầu to tướng sắp rời bến. Khi Tuyết tìm được chỗ ngồi trên sàn tầu, thì ba mẹ con mệt lả. Cô ngồi sệp xuống sàn, hai đứa nhỏ ghếch đầu lên đùi mẹ ngủ vùi, xoảy chân xoảy tay. Tuyết mệt tưởng muốn đứt hơi. Đạn bắn tơi bời, trên bờ vài nơi lửa cháy. Miểng gạch văng tứ tung. Có những lằn đạn tưởng như sẽ trúng tầu. Mọi người ngửng đầu nhìn theo vệt sáng mà run. Chỉ sợ nó rơi trúng ngay mình. Dân chúng trên tầu nhốn nháo trong bóng đêm đầy lửa đạn. Thế rồi Tuyết lả đi trong nhịp rung của con tầu lướt sóng, trong tiếng nổ ầm ầm của súng đạn.
Tỉnh dậy, trời đã sáng, nhưng nắng chưa lên. Không còn lửa đạn nữa. Còn sớm lắm. Bây giờ Tuyết mới thấy đặc nghẹt người ta chung quanh mình. Kẻ nằm người ngồi. Người ngủ vật vờ, kẻ thức ngồi bất động, đôi mắt thao láo như nhìn vào cõi không. Đồ đạc lỏng chỏng, tùm lum. Tuyết ngơ ngác, rồi hỏi người bên cạnh. Ông ta cho biết đây là chiến hạm của quốc gia, hình như sẽ đi Guam. Chẳng hiểu Guam là nơi nào, ở đâu, nhưng vừa nghe nói sẽ có Mỹ vớt, Tuyết thấy tỉnh cả người, yên tâm hẳn. Lúc này, cô mới chợt nhớ tới Tiến. Hoá ra ba mẹ con cô ra đi, bỏ lại Tiến. Ngay lúc đó cô chợt sợ và thương Tiến. Sợ cho mình đơn thân sang xứ người với hai con nhỏ, lấy gì mà sống? Thương và sợ cho Tiến, chẳng hiểu có chạy kịp không hay là kẹt rồi. Một lát sau, cô lại nghĩ hay là Tiến đã bỏ mẹ con cô ra đi một mình, nên tối qua không có nhà. Dám lắm, ổng hăm bỏ nhà đi nhiều lần rồi vì chán cảnh đấu võ mồm lẫn tay chân với cô. Tuy nhiên thuộc loại người « ruột để ngoài da » chỉ loay hoay với mấy ý nghĩ đó ít lâu, cô lại chợp mắt đi một chặp nữa. Có người mang theo radio. Người ta thấy vậy mừng quá đề nghị vặn to lên cho mọi người cùng nghe. Saigon đang bị bao vây, có đánh nhau ngay tại cầu Xa Lộ và cầu Sắt Đakao. Vài giờ sau nghe Saigon thất thủ. Đài phát thanh Saigon rè rè, âm thanh hỗn độn, chứng tỏ đang có thay đổi quan trọng. Rồi một giọng thật gay gắt lên tiếng. Người ta chuyền tai nhau đó là ông chuẩn tướng Hạnh, cán bộ Cộng sản nằm vùng, bây giờ xuất đầu lộ diện. Nhiều người há hốc mồm không tin ở chính tai mình. Máy vi âm lại nhiều lần rè rè, không có tiếng nói rõ rệt. Ít phút sau thì có tiếng đàn guitare và một giọng ca nhừa nhựa, hơi hướng trọ trẹ, cất lên, đơn độc. « Từ bắc vô nam, nối liền nắm taỵ.. »
- Thằng khốn kiếp! Bây giờ thì cái mặt nạ phản chiến của nó đã rơi ra rồi.
- Ai vậy?
- Thì cái thằng « thiếu thuốc choác » chứ ai vào đây.
Chưa dứt bài hát thì có tiếng cán bộ cộng sản đanh thép sang sảng phản ảnh tình hình Saigon. Hắn ta tả cảnh xe tăng Việt Cộng tiến vào dinh Độc lập, sau khi ủi sập một bên cổng sắt. Dương Văn Minh lên tiếng đầu hàng. Giọng ông ta trầm trầm. Trên tầu nhiều người òa khóc to. Có người lảo đảo đứng lên vịn thành tầu, gục đầu sát vào thành sắt, như muốn nôn ọe. Có người vịn vào thành sắt mà mắt nhìn về phía sau đuôi tầu, hướng Saigon, hướng quê nhà, khóc âm thầm. Nước mắt tuôn rơi dầm đìa. Hai vai rung lên. Có người chỉ ngồi thẫn thờ, không nói một lời. Mặt buồn như đưa đám người ruột thịt. Cái radio cứ ra rả một giọng nói lạ lẫm, hằn học và ngạo ngược.
Đó là gần trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.
« Thế là hết, mình thật sự bỏ nhà bỏ cửa đi rồi ». Tuyết nghĩ thầm. Trong cô bỗng dâng lên một mối u hoài khó tả. Một cái gì như một mất mát lớn lao khiến tâm hồn cô tan loãng, không chú tâm được vào chuyện gì cả. Có cái gì bềnh bồng trong cô. Mặc dù cảm thấy nỗi mất mát đó sâu đậm và to lớn, nhưng cô không thể biết hẳn hoi cô mất cái gì.. Điều gì khiến cô bỗng dưng cảm thấy hụt hẫng. Chuyện sẽ được Mỹ vớt làm cô yên tâm khi nãy bây giờ không đủ mạnh để cô vui hoặc thấy đỡ mất mát, đổ vỡ. Và như nhiều người trên tầu, Tuyết ngồi im lìm, câm lặng hồi lâu, thật lâu.
Đến Guam. Cũng như mọi người, Tuyết và hai con làm thủ tục nhập cảnh nước Mỹ. Nhờ lý lịch đã làm cho PX Mỹ, hồ sơ của Tuyết thuộc dạng ưu tiên vì là nhân viên của cơ quan Mỹ. Tuyết mừng. Trong khi chờ đợi bốc đi, cô chỉ có việc hàng ngày ra xếp hàng lãnh thực phẩm và vật dụng. Lại nhìn thấy những đồ như trong PX cũ, Tuyết như cá gặp nước. Cô tỉnh cả người. Lại tí toét cười đùa rồi lân la làm quen với những nhân viên Mỹ tại đảo.
Thời gian ngắn ngủi ở Guam đủ cho Tuyết mục kích nhiều cảnh nực cười. Chạy loạn, tị nạn, nhiều ông to bà lớn ngày xưa, quen thói thu vén của công làm của riêng, lại trổ tài tom góp, lại vơ vơ vét vét, tranh nhau thu vén đủ thứ về mình. Bủn xỉn và hèn hạ. Đến cả vài lon bia, vài món đồ hộp tầm thường. Rồi cũng không chừa cái tật kéo bè kết đảng, chạy cửa hậu, lòn cúi, nịnh nọt, chạy chọt, may ra hồ sơ đoàn tụ đi nhanh hơn. Họ thấy Tuyết thoải mái thì vừa ganh tị vừa ước ao. Một mặt vẫn ra điều xa cách vì coi cô không xứng đáng quen biết họ. Bản tính cô xưa nay hay coi thường mọi sự, chỉ cần mình biết mình, nên Tuyết thản nhiên lo cho các con và tính toán chuyện tương lai.
Một tháng sau mẹ con đến California. Tuyết thấy xứ Mỹ rộng mênh mông, văn minh tiến bộ quá sức tưởng tượng. Có căn bản giao thiệp với Mỹ trước đây rồi, cô không thấy ngỡ ngàng khi phải tiếp xúc với họ. Vì thế Tuyết kiếm được việc dễ dàng. Nhờ làm thợ lắp ráp máy vô tuyến, Tuyết thuê được căn nhà đủ tiện nghi, xắm chiếc xe hơi vì ở Mỹ không có xe coi như què chân. Hai con đi học ngay và không gặp trở ngại gì. Tuyết thấy đời tươi đẹp lại. Ở đây có sức khỏe là có tiền. Tuyết bắt chước thiên hạ đi làm thêm « job » thứ hai như đa số người bản xứ. Ngày làm thợ, chiều tối đứng bán pizza. Tính tình vui vẻ, biết hội nhập, nên Tuyết rất đông bạn bè ngoại quốc. Người Việt mình e dè lựa chọn quá đáng, lại hay chia giai cấp, coi cô như một loại « me Mỹ » nên Tuyết ít bạn Việt Nam. Tuy thế cô vẫn nhớ và thèm những gì nhắc nhở đến quê nhà. Ta về ta tắm ao ta vẫn hơn. Cũng vì nghĩ thế nên Tuyết thân với Long.
Anh sang đây một mình, bỏ lại vợ. Trên đường di tản từ Nha Trang vào Saigon, con gái 5 tuổi của anh bị trúng đạn thiệt mạng. Vào tới Saigon, chiều ngày 29 tháng 4, vợ chồng anh tìm về nhà cha mẹ Diệp, vợ anh. Sáng sớm ngày 30 tháng 4, anh thấy người ta còn di tản. Rủ Diệp ra đi, nhưng vợ anh nhất định không chịu, lấy cớ không nỡ bỏ cha mẹ già ở lại một mình. Lưỡng lự một hồi. Nhưng sau khi suy nghĩ, cái gốc bắc di cư của anh cũng như quá khứ làm cho Mỹ khiến anh lo sợ, rồi anh đi đại theo những người di tản cuối cùng. Biết đâu thoát. Hóa ra anh thoát thật.
Anh cũng như Tuyết, được đến bến tự do sau khi ghé Guam. Long lui cui sống một mình từ ngày sang Mỹ. Có thể coi như cùng thời gian với Tuyết. Hai người làm bạn với nhau. Tuy nhiên cả hai cùng giao hẹn sẽ chia tay nhau khi vợ Long hay Tiến, chồng của Tuyết, sang đoàn tụ. Cả Long và Tuyết cùng đã làm đơn xin bảo lãnh người thân của mình. Long và Tuyết cùng nghĩ chỉ dựa vào nhau sống qua ngày trên xứ người mà thôi. Long vẫn ở căn phòng mình thuê và Tuyết vẫn một mình ở với hai con. Long không về ở chung với mẹ con Tuyết.
Mới đó đã bốn năm trôi qua. Tuyết đinh ninh thế nào vợ Long cũng qua trước vì Tiến là cảnh sát, phải đi tù cải tạo. Nhưng cuộc đời trớ trêu. Long báo tin vợ anh đã đi lấy chồng khác và éo le thay, chồng cô ta là cán bộ cộng sản, có địa vị. Vợ Long không đi bảo lãnh qua Mỹ nữa. Hôm đến báo tin, Long buồn rã rượi. Những lon bia cạn nhanh chóng. Long thẫn thờ, ngồi thừ người không nói năng gì thêm. Tuyết hiểu hơn bao giờ hết giữa cô và anh không có gì hơn tình bạn khi đơn côi. Cô để mặc anh sầu thảm cho nguôi cơn buồn, không dám nói gì và cũng chẳng biết nói gì.
Rồi hai năm nữa qua đi. Giòng đời xem như xuôi chẩy. Thấm thoắt gia đình Tuyết đã ở Mỹ sáu năm trời. Kinh qua bao nhiêu đắng cay, khó khăn lúc ban đầu. Trẻ con bây giờ đã lớn. Chúng lớn lên không mặc cảm mũi tẹt da vàng. Long và Tuyết cùng nghĩ nếu Tiến không sang thì sẽ coi như thực sự và chính thức làm lại cuộc đời với nhau. Nương dựa lúc về già. Còn...nếu ngược lạiï, Long sẽ kín đáo rút lui và hy vọng sẽ tiếp tục là bạn vợ chồng Tuyết.
Giấy của cơ quan bảo lãnh đoàn tụ được gửi đến hỏi Tuyết có còn giữ ý định bảo lãnh nữa hay không? Tuyết lại nộp đủ giấy tờ chứng minh có công ăn việc làm và đủ khả năng trả tiền máy bay. Giấy tờ gửi đi lần cuối, Tuyết hồi hộp đợi.
Thời gian chậm chạp trôi. Tuyết hơi buồn vì phải nghe theo « điều kiện » của Tiến. Phải bảo lãnh cả mẹ và em trai Tiến còn vị thành niên. Phải viện cớ Tiến ra đi không thể bỏ mẹ già, em dại. Tuyết nghĩ sẽ khó thành công. Cô đã bàn thảo nhiều lần qua nhiều thơ từ với chồng rằng Tiến cứ qua trước, rồi lo cho mẹ và em sau, may ra đơn xin cho chồng đi nhanh hơn. Nhưng Tiến nhất định không nghe và khuyên Tuyết cứ thử thời vận. Ai ngờ mọi sự thông suốt. Có lẽ những khó khăn thời xưa khi Tuyết mới sang đã được thay đổi phần nào. Ngày đi đón Tiến cùng mẹ và em trai của Tiến đã đến. Vì không dám lái xe xa lộ ra phi trường quốc tế Los Angeles, cô nhờ Long. Anh mướn chiếc xe « van » chín chỗ ngồi. Dù đã xa nhau sáu năm trời trong thời kỳ vợ chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, nhưng hôm đi đón, Tuyết rất hồi hộp và mừng rỡ trào nước mắt khi nhìn lại chồng và gia đình chồng.
Trước khi đi, tối hôm trước, cô đã nấu sẵn một nồi phở để mọi người ăn tạm lúc mới tới. Đự tính để mọi người nghỉ khoẻ đã, rồi buổi tối sẽ mời ra nhà hàng mừng ngày đoàn tụ. Phải làm một bữa thật linh đình. Đưa gia đình Tuyết về nhà xong, Long tự động rút lui, lấy cớ phải trả xe. Tối sẽ trở lại phụ Tuyết đưa mọi người đi ăn, vì phải đi hai xe mới đủ chỗ. Theo thói ngoại quốc, Tuyết đưa ba người thân mới sang đi thăm nhà cô mới thuê, thay căn trước nhỏ hơn. Bà mẹ chồng hít hà khen nhà lớn rộng quá. Tân, em của Tiến nghêng ngang đi ra đi vào, nhìn ngó mọi thứ đồ vật trong nhà, nhất là dàn máy hát và TV. Xem chán, chú nằm ngửa trên ghế ngáp lớn, rồi kêu cháu gái vặn nhạc nghe thử. Riêng Tiến chỉ lặng lẽ đi theo mẹ và vợ khi cô giới thiệu căn nhà, lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Tuyết hơi ngạc nhiên, nhưng lại tự an ủi rằng vì vừa đến, Tiến còn mệt và Tiến âu lo là điều tự nhiên. Ai bị đổi đờøi mà chẳng lo lắng. Ngày mới sang, Tuyết đã chẳng lo bấn loạn cả người, nhiều đêm thức trắng là gì..
Cả tuần lễ đầu, ba người vì chưa quen giờ giấc nên vật vờ như bịnh. Cứ khi Tuyết và trẻ con đi ngủ thì ba người kia thức dậy vào bếp lục cơm. Khi cô và trẻ nhỏ đi làm đi học, thì cả ba quay ra ngủ. Phải mất nửa tháng mới làm quen giờ giấc mới. Khi thấy chồng và Tân đã tạm tỉnh táo, Tuyết bàn với chồng rằng hai anh em nên đi học thêm Anh văn ở lớp dành cho người tị nạn. Miễn phí, vào buổi tối. Tuyết say sưa, hí hửng, nói rằng sẽ sẵn sàng đưa đi học trước khi cô đi bán pizza. Khi về thì hai anh em tìm ai cho quá giang vì Tuyềt sẽ về rất trễ, gần nửa đêm, không thể đón về. Lới đề nghị được hưởng ứng chiếu lệ. Chẳng ai có vẻ sốt sắng. Tuyết cụt hứng, nhưng kiên nhẫn nới rộng thời gian ở không. Gần hai tháng sau, cô lại nhắc nhở việc nên đi học lớp tối. Hai anh em bất đắc dĩ phải để cô đưa đến trường. Tuyết đã mừng. Nay mai có thêm người đi làm. Cô sẽ đỡ cực. Hiện tại một mình cô đang phải nuôi sáu miệng ăn, chưa kể tiền nhà, tiền điện nước. Cái mừng chưa phai, chẳng hiểu vì sao, cả hai anh em đòi bỏ học. Tiến lấy cớ đầu óc « chai sạn » rồi, chữ không muốn vô. Tân thì nói:
- Ở riết rồi biết cần gì học.
Tuyết cắt nghĩa đành rằng ở riết cũng biết nói, nhưng nhà đang cần người đi làm phụ với cô. Một mình cô không thể cáng đáng nổi lâu. Hơn nữa biết rành Anh văn thì tìm việc dễ hơn. Như chỉ đợi dịp, Tân đốp liền:
- Tụi tui ăn của chị bao nhiêu mà chị làm dữ vậy? Chưa gì hết chị đã kể công rồi. Chị nên nhớ, chị bảo lãnh tụi tui qua đây nghe, chị phải lo chu toàn chớ. Bộ muốn bỏ đói được hay sao? Nếu chị muốn tính nợ thì cứ tính đi. Sau này có việc, có tiền, tui trả, chị đừng lo.
Tuyết nghẹn họng vì tức giận. Mặt xám xanh, nhìn chồng xem Tiến có biết nạt em không. Nhưng mặt Tiến lạnh như tiền, làm lơ như không nghe thấy gì. Nói rồi, Tân với tay vặn nhạc lớn hơn rồi lại dựa ngửa ra ghế. Đợi tối, Tuyếtù trách móc chồng sao để em lộng hành và ngoan cố như thế, thì Tiến dấm dẳn:
- Làm gì mà hối dữ vậy? Thủng thẳng rồi đi kiếm việc, có gì mà gấp? Chưa quen nước quen cái. Đừng nghĩ tụi này sang sau mà ăn bám đâu.
Nghĩ rằng Tiến lớn tuổi, biết điều hơn, ai ngờ cá mè một lứa. Tuyết tức nổ ruột gan, phát khóc. Nhưng Tiến mặc cho cô khóc. Cứ lầm lũi, âm thầm.
Một tuần, Tuyết đi làm 6 ngày. Quần quật từ 6 giờ sáng tới hơn 11 giờ đêm. Làm hai việc. Trước đây, cỡ 6 giờ chiều, cô về lo cho hai con ăn uốầung xong rồi đem qua hàng xóm trông chừng dùm, trả tiền chút đỉnh. Từ ngày có mẹ chồng, chồng và em chồng qua ở cùng, hai đứa nhỏ ở nhà, đỡ được tiền gửi con. Tuyết nhân cơ hội này ở lại hãng làm thêm giờ phụ trội, đến giờ bán pizza mới ra đi, kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy, vì hơn bao giờ hết, cô cần tiền trang trải nuôi cả gia đình. Cô chỉ cầu xin cô đừng đau ốm hoặc đừng có ai trong gia đình đau ốm, vì không có dám đóng bảo hiểm an sinh. Tiền để dành bao năm qua như nước chẩy qua cầu. Tiền điện tăng hẳn lên vì hai anh em thi nhau vặn TV, nghe nhạc. Nhưng lấy cớ bà cụ buồn.
- Ở đây vắng vẻ, không có lối xóm, bo bíu không đi đâu được, nên cho má xem vidéo giải trí, không thì tội bà cụ.
Tuyết đành lặng thinh không dám đả động tới mẹ chồng. Vả lại tội nghiệp bà cụ thật. Đối với bà, cái gì cũng xa lạ, cái gì cũng quá to lớn. Thế nhưng mặt khác lại như bị tù túng, vì không có phương tiện di chuyển dễ dàng, sẵn sàng, như ở quê hương bà. Bà cụ buồn thiu. Cũng may có hai đứa cháu để bà chăm nom. Hóa ra giúp bà đỡ buồn. Riêng anh em Tiến, bỏ học, suốt ngày hết đi ra lại đi vào. Cỏ sân trước cao tới cổ chân. Tuyết nhờ cắt lúc đó mới chịu nhúùng tay. Nhưng anh đùn cho em, em đùn cho anh, cuối cùng Tân phải làm. Tân vừa làm vừa lầu bầu:
- Mệt thấy mẹ, bày đặt luật lệ. Hở ra lấy luật lệ hù dọa. Tưởng tụi này ngu chắc.
Tiến thì suốt ngày cú rũ như gà chết. Mở miệng ra là châm biếm hay thở dài sườn sượt. Chính bà mẹ cũng thấy chướng và thầm thương con dâu, một mình nai lưng nuôi ngần ấy miệng ăn. Tuy nhiên bà không nói ra, chỉ để bụng. Dù sao cũng vẫn sót con trai và bà im lặng khi con trai nói móc vợ.
Tuyết lo và buồn vô hạn. Cô gầy xộc hẳn đi. Những khi gặp Long trong hãng, cô mừng lắm. Đây là dịp cô than thở, tâm sự, để trút phần nào nỗi lo. Long chỉ biết khuyên cô kiên nhẫn và hứa sẽ để ý mách việc cho anh em Tiến, nếu thấy ở đâu cần người.
Khi Tuyết nói với chồng rằng đã kiếm ra việc cho anh, thì Tiến đủng đỉnh hỏi việc gì. Anh đỏ bừng mặt khi nghe Tuyết nói sẽ phải lau chùi hành lang thương xá gần nhà, chỉ độ chưa đầy 10 phút xe là tới, đi bộ mất khoảng nửa giờ. Họ trả 5 đô la một giờ. Tiến dí mặt sát vào mặt vợ gằn từng tiếng:
- Cô khinh tôi vừa vừa chứ, thằng này không đi đổ rác và quét nhà đâu. Đói thì chịu chứ không đến nỗi phải làm thứ khốn nạn như thế.
- Anh lạ nhỉ? Ai khinh anh? Ở cái xứ này, chẳng có nghề nào đáng khinh cả. Làm nghề tay chân nhiều khi còn nhiều tiền hơn làm văn phòng. Hơn nữa mọi sự Ở đây đều làm bằng máy, anh có phải thò tay hốt rác đâu mà lo.
Tuyết định nói thêm « vả lại anh có rành anh văn đâu, kêu đi học, thì bỏ ngang xương, cũng không có bằng cấp chuyên môn gì ngoài cái bằng tú tài 1 Việt Nam ra thì làm sao làm văn phòng được ». Nhưng cô kịp thời giữ miệng. Sợ chạm tự ái Tiến.
- Cô lại lên giọng dậy tôi đấy chắc? Cô tưởng tôi ngu hẳn?
Tiến nổi điên khi tưởng Tuyết lại cho rằng mình là thằng ngu, không biết cách sống ở xứ người, như ngày xưa cù lần không biết cách xã giao của người ngoại quốc. Anh thấy anh có lý khi ghen. Bởi vì sang đây, anh có thấy người ngoại quốc ôm lưng, vỗ vai bạn gái đồng nghiệp bao giờ. Anh không hiểu rằng mọi thứ đã thay đổi rất nhanh chóng ở cái xứ này. Bây giờ quả thật nếu chủ nhân hay đồng nghiệp mà có cử chỉ đó sẽ bị kiện ra tòa vì tội « thân mật ». Rất may, Tân thấy anh chê, lại đang lúc chú ta cuồng cẳng vì xe cộ không có để đi chơi tự do, Tân nhận lời:
- Anh chê thiệt hả? Vậy để tui. Qua đây lượm rác bằng máy, vậy chớ ở Việt Nam, học trò con nít lượm rác bằng gì, có phải bằng tay không? Nhiều khi trong rác có đạn, đạn nổ, đứt mẹ nó cánh tay đo,ù anh không nhớ sao? Còn anh đi cải tạo có hốt c... bằng tay không? Bầy đặt chê ông ơi! Để tui đi làm cho bả hết nói hành nói tỏi tui nữa.
Thành thử mỗi sáng Tuyết phải chở chú ta tới sở. Từ khi đi làm, Tân càng huênh hoang ra điều không cần nhờ vả nữa mà trái lại có đóng góp phần mình:
- Đó, tui đóng tiền cơm của tui. Chị khỏi sợ tui ăn không của chị nữa rồi. Chừng nào có nhiều tiền, tui ra ở riêng, đỡ nhức óc.
Không thấy chú ta nói mang bà cụ theo khi chú ra riêng. Ít lâu sau Tân mua được cái xe cũ. Chú ta càng không coi ai vào đâu và ngày nghỉ xách xe đi chơi biệt dạng. Tuy em chồng ngông nghênh, nhưng Tuyết thấy trút bớt phần nào lo lắng. Chú ta có thể tự lo thân được rồi. Tuyết không cần cảm ơn, chỉ cần chú tự lo cho chú là đủ. Ở nhà chỉ còn bà cụ và Tiến. Tuyết sốt ruột vì cứ thấy chồng suốt ngày lầm lì, suốt tháng lừ đừ. Dù cần tiền, nhưng chẳng lẽ đi làm cả bẩy ngày, không thấy mặt hai con và gia đình, Tuyết bấm bụng ở nhà ngày chủ nhật. Chỉ gặp nhau ngày chủ nhật mà trong bữa cơm Tiến chỉ tìm cách nói móc, nói mỉa vợ, nói xa nói gần những khi thấy Long đến sửa hộ chiếc xe hay thấy Tuyết đi quá giang vì xe hư bỏ sửa. Riêng bà cụ thì quá hiểu con trai. Bà cụ thầm oán hận lũ cộng sản đã huỷ hoại tâm tính con trai bà. Ở tù hơn ba năm trời mà khi ra tù cứ như ông lão. Gầy còm, ghẻ lở, đau yếu, lại thêm cái tính hay mặc cảm. Thỉnh thoảng bà cụ làm như vô tình nhưng thật ra cố ý nói cho con dâu hiểu rằng Tiến bây giờ khác xa Tiến ngày xưa. Nay đau mai yếu vì trong tù bị đánh đập thẳng tay, nhiều lần thừa sống thiếu chết, bị sỉ nhục, tẩy não để thành con người nhụt chí. Tuyết hiểu và cố thông cảm với chồng. Cô cũng thương Tiến đã không may mắn như ba mẹ con cô, ra đi chót lọt vào phút chót. Ngày xưa ở Việt Nam cô còn hay cãi vã, nhưng ở đây, cô bỏ hẳn tính đôi co vì thương chồng và nể mẹ chồng. Những khi Tiến bắt đầu bới bèo ra bọ thì Tuyết giả điếc, giả câm. Nhưng thái độ im lìm, nhẫn nhịn của cô lại bị Tiến hiểu sai và lại chọc giận anh thêm. Anh cho rằng vì khinh anh, vì có tình ý với Long, nên Tuyết không thèm cả cãi vã với mình. Cố tật ngày xưa hay ghen bậy lại xâm lấn, cộng thêm mặc cảm thừa thãi, vô ích, phải nhờ vả từ đồng tiền đến sự di chuyển, Tiến trở nên say sưa và vũ phu. Nhịn mãi không xong, Tuyết bắt buộc phải to tiếng. Lại bắt đầu những cuộc đấu khẩu. Lần lần, lại bắt buộc phải dùng đến vũ lực như ngày xưa. Long sót sa mỗi khi Tuyết khóc lóc hay vác cái mặt nhiều vết bầm mà cô đã cố gắng che đậy bằng phấn son đến hãng.
Hơn một năm trôi qua. Đã mấy lần Tiến chê việc. Lần nào cũng viện đủ mọi lý do để từ chối. Đã thế, Tiến sang Mỹ đúng lúc khủng hoảng kinh tế, nên rất ít việc. Chữ nghĩa đã không có nhiều, lại lười biếng học hỏi, lần lữa ngày tháng qua, cái mặc cảm ăn nhờ ở đậu, vô ích, thừa thãi, càng ăn sâu vào tâm óc, Tiến như người điên. Đến bà mẹ cũng bắt đầu sợ con trai mỗi khi Tiến nhậu nhẹt một mình, hôi hám và bừa bãi. Ý nghĩ bị vợ cắm sừng ám ảnh một cách bệnh hoạn nơi Tiến. Dù có Tuyết ở nhà hay không, mỗi khi say sưa, anh lè nhè thách thức và dọa dẫm:
- Kêu thằng Long tới đây, ông bắn bỏ bà nó đi, bộ chúng mày tưởng ông mù sao chớ? Bày đặt tới sửa xe, thằng này không biết sửa hay sao mà phải nhờ thằng đó?
Cả với các con, Tiến cũng thấy xa cách. Chúng nó văn minh quá, tiến hoá quá, mà mình thì quê mùa hủ lậu. Sau giờ học, con trai đi chơi thể thao, baseball, con gái thì chơi trượt băng. Chúng cằn nhằn Tiến không biết lái xe đưa tụi nó đi như những người cha khác. Xem TV, Tiến chẳng hiểu gì cả, cứ hỏi chúng nó trong lúc chúng mải theo dõi, mất công cắt nghĩa, mất cả hứng thú, hoặc trong lúc chúng còn phải học.
Mặc cảm này chồng chất lên mặc cảm kia.
Cuộc sống đã khó klhăn lại càng thêm đau khổ.
Bà cụ than trời trách đất gây chi cảnh xa cách quê hương chòm xóm thế này. Bà thèm miếng trầu, thèm cục thuốc xỉa, cả ngày mồm miệng lạt nhách. Bà thèm ngồi lê hàng xóm nói đủ thứ chuyện, thèm đội nón đi chùa, thèm ăn mắm ruốc, mắm Thái, mắm tôm chua. Nói chung bà thèm Việt Nam. Ở đây rộng quá, mênh mông mịt mù quá, xe xích lô không có để bà có thể đi chơi lúc nào bà thích, đến xe buýt cũng cả nửa giờ mới có một chuyến. Mà chữ nghĩa không biết làm sao đi chơi. Trời ơi là trời, thật như tù giam lỏng. Muốn nói chuyện với cháu nội cũng khó lòng. Mình nói mình hiểu lấy mình. Con lớn còn nhớ tiếng Việt chút đỉnh, đỡ khổ cho bà rất nhiều, còn thằng nhỏ thì thành Mỹ con thật rồi. Mỗi lần nó nói bà lại kêu con chị thông dịch. Rồi con trai bà, ngày nào nhanh nhẹn, bảnh bao như thế, nay thân tàn ma dại, dở điên dở khùng, đầu óc lú lẫn và hẹp hòi. Say sưa như vậy làm sao giúp vợ giúp con. Thật tội con Tuyết, nai lưng gánh vác một nhà, mà vẫn không xong với chồng. Thật là tan nát tất cả chỉ vì thằng Việt cộng ác ôn. Chẳng phải chỉ gia đình bà, cả nước điêu linh. Một bên tù tội, một bên thẳng cánh đục khoét, táng tận lương tâm. Trời đất đâu không nhìn xuống mà xem, hỡi Trời!
Không khí trong nhà như có ngòi nổ.
Cách đây 7 tháng, Tiến lại gây gỗ với Tuyết, đánh Tuyết loạn đả. Ra hãng cô khóc lu bù với Long. Trong lúc khổ sở tột cùng, cô nói ao ước li dị với Tiến. Cô hết chịu nổi rồi. Cô khổ quá rồiù. Long khuyến khích cô dứt khoát, vì không thể nhìn cô sống khổ như thế này mãi. Long muốn Tiến phải chấm dứt đánh Tuyết ngay từ bây giờ và anh muốn đến nhà cô giảng cho Tiến hiểu. Tuyết can ngăn, năn nỉ Long đừng dại dột, vì Tiến hăm dọa dữ lắm. Nhưng Long không nghe. Anh phóng xe đến nhà Tuyết khi Tuyết vừa ở tiệm pizza về tới. Lúc đó là hơn 11 giờ khuya.
Tiến vẫn còn thức bên cạnh chai rượu. Truyền hình vẫn mở, chẳng ai dám tắt. Bà cụ và hai đứa nhỏ đã đi ngủ. Tuyết cản Long lần nữa, ngay trước cửa nhà. Nhưng Long khăng khăng đòi vào cho Tiến một bài học. Tuyết vào nhà trước. Vừa thò tay tắt TV, Tiến nhảy ngay vào vồ lấy cô, vật xuống. Hai tay xiết chặt cổ Tuyết, miệng Tiến rít lên:
- Tao bóp cổ cho mày chết, thứ đàn bà mất nết. Mày dám dắt tình nhân về nhà hả? Mày tưởng tao không biết gì hả? Cho chúng mày chết, mày chết...
Tuyết bị bóp cổ, nằm dẫy dụa dưới đất, đau và ngộp thở gần chết. Cô đạp tứ tung, hai tay cào cấu loạn xạ cùng lúc cố gỡ tay Tiến ra. Nhưng hai bàn tay Tiến xương xẩu như hai gọng kìm cứng ngắc cứ xiết mạnh. Long nhảy từ cửa vào nhà. Túm lấy gáy Tiến giựt mạnh. Long đấm liên hồi vào người Tiến. Đau quá, Tiến phải buông Tuyết ra, quay sang quần thảo với Long. Hai người ôm nhau mà thoi mà đạp rồi lăn lộn như hai con thú dữ. Máu mũi máu mồm chẩy bê bết trên mặt cả hai người. Tuyết vừa ôm cổ vừa ho sặc sụa, vừa bò lê trốn vào gầm bàn ăn. Hai người đàn ông vẫn vật lộn nhau. Những tiếng huỳnh huỵch đánh thức ba bà cháu. Bà cụ kéo hai cháu vào lòng, đứng há hốc miệng, kêu gọi không rõ tiếng. Cả nhà như mắc loạn. Bỗng Tiến vuột được, chạy bay vào trong bếp rồi chạy trở ra. Trong tay lăm lăm khẩu súng. Mọi người cùng hét lên một lượt. Bà cụ mặt xanh như chàm, ngã xụm xuống đất. Hai đứa cháu ôm chặt lấy nhau mà hét thất thanh.
- Nội ơi Nội ơi!
Tuyết trong gầm bàn nhào ra can Tiến. Nhưng không kịp. Mặt mũi máu me đầm đìa, Tiến chĩa súng bắn nã về phía Long và Tuyết. Hai xác người vật xuống đất. Máu chảy lênh láng. Tiến quay súng chĩa vào màng tang mình bóp cò. Nhưng chỉ nghe « tách » một tiếng khô khan. Súng hết đạn. Tiến nhũn người ra, ngã vật xuống. ắp nhà máu me vung vãi, bàn ghế ngã lỏng chỏng. Hai thây người quằn quại. Long và Tuyết còn sống. Nhưng chắc chắn bị thương nặng. Bà cụ mừng rỡ, lồm cồm bò ra gần con dâu, nâng đầu cô lên. Hai đứa nhỏ líu ríu theo bà. Chúng phục xuống cạnh mẹ mà khóc dấm dứt. Nhưng Long hình như vừa ngất đi. Máu từ người anh chẩy ra quá nhiều. Anh nằm bất động. Ó đến 10 phút sau cảnh sát mới tới làm biên bản. Tiến bị còng tay đưa đi cùng với tiếng còi hụ xe cứu thương đưa Tuyết và Long vào bệnh viện.
Sau khi hai bên luật sư lược lại sự việc xẩy ra cách nay 7 tháng. Bên bị đưa ra những lý do cãi tội lần chót. Xin thông cảm hoàn cảnh của Tiến. Ở Việt Nam phải đi tù cải tạo, khổ sở trăm bề, bị huỷ hoại thân thể và nhân cách, sang đây thất nghiệp triền miên. Bên nguyên nhấn mạnh điểm Tiến có thói quen vũ phu, hung hãn ngay từ ở Việt Nam, sanh đây ăn bơ làm biếng, không chịu hội nhập v.v...Bồi thẩm đoàn rút lui nghị án. Mười lăm phút trôi qua. Tiến hồi hộp đợi. Anh lại liếc sang Tuyết lần nữa. Tuyết cũng đang nhìn anh. Aùnh mắt hai người gặp nhau. Chỉ thấy tràn đầy tan vỡ.ồi thẩm đoàn trở ra, lục đục trở về chỗ ngồi.òa vỗ án xin ý kiến.ột ông trong bọn dứng lên đưa một tấm giấy gấp lại cho người thư ký. Người này tiếp nhận rồi trao cho ông tòa. Ông tòa liếc đọc xong lại trao trả cho bồi thẩm đoàn. Có tiếng hô bị can đứng lên. Bà luật sư kéo áo ra dấu cho Tiến đứng dậy. Tiến lảo đảo đứng lên.ặc dù say rượu, Tiến vẫn là thủ phạm cố sát vợ và bạn vợ. Tòa tuyên án 5 năm tù ở đồng thời phải bồi thường cho Long và Tuyết 100 000 đô la. Cả Tiến cả Tuyết đều choáng váng. Hai người cùng không bao giờ nghĩ rằng cuộc tình và cuộc đời của họ chấm dứt như vậy. Có tiếng khóc to và tiếng lao xao. Hai người cảnh sát còng tay Tiến như cũ và đẩy anh bước đi.ến nghiêng ngả đi giữa đám người nhốn nháo. Anh nhìn mẹ, nhìn em, nhìn con. Nước mắt chảy ròng ròng. Bà cụ khóc to thêm. Tân nhâng nháo là thế, mà bây giờ cũng mang vẻ thê lương. Chú ta không ngờ trong lúc hăng máu du côn, chú đã đi mua súng mang về khoe anh. Chẳng ngờ hại anh.ết ôm hai con vào lòng, ủ rũ nhìn chồng. Tâm hồn tan nát.

Hết


Xem Tiếp: ----