Chung dừng chân giữa khung cửa mở rộng, nhìn một lượt khắp căn phòng sáng sủa, ngăn nắp. Anh gật gù đắc ý. Xoay người đóng cửa lại, đứng sát lưng vào cánh cửa, anh nhìn khắp nơi lần nữa, lại gật gù, mỉm cười một mình. Chợt anh tiến đến cửa sổ trông ra sân sau, sờ vào thành cửa, lẩm bẩm:
- Chỗ này hơi ẩu, giấy dán chồm cả lên. Ôi, nhưng không sao.
Chung nhún vai, tắc lưỡi dễ dãi. Miệng lẩm bẩm, chân bước đi thăm thú kỹ hơn. Vài nơi không đúng ý lắm, làm ăn có vẻ cẩu thả, thợ nửa mùa, anh lại tắc lưỡi. Cuối cùng anh vẫn thấy căn phòng mới mua và mới cho sửa lại rất xinh xắn. Thích nhấy là rất sáng sủa. Vỏn vẹn 25 thước vuông thôi mà tới 4 cửa sổ, cả trong bếp lẫn phòng tắm. Cửa sổ to như vậy yên chí lớn, không sợ mùi thức ăn hay hơi ẩm, chắc chắn thoáng mát vào mùa nóng. Chung mỉm cười nghĩ tiếp. Mùa nóng ở bên Pháp này quá ngắn, vỏn vẹn hơn một tháng là nhiều.
Đến giữa phòng Chung xoay người một vòng sung sướng. lại gật gù:
- Được, được, thế là được rồi.
Nỗi vui ấy anh không biết chia xẻ với ai lúc này, nên chỉ cứ nói một mình. Sự bằng lòng về chính mình khiến anh đi qua đi lại ngắm nghía mãi. Cuối cùng như nghĩ ra điều gì, anh à lên một tiếng, xoa hai tay vào nhau, vẻ thú vị, tiến vào bếp, mở tủ lạnh lấy ra một chai coca lớn và một cái ly lớn, rót đầy ly. Chất nước nâu óng ánh sủi bọt kêu sè sè, dềnh lên miệng ly gần trào ra ngoài. Chung tru miệng húp phần bọt gần tràn ra, khà một tiếng, uống một ngụm thật lớn, rót tiếp đầy ly, rồi cất chai vào tủ lạnh. mặt vui tươi. Chung bưng ly coca đầy cẩn thận đặt xuống bàn rồi ngả lưng vào ghế dài thoải mái. Anh vẫn không ngớt ngắm nghía thành quả mồ hôi nước mắt mình sau 12 năm phấn đấu, từ lúc còn là thằng bé, để cha mẹ Ở lại Việt Nam, đi theo các cô cậu vượt biên sang đất Pháp này, đến nay đã 28 tuổi.
Không năm nào vào sáng ngày mùng 7 tháng giêng tây mà Chung quên không gọi điện thoại cho các cô cậu cùng vượt biên ngày trước. Bao giờ cũng mở đầu bằng câu « Ngày đại lễ, cô có nhớ không? » Lần nào Chung cũng nhắc sơ về ngày đáng ghi nhớ đó. Ngày Chung đặt chân lên đất Pháp vào 1 giờ sáng rạng ngày 7.1.1980, lúc ngoài trời -5°C. Đến từ Jakarta, sau khi được bốc đi bằng tầu thủy từ đảo KuKu, Nam Dương. Cả bọn người tị nạn co rúm, mặt nhợt nhạt vì lạnh, vì trên người không có lấy một manh áo ấm. Có người còn tha cả đôi dép Nhật chiếc nọ khác với chiếc kia. Cả bọn đứng lóng ngóng ở phi trường Charles De Gaulle vắng teo vắng ngắt vì tất cả hành khách bình thường cùng tầu đã ra về từ lâu. Chỉ còn đám người tị nạn, trong lúc đợi người của Hồng Thập Tự Pháp ra đón rồi đưa về trại chuyển tiếp ở Herblay, một ngoại ô miền tây bắc của Paris.
Buổi sáng đầu tiên của ngày thứ nhất trên đất tự do trắng toát mầu tuyết phủ. Chung co ro vào phòng phát quần áo ấm để nhận phần mình. Hai tai lạnh buốt như không còn cảm giác, tưởng chừng mất tai và nhức đầu kinh khủng. Nhưng trên khuôn mặt, có chút ánh sáng huyền diệu của sự sống đã được tìm thấy trở lại.
Tối ngày 29.4.75, Chung cùng bố mẹ và 3 em chồng chất nhau trên chiếc vespa, đèo thêm một bao gạo 25 ký dưới chân và giỏ xách quần áo trên vai mỗi người. Giống như hầu hết dân Saigon đêm đó, gia đình Chung cũng lẩn quẩn ở tòa đại sứ Mỹ, chẳng biết để làm gì, nhưng cũng đứng đấy. Làm như trong lúc quẫn cùng, chỉ nhìn thấy cái may mắn của người, mình có thể trút bớt nỗi lo âu trong mình. Đứng dưới gốc me ở đường Nguyễn Trung Trực, xa cửa sau vào toà đại sứ, Chung chứng kiến cảnh chạy tháo thân lịch sử lúc bấy giờ.
Người ta đu lên đầu lên cổ nhau, leo qua hàng rào kẽm gai trên bờ tường cao, vừa leo vừa quẳng hành lý qua rào vào trong, quần áo và chân tay rách xoạc cũng chẳng làm họ chùn bước. Lính Mỹ phía trong rào đẩy họ ra, xô họ xuống. Nhưng người này rơi xuống lại có người khác leo lên, tràn ngập bờ tường, đè rào kẽm gai xuống mà nhẩy vào phía bên trong. Trên nóc tòa đại sứ, trực thăng gầm rú, tiếng cánh quạt xành xạch, gió lộng ào ào. Từ xa, trong bóng đêm, có nhiều bóng người nhốn nháo phía dưới bụng trực thăng. Tiếng người huyên náo, gọi nhau, khóc lóc, chửi bới, hòa với tiếng máy bay, tiếng quát, tiếng đạn bắn chỉ thiên của lính Mỹ, tạo thành một thứ âm thanh độc đáo chỉ có ở những khi loạn lạc thất thần.
Bóng tối đã khá đầy, những người đứng chầu rìa như gia đình Chung lần lượt bỏ cuộc ra về. Thật ra chẳng bỏ cuộc cũng chẳng được vì có bao giơ đến lượt mình đâu. Chiếc vespa mầu xanh da trời cũ kỹ lại ỳ ạch chở 6 người gia đình Chung lang thang trên phố phường Saigon. Lang thang vô định. Chẳng biết đi đâu thật sự. Vừa qua khỏi trường Marie Curie, thì thấy có một xe ca lớn, loại xe của các hãng Mỹ, mầu vàng cam dùng chở nhân viên đi làm, xe rẽ khỏi đường Tú Xương, sang đường Công Lý, chắc chắn sẽ ra phi trường. Xe chở người chạy loạn quen biết người Mỹ. Trên xe láo nháo khá đông người Việt Nam. Đứng trên bậc sắt đằng sau xe, cửa mở toang, có người lính Mỹ cầm súng. Xe đó vượt qua mặt xe vespa chở gia đình Chung, nhưng xe đó không chạy nhanh lắm. Đột nhiên từ phía sau, nghe tiếng bành bạch của một xe hai bánh đi tới. Chỉ nghe tiếng máy cũng đủ hiểu xe đó đang xả hết tốc lực. Một thanh niên, trẻ măng, đang gò lưng, cúi rạp người xuống ghi đông của cái velo solex cũ kỹ. Anh thanh niên cố gắng thu nhỏ người trên chiếc xe như thể để cho nhẹ bớt và cho đỡ chắn gió, hy vọng xe chạy nhanh hơn. Rõ ràng anh đang đuổi theo xe ca mầu vàng. Chung chắc chắn anh ta muốn lên được xe ca nọ. Chung nhoài người nhìn qua vai bố mẹ để xem anh thanh niên đó làm gì. Trong lòng chẳng hiểu vì sao, Chung thầm cầu xin cho anh ta theo kịp chiếc xe kia. Thấy anh sắp đến gần xe nọ, lòng Chung rộn lên. Ráng, ráng lên, ráng đi! Chung thầm nghĩ như có ý muốn phụ lực với anh ta, mong anh ta thành công. Quả nhiên anh đến được sát bên xe mầu vàng. Trong chớp mắt, anh buông xe solex, nhảy phóc lên bực sắt có người lính Mỹ. Xoảng một tiếng. Chiếc solex không người lái lăn quay ra đường, lướt một quãng dài, xuôi vào phía lề đường, tông vào đó rồi nằm quay bánh trong không khí. Tiếng sắt cà mặt nhựa đường ken két. Xe vespa của gia đình Chung hơi lạng quạng vì tránh tai nạn. Vì đột nhiên nhẩy lên xe ca, chỉ dẫm lên bực sắt, thân người chao đảo tưởng sẽ ngã xuống, anh may mắn bám vào được cánh cửa, người anh xiêu vẹo gần như đánh đu trên cánh cửa mở toang. Người lính Mỹ giật mình. Người lính Mỹ cũng rất trẻ, mặt non choẹt, anh ta có vẻ hoảng sợ nhiều hơn là hung dữ. Sau giây phút giựt mình, anh ta kịp thời quay ngang họng súng chĩa vào bụng người thanh niên. Nhưng chỉ dí vào, cố hất thanh niên xuống đường, không có ý bắn. Trong xe đột nhiên có một thanh niên khác chồm ra khỏi đám người đứng chật cứng trong xe, gạt mọi người, cố len về cuối xe, anh ta la to:
- Khang, Khang, He 's my brother. Let him go, please!
Có thể trong cơn bấn loạn, người lính Mỹ không nghe thấy, hay thật sự không muốn có người, chẳng biết ngay gian thế nào, leo lên chiếc xe anh đảm nhiệm, nên anh ta tìm mọi cánh đẩy người thanh niên trẻ xuống. Anh này tay vẫn cố bám vào cửa xe, cố đánh đu. Bỗng nghe tiếng lên đạn khô khan « rạch, rạch ». Người thanh niên vội vàng buông cánh cửa xe ca, nhẩy xuống đất. Bước chân lảo đảo cố giữ cho khỏi ngã ra đường. Trên xe tiếng gọi « Khang, Khang » lại vang lên, nghẹn ngào, tuyệt vọng. Dưới đường người tên Khang vùng chạy theo một quãng và gọi lớn:
- Anh An, anh An!
Nhưng chiếc xe ca đã nhấn ga chạy nhanh bỏ hẳn người thanh niên lại rất xa. Tiếng hai anh em gọi nhau rơi trong cõi tuyệt vọng xa thẳm. Thanh niên lạng quạng dừng lại, vẻ bất lực đứng ngay người ở giữa đường, nhìn theo chiếc xe đang bỏ xa hẳn.
Nhìn sự thất bại và dáng thiểu não của người thanh niên, tự nhiên Chung khóc. Chẳng riêng gì Chung mà cả bố mẹ Chung đều khóc. Nước mất nhà tan, anh em chia lìa. Người dân bơ vơ chẳng biết đi đâu cho được an toàn. Bóng tối phủ chùm.
Loanh quanh một hồi, Chung lại thấy mình trở về căn nhà ở cư xá Lữ Gia, Phú Thọ trong Chợ Lớn. Ngôi nhà trông thật xinh xắn vào mùa tốt, nắng ráo, nhưng bì bõm như cái ao con, lúc lũ lụt mưa to gió lớn. Mấy mẹ con ngồi trên giường tát nước. Anh em Chung vẫn lấy nước té ướt nhau nhiều hơn là múc nước đổ ra đường cái. Nỗi vui sướng thật ngây thơ vẫn còn nguyên vẹn trong anh, khi nhớ lại mỗi lần bố mẹ lên tiếng hỏi:
- Có ai đi ông bà ngoại chơi không?
Cả bốn anh em đồng loạt reo to:
- Dạ có, đi, đi...
Tất cả hí hửng nhẩy cỡn lên, thật vui sướng. Cho đến bây giờ, anh vẫn còn thật thà:
- Đến nhà ông bà là bảo đảm được ăn ngon, tha hồ, cả ngày chỉ có chơi thôi. Nếu ông lại cho đi sở thú nữa thì là nhất rồi!
Chung vẫn nhớ hương vị những bữa cơm thanh đạm nhưng rất ngon miệng nhờ mẹ khéo biến chế, những năm trước khi ở với Việt cộng. Những năm cay đắng, nghèo túng, chỉ ăn bo bo vì cộng sản, thì mẹ có tài nấu nướng cũng đành chịu thua, không biến chế nổi. Chung còn nhớ quầy thuốc lá kê ngay đầu ngõ, dưới thới cộng sản chiếm miền Nam, thỉnh thoảng Chung phải ra ngồi bán thay mẹ.
Bố mẹ Chung đã bỏ nghề bán cháo phổi thanh bạch khi Việt cộng chiếm miền Nam. Vì không muốn làm công cụ cho chế độ nhồi sọ, u mê hoá con trẻ. Hai người không ra trình diện nhiệm sở cũ, xoay ra buôn bán nhì nhằng. Cũng vì chán dậy học và không quen buôn bán nên túng thiếu, việc học của anh em Chung bị lơ là. Nhưng không vì thế anh em Chung lêu lổng. Trái lại tình gia đình, sự tương trợ lẫn nhau trong nỗi khó khăn, nghèo khó, đã giúp anh em Chung có cái nhìn khác về cuộc đời. Phấn đấu trong sự thanh thản của tâm hồn. Trót sinh ra đời thì phải tranh đấu, nhưng cốt sao giữ cho tâm hồn được trong sạch, sáng sủa, lành mạnh. Chẳng vì nghèo mà quên nền nếp gia phong.
Thời gian chậm chạp qua trong sự túng thiếu chung của đa số dân miền Nam. Bố mẹ Chung ráng giật gấu vá vai. Chung và các em ngoan ngoãn phụ giúp. Chú bé gầy cà tong cà teo, đen nhem nhẻm, vẫn còng lưng chở mẹ và thúng gạo cùng những thực phẩm linh tinh khác bán rong khắp các chợ. Vừa bán vừa trông trước nhìn sau, tránh công an rượt đưổi, không cho bán nếu không đóng tiền chỗ ở chợ. Tiền chỗ cao bằng một tháng tiền nuôi cả gia đình, đào đâu ra? Cho nên hai mẹ con cứ chạy lòng vòng, mắt trước mắt sau, khắp các chợ.
Chung lớn lên, vất vả, nhưng vẫn giữ được vẻ vô tư, lúc nào cũng cười. Nụ cười thật hiền lành. Ngay bây giờ, bất cứ ai hỏi thăm:
- Sao khỏe không Chung? ça va chứ? Có vấn đề gì không?
Anh vẫn tươi cười, xuề xoà:
- Ca va, ça va, khoẻ, khoẻ, Chung chẳng có vấn đề gì cả.
Câu trả lời nhiều khi làm mọi người ngạc nhiên. Rồi từ ngạc nhiên đến thán phục. Mọi người mắt thấy rõ rệt, chứng kiến đích thực sự vất vả của anh trong suốt mười mấy năm ở xứ người. Học hành gián đoạn cả Việt lẫn Pháp, bằng cấp không cao, chữ nghĩa học lóm câu được câu không, làm việc chân tay và làm hùng hục hai ba việc một lúc, ngoài nghề chính, miễn kiếm ra tiền để không phải phiền hà vay mượn bất cứ ai và để gửi về nuôi gia đình còn ở Việt Nam. Ở bên Pháp, luật lao động chỉ cho phép làm 1 việc, nên Chung phải làm « lậu » những nghề thứ hai, thứ ba của mình. Chẳng những câu trả lời thản nhiên như thực sự không có vấn đề gì làm mọi người kinh ngạc, mà cả đến cách sống ung dung, tự toại, của anh cũng khiến mọi người phải cúi đầu chào thua. Nhiều người đã phải tự hỏi với đồng lương tối thiểu đó làm sao anh có thể rất đều đặn giúp gia đình cha mẹ và các em còn ở Việt Nam, có thể đi du lịch khắp thế giới, mỗi năm vào tháng nghỉ thường niên, có thể tạm sống thoải mái và có thể để dành tiền mua được căn phòng độc thân này, mà không ai trong thân quyến nghe thấy một lời than vãn, dù chỉ một lần. Trái lại lúc nào cũng thấy anh vui vẻ, tươi cười. Và câu trả lời « ça va, ça va » của anh trở thành độc đáo.
Chung và Chấn, hai anh em theo bố trà trộn vào đám đông người mua vé xe đò ở xa cảng miền Tây đi Bạc Liêu. Nhìn thấy gia đình các cô cậu tản mác gần đó, nhưng theo lời dặn dò, Chung không dám hỏi han, coi như không quen biết. Lỡ chuyện vượt biên đổ bể, thì không liên lụy tới nhau.
Ở Bạc Liêu hai ngày, ban tổ chức cho biết ngày xuống tầu. Không như một số tổ chức khác kém may mắn, họ còn phải ở lại nơi tụ họp đợi cả tháng, có khi hơn, mới được ra đi, vì nội bộ không ăn ý nhau nữa, vì không chia tiền đồng đều, vì công an địa phương mè nheo thêm tiền, làm khó dễ đủ cách. Họ như cá nằm trên thớt, chỉ còn biết trông cậy vào số phận. Trở lại quê quán không được nữa vì có thể nhà cửa đã bị tịch thu, chiếm giữ. Người ra đi bị ghép tội « phản quốc ». Hễ bị tóm chỉ có nước đi tù. Đánh liều ở lại chờ ngày ra khơi, cũng chẳng yên thân vì kiếp ăn trực nằm chờ, chịu đủ mọi sức ép từ mọi phía. Và tiền núi cũng lở, cũng tiêu tán hết. Trong những năm 77, 78, 79, vì chuyện vượt biên bán chính thức, có nghĩa là do nhà nước cộng sản tổ chức trá hình dưới hình thức tư nhân người Việt gốc Hoa bỏ nước ra đi, tổ chức đóng thuyền, nhưng thật sự thì có rất nhiều người Việt 100% trà trộn, mà lắm người tán gia bại sản, khóc dở mếu dở, trở thành ăn mày, ăn xin. Cũng nhờ chuyện này, nhà nước cộng sản và một số dân đón gió đã vơ vét được một số tiền chắc chắn khổng lồ, vì cứ tính trung bình mỗi đầu người 7, 8 cây vàng, có nơi 10,12 cây, trẻ em dưới 16 tuổi 4 cây và dưới 12 tuổi 2 cây. Giá này cao hạ tùy địa phương. Nhưng cũng không chênh lệch nhau nhiều. Mỗi tầu như tầu Chung đi chứa 247 người lớn nhỏ. Có tầu chở 700, 1000 người. Tầu có số danh bộ đàng hoàng.
Khi xuống tầu, thường tổ chức vào ban đêm, cho bớt lộ liễu, người đông như kiến, bu đen bờ sông. Có công an địa phương đeo súng lủng lẳng, đứng gọi tên từng người có trả tiền vé xòng phẳng. Tuy nhiên mặc dù được nhà nước cho phép ra đi, có công an địa phương áp tải, người vượt biên kiểu « bán chính thức » này cũng vẫn run sợ, cũng vẫn hồi hộp, vì sự phản trắc và sự gian ác tràn ngập không khí, giáng xuống lúc nào không hay. Bất cứ một sơ hở cá nhân nào, ví dụ như người Việt trà trộn trong đám người Hoa, đã dại dột mở miệng nói tiếng Việt không đúng lúc, vì nhà nước chỉ chủ trương tổ chức đuổi người Hoa đi???, hoặc là một trục trặc nhỏ nào trong cái guồng máy ăn chặn, ăn bớt, ăn trên đầu, trên cổ nhau và trên người ra đi, ăn gian nói dối, báo cáo láo lếu, cộng thêm tâm địa đê hèn, điêu ác sẵn có của những nhân vật từ cao xuống tới hạ tầng cơ sở, cũng đủ làm cho bất cứ ai, bất cứ tầu nào, bị kẹt lại bến. Lúc đó quả thật sẽ xui xẻo cùng mình. Đấy là chưa kể đến màn tầu đã ra khơi mà hỏng máy, hoặc nước ngấm, phải trở lại, hoặc chìm luôn, chỉ vì gian thương tham tiền đóng tầu cẩu thả. Cũng chưa kể đến những vụ cướp của giết người giữa biển khơi gây ra bởi một số dân chài người Thái trở thành cướp biển, vì miếng mồi quá hấp dẫn, quá dễ bắt nạt. Cũng chưa kể đến nỗi gian nan khi bị bão táp mưa sa, thiếu ăn, thiếu uống, có khi cả tháng trời, mới sống còn trên hòn đảo nào đó. Chẳng khác chi những người vượt biên lẻ tẻ gọi là đi chui. Vì sự gian ác, bão táp và hải tặc đâu cần phân biệt ai đi bán chính thức, ai đi chui.
Trới nắng chang chang vào lúc 3 giờ trưa, khoảng 50 chục con người bị lèn vào một xe tải xưa nay chở heo. Hai bên thành xe phủ bạt kín mít, cả phía cuối xe cũng phủ bạt. Tấm bạt vải dầu cũ kỹ hôi hám và nhớp nhúa. Kẻ ngồi bệt dưới sàn, kẻ đứng vịn tay lên mấy thanh gỗ trên trần xe. Người nọ đè lên người kia. Nóng như bưng không một lỗ hở để thở. Người tổ chức căn dặn không ai được lên tiếng, rồi biến đâu mất. Xe chuyển bánh. Đám người lắc lư như say rượu. Chùm người đứng dạt qua dạt lại. Những cánh tay nổi gân chịu đựng cơn lắc. Những kẻ ngồi bệt dưới sàn cắn răng chịu đau mông. Xe dằn mạnh, nhẩy chồm chồm theo những hố trâu đầm lồi lõm trên mặt con đường liên tỉnh. Nhiều người lấy dầu con hổ, dầu xanh, ra bôi trên đầu, trên cổ, trên thái dương. Mùi dầu trộn với mùi mồ hôi, trộn thêm mùi tấm bạt khai thối, tanh tưởi, càng làm cho không khí trong xe bít bùng ngột ngạt. Tiếng uạ mửa bắt đầu. Rồi rãi rớt bắt đầu vung vãi không cầm giữ nổi. Có người chịu không nổi cái ngột ngạt đòi hí bạt lên. Kẻ cẩn thận không cho kéo lên dù chỉ một tí xíu cho gió lọt vào. Tiếng văng tục, tiếng chửi lẫn nhau, tiếng cãi cọ Ồn ào. Tiếng Tầu tiếng Việt lẫn lộn. Rồi trẻ con khóc la. Rồi tiếng mẹ rầy con, dỗ con. Chẳng ai nhớ lời người tổ chức căn dặn phải im hơi lặng tiếng mà ra đi. Chiếc xe như con thú điên lồng lộn trên đường đưa người đi tìm tự do. Những khuôn mặt âu lo, câm nín, lẫn lộn với những khuôn mặt bê bết rãi rớt, xanh rờn, mệt lả. Những đôi mắt thất thần, tuyệt vọng, nhìn nhau. Xe đi đâu chẳng ai biết. Bao giờ đến, chẳng ai hay. Chỉ một mực tăm tắp nghe lời người tổ chức là một ông người Tầu già, tóc muối tiêu, nói tiếng Việt trọ trẹ. Nhưng bây giờ ông ta ở đâu chẳng ai hay biết. Xe chạy độ chừng hơn 2 giờ đồng hồ thì ngừng lại. Đa số người trong xe đều lả ra rồi. Trước còn lo tránh ngồi phải bãi nôn ẹo, sau thì có bị mửa lên đầu cũng không còn hơi sức đâu mà cự nự thủ phạm. Xe đã ngừng lại, nhưng chưa ai dám mở bạt. Tấm bạt nóng bỏng. Mọi người chẳng ai bảo ai tự dưng im bặt. Bên ngoài hãy còn nắng. Ánh sáng lọt qua khe vải. Người tài xế xuống xe, câm lặng, đi vòng ra phía cuối xe, từ từ mở giây buộc bạt ra. Ánh sáng và không khí tràn vào. 50 con người vươn cổ ra cố hít vào chút sinh khí vừa đánh mất. Mùi hôi thối đỡ hẳn. Thế là thoát khỏi cái xe chở heo. Ông tài xế cũng ngưới Tầu, ú ớ vài câu tiếng Tầu và tiếng Việt. Mọi người hiểu rằng đã đến điểm hẹn thứ nhì. Lục tục leo ra khỏi xe. Kẻ nọ đỡ kẻ kia. Chưa ra khơi, đa số đàn bà trẻ con đã lả. Chân đi không buồn nhấc lên. Chân nọ bước lên chân kia, lảo đảo. Ông tài xế dặn mọi người ngồi xuống đất, đợi. Đến lúc này Chung mới lết lại gần gia đình các cô cậu để ngồi chung với nhau. Cố gắng càng nói ít chừng nào hay chừng nấy, vì là người Việt. Vài người nằm vật ra bãi đất trống, không một cây cao. Chung quanh không có nhà cửa, chỉ có những cụm cây thấp, lúp xúp, đầy bụi đỏ. Con lạch gần đó chẳng mang lại được tí hơi mát nào. Có người lần mò xuống nước chùi rửa những nhớp nhúa khi nãy. Nắng vẫn còn khá nóng, mặc dù đã xế chiều. Kẻ lấy khăn che đầu, người lấy giấy quạt. Tất cả ngồi bệt trên đất, thiểu não. Được một chốc, ông tầu già tổ chức ở đâu lù lù tiến lại. Ông nghiêm trọng cho biết sắp xuống xuồng để ra bãi. Dặn dò xong ông tất tả ra đi. Khoảng 15 phút nữa thì chiếc xuồng lừng lững trôi vào bờ. Chiều đã xuống hẳn. Gió đã hết nóng. Ông Tầu tổ chức lại xuất hiện. Ông im lặng ra dấu cho mọi người tuần tự xuống thuyền. Lại chen chúc, lại ngồi đè lên nhau, nhưng không một tiếng động. Nhìn vẻ mặt trầm trọng của ông Tầu già không ai dám cự nự ai. Trẻ con cũng nín thinh. Loanh quanh 50 con người lại vẫn lọt nổi vào con thuyền dài chừng 12 m. Thuyền lướt đi khi chiều đã tắt nắng. Mặt sông âm u. Im lặng hoàn toàn. Mọi người nín thở. Không khí căng thẳng. Giờ phút quyết định cuộc đời càng lúc càng gần. Giờ phút chia lià đã điểm. Mỗi chặng đường kể từ bây giờ là mỗi lúc xa gia đình, xa đất nước, dần dần, dần dần. Thuyền lướt đi êm nhẹ trong khoảng 15 phút nữa. Lau sậy hai bên lạch rì rào gió chiều. Đột nhiên sông rộng ra. Một bãi đất đỏ quạch hiện ra trước mắt. Trên bến bãi, đã có cả trăm con người đứng ngồi lộn xộn, kẻ hai tay không, người xách theo túi nhỏ. Luộm thuộm, lố nhố trên bãi. Nhưng vẫn không một tiếng động. Những con người đó như những người câm. Nhóm của Chung vừa đến được dồn đứng chung với những người vừa thấy. Sau đó lại có một tốp khác được dồn chung vào. Bóng tối phủ xuống thật rồi. Những đống người trở thành những đống đen.
Dưới quán lá ven sông, ba cha con ngồi ăn bữa cơm giã từ. Bố Chung cố gắng ngoại giao với ông người Tầu già cho theo ra tận đây để tiễn anh em Chung. Chung mơ hồ nửa cảm thấy bồi hồi xúc động vì phải xa bố mẹ và các em, dấn thân vào cuộc đời khác, nửa cảm thấy có điều gì hối thúc, xen lẫn chút sung sướng vì được may mắn ra đi. Vì vượt biên và sống còn là giấc mơ của đa số dân miền Nam lúc bấy giờ. Có điều chắc chắn Chung biết là bố mẹ đã hy sinh, làm vượt cả sức mình chỉ đủ để cho hai anh em Chung, Chấn ra đi.
Cơn mưa từ đâu đổ xuống. Trời bỗng tối đen hơn. Tuy mới khoảng hơn 7 giờ chiều. Gió nổi lên. Người tổ chức lùa đám người ra đi xuống bãi sông lõm bõm bùn đỏ vì bến mới được dọn rộng ra để làm bãi. Trong bóng đêm, dưới cơn mưa tầm tã, Chung lật đật theo chân mọi người. Trong sự bàng hoàng, chẳng nhớ có chia tay với bố chưa, chỉ thấy tự dưng bố mất hút trong đám đông, và mình đứng chung với những người ra đi đợi nghe gọi tên. Tay nắm chặt tay em, Chung canh cánh lẩm nhẩm cái tên Trung Hoa do ban tổ chức mới gán cho mình trên tờù lý lịch giả, vài ngày trước khi xuống Bạc Liêu. Bùn đặc quánh dâng lên đến tận đầu gối theo nước mưa trút xuống như vũ bão. Ba bộ quần áo Chung mặc trên người ướt sũng. Cơn lạnh từ đâu kéo đến. Chung run lập cập.
Chung cựa mình trên ghế, mắt đăm đăm nhìn ly coca lạnh. Hơi nước chảy thành dòng dài xuống đọng thành một vũng nhỏ trên bàn. Tâm hồn anh như đang còn vướng lại ở bến sông, dưới cơn mưa tầm tã, cũng chảy thành dòng dài trên khuôn mặt người thiếu niên thơ ngây ngày đó. Nỗi xúc động còn nguyên vẹn dường như được anh dằn vào tiếng thở dài thoảng nhẹ. Chung lại cựa mình trên ghế như để đánh thức mình rời bỏ dĩ vãng đau buồn đó. Anh lan man nghĩ tới Chấn, nghĩ tới những phấn đấu và may mắn cũng như thành công đã đến với em. Ánh mắt xa xôi chợt như tìm lại được nét vui tươi. Chung nhỏm dậy, với ly coca uống cạn sạch. Anh lại lẩm bẩm:
- Thôi đi tắm.
Trước khi bước vào phòng tắm, Chung dừng chân trước tấm bản đồ thế giới căng rộng trên tường. Đã có hơn 30 lá cờ khác nhau được Chung đánh dấu mỗi khi đã du lịch qua nơi đó. Ngón tay anh ngập ngừng dí vào một lá cờ. Cũng vì lá cờ này mà gia đình anh phải phân tán đau thương. Năm tới có thể Chung sẽ về thăm bố mẹ và các em. Có thể thôi. Màu cờ đỏ như máu còn khiến anh suy nghĩ.
Tiếng nước chảy ào ào cùng tiếng Chung huýt sáo một bài rất xưa của Bee Gees.

Hết


Xem Tiếp: ----