Linh Bảo – 1958

Một chiều cuối năm tôi đang đứng nhìn đôi hoa tai kiểu mới trưng bày bán Tết bỗng thấy anh chàng họ Đổng ấy lừng lững đi đến. Không biết anh ta là cháu chắt bao nhiêu đời của Đổng Trác, nhưng người gầy nhom chẳng giống Đổng Trác tí nào. Sự thật tôi cũng chỉ thấy Đổng Trác trong các tuồng hát mà thôi.
Anh ta mừng rỡ chào tôi rồi cứ đứng lì ra đấy chờ tôi mua xong hoa tai, hình như đang có chuyện gì muốn nói thì phải. Tôi hỏi đùa:
- Thế nào? Thầy có muốn mua hoa tai cho cô đeo Tết thì cứ mua, việc gì phải đợi.
Anh ta cười lắc đầu:
- Tôi không bao giờ dám có ý kiến về vấn đề hóa trang của vợ tôi. Mua nhầm sợ bị mắng.
- Thế chắc thầy có điều gì “ chỉ giáo ”.
Anh ta lắc đầu:
- Không dám! Tôi không dám “ chỉ giáo” ai! Cô đừng gọi tôi là thầy làm tôi xấu hổ!
Tôi vẫn quen gọi hắn là thầy mỗi khi gặp ở trường. Còn thường thường gặp nơi khác thì chỉ gật đầu chào nhau, chứ không hề nói chuyện bao giờ. Trong trường “ Trung Quốc Điện Ảnh Học Viện ” ấy, anh ta giữ chức thủ quỹ. Chúng tôi đến lớp bao giờ cũng thấy họ Đỗng quần áo bảnh bao, cà vạt cẩn thận có vẻ “ Bạch diện thư sinh” lắm.
Hắn chỉ vào tiệm trà gần đấy nói:
- Tôi có một việc rất cần. Tôi muốn tìm cô từ lâu nhưng bận quá nên để mãi đến bây giờ. Hay qúa! Cô cho phép được hỏi chuyện độ 15 phút nhé.
Tôi bằng lòng, sau một lúc do dựï.
Trong tiệm nước hắn cho tôi biết là hắn đã từ chức ở trường và đang hợp tác với mấy người bạn để tổ chức một công ty điện ảnh.
- Cô ạ! thị trường Trung Hoa hẹp quá, thành ra các hãng đua nhau hợp tác với ngoại quốc. Nhật Bản, Phi Luật Tân, Hàn quốc, Đài Loan, Thái Lan đều có phim hợp tác với HongKong cả. Tôi đã nghiên cứu kỹ chỉ có Việt Nam là chưa thôi. Tôi chắc là Việt Nam có rất nhiều ngoại cảnh đáng quay.
- Vậy thầy tìm tôi định nhờ việc gì?
- Tôi nhờ cô nghĩ giúp một truyện phim Hoa Việt để có thể quay ngoại cảnh Việt Nam và nội cảnh HongKong. Diễn viên mỗi bên một nửa……... Cô nghĩ sao?
- Tôi chưa từng viết truyện phim bao giờ?
- Cô có thể nghĩ cốt truyện giúp tôi. Chúng ta cùng viết chung. Cô là người Việt, cố nhiên hiểu rõ phong tục tập quán Việt Nam. Như thế câu chuyện mới không có những sai lầm đáng tiếc.
°
Sau buổi nói chuyện hôm ấy, đại cương coi như đã quyết định xong.
Sở tôi làm mãi đến chiều 30 Tết mới được nghỉ, nên mỗi chiều hắn chờ tôi ở tiệm trà ấy, vừa uống trà vừa bàn về câu chuyện tình Hoa-Việt.
Tối đến về nhà ăn cơm xong là tôi cắn bút viết truyện phim, viết mê man đến nỗi chồng tôi phát cáu lên:
- Em điên hay sao thế? Em có biết hôm nay là bao nhiêu không? Tết nhất đến nơi rồi còn viết lách mãi!
Tôi phân trần:
- Em đã dặn chị bếp mua các thức ăn Tết rồi. Quà đưa về cho mẹ, em
cũng lo xong. Anh cho em làm cái nầy, người ta cần gấp lắm. Anh phải biết sơ lược truyện phim giá 300 đô la, viết đối thoại xong từ 2000 đến 5000. Anh biết em ao ước mua một cái đàn dương cầm cho con đã mấy năm nay rồi, mà chúng ta vẫn chưa để dành được xu nào cả.
- Em nhất định cho con thành nhạc sĩ hay sao?
- Không cần phải thành nhạc sĩ, nhưng em chắc anh cũng thích nhà có một cây đàn và con chúng ta có cơ hội học đàn ngay từ bé.
Thế là chồng tôi đành “ hy sinh ” cho tôi cắm cúi sáng tác truyện phim. Không biết lòng anh đang xây giấc mộng gì, chỉ biết trong trí óc tôi sau câu truyện phim là thấy một cái piano mới tinh hảo, chiếm một chỗ khá quan trọng trong gian phòng, và bàn tay bé nhỏ của con tôi ngập ngừng tập dượt trên phiếm ngà.
Sau ba lần sửa chữa cốt truyện, đặt chi tiết, anh chàng “ Đổng tiên sinh ” báo tin cho tôi biết anh ta đã đưa cho đạo diễn xem và đạo diễn cũng đãï tán thành cũng như nhà sản xuất bằng lòng bỏ vốn ra quay.
Hắn ta dục tôi viết đối thoại lập tức để tranh thủ thời gian, vì biết đâu chẳng có hãng khác cũng dự định quay phim Hoa Việt. Đời là một cuộc chạy đua dài, ai chạy nhanh một bước là thành công, chỉ có những kẻ sống nhanh là chưa chắc đã được... chết trước!
Đêm 30 Tết hắn ta đến nhà tôi ăn một bữa cơm tất niên thịnh soạn. Cơm nước xong, chồng tôi nằm xem báo, còn tôi thì đọc bản đối thoại đã hoàn thành bằng tiếng Việt ra tiếng tàu cho hắn ta chép.
Lúc tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ thì công việc của chúng tôi cũng vừa xong. Anh chàng họ Đổng đứng lên vươn vai thở dài một tiếng mệt mỏi. Tôi cũng thở dài một tiếng như trút được một gánh nặng. Tiếng thở dài của chồng tôi to hơn cả, đánh dấu chấm hết một năm bận rộn.
Sau khi ông khách quý của chúng tôi ra về, chồng tôi hỏi:
- Này em! Câu chuyện tình “ lâm ly bi đát” ở trong rừng cao su của em kết quả như thế nào hở em? Anh buồn ngủ quá nên nghe không rõ.
- Cái anh chàng định tranh gia tài cuối cùng rơi xuống thác nước...
- Chết?
- Phải cho nó chết chứ làm sao bây giờ anh!
Chồng tôi cười:
- Anh không ngờ “ một sản phẩm vĩ đại” của hãng phim vĩ đại lại khai sinh ở trong gian phòng của chúng ta. Thì ra xưa nay anh đã coi thường em. Em cũng có cái quyền “ sinh sát” trong tay. Bắt chết phải chết, cho sống mới được sống! Ghê quá! Nhưng bao giờ thì có tiền hở em?
- Anh bảo ra ngoài Tết vì phải cho quay Roneo, nộp tiền “ chú sách” cho chánh phủ, xong sẽ ký hợp đồng lãnh tiền. Hắùn ta một nửa, em một nửa.
- Anh mong sau cây đàn, em không ao ước cái gì hơn nữa để khỏi bắt anh thức đêm chờ khổ lắm!
Tết ấy chúng tôi đã sống với một giấc mộng rất đẹp. Tôi sắp đặt sẵn cây đàn sẽ để vào chổ nào, con tôi sẽ học với ai, đàn hiệu gì. Và có lúc tôi đã rủ chồng tôi vào hiệu đàn để làm lễ “ ăn hỏi” cây dương cầm xinh đẹp cho con tôi.
Sau mấy tuần lễ, tôi vẫn không hề gặp anh chàng con cháu cụ Đổng Trác, nhưng cứ tưởng là anh ta còn bận tổ chức điều đình mọi việc nên chưa gặp tôi. Một hôm tôi trở lại trường, gặp ông Trần tôi hỏi:
- Thầy có gặp thầy Đổng không? Tại sao thầy Đổng từ chức thế hở thầy?
Oâng Trần bảo:
- Oái chào! Oâng thủ quỹ thụt két của trường hơn một vạn nên cuốn gói! Nghe đâu hắn ta đi Đài Loan kiếm ăn rồi.
Tôi ngạc nhiên nhưng chưa kịp hỏi thêm, ông ta đã tiếp:
- Hắn ta khoe vừa sáng tác được một truyện phim để hợp tác với Việt
Nam hay Mã Lai gì đó nên đi Đài Loan tìm hãng phim để điều đình. Truyện phim cũng khá, gọi là cái quỷ quái gì đó “ kinh hồn” thì phải. Có vẻ trinh thám ghê lắm.
Tôi lặng cả người.
- Thường thường có truyện bán họ trả tiền thế nào hả thầy?
- Cốt chuyện từ ba đến năm trăm đô la. Có phân cảnh và đối thoại từ 3 đến 5 nghìn.
- Lấy tiền sau?
- Điên à? Lấy trước chứ! Phần nhiều các hãng phim đưa tiền đặt trước rất lâu, mong cho người viết túng tiền tiêu lỡ thì mới mong có truyện phim đưa ra! Đó là những cây bút có tiếng. Còn tay non thì rẻ hơn. Có khi viết xong mới đem đến bán vì người ta không đặt. Nhưng khi nhà sản xuất đã bằng lòng nhận rồi thì phải trả tiền ngay. Dù 100 năm sau mới quay cũng vậy.
Thế là cây đàn dương cầm của con tôi bay lên mây! Chồng tôi không hề trách tôi một lời nào, trái lại anh còn an ủi tôi:
- Không có tiền nhưng em đã được sung sướng suốt mấy ngày Tết rồi còn gì nữa! Có khi nào em tin chắc là con của chúng ta sẽ có một cây đàn như mấy ngày vừa qua đâu!
Thì ra dưới chân Thái Bình Sơn, dù người ta sống yên phận như thế nào đi nữa cũng vẫn có cơ hội để bị lừa. Chỉ khác là người vẫn tự xưng “ phung sự nghệ thuật” thì biết lừa người một cách nghệ thuật, và người bị lừa chỉ còn cách tự an ủi là mình đã “ được” bị lừa một cách rất nghệ thuật mà thôi.
Bài học năm ấy, có lẽ tôi học còn chưa thuộc cho nên trải qua mấy chục cái Tết, tôi đã có nhiều cơ hội học ôn đi, học ôn lại với nhiều hãng phim ma khác. Và mỗi lần sắp viết một “ chuyện phim không quay” tôi lại tưởng như mình đang bước vào đïiạ đàng, rồi bỗng dưng hoa lá trong địa đàng biến thành tên bay đạn lạc.
Nhưng dù sao, không phải chỉ có một chuyện phim không quay vỡ lòng mới là kỷ niệm sâu đậm nhớ đời mà bất cứ chuyện nào dù mới dù cũ, dù có được đào sâu chôn chặt đến đâu, mỗi lần gợi đến cái cảm giác sững sờ ngao ngán cũng sống động tinh khiết như cảm giác vỡ mộng đầu tiên.

Xem Tiếp: ----