(trích trong tuyển tập Mây Tần)

Dung băn khoăn suy nghĩ, lăn lộn trên giường đã hơn một tiếng đồng hồ. Đáng lẽ nàng phải đi chợ mua đồ ăn nấu cơm chiều, nhưng hôm nay có cớ để cho nàng giận dữ, nên định đâm liều một bữa xem sao.
Dung còn nhớ rõ, dù đã nhiều năm về trước, mà hình ảnh, cảm xúc vẫn còn sống động như vừa mới xảy ra. Hôm ấy nàng đang chạy dưới làn mưa đạn thì gặp hắn. Hắn mời nàng đến nhà tạm trú trong khu vực an toàn. Vợ hắn về quê mẹ bên Pháp chưa trở lại, nên hắn rất tự do. Luôn mấy ngày, hai người bị kẹt trong cái tổ ấm đó. Thế là hắn thành ra “chính phủ bảo hộ" của Dung. Kể ra, lúc đầu suốt mấy tháng trời hắn cũng mất một ít công phu. Nào là hái hoa tặng nàng, nào là thức dậy từ ba giờ sáng pha cà phê cho nàng uống để sửa soạn đi bay. Nhưng hắn thuộc về loại đàn ông tán gái chỉ mất ba bó hoa, về sau lấy lại cả vốn lẫn lời.
Khi hãng máy bay Dung làm đóng cửa, hắn hết sức dỗ dành Dung đừng làm nơi khác. Hắn nói nghề nữ chiêu đãi viên Hàng không là một nghề rất nguy hiểm, phải thức khuya dậy sớm, nay đây mai đó, sống giang hồ lãng tử như thế không phải là cuộc sống thích hợp cho một bà mẹ hiền. Hắn hứa sẽ trả lương cho Dung gấp đôi, nếu Dung làm thơ ký cho hắn. Hắn nói:
-Tôi đã có vợ rồi, nên không thể chính thức cưới em được. Tôi chỉ là một ân nhân, một Người Quân tử, giúp em qua khỏi lúc khó khăn hoạn nạn. Em cần có một người đàn ông làm hậu thuẫn, để em dựa vào làm ăn, để tinh thần em có chỗ ký thác. Con em cần phải có cha. Cha chúng nó đã lên chiến khu mất tăm mất tích em còn trông mong gì nữa! Người ta ai cũng cần phải có gia đình như con chim cần có tổ ấm. Em không thể sống mãi cuộc sống cô độc, trống trải tâm hồn, lại còn phải một mình vừa làm cha vừa làm mẹ, phấn đấu lo miếng cơm manh áo cho con như thế mãi được.
Hắn tán ngọt hơn mía lùi. Dung nghe như ăn phải bùa mê. Nàng tin tưởng trân trọng ký thác cả thể xác lẫn tâm hồn theo lời yêu cầu đầy hứa hẹn. Mỗi năm nàng đẻ cho hắn một đứa con. Những đứa bé này đều theo họ mẹ, và gọi hắn bằng bác.
Với mọi người, hắn chỉ nhận Dung là thư ký. Mà cũng đúng như thế thật. Dung phải viết thư đòi nợ cho hắn. Rồi còn phải giao thiệp với Luật sư, vì hắn rất thích kiện tụng, phải đi thu tiền nhà cho thuê là một việc rất khổ tâm, phải lo thu xếp tất cả giấy tờ công việc buôn bán của hắn. Nay chạy đến sở này, mai chầu chực bộ nọ, vì hắn làm việc đấu thầu xây cất nhà cửa nên có rất nhiều thủ tục pháp lý phải làm. Hắn cho phép Dung toàn quyền làm phận sự của cô thư ký. Còn những việc " phi phận sự" thư ký như lau nhà, đi chợ, làm bếp, đẻ con, hắn cũng nhờ Dung “toàn quyền” luôn cho tiện việc sổ sách. Hắn rất hà tiện, nhất định không mướn người làm. Hắn lấy cớ là không tin ai hết, để bắt Dung tự làm lấy tất cả. Cái thời chiến tranh nửa nóng nửa lạnh, người hai vùng “ bên ni bên tê” qua lại như đi chợ. Ai cũng có thể là Giao liên hay Mật vụ, không chơi với họ là an toàn nhất, khỏi lo bị đâm dao sau lưng bất thình lình. Hắn đưa cho Dung mỗi tháng ba nghìn, gọi là tiền lương thư ký. Và trong số ba nghìn đó, thời giá tương đương với 1 lượng vàng, cô thư ký phải nấu cơm cho ông chủ ăn nữa. Số tiền ấy chỉ bằng một phần năm lương Dung đi làm trước kia. Nhưng biết làm sao được, khi từ một thư ký thường, người ta biến thành một cô thư ký " vạn năng ". Và người " quân tử" lại là hạng quân tử khôn, chứ không phải quân tử dại. “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, Quân tử nói đi nói lại là Quân tử khôn”. Hắn thuộc về loại quân tử khôn. Còn Dung xưa nay vẫn nổi tiếng khôn, nhưng lại là khôn nhà dại chợ.
Hắn sợ Dung tiếp xúc với bạn bè bà con, nhỡ người ta xui khôn xui dại, nên cấm nàng không được giao thiệp thăm viếng gặp gỡ ai cả. Hắn không cho Dung diện đẹp đi chơi phố, sở thích duy nhất của Dung, vì hắn biết Dung còn xinh ơi là xinh, nhỡ gặp người " cao tay ấn" hơn hắn, thì hắn mất một món bở. Còn biết tìm đâu trên đời này một người đàn bà vừa tháo vác giỏi giang xinh đẹp lại vừa khờ dại một cách lý tưởng như Dung? Trong thế giới làm vợ " chợ đen" ai cũng đòi được hưởng thụ vật chất tràn trề đầy đủ, để đền bù sự thiệt hại về tinh thần. Chỉ có một mình Dung đã làm cách mạng, trái với định luật ấy. Mãi đến khi Dung đẻ cho hắn đứa con trai thứ hai, hắn mới mua cho nàng một cái nhẫn hột cẩm thạch giả thật to. Đó là món quà nữ trang đầu tiên, từ khi nàng về làm " thư ký vạn năng" cho hắn. Không đeo thì sợ hắn giận, đeo thì cũng khổ tâm lắm! Cuối cùng, Dung nghĩ được cách đeo nhưng quay mặt nhẫn vào trong. Nàng sợ người ta biết nhẫn giả, nên quay mặt nhẫn cố ý để mập mờ, cho mọi người tưởng mình có đồ thật nhưng khiêm nhượng, không muốn khoe khoang cho ai biết.
Dung được hắn nhồi sọ rất kỹ, hắn bắt nàng tâm niệm hắn là ân nhân của nàng, hắn là người quân tử đã cưu mang, cứu vớt nàng trong cảnh lửa đạn, hắn là người độc nhất mà Dung phải trung thành phục vụ suốt đời. Còn Dung đã bị tẫy não quá kỹ nên cũng tưởng thật.
Dung vẫn giữ vững lòng tin tuyệt đối ấy cho đến hôm nay hắn tình cờ chạm trán với Loan, một bạn gái cùng lớn lên với Dung từ thuở bé. " Bác” của mấy đứa nhỏ nói với Loan thao thao bất tuyệt như lên diễn đàn:
-Tôi là Người Quân tử. Tôi là ân nhân của Dung. Nếu không có tôi, Dung đã chết giữa cảnh tên bay đạn lạc. Tôi dạy cho Dung cách thức làm ăn. Tôi không muốn Dung có tánh ỷ lại, sống nhờ vào đàn ông, như những người đàn bà khác, lỡ khi chồng chết thì phải làm sao? Vì thế nên tôi không nuôi Dung, tôi tập cho Dung phải làm lấy mà sống, và sống " độc lập"!
Hắn nói xong, chừng cũng biết mình ngụy biện, sợ chỉ có riêng mình Dung đã mê man như ăn phải bùa mới nghe lọt tai, chứ còn ngoài ra chẳng ai tin những lời quỷ quái của hắn, nên vừa dứt câu, hắn sợ Loan trả lời, vội chân sau đá chân trước, chạy ra cửa như bị ma đuổi:
-Tôi xin lỗi, tôi phải đi đây có chút việc gấp.
Hắn đi rồi, Loan cáu lên với Dung:
-Hừ, quân tử! Hừ, ân nhân! Đã quân tử, đã ân nhân, sao lại làm cho người ta có con? Đồ không chịu trách nhiệm, thừa nước đục thả câu, còn dám mở miệng xưng là ân nhân, là quân tử!
Dung làm Luật sư biện hộ cho hắn:
-Nếu hôm ấy không có hắn giúp đỡ, thì tôi thực chết vì đạn lạc đấy Loan ạ.
Loan cười gằn:
-Nếu là em, thì thà chết phức đi còn hơn! Hắn chỉ nghĩ đến phần hắn, mà không nghĩ đến phần người ta. Hắn giúp chị, thì cũng không có gì lạ. Trong hoàn cảnh ấy, ai chả giúp nhau! Nhưng có phải giúp một tí rồi bắt người ta làm tôi mọi suốt đời để trả ơn không? Người quân tử mà như thế sao?
Dung ngẩn người ra:
-Bây giờ tôi mới biết, lạ quá! Thì ra, hắn đòi tôi trả ơn như thế đấy! Loan nói giọng dằn vặt:
-Người đàn bà nào cũng cần phải có một người đàn ông riêng của mình, yêu mình và hoàn toàn thuộc về mình. Cần phải có một mái ấm gia đình thực sự. Hắn quân tử gì? Ân nhân gì? Hắn hại chị thì có. Hắn lấy chị, đẻ con ra, mà hắn khỏi nuôi. Chị không phải là vợ hắn, mà kẹt với hắn như thế này thì còn ai dám gặp chị để tìm hiểu xây dựng nữa, còn mong gì có một tương lai rạng rỡ cho các con. Chị chỉ là nô lệ của hắn, chỉ làm bổn phận mà không có quyền lợi gì hết! Con đẻ ra mang họ mẹ! Đấy chị xem, hắn nhẫn tâm biết bao nhiêu! Chị sẽ phải nai lưng ra suốt đời làm tôi mọi nuôi con cho hắn, làm giàu cho hắn, trong khi hắn có tiền, đều lo chuyển về cho vợ lớn hết. Đến lúc hắn bỏ rơi chị, thì chị đã thành một bà già, đi ở đợ nuôi con! Hắn chỉ lợi dụng, ích kỷ thế mà dám xưng là Quân tử cho nhục nhã cái chữ quân tử đi. Chẳng thà cứ vỗ ngực nói: Tao là một thằng đểu, đểu chính cống, đểu thượng hạng. Ai ngu thì mắc mưu ta! Nghe còn sảng khoái hơn.
Dung ngơ ngác như vừa bị mất cắp! Đúng là cuộc đời của Dung đã bị hủy hoại mà nàng như vẫn sống trong mơ. Kẻ đánh cắp, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, còn cười vào mũi người bị mất cắp là ngu nữa!
Loan thấy Dung sững sờ, nói tiếp:
-Em còn nhớ câu chuyện " Áo người quân tử" của ba em kể: Ngày xưa, có một anh chàng nọ có một cái áo lạnh khoác ngoài rất đẹp, một hôm túng tiền, anh vào một tiệm cầm đồ hỏi cầm. Chủ tiệm bảo:" Cái áo này,tôi cầm cho ông hai trăm. Ba tháng sau ông chuộc, phải trả thêm hai trăm tiền lời nữa, thành bốn trăm đồng". Anh chàng kia vì quá cần tiền nên dù biết là bị bắt chẹt tính giá cắt cổ cũng bằng lòng, Anh cởi áo giao cho chủ tiệm và đếm tiền xong định ra về. Anh vừa ra đến cửa thì ông chủ tiệm gọi giật lại:" Này ông, tôi có ý kiến này hay lắm. Tôi thấy ông thật thà, tôi thương, tôi làm phúc làm đức, nói hơn thiệt cho ông nghe. Bây giờ trong túi ông không có lấy một đồng, đến nỗi phải đi cầm áo. Vậy ba tháng sau ông lấy đâu ra bốn trăm để chuộc áo về? Nếu lúc ấy ông không trả đủ cả vốn lẫn lời cho tôi, để quá ba tháng nữa, thì sẽ phải trả gấp đôi, thành tám trăm đồng. Tôi hỏi thật, ông sẽ đào đâu ra số tiền ấy?" Anh chàng kia gật đầu, cho là phải: “Vâng, ông nói đúng lắm. Ba tháng nữa, tôi cũng không làm sao xoay được bốn trăm đồng". Chủ tiệm cười híp cả mắt lại: " Tôi biết mà! Vì vậy, tôi mới khuyên ông, nếu ông chịu nghe tôi thì đỡ tốn đỡ khổ. Này nhé, bây giờ trong túi ông đã có hai trăm đồng rồi. Vậy ông trả trước cho tôi hai trăm đồng đi. Ba tháng sau, ông chỉ phải trả có hai trăm đồng nữa thôi, chứ không phải là bốn trăm đồng. Như thế có phải lợi biết bao nhiêu! Nếu ông không trả được, trễ đến ba tháng nữa cũng chỉ thành có bốn trăm đồng, chứ không phải là tám trăm đồng. Lợi đến một nửa, ông nghĩ thế nào?" Anh chàng nghĩ đi nghĩ lại, thấy bài toán rất rõ ràng minh bạch mà quả thực cũng đúng lý vô cùng. Anh móc túi lấy hai trăm đồng ra trả cho chủ tiệm và ra về. Anh về nhà, thấy lạnh, chợt nhớ ra mình không có áo khoác nữa, trái lại còn có một món nợ quá lớn phải lo trả, lạ quá!"
Dung thét lên:
-Thôi, tôi biết rồi! Chính tôi mới là người quân tử! Tôi là cái anh chàng đem áo đi cầm. Khi chưa biết hắn, thì tôi độc thân, tôi trẻ, tôi đẹp, tôi tự do, tôi có khối bạn bè thương mến, tôi có việc làm để nuôi con tôi. Còn bây giờ? Bây giờ tôi không có gì cả. Tôi phải săn sóc hầu hạ hắn, nấu cơm cho hắn ăn, nuôi con cho hắn. Tôi vẫn phải làm việc công sở của hắn lấy đồng lương để sống, mà lại còn phải mang ơn hắn nữa. Tôi vẫn không chồng, không có tổ ấm gia đình. Hắn ở nhà hắn, tôi ở nhà tôi, thế mà tôi vẫn phải thuộc quyền hắn sử dụng.
Loan ngắt lời:
- Chị hiểu thế là đủ! Thôi em về nhé!
Loan về rồi, Dung gục đầu lên gối khóc nức nở. Nàng muốn liều lĩnh làm reo một phát cho bõ ghét, nhưng chợt nhớ đến những cái tát như trời giáng của hắn. Dung vội vàng dậy mặc áo đi chợ.
Dung chỉ mong còn có đủ thì giờ nấu nướng xong đem đến nhà hắn cho đúng bữa cơm chiều. Dung không có cách nào để kháng cự lại với hắn được. Dung đâm ra giận Loan. Phải, tại Loan tất cả! Trước khi gặp Loan, nàng thấy đời vẫn êm đẹp. Tuy nhà cửa Dung bề bộn bẩn thỉu thực, tuy con cái trông rách rưới bơ vơ thực, tuy những lời hắn nói đều lếu láo thực. Tuy Dung phải làm việc quần quật suốt ngày, tuy hắn hay gây gỗ mắng chửi Dung thực, nhưng nàng đã coi như một sự dĩ nhiên. Ngày trước, hắn khuyên Dung lấy hắn để cho con nàng sung sướng, ngày nay chúng nó giống như con mồ côi cả cha lẫn mẹ, Dung cũng không hề phàn nàn, băn khoăn, thắc mắc, nghĩ ngợi, tìm hiểu ai hơn ai thiệt. Tất cả mọi sự đều thành ra dĩ nhiên cả rồi. Dung chỉ biết cố nấu cơm ngon cho hắn ăn. Lo đi đòi được tiền nhà và tiền nợ cho hắn vui. Mỗi ngày làm tròn phận sự và " phi phận sự" xong, tối về ngủ với con, Dung không hề thấy khổ hay nghĩ đến đau khổ. Nhưng không ngờ, hôm nay những câu nói của Loan làm đảo lộn cả tâm hồn nàng. Không lẽ lại chửi người đàn ông đã từng âu yếm mình. Dung nghĩ được cách giải quyết an toàn là trút hết cả tội lỗi lên đầu Loan. Nàng nghiến răng lẩm bẩm:
-Đồ ranh con! Mày thì đã hơn ai! Con mày cũng phải tự nuôi lấy, còn nhiếc tao! Chỉ được cái tài nói dốc, chửi người ta là giỏi, chính mình thì cũng ngu như con bò!
Dung thấy thỏa mãn như đã trả được thù. Nàng nghĩ đến lúc hắn khen món tôm càng luộc ăn với xà lách trộn dầu dấm đặc biệt của nàng pha chế. Chao ơi! ngon quá là ngon! Hắn sẽ sung sướng cười tít lên, rung rinh cả cái thân hình đồ sộ và cái bộ mặt " Đồng tháp mười", bộ mặt bí hiểm thâm trầm, dữ tợn và cũng "phì nhiêu" ấy! Bỗng nhiên Dung cảm thấy buồn nôn. Đã có kinh nghiệm Dung biết chắc không phải dạ dày phản ứng vì nghĩ đến hắn, nhưng chắc lại có một người "quân tử bé con " nữa sắp ra đời.
--------------------------------------------------
(°) Truyện ngắn " Người Quân Tử" năm 1961 đã được ông Nghiêm Xuân Việt tuyển chọn đem đi dự thi truyện ngắn hay nhất thế giới. Bản dự thi do ông Thùy Dzung dịch. Kết quả, " Người Quân Tử" cùng với truyện “Áo mới” của Linh Bảo được chọn vào chung kết 26 truyện ngắn hay nhất thế giới trong số 256 truyện dự thi, do Trung Tâm Văn Bút Quốc Tế ở Luân Đôn chấm giải.