Hai anh cùng trọ một nhà hàng ngoại ô, cùng học năm thứ nhất ban Thành chung trong một trường tư thục. Cuộc bắt bạn thực đã nhanh chóng, ngộ nghĩnh nữa. Cách thế này:
Vịnh vào trường chậm mất một tháng, bởi mắc chăm sóc đứa con lên sởi. Hôm anh xin vào học, thầy giáo đã để ý ngay tới cái dáng lênh khênh và vẻ già dặn tuy hiền lành ngây ngô của anh ta. Thầy hỏi đùa:
- Anh có vợ rồi chứ?
Và Vịnh đã giả lời, giọng hoa mỹ kiểu xưa:
- Bẩm thầy, con yên bề gia thất từ lâu.
Học trò cười ầm lên, khiến Vịnh ngơ ngác. Thầy lại đùa:
- Thế được mấy con rồi?
Mắt anh học trò mới bỗng sáng lên, trong cái kiêu hãnh người cha. Anh ta nói một hơi lưu loát cái câu khoe con mà hẳn anh đã có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại:
- Cám ơn thầy, con mới được một cháu. Nó còn bé lắm ạ; đẻ tháng chạp năm ngoái, thế là đi mười tháng, tính đến Tết này là cháu chịu ba tuổi.
Cả lớp lại phá lên cười. Sợ ông hiệu trưởng nghe tiếng ồn thầy giáo bảo:
- Anh lại ngồi cuối lớp kia, cạnh anh Cần.
Thầy dẫn anh ta tới ghế cuối cùng, chỉ có một anh học trò lớn chiếm cứ. Vịnh len vào, ngồi xuống, vòng tay. ý muốn gây trò cười làm cho độc ác, thầy giáo bảo:
- Hai anh đứng lên.
Hai anh cùng đứng dậy, cùng đứng ngất ngưởng. Cần lại còn cao hơn Vịnh nửa cái đầu, nhẹ xang mình bên này bên kia, như để bớt dáng cao. Anh ta cúi mặt mân mê cuộn tờ giấy thấm cho đỡ ngượng, nhưng tai vẫn đỏ lửng lên, vì anh em bạn đều quay lại nhìn mà khúc khích cười, cho đến khi thầy giáo cho hai anh ngồi và lại bắt đầu giảng bài.
Giờ ra chơi, Vịnh đứng thui thủi góc sân, hai tay thủ dưới tà áo. Vài cậu học trò nhỏ đã đột nhiên có một ác cảm mơ hồ với người bạn mới mà chúng biết sẽ không thuộc vào xã hội chơi đùa của mình, liếc nhìn anh từng thoáng mau, luồng mắt lạnh lùng đầy sự tò mò. Một cậu tinh nghịch gọi:
- Ê, papa Cần!1
Cần đang đứng cạnh cây bàng ôn bài, quay lại rồi vội ngoảnh đi khi thấy cậu kia vừa cười cợt nhìn anh vừa trỏ Vịnh. Tiếng cười và vỗ tay ran; và, trong một cơn cục của kẻ hiền lành bị trêu chọc quá độ, nó xui làm những thách đố, Cần, dáng quả quyết, bỗng đi thẳng tới người học trò mới, vỗ vai như một bạn cũ thân thiết, và hỏi:
- Anh trọ ở đâu?
Vịnh lễ phép đáp:
- Thưa anh, hiện giờ tôi vẫn ở tạm một hàng cơm. Tôi chưa kiếm được chỗ trọ.
- Thế anh về trọ cùng tôi cho vui nhé. Tôi ở ngoại ô.
Vịnh cảm động, không biết nói thế nào để cám ơn, nắm mạnh tay bạn, bỏ ra, rồi lại nắm mạnh lần nữa. Cần quay nhìn các bạn học, vẻ đắc thắng và khiêu khích.
Tối hôm ấy, Vịnh xe hòm đến nhà Cần. Cần dắt bạn vào nói qua với bà chủ trọ. Vịnh chắp tay đứng nghe, thỉnh thoảng gật gật đầu. Đoạn hai anh dọn chỗ kê hòm. Nhà tranh thấp quá, Cần trong lúc lúi húi dọn dẹp, húc đầu phải xà tre. Sau đến lượt Vịnh đụng đầu vào khung cửa.
Dọn xong, Vịnh ngồi chép bảng dùng thì giờ. Đọc đến những chữ mới lạ chưa từng thấy: Algèbre, Chimie, Zoologie1, anh thấy lòng sờ sợ, và có ý kính phục tất cả các bạn mới mà anh cho giỏi hơn mình nhiều. Khi ngửng đầu, anh chợt thấy Cần đang ngồi vòng tay chăm chú nhìn mình, miệng hơi mỉm cười. Anh cúi mặt, ngượng nghịu. Nhưng Cần hỏi anh, giọng nhỏ nhẹ, thân mật như trong câu chuyện tâm tình:
- Anh cưới vợ năm nào?
- Thưa anh, tôi cưới vợ ba năm rồi.
- Anh cứ thưa với gửi gì! Chỗ anh em đừng nên khách sáo. Cháu vẫn ngoan chứ?
- Cám ơn anh, nó ngoan đáo để. Nhưng vừa đây nó lên sởi, có hơi nhác chơi.
Rồi trong một bầu thân mật, hai anh kể chuyện mình cho nhau nghe. Đó là chuyện những chàng trai nhà quê, mà sự học đã nhiều lần đứt đi nối lại bởi những cớ giản dị và hết sức bất ngờ: một mùa lúa được hay mất, một đám tang, cuộc hồi hương đột ngột của người anh cả Vịnh vừa làm giàu ở một tỉnh xa miền mỏ, sự cạnh tranh giữa cha Cần và bác hàng xóm hợm hĩnh vì có con "học trường Đíplôm, sắp thi ra tham biện".
Cần tiếp:
- Thầy tôi bảo mãi, lúc đầu tôi nhất quyết không đi. Lớn sù sụ rồi, anh em bạn học họ cười cho. Vả tôi cũng như anh, có vợ rồi đấy.
- Thế à! Thế là phải. Lớn lên phải lo gây dựng gia đình, nối dõi tông đường chứ. ở tỉnh có người già quá mà chưa thành gia thất; độ Tết trước, tôi gặp mấy cô người làng ở tỉnh xa về quê chơi, cô nào cũng cao ngông nghênh thế này mà chưa chồng con gì cả, trông dơ dáng quá.
- ấy, tỉnh thành họ khác thế đấy, hóa nên họ cười mình, cho mình là hủ. Chuyện có vợ, tôi giấu mãi; nhưng sau vì thằng bạn người làng nó nói toang, bọn kia chế tôi ê cả mặt. Lúc sáng, chắc anh không biết chúng cười gì nhỉ: đấy là bởi anh khai có vợ con rồi, chúng cho là sự lạ.
Vịnh chống cằm trên tay, im lặng. Không phải anh thẹn; anh chỉ thấy nao nao khổ sở, bởi cảm tưởng cô đơn thấm thía. Thực các bạn mới đã độc ác quá. Và vô lý nữa: anh cưới vợ và có con sớm, bà con trong làng đều mừng anh có phước.
Cần an ủi:
- Nhưng học trường tư thì phải chịu những lời chế nhạo như thế là thường. Học trò trường tư quỷ sứ lắm, có phải như chúng ta đâu. Độ học trường phủ, trong khi đợi giờ vào, chúng tôi đứng nghiêm trang nói chuyện, lúc thấy quan Đốc tới thì chắp tay cúi đầu chào: "Bẩm quan". Bọn này thì có! Lảng thầy giáo được chừng nào hay chừng ấy... Nhưng thôi, cùng một cảnh, chúng ta thương yêu nhau, đùm bọc lấy nhau là đủ. Cũng bởi thế mà tôi mời anh về trọ cùng tôi.
Hai anh ăn ở với nhau thực là khăng khít, giống như những đôi bạn hiền trong chuyện thời xưa. Càng bị chế nhạo, hai anh càng xích lại gần nhau. Trước những lời độc ác của các bạn, hai anh nắm chặt tay nhau, và tìm thấy trên nụ cười cùng nở trên đôi miệng một niềm an ủi không cùng.
Một hôm, Cần được tin mừng. Một người làng, nhân đi chợ tỉnh, báo cho anh biết rằng vợ anh đã có mang. Anh thầm thì nói chuyện ấy với Vịnh. Vịnh nắm chặt tay bạn; hai anh càng thân nhau hơn bởi cảnh nhà giống nhau hơn. Vịnh già kinh nghiệm, dạy Cần rằng nên bảo "chị ấy" ăn nhiều canh rau sam cho mát thai; nếu được canh rau sam nấu với cá rô càng bổ; rằng thỉnh thoảng "chị ấy" nên xông lá dành hoa, để tránh tật nôn mửa mà đàn bà chửa hay bị.
Nhân một ngày chủ nhật về quê, Vịnh đem lên cho bạn mấy bơ gạo lùa, một thứ gạo riêng vùng anh trồng, đàn bà chửa ăn gọn bụng, anh bảo thế.
- Mẹ thằng Bình cũng nhờ ăn gạo ấy mà đẻ nó ra thực chóng, dễ như trở bàn tay, anh ạ.
Anh nói ba tiếng "mẹ thằng Bình" rất nhanh, một cách ngộ nghĩnh lạ.
Có khi đang học bài, Vịnh nhìn vơ vẩn vào một góc nhà, miệng nhẩm mãi một câu, rồi chợt anh ngừng học hỏi Cần:
- Anh định đặt tên cháu là gì đấy?
Cần cười không đáp, Vịnh tiếp, ra bộ săn sóc tới việc nhà bạn:
- Cứ theo năm đẻ mà đặt tên, anh ạ; như thế tiện, chả quên tuổi được... Có người lấy chữ ngũ phúc mà đặt tên con lần lượt, cũng là ý hay. ở nhà quê cứ quen gọi Cu, Hoe, Lòn, nghe chướng tai quá nhỉ.
Tối hôm hăm bảy Tết, hai anh đang soạn để về quê, Cần thấy vợ bước vào. Cần hỏi, hơi gắt:
- Lên làm gì thế?
Vợ anh bụm môi nhìn loanh quanh, nhổ toẹt được bãi nước trầu vào góc vách rồi mới đáp:
- Thầy bu bảo tôi lên tỉnh sắm ít hàng tết rồi về với nhà luôn thể.
Cần vẫn lúi húi soạn cặp, để mặc vợ đứng trơ, cái mủng sơn cò kè bên hông. Nhưng Vịnh nhã nhặn mời:
- Chị ngồi nghỉ trên ghế. Có bụng mà đi đường xa chắc mệt lắm nhỉ.
Hai anh ăn cơm xong, vợ Cần bảo chồng, giọng nhỏ nhẹ, sợ hãi:
- Nhà đi phố sắm hàng tết với tôi, được không?
Nhưng Cần gắt:
- Ôi giào! Giờ lại muốn cặp tay nhau đi dạo phố như tây với đầm ấy à!
Vịnh thực thà bảo:
- Thời mới, cũng đừng nên nệ cổ quá, anh ạ. Mình đừng suồng sã lắm thì thôi, vợ chồng đi với nhau, nhưng đi xa nhau, cũng chẳng có gì là quá tự do. Vả lại để tôi cùng đi với anh chị.
Khi ba người ra đi, Cần lại gắt lượt nữa, bởi anh thấy vợ mang cò kè cái mủng bên hông. Anh quát:
- Mua có vài xu miến với mộc nhĩ, cũng mủng với mót! Vứt đi!
Vợ vội chạy vào cất mủng. Cần thì thầm với Vịnh:
- Tôi dặn anh điều này: anh em bạn nhỡ gặp mà hỏi, thì anh bảo đó là người làng, chứ đừng nói vợ tôi, nhé.
Vịnh gật đầu, tuy bụng nghĩ: "Làm thế thì còn đâu là tình nghĩa vợ chồng".
Hai anh đi trước, vợ Cần theo sau, hai tay thủ dưới tà áo, bụng đã hơi ưỡn ra đằng trước. Thỉnh thoảng Vịnh phải đứng lại chờ; chị ta toe miệng cười đến híp cả mắt, chạy tới, tay vẫn thủ dưới áo, khiến người ngoắt nguẩy đến hay. Qua trước cửa hàng nào, chị ta cũng trố mắt nhìn, thế là chân lại bước chậm lại. Chị ta hỏi:
- Cái gì xanh xanh hình bồ dục như quả dưa thế nhỉ?
Cần im lặng cúi mặt bước. Nhưng Vịnh, ra cách một bạn chồng nhã nhặn, giảng cho nghe:
- Đấy là quả bóng, để con nít chơi. Nó bằng cao su, thổi thì phồng tướng, tung lên giời nó bay là là, hay lắm... à, chị có thấy thằng người trăng trắng ngồi trong tủ kính đó không? Con búp bê đấy; chị sắm cho cháu chơi; bóp thì kêu chút chít như con chuột nhắt ấy, cũng hay.
Vợ Cần cười, mắt long lanh thèm muốn:
- Để tiền mua miến với khoai hành, không bu tôi chửi chết.
Cần ngửng đầu giục:
- Thì mua đi rồi mà về, còn đợi tất cả phố người ta xem rõ mặt nữa à?
Chợt thấy một người bạn học bên kia đường, anh vờ chúi mũi vào cửa kính một hàng sách.
Sáng hôm sau, khi cùng vợ từ giã Vịnh để lên xe về quê, Cần tặng bạn một bức ảnh. Vịnh vui mừng ngắm nghía. ảnh chụp một cặp tình nhân người Âu ngồi trên một mảnh trăng lưỡi liềm mình in lên nền trời mờ tím nạm sao lấm tấm. Bên dưới là cảnh đồng quê mùa đông thê lương, lốm đốm tuyết. Lật sau ảnh, Vịnh đọc thấy mấy hàng chữ, nét nắn nót:
"Tặng bạn thâm giao Hồ Văn Vịnh,
Nhân dịp năm mới, vợ chồng tôi thành thực chúc anh cùng chị sống trong cảnh hạnh phúc thần tiên như cặp uyên ương trong ảnh".
Vịnh cảm ơn bạn, rồi cất ảnh vào cặp. Là một người chồng tốt, anh định sẽ cho vợ xem ảnh và giảng cho nghe ý nghĩa cảnh vẽ trong đó. Vợ xem rồi, anh sẽ đem cất vào hòm, "chứ không nó làm bem nước trầu vào ảnh mất", anh nghĩ vậy.
Nhân dịp lễ Phục sinh, Vịnh đưa Cần về làng chơi, để bạn biết quê hương mình, một nơi đã có tiếng non sông gấm vóc. Nhưng anh còn có một ý định thầm kín hơn: khoe vợ. Vợ Cần mà anh đã có dịp thấy mặt hôm hăm bảy tết, thực là xấu: má gồ, cổ đen, môi vẩu điểm cho miệng một vẻ chua ngoa. Có lẽ vì thế mà Cần không bằng lòng khi thấy vợ lên tỉnh. Vịnh tự phụ khi so vợ bạn với vợ mình; vợ anh trẻ, đẹp, có đôi mắt đen láy và hàm răng đen nhưng nhức. Anh vâng lời cha mẹ lấy người đó, không đắn đo, không suy nghĩ; nhưng khi cưới về rồi, anh chợt nhận thấy ở vợ một nụ cười có duyên và một luồng mắt dễ thương lạ. Đàn bà răng đen, anh cho thực đẹp, chứ những cô thiếu nữ thành thị, mỗi khi cười để lộ hàm răng "trắng hếu" ra, vô duyên quá. Vợ anh lúm đồng tiền ở một khóe môi, chỉ một khóe thôi, có một vẻ nũng nịu dễ yêu. Anh nhận thấy vậy, nhưng không dám khoe với ai, sợ người ta cười. Vợ anh lại ăn nói nhanh nhẩu, khi có bạn đến chơi, anh nhờ vợ đỡ lời cho nhiều, bởi anh hơi chậm chạp.
Quả vậy, đôi bạn vừa tới cổng. Vịnh chưa kịp lên tiếng mắng con vàng đương sủa ầm ĩ, vợ anh đã chạy ra đuổi chó, đon đả chào chồng và chào khách, đoạn mời:
- Hai anh vào trong nhà.
Chị nói tiếng "anh" một cách trơn tru, dễ nghe quá. Trong những giờ rủ rỉ ban đêm, chị lại còn âu yếm xưng "em" với chồng. Vịnh thì hay ngượng, chưa khi nào nói được một tiếng "em" với vợ.
Bước vào nhà, Cần thấy một người trẻ tuổi ngồi dựa ngửa trên ghế, hai chân chạng, lưng quàng ba đờ xuy tuy trời đã chớm sang hè. Vợ Vịnh giới thiệu:
- Đây là bác cháu... Thưa bác, đây là bạn học thầy cháu trên tỉnh về chơi.
Người đàn ông vẫn ngồi chạng, có cái vẻ bề thế hợm hĩnh của kẻ mới giàu. Ông ta bắt tay Cần, giật mạnh và rất lâu, rồi giơ tay, xòe rộng ngón, mời:
- Ngồi chơi.
Quay lại vợ Vịnh:
- Thím bảo chúng nó pha nước.
Rồi vừa hít từng hơi thuốc lá dài khiến thuốc đỏ lửng cháy vèo vèo, ông ta hỏi, giọng quan trọng của bậc che chở:
- Thế nào, lâu nay chú học ngoài tỉnh ra làm sao?
Vịnh chắp tay trả lời, thưa bẩm rất lễ phép. Ông anh gật gật liên hồi, nói mấy câu khuyên dạy chán ngắt rồi đi ra, sau khi đã xòe bàn tay cho Cần lượt nữa:
- Cậu cứ tự nhiên, nghe không, bạn chú nó, thì cũng như người nhà.
Vịnh để vợ ngồi tiếp bạn, xuống nhà dưới bế con. Đứa bé còn ngủ trong lòng bà nó nhưng anh bế xốc lên cho nó tỉnh dậy, rồi đưa lên nhà. Nó dở giấc, khóc ré lên. Vịnh nói nựng:
- ồ, ồ, tội nghiệp quá, nào thầy bế nào, con tôi nó như con chó ấy.
Anh duỗi tay nâng nó lên cao, đoạn rúc đầu vào bụng nó, tu miệng kêu liên thanh "blu blu". Thấy buồn buồn, hay hay, nó quên khóc, cười sằng sặc, trên mi còn đọng nước mắt. Tuy đùa với con, thỉnh thoảng anh liếc nhìn bên cạnh. Vợ anh tiếp bạn một cách niềm nở, miệng luôn luôn cười cho lúm đồng tiền một khóe môi và lộ hàm răng đen nhưng nhức. Chị rót nước chè tầu, bóc thuốc lá mời. Chị bóc mất cả mặt trên phong thuốc; Vịnh định sẽ dạy cho vợ biết rằng chỉ bóc một góc thôi mới nhã, mới hợp lối tỉnh thành. Ra tỉnh mấy tháng ít ra anh cũng học được một điều khôn chứ! Chị nâng chén nước trong hai tay, mời khách rồi lại mời chồng. Cần khen đứa bé:
- Kháu quá nhỉ!
Chị đáp:
- ấy là một độ vì lên sởi, cháu nhác chơi, chứ trước kia nó hay đáo để. Nó bập bẹ tập nói, ai giật lấy vật gì trong tay, nó đã biết chửi "Cha! Cha!" rồi nó giơ tay nó quào vào mặt người ta.
Vịnh trao đứa bé cho Cần, nói:
- Con để bác bế tý.
Đứa bé xòe những ngón tay bột nặn ẩy mặt Cần ra. Vịnh cười, nói rất to như để cho nó hiểu:
- Bác đấy mà! Bác đấy mà! Bác học trên tỉnh cùng lớp với thầy đấy mà!
Nhưng thằng bé không chịu cho người lạ mặt bế, oặn người giẫy nẩy. Vợ Vịnh vội đỡ lấy con. Chị nói:
- Khi nào nó đến tuổi cắp sách đi học, thì thầy nó và bác đã ra khỏi trường chưa nhỉ?
Vịnh lẩm bẩm tính trên đốt ngón tay, và đáp:
- Nếu nó thông minh sớm thì không khéo cha con cùng học một trường đấy.
Vịnh lại bảo vợ:
- Chúng ta sắp có cháu rồi. Chị Cần có mang đã được ba tháng.
- Thế à? Thế thì vui nhỉ! Phúc đức quá! Nếu chị ấy đẻ con gái, thế nào anh chị cũng phải gả cho thằng Bình chúng tôi nhé.
Ba người cùng cười vui vẻ.
1940
Rút từ tập truyện ngắn Nằm vạ,
Nxb.. Đời nay, Hà Nội, 1941

Xem Tiếp: ----