Thường khi, giữa câu chuyện êm đềm, Thu ngừng lại. Nàng gọi sẽ: "Anh!" và nhấc bàn tay chồng đặt lên bụng mình. Thảo hơi nghiêng đầu nghe ngóng. Bàn tay chàng chum chúm để theo đường tròn căng của bụng vợ. Chàng cảm thấy rõ một cục lồi chạy dưới da người đàn bà rồi lặn đi đâu mất. Hai vợ chồng im chuyện, mỉm cười nhìn nhau.
Hồi lâu, Thảo nói: "Thằng cha bạo tợn nhỉ". Chàng hơi có chút kiêu ngạo cảm thấy một mầm mống của mình đang nẩy nở một cách xem chừng tốt tươi mạnh mẽ, trong lòng che chở và êm ái của người vợ yêu. Thu đáp: "Thằng này rồi tha hồ mà nghịch". Những cựa quậy của bào thai làm nàng hơi khó chịu, như thể có cái gì xáo lộn trong ruột gan, có khi làm nàng đau nữa. Nhưng cùng một lúc, một niềm êm dịu ngọt ngào dâng lên trong lòng nàng, theo với cái tình mẹ vừa trỗi dậy lần đầu.
Hai người lại im lặng. Hai tâm hồn rung động trong một ý nghĩ xinh tươi. Đứa con đầu lòng! Đôi vợ chồng son, ái tình còn mới như tờ giấy trắng, còn thơm mùi rượu ngọt và bánh cưới, đang đợi, không bồn chồn, không nóng nảy, một trẻ tí hon có cặp má hồng tươi như lòng vui của họ, và lời bập bẹ sẽ nói cho họ những tình yêu đương.
Đôi khi, Thảo áp tai lên bụng vợ, chàng nghe quả tim đứa bé đập, đập tíu tít như một cái đồng hồ tay. Chàng tưởng tượng ra dáng điệu co quắp của nó trong lòng mẹ. Chàng bắt đầu có cảm tình với cái mẩu người nho nhỏ, gần chàng lắm lắm mà vẫn còn xa chàng bao nhiêu! Làn da căng của bụng người mẹ ngăn hẳn với mảnh hình hài mà chàng nghe được nhịp sống và sờ thấy những cử động.
Thu đi qua thời thai nghén bình thường; nàng năng cử động, biết cưỡng cái uể oải tự nhiên của người đàn bà mang nặng, để chăm sóc việc gia đình.
Một buổi trưa, sau bữa cơm, Thu nói với chồng: "Anh đưa em vào nhà thương. Có lẽ em đã đến kỳ". Hỏi ra, Thảo mới biết Thu bắt đầu chuyển đau từ sáng. Vẻ bình tĩnh của vợ khiến chàng không ngờ tới điều gì.
Đến chiều, Thảo đi làm về ghé vào nhà thương, thấy vợ đứng nắm hai tay vào cọc mùng, tóc rối trước trán, da mặt hơi xanh. Chàng biết nàng đang chịu một nỗi đau mãnh liệt. Vốn can đảm, nàng không kêu khóc, không rên rỉ, nhưng ngón tay nàng bấu chặt cọc sắt, trán nàng toát mồ hôi lấm tấm, và Thảo nghe tiếng thở hổn hển mà nàng cố nén. Vâng lời cô đỡ, Thu không nằm, gượng đi lại để cho sự sinh nở dễ dàng. Chân không, nàng bước vơ vẩn từ góc này sang góc kia, có vẻ ngờ ngạc, gần giống như một kẻ điên. Bỗng nàng gẫy đôi người, vịn lên thành giường. Thảo vội vàng tới đỡ ngang mình vợ, nói những lời khuyến khích: "Em can đảm nhé! Em có muốn làm vui lòng anh không?".
Thu gật đầu và còn cố mỉm một nụ cười để an lòng chồng.
Bà dì Thảo và người chị của Thu túc trực trong phòng. Bà dì có vẻ bình thản. Mụ nhà quê ấy đã dự xem nhiều đám đẻ. Con gái, con dâu, cháu gọi bác, gọi dì, cháu bên nội ngoại, hễ sắp đến kỳ sinh nở lại nghĩ đến bà. Bà ở đợ nơi nhà con cháu, chăm sóc cho đứa bé lọt lòng; khoảng chừng vài mươi hôm một tháng, có người khác mời, bà lại xách nón ra đi, nói: " à, ra cái dân An-nam mình hay đẻ thực!".
Khoảng nửa đêm, Thảo bị đánh thức dậy. Còn lơ mơ chưa tỉnh hẳn, chàng nghe tiếng bà dì nói tự ngoài cửa: "Sinh con trai rồi".
Chàng vội nhảy ra khỏi giường, khoác áo đi vào nhà thương.
Đêm phòng thủ buồn tênh. Phố tối om, điểm từng chặng xa một cái nón ánh sáng úp chụp xuống mặt đường. Khi chàng đi vào trong vòng sáng, đôi vai vàng rực lên và chàng tỉnh hơn một chút. Những bóng trăng trắng nằm dài hai bên lối đi của nhà thương: đó là những người bệnh nhẹ nằm ngoài trời lấy gió. Thảo cố tìm xem trong mình có những cảm giác gì. Nhưng thần trí chàng, bị rứt dậy giữa giấc ngủ êm tĩnh, chưa thật tỉnh táo hẳn, và cảm giác cũng như còn mơ màng chưa dậy lên. Chàng chỉ thấy hơi khó chịu vì bị cái nhức nhối làm nặng đầu, như chàng thường có khi thức khuya.
Ngôi nhà hộ sinh sáng choang đèn; ánh sáng làm cho tỉnh hẳn.
Thảo thấy vợ nằm duỗi thẳng trên giường, vẻ tỉnh táo và khỏe mạnh. Chàng nắm tay Thu; nàng mỉm cười đưa mặt về phía cái nôi. Thảo vạch cánh mùng: giữa những tã và gối trắng tươm, nổi một cái mặt tròn vạnh đỏ hỏn to bằng nắm tay! Thu nói: "Nó sinh lúc hai giờ kém mười lăm. Cân được ba lô sáu".
Một niềm kiêu căng dãn bộ ngực vạm vỡ của chàng. Ba lô sáu, một đứa con so! Thực là một sự thành công tốt đẹp. A, đứa bé đã xứng làm con cha mẹ nó. Thảo thì ham chuộng thể thao, và Thu vốn là con gái đồng quê, hồng hào mạnh mẽ.
Thằng bé nằm im, hai mắt nhắm trông như hai sợi chỉ đen. Tóc thưa, đen, dài và mềm dán trít vào da đầu, ngọn quăn lên. Chàng hỏi:
- Thu có sinh dễ không?
Thu đáp:
- Cũng dễ. Mà tài chịu đau lắm. Cô đỡ khen Thu giỏi, có khi đau quặn mà chỉ một tiếng "chị ơi!".
Bà dì tiếp:
- Có lần nó nắm lấy cọc mùng bảo tôi: "Dì ơi dì, tôi bẻ cái cọc đi đây". ấy thế mà một hồi sau trèo lên giường ngủ quách.
Thu mỉm cười, nhắm mắt làm ngủ.
Vừa nghe chuyện, Thảo vừa ngắm đứa trẻ thơ. Chàng hơi ngạc nhiên vì không nhận thấy một cảm tưởng, một rung động gì mới lạ cả. Chàng tự nhủ thầm: "Đứa bé nằm đó là con mình, con Thu, là máu mủ của mình", nhưng vô hiệu. Chàng chỉ cảm thấy trong lòng chàng quằn quại một nỗi băn khoăn mà rồi chàng tìm duyên cớ: không đành lòng vì cái lạnh lùng vô lý của mình, chàng đã cố sức tìm lấy một chút thiện cảm, và sự gắng sức đó chỉ tổ làm cho bực dọc. Phải rồi, chàng chưa cảm thấy, bằng tim, mối liên lạc giữa chàng với thằng bé, cũng nhàm như những đứa sơ sinh khác mà chàng đã có dịp thấy. Nó chưa có một nét gì riêng: cũng bộ má tròn phì phị, đôi mắt sưng húp, làn da đỏ hửng, và cái vẻ mãn nguyện, gần như để ghét, của kẻ no nê.
°

*

Ngày thứ hai của thằng bé, Thảo vào thăm bỗng ngạc nhiên. Mặt nó đã nhỏ đi. Bà mẹ vợ được tin vừa xuống tỉnh chiều hôm qua, giảng: "Nó bớt ụ sữa, cứ bé dần". Những nét của thằng bé tinh tấn hơn, làn cong vành má dãn ra, mũi nổi rõ, đôi mắt bớt sưng. Mầu da trở sang hồng hồng. Nó bắt đầu dễ trông và dễ thương.
Giữa đồ vải trắng, mặt nó như một đóa hoa lớn. Hơi thở phập phồng rất nhặt nâng mạnh áo hàng Kim cương mịn màng, làm óng ánh những dọc tơ. Thỉnh thoảng nó giật mình rất mạnh, hai tay giơ lên không trong một dáng điệu tuồng ngón xòe rộng. Bà nhạc Thảo lấy chăn dày đắp lên người nó: "ở trong bụng mẹ, nó nắm chặt; bây giờ ra ngoài, cử động trong không khí thung dung chưa quen, nó hay giật thột".
Cô đỡ vừa tắm cho nó hồi nãy, đứng nhìn, nói:
- Con so như thằng này khá, được ba lô rưỡi.
Thảo hỏi:
- Thế mà ai bảo ba lô sáu?
Chàng với lấy tấm fishe treo trên giường, thấy ghi 3kg460. Ra chị Thu nghe lầm. Thế là tự nhiên thằng bé sút mất hơn trăm gam. Chàng nghĩ: "Thôi cứ kể là ba lô rưỡi cho chẵn". Chàng mỉm cười bất chợt thấy sự tính toán con nít của mình để ăn gian cho con.
Cô đỡ nói:
- à, thầy đặt tên cháu chưa? Trên phòng giấy hỏi để làm giấy tư ra tri bộ.
Làm vẻ bối rối, chàng đáp: "Để cho nghĩ đã chứ". Thực ra chàng đã soạn sẵn hai ba cái tên rồi. Hay nhiều tên hơn nữa: chàng có cả một chuỗi tên, mà chàng cho hoặc đẹp và nhã, hoặc hùng, để gọi những nhân vật trong tiểu thuyết chàng định viết. Chàng sẽ mượn ở đó một tên cho thằng bé. Chẳng hạn: Tuấn, Phi, Linh.
Hồi lâu, chàng nói, như cách bàn với cô đỡ:
- Tôi gọi nó là thằng Tuấn đấy?
Chàng quay lại mẹ vợ:
- Mẹ có ưng không?
Bà cụ đáp - vốn là người đàn bà nhà quê khôn ngoan khéo léo, bà quen dè dặt, rào đón:
- Tôi thì thế nào cũng xong. Cốt hai cụ bên nhà ưng thuận là được.
Thảo nói với cô đỡ, để ngừa cuộc bàn cãi chắc hẳn làm phiền rầy:
- Cô cứ khai hộ cho tên là Tuấn, Hoàng - Công - Tuấn.
Thằng bé ngủ rất yên. Nhưng có lúc, nó dệch miệng mở hoác một khoảng trống mầu bầm bầm trong đó lo le cái đầu lưỡi; đồng thời tất cả mặt nó nhăn nhó, thịt đùn quanh hai mắt sưng vồng, đã đỏ tía lên. Người ta tưởng nó sắp bật khóc dữ dội. Nhưng nét mặt thơ tự nhiên lại dãn ra, trở lại bình thường, và nó lại nằm ngủ yên. Mẹ Thu ghé xuống nói nựng:
- ơ hơ! Các bà mụ vừa mắng cho. Xấu!
Bà hỏi Thảo:
- Anh trông xem nó giống ai?
Thu nói:
- Con mắt và cái miệng giống của anh.
Thảo không thấy giống nhưng chàng sẵn lòng không tin ở sự xét đoán của mình, và ưa cho Thu nói đúng. Bởi một ý muốn còn mơ hồ về sự nối dõi, chàng thích tìm thấy lại nơi đứa con hình ảnh của chàng. Tuy vậy, chàng cũng nói:
- Anh không thấy giống.
Thằng bé tỉnh thức, vươn vai cẩn thận tay giơ duỗi có vẻ lắm. Thảo ngây thơ kêu lên một tiếng khen phục. Chàng không ngờ thấy cái cử động người lớn ấy ở một đứa bé mới có hai ngày sống. Chàng nghĩ thầm: "ừ, mà hôm qua nó biết hắt hơi nữa kia đấy!".
Mở mắt ra bị chói thằng bé hấp háy rất buồn cười. Chị Thu bỏ mùng xuống để làm nhẹ bớt ánh sáng. Thảo bèn vén cánh mùng mà nhìn: chàng bắt đầu chú ý đến con. Thằng bé trương mắt lên: nhưng mi còn dày quá, cưỡng lại, nên con mắt chỉ mở được ít và lấy hình tam giác; Thảo liên tưởng đến một người bạn nữ khán hộ mắt một mí, nghĩ thầm: "Như thế thì không được đẹp". Chàng tự hỏi: "Nó có thấy gì không nhỉ?". Chắc cảm giác thằng bé còn khờ dại, mơ hồ, cũng như những cử động nó vẫn non nớt, chỉ phác nửa chừng, cả đến khóc cười, sự biểu diễn cũng chưa được hoàn toàn, nên mới có những cái mếu bị treo lửng.
°

*

Mẹ Thảo ở ngoài nhà quê, được dây thép báo, vào tỉnh thăm cháu. Thằng bé ở nhà thương được một tuần, bà cho đưa về nhà. Bà bồng thằng bé một cách gượng nhẹ khéo léo, sai mua hoa chuối Thu ăn cho nhiều sữa, cấm nàng nằm nghiêng: "Mới sinh xong, trong người cái gì cũng lỏng lẻo, cử động mạnh hoặc nằm nghiêng có thể làm lệch lạc đi. Hồi chúng tôi ở cữ, cứ phải nằm sấp mà ăn kia đấy".
Mẹ Thu nối lời:
- Bà nói phải. Bây giờ họ bỏ đi nhiều, chúng ta ngày xưa biết kiêng hơn, bà nhỉ.
Bà dì nâng dái thằng bé lên:
- Hai bà xem, con nít thế này thì dễ nuôi: có một vạch dọc nơi dái.
Thảo bật cười. Nhưng chàng thấy lòng yên và vững. Chàng tin ở sự thông hiểu của ba người đàn bà đã có hai mươi năm kinh nghiệm về sự nuôi con.
Một chị bạn nhà quê, nghe tin Thu đẻ, xuống tỉnh hồi sớm. Chị ta tức tốc đi mua vải, về nhà Thu ngồi xổm trên giường, dọn ở mủng ra nào kéo, nào kim chỉ, cắt cắt, may may, trông bộ xăng xái. Đôi khi Thảo liếc nhìn và mỉm cười cảm động nghĩ đến những tình bè bạn đàn bà, xinh nhỏ hay hay, lơi lơi mà bền bỉ, kết bằng những sự biếu xén vặt, những ý ân cần tủn mủn như tính họ.
Thằng bé nhỏ đi trông thấy. Khuôn mặt dài hơn, đường môi vẽ rõ và Thảo bắt đầu nhận thấy miệng nó giống của mình. Hai mắt bớt sưng, to ra, đã có vẻ ngơ ngác của kẻ bỡ ngỡ nhìn đời. Thảo thường bắt chợt mình ngồi ngắm nó rất lâu. Cái con bọ đỏ hồng ngo ngoe ấy thế mà biết gây thiện cảm. Trong lòng chàng nẩy nở một niềm trìu mến còn nhẹ nhàng nhưng rộng rãi. Chàng biết trước sẽ yêu thương nó, bằng một tình riêng biệt. Đó không phải là tình yêu thương như ta thường có với bất cứ trẻ nào bởi chúng xinh xắn dễ thương; chàng nghe rõ lòng cha thức dậy dần dần, đã sẵn sàng nhân từ và che chở. Chàng chưa nghĩ hẳn đến việc nuôi dạy con, rèn cho nó một tính khí và gây cho một nghề nghiệp; nhưng chàng bắt đầu có mối ân cần mơ hồ đến tương lai nó; chàng đã tự hỏi thầm: "Nó sau này rồi ra sao nhỉ?".
Tình cảm đến dần, nó hơi chậm chạp. Nhưng có lẽ nhờ thế mà nó sẽ thêm sâu bền. Thảo biết trước cả một niềm hoan hỉ đang đợi chàng.
Thằng bé vươn vai, giơ lên hai cánh tay tròn bé xíu da rất mịn màng và trắng hồng. Nó nhăn mặt bật khóc, đỏ tía cả mặt lên. Mẹ Thu bảo: "Cho nó bú đi thôi. Đói rồi đấy". Bà nâng cháu, trao nó cho Thu. Thu dịch lui ngồi tựa vào tường, kéo yếm để lộ bầu vú căng có những đường máu xanh và ở giữa, nhô một mụn tròn lớn nâu sẫm. Lần đầu Thảo thấy vợ cho con bú. Nhưng cử chỉ Thu tự nhiên bao nhiêu, khiến chàng không hề thấy lạ mắt. Tưởng như từ khi trời sinh ra mình làm con gái, nàng đã học lấy cái cử chỉ muôn đời của người mẹ ấy rồi.
Thảo xáp lại gần. Thằng bé háu táu mút, làm rõ những tiếng chúp chíp. Miệng nó mở hết sức để trùm được cả núm vú, khiến hếch làn môi hơi thẫm và ướt nhẫy. Thảo ghé hôn lên má nó. Chàng nghe mùi sữa hoi hoi ngòn ngọt xuất tự cái miệng tí hon và tự yếm áo người mẹ.
In trong Giai phẩm Đời nay.

Xem Tiếp: ----