Vài năm trước có người bảo diễn viên ca múa dân tộc mặt chẳng bao giờ cười, ông bầu hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cười đáp: - Cái màn đó gọi là " Cung nữ oán ", cung nữ đương nhiên mặt mày phải sầu khổ chứ! Nhưng sau đó diễn đến màn " Vui gặp gỡ ", " Sống lâu muôn tuổi " mặt mày các nàng vẫn ủ dột như cũ, không hiểu ông bầu kia sẽ nói thế nào? Trước kia tôi cũng từng nghĩ rằng có lẽ cái giống da vàng sinh ra không biết cười, hoặc không thích cười. Nhưng đến Nhật Bản rồi tôi mới thấy họ cũng da vàng mà lại biết cười một cách hoan hỷ. Ngoài cô lái xe cười, các cô gái điều khiển cái thang máy đơn điệu và giống cái quan tài kia cũng biết cười; bởi vậy tôi mới giật mình. Thế là tôi lại đi tìm cái nguyên nhân làm cho mặt người Trung Quốc không cười được đó. Có thể 100 năm nay chiến tranh liên miên, khóc đã quá nhiều, giống định luật chọn lọc tự nhiên của các nhà sinh vật học, người Trung Quốc chỉ biết học khóc mà dần quên mất cười để đối phó với thời cuộc đói khó. Bộ mặt thiếu cười của người Trung Quốc là một đe dọa cho sự nghiệp du lịch. Cái ảnh hưởng xấu nhất của nó là thái độ của người Trung Quốc đối với người lạ. Tôi đã từng đi khắp các tỉnh Trung Quốc và thấy rằng, ngoài Bắc Kinh, không có nơi nào không có hiện tượng " bắt nạt người lạ ". Con người là một loại động vật biết cười. Nhưng những cô y tá, những cô bán vé xe người Trung Quốc lại là một ngoại lệ. Về việc này hơn 10 năm nay mọi người đều than vãn nhưng cái bộ phận quản lý xe buýt và nhà thương quá bận về việc ăn tiền để có thể chú ý đến nó. Cứ xem tình hình này, trừ phi vứt tiền vào mặt họ, thì ngay cả ông trời cũng chẳng có thể cậy mồm họ ra cho họ cười được. Thực ra gương mặt những cô bán hàng bây giờ hầu như cũng có khá lên đôi chút. Ngay lúc anh bước vào cửa hàng, giống như con mèo thấy con chuột vào ổ của mình, đôi mắt nhỏ của các cô nhìn về phía anh chứa đầy những dò xét như đối với một địch thủ. Các cô bắt đầu bằng việc đánh giá áo quần của anh, và nói một câu gì đó kiểu: " ấy, cái này đắt lắm đấy! " Nếu anh hỏi: " Còn thứ gì tốt hơn nữa không? " thì sẽ được trả lời: " Còn đắt hơn nữa đấy! ". Tôi có một người bạn, thời còn học Đại học Ngoại ngữ, đến một cửa tiệm bán hàng ủy thác nằm trước mặt Trung Sơn Đường ở Đài Bắc. Anh lấy ra một cái áo len giá tiền tương đối đắt, 500 đồng để ngắm nghía. Người chủ tiệm sau khi nhìn kỹ huy hiệu trường học ở cổ áo anh đã nói không do dự: " Lúc nào cậu tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ xong, thành thông dịch viên lương mỗi tháng ít nhất là 500 đồng cái đã. Bây giờ cậu phải tiết kiệm chứ! " Kết quả đã hoàn toàn ngoài dự đoán của ông ta, vì người bạn tôi đã mua cái áo đó. Không có gì khổ tâm cho khách hơn cái việc sau khi vào xem một vài mẫu hàng trong tiệm rồi cáo từ đi ra không mua gì. Lúc đó từ chủ tiệm cho đến người bán hàng, nếu không lườm nguýt thì cũng thì thầm chửi rủa như vừa gặp trộm cướp, thái độ đều lộ rõ bên ngoài không hề giấu diếm. Thế mà có người bảo: " Có can hệ gì đâu! Bọn họ thấy người nước ngoài vào tiệm vẫn tươi cười đấy chứ! ". Nhưng ai cũng nhận thấy rằng sau khi du lịch phát triển, người nước ngoài vào nhiều, một vài du khách ngoại quốc nghèo cũng bắt đầu xuất hiện, lúc ấy cái thói cũ kia lại trỗi dậy. Và cách đối xử rồi cũng chẳng có gì khác biệt giữa người nước ngoài và người bản xứ. " Ngồi tắc-xi có máy tính tiền ở Đài Loan không cần cho buốc-boa! ", nếu có điều gì đáng quảng cáo rùm beng để kiếm khách du lịch thì đây là một. Vì vấn đề cổ động cho chuyện đừng có hai giá khác nhau vẫn là một chuyện không triển khai nổi. Phàm hễ mua đồ gì ở Đài Bắc, mọi người ai cũng có chung một nỗi lo sợ gặp phải giá cả trên trời dưới đất. Lúc trả tiền thực ra mình có bị lừa hay không? Cái đó thật chỉ biết trông cậy vào may rủi. Cho nên trước kia tôi có phát minh một định luật thế này: Để khỏi bị hớ, lúc có ý định mua tôi bắt đầu bằng cách trả một cái giá cơ bản thật thấp, mà tôi nghĩ với giá đó họ không thể nào chịu bán. Nhưng kết quả lại vẫn không như tôi mong đợi. Hôm trước tôi đi tìm mua một va-li da, thấy một cái đề giá 300 đồng, tôi cho rằng nó chỉ đáng 150 là cùng, chỉ có điều cái hình dạng của nó tôi không thích lắm nên chỉ trả cho có lệ là 70 đồng. Cứ tưởng nghe cái giá ấy, người bán hàng phải đi tự tử chứ làm sao bán được, không ngờ anh ta hối hả bảo: " Được rồi, ông lấy đi! ". Ôi thôi! không biết làm sao mà nói cho được về cái thiện ý và lòng thành khẩn của người Trung Quốc đối với những khách lạ. Con đường du lịch đâu phải chỉ để du lịch mà còn là con đường để học làm người nữa. Trích từ tập " Con lợn đẹp " ˜ ™