Lúc thầy Phong được cấp bằng làm thơ ký thì xứ Cà-mau điền địa còn hoang nhăn, nhơn dân thưa thớt. Tại chợ thì cuộc buôn bán tuy thạnh vượng, nhưng phố xá xịch-xạc, phố lá còn xen lộn với phố ngói, mà dầu ngói với lá căn nào cũng cũ, dãy nào cũng thấp, nên coi không có vẽ sung túc như cái chợ ở tỉnh thành. Thầy thông Trần Văn Phong xuống tới Bạc-liêu vào trình diện với Quan chủ Tỉnh rồi ngồi ghe mà đi Cà-mau. Quan phó tham biện, ngồi chủ quận Cà- mau đã có được dây thép cho hay trước rằng sẽ có thầy thông Phong xuống giúp việc, chừng thầy vào dinh thì ngài hỏi thăm sơ sài ít câu rồi cho phép thầy nghỉ hai ngày đặng kiếm chỗ ở yên rồi sẽ đi làm việc. Thầy thông Phong tới xứ lạ, không quen biết ai hết, nên lấy làm bối rối không biết chỗ nào mà nương ngụ. Thầy muốn dọn một căn phố mà ở, song thầy nghĩ tủ bàn ghế không có, nếu mướn phố lấy chi mà dọn. Đã biết mua đỡ ít vật cần dùng rồi dọn nhà sơ sài cũng được, mà có nhà rồi ai đi chợ nấu cơm cho mà ăn. Thầy tính tới nghĩ lui rồi mới quyết kiếm nhà ở đỡ một ít tháng rồi sẽ hay. Thầy tỏ ý ấy với thầy ký Của là người chơn chất ôn hòa, thầy thấy thầy thông Phong bối rối thầy cũng muốn rước về nhà thầy, ngặt vì thầy ở một căn phố chật hẹp mà tới bảy tám đứa con, lại vợ thầy mới sanh đẻ còn non ngày, sợ bất tiện cho bạn, nên thầy chỉ nhà bà Phó Mỹ và khuyên thầy Phong lại đó hỏi mà ở đậu, nói rằng nhà bà rộng rãi sạch sẽ, lại có hai mẹ con không có con nít rộn ràng. Thầy thông Phong nghe nói trong bụng mừng thầm, tưởng bà Phó Mỹ nầy là vợ Phó Tổng, chồng chết. Thầy hỏi thăm lần lần đi đến nhà bà, bước vô thì thấy nhà lá ba căn rộng rãi sạch sẽ, day cửa ra mé sông, còn phía sau thì có một cái vườn tuy cỏ mộc rậm rạp, song có trồng năm ba cây ổi, vài chục cây cau, với ít bụi chuối. Thầy thấy nhà không giàu, chẳng có một vật chi quí, thì trong bụng không được vui, song thầy không biết chỗ nào khác, nên bất đắc dĩ phải hỏi mà ở. Bà Phó Mỹ nầy khi chồng còn sanh tiền thì làm chức Phó xã, chớ không phải phó Tổng. Chồng mất đã gần mười năm rồi, để lại cho bà hai đứa con: đứa Lớn là con trai, tên Hai Thu, đã có vợ nên về ở theo quê vợ trong Cái-ngang, còn đứa nhỏ là con gái, tên Ba Điệp, khi ấy đã được 17 tuổi, chưa có chồng, nên ở hủ hỉ với bà. Bà tánh tình bãi buôi (10), tuy đã 55 tuổi rồi mà ăn nói nhặm lẹ, bởi vậy nghe thầy thông Phong hỏi ở đậu thì bà vui lòng cho liền, và xin thầy cho bà 8 đồng bạc cơm mà thôi. Bà hối con gái bà quét dọn cái buồng đầu trên cho thầy ở, và khuyên thầy đi lấy rương đem lại đặng sắp đồ ra mà thay đổi áo quần. Thầy thông Phong thấy bà niềm nở, bãi buôi như vậy, thì thầy hết bợ ngợ, mà cũng bớt buồn vì sự nhà bà nghèo và bà là vợ Phó xã chớ không phải phó Tổng. Thầy ở yên nơi rồi, chiều bữa sau thầy mới hỏi thăm nhà mấy thầy làm việc nhà nước tại Cà-mau đặng viếng thăm người ta mà làm quen. Thầy đến nhà thầy thông dây thép, nhà hai thầy giáo và nhà thầy ký làm một chỗ với thầy, thì thấy nhà nào cũng chật hẹp, đồ đạc sơ sài, ghế bàn lạm xạm, bởi vậy thầy có ý chê thầm. Chừng đến nhà thầy ký Trượng làm ở sở Thương chánh thì thầy ký không có ở nhà, mà cô ký ra tiếp rước rất vui vẻ, nên thầy ngồi nói chuyện chơi một hồi rồi mới đi. Thầy thấy trời chiều mát mẻ, nên thừa dịp đi dọc theo đường mé sông mà xem châu thành. Nhờ nước lớn đầy mà, nên dưới sông ghe xuồng qua lại dập dìu, lại cũng nhờ trời mát nên trên bờ người đi đông đảo. Nhưng mà thầy dòm coi phố xá leo heo, nhà cất thấp thỏi, chẳng giống như cảnh thầy tưởng tượng lúc ở nhà mới ra đi, nên trong lòng thầy không vui; mà nhứt là thầy thấy thiên hạ gặp thầy không ai chào, không ai xá, thầy làm chức thông ngôn mà đi chơi họ không kiêng nể; không trọng gì hơn một người khách Triều-châu kia thì thầy lại càng buồn hơn. Thầy nghỉ đúng 2 ngày rồi mới đi làm việc, nghĩ thầm rằng họ không xá mình ấy là mình mới đến họ chưa biết, để mình làm việc ít bữa rồi, nếu họ còn khinh thị nữa thì họ sẽ coi mình. Từ khi ở nhà ra đi, thầy cứ tưởng làm thông ngôn là sang trọng, hễ mở miệng ra thì trên quan nghe dưới làng sợ, nào dè thầy mới đi làm ngày thứ nhứt thì đã bị quan phó rầy hai lần, sớm mai thì nói thầy viết sai, buổi chiều rầy thầy viết chậm, mà lần nào rầy cũng rầy trước mặt làng tổng và lính hầu, bởi dầu họ không hiểu thầy bị quan rầy về lỗi chi, mà thầy cũng lấy làm thẹn thùa lắm. Quan phó Cà-mau tánh nết nóng nảy, lời nói cộc cằn, còn thầy thông Phong mới đi làm việc chưa thạo nghề, nên đứng thông ngôn còn bợ-ngợ, và cầm đơn đọc chưa lẹ làng, bởi vậy thầy bị rầy hằng ngày, có khi quan mắng là "đồ ngu“ rồi đuổi thầy tránh chỗ cho thầy ký Của thông ngôn thế. Nhiều bữa thầy ngồi viết mà ứa nước mắt, tưởng làm thông ngôn ký lục sang trọng hơn người, nào dè bị mắng nhiếc tối ngày mà cũng không thấy làng tổng kính trọng chi hết. Ngày trước thầy ao ước ham làm thông ngôn bao nhiêu, bây giờ chán ngán muốn bỏ mà về bấy nhiêu. Mãn giờ hầu rồi, về chỗ thầy ở đậu, thầy lại càng buồn nhiều hơn nữa; tuy bà Phó Mỹ vui-vẻ, còn cô Ba Điệp săn sóc miếng ăn chỗ ngủ, giặt dùm khăn vớ cho thầy, mẹ con lo lắng chẳng dám để cho thầy có chỗ phiền được, nhưng mà thầy nghĩ tới sự ở đậu nhà tên Phó xã, nghĩ không có nhà nào sang trọng đến làm quen, nghĩ không có ai xứng đáng đặng nói mà cưới và nhứt là nghĩ làm việc thì lãnh lương, chớ tổng làng không ai cho tiền bạc mà cũng không ai cho lễ vật chi hết, bởi vậy thầy thối chí nên dàu dàu không muốn đi chơi. Cô Ba Điệp tuy con nhà nghèo mà nước da trắng, gò má ửng hồng, hễ muốn nói thì miệng chúm-chím cười, tuy cô mặc quần áo vải bô song cô thường giặt sạch-sẽ. Lời nói của cô thì quê mùa mà giọng nói nghe dịu ngọt. Có một điều làm cho cô không ra người thanh nhã, là cô nhỏ tuổi mà mập quá, nên tay chân kịch cợm mình mẩy ô-dề (11), bữa nào cô vén quần mà đi sau vườn, thì thấy bắp cẳng của cô tuy trắng song lớn gần bằng bắp chuối hột. Từ ngày thầy thông Phong đến ở đậu nhà cô, thì cô vui-vẻ lắm, tối ngày đầu gỡ (12) láng nhuốt hoài, mà hễ chúa nhựt có thầy ở nhà thì cô lại bận quần lãnh lưng màu đỏ lòm, chớ không chịu bận quần vải, chẳng những là cô săn sóc miếng ăn, miếng uống cho thầy mà thôi, mà hễ thầy đi làm thì cô vô buồng quét dọn sạch sẽ, thấy áo quần thay còn vắt đó thì cô xếp lại cho tử tế, thấy đôi giày để giữa đường thì cô sắp lại cho ngay, thấy có cái khăn đôi vớ nào dơ, thì cô lấy giặt liền, chẳng cần đợi thầy cậy mượn. Bởi trong nhà không có mấy người nên bà Phó Mỹ xin phép cho mẹ con ăn chung với thầy. Mỗi bữa ăn, hễ có món nào ngon thì cô Ba Điệp thường để bên phía thầy ngồi, mà cô lại coi chừng hễ thầy ăn vừa hết chén cơm thì cô hờm sẵn đặng lấy chén mà xúc nữa. Một người trai nào khác, nếu thấy cử chỉ của Ba Điệp như vậy, thì chắc biết cô có tình riêng với mình. Thầy thông Phong chẳng hiểu là tại mơ ước cưới con Phủ, Huyện, Cai, Phó Tổng hoặc Hội đồng hoài, nên không ghé mắt ngó con gái nhà nào khác, hay là tại thầy buồn về sự quan không trọng dụng, làng tổng không kính nhường, mà cô Ba Điệp sốt sắng dường ấy thầy coi cũng như không, chẳng hề để ý vào chút nào hết. Một bữa chúa nhựt, bà Phó Mỹ bơi xuồng đi vô Cái-ngang mà thăm con trai bà. Ba Điệp ở nhà coi nấu cơm dọn cho thầy ăn. Cô mặc áo vải đen mới, quần lãnh lưng đỏ, cứ đi ra đi vô kiếm chuyện nói với thầy thông hoài. Thầy nằm trên võng mà coi sách, hễ cô nói thì trả lời, mà hễ trả lời thì ngó cô, ngó năm bảy lần rồi động tình, nên xếp sách để trên ngực không đọc nữa. Lúc dọn cơm rồi hai người ngồi ăn, thầy liếc ngó tay cô, tuy bàn tay kịch cợm, tuy ngón tù vù, nhưng mà nước da trắng nõn. Thầy ngó mặt ngó cổ, ngó mình cô một hồi rồi trong trí thầy không chê cô mập mà cũng không chê cô hèn hạ quê mùa nữa, thầm nghĩ rằng nếu mình muốn tình tự với cô nầy thì bữa nay cô ở nhà một mình, mình chọc dễ như chơi. Thầy nghĩ như vậy, mà chừng ăn cơm rồi thầy lại thầm trách lòng thầy không minh chánh; mình ở đậu nhà người ta, mình làm việc quấy không nên. Đã biết như mình có ve cô là chơi qua buổi mà thôi, chớ không phải vợ chồng gì, song làm bậy rủi ro cô có nghén rồi làm sao, mà dầu cô không có nghén đi nữa, rủi thiên hạ hay, mình mang xấu, rồi làm sao mà cưới con nhà sang trọng cho được. Thầy nằm nhắm mắt làm bộ ngủ, không thèm ngó cô, mà cũng không tính đến việc quấy nữa. Cô Ba Điệp tưởng thầy ngủ thiệt nên dọn dẹp dưới bếp rồi bưng thúng may ra để trước cửa ngồi mà vá áo. Thầy nằm một hồi, gió phất mát mẻ thầy ngủ quên. Đến xế thầy thức dậy rửa mặt rồi đi ra sau vườn, tính kiếm ổi hái ăn chơi. Thầy đương đứng vác mặt ngó trên cây ổi, bỗng đâu cô Ba Điệp chạy ra hỏi rằng: Thầy thông muốn ăn ổi hay sao? Để tôi leo tôi kiếm ổi chua tôi hái cho. Cô vừa nói vừa tuốt lên cây ổi. Cô hái được một trái ổi chín rồi kêu thầy biểu đưa tay đặng cô liệng xuống cho thầy bắt. Thầy bắt hụt, cô ở trên cười ngất mà nói rằng: - Thầy dở quá, đã tới tay rồi mà còn để cho rớt! Thầy lượm trái ổi cắn ăn mà còn ngó nhánh ổi đặng kiếm nữa. Cô hái được một trái khác, rồi bỏ vào túi mà leo xuống. Lúc xuống gần tới đất, hai chơn thì đeo gốc ổi, hai tay thì níu nhánh, cái mình cô gie13 ngang, vạt áo sau bùng ra lòng thòng bày lưng quần đỏ lòm, lại bày luôn một khúc da trắng nõn, làm cho thầy đứng dưới ngó động tình dằn không đặng, nên đưa tay ôm ngang bụng cô. Thầy vừa ôm cô, thì cô buông hết tay chơn, nên té ngửa trong mình thầy, may thầy ôm chặt và đứng vững chớ không thì cái vóc lớn của cô ắt phải đè thầy té ngửa. Cô vừa đứng xuống đất thì thầy buông cô ra. Cô day lại ngó thầy miệng cười chúm chím. Thầy mắc cỡ mà lại ăn năn, nên day mặt chỗ khác mà nói rằng: - Tôi thấy cô níu nhánh ổi quằn quá, tôi sợ nhánh gãy cô té, nên tôi đỡ cô. Đừng leo như vậy nữa, rủi té chết chớ phải chơi sao. Thầy nói dứt lời rồi xây lưng bỏ đi vô nhà. Cô Ba Điệp nghe mấy tiếng vô tình vô vị ấy thì cô không vui. Cô đứng dưới gốc ổi mà suy nghĩ một hồi rồi thủng thÒ·ng đi vòng ngả sau mà theo vô. Chừng cô bước vô cửa sau, thì thầy đã đội nón bước ra cửa trước mà đi chơi. Đến chiều bà Phó Mỹ về, còn thầy thông đi chơi đến tối mò thầy mới về ăn cơm. Từ ấy về sau thầy chÒ·ng hề ngó cô Ba Điệp nữa, mà dầu cô kiếm chuyện hỏi, thì thầy cũng không muốn trả lời. Thầy thất chí nên phận thầy không vui đã đành rồi, mà thầy lại làm cho cô thất vọng nên cô buồn luôn theo nữa. 10 ngọt dịu, mau mắn vui vẻ 11 to lớn, thô tục 12 chảy 13 nghiêng