Quê tôi ở Giang Tây, một nơi chuyên sản xuất đồ sứ, đồ sành danh tiếng ở Trung Hoa. Ngày xưa, tôi chỉ là một nắm đất mịn, người ta dành riêng cho những người thợ khéo nặn thành chúng tôi: những món đồ gốm xinh xinh, nho nhỏ, dùng để gắn vào hòn non bộ, núi giả, trang hoàng cho bể cá, vườn hoa.
Người thợ khéo tay đã để hết tâm tư nặn tôi thành một túp lều tranh rất nên thơ. Mái tranh lưa thưa, thấy rõ từng mảng xếp lại, nung thành một mầu nâu rất thanh nhã. Vách tre đan cũng nổi bật với ánh men vàng nhạt. Bên cạnh, lại còn một chái con làm tăng thêm vẽ duyên dáng. Sau khi ra lò, người ta chở chúng tôi đến Hương Cảng, bày trong tủ kính một tiệm bán đồ chơi và trang hoàng nhà cửa.
Cùng chung với tôi, còn có những cái tháp chín từng, nhiều đỉnh lục giác, bát giác, chú tiều gánh củi, mấy chiếc thuyền nan, bầy hạc gầy đang múa, chú bé chăn trâu, các đạo sĩ mặc áo bào cầm quạt phe phẩy, các cô tiên nữ rắc hoa, hay tay xách giỏ lam hái thuốc. Người mua mang chúng tôi đi lần lần, cho đến khi còn lại rất ít. Chúng tôi bị dồn ép vào một cái hộp giấy cất dưới gầm tủ, lấy chỗ bày hàng mới khác.
Tội nghiệp cái hộp bụi đóng dày vì đã bị bỏ quên bao nhiêu ngày tháng tôi không nhớ. Một hôm, tôi được mang ra ánh sáng. Một bàn tay đàn bà chia chúng tôi ra từng loại. Sau khi trả giá xong, người ấy mua mỗi thứ một món, trong đó có tôi, túp lều tranh cuối cùng.
Tôi được chủ mới mang về nhà. Nàng ở một gian nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, xinh xắn ở ngoại ô bán đảo Cửu Long. Nàng đặt tôi lên bàn, gọi hai cô bé con độ 7,8 tuổi đến xem. Hai cô bé đang bận ăn cam, nên chỉ ngồi yên liếc mắt nhìn. Một cô hỏi:
• Me mua tụi chúng nó làm gì hở me? Mua cho tụi con chơi phải không?
• Không. Me mua giùm cho ông Bình Nguyên.
• À. Ông Bình Nguyên mình quen lúc ở Saigon. Ông ta nhờ mua à? Sao me không lựa cái nhà lầu mười tám từng cho đẹp? Nhà tranh, mưa to dột ướt hết!
• Ông ấy là văn sĩ, nên chọn nhà tranh thơ mộng hơn. Gắn một cái nhà lầu mười tám từng vào hòn non bộ, trông có vẻ “ phàm phu tục tử” lắm.
• Tại sao ông ấy không mua ở Saigon hở me?
• Cố nhiên là vì không có nên người ta mới phải nhờ mình.
Cô bé nhăn mặt:
-Cam hôm nay hơi chua me ạ.
-Con nào ngoan, cho me một miếng?
Hai cô bé tranh nhau đưa cam đến miệng mẹ, nhưng cô nào cũng lấy ngón tay chận múi cam lại một nửa, ra dấu chỉ được cắn đến đấy.
• Tại sao me không mua cam nhiều một lúc hở me? Một hào một quả, một đồng mười hai quả, có phải lợi hơn không?
• Con giỏi lý sự, giỏi toán, me khen đó nhưng me thấy không lợi tí nào. Mua bao nhiêu con cũng ăn hết trong một ngày.
• Đằng nào cũng vào bụng con.
• Nhưng con ăn hết, phần hôm sau không có, con lại nhõng nhẽo, me không chịu nổi!
Cô bé ăn xong lau tay hỏi:
• Sao me không mua phần me? Ngày nào me cũng xin con mời me một miếng.
Chủ tôi không trả lời, chỉ mỉm cười nhìn hai cô bé cố gắng nói tiếng mẹ đẻ. Nàng chăm chú và gượng nhẹ gói chúng tôi, chêm từng món riêng biệt rất cẩn thận. Ngay chiều hôm ấy, nàng đem ra Bưu điện gửi. Người ta sẽ đưa tôi xuống tàu chở đi Saigon, nơi được mệnh danh là “ Hòn Ngọc Viễn Đông”. Sau mấy ngày lênh đênh trên mặt bể thuận buồm xuôi gió. Chúng tôi đổ bộ bình yên.
A! Saigon đây rồi! Tôi được mang đến Bưu điện để gặp mặt chủ mới của tôi: Ông Bình Nguyên. Nhìn qua khe hở, tôi thấy ông đang nói chuyện với một nhân viên.
• Lỗi tại tôi không nói cho bạn tôi biết tên thực. Cô ta đã đề bút hiệu của tôi. Bây giờ, có cách gì...
• Theo thủ tục, tên không đúng theo thẻ kiểm tra, chúng tôi không thể cho ông nhận được. Bây giờ ông viết thư bảo bạn ông gửi đơn về cho Bưu Điện, chứng nhận gói hàng này gửi cho ông,và đề cả hai tên.
Tôi nhìn chủ tôi thấy nét mặt không vui. Phải, còn gì khó chịu hơn khi món hàng mơ ước của mình nằm sờ sờ ra đấy, và “ đại danh“ văn sĩ của mình ai cũng biết, cả nước biết, hải ngoại cũng biết, thế mà vì bút hiệu không phải là tên ghi trong thẻ Kiểm Tra nên đành chịu thở dài ra về.
Ôi! Bút hiệu ơi là bút hiệu! Ai sinh ra mi??? Tôi nằm yên trong hộp, cũng thở dài và tự dặn mình: ” Cố gắng tin tưởng! Níu chặt hy vọng! Còn hai tuần nữa, chỉ hai tuần nữa thôi, tôi sẽ được về với chàng!”
Người ta mang tôi ném vào kho, và đúng hai tuần sau lại mang ra gian phòng cũ, với những nhân vật cũ.
• Bạn tôi có thư cho tôi hay là đã gửi đơn chứng minh về cho Bưu điện rồi.
Người nhân viên trả lời có vẻ miễn cưởng:
• Phải, chúng tôi có nhận được, nhưng.... đã đánh mất rồi! Bởi vậy, rất tiếc...
• Nhưng ông đã nhận được thư chứng minh của bạn tôi, nghĩa là đủ chứng cớ cho tôi được lãnh hàng.
• Không may Bưu điện đánh mất rồi!
• Các ông đánh mất chứ có phải tôi đánh mất đâu!
Người nhân viên nhún vai:
• Tôi chỉ biết phải trả về sau khi quá hạn mà ông không nhận.
Thanh niên nói như gắt:
• Tôi nhận chứ sao lại không? Tại ông không cho tôi nhận đấy chứ!
Hai ba tiếng thở dài chứng tỏ sự rắc rối kia thực là ngu si vô lý. Mà nạn nhân dù có một trăm miệng cũng không cãi lại nỗi. Chính tôi cũng thở dài tự thương thân. Tôi đã vượt qua bao nhiêu làng xóm, thành phố, núi sông,biển cả, để đến với chủ tôi, người nghệ sĩ đã từ lâu mong ước những món đồ gốm trang trí đặc biệt này. Bây giờ gặp nhau rồi, chúng tôi vẫn còn bị thủ tục, và cái luật “ bất thành văn” của Bưu điện ”tha hồ đánh mất vô tội vạ” ngăn cách.
Lần gặp gỡ thứ ba, tôi không dám nhìn chàng, chỉ lắng tai nghe chàng nói:
• Bạn tôi viết thư chứng minh gửi về rất sớm, nhưng bị ông làm khó dễ không cho nhận. Bây giờ, chính ông để cho quá hạn mới gọi tôi đến lãnh và bắt tôi nộp tiền phạt và tiền kho. Vô lý đến thế là cùng! Tôi chạy theo cái gói này đã tốn mấy trăm bạc tắc xi rồi, ông có biết không?
• Ai bảo ông đi tắc xi? Tại sao ông không đi xe nhà có đỡ tốn hơn không?
Tôi nằm trong hộp giấy cũng muốn bật cười. Cái anh chàng này, nếu không ngu nhất đời, thì cũng là một tay khôi hài siêu đẳng! Tôi chợt nhớ đến câu chuyện không xưa lắm nghe kể lại. Một ông vua nọ, được báo cáo dân chúng bị mất mùa không có cơm ăn, chết đói rất nhiều, Vua bèn bảo: “ Chết đói à? Không có cơm ăn, tại sao không ăn cháo thịt bò!”.
Anh chàng khôi hài như thế mà chẳng ai cười cả. Hai người nhìn nhau như hai võ sĩ giữ miếng trên đài.
• Thế ông nhất định không nhận?
• Ông bảo tôi nhận sao được. Trong ấy chỉ có mấy món đồ đất nặn. Một túp lều tranh giá bao nhiêu ông biết không? Bốn cắc bạc Hồng Kông, nghĩa là hơn bốn đồng bạc Việt Nam. Thế mà tôi đã chạy hết mấy trăm bạc tắc xi với nó rồi. Bây giờ còn phải nộp thêm mấy trăm bạc thuế, tiền kho và tiền phạt nữa. Tôi điên chắc!
Thế là người ta lại ném tôi vào kho để đợi ngày gởi trả về nơi tôi ra đi. Nằm dưới hầm tàu, tôi nghĩ ngợi rất nhiều và bỗng đâm ra tin số mệnh. Quả thực là “ vô duyên đối diện bất tương phùng”. Tôi và chàng có cách xa nhau bao nhiêu nữa đâu! Quê hương, non cao, bể rộng, biên giới, quốc gia, tôi đã vượt qua tất cả, nhưng chỉ được nghe giọng chàng nói và nhìn chàng qua khe hở. Bất giác, tôi thấy bẽ bàng như một thiếu nữ đã nhận đủ sáu lễ của nhà trai, chỉ còn thiếu có một chút “ ngày lành tháng tốt” mà đành bị lỡ duyên.
Một buổi trưa nắng gắt, tôi được mang ra ngoài kho. Tội nghiệp cái hộp giấy bẹp dúm nhiều chỗ vì bị di chuyển không một chút xót thương gượng nhẹ. Tôi nằm yên bên trong, hoàn toàn phó thác số phận cho những bàn tay ai đó. Nhìn qua khe hở, tôi thấy cô chủ cũ của tôi đứng bên ngoài quầy ngăn của kho hàng. Người thư ký để tôi lên bàn trước mặt cô, nói:
• Đây là gói hàng của cô gửi đi, không có người nhận nên bị trả lại. Xin cô nộp 14.50 đô la tiền sở phí.
Người này chắc rất nhiều kinh nghiệm, nên nhìn thấy phản ứng của chủ tôi, bèn nói tiếp:
• Đây mới chỉ là tiền sở phí của Bưu Điện Saigon trả về thôi.
Cô chủ tôi cãi:
• Vô lý quá! Tôi gửi đi tàu thủy, chỉ tốn 4 đô la. Nếu gửi máy bay, thì cũng đến 6 hay 7 đô la là cùng. Gói này nhẹ lắm mà. Bây giờ trả lại bằng cách nào mà phải tốn những 14.50 đô la?
• Tôi không biết. Giấy ở Saigon đưa qua như thế. Cô xem đây này. Kê khai đủ các thứ. Nào là tiền phí tổn, tiền kho, tiền phạt quá kỳ hạn, tiền di chuyển v.. v....
• Thấy vẻ mặt đau khổ của chủ tôi, người ấy an ủi hỏi thêm:
• Trị giá bao nhiêu?
• 3 đô la.
• Khổ thật! Nhưng cô không nhận không được. Tiền này, Bưu Điện Hongkong đã chuyển cho Bưu Điện Saigon rồi, nên phải đòi cô trả lại. Vậy cô đừng tưởng bỏ hàng là thoát.
• Nếu tôi bỏ thì sao?
Người thư ký cười:
• Người ta sẽ truy cô cho đến khi cô gầy bằng cái tăm. Có khi còn phải ra tòa, bị phạt thêm về tội không tuân luật pháp, phạt tiền quá kỳ hạn. Tiền kho bên này cố nhiên là bằng đô la Hongkong, chứ không phải bằng tiền Việt Nam đâu nhé.
Chủ tôi nói nửa đùa nửa thực:
• Nếu rủi tôi chết rồi thì sao?
• Chúng tôi có “ chuyên viên” truy cô cho đến tận phần mộ.
• Làm gì tôi?
• Quật mồ lên, lấy đất bán lại cho người khác chôn. Thừa tiền nộp phạt! Còn dư làm giàu!
• Thấy chủ tôi vẫn còn ngần ngại, người ấy bảo:
• Tôi khuyên cô nên nhận thì hơn.
• Nếu tôi nhất định không nhận?
• Phiền cho cô lắm. Này nhé, một người công dân tốt như cô, lý lịch rất sạch sẽ, không hề thả chó ra đường, cũng chưa từng cãi nhau hay đánh lộn với hàng xóm để bị cảnh sát biên phạt, thế mà chỉ vì không chịu trả 14.50, đến nỗi mai đây có trát tòa đòi về tội không làm bổn phận công dân, không tuân luật lệ của chánh phủ; bị vô sổ đen nói là “ thành tích bất hảo”, không đáng gì thì ức lắm. Giữ hàng lại đây ngày nào là cô phải trả thêm tiền kho ngày ấy. Rốt cuộc phần thiệt về ai cô biết rồi.
Chủ tôi cười:
• Tôi muốn nhận chứ, chỉ không muốn trả tiền thôi!
• Miễn cô muốn nhận là được. Không trả nay thì trả mai, chỉ cộng thêm lời thôi. Tiền của dân vào túi chánh phủ. Chánh phủ tiêu vào việc công ích cho dân. Lọt sàng xuống nia, mất đi đâu mà thiệt!
Chủ tôi thở dài:
• Chắc ông được huấn luyện kỹ lắm. Nghe ông nói rắn trong lỗ cũng phải bò ra. Bò ra rồi, ông bảo bò vô, nó cũng bò vô lại. Thôi đành chịu vậy!
Tôi lại theo chủ tôi về nhà. Con đường rất quen thuộc. Hai bên lề chất đầy hoa quả. Đây là một cái chợ nhỏ của những người bán hàng ít vốn. Họ mua từng thùng và bán trong ngày, chứ không mua nhiều để trữ nên hoa quả bao giờ cũng tươi. Những quả cam đỏ ối, những quả lê vàng tươi, những chùm nho mọng nước còn dính đầy mạt cưa ướp để di chuyển. Tất cả đều được trình bày khéo léo, chất đầy từng gánh như khiêu khích, như hấp dẫn các bà mẹ. Thấy chủ tôi liếc nhìn, người bán hàng quen cất tiếng mời:
• Táo tươi lắm, mời cô mua cho em ăn. Giá nhất định... như mọi ngày!
Chủ tôi cười, lắc đầu. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp cho người đời quá. Trong đó có cô chủ tôi. Lắm khi ưa làm những việc điên điên, chẳng hạn như nhường cho con ăn từng quả cam một, rồi một lúc nào đó bỏ ra số tiền bằng hai trăm mười lăm quả cam để rước những vật chỉ đáng vài chục quả. Lại còn nâng niu yêu quí, vì đã phải trả một giá quá đắt!
Về đến nhà, chủ tôi mở gói đồ sành ra lau chùi từng món. Tất cả đều còn nguyên vẹn, dù đã chịu bao nhiêu sóng gió vùi dập. Này là túp lều tranh xinh xinh, kia là cái tháp 9 từng, Chú tiều phu gánh cũi, Cụ già ngồi câu cá, trong nón có mấy con cá đang nhẩy Những em bé mục đồng trên lưng trâu kia nghĩ gì? Bầy hạc đang múa kia nghĩ gì? Chúng nó có còn giữ được lòng tin yêu đời nguyên vẹn như lúc ra đi?
Chủ tôi để tôi vào chậu nuôi cá vàng của hai cô bé. Mấy con cá vãy óng ánh nhỏ tí nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Chúng lách mình vào trong lều sục sạo một lúc. Thấy trống không, chúng quay trở ra, đuôi ve vẫy như có ý bảo:” Tưởng gì lạ, hóa ra chỉ là một túp lều tranh!”. Hừ, ngây thơ đến thế thì thôi! Bộ chúng nó tưởng trong túp lều tranh nào cũng có sẵn trái tim vàng đấy hẳn!.
Thế là từ đây tất cả thế giới của tôi thu hẹp lại trong chậu thủy tinh. Chung quanh tôi, chỉ có mấy cộng rong tươi nằm yên dưới đáy chậu. Bọn cá vàngù mồ côi này sống bằng nước máy, và tất cả vốn liếng trời cho chỉ là thân hình óng ả và bộ đuôi dài phất phơ uốn lượn làm vui mắt trẻ con.
Tôi nằm yên trong bình nước mát. Đêm mùa hạ, các cửa sổ đều mở rộng. Tôi có thể nhìn sang bên kia bể là đảo HongKong, ánh đèn lấp lánh muôn màu như nạm kim cương cho cả mấy quả núi. Và phía bên này, ngọn đèn của phòng chủ tôi cũng góp một phần vào những ánh kim cương của bán đảo Cửu Long. Đêm khuya lần, gian phòng bé nhỏ nhưng sao có vẻ rộng mênh mông! Tôi thấy uất ức vô cùng. Có ai thông cảm tâm tư của một túp lều tranh đã từng phiêu du, không được gắn lên một ngọn núi sườn non nào, có gió, có trăng, có sao, có trời bao la, có bể bát ngát! Tôi phải thu hình nằm yên trong một cái chậu thủy tinh bé nhỏ, với một bọn cá vàng ranh con đầy một bụng trùng, đêm đêm lắng nghe tiếng trở mình của người không ngủ.

LINH BẢO

Hongkong 1959
(Trích trong tuyển tập Mây Tần)

Xem Tiếp: ----