Tôi tên là Nêm - phải, một lọ nắm nêm - đúng cái tên những người quê hương xứ sở đã gọi tôi như thế.
Chỉ những người Việt Nam thuần túy mới biết thưởng thức cái hương vị đậm đà thơm tho của tôi, cũng như chỉ có những bàn tay của cô gái Việt mới biết làm thành tôi - mắm nêm - một cách khéo léo, “thơm tho”.
Tôi nhớ quê hương của tôi quá! Tôi nhớ khi tôi còn là con cá nhỏ vô tư theo đàn bơi lội ngoài biển cả, rồi nhảy nhót tung tăng trong chiếc lưới vô tình của ngư phủ. Tôi nhớ bàn tay dịu dàng của người thiếu nữ khi chọn lọc chúng tôi, óc suy tính bao nhiêu cá thì phải bao nhiêu muối cho vừa vị ngon. Tôi nhớ lúc tôi đã thành nắm, một mùi thơm tho bay tỏa khắp cả gian nhà bếp, làm cho những người bạn của chủ tôi phải trầm trồ khen ngợi.
- Trời ơi! Mùi mắm thơm quá, làm tôi lại tưởng tượng đến chanh ớt, và đĩa rau luộc xanh tươi! Thèm quá đi mất! Tôi chưa từng thấy ai làm mắm thơm đến như thế này! Chị thực là khéo tay!
Lời tán tỉnh khéo léo làm chủ tôi xiêu lòng. Người phân ra một nửa cho cô Tuyết.
Cô chủ mới đem tôi về nhà, và tôi được giữ gìn quý hóa như một báu vật. Chỉ những bữa cơm có nhiều người bạn đồng hương, họ mới làm những món ăn đặc biệt của xứ tôi, họ trầm trồ khen ngợi. Còn tôi, ngây thơ, kiêu hãnh như một cô gái đẹp, không biết rằng mình đã hy sinh một cách ngu ngốc cho những cái lưỡi giỏi tán tỉnh và bạc bẽo của người đời.
Chủ tôi có một cô em gái ở Hương Cảng. Một hôm, có người bà con sắp đi sang đấy đến chơi, hỏi có gói gì tặng cô em ở chốn xa xôi ấy không. Chủ tôi nghĩ thầm:
- Hừ, cái con bé ấy ở Hương Cảng, một nơi văn minh phồn hoa đô hội, thì còn thiếu thứ gì nữa kia chứ! Từ gấm Tàu cho đến Nylon Mỹ, từ phấn son cho đến ngọc ngà, toàn những thứ người ta đi đến Hương Cảng đều có mang về làm chợ đen chợ đỏ cả. Tặng gì bây giờ?
Tặng gì để tỏ lòng thương nhớ của một người chị đối với em nơi hải ngoại? Món quà không được đắt tiền, lại nặng mùi quê hương. Một chiếc nón “Bài Thơ” nhé? Lồng cồng quá, người mang giùm sẽ phiền lòng. Một chiếc võng để treo dưới bóng cây mát mẻ buổi chiều mùa hạ chăng? - Nghe nói ở Hương Cảng chỉ những nhà triệu phú mới có vườn, còn giới công tư chức, mỗi gia đình sống chui rúc trong một gian phòng bé tí hon mà người ta vẫn gọi là “lồng chim bồ câu”. Một chiếc áo dài Việt Nam nhé? - Trời! Ai biết kích thước cô em bây giờ ra sao! Mấy năm xa cách, biết cuộc sống rộn ràng đã làm cho cô em mãnh mai như một chiếc lá lúa, hay vì hít thở không khí tự do, có khi đã thành ra một bao gạo biết đi?
Suy nghĩ mãi, một lúc sau, lọ mắm nêm hiện ra trong trí cô như một cứu tinh!
Thế là tôi được niêm phong lại cẩn thận. Sáng hôm sau, tôi lên máy bay và bắt đầu một cuộc du lịch bất hủ.
Qua cửa sổ, tôi bâng khuâng nhìn quê hương tôi xa dần, mờ dần, và lần lần, dưới mắt tôi chỉ còn những làn sóng biển mênh mông xanh ngắt, hay những đám mây trắng xóa như tuyết và dầy đặc như cả một cánh rừng. Mấy giờ sau, tôi đã nhìn thấy phong cảnh Hương Cảng. Chỉ những núi là núi, những ngọn núi xanh xanh ở giữa bể nuớc xanh. Tôi say sưa nhìn phong cảnh cho đến khi phi cơ hạ cánh một cách nhẹ nhàng. À! Đây là Hương Cảng.
*
Lúc tôi gặp cô Hoa - người chủ mới của tôi! lòng tôi hồi hộp lạ lùng. Đây là một người của quê hương tôi, đới với mùi vị của tôi, chắc là cô phải tỏ thái độ vồ vập, quý hóa đặc biệt. Sau tám năm xa cách kia mà!
Nhưng bỗng tôi cảm thấy đau đớn, tê tái như một người yêu trộm người khác đã lâu, bỗng nhiên phát giác người ta không yêu mình. Cô Hoa nhìn tôi một giây, xong cô để tôi vào một góc phòng. Cô ngửi hai tay, rồi ngồi vào bàn viết. Với một sự nhận xét rất tế nhị, tôi biết rằng tôi không được hoan nghênh, mặc dầu cô đang ngồi viết thư cảm ơn, có những dòng như:"... Món quà tuy nhỏ mọn, nhưng tấm lòng thì vô giá! " Nào là cảm ơn, cảm tạ, cảm kích... v.. v...
Trong một lúc, tôi cảm thấy ghét Hương Cảng, ghét cái xã hội vật chất hào nhoáng, giả dối, đã làm chủ tôi sống theo trào lưu, mất hết cả sự thành thực, chất phác của quê hương.
Trong lúc tôi đang buồn rầu thổn thức và cảm thấy mình bơ vơ cô độc, thì có một giọng nói khàn khàn bên cạnh tôi:
- Việc quái gì mà khóc! Đời chẳng làm gì đáng cho ta phải buồn giận. Cứ sống theo tự nhiên. Chẳng ai quan tâm đến ai làm chi cho bận lòng. Quan trọng hóa chỉ tổ rầu... thối ruột!
Tôi quay lại nhìn, thì ra lọ thuốc sát trùng DDT vừa lên tiếng. Hắn ta nói thêm:
- Tôi cho chị biết, cô chủ của chúng ta vốn có bệnh hen. Cứ mỗi lúc ngửi thấy mùi gì... nằng nặng... như chị, hay là tôi, có khi chỉ mùi khói hương, cũng đủ làm cho cô ta nổi lên một cơn hen kinh thiên động địa. Vì thế, nên lúc nào cần dùng đến tôi là cô đi biệt suốt ngày!
À ra thế! Nỗi căm hờn của tôi cũng dịu bớt. Thì ra không phải cô không yêu tôi, mà chỉ vì không chịu được hương thơm của tôi mà thôi.
Sáng hôm sau, tôi được mang đến nhà Ông Bà Tú. Đây là một trong những gia đình hoàn toàn Việt Nam ở Hương cảng, tôi nói thế, vì cũng có một số Việt kiều bị hoàn cảnh phải kết hôn cùng người bản xứ.
Lại một phen mừng hụt! Ông bà này tuy hoàn toàn là người Việt, nhưng họ đã ở hải ngoại hàng hai mươi năm, và vì thế nên đối với mùi thơm của tôi, không còn cảm thấy hứng thú gì nữa!
Sau nửa ngày thảo luận, ông bà đồng ý chuyển tôi sang nhà Ông Bà Tuân. Đi đâu tôi cũng được nghe những lời cảm ơn thiết tha, cảm động, nhưng mà bên trong là cả một trời... bực mình! Người ta cảm thấy phiền là phải, vì nếu tôi là một vật có bán nhan nhản ở khắp các phố, thì nếu không thích, họ chỉ việc tiện tay vứt vào sọt rác là xong. Nhưng khốn nỗi, tôi là một món quà từ quê hương, đã được khó nhọc mang sang. Một món ăn, đối với riêng một số người là quý hóa, nhưng cũng có người chưa từng nghe đến tên tôi bao giờ. Ông bà Tuân cũng thế: Hình dáng và mùi vị tôi, ông bà mới gặp lần này là lần đầu.
Tôi lại được “trân trọng” đưa sang nhà khác. Họ không hoan nghênh tôi, mà cũng không nỡ đánh đuổi tôi.
Quyết liệt một chút, họ có thể ném tôi xuống bể, để cho đời tôi từ bể mà đến, lại được trở về với bể. Nhưng họ nhiều lòng nhân đức quá!
Họ cảm thấy hình như có lỗi nếu hắt hủi tôi. Sự thực thì có lỗi với ai? Người làm ra tôi? Người mang tôi đến? Chiếc máy bay chở tôi? Hay chính bản thân tôi? Tất cả đối với họ đều không có liên lạc quen biết gì cả. Hay họ sợ mang lỗi với trời? Sự thực thì Trời ở đâu? Mà ví dù có Trời chăng nữa, Trời nào lại đi trừng phạt kẻ chỉ ném một lọ nắm không quen biết xuống biển xanh!
Khi được chuyển đi một lần nữa, tôi thấy mình như cảm thông được nỗi sầu số phận hẩm hiu của một cô gái đã về già, mặc dầu bao nhiêu mối lái đánh tiếng hỏi thăm, vẫn không có một ai là kẻ có thể cho mình “nương thân gởi phận “cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời!
Chủ mới của tôi là một đôi vợ chồng trẻ. Người chồng vì tò mò mở tôi ra để “nếm thử một tí, xem nó ra làm sao”! Vợ anh ta là một cô gái Hồ Nam rất tân thời và độc tài. Thế là một trận giặc bắt đầu. Cô ta bịt mũi lại, chạy khắp nhà, bắt chồng phải đổ ngay đi. Thấy chồng còn ngần ngại chưa vâng lệnh, cô bù lu bù loa lên, dưới sự chỉ huy của cô, chén bát đổ vỡ lung tung, con khóc chí chóe, bàn ghế lổng chổng...
Chiến tranh nóng xong rồi đến chiến tranh nguội. Vợ bỏ cơm nằm khóc thút thít, mồm nguyền rủa: “Anh yêu lọ mắm hơn yêu tôi!” Người ở dắt con sang nhà hàng xóm. Chồng ngồi hút thuốc lá, ngẫm nghĩ: “Trời ơi! Tưởng là nếm chơi một chút xíu cho vui, tôi đâu dè có cái sự phiền như thế này!”
Anh nhìn tôi cáu kỉnh, đạp tôi một cái lộn tùng phèo để cho hả giận cái vạ vịt từ trên trời rơi xuống. Quên hết những phút mê ly với tôi, anh lấy cuốn Thánh kinh, đến gần vợ, quì xuống cạnh giường, mắt lim dim, “thành thực” như lúc xa vợ và ở bên cạnh người yêu, anh bắt đầu phân trần:”... Đó chỉ là một lọ mắm thối mà thôi! Và đời anh nguyện sẽ tuyệt đối “phục tùng mệnh lệnh” cho đến khi thở hơi cuối cùng!
Bể êm sóng lặng, vợ đã tha thứ, anh yên lòng lại tìm tôi. Có lẽ lòng vui sướng tràn trề vì đã được vợ tha thứ, anh không nỡ... hành hạ thôi thêm sau cái đá không quên tử tí nào ấy, anh gói tôi lại cẩn thận và mang đến biếu cô.... Hoa.
A ha! Châu về Hợp phố! Cái câu ấy, tưởng là người đời nói để mà chơi, không ngờ cũng có ngày thành sự thực. Nhưng thành sự thực thì có ích gì cho tôi? Một kẻ chỉ được quí mà không được yêu!
Bây giờ tôi mới nhận thấy cuộc sống vô vị khi xa quê hương. Mùi thơm của tôi chỉ thích hợp nơi quê hương tôi. Chỉ ở đấy, tôi mới được mọi người yêu chiều săn đón Tôi thấy nhớ nhà, nhớ ngọn núi Ngự Bình với ngàn thông xanh mướt, gió thông vi vu reo suốt quanh năm. Tôi nhớ dòng sông Hương trong xanh với những con thuyền, câu hò vang dài trong đêm vắng. Tôi nhớ những cô gái Huế lúc qua cầu Trường Tiền, áo dài trắng bay phất phới, tay vịn quai nón che nghiêng nghiêng nửa mặt. Tôi nhớ những đêm trăng giã gạo trong làng. Tôi nhớ tiếng đưa nôi kẽo kẹt và tiếng hát ru em tha thiết lúc đêm khuya... Tôi nhớ, tôi nhớ tất cả. Những thứ ấy không có được ở nơi đây.
Lúc này, nằm trong một góc phòng, thả tâm hồn say sưa trong một vài cảnh êm đềm của quá khứ, tôi ngại nghĩ đến tương lai!
Bạn đã đọc hết những lời tôi kể lể rồi đấy nhỉ! Tôi đoán bạn ném xuống bàn, lẩm bẩm:
- Tưởng chuyện gì hay, hóa ra chỉ là chuyện... một lọ mắm thối!
Nhưng bạn đừng cáu vội! nào tôi có định đánh lừa ai đâu! Ngay từ lúc mở đầu, tôi đã nói rõ ràng, đây chỉ là câu chuyện của một lọ mắm nêm thôi mà!
Linh Bảo, 1958 Trích trong tuyển tập "Đoản văn Mây Tần"