Lâm không hiểu tại sao sau buổi lên bờ xem thành phố Djibouti trở về tàu, Michiko hình như có vẻ giận anh. Mặc dầu anh hỏi nàng vẫn trả lời, nhưng trông dáng điệu, cách nói, giọng nói, có một vẻ gì xa lạ khác hẳn lúc chưa đi. Michiko là cô gái Nhật đẹp nhất trong số hành khách hạng ba trên chuyến tàu đi Pháp này. Nàng cũng vui vẻ. dễ thương như tất cả các cô gái Nhật dễ thương khác. Michiko đi Pháp học hội họa chuyên về chân dung, nên nhiều hành khách trên tàu chịu ngồi yên cho nàng tập vẽ “đầu lâu” của họ bằng than. Lúc những người mẫu bất dắc dĩ õ này cầm bức tranh lên cứ ngờ ngợ, không biết ai mà hao hao giống mình, tuy thế, bao giờ họ cũng cảm ơn rối rít và khen là đẹp lắm. Lúc mới gặp Michiko, Lâm có cảm tưởng như dược uống một cốc nước đá lạnh, làm dịu hẳn tất cả cái nóng oi bức khô khan của miền Nam còn vương lại trong người anh. Hành khách cùng một chuyến tàu vẫn dễ quen nhau. Lâm làm quen Michiko cũng giản dị như những người khác, nghĩa là nhờ nàng vẽ phác một bức chân dung. Lâm tưởng rằng như thế là quen thân nàng rồi. Trong đầu óc anh đã xây dựng một chương trình “ nghiên cứu” nàng như những người đàn bà khác anh đã từng quen biết. Nhưng sự thực không dễ như anh tưởng. Thái độ Michiko rất thất thường. Mới hôm nay, đôi bạn cùng ngồi nhìn biển, nhìn trời, ngắm sóng suốt mấy tiếng đồng hồ, ngày mai lúc gặp lại, nàng chỉ khẽ gật đầu chào một cách lạnh lùng, phớt tỉnh, như chào đáp lễ một người không quen biết. Thế là anh lại phải đi từ chỗ bắt đầu, chứ không thể nối thêm câu chuyện “ còn tiếp” hôm qua. Tuy khó khăn, Lâm vẫn không hề chán nản và càng khó anh càng thấy Michiko hấp dẫn hơn. Mấy người bạn trai lên tàu bảo: • Gần đến nơi rồi Lâm ơi! Sao mày không theo con bé lai tóc vàng, hay con A Lìn đi Luân Đôn học thuốc kia có hơn không? Michiko lạnh như tuyết cuả núi Fuji nhà nó. Lâm trả lời: • Tao vẫn còn đủ kiên nhẫn để chờ. • Nhưng tao sợ mày chết khô chết héo mất! Lâm vẫn tin tưởng: • Nhưng tao thích chờ. “ Nước chảy đá mòn” mà. Bây giờ chỉ có Michiko mới giải được cái khát của tao. • Nhưng tàu sắp đến Marseilles rồi. Michiko đi Paris, còn mày đi Londre. Anh đường anh, tôi đường tôi... Chờ đến bao giờ? • Tao có hy vọng thành công trước khi chia tay. Michiko hứa lên bờ với tao lúc đến Djibouti. Tàu đến Djibouti lúc gần 4 giờ sáng. Tất cả hành khách đều thức dậy, ra sân xem tàu cập bến. Ai cũng chờ đợi được lên bờ xem thành phố và mua thêm thức ăn. Đã bốn ngày, từ hôm rời Colombo đi vào bể Ấn Độ, sóng rất lớn, tàu cứ chồm lên từng hồi. Mỗi cơn sóng đưa tàu lên cao rồi hạ xuống, người ta cứ tưởng như mình bị rơi vào khoảng không, người nhẹ hẳn đi không biết bám víu vào đâu. Những người yếu bị say sóng nôn nao khổ sở, người mạnh hơn cũng nằm im lìm, thiếp đi, không ăn uống gì trong mấy bữa liền. Ai cũng muốn mua thêm “ chất tươi” để đền bù những ngày phải dùng toàn đồ hộp. Tuy tàu cung cấp thực phẩm đầy đủ, nhưng ít ai nuốt xuống được những món ăn riêng cho hành khách hạng ba một cách ngon lành. Nào là bánh mì khô chấm mứt, khoai tây, thịt hộp, thịt muối, da đầu dê. Mùi đồ hộp mới ngửi hơi trong không khí chứ chưa nếm đã thấy sợ rồi. Suốt tháng thực đơn chỉ quanh quẩn mấy món đường trường để dành lâu được làm người ta phát ngán thấy thèm rau, thèm bất kỳ món gì, miễn không phải từ trong hộp mở ra. Lúc tàu bỏ cầu xong, hành khách chen nhau xuống, bấy giờ mọi người mới thất vọng thấy Djibouti chỉ là một hải cảng nhỏ, vắng vẻ, mà đất liền là sa mạc hoang vu. Trong thành phố, chỉ có độ mươi tiệm bán hàng của Pháp, và các tổ chức hành chánh trong thành phố. Lâm mang máy ảnh theo, nhưng không có gì đáng chụp ảnh hay quay phim. Trong chợ, ruồi bay tung lên như từng đàn ong. Cả thành phố chỉ có vài người đàn bà Ả Rập trùm vải đen từ đầu đến chân, chỉ để hở hai mắt, ngoài ra, toàn là đàn ông. Một giỏ nho, cũng phải hai người đàn ông đi bán. Một người xách chùm nho và cái cân tay đi trước, một người đội giỏ nho theo sau. Họ mời mua bằng cách dí chùm nho vào mặt khách qua đường. Những người bán báo và ăn mày bẩn thỉu, đầu tóc xoắn tít từng vòng và đen như không thể nào đen hơn được nữa, đứng vây chung quanh du khách, nhất là phái nữ. Thỉnh thoảng, họ vỗ vai, níu áo, kéo tay, sờ má, làm cho các bà các cô sợ chạy tán loạn cả lên cố nấp vào những tiệm bán hàng. Thấy Michiko có vẻ sợ hãi nhất, bọn họ càng trêu già. Mấy người cảnh sát thỉnh thoảng chạy đuổi và túm lấy một người Ả Rập, giơ tay dọa đánh mấy cái, rồi lại thả ra ngay để chạy đuổi theo một người khác, rồi lại thả, như chơi hú tim. Về đến tàu, cô bé tóc vàng thấy Michiko liền vẫy gọi bảo: • Chị về đi tắm mau, kẻo chúng nó tắm hết nước nóng. Lấy bàn chải mà chải cho hết cái mùi khét đi. Michiko hỏi lại: • Cô cũng bị chúng nó túm lấy hay sao? • Còn tai hại hơn tất cả mọi người. Em mặc quần ngắn. Lúc tàu chạy, mọi việc lại đâu vào đấy. Hành khách đều lên sân hóng gió, tụm lại từng đám chuyện trò. Lâm đến bên cạnh Michiko. Nàng đang nói chuyện với các sinh viên Á Châu, không hề thoáng nhìn anh một cái, làm Lâm thấy khó chịu vô cùng. Mặc dầu anh đã quen cái tính “ nóng lạnh” thất thường của Michiko, Lâm vẫn ngạc nhiên tự hỏi tại sao nàng lại có thể thay đổi chóng đến như thế được. Mới vừa rồi, lúc đi trong phố, Michiko còn nép vào anh để tránh những kẻ tàn tật ngồi trên xe lăn tay, xin tiền bằng cách cứ cho xe đâm bừa vào người ta rồi níu áo mà xin tiền. Michiko lại còn đòi lại hộ anh cái bút máy anh kẹp ở túi áo, bị một người Ả Rập bán báo, một tay cầm tờ báo dí vào mặt anh, còn tay kia rút bút. Thế mà bây giờ, chỉ cách có một giờ đồng hồ sau, anh đứng bên cạnh nàng, chận cả một phía gió, nàng vẫn phớt đi như không. Michiko chỉ nói chuyện với những người khác và lảng tránh anh, coi anh như một cái cột nhà không bằng. Một ông già Ấn Độ hỏi Michiko: • Nghe nói bọn chúng nó bám theo cô như ruồi, xua không kịp, phải không? Các Bà ham mua sắm quá nên phải trả cái giá đó. Vợ ông ta tiếp theo: • Cứ gì phải đi đâu. Ngay dưới cầu tàu, chúng nó cũng bày hàng ra đấy nào là thuốc lá, nào là thảm dệt, kẹo cao su toàn là những thứ không cần dùng đối với chúng mình. Một thanh niên Nhật hậm hực bảo: • Ai bảo cô không đi với chúng tôi. Lâm nó có săn sóc gì cho cô đâu! Michiko cười bảo: • Ơ hay, ông ấy có phải là vệ sĩ của tôi đâu mà có bổn phận phải bảo hộ cho tôi! Chúng tôi đi chung với bọn người Mỹ kia nữa, là để chia nhau trả tiền tắc xi cho nhẹ đấy thôi. Ai lo phận nấy chứ! Lâm nghe thấy thế, trong lòng khó chịu vô cùng. Bọn họ nói chuyện ngay trước mặt anh mà không hề thoáng nhìn anh một cái, để cho phép anh cũng góp ý kiến. • Nếu cô cùng đi với tôi thì phải biết! Tôi tuy người bé nhỏ thế này, nhưng nếu đứa nào dám động đến chéo áo của cô thì tôi sẽ đánh cho sặc máu. Một sinh viên Trung Hoa sang Tây Ban Nha học hát, chế nhạo: • Thôi đi. Bộ tướng anh nhẹ như lông gà thế kia thì chạy trước ấy. Lâm nó to lớn như hộ pháp mà còn không bảo hộ nổi cho cô bạn gái cùng đi với mình, để cô ấy sợ, sút cân trông thấy ngay trước mắt. • Thế anh hơn gì tôi? anh cũng chỉ được cái giọng to. Hát “ Opera” mà! Ừ, nếu cần thì kêu cứu giúp, cũng đỡ. • Đàn ông Ả Rập thế mà khôn đáo để. Đàn bà của mình thì bắt che kín mặt mày nhốt trong nhà, để tự do đi trêu ghẹo đàn bà của người ta! Michiko gạt đi: • Thôi, anh có đi cũng đến thế. Ai có thân nấy lo. Anh Lâm phải chụp ảnh, quay phim, làm việc riêng của anh ấy. Tôi có chân thì tôi... chạy! Lâm nghe như có một cái gì đâm nhói ở trái tim. Bây giờ anh mới hiểu cái cử chỉ lạnh nhạt của Michiko. Anh muốn nói một câu gì để tỏ sự có mặt của mình: • Tôi thấy không có gì đáng sợ cả! Anh chàng “ nhẹ như lông gà “ nói mỉa: -Phải, anh thì sợ gì. Chúng nó có sờ vào người anh đâu mà anh ghê! Anh chỉ cần trợn mắt quát lên một tiếng là chúng nó chạy biến đi hết, mà anh cũng không làm. Chắc lưỡi anh để ở dưới tàu, lúc đi chơi quên đem theo! Lâm ngượng nghịu, ấp úng: • Tôi mong có dịp khác... Michiko trả lời ngay: • Vâng, khi nào muốn cất nhà, sẽ nhờ anh vẽ kiểu và tính hộ vôi gạch. Lâm tái người. Anh không ngờ, trong mắt Michiko bây giờ, anh chỉ là một người biết độc một môn làm toán vôi gạch. Xưa nay anh vẫn tự phụ là một tay lão luyện trong nghề. Anh làm toán không bao giờ sai một con số. Một tòa lầu bao nhiêu từng thì phải dùng bao nhiêu vật liệu, nền phải đổ sâu bao nhiêu, mấy tháng hoàn thành, lại có thể tính trừ hao cả nhân công bị tai nạn trong lúc xây cất. Thế mà bây giờ đứng trước một đám ranh con, anh đã bị “ lụt” một cách thê thảm. Lâm tưởng tượng, sau lưng anh bọn họ sẽ nói với nhau: • Hừ, anh chàng Lâm được cái bộ mã “ lực sĩ Hy Lạp”, thực ra thì chỉ là một cái “tủ lạnh” biết đi, mỗi ngày ăn đủ năm bữa, mà ra đường không che chở nổi một người đàn bà đi bên cạnh mình. Lại còn những câu họ đã nói ngay trước mặt anh: • Tôi tuy người bé nhỏ thế này, nhưng đứa nào dám động đến cô, tôi sẽ đánh cho sặc máu... • Khi nào cần xây nhà, tôi sẽ nhờ anh...! Chao ơi! Nhục nhã làm sao! Thì ra, trong địa hạt vôi gạch, sắt gỗ, anh là một bực đàn anh, nhưng bước ra ngoài đường với phụ nữ, anh không biết nên đi chân trái hay là đi chân phải trước. Sực nhớ lại lời những người đã từng sang Nhật kể lại cho anh nghe về dân tộc Nhật, nhất là đức tính bái phục anh hùng của đàn bà, anh thấy quả thực mình phải học lại từ đầu. Trong mắt Michiko bây giờ, anh chỉ là một người làm toán giỏi mà thôi! Bất giác, máu anh hùng trong người anh sôi sùng sục. Anh ao ước giá có một cơ hội thứ hai, nhưng lịch sử dễ gì được trùng diễn! Bây giờ, chung quanh Michiko đã có hàng nửa tá “ anh hùng rơm” xin làm vệ sĩ cho nàng những bến sau. Và dù cho cuộc lữ hành có trở lại ngay từ phút ban đầu đi nữa, Michiko cũng đã thấy anh chỉ là một người nhu nhược, sợ từ đứa trẻ bán báo trở đi, anh bảo hộ nàng một lúc cũng không xong, nói gì đến cả cuộc đời! Lúc ngồi vào bàn ăn buổi tối, Michiko tránh không nhìn Lâm. Lâm cũng thế, anh chỉ nhìn cốc rượu vang đỏ trong tay, rồi nhìn Alice, cô gái Tích Lan có màu da cà phê không pha sữa. Sau giờ ăn là giờ hóng mát. Michiko lên sân vẽ cảnh mặt trời lặn. Nàng pha màu mặt trời đỏ lẫn với vàng. Bể xanh đậm và trong. Từng đàn cá bay, nhảy vút lên rồi là là rơi xuống mặt nước. Sóng đánh tóe vào mạn tàu, tung ra trong đám bọt trắng xóa một màu da trời rất tươi. Lâm không xem Michiko vẽ. Anh đến ngồi cạnh Alice giúp nàng tháo len. Anh còn sáu ngày đường và mấy chục tuổi trời nữa. Anh thấy cần phải làm một cái gì, yêu một người nào, nếu không, đời anh sẽ khô héo dần như cây không được tưới nước. Alice nói chuyện với anh rất vui vẻ, tay nàng đan len cũng nhanh nhẹn và thành thạo không kém gì tay Michiko pha màu, nhưng Lâm thấy câu chuyện của Alice không thể làm anh vui, cũng như đôi mắt thâm đen, âm u của Alice không thể lẫn với đôi mắt cũng đen nhưng trong sáng và biết cười một cách ngạo nghễ mà vẫn dễ thương của Michiko. Đời anh đã gặp nhiều đàn bà, nhưng anh không nhớ là đã yêu ai đến một nhiệt độ cao nhất chưa, và bây giờ, có phải là anh đã yêu Michiko hay không, nhưng cái cảm tưởng mất Michiko làm cho anh chua xót hơn bao giờ hết. Không có cách gì kéo được thời gian trở lại phút bắt đầu. Tàu càng ngày càng xa bến. Anh đi tìm các cô Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa nói chuyện, nhưng trong mắt anh, bọn họ vẫn chỉ là những cốc nước cam, nước chanh hay là nước nho... Riêng Michiko đã biến thành một kỷ niệm “ đan tư” chứ không phải tương tư, rất trong sạch, Michiko là một hình ảnh Lâm đã ấp ủ và ước ao như người bộ hành giữa sa mạc khao khát một cốc nước đá lạnh có thần diệu của nước Cam Lồ trị bách bệnh. Riêng Michiko vẫn thản nhiên vẽ. Trong bức tranh, cũng như trong cuộc đời, nàng vẫn bạo tay xóa bỏ hay vẽ lại những nét không vừa ý. Linh Bảo (1959)