Bốn cô ngồi chung quanh bàn ăn, ở giữa có một đĩa bánh chưng khói lên nghi ngút. Bánh không gói bằng lá chuối xanh, nhưng gói bằng giấy bạc, thứ giấy để bọc đồ ăn đốt lò chịu nóng được. Từng chiếc bánh nhỏ bằng nắm tay, nhưng bên trong có nhân đậu xanh và thịt giống như bánh ở quê nhà trông thật ngon lành..
Hằng, cô gái bé nhất lên tiếng trước
- 12 giờ khuya rồi hở các chị? Hôm nay là ngày Tết, giờ này là giờ giao thừa
đây... Giá chúng mình ở nhà thì được mặc áo mới, khách đầy nhà, tha hồ ăn bánh mứt, hoa quả, lại có cả tiền mở hàng nữa!
Trí tưởng tượng của Hằng còn đang muốn phiêu lưu xa hơn thì Ngọc, cô gái có nhiều ý tưởng mạnh dạn nhất đám gạt ngang:
- Thôi đừng lộn xộn.
Hiền cũng hiền lành như tên nàng, giảng hòa:
- Chả mấy khi Tết nhà nấu bánh chưng, để cho cô em út vọng quê hương một bữa cho đỡ thèm.
Vân, cô lớn nhất chỉ mỉm cười.
Không biết có duyên nợ gì mà bốn cô bốn xứ bỗng họp lại sống chung trong một
căn nhà trọ. Họ sống gần gũi, thân mật, quí mến nhau, đồng thời cũng lục đục như bốn chị em. Các cô mời nhau ăn khi có món ngon vật lạ, và cũng có những lúc không bằng lòng nhau. Người nóng tính lồng lộn lên một lúc rồi quên đi, người đằm thắm thì giận âm ỉ nung nấu trong lòng, không nói gì ra mặt nên mối hờn hình như hơi lâu mới được quên.
Nhà chỉ có ba phòng ngủ. Vân đến thuê đầu tiên được phòng ngoài nhìn ra bể. Kế đến Hiền chọn gian phòng cuối nhìn ra vườn, rất yên tĩnh có cửa ra vào riêng. Hằng đến sau nên nhận phòng giữa, cửa sổ nhìn sang nhà láng giềng, cửa lớn phòng Hiền ăn thông qua. Tuy thế, nhưng Hằng vẫn tự cho là may mắn vì thuê nhà rất khó, thuê cư xá phải chờ cả tháng cho đến khi có người dọn ra, mình mới có cơ hội dọn vào. Giá tiền cố nhiên đắt hơn gấp ba, bốn lần, lại phải sắm sửa tất cả các vật dụng cho cuộc sống hàng ngày.. Ở tạm một phòng, tuy không độc lập lắm, nhưng Hằng có kế hoạch để dành tiền trở về trường học lại nên càng đỡ tốn càng hay.
Người khách trọ cuối cùng là Ngọc. Ngọc có chồng đang công tác xa. Trong khi đợi chồng về, Ngọc đi học, và cũng về đây đi dạy để dành tiền học nốt bằng MA. Ngọc quen Vân nên đến ở tạm trong khi tìm nhà. Ban đầu Ngọc ngủ ở phòng khách, chiếc divan giở ra thành giường, sáng xếp lại thành ghế rất tiện. Sau hai tuần đọc báo tìm tòi, Ngọc thuê được một gian nhà nhỏ. Ngọc dọn đi một ngày một đêm. tối hôm sau Ngọc lại chở tất cả đồ đạc về đòi ở chung với lý do:
Em ghét con mẹ chủ nhà quá. Em phải đi làm chưa kịp gọi điện thoại cho người ta mở gas và điện nước tên em, chỉ dùng của nó một ngày mà nó tru tréo lên. Em dọn về ở chung với các chị cho vui, ngủ divan cũng được, với lại chẳng còn bao nhiêu ngày nữa. thuê nhà ở một mình vừa xa, vừa buồn, lại mất công đi thăm.
Thế là Ngọc trở thành người khách trọ thứ tư. Về chuyện ăn uống, ban đầu chỉ có Vân và Hiền, hai người ăn riêng. Hiền thường đến nhà người bạn trai của nàng nấu ăn xong mới về. Nàng chỉ nấu ăn sáng, hay những hôm không muốn ra ngoài. Ngọc và Vân ăn chung. Được mấy hôm, Hằng xin gia nhập để tập nấu ăn vì ăn một mình phải bỏ nhiều thì giờ nấu nướng mất công quá. Ba người soạn một cái thực đơn có tên tất cả những món ăn họ biết làm, treo lên bếp, mỗi ngày nhìn vào đấy để chọn thức ăn khỏi phải suy nghĩ tìm món. Trong thực đơn, Ngọc tinh nghịch viết tên món thứ 20 là “ cá rô cây, chấm nước mắm”. Các bạn ngoại quốc đến chơi thấy tên ấy dài nhất tưởng là món đặc biệt ngon lắm, ai cũng điểm xin ăn món số 20. Thế là cả nhà sau khi giải thích được một bữa cười bò lăn. Hằng vừa cắn bánh chưng vừa hỏi:
- Mai ăn gì hở các chị?
Ngọc mắng đùa:
- Cô bé này lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ăn, hỏng!
Vân bênh:
- Thế tốt chứ sao. Chu đáo thế còn đòi gì nữa. Nếu tôi làm đàn ông, tôi cưới
một người vợ như Hằng. Ngày nào cũng được ăn ngon.
Hằng cười híp mắt lại trông kháu khỉnh như một con búp bê. Miệng cô bé hơi rộng nhưng có duyên. Hiền khen:
- Cô Hằng có hai má núng đồng tiền trông xinh ghê!
- Nhân tạo đấy chị ạ. Chị của em có những hai đồng tiền cơ. Hồi bé em cứ
ganh tị với chị của em mãi. Em giận má sao có hai đồng tiền cho hết chị, không để dành cho em một đồng. Về sau khi em có cái mụn thật to đúng ngay chỗ này, khi gần lành em lấy tay gỡ mãi. Mẹ cấm gỡ vì sợ nó thành sẹo, nhưng con bé ranh lắm, biết là thành thẹo sẽ có một cái vết núng con con nên cứ lén gỡ. Quả nhiên, “ hữu cầu tất ứng”, con bé được ngay cái sẹo đúng vào chỗ của cái má núng đồng tiền, không xê xích cao thấp một ly một tý nào cả.
Cả bọn phá lên cười. Đối với Hằng, Vân có cảm tình khác hẳn với những người khác. Vân quí mến tất cả các bạn và coi họ ngang hàng với mình. Còn Hằng, vì nàng trẻ hơn Vân nhiều quá nên Vân coi Hằng như em. Và lúc đầu chính Hằng đối với Vân cũng có những cảm tình thành thật như vậy. Hằng yêu cầu Vân chỉ cho Hằng những điều gì Hằng chưa hiểu, và khi hiểu rồi, Hằng vui vẻ chấp nhận, không mất lòng, không giận dỗi... Hằng kể:
- Ngày xưa mẹ cưng em lắm, bà cứ nói là chữ khó, chứ học nấu ăn thì mấy hồi. Mẹ không bao giờ cho em vào bếp hoặc nhúng tay làm bất cứ chuyện gì trong nhà. Bây giờ em thấy cần phải biết nấu ăn thật ngon, vì nhỡ mai mốt em có bồ, em muốn cưng bồ, nấu vài món cho bồ ăn để biểu diễn tài nội trợ mà bồ nuốt không trôi thì nguy to.
Nàng còn thú thật
- Chị biết không, năm kia em đi dự đại hội sinh viên hàng năm, thấy các chị
làm bếp, em xông vào cái gì cũng xin giúp một tay để các chị tha hồ sai vặt. Cô bé nhẫn nại lắm, đứng khuấy nồi chè cả tiếng đồng hồ. Các anh trông thấy tưởng là cô bé có tài nội trợ giỏi ghê gớm cứ liếc tình mãi. Lại có anh ướm hỏi ngày nào được cô bé mời lại nhà ăn. Có biết đâu là cô bé chỉ biết khuấy nồi chè mà cũng chả hiểu kết quả rồi ra sao!
Hằng thông minh, ham học, biểu lộ tình cảm nồng nhiệt và chân thành như một
linh hồn trong trắng, chưa từng va chạm hay trông thấy một tan vỡ gì ở đời. Sự thực cũng đúng như thế. Sau khi đậu xong tú tài toàn phần ở Việt Nam, Hằng được học bổng sang Mỹ, và vào ở nội trú ngay trong một trường nữ học Công Giáo. Sống dưới sự săn sóc của các Mẹ, niềm yêu thương Chúa, tin ở mình và sự hòa hợp của các bạn đồng học. Hằng chưa từng trông thấy, động chạm hay trải qua một thử thách gì của đời. Năm nay Hằng vừa thi đỗ, định đi làm vài ba tháng, rồi lại vào đại học. Cửa tương lai mở ra đầy hứa hẹn tưng bừng. Lần đầu tiên ra đời làm việc kiếm tiền, Hằng rơi ngay vào căn gác trọ này. Hằng mở rộng mắt, tim ra đón nhận những cái gì nàng chưa biết, nhất là đòi học nấu ăn một cách hăng hái như trong tâm hồn đã có một chương trình nấu ăn cho một anh chàng nào đó rồi.
Hằng nhí nhảnh, hay cười, hay hát, Hiền trái lại, nghiêm trang điềm đạm, mắt lúc nào cũng đượm vẻ mơ buồn. Hằng đẹp ngây thơ tưng bừng chừng nào thì Hiền trầm lặng xa xôi chừng ấy. Trông Hiền trang điểm xong thật lộng lẫy mà cũng thật mơ hồ lạnh lùng. Ở cô gái này có nhiều nét khác hẳn nhau: Hiền vừa sợ cô đơn, vừa tìm đến cô đơn. Hiền tránh những đám đông cuộc vui, nhưng một mình buồn nên gọi điện thoại nói chuyện với bạn hàng giờ. Hiền nấu ăn rất ngon, chuyên môn nhiều món bổ khỏe để ăn cho lên cân. Hiền lại may giỏi, còn biết chọn những kiểu áo thích hợp để khéo che dấu cái thân hình “ mình hạc xương mai” của Hiền.
Ngoài giờ dạy học, lúc rỗi, Hiền lảnh may áo quần cho các bạn, nhiều nhất là áo dài Việt Nam. Hàng đặt tới tấp. Hiền may đêm này liền đêm khác, không bao giờ biết chán nản, mệt mỏi. Mới nhìn, ai cũng công nhận là HIền đẹp, nhưng trong vẻ đẹp có một nét gì sắc lạnh, và chắc có lẽ chính cái nét ấy làm cho số phận Hiền lao đao.
Những người con trai Hiền quen biết hơn 20 năm nay đều đi qua đời Hiền một cách dửng dưng. Hiền thường nhắc nhở một người Hiền yêu ngày xưa đã chết.
Những anh chàng khác không có vấn đề này cũng có vấn đề khác, làm cho cuộc tình duyên có nhiều thiện chí mấy cũng không thành. Và càng nhiều cuộc tình duyên vụn không thành, thì cuộc tình tan vỡ vì cái chết, càng được vẽ vời thêm hoa thêm lá, thêm hương, thêm sắc, và càng ly kỳ nồng nàn thêm. Hiền thú thật với các bạn nàng chỉ thích lấy chồng Việt Nam, nhưng những chàng trai Việt ở ngoại quốc phần nhiều thích gái tóc vàng và có thành kiến: “ Gái Việt ra ngoại quốc là hỏng”, nên khó ghép những chiếc đũa lẻ loi lại thành đôi.
Cho đến bây giờ Hiền có một người bạn trai mà hình như cũng chả đi tới đâu. Theo lời Hiền thì:
- Tánh anh ấy kỳ cục quá
- Anh ấy nói chuyện dấm dẳn, quê một cục.
- Anh ấy cãi lộn với em hoài, đi chơi cũng chẳng có gì du dương, nói chuyện cũng không ngọt ngào...
Vân đùa:
- Thế còn cái anh chàng chiều nào cũng hai giờ điện thoại thì sao?
- Anh ấy ngọt ngào dễ thương, nhưng chỉ coi em như một người chị.
Có nhiều người khuyên Hiền nên về nước để lập gia đình, Hiền trả lời:
- Thôi đi. Bao nhiêu trai anh tuấn ra mặt trận hết. Còn lại ở thành thị những anh chàng “ trốn lính đi ở chùa” hay đến quân dịch cũng không chịu bắt thì vớ được cũng chỉ phải tội.
Thật ra trong tâm Hiền nghĩ đến chuyện về nước phải chạm trán với những con
người “ tình cũ, nghĩa xưa” hơn 20 năm trước, bây giờ phây phây ra, cháu chắt đầy đàn, hạnh phúc tràn trề, Hiền nghe như tim mình muốn đứng lại. Tính Hiền rất ít nói, cũng không thích âm nhạc, ca hát hay đọc sách xem báo gì cả. Một lần Vân muốn Hiền cũng được hưởng chung cái thú của mình, tăng thêm kiến thức và hiểu thêm một vài khía cạnh khác của đời, Vân cố nài ép Hiền đọc một cuốn sách nàng mượn được của thư viện. Hiền nhận sách, nhưng ba tuần sau Vân quét nhà thấy nó nằm dưới gầm giường bám đầy bụi, có một mảnh giấy làm dấu trang đầu.
Ngoài giờ đi làm, ngoài giờ nói điện thoại, Hiền cắm đầu may áo thuê cho các bạn. Nhìn số tiền lương và tiền may hầu như không đụng đến, bỏ vào băng ngày càng nhiều, Hiền thấy vui vui. Nhớ lại lúc 16 tuổi Hiền đã đứng làm chủ một tiệm may, Hiền tự thấy kiêu hãnh vô cùng. Trong trí óc Hiền, sự suy tính mưu đồ kinh doanh bao giờ cũng lấn át hẳn phần tình cảm. Có lẽ cũng vì thế nên bao nhiêu cuộc tình duyên đều lỡ làng.. Trời chỉ cho mỗi người một thứ lộc đặc biệt thôi. Được tình thì kém tiền, tiền đến thì tình xa tránh. Một tay Hiền đã làm ra hàng trăm triệu quan trong việc buôn bán tiền ở Pháp, trong lúc các cô bạn cùng lứa tuổi ăn bánh mì nhạt lót lòng qua buổi để đi học vừa đói, vừa lạnh. Nhưng học xong, họ cưới ngay một người bạn tình rồi về nước làm bà nọ bà kia. Còn Hiền vẫn cứ ở lại cô đơn với cuốn sổ băng càng ngày càng nhiều con số chồng chất lên nhau. Trời đã cho Hiền cái tài làm ra tiền để đền bù sự thiệt thòi, cho Hiền nhiều tiền để bớt thấy đời trống trải cô đơn vì thiếu tình. Hay lỗi tại Hiền, nàng lo chạy theo tiền quên cả thời gian, không có thì giờ giao thiệp tìm hiểu ai cả. Vì cớ gì không ai biết.
Bà Lan chủ nhà ở tầng dưới. Bà dạy một trường với các cô, nên mỗi sáng chở các cô đi làm cùng một chuyến xe cho tiện. Bà thuộc hạng trẻ chưa qua, già chưa tới, chỉ lớn hơn Vân, Ngọc, Hiền vài tuổi thôi nên dễ tâm tình. Qua sông lần đầu bị gãy cầu, bây gì bà vừa làm cha, vừa làm mẹ, làm cả thầy lẫn bạn của hai đứa con gái, kỷ niệm của chiếc cầu gãy. Thỉnh thoảng bà đem trà bánh lên lầu dự vào những buổi nói chuyện lan man với các cô. Bà không hỏi nhiều, chỉ thoáng nghe qua một vài câu chuyện trao đổi cũng đủ hiểu cả quá khứ, vị lai và tâm tư các cô. Làm một người bạn im lặng nghe, cũng như bà đã nghe và thông cảm bao nhiêu tâm sự của các cô bạn trẻ thuê phòng trước kia. Từng nhóm, từng nhóm, đám này đi, đám khác đến. Khi một người phải đi thuê một căn phòng ở một mình trong gác trọ, không ít thì nhiều cũng thuộc vào loại cô đơn rồi.
Cái khuyết điểm lớn nhất của bà Lan là không tin tưởng vào các bậc xưa nay vẫn được gọi là “ đại trương phu”, vì họ chỉ làm được trượng phu khi tử tế thôi, còn khi hết bạn thì cái phẩm chất đại trượng phu cũng tan ra mây khói, và những thành tích trượng phu thành một dĩ vãng lịch sử không bao giờ có thể trùng diễn. Nghe bà tả chân các vị này thì thần tượng nào cũng sụp đổ. Một lần bà góp chuyện, nói đến mục phê bình “ trai anh tuấn” của một cô tả oán mấy thằng anh hùng mất dạy nào đó, lời bàn của bà như lửa cháy đổ thêm dầu:
- Lứa tuổi các cô khó lấy chồng lắm các cô ơi. Các ông trung niên cỡ trên 40 tuổi ai cũng vợ con cả đàn rồi. Còn sót anh nào chưa vợ hẳn là phải có chứng tật gì. Không bịnh vật chất, thì cũng khuyết điểm tinh thần. Vật chất có thể là ờ..ờ.. bệnh tật quanh năm, tinh thần có thể là loại bươm bướm, ích kỷ không chịu trách nhiệm, sợ bổn phận, keo kiệt...Những thức người ấy, các vàng cũng đừng nhận. Còn anh nào ly dị vợ hay vợ ly dị cũng có vấn đề. Có bà vợ nào có ông chồng quí hóa mà chịu để sổng ra đâu. Con chó nhả miếng xương ra thì miếng xương ấy còn gì mà nhằn nữa. Chỉ còn nhìn vào những anh góa vợ, nhưng số này hiếm lắm vì đàn bà sống dai hơn đàn ông. Khắp nơi chỉ thấy nhan nhản đàn bà góa chồng, chứ đàn ông góa vợ thì thắp đuốc tìm sáng trời cũng không thấy.
Hiền yên lặng chịu số phận như một con mèo ngoan ngoãn, hiền lành, xinh xinh
nằm phơi mình dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng cũng con mèo ấy dấu đầy móng vuốt trong bàn tay, bàn chân. Những móng vuốt này không lòi ra miễn đừng ai động đến nó. Muốn làm thân với nó thì phải vuốt ve âu yếm, phải chiều chuộng chuyện trò. Nếu ai dại dột kéo đuôi nó một cái thì phải biết. Cũng con mèo dịu dàng xinh xinh ấy sẽ vùng dậy gào lên cắn một miếng đáo để.
Cái cảnh con mèo vùng lên, Vân và các bạn được trông thấy lúc bà Lan khuyên Hiền nên vặn máy nước cho chặt, đừng để nước nhỏ giọt tí tách suốt đêm nghe không ngủ được. Chỉ có thế mà Hiền như một người đã đè nén muôn nghìn nỗi niềm uất ức từ đời kiếp nào, bây giờ bỗng nổ bùng lên. Hiền giận dữ mắng:
- Cái máy của chị hư thì có. Tay người ta vặn chỉ đến đấy thôi. Không vừa tay thì ai làm thế nào mà vặn được.
Và cứ một điệu nhạc “ không vừa tay” ấy, Hiền dằn đi dằn lại mãi hàng mấy
tiếng đồng hồ, đến nỗi bà Lan phải chịu thua, xin lỗi Hiền và công nhận là máy nước hỏng. Để tỏ ra có thiện chí, bà gọi thợ đến sửa, nhưng người thợ đến chỉ lắc đầu rồi ra về, vì nào máy có hỏng đâu mà sửa. Nó chỉ “ không vừa tay” thôi. Nghĩa là người khác có thể vặn chặt, còn vòng tay của Hiền chỉ đến đấy là hết.
Từ hôm ấy mọi người hiểu rõ móng vuốt của con mèo hiền lành. Ai cũng lặng lẽ vặn nước lại cho chặt sau khi Hiền dùng xong bất cứ cái máy nước nào trong nhà.
Vân nhớ đến lời mẹ dạy ngày xưa “ngựa hay có chứng”, và mặc dầu ngựa có chứng, chưa chắc đã là ngựa hay, nhưng ta cứ cho nó là ngựa hay đi cho yên chuyện. Vân im lặng nhận xét tất cả các loại “ chứng” của các bạn cùng trọ và cố không để cho các cô biết.
Ngọc có nét đẹp của người con gái miền Nam. Gương mặt trái xoan xinh xinh trông rất Á Đông. Ngọc rất thông minh chăm học. Có lẽ hơi quá thông mình hơn mức thường một chút. Ngoài ra Ngọc lại nấu ăn khéo, chăm học, cuộc sống ngăn nắp gọn gàng, tính tình tế nhị, kín đáo.
Thực ra, có lẽ Ngọc cũng là một con mèo nằm phơi nắng, chỉ chưa có dịp nào cần biểu diễn bản lĩnh thôi. Qua những câu chuyện Ngọc kể, những lời Ngọc đối đáp lại với những kẻ hỗn xược với Ngọc ở ngoài đời hay trong sở, Vân hiểu Ngọc là người không để ai bắt nạt được.
Đó là một điều tốt, vì người ta yêu con mèo có lẽ một phần cũng là vì nó là con mèo, nó có móng sắc nhọn ở trong bàn tay êm như nhung. Nó làm cho người ta yêu nó mà nể nó, chiều nó mà e dè nó. Nếu nó không có khí giới tự vệ, người ta sẽ kéo đuôi nó mà không phải lo bị nó cào. Đường đời có một chiều, còn gì là thú sống nữa.
Sinh, chồng Ngọc là một sĩ quan, bị đổi đi xa sau khi cưới được mấy tháng, nên Ngọc hay ngồi buồn ngẩn ngơ. Ngày ngày Ngọc đợi thư Sinh, đêm đêm Ngọc ôm chiếc máy ghi âm vào lòng nghe Sinh nói chuyện và hát. Có khi Ngọc mở to cho cả nhà cùng nghe.
- Bây giờ có lẽ anh hát cho em nghe nhé. Em muốn hát bài gì? Có lẽ em thích nghe bài này. Có lẽ anh sẽ hát thêm một bài nữa cho em nghe. Nhưng có lẽ em không thích... Sinh hỏi rồi Sinh trả lời. Nghe Sinh nhắc đi nhắc lại chữ “ có lẽ” hàng chục lần, Vân đặt tên Sinh là “ anh chàng có lẽ”.
Cứ thế, đêm đêm trong góc nhà, chỗ divan Ngọc nằm tiếng hát của Sinh vẳng lên khe khẽ, Ngọc ôm máy lắng nghe giọng chồng tình tứ nồng nàn, đếm từng ngày đợi thư chồng.
Mỗi chiều lúc tan trường, bốn cô về nhà thay quần áo xong, Hiền vào phòng riêng đóng cửa may hay đội chiếc mũ rơm lững thững đến nhà người bạn trai của nàng nấu ăn. Cơm tối xong Hiền về, lại đóng cửa may vá. Hiền ít khi ra phòng khách chuyện trò, ít chơi thân với ai, giữa nàng và tất cả mọi người lúc nào cũng như có một tấm màn ngăn cách. Ngoài việc may vá, Hiền tiêu thì giờ bằng cách gọi điện thoại nói chuyện với một người bạn trai khác hết giờ này sang giờ khác để tiêu sầu. Nhiều người đùa Hiền, bảo nàng thích anh nào thì nên chọn một, bồ với cả hai anh cùng một lúc như thế rồi chẳng có anh nào cả. Hiền trả lời:
- Một anh thì hay gắt gỏng, nói chuyện chẳng tình tứ du dương gì hết, quê một cục. Nếu em chịu được cái cảnh hai người mỗi ngày gây nhau 85 lần bất cứ vấn đề gì thì lấy nhau cũng được. Còn anh trong điện thoại, trái lại mềm mỏng, dễ thương ăn nói ngọt ngào lắm, nhưng anh ấy tỏ vẻ thích vợ trẻ và có bằng cấp cao. Em nhiều tuổi hơn anh ấy, lại không có bằng cấp cao nên anh ấy chỉ ngọt ngào chơi, giết thì giờ thế thôi chứ không có ý xây dựng gì cả.
Cả bọn nghe xong phá lên cười:
- Thế bao giờ sinh nhật anh ấy để chúng em biếu anh ấy cái gương thần. Một cái gương soi thấy cả dung nhan lẫn giá trị tinh thần. Anh ấy mà cưới được chị Hiền thì có thể gọi là phúc tổ tiên bảy mươi đời để lại.
- Nhưng mà thôi, ai cũng có quyền mơ. Biết đâu phúc nhà anh ấy còn dày hơn nữa. Với lại mấy cụ trai già ấy thì cũng lắm bệnh, lắm tật kinh khủng. Tội gì mà tự chuốc cái ách nô lệ vào thân.
Thì ra con người ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng giải thích một cách hợp lý được,
và cố nhiên phần thắng danh dự về mình.
Mỗi chiều Hằng đã dành được phần nấu ăn. Ban đầu Vân nấu, bảo Hằng đứng xem để học lóm, nhưng Hằng không chịu, bảo rằng muốn làm từ đầu đến cuối tất cả mọi thứ để biết một cách rõ ràng, chứ không chịu “ chị ướp gì vào thịt, em không biết, chỉ thấy xào xào, ai xào chả được, mai đây em biết làm thế nào”. Ban đầu Vân không tin là Hằng không biết nấu ăn, nhưng hôm nói chuyện về bánh chưng, Hằng hỏi một câu làm cho tất cả mọi người giật mình:
- Có phải nấu nếp chín trước, kho thịt xong, rồi mới gói lại thành hình bánh chưng phải không chị?
Từ đấy mọi người ai biết gì cũng ra công chỉ bảo cho Hằng, bởi vì tất cả đều
không còn ngờ vực tài nấu nướng của Hằng nữa. Hằng nhường phần quét dọn và nấu buổi sáng cho Vân. Ngọc phụ bếp. Hằng giữ chân bếp chính nhưng ở dưới sự chỉ huy của Vân và Ngọc.. Cô bé hăng hái muốn tập tất cả những món gì có thể nấu được, để chuẩn bị cưng anh chàng Hoàng Tử đẹp trai tương lai nào đó.
Mỗi chiều sau khi chỉ cho Hằng phải làm món gì, làm như thế nào rõ ràng, Vân ra vườn tưới hoa cắt cây. Ăn uống, rửa bát dọn dẹp xong, Vân nằm đọc sách cho đến khi mắt nặng trĩu vứt sách tắt đèn là ngủ luôn. Vân lớn tuổi nhất trong bọn nên vẫõn được gọi đùa là chị Hai. Từ lâu nàng quen sống độc lập cả vật chất lẫn tinh thần. Lắm lúc Vân ao ước có một người bạn nào có thể bàn bạc hay hỏi ý kiến được thì hay quá. Cái gì Vân cũng phải tự suy nghĩ, quyết định lấy, rồi may nhờ rủi chịu. Vân nhận kết quả tốt cũng không vui mừng, mà thất bại cũng không buồn giận oán than. Thành công không được khen tặng, mà hỏng việc cũng chả có ai để đổ thừa.
Tính Vân tinh nghịch, muốn được ỷ lại vào người nào một tí cho có vẻ nữ tính. Còn gì chán hơn cho một người đàn bà phải sống, làm việc, suy nghĩ và hành động như một người đàn ông. Đàn bà như thế thì đàn ông mới trông thấy cũng đủ sợ hết vía rồi, đâu còn dám nghĩ đến chuyện làm quen nữa. Mười năm sống đời quả phụ, tình cảm của Vân đã cô đọng, khô khan, chai đá. Trái lại đôi mắt của Vân thì vẫn còn mơ buồn và đẹp một cách xa xôi. Vân trông trẻ hơn tuổi rất nhiều. Người nàng cũng vừa phải, mạnh khỏe và còn chứa đầy sinh lực. Mỗi chiều Vân ra vườn sau làm cả một mảnh vườn. Vân lại còn dặn bà Lan đừng thuê người làm để dành cho Vân có chỗ vận động. Làm xong mảnh này, mảnh kia cỏ lại mọc lên, thế là Vân lại có chỗ để tiêu pha nguồn sinh lực dồi dào. Những đường cong uốn lượn trên thân thể nàng như một trái cây chín tới, không quá xanh mà cũng không quá chín. Thân thể cân đối nở nang của nàng như phát ra sức hút, mà cũng như chờ đón nhận những âu yếm nồng nhiệt.
Mỗi ngày sau hai giờ làm vườn Vân mệt lả, nằm trong bồn nước nóng đầy xà phòng ngập đến cổ nhìn lên trần nhà hát khe khẽ. Cũng có khi Vân không giữ được yên tĩnh đập nước đùng đùng và hát to như trẻ con. Các cô khác nghe thấy tưởng Vân đương lên cơn vui. Chính thực ra Vân biết lúc ấy là lúc đầu óc trống rỗng và vô nghĩa nhất nên phải làm cái gì âm ỹ để lấp cái trống rỗng, để không còn cảm thấy vô nghĩa được.
- Kìa chị Vân ăn đi chứ. Công trình các chị gói bánh ăn Tết và mừng Ngọc ốm khỏi... Không ăn Ngọc giận, ốm lại cho mà xem.
Vân đang mơ mộng, giật mình trở về với hiện tại, vừa xắn chiếc bánh vừa nhìn
Ngọc. Mới cách đây hai tuần, Ngọc còn ốm nằm mê man trên giường bệnh, bây giờ đã ngồi dậy ăn chung, nói lem lém làm việc như thường. Da mặt Ngọc đã thay bỏ lớp cũ, da non ra hồng hào, mơn mởn, tươi thắm như da trẻ con, mắt Ngọc sáng long lanh trông rất xinh. Thấy Vân nhìn mình mỉm cười, Ngọc hỏi:
- Sao chị nhìn em dữ thế?
- Ngọc bắt đầu ăn được ngon miệng rồi, chóng mạnh lắm. Cứ việc ăn, đừng sợ phát phúc.
- Em có sợ đâu. Em ăn nhiều ăn ít gì cũng thế thôi. Không bao giờ thêm bớt gì cả. Người em là một tác phẩm tuyệt vời mà.
Hằng vỗ tay reo:
- Hay hay. Em sẽ học câu ấy của chị. Thêm vào một câu hôm nọ là thêm
một phân thì quá cao, thiếu một phân thì quá thấp. Chỉ khổ cho em, emlùn quá. Sau này nhỡ có bồ cao lại phải bắc thang trèo lên mới ngả được đầu vào ngực bồ, chán quá. Hằng nói xong, bóc thêm một chiếc bánh chưng để vào đĩa của mình.
- Em phải ăn thật nhiều mới được. Mai mốt vào trường lại phải ăn “ Hambuger” và “ Hot dog” chán chết. Về đây ở chung với các chị mấy tháng, tuy không có cái vui nhộn như em hằng ước ao, nhưng được ăn toàn món ăn Việt, lại biết tự nấu lấy nữa. Chuyến này về, em tha hồ mà trổ tài với các anh ấy.
Hằng vừa ăn vừa nói tiếp:
- Chị Ngọc lành rồi, “ Ba Xạo” không thấy đến nhỉ. Tiếc quá chị Vân đã điều đình giúp em, nhờ “ Ba Xạo” cắt cái mũi sư tử của em, sửa cho gọn cao và đẹp, chỉ tính có nửa tiền, thế mà em không đành tâm “ly dị” một tháng lương để sửa. Mất một cơ hội tốt nhưng cũng đành vậy. Sau này anh nào yêu em thì cũng phải yêu luôn cái mũi sư tử của em nữa.
Ngọc nghe nói đến tên “ Ba Xạo” phá lên cười.
Vân nghe đến chữ “ Ba Xạo” thì biến sắc mặt. Tim nàng như có vật gì đâm
nhói vào.
Chợt trông thấy sắc mặt Vân, tiếng cười của Ngọc cũng tắt hẳn, còn Hằng vẫn vui thích cười vang lên. Ngọc tinh ý hơn Hằng. Trong đời Ngọc, trước khi lấy chồng, Ngọc đã từng biết thế nào là thăng trầm ấm lạnh của tình cảm. Còn Hằng vẫn ngây thơ. Có lẽ trong đời học sinh Hằng đã từng yêu vơ vẩn một vài hình bóng, nhưng đấy chưa thật là tình yêu có đủ khói lửa sóng gió, Hằng chưa biết được “ lửa sống” để hiểu rõ nội tâm của kẻ khác. Hằng thường nói:
- Em không tin có người buồn tình mà mất ăn mất ngủ được. Nếu em yêu mà bị tình cho “ lay off” thì càng buồn, em càng ăn nhiều. còn ngủ thì như các chị biết đấy, sáng nào chị Vân đánh thức dậy đi làm, em cũng nằm vật lên vật xuống mấy chục lần, cuối cùng sợ bà Lan bỏ rơi, không có xe đến trường nên mới cố gắng lấy hết can đảm bình sinh vùng dậy đi tắm. Không tạt nước lã vào người, chỉ rửa mặt thôi cũng không thể nào tỉnh táo được.
Vân bỏ đũa, dẹp bát của mình vào chậu nước rửa bát xong nói nhỏ một mình:
- Ăn nếp chóng no làm sao. Mình phải coi chừng kẻo béo ra thì nguy. Tham ăn làm hỏng mất một tác phẩm tuyệt diệu của hóa công, tội chết phải xuống địa ngục A Tỳ...
Nói xong, không đợi mọi người phản ứng, Vân ra phòng khách ngồi nhìn qua
cửa kính.
Ánh sáng của ngọn đèn đường xa quá không soi thấy gì cả. Sương mù đã xuống dày đặc xóa nhòa những ánh đèn lấp lánh bên kia bờ bể. Vân ngồi trong phòng ấm mà nghe như cũng cảm thấy được hơi sương. Khí lạnh bên ngoài như hòa hợp với băng giá phát ra từ trong tâm. Vân rùng mình nhìn xuống sân. Bên dưới chỉ có hai chiếc xe hơi, một xe của Ngọc và một của bà Lan. Vân ngồi bất động, mơ tới chiếc xe thứ ba. Chiếc xe ấy,mới cách đây ít lâu còn hay đến đỗ trước nhà này. Chiếc xe màu ngà ngừng êm không một tiếng động, nên bao giờ cũng mãi tới khi có tiếng gõ cửa cả nhà mới biết là có khách. Vân có cảm giác rằng, chiếc xe ấy sẽ không bao giờ đến nữa. Có những điều người ta mơ hồ biết trước mà không lý luận vào đâu được.
Ai trông thấy Hà mà không nghĩ đây là một hạt châu. Là một “ hạt châu” từ trong trứng, cả thế giới dám cấp giấy chứng nhận Hà là một hạt châu chính hiệu, thế mà cái tinh thần ba xạo của Hà thì ví với mắt cá cũng còn chới với.
Nhưng điều mâu thuẫn rủi ro nhất cho tâm hồn người đàn bà là thấy rõ cã một trời khuyết điểm mà tình cảm vẫn không suy chuyển. Vân vừa nhớ Hà, vừa giận Hà, vừa ao ước gặp Hà mà đồng thời cũng thầm mong đừng bao giờ gặp Hà nữa để có thể quên.
Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, Vân bỗng dưng trở thành một con người khác hẳn. Trước kia Vân tưởng mình, một đời sống 10 năm quả phụ với một vài lần hiểu lầm, trái tim như đã im lặng, như bất động hàng thế kỷ không còn biết cảm xúc là gì. Thế nhưng tình yêu chớp nhoáng đã đến với nàng như một cơn bão bất ngờ. cơn bão đến không báo trước, và lúc đi cũng tan biến vào khoảng không như một bóng ma, không một lời từ giã, không một câu giải thích, không một chữ hẹn hò...
Vân nhớ lại cách đây mấy tháng khi Vân gặp Hà lần đầu. Vân giật mình kinh ngạc mà không hiểu tại sao, nên vẫn cố thản nhiên che dấu bối rối. Vân đã nhìn Hà như một bảo vật trong tủ kính, Vân nhìn với cái nhìn của kẻ biết mình biết người, nhìn một cách quí mến, tán thưởng mà không hề ao ước.
Hôm ấy Vân đem Ngọc đến phòng khám bệnh của Hà. Vân đã giật mình kinh ngạc vì Hà rất giống một người bạn cũ ngày xưa của Vân. Tuy không giống hẳn nhưng khuôn mặt, khổ người,dáng điệu thanh thanh cũng đủ làm Vân lặng hẳn người đi. Mái tóc hoa râm của người đàn ông đối với một người đàn bà đứng tuổi, lắm khi trông còn hấp dẫn hơn vẻ đẹp của một lực sĩ. Đôi mắt Hà nhìn thẳng thắn tỏa ra một sức mạnh trầm lặng mà nồng nhiệt vô cùng.
Vân nhìn trộm tay Hà thấy đeo một chiếc nhẫn ngọc thạch cùng kiểu với bộ khuy tay áo. Hà không đeo nhẫõn cưới, nhưng có nhiều người vợ con hàng đàn mà vẫn để ngón tay trống trơn như bàn tay độc thân. Đã lâu Vân không còn tin được vào những cái bàn tay không nhẫn ấy nữa!
Ngọc còn phải đến phòng bệnh nhiều lần, và mỗi lần Vân đều phải đem đi. Hà
đã quen mặt thuộc tên hai người, đã thích hỏi những câu bâng quơ ngoài chuyện bệnh tình. Một hôm Hà hỏi Vân:
- Cơm Việt nam có ngon không cô?
Giá Vân là một người khác, qua nhiều lần “ bốn mắt nhìn nhau” như thế, sẽ
hiểu ngay đây là một câu “ mở đường cho huơu chạy”, Vân có thể trả lời:” Ngon lắm chứ, ngon hơn cả cơm Tàu nữa! Ông có muốn ăn thử không?”. Hà sẽ trả lời: “ Có chứ! Nếu cô định cho tôi ăn thử cơm Việt Nam thì còn gì bằng!”... và cứ thế sẽ có rất nhiều khoảng chính, khoảng phụ cần phải để hạ hồi phân giải...
Nhưng Vân chỉ thật thà trả lời:
- Đối với tôi cố nhiên là ngon!
Một lần khác Hà lại gợi chuyện:
- Tiếng Việt Nam có khó không cô? Tôi muốn học tiếng Việt lắm. Tôi sắp
tình nguyện sang Việt Nam ba tháng giúp việc tại nhà thương Sàigòn.
Đây cũng là một câu “ mở đường cho huơu chạy” nữa! Đáng lẽ Vân trả lời:” Dễ lắm, nếu ông muốn học một vài câu nói thông dụng tôi sẽ dạy ông. Tôi chắc sẽ rất có ích khi ông đến Việt Nam”. Thế rồi câu chuyện có thể kéo dài ngày học, giờ học và vô tận... Nhưng Vân chỉ trả lời một cách đứng đắn:
- Tiếng Viết nam rất dễ vì văn pháp giản dị. Nhưng đối với người ngoại quốc thì khó về dấu và giọng.
Hà nhìn Vân không nói gì. Cái nhìn có vẻ trách móc như bảo:
- Đồ ngu, ta mở đường cho mà không biết đi! Vân cũng nhìn lại một cái nhìn thách thức để trả lời:
- Đứa nào giả vờ ngu được là đứa ấy không ngu lắm đâu! Làm chủ cả một cái bệnh viện như ông, đẹp trai tài giỏi như ông, không hỏi cũng biết đàn bà chung quanh ông thiếu gì. Ở cái bán đảo quanh năm thường trực có hàng chục ngàn đàn bà vừa góa, vừa ly dị, vừa nhỡ tàu, và nửa chừng xuân... quanh năm ông sửa mắt, sủa mũi, kéo da, thêm ngực cho hàng nghìn người, ông muốn thì thiếu gì, bộ tôi cũng chui vào tròng để rồi chết không kịp ngáp sao?
Vân cố giữ mình để cho cuộc đấu trí giữa hai bên sớm chấm dứt. Nàng không
trả lời những câu hỏi bâng quơ của Hà nữa! Cả hai bên đều có thể tự coi như đã đi lạc vào rừng, trông thấy một đóa hoa dại tuyệt đẹp, và cố nhiên không thuộc quyền sở hữu của ai hết, nên đã dừng chân ngắm nghía tán thưởng một lúc rồi lại tiếp tục đi.
Câu chuyện chỉ có thể đến đây là hết, nếu Ngọc không quyết định sửa nhan sắc, thay da mặt, và Vân lại phải chở Ngọc đến phòng bệnh của Hà mỗi ngày. Lúc da non ra, Ngọc phải tránh nắng và gió nên một hôm Vân phàn nàn với Hà:
- Các cô nữ khán hộ của ông bảo ông không bao giờ thăm bệnh nhân ở nhà cả. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt, xin ông đến nhà, chúng tôi sẽ trả tiền gấp đôi.
Hà mỉm một nụ cười bí hiểm trả lời:
- Được, tôi sẽ đến. Tôi không tính tiền đâu! Chủ nhật này 1 giờ trưa nhé?
Ngay tối hôm ấy khi cả nhà còn ngồi bên cạnh máy truyền hình bỗng có tiếng
chuông điện thoại reo vang. Tiếng Hà ở bên kia đầu dây:
- Bác sĩ Hà đây... Chào cô. Thế nào các cô đang làm gì đấy? Tôi sẽ đến thăm các cô.
Vân ngạc nhiên trả lời:
- Vâng, ông có hứa đến thăm bệnh ngày mốt. Chủ nhật, 1 giờ trưa.
- Tôi sẽ đến ngay bây giờ.
- Bây giờ là 11 giờ đêm?
- Còn sớm chán. Tôi sẽ đến trong 5 phút.
Vân gọi các bạn:
- Này các cô, bác sĩ Hà tới ngay bây giờ! Tất cả mọi người đều ngạc nhiên:
- Động mả hở?
Đúng 5 phút sau Hà đến với một chai rượu trong tay. Cả nhà cùng uống mỗi
người một ly nhỏ, còn Hà uống hết cốc này đến cốc khác không ngừng. Hà nói chuyện vui vẻ, bặt thiệp, duyên dáng, có óc hài hước vô cùng.
Lúc ra về, Hà bắt tay tất cả mọi người trong nhà, chỉ một mình Vân đưa Hà ra xe. Hà mở cửa xe bảo:
- Mời cô lên xe một lúc, tôi có chuyện quan trọng muốn nói.
Hà vừa nói vừa đẩy nhẹ Vân, Vân không kịp có phản ứng gì hay suy nghĩ xa
xôi, theo đà bước lên xe, Vân vừa ngồi xuống thì Hà đã ngồi ngay bên cạnh. Vân định hỏi Hà muốn gì, nhưng chưa kịp mở lời, thì một tay Hà đã quàng qua sau lưng Vân, một tay ôm ngang. Anh chận câu hỏi bằng một cái hôn. Vân vùng vẫy chống cự, cái phản ứng đầu tiên của một người khi bị tấn công bất ngờ. Nhưng bị kềm chặt giữa hai vòng tay cứng rắn của Hà, Vân không thoát được. Môi của Hà mềm và thơm ngát mùi rượu dâu, Vân thấy choáng váng ngây ngất, để yên cho Hà tìm môi mình sâu hơn.
Hà chỉ ngừng lại thở trong vài giây rồi lại hôn tiếp. Và Vân mất hết ý tưởng chống cự, để mình chìm đắm sâu hơn trong mỗi cái hôn của Hà. Bỗng cả hai giật mình vì đèn ở ngoài hiên bật sáng. Có tiếng trên gác vọng xuống:
- Vào nhà nhanh lên kẻo gió lạnh lại bị ốm Vân ơi!
Cô nàng nào lo Vân bị lạnh lại có nhã ý vặn đèn soi đường, nhưng lòng tốt đến
không đúng lúc, hình như không được hoan nghênh lắm.
Hà buông tay. Vân sửa lại tóc. Hai người nhìn nhau bâng khuâng.
- Thôi tôi về, khuya rồi. Mai là ngày mổ của tôi.
Vân gật đầu:
- Chủ nhật anh còn đến nữa không?
Hà se sẽ gật đầu, mở cửa xe cho Vân. Nhìn chiếc xe chạy biến vào đêm tối.
Vân thong thả bước lên nhà nghĩ thầm:
- Đời là như vậy sao? Hơn 10 năm sống như một đóa hoa kết thành băng, bỗng trong giây phút bị một người lạ mặt hái trong một lúc không ngờ nhất. Thì ra thời đại nguyên tử có khác. Hai người nhìn nhau, hiểu nhau muốn gì, người đàn bà cho cơ hội, và người đàn ông nắm lấy không cần có một lời mở đầu.
Vào nhà cả bọn hỏi tưng bừng tới tấp:
- Chuyện trò gì mà lâu quá vậy?
- Ai cho ai uống nước đường hở?
- A ha! Thế mà mấy cô khán hộ cứ quát tháo ầm cả lên:” Bác sĩ của chúng tôi không bao giờ làm “ house call”. Thấy chưa? Bây giờ “house call” từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng!
Vân không trả lời những câu hỏi lửng lơ. Đầu óc nàng choáng váng, tâm trí
lâng lâng, một niềm vui từ đâu tự kéo đến như nước vỡ bờ tràn ngập mênh mông. Thì ra khi một người đàn ông được coi như xứng đáng đến đúng lúc, thì họ có thể xoay chiều cả một nhân sinh quan, ở trong bất cứ cái đầu óc nào bướng bỉnh kiên cố nhất.
Trưa hôm sau trong lúc không ai ngờ Hà đến, thì Hà lại lừng lững vào và ngồi chơi rất lâu. Cả bọn đều hoan nghinh đã “ tậu” được một người bạn mới biết chữa bệnh, biết nói chuyện rất có duyên và biết cả đàn hát nữa!
Sau buổi cơm tối cả nhà tưởng là đã hết khách, không ngờ Hà lại còn đến. Mọi người đều đi ngủ từ lâu, cái divan ở phòng khách cũng đã lật ra thành giường. Khách mời ngồi trong nhà bếp.
- Anh muốn uống cà phê hay nước trà?
Hà lắc đầu:
- Tôi đã uống tất cả các thứ rồi.
Vân nhìn Hà ngạc nhiên nghĩ thầm: 1 giờ sáng, anh chàng này ở đâu đến đây?
Tại sao giờ này còn lang thang như đồ...
Hà không để Vân có thì giờ nhìn anh để phân tích hỏi han. Anh dơ tay kéo mạnh Vân vào lòng, thế là những cái hôn đến tới tấp như mưa.
Trưa chủ nhật, Hà giữ lời đã hứa, làm cái “ house call” chính thức. Nhưng bác sĩ đến không phải để thăm bệnh mà để ăn cơm với bệnh nhân và cả nhà rồi ra về. Ngọc đã gần khỏi, ngồi dậy đi ra đi vào nói chuyện lém lỉnh như thường, chỉ còn da mặt đang thay chưa được phép ra nắng.
Buổi cơm tối, bệnh nhân và các cô bạn gái bắt đầu đem bác sĩ của mình lên bàn mổ phân tích.
- Thằng cha này lạ! Có địa vị, danh giá, nổi tiếng giàu có, đẹp trai, đàn hát
đủ tài, thế mà lại như có vẻ cô đơn!
- Theo thuyết của bà Lan thì những anh nào bị vợ bỏ là “ something wrong”. Anh nào đủ điều kiện cho đàn bà chết mệt mà cũng bị vợ chê là “ something “ lại càng “ wrong” lắm lắm lắm!
- Thằng cha này có đủ khả năng để có một nghìn lẻ một người yêu, tại sao lại chạy đến đây bất phân nhật dạ như đồ cầu bơ cầu bất thế nhỉ?
Những câu hỏi lửng lơ nêu ra, không ai cần ai trả lời, mà thực ra cũng không ai
hiểu Hà đủ để trả lời.
Hà còn đến nhiều lần nữa, và lúc nào cũng có cả nhà quây quần chung quanh anh nói chuyện, nên trước mặt mọi người anh chỉ dám nắm tay Vân mà thôi. Vân không nói nên cũng không ai biết giữa Hà và Vân đã đi đến đâu.
Một hôm lúc lại đem Hà lên bàn mổ, Ngọc bảo:
- Thằng cha hay đùa quá. Mới đầu thì vui, bây giờ thấy chướng. Mình hỏi
câu gì quan trọng đáng trả lời một cách đứng đắn, hắn cũng bông đùa. Ví dụ như hôm qua em hỏi về cái khoản “ special charge” trong đơn tính tiền là gì, thằng chả trả lời: “ Đó là nụ cười duyên dáng của tôi dành riêng cho cô”.
Hằng cũng nói:
- Thằng cha ấy lạ. Chỉ độc nói chuyện với một mình chị Ngọc. Hai người đối đáp sát sạt như keo sơn, không còn ai chen được một chữ vào trong câu chuyện. Thế nghĩa là trong bụng lão thì thích chị Ngọc, mê chị Ngọc, nhưng vì Ngọc có chồng rồi, nên lão nắm tay chị Vân cho đỡ ghiền!
Vân cũng tiếp:
- Tôi thấy lão nói láo số một. Lão chỉ thích đến bất ngờ bất cứ giờ nào, không nghĩ đến chủ nhân có tiện tiếp khách hay không. Còn khi lão hứa và mình chờ thì lão không đến. Party của mình nhâïn lời đến rồi lờ đi, không xin lỗi trước lỗi sau gì cả. Party của lão, hứa đến đón mình rồi quên luôn.
Ngọc gật đầu:
- Thằng cha ba xạo thật!
Hằng vỗ tay:
- Ha ha, Ba Xạo đúng là tên của lão!
Thế là từ đấy, tên Ba Xạo được ghi vào sổ bộ, được mọi người công nhận đúng
là tên của Hà.
Vân nói:
- Ba Xạo ly dị, vợ ở nhà thương điên. Có khi cái ba xạo của lão làm vợ nổi khùng, chịu không nổi hóa điên cũng không biết chừng!
Mỗi ngày mọi người lại tìm thêm được một vài sáng kiến trong sự mổ xẻ tâm
hồn và cuộc đời của Hà, và những phát giác mới càng củng cố cái ý nghĩa tính chất của tên Ba Xạo thêm lên.
Cho đến mấy tuần lễ sau này, Ba Xạo không thấy đến luôn như trước. Bệnh nhân lành rồi, bác sĩ không cần săn sóc, hay bác sĩ còn đang bận làm một “ house call “ nào quanh quất đâu đây!
Ở dưới đường từng chiếc xe đi qua, vết đèn chạy dài trên đường nhựa sáng loáng. Bây giờ Vân không hy vọng một trong những chiếc xe ấy dừng lại nữa. Chỉ một thời gian rất ngắn vừa qua, cuộc sống sóng gió nội tâm đầy đủ hơn cả 10 năm trời đằng đẳng. Rất nhiều tình yêu gói ghém niêm phong cất kín từ đời kiếp nào, một phút được mở khóa đem ra phơi nắng. Thoát khỏi không gian. Nhưng cũng như một phép nhiệm mầu, mối tình tự cảm thấy thoát ra không đúng thời đại, cho không đúng người, đúng lúc, tình tự thu mình nhỏ dần, nhỏ dần, rồi không ai bắt buộc, chính nó tự lắng vào tận nơi u uất nhất của tâm hồn, tự niêm phong lại sâu chặt hơn xưa.
Một trận gió ngược đã thổi tất cả sương mù sang vùng khác, bên kia bờ biển hàng vạn ánh sáng lấp lánh đủ màu như một rừng kim cương hiện ra.
Ngọc đã ăn xong đến ngồi cạnh Vân. Vân nhìn Ngọc, thấy người bạn trẻ hơn 10 tuổi, bây giờ vừa thay da mặt xong đẹp hơn trước gấp bội. Từ lúc mới quen nhau hồi 4 năm trước, Vân vẫn coi Ngọc như em gái, thương Ngọc một cách chân thành. Nhất là những ngày Ngọc vừa ở bệnh viện về, Vân đưa đón, bồng lên đỡ xuống, nâng niu như một người em bé, tình thương càng sâu đậm thêm lên. Nhưng từ lúc Hà đến và nhận thấy Hà chỉ thích nói chuyện với Ngọc, Vân mới nhận ra Ngọc có một nhan sắc hấp dẫn đàn ông kinh hồn, nhan sắc ấy người đàn bà nhìn nhau như bạn gái không thể nào cảm thấy được.
Hằng ăn xong cũng theo ra phòng khách, hỏi:
- Này các chị, em nhận thấy là Ba Xạo mê chị Ngọc, nhưng Ngọc có chồng rồi, lão không dám dở trò sợ bị ăn đòn, nên dùng chị Vân làm bình phong.
Ngọc tức quá, gân cổ lên cãi:
- Ngọc có chồng rồi còn mê man gì! Nói bậy phải đòn bây giờ! Bác sĩ đến thăm bệnh nhân thì phải nói chuyện với bệnh nhân chớ còn nói với ai!
- Bác sĩ nói với bệnh nhân về các vấn đề nhân sinh quan, và hạnh phúc của nhân loại, và vũ trụ với lại không gian... hà hà nghi quá. Lại còn cả chuyện con khỉ, con tiều, vớ vẩn không đâu vào đâu nữa!
Vân không nói gì nhưng nghĩ thầm.
- Ngọc có chồng rồi ai chả biết, nhưng ai cấm được đàn ông mơ tưởng Ngọc. Ngọc rất yêu chồng, tối nào cũng viết thư cho chồng, nghe chồng hát trong máy ghi âm, ấp yêu ảnh chồng nào ai biết. Họ vẫn cứ hy vọng như thường.
Tự cho là mình nghĩ bậy, Vân hối hận nói:
- Xin lỗi Ngọc nhé!
Ngọc ngơ ngác không hiểu. Vân càng thấy thương Ngọc hơn xưa. Ngọc có lỗi
gì đâu khi có người yêu mê Ngọc. Ngọc làm sao bắt buộc được người khác đừng thích mình. Nếu trong câu chuyện Ngọc đã lắm lúc muốn đem tài quán thông kim cổ của mình ra áp đảo các bạn, thì cũng là một hành động đúng theo bản tính hiếu thắng của con người.
°
- Tết nhất gì mà kỳ cục thế này? Không có thủy tiên, không có pháo, không có áo mới, chúc mừng. Không có bà con cô bác gì hết cả. Chỉ có một cành đào giấy với mấy cái bánh chưng bé tí tẹo thế này cũng dám gọi là Tết à?
Lại vẫn cô bé Hằng liến thoắng, phàn nàn. Vân thêm:
- Chưa hết đâu. Đừng quên là ngày mai dù mồng một, chúng mình vẫn cứ phải đi dạy như thường. Đây đâu có phải là quê hương của ta mà bắt thiên hạ phải ăn Tết theo ta. Tốt hơn hết là cứ ngồi yên mà hồi tưởng.
Bà Lan đem lên tặng các cô một đĩa kẹo mứt mua ở phố Tầu để pha trà tham
gia buổi hồi tưởng tất niên cho thêm ấm cúng.
Trong phòng khách, mỗi người ngồi một góc, không nhìn nhau, cũng không cần mang cái mặt nạ vui tươi. Các cô yên lặng ngồi nhìn vào khoảng không. Mỗi người trong tay cầm một chén trà, một miếng mứt. Dù tách trà có đưa lên môi, chất trà có thấm vào thể chất, bà Lan biết không có ai đang sống trong hiện tại. Bà Lan phá tan sự yên lặng trước:
- Thôi, thì giờ tưởng niệm quá khứ như thế là đủ rồi. Bây giờ đến tương lai. Mỗi người đều phải nghĩ tới điều mình ao ước, tưởng tượng điều đó thực hiện y như thực.
Hiền ngập ngừng hỏi:
- Có phải nói ra không?
Bà Lan lắc đầu:
- Không cần, cứ tâm niệm cho mình, hằng đêm tâm niệm, mãi mãi rồi sẽ thành sự thực. Đừng nói ra mất thiêng!
Nhìn mấy cô gái cô đơn ngồi bó gối thả hồn phiêu lưu, Bà Lan nhè nhẹ mở
cửa xuống nhà dưới.
Ba tuần lễ sau, Ngọc đi làm trở lại. Cả nhà trở về với nhịp sống bình thường. Nhưng thực ra nếp sống chỉ có vẻ bình thường phần vật chất ngoài mặt, còn phần tình cảm trong thâm tâm ai cũng có nhiều thay đổi. Mực sống vui vẻ đã lên đến cao triều bây giờ đang hạ dần xuống.
Ngọc và Hằng ngày ngày tính nhẩm xem bao giờ về trường, đã làm được bao nhiêu, để dành được bao nhiêu. Hiến tính chuyện về nước lấy chồng. Bà Lan rất đồng ý, cứ khuyên Hiền mãi:
- Cô Hiền về nước chắc thích hợp hơn. Cô không yêu được người ngoại quốc mà gặp người Việt ở hải ngoại thì khó hơn đáy bể mò kim. Hai người dù có cô đơn đến đâu gặp nhau cũng ít khi đủ điều kiện để hợp nhau. Hai thứ cô đơn hai nhãn hiệu khác nhau, như không cùng chung một thế giới, ngửi không được!
Hằng đã biết nấu tất cả những món ăn trên tờ thực đơn dán trong bếp hai trang
dầy đặc, đã biết làm tiệc cho 20 người ăn mà không mệt, biết cách chế biến khi cấp thời, biết sáng kiến nấu những món ăn cũ thành mới, biết chế ra những món ăn không tên với bất cứ loại rau thịt gì có sẵn trong nhà. Hằng đã bắt đầu thấy mình tài giỏi nên tỏ ra chán làm bếp.
Hiền xưa nay vẫn sống riêng biệt, tự nhiên thấy nói chuyện thủ thỉ với Hằng nhiều hơn, và Hằng bỗng dưng cảm thấy thiệt thòi vì phải làm bếp nhiều hơn mọi người. Hằng đã quên mất rằng lúc đầu nàng đã phải tranh đấu kịch liệt dành phần làm bếp để học hỏi. Vân hiểu ý, lấy lại chân nấu bếp như lúc đầu.
Càng ngày Ngọc và Vân càng hiểu thêm về tính nết Hằng qua những câu chuyện chắp nhặt trong mỗi bữa ăn.
- Em ở trường Xơ, các Mẹ các Dì la mắng gì em cũng cười, cũng vâng dạ, mà thực ra em chẳng bao giờ nghe theo cả. Các mẹ thấy em không bao giờ cãi cho là con bé ngoan nhất, lành nhất, có biết đâu là trong thâm tâm em cóc cần.
Một lần khác Hằng cho biết:
- Ai muốn nói gì thì nói, em không nghe thì thôi. Con bé lúc nào cũng chỉ cười, cười thực tươi cho thiên hạ tha hồ nói mỏi mồm, chê chửi chán thì ngừng.
Thì ra đây là mặt thực của Hằng, cô bé lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ, ngoan
ngoãn, nhã nhặn, rộng rãi, hay mời mọc đến một mức độ làm cho mọi người không tin được ở đời có thể có một cô gái dễ thương đến thế. Bây giờ mới biết bọc trong nụ cười duyên dáng ấy là cái gan lì, tính cóc cần, bướng bỉnh, ngạo đời, sâu đậm hơn ai cả. Và trong khi mọi người thấy cô luôn luôn nhã nhặn xin học hỏi, xin mọi người tận tâm chỉ bảo, trong khi cô rót những cốc nước đường đầy tràn cho người khác, cô tự cười thầm trong lòng:
- Chúng mày ngu cho chúng mày chết! Cho chúng mày tha hồ mà phơi bày tim gan lòng dạ. Điều gì tao muốn biết, tao học cho hết, xong rồi tao cười vào óc chúng mày!
Bây giờ mỗi lúc trông thấy Hằng cười, cũng nguyên nụ cười xinh xinh với cái
má lúng đồng tiền giả tạo ấy, Vân đọc thấy câu:
- Cho chúng mày chết, tao cóc cần!
Ngọc không nói chuyện nhiều chỉ sửa soạn về trường. Ba tháng nữa, chồng
Ngọc sẽ thôi ở trong quân đội, dọn nhà đi Hoa Thịnh Đốn, Ngọc sẽ theo chồng đến đấy nên đã làm đơn xin đổi trường, hằng ngày thư từ giấy tờ gửi đến tới tấp.
Đêm cuối cùng của bộ tứ, ai nấy đều hành lý sẵn sàng để lên đường. Hiền về nước hy vọng “ yểu điệu thục nữ” sau 15 năm chu du thế giới, may ra sẽ gặp được “ quân tử hảo cầu” để thấy quê hương mình là đẹp hơn cả. Hằng về trường học nốt hai năm nữa để giật mảnh bằng M.A. cô đã đi phố Nhật mua một thùng to tướng vật liệu để nấu cơm Việt Nam, nào là xì dầu Tầu, nước mắm Hồng Kông, bún, nấm, măng, tương v.v.. lại có cả mấy gói trà thơm, một bộ đồ trà sứ xinh xinh. Cô bé quyết tâm mở một chiến dịch thu hút những chàng trai “ rường cột nước nhà” đang sống tha phương cầu học, và hằng đêm ngày mơ tưởng đến mùi quê hương, vị quê hương như bát phở tái, bún chả, gà xé phay, bò bún, sườn nướng, gỏi tôm v.v...
Ngọc cũng sửa soạn giấy tờ xong, nàng đã cho tất cả hành lý lên xe, chỉ còn chờ ngày mai mặt trời mọc là lên đường.
Suốt đêm Vân tắt đèn ngồi bên cửa sổ nhìn ra bể. Bên kia bờ bể vẫn cái rừng
kim cương ánh đèn bát ngát bất di bất dịch ấy như ngày cả bọn mới đến, nhưng tháng ngày qua, tâm trạng con người đã khác xa. Cảm tình của bốn người bạn đối với nhau cũng không còn đơn giản như ngày mới gặp. Vân chợt nghĩ đến câu ví “ hạt châu mắt cá” của người xưa. Phải, ở đời đúng là hạt châu mắt cá lẫn lộn. Mắt cá có cái màu sắc và hình dáng của hạt châu, và cũng có rất nhiều hạt châu chỉ có cái vỏ bóng bảy xinh đẹp bên ngoài, trong ruột lại còn tệ hơn cả mắt cá. Bây giờ làm thế nào để mượn được một đôi mắt xanh của cổ nhân để phân biệt ai là hạt châu hay mắt cá trên đời đây!
Sợ ý nghĩ miên man đưa đi xa quá mà không đến đâu, Vân lắc đầu như xua đuổi những ám ảnh phức tạp, Vân bảo thầm:
- Chủ trương của Hằng thế mà hay. “ Cứ cười cho thật tươi, còn thì cóc cần tất cả”. Cô bé con khôn lạ!
Hành lý của Vân cũng đã xếp đặt gọn gàng. Vân đã tặng hay vứt bỏ tất cả
những thứ không cần đến, chỉ giữ lại đúng 20 cân hành lý hãng máy bay cho phép mang theo. Các cô hỏi Vân đi đâu, Vân chỉ lắc đầu:
- Chưa biết! Khăn gói gió đưa. Muốn đến đâu thì đến. Tôi không còn cha mẹ, không có nhà cửa gia đình, cũng chả có trường mà về. Đi đâu cũng không có gì là quan trọng.
Sáng hôm sau, bà Lan quét dọn trong phòng lại để cho người khác thuê. Bà
thấy phòng của Vân sạch sẽ khác thường, không giống phòng của các cô kia, mỗi người để lại một núi rác. Chăn màn của Vân do bà Lan cung cấp được giặt giũ xếp vuốt tử tế, phòng không một vết nhơ. Chỉ có một đống tro chất đầy lò sưởi. Vân đã đốt tất cả thư từ, giấy tờ, kỷ niệm... Trong đống tro một mảnh phong bì còn sót lại dấu hiệu” Peace Corps”. Bà Lan tự bảo:
- Cô này bướng bỉnh, không khéo lại tình nguyện sang Phi Châu công tác mất rồi.
Linh Bảo
Monterey 1963

Xem Tiếp: ----