Sở thích của tôi và Nga không bao giờ giống nhau. Nga thích chăm sóc nhà cửa vườn tược và xem nhà cửa như là một ông chủ lớn để được Nga phục vụ. Còn tôi thì quan niệm nhà cửa chỉ là phương tiện để cho con người trú thân, là nơi để mình sãi tay sãi chân trong lúc mỏi mệt. Sự khác nhau này là nguyên nhân gây ra chiến tranh hằng ngày và chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ sẽ chấm dứt. Tôi và Nga có một khoảng cách nhập nhằng lững lờ như hai dòng nước, biết rằng cuối cùng sẽ gặp nhau ở biển, nhưng ở điểm xuất phát không bên nào chịu nhập lại. Mà dù cho một dòng muốn tự nguyện nhập vào dòng kia mà dòng kia giãy nãy không chịu thì kể như đành hẹn... kiếp sau. Mỗi chiều nhìn Nga lúi cúi ngoài vườn đến sẫm tối mới trở vào nhà, tôi xốn xang chịu không nổi. Mà nàng làm được việc gì cho cam, hôm nay bứng cây này chỗ này trồng vào chỗ kia, hôm sau bứng cây chỗ kia trồng vào chỗ này, bứng qua bứng lại sau một tuần là nàng lại mò ra home depot để mua một loạt cây mới để trám vào loạt cây cũ vì bị nàng chăm sóc quá kỹ nên chịu không nổi ngã lăn ra héo queo. Trăm lần như một, hễ mỗi khi tôi bày tỏ cho Nga biết là tôi đang xốn xang thì y như lần nào cũng như lần nào cũng đều bị Nga phang lại một câu cứng họng:
" Anh mà xốn xang? Chỉ giỏi đĩ miệng. Xốn xang sao không ra phụ giúp em một tay? "
Ừ nhỉ? Tại sao không giúp Nga một tay? Nhưng giúp gì đây? Tôi thấy rõ ràng nàng tự chuốc khổ vào thân, còn nàng trái lại không thấy điều đó. Kể ra làm người sáng suốt như tôi thật là đau khổ.
"Vài ngày thì em ra home depot một lần để mua một loạt cây mới về để trồng thay thế loạt cây cũ bị em làm chết. Phụ giúp em để làm hủy diệt cây cỏ anh không đành lòng"
" Đúng là lý luận của những nhà đại lười biếng. Anh là nhà văn, vậy em hỏi anh, đọc sách mới với đọc sách cũ cái nào sướng hơn?"
"Đương nhiên đọc sách mới bao giờ cũng sướng hơn đọc sách cũ."
" Trồng cây như là đọc sách. Sách mới con chữ chưa bị xâm phạm bởi nhiều con mắt dòm đọc và vì thế cái hương vị của truyện cũng nồng nàn. Tinh chất của truyện cũng tròn vẹn mới mẻ. Giống như trồng cây, cây mới trồng lúc nào mùi lá cũng thơm hơn cây cũ, nhất là những cây cũ đang chờ héo úa"
"Nhưng em làm nó héo úa"
"Rủi ro nghề nghiệp. Trồng có nghĩa là cấy xuống đất sự ước mơ chứ không phải vùi xuống đất niềm tuyệt vọng"
Lý với lẽ!!! Tôi muốn kêu trời.
" Nhưng tại sao em không tha cho anh, đừng áp bức anh lao động khổ sai được không?"
" Đã là vợ chồng thì có phước cùng hưởng có nạn cùng chia. Làm sao tha cho anh ở không được trong lúc em phải chân lấm tay bùn như vầy?"
" Nhưng mà công việc ở hãng anh là công việc làm bằng tay chân, sau một ngày tơi bời hoa lá anh cần dưỡng sức"
"Em đi làm đâu có thua giờ anh đâu?"
" Em làm trong phòng có máy lạnh còn anh làm ngoài trời với nhiệt độ 95 độ F."
" Những ông chồng của người khác họ cũng làm như anh nhưng họ đâu có thoái thác việc nhà giống anh."
" Chồng người ta là chồng người ta, còn chồng em là chồng của em sao em lại so sánh?"
" Em không so sánh. Chỉ muốn chỉ vạch cho anh thấy sự vô phước vô phần của em thôi. Với lại sau mấy chục năm kinh nghiệm sống bên cạnh một người đi trên mây dạy cho em một điều, dễ dãi với anh có nghĩa là tàn nhẫn với bản thân mình."
" Em buộc tội thật lưu loát không hổ danh là vợ của một nhà văn."
" Nhà văn có gì ngon, chỉ tài tránh né vợ trốn vào chữ nghĩa để ích kỷ cho bản thân và... ngoại tình tư tưởng."
" Nhưng họ là những người can đảm đã dám sống trung thực với cảm xúc của con người. Họ dám dùng chữ nghĩa để diễn đạt những điều mà người thường không làm được."
" Sao anh không nói luôn họ dám làm thơ tình tặng người khác không phải vợ mình?"
" Đúng, họ tự nguyện nhả tơ để làm đẹp cho đời mà không cần đáp trả. Em thử nghĩ xem nếu cuộc sống này mà không có nhà thơ, nhà văn thì sẽ ra sao? Có phải buồn chán và đơn điệu lắm không? Cũng có những nhà văn, nhà thơ làm thơ tặng vợ vậy? "
" Chẳng qua chỉ là núp trong chiêu bài đó để tìm an toàn. Em dám cá với anh là mười ông làm thơ tặng vợ hết tám ông có tội nên mới đoái công mà thôi."
" Tội gì?"
" Tội lấy lòng vợ. Thử hỏi nếu các nhà thơ quang minh chính đại thì đâu cần phải làm thơ hối lộ "
" Lấy lòng vợ mà cũng kết thành được tội? Có anh trong số đó không?"
" Đương nhiên"
" Vậy sao em không có biện pháp?"
Tôi ngớ ngẩn hỏi và hết hồn khi biết mình lỡ miệng. Từ bấy lâu nay Nga vẫn áp dụng chính sách bao vây kinh tế để áp đặt lên tấm check lương hàng tuần. Nga quan niệm có thực mới vực được đạo, hàng tuần xiết chặt hầu bao là bảo đảm và chắc ăn nhất. Ngoài tiền đổ xăng và thuốc lá, Nga cúp tất cả các ngân khoản sinh hoạt linh tinh, vậy mà đôi lúc nàng vẫn còn sợ tôi dư dã chút đỉnh để mà sanh hự Nga đang chờ thời cơ thuận tiện để cúp luôn thuốc lá phí bởi vì Nga nghĩ thế kỷ 21 một con người văn minh là một con người không hút thuốc lá. Nay tôi hỏi ngớ ngẩn như thế chẳng khác nào tạo ra lý do chính đáng để nàng xiết gọng kềm. Trong khi khói thuốc là người bạn thân thiết chung thủy đã cùng tôi chia ngọt xẻ bùi ngay từ năm tháng tôi bước chân vào đời học làm người lớn. Biết bao người con gái đến với tôi hành hạ tôi đau khổ rồi đá đít tôi một cách không thương tiếc, khói thuốc vẫn thủy chung ở lại. Người ta bảo khói thuốc tàn phá sức khoẻ, làm giảm thọ thời gian hiện hữu, nhưng tôi thấy nếu không có khói thuốc chia xẻ cùng tôi trong những lần thất tình, thất chí, trong những tháng năm côi cút trên rừng cao heo hút thì đến hôm nay đã không còn tôi hiện hữu. Tóm lại khói thuốc giết người nhưng giết một cách âm thầm, êm dịu, còn con người giết con người thì giết một cách tàn bạo, đau đớn. Tôi vốn yếu đuối về tinh thần, thôi thì đằng nào trước sau gì cũng chết, thà để khói thuốc giết êm dịu thú hơn là để tình người hành hạ đau đớn.
"Anh muốn em có biện pháp lắm hả? Dễ dàng thôi"
" Đâu có."
Suy nghĩ của tôi và Nga cũng không giống nhau. Nga thường nói:
"Các nhà văn nhà thơ thừa tế nhị thiếu thực tế, khi có gia đình rồi đều ưa nói dối lại lười biếng. Đó là kinh nghiệm em thu thập được sau một phần tư thế kỷ theo anh. Do vậy em mong con mình đừng bao giờ vướng vào nhà văn nhà thơ để khỏi phải đau đầu như em."
Những người bạn lớn tuổi chơi với tôi thường bảo:
" Vợ là người đàn bà ở cạnh ta, chuyên môn cằn nhằn vào tai ta những lời hữu lý khó nghe và làm ngược lại suy nghĩ của mình."
Để xác định lại những điều trên, tôi lựa lúc hai vợ chồng đang âu yếm nhất, tôi hỏi Nga:
" Sau mấy chục năm can đảm sống cùng nhau, em còn yêu anh không?"
Nga lim dim:
" Không."
Khuôn mặt " phê" thấy rõ vậy mà trả lời không, Nga đúng là đang giả dối một cách thật thà. Điều này chỉ khiến tôi thêm yên chí nàng chuyên nói điều ngược lại. Những gì nàng kết án xem như là những lời khen tặng. Yên tâm như thế nên tôi mặc sức tha hồ thả hồn đi mây về gió vào bất cứ lúc nào có thể. Tôi bình thản bỏ ngoài tai những lời âu yếm săn sóc và để vào tai những lời cằn nhằn kiểu đàn bà của nàng. Một hôm, bỗng nhiên đẹp trời, Nga hỏi tôi:
"Nếu có một bà tiên hiện ra cho anh một điều ước thì anh ước gì?"
" Anh không ước gì hết"
" Tại sao?"
" Tại vì không linh nghiệm"
" Còn nếu em cho anh một điều ước?"
" Anh ước sau mỗi ngày đi làm về không phải làm gì. Sau khi tắm rửa sạch sẽ được nằm dài trên sofa sai bảo em làm việc phục vụ anh, nhất là chiều thứ sáu không phải cắt cỏ hàng tuần."
" Ước chi mà nhớt thây quá độ. Đúng là má em có một sự lầm lẫn"
" Lầm lẫn gì?"
" Má em tưởng trên thế gian này vẫn còn đàn ông tốt, siêng năng nên mới đẻ ra em."
" Má em đâu có lầm lẫn?"
" Nếu không lầm lẫn thì đã không đẻ ra em để phải làm tôi làm mọi hầu hạ cho anh suốt ngày"
" Em than thở như vậy chẳng khác nào khước từ một thực tế thánh thiện mà ông tơ bà nguyệt đã thắt chỉ cột vào"
Nàng lắc đầu ngao ngán:
" Số em xui tận mạng nên mới gặp anh và lấy anh"
" Số em hên hết cỡ mới chộp được anh, vì anh là người em cần phải có để xài xể và trút bỏ những bực bội. Sống ở đời làm sao tránh khỏi va chạm, nếu anh không đưa thân ra hứng thì em đổ vào đâu?"
Sẵn trớn tôi xổ luôn:
"Em rất cần có anh, vì em là cái nồi cần anh làm nắp đậy. Em là ổ khóa cần anh làm chìa. Em là một cái mâm đã kiếm đúng ra anh bồn cầu vừa vặn. Anh với em là như thế rất cần thiết cho nhau, không thể thiếu"
" Sao không nói luôn anh là một con người chuyên môn lười biếng."
" Đại trượng phu không có nghĩa là không có quyền lười biếng"
Thấy tôi bắt đầu cù nhầy, Nga dùng quyền ladies fist áp đảo:
" Không cãi với "đại trượng phu" nữa. Vào kho mang máy cắt cỏ ra làm việc mau "
Tôi còn đang ngần ngừ gãi đầu:
"Anh có chịu đi cắt cỏ hay không thì nói? Nếu anh không làm thì em làm"
Chưa dứt lời, không cần đợi phản ứng của tôi, nàng vào nhà kho, hì hục đẩy chiếc máy cắt cỏ hiệu Craftsman ra. Chiếc máy cắt cỏ cồng kềnh đứng cạnh tướng tá liễu yếu đào tơ của nàng trông thật nặng nề, thô kệch. Thấy không còn cớ hoãn binh được nữa, tôi đành bảo:
" Thôi để đó anh làm"
" Không cần"
Tôi gằn giọng:
" Anh bảo để đó anh làm"
và hạ giọng:
" Nếu em không nghe lời thì kể như em cướp đoạt nghĩa vụ làm chồng của anh"
" Không dám cướp đoạt đâu. Anh lì lợm không biết nghe lời nên có dịp hành tội anh thì đó cũng là niềm vui của em"
Nga trả miếng, nhưng lại đùn máy cắt cỏ qua tôi. Con cái nhà ai khôn lõi, phản ứng bén nhạy chứ không mơ màng lù đù chậm chạp. Tôi nhìn đám cỏ thở dài. Chiều, trời trong. Nắng đẹp. Giá như đừng làm gì hết thì sung sướng biết là dường nào. Tôi vừa làm vừa nhìn trời ngắm đất mà thả hồn phiêu lãng tận đâu đâu. Có lẽ Nga nói đúng, nhà văn, nhà thơ thường thừa tế nhị thiếu thực tế. Vợ theo canh me đì sói trán, tôi vẫn không bỏ nổi cái tật ưa mơ mộng của mình. Nhìn những ngọn cỏ xanh chung quanh nhà, mơn mởn cao ngang tầm đầu gối, tôi thường nhớ về những cánh đồng cỏ của tuổi thơ ấu ngày xưa với những chiều lang thang trên hoàng hôn. Tôi ao ước được cỡi những chú cá rô đồng lội lên trời để xem trái đất xanh đến dường nào. Tuổi ấu thơ tôi thường đi tìm những cánh diều ngủ quên trên cánh đồng mùa hạ, trong những buổi trưa trời nắng cháy bỏng dạ Mùa hạ làm cháy những sợi tơ trời giăng trong mắt, tôi cùng ai thả cánh diều bay cao trên bầu trời bao la và xanh thẳm? Mùa hạ, mon men lật từng những lổ chân trâu tìm chú dế than đang ẩn mình núp trốn, và tiếng dế gáy vang dưới trời êm ả như tiếng tôi gọi mùa hè về đậu trên vai.
" Lại mơ với mộng không lo làm việc"
Máu "nghệ sĩ " chợt nổi cơn bất tử, tôi dùng chiêu thức lãng mạn:
" Em à!"
Nga cộc lốc:
" Gì nữa đó?"
" Hay là sáng mai anh dậy sớm để làm nhạ Còn bây giờ em hãy đến đây, anh chỉ bả vai của anh cho mà xem"
" Có gì mà xem? Vẫn là bả vai xẹp lép toàn xương xẩu"
" Điểm then chốt không phải ở chỗ xương xẩu mà ở chổ xem để thấy giữa bờ vai người đàn ông thương vợ với bờ vai của người thường quả là có sự khác biệt"
" Khác biệt nhau chỗ nào, em thấy vai nào chả là vai?"
" Đâu có thể nói như thế, em hãy xem. Bả vai của anh có hình cong như hình mái nhà, đó chính là mái nhà dùng để che gió che mưa cho em. Có hình ngang như bờ thành chính là chỗ để em tựa đầu ngã vai trút phiền não mỗi khi gặp bất trắc ở đời"
" Em chỉ thấy xương trũng xuống có thể chứa đầy chén gạo"
"Em không tin? Nếu không tin em hãy thử ngã đầu lên xem, em sẽ thấy xuất hiện nhiều vô số cảm giác trong lòng em"
" Thôi xạo vừa vừa vậy chạ Ngã đầu lên vai cha chỉ cấn xương đau thêm. Muốn mánh mung gì đây?
Khi nàng gọi bằng "cha" có nghĩa là nàng đã quên hết điều gì vừa rồi đã sai bảo. Tôi chộp vội lấy thời cơ hiếm hoi:
" Sao em khoái "lăng mạ" anh dữ vậy?"
" Bởi vì đó là niềm vui của em sau một ngày đi làm cực nhọc"
Câu trả lời đầy trực khởi của Nga dạy thêm cho tôi một điều: niềm vui sướng của phụ nữ đôi khi không giống như trong sách vở ghi lại. Muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, người đàn ông cho dù là một đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất chăng nữa nhiều lúc cũng phải hạ mình nịnh vợ. Từ năm 20 tuổi, tôi đã phải lăn lóc bươn chãi kiếm sống, đắng cay nhiều hơn là ngọt ngào, có thành phần xã hội nào mà tôi chưa từng đụng độ? Tôi thường tự hào mình là một nam nhi chi chí và cũng vì kinh nghiệm đầy mình như vậy mà đến những ngày cuối đời như hiện tại chẳng hạn tôi mới thấm hội vô cùng câu "một câu nhịn chín câu lành" ông bà xưa để lại, nhất là câu nhịn đó ưu tiên dành cho Ngạ Tôi âu yếm:
" Vậy thì trong những lúc ở sở làm không có anh để em la, em có buồn không?"
" Buồn chứ, buồn vì nhơ nhớ như thiếu một điều gì"
" Như vậy anh là nhu cầu, là cuộc sống của em"
" Đúng"
" Là hơi thở của em?"
" Đúng"
" Sao la anh hoài tội nghiệp anh vậy?"
" Em không la anh, em buồn, ai chịu trách nhiệm?"
Nga chưa từng bao giờ trải qua một khóa huấn luyện chuyên nghiệp nào về môn lãnh đạo chỉ huy, nhưng tài cai trị tôi của nàng tuyệt chiêu vô cùng. Kết thúc trận chiến nào, tôi cũng răm rắp thua mà không hề có nửa lời ta thán. Và tôi không còn nhớ kể từ lúc nào điều đó đã thành một điều đương nhiên trong cuộc sống. Tuy nhiên bản chất tôi vốn lì lợm ngang ngạnh từ thuở bé, vì thế trong sự râm rấp tuân theo vẫn còn một sức kháng cự nhỏ nhoi nào đó tiềm ẩn trong xương tủy.
Nga là một con người kỹ lưỡng, chi li từng việc, nhớ dai. Còn tôi trái lại hời hợt làm trước quên sau. Mỗi năm trung bình tôi lãnh hai ticket của cảnh sát về tội lơ đễnh không ngừng xe ở ngã tư đèn đỏ. Mỗi lần cầm tờ giấy màu vàng về "khoe" đều được Nga hỏi:
" Lại làm thơ trong lúc lái xe rồi chứ gì?"
Và lần nào tôi cũng im lặng thở dài sườn sượt. Im lặng có nghĩa là thú nhận. Mỗi lần như thế Nga có một điểm giống tôi là cũng thở dài sườn sượt. Tiếng thở dài của nàng còn sườn sượt hơn cả tôi. Ít ra hai vợ chồng cũng có lúc hợp ý tâm đầu, còn có điểm giống nhau, buồn cùng về một hướng như lúc phải chi tiền vô cớ như lúc này chẳng hạn.Tôi thở dài bởi vì mỗi lần bị ticket như vậy thế nào cũng được "đài phát thanh" Nga phát vào tai hằng đêm ít nhất một tuần lễ. Còn Nga thở dài sườn sượt là vì tiền bạc đối với nàng là huyết mạch, khi không bắt Nga bỏ tiền ra khơi khơi chẳng khác nào cắt máu nàng. Cuốn sổ đen ghi tội trạng của tôi càng ngày càng dày. Bạn bè thân nào ghé nhà chơi, thì thế nào trước sau gì tội lỗi chất chồng của tôi đều được trút vào tai. Kẻ có tội đầy tự giác như tôi chỉ biết nhăn răng ra cười lịch sự. Hôm anh Tô Thùy Yên từ Houston lái xe qua New Orleans chơi, Nga phân nhiệm tôi luộc hột vịt lộn để nhậu còn nàng thì lái xe ra nhà hàng gần nhà lo thực đơn đãi khách. Khi Nga mang thức ăn về thì thấy hai anh em đang ngồi nhậu hột vịt cháy:
" Trước khi đi, em bỏ trứng trong soong đầy nước rõ ràng. Anh luộc sao mà đến nỗi cháy vậy? Chắc đang luộc lại thơ với thẩn chứ gì?"
Biết mà vẫn còn hỏi. Nga mỉa mai:
" Luộc trứng mà cũng để cháy. Em thấy anh thật tài giỏi"
" Em nói đúng, anh tài giỏi là cái chắc. Em thử xem tất cả những đầu bếp trứ danh trên thế giới này có ai biết nướng hột vịt lộn như anh không?"
Con mắt sắc lẻm của Nga nguýt tôi một đường muốn đứt dạ Cũng cái nguýt đó mà hơn hai mươi năm về trước tôi đưa đầu tình nguyện xin nàng chặt cho một dao, hai mươi năm sau còn ê ẩm nổi da gà. Cái nguýt của nàng hiện tại ý nghĩa khác hẳn cái nguýt ngày xưa. Ngày xưa nguýt yêu, còn bây giờ nguýt cảnh cáo mang tính chất hăm dọa "hãy liệu hồn". Bạc phước cho người bạn nào của tôi đến chơi trúng lúc tôi lâm nguy thì thế nào cũng bị tôi tìm cách này hay cách khác câu khách kéo dài thời gian để chờ Nga hạ hỏa. Thường thì sau những trận đó chủ khách đều vui vẻ vì được say và sau khi tôi say rồi thì tôi không còn ngán ai nữa... kể cả Ngạ Say là kết quả sau một trận uống rượu và con người khi say đều để lộ bản chất thật của mình. Có người say rất xấu tánh, mượn hơi rượu gặp ai cũng gây gổ, có người khi say la hét mắng chửi vợ con, có người khi say thì im lặng trầm ngâm cạy miệng không ra nửa lời, có người khi say thì lại khóc. Còn tôi khi say thì nằm lăn ra ngủ ngon lành, những lời vàng thiệt của Nga tôi xem như vàng giả. Nga có treo tôi bao nhiêu bản án chăng nữa tôi cũng đều cóc sợ. Ngày hôm sau tỉnh rượu Nga có nhắc tội trạng hôm qua thì xem như nước đổ đầu vịt, vì tôi có tật hay quên những gì Nga nói. Nga thì trái lại hay nhớ những gì tôi hay quên. Đã nhớ lại còn nhai đi nhai lại hơn trâu nhai cỏ mỗi đêm. Nga tuổi con dê chứ đâu phải tuổi con trâu? Tôi mới chính hiệu tuổi con trâu. Ai bảo mỗi con giáp biểu hiện tánh tình của người mang tuổi nó? Tôi và Nga, người tuổi trâu thì hay thả dê, còn người tuổi dê thì nói dai hơn trâu nhai cỏ. Sống ở đời khi đến mức tận cùng hưởng thụ thì là bi đát. Ví dụ như khi người ta đói, người ta thèm ăn. Đang đói được ăn là hưởng thụ. Dung tích bao tử có hạn, khi hưởng thụ đầy rồi thì không còn muốn ăn nữa. Nếu bị buộc ăn thêm nữa thì người được hưởng thụ trở thành bi đát. Vậy mà bụng Nga chứa tội trạng của tôi như bụng tham không đáy. Gần như ngày nào bụng nàng cũng mở rộng ra để chứa tội của tôi, chứa hơn hai chục năm nay, vậy mà dường như bụng nàng không bao giờ biết đầy. Chờ dịp hai vợ chồng có chuyện giận nhau, nàng moi bụng đem chuyện đời xửa đời xưa ra nhắc lại. Nàng kê khai tội trạng của tôi rành mạch theo thứ tự thời gian rất lớp lang, bố cục rõ ràng, mạch lạc. Mỗi một tội ác của tôi gây ra là một tình huống xảy ra éo le gây cấn. Nàng kể hay còn hơn kể chuyện cổ tích. Có lần tôi ngồi nghe say sưa đã đời, rồi vì bản tánh đãng trí hay quên, tôi tò mò buột miệng hỏi:
" Thằng nào mà tệ lậu dữ vậy em? "
" Anh chứ ai "
Người tệ lậu là một con người hết xài. Nhưng không phải vì vậy mà ai nhào vô xài cũng được. Nga tuyên bố "tướng anh liệng ra đường chẳng ma nào thèm lượm" Có lần, tôi soi gương ngắm kỹ lại dung nhan của mình, thấy từng vết thời gian cày trên da mặt, đã vốn xấu, già càng xấu hơn. Tánh tình Nga ngay thẳng bộc trực thấy sao nói vậy. Nga nói đúng. Buồn quá, tôi xách xe chạy rong ngoài đường kiếm quán cà phê nào giải sầu. Trời xui đất khiến sao đó, tình cờ gặp con nhỏ người Spanish làm cùng hãng. Tôi mời cô ta đi ăn và hỏi cô ta rằng "nếu tôi liệng tôi ra đường cô có lượm không" Cô ta bảo "lượm chứ". Tôi về khoe với Nga là trên đời này ngoài phụ nữ Việt Nam rất khôn ra, con gái Spanish rất ngu, bằng chứng con nhỏ làm cùng hãng nó lượm anh về nhà nó hết một ngày. Nga không tin nhưng cảnh cáo "em bảo anh hết xài có nghĩa là không ai được xài, kể cả người ngoại quốc". Nga không tin chuyện tôi tự ném ra đường lại được bạn cùng hãng lượm về là có thật. Điều này giúp tôi thêm một kinh nghiệm nữa: đó là Nga chẳng bao giờ thèm tin bất cứ chuyện gì do tôi thú nhận, cho dù chuyện đó là chuyện có thật. Kinh nghiệm này cho phép tôi rút tỉa được một điều, lỡ mai mốt này có xảy ra chuyện gì mang tính cách nguy hiểm đến tánh mạng, tôi mét trước với nàng, bảo đảm an toàn trên xa lộ. Tôi đã có cách qua mặt Ngạ Voi dữ còn có nài trị. Tôi khoái chí ngồi suy gẫm câu nói quá hay trên của người xưa, nhưng rồi lại giật mình: giữa tôi và Nga ai là voi, ai là nài? Từ bấy lâu nay tôi đã không hổ danh là người hùng sợ vợ.
Nàng làm ca một. Sáng 6 giờ đã ra khỏi nhà
Mấy nhóc 7 giờ cũng đi đến trường
Chàng làm ca hai có quyền dậy trễ
Khi chàng thức dậy
Căn nhà trống trơnkhông còn ai kềm kẹp.
Khoái chí tử. Đánh răng tự dọ Khạc nhổ thoải mái
Không sợ ai complain
Đốt điếu thuốc một cách nghênh ngang
thả thoải mái khói bay đầy nhà
Tự do thiệt là sảng khoái
Nhấp một ngụm trà
Vị kem đánh răng còn tê nguyên đầu lưỡi
ngầy ngật khói thuốc
Ngon ngót hương trà
Kệ chó cuộc đời, hơi sức đâu lo
Nổi hứng định nhảy dù một bữa
Lặn ở nhà chơi
Bỗng điện thoại reo
Nàng từ sở gọi về
Anh nhớ cắt cho xong đám co?
Nhớ ký check trả mấy cái bill
nhớ nấu cơm trước khi đi làm
" Ủa Sao giờ này còn ở nhà, cha nội?"
Bèn tiu nghĩu xỏ đồ
Nổ máy xe
Coi vậy mà cũng nhát
Nga nhớ má và em. Nàng đòi về Việt Nam thăm nhà. Ngày gia đình vợ chồng con cái đùm túm nhau qua đây tính đến nay đã bảy năm rồi còn gì. Thời gian trôi qua thật lẹ, tôi thấy cũng đã đến lúc làm bổn phận của thằng con rể biết điều. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nàng về Việt Nam thăm nhà bằng hai tay lẫn hai chân. Nga lấy ba tuần vacation và tôi chỉ hí hởn vừa phải, không dám lộ liễu lắm cho nàng khỏi nhận ra là tôi sắp được hưởng ba tuần lễ độc thân tại chỗ không bị ai kềm kẹp. Trước ngày đi một tuần Nga dặn dò tôi đủ thứ chuyện, biết rõ tôi hay quên nên nàng càng lập đi lập lại nhiều lần. Đôi lúc đau cả đầu, nhưng tôi tự nhủ sắp được tự do rồi ráng chịu thiệt hại chút đỉnh đâu có sao. Ngày đầu tiên Nga vắng nhà, tôi đi làm về như thường lệ. Bước chân vô cửa theo thói quen tôi rón rén cởi giày. Đang tháo dây nửa chừng sực nhớ mình đang làm chủ nhà, khoái quá mang giày đi luôn trên thảm. Một câu chuyện kể lại rằng có một thuyền trưởng tàu viễn dương nọ rất oai phong khi được phỏng vấn:
"Trong cuộc đời đi biển của ông gặp nhiều cơn bão tố. Vậy xin ông cho biết lần bão nào gây cho ông hãi hùng nhất?"
Viên thuyền trưởng đáp:
"Lần tôi mang giày vô phòng ngủ bà xã tôi vừa lau xong."
Hành động dám mang giày đi trong nhà là một hành động can đảm, chỉ không có Nga tôi mới dám. Sáng choàng dậy quơ qua bên trái vắng tanh, quay qua bên phải vắng tanh, tôi sung sướng đá tung chăn xuống giường không cần phải gấp lại ngay ngắn như mọi khị Mọi khi có Nga, sáng dậy trước khi đánh răng rửa mặt để đi làm, tôi phải có nhiệm vụ xếp mền gối ngay ngắn vuông góc hẳn hòi. Nga huấn luyện tuổi già sức yếu của tôi chẳng khác nào quân trường Thủ Đức của những năm còn trai tráng. Cuối tuần vắng Nga, tôi mặc sức tha hồ la cà cà phê cà pháo với bạn bè suốt buổi, nếu cần thiết theo mấy bạn già về nhà bày binh bố trận nhậu đã đời. Nhậu xong bỏ đó chờ từ từ thu dọn sau.
Nga từ Pleiku gọi điện thoại qua kiểm soát, tôi than vắn thở dài báo cáo:
" Em đi rồi nhà cửa buồn thiu, anh đi làm về không có cơm nước, cha con chiến đấu sinh tồn bằng hambuger. Cây cỏ nhớ em héo khô, anh thay thế em săn sóc chúng, nhưng hình như cây cỏ cũng thấm được tình người hay sao, anh càng tưới chúng lại càng mau héo. Anh cũng không khác gì cây cỏ, em đi rồi anh không có hứng để làm thợ Anh hút bụi một tuần hai lần, cắt cỏ mỗi tuần một lần, quét dọn chung quanh nhà cửa thường xuyên. Trong nhà mát rượi, thơm tho, không một con ruồi bén mãng. Con ruồi nào xấu số bay vô nhà gặp anh lúc này thì kể như đời tàn. Anh thay thế em săn đuổi nó đến tận cùng mới thôi. Em đi mới có mấy ngày mà anh nhớ em quá xá chừng"
Đầu dây bên kia, tiếng Nga:
" Anh xạo vừa phải thôi, nhưng biết anh xạo em vẫn khoái. Ở đây lạ nhà em ngủ đâu được. Nhớ những lúc cằn nhằn anh hối hận ghê"
Tôi cười thầm nghĩ bụng, nếu Nga về lúc này nhìn nhà cửa như bãi chiến trường bảo đảm nàng sẽ hối hận hơn thế nữa. Nhưng sang tuần lễ thứ hai tôi đâm ra thấy như văng vắng điều gì thật. Nga cằn nhằn bên tai lâu thét thành quen. Sau những ngày tự do thoải mái tôi đâm ra thèm được kềm kẹp. Được kềm kẹp dù sao khỏi phải tự đi chợ nấu ăn, khỏi phải giặt áo quần và nhất là khỏi phải kéo vòi nước tưới cây mỗi ngày. Tuần lễ thứ hai, tôi chủ động gọi phone cho Nga, gặp lúc tình hình cao nguyên có biến động những người dân tộc thiểu số ở đó biểu tình phản đối chính quyền. Đường dây điện thoại bị cắt, tôi gọi mãi mà đường dây viễn liên không connect được. Tôi đâm ra lo lắng sợ vẩn vơ không khéo tụi Cộng Sản làm khó dễ những Việt kiều mà một thời nào họ chửi bới là phản quốc. Sáu năm sống trong trại tù tôi khẳng định được một điều là Cộng Sản sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì ngay cả những chuyện tồi bại xấu xa còn hơn loài súc vật. May phước cuối cùng tôi dùng cell phone liên lạc được với nàng. Qua phone, Nga thủ thỉ nhỏ nhẹ dịu dàng ngọt lịm y như lúc còn trẻ khi tôi theo tán tỉnh nàng, khác với giọng điệu ra lệnh như thường lệ, làm tôi sợ là nàng đang không được khoẻ trong người. Tôi hỏi nàng có khoẻ không? Có ăn uống được không? Có ngủ được không? Nàng trả lời tất cả đều tốt. Nàng càng dịu dàng tôi lại càng nghi... Càng nghi tôi càng hỏi tới, cho đến lúc chịu hết nổi tôi đi thẳng câu hỏi vô thắc mắc trọng tâm:
" Em nói khoẻ, nhưng tại sao giọng nói của em êm ái quá vậy?"
" Thì thương chồng nhỏ nhẹ không được hay sao cha nội"
Nghe âm điệu cha nội quen thuộc này, tôi mới thở phào tin rằng sức khoẻ của nàng bình thường.
Trước ngày Nga trở về Mỹ buổi chiều, buổi sáng cha con tôi tổng vệ sinh nhàcửa. Công việc rửa ráy nhộn nhịp theo tiếng nhạc tụi con tôi mở từ cái cassete ngoài vườn. Không khí rộn rã làm tôi nhớ những ngày giáp tết khi còn nhỏ. Khi Nga bước ra khỏi máy bay, sau một chuyến đi dài mệt mỏi, trông nàng hốc hác và gầy nhom.Tôi chạy đến ôm nàng và hỏi nhỏ:
" Ở bển khác múi giờ ngủ không được hay sao nhìn em ốm quá? Hay vắng anh để em la rầy nên em ốm?"
Nga trả lời nhỏ nhẹ:
" Về Việt Nam nhớ nhà ở Mỹ và các con"
" Có nhớ anh không?"
" Còn hỏi"
Thằng con trai lớn của tôi thấy vậy nheo mắt:
" Ba à, dám sau cú về Việt Nam này mẹ hết la ba rồi"
Tôi nói:
" Còn khuya. Con có dám cá không? Sau một tuần mèo lại hoàn mèo"
Thằng con ngây thơ ngoéo tay chịu cá. Đúng là trẻ con thiếu kinh nghiệm đỏ đen. Thấy nó chắc chắn thua, tôi an ủi:
" Con chuẩn bị chung độ ba đi, bởi vì thời gian con ở với mẹ ít hơn thời gian ba chịu đời với mẹ, nên ba thiết nghĩ trên thế gian này bảo đảm không ai rành rọt mẹ bằng ba đâu con trai cưng."

Hết

Xem Tiếp: ----