Ngày xưa, vào cuối thế kỷ XIV (1390), ở làng Chế Cầu, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, có hai vợ chồng người dân quê tên Lương, sinh được một đứa con gái xinh đẹp, đặt tên là Huệ. Khi lớn lên, vì không muốn phải xa cha mẹ nên Huệ nhất định không lấy chồng. Đến lúc song thân đều mất, nàng lên Thăng Long làm nghề đào hát. Biết bao vương tôn công tử ở kinh đô say theo sắc đẹp và giọng hát mê hồn của nàng.Thuở ấy, quân nhà Minh đang chiếm đóng nước Nam. Trước cảnh lầm than của đồng bào sống dưới ách đô hộ tàn ác của giặc, tiếng đàn câu hát qua trận cười thâu đêm không làm cho cô đào Huệ quên được mối thù đất nước. Gương chị em hai bà Trưng, bà Triệu ngày xưa nhắc nhở, thúc dục nàng đem mình ra cứu nước.Nghe tiếng Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, được toàn dân hưởng ứng, nàng bèn tìm cách liên lạc. Sau đó, nàng mở một quán rượu nổi tiếng tại đất Thăng Long, tướng sĩ quân Minh thường ngày lui tới. Nhờ sắc đẹp và tài ăn nói, chiều chuộng khách hàng, nàng dò la được biết tình hình của quân giặc.Một hôm, nàng báo tin cho Lê Lợi hẹn ngày khởi sự "nội ứng ngoại công" để đánh chiếm kinh thành. Lê Lợi phái các tướng Lê Khôi, Đinh Liệt, Nguyễn Xí và Bùi Hưng Nhân mang quân ra Bắc.Tối hôm ấy, đào Huệ bày tiệc lớn mời khắp các tướng tá quân Minh đến. Trong bữa tiệc, nàng dùng các cô gái đẹp để mời rượu, ép khách uống. Quân giặc không ngờ, bị phục rượu say mèm, không về được dinh trại. Đến nửa đêm, quân ta đã mai phục sẵn, vào quán bắt trói hết tướng tá quân Minh bỏ vào bao tải thả xuống sông Nhị. Đồng thời theo hỏa lệnh, quân sĩ Lê Lợi tiến đánh Thăng Long.Đào Huệ bỏ mình trong trận mạc. Sau khi chiếm được kinh thành, nhớ công ơn cô đào đã hy sinh cứu quốc, Lê Lợi phong cho nàng làm Phúc Thần Kiến Quốc Trinh Liệt Phu Nhân, lập đền thờ ở huyện Thọ Xương (đường Hàng Trống bây giờ) gọi là đền Đông Hương.Tương truyền rằng vào đầu nhà Lê, thôn Tự Tháp thuốc huyện Thọ Xương bị một trận hỏa hoạn lớn. Đang lúc lửa cháy lan dữ dội, người ta thấy ở trên một ngọn cây có một người đàn bà cầm cây quạt thần quạt tắt ngọn lửa. Nhờ đó mà cả vùng thoát khỏi làm mồi cho bà hỏa.Dân chúng nhớ ơn gọi là Tháp Bà, quanh năm đèn hương nghi ngút ở đền. Người ta còn gọi đào Huệ là Ngọc Kiều Phu Nhân. Vì kiêng tên và nghề nghiệp của đào Huệ nên người ta tránh không dùng đến hoa huệ và mời ả đào hát trong dịp cúng lễ ngày húy kỵ của nàng.