Ông chán chuyện gì vậy? Không có ai trong quán, ông tâm sự với cô Củng Chiêu: “Theo cô thì trên đời này người khổ nhất là vì cái gì?”. Cô chủ quán bỏ chồng ở cái tuổi trẻ chưa qua già chưa tới dấm dẳng đáp: “Theo em í à, bồ đá, vợ đuổi không cho lên giường là một cái khổ. Phải tăng thuế 30% từ tháng này như em là một cái khổ nữa...”.
Cô ý tứ nhìn trưởng phòng thuế vẫn được gánh buôn gọi là “Nghĩa hoa hồng” hay “Nghĩa cưa đôi”, nhưng ông Nghĩa vẫn không phản ứng gì, chỉ nói: “Thế con hư thì sao?”. Cô Củng Chiêu cũng hiểu ra vấn đề, đáp ngay: “Con hư thì còn phải nói. Đó là cái khổ nhất trần gian!”.
Vậy là cô giải mã được vì sao dạo này ông Nghĩa hay ra quán cô uống cà phê. Lúc đầu cô hoảng, tưởng ông đến đây đếm khách, đếm cốc để tăng thuế. Hoặc giả, trên năm mươi là cái tuổi “dễ hư”, ông ra đây là do cú sét ái tình nó chập điện ông lại với cô chăng? Nhưng nay thì cô biết ông buồn vì thằng Đễ, con trai ông. Không ai biết rõ ngọn ngành người cùng phố bằng các bà hàng nước và cô chủ quán cà phê, nhất là khi cô ấy có một phòng karaoke nho nhỏ, kín đáo và rất thân mật.
Nói thằng Đễ con ông Nghĩa đang học cấp III cũng đúng mà nói không cũng đúng. Đúng vì nó vẫn có điểm, có sổ liên lạc đưa về nhà. Không đúng vì mỗi tuần có sáu buổi sáng đi học thì nó có mặt ở quán cô Củng Chiêu đến ba bốn buổi. Nghĩa là nó trốn học. Con bồ của nó khoảng mười bốn mười lăm, váy ngắn chỉ vừa đủ che cái thân trên, cùng đi với nó và mấy thằng bạn. Ngồi bán hàng nghe chúng nói chuyện ăn chơi mà cô Củng Chiêu thấy thèm, thấy tiếc “thời thanh xuân sôi nổi” đã không dám dùng hết cỡ những gì mình có.
Nay thì ông Nghĩa bố thằng Đễ đang buồn. Ông là người có tiền. Không phải làm gì vất vả mà vẫn nhiều tiền. Quận này buôn bán nhất thành phố. Sổ thuế đều phải có chữ ký của ông. Ông lại tinh nhanh, chỗ nào có chuyện nhẹ tay mù mờ, chỉ liếc qua là ông biết liền. Ông dừng bút ngần ngừ một giây, khuyên một cái vòng tròn như hạt đỗ vào bên cạnh.
Cô Loan, phụ tá và cũng là “chân gỗ” của ông, biết cái tên đó đã đi vào bộ nhớ. Cứ thế mà “cưa đôi”, cứ thế mà “hoa hồng”. Nộp cho ông bằng đủ mọi cách. Chỉ ăn gian một cái tên là ông vạch ra liền. Người ta đưa tiền đến nhà ông. Lúc nào ông cũng kêu lương ba cọc ba đồng, con cái ăn học khó khăn đủ kiểu, vợ thì hết thấp khớp lại loạn nhịp tim.
Có lần ông đến bàn với cô Củng Chiêu rằng thằng Đễ mà biết ông có tiền thì nguy lắm, nó hư mất, cho nên nhờ cô quá bộ bỏ một hai buổi tối sang nhà ông để... đòi nợ. “Em có cho anh vay bao giờ đâu mà dám đòi?”. Cô Củng Chiêu nũng nịu. Ông phân trần: “Ấy là giả đò thế. Cô cứ đòi gay gắt vào. Tôi thì lạy lục cô xin khất. Chỉ cần cho thằng con trời đánh nhà tôi biết bố nó tiếng cả nhà không, đang nợ như chúa Chổm là được. Xin trả ơn cô”.
Cô giúp ông thật. Hôm đó thằng Đễ có mặt ở nhà. Nhưng chỉ hai hôm sau, nó đến quán cô cùng con bồ. Nó nói: “Cô với bố là đồ đểu. Hai người có thích thì đi lên giường, cháu vô tư. Nhưng đừng ráp nhau lừa cháu. Bố cháu mà nợ cô ư? Có mà trời sụp”. Nó cười ha hả nói là tiền thuế của dân quận này có một phần đang chui vào ví cô. Chỗ này thì cô oan. Cô đã nhiều lần làm thử việc “phân phối lại” từ cái túi ba gang của ông trưởng phòng thuế sang ví của mình. Nhưng ông ấy đâu phải là tay dại gái! Cô đã từng thử nũng nịu với ông trưởng phòng thuế quận nhưng chỉ được mấy cái véo thân mật vào má.
Vở kịch ông Nghĩa đạo diễn bị vỡ mánh. Một sợi tóc cũng không qua mắt con cái trong nhà được. Vậy là thằng Đễ biết tỏng bố nó có nhiều tiền. Tiền của bố nó thì có quyền tiêu. Nhất là thứ tiền không phải do mồ hôi nước mắt. Không cho nó tiêu thì đẻ nó ra làm gì? Bố nó rắn thì mẹ nó mềm. Tiền từ bố, sang mẹ, cuối cùng là đến nó, rồi từ đó sang túi cô Củng Chiêu, sang túi con bồ, bạn bè, sang túi ông giáo chủ nhiệm để biến thành điểm học tập, có trời mới biết được nó còn đi tới những đâu đâu!
Bây giờ bố nó đang buồn. Chắc ông đâu ngờ tai vạ đi theo tiền nhanh đến thế. Điều đó cô Củng Chiêu biết. Những ai có trải đời đôi chút cũng biết. Không phải ông không trải đời, cũng không phải ông đù. Mà vì ông vẫn tưởng kiếm thật nhiều tiền bù đắp cho con trai, cho nó học hành tử tế, có tiền mua tiên cũng được huống chi mảnh bằng! Ông không hiểu sao thằng Đễ không thiếu thứ gì, kể cả cái bàn học bằng gỗ pơmu để chống muỗi, lại phải lưu ban, phải cảnh cáo vì bỏ lớp quá nhiều và người lạc quan mấy cũng chỉ đánh giá nó nhỉnh hơn trình độ lớp bốn một chút. Ông đành chán nản giết thời gian, vật vã trong quán cà phê.
Ông kể với cô không giấu điều gì, kể cả việc hôm qua thằng Đễ dám cả gan đưa cầm cả chiếc Đờrim ông vẫn đi. Cô Củng Chiêu an ủi ông: “Hay là anh cho nó đi học nghề. Nó đã không ham học thì nhét chữ vào đầu cũng chẳng ăn thua". Ông Nghĩa tròn con mắt: “Tôi chỉ chờ nó xong trung học là cho sang Úc. Con tôi mà đi học nghề ư?”. Quả ông không nghĩ như thế được. “Hay là anh cho cháu nghỉ một hai năm, đến làm chỗ em. Em đang định mở mang cái karaoke mà chưa tìm được người chọn chương trình cho khách”. Cô Củng Chiêu khấp khởi, giá ông ấy đồng ý thì chắc thằng Đễ thích mê đi rồi. Dần dà cô sẽ kéo ông Nghĩa đầu tư vào cái quán, rồi sau đó đầu tư vào cuộc đời góa bụa của cô. Hai nhà đi lại với nhau, cô sẽ có thêm thanh thế, có thêm vốn liếng, có thêm niềm vui, vì người hùn hạp lại là ông thuế quận.
Nhưng ông Nghĩa không vào bẫy. Ông lăn lộn gần hết đời người với người buôn bán từ ngày còn là một anh đeo băng trên tay áo làm nghề đuổi chợ. Ông biết họ tính toán thế nào, tình nghĩa thế nào. Nói năng ngọt xớt đấy nhưng mỗi lời đều có con dao bén như nước bên trong, ông còn lạ gì. Người gốc gác nông dân như ông mà lại dại một giờ thì mất khôn không phải ba năm mà ba chục năm. Nếu ông dại thì không leo đến cái ghế mà ai cũng thèm như hiện nay. Ông đứng dậy lạnh lùng như các nhà đầu tư: “Tôi về nhé!”. Tuy thất vọng nhưng hôm nay cô Củng Chiêu không lấy tiền cà phê của ông Nghĩa. Cô không có ý định gì, nhưng bỗng dưng cô thích thế. Bởi vì ông Nghĩa đã mở gan ruột về chuyện thằng con với cô chăng?
Ông Nghĩa về nhà mang nguyên bầu tâm sự  tuy đã trút ra được ít nhiều nhưng vẫn đè nặng tâm tư ông. Ông vật người xuống chiếc đivăng, không lên phòng ngủ như mọi lần. Những bậc cầu thang sao nó quá cao với sức ông mặc dù ông chỉ mới năm mươi. Có lẽ ông kiệt sức rồi. Hay ông yếm thế? Hay tất cả những thứ này, ngôi nhà vẫn làm lác mắt bà con dưới quê lên, hướng nhà, bệ ban thờ tổ tiên, hướng bếp, đều không giúp giập trù ông nữa? Có tiếng rên rỉ trên gác, tiếng bà Nghĩa rên rẩm với cơn thấp khớp như mọi ngày, rồi những bước chân sầm sập xuống nhà. Thằng Đễ đi qua nơi ông nằm, nó chợt phát hiện ra ông, dừng lại nói:
- Mẹ con đang lên cơn, bố lên mà xem mẹ thế nào?
Chưa bao giờ ông thấy ghét thằng con đến thế. Bộ quần áo bò, cái đầu chải lật về sau, một cái đuôi vịt thông xuống gáy, những thứ trước đây ông bỏ qua hoặc còn thú vị nay làm ông gai mắt. Ông bảo:
- Sao mày không ở trên ấy với mẹ?
- Con còn đi học nhóm - Đễ nói.
- Học cái con khỉ! Mày tưởng tao không biết mày học như thế nào à? Đồ... bất hiếu!
Thấy bố quát, Đễ không sợ mà còn đứng sững lại, cho hai tay vào túi quần:
- Bố mà còn nói chuyện bất hiếu? Bố có biết từ bao lâu rồi bố không về thăm ông bà không? Bố có nhớ là còn có ông bà dưới quê không? Con chào bố nhé! Bai, bai!
Đễ thản nhiên bước đi. Ông Nghĩa không tưởng tượng được cái cảnh đó. Ông giận đến sùi bọt mép, nhưng vốn thâm trầm, ông nhìn thằng con trời đánh ra khỏi cửa mà lòng dửng dưng. Cơn giận đến cùng cực đã tắt ngấm như ngọn lửa lụi đi vì hết củi. Chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng mênh mông làm ông bủn rủn cả tay chân. Trên gác vẫn còn tiếng bà Nghĩa rên rỉ nhưng dồn dập. Đáng lẽ phải lên với vợ nhưng ông không còn sức nữa. Ông ngả người trên đivăng và bỗng dưng nhớ lại trong chốc lát một vùng quê, một đoạn đời. Làng ông có đồi cọ, có sông Đà chảy qua và tuổi thơ ông trôi qua giữa những trận lụt tràn bờ. Nơi đó, ông còn có một ông bố nghiêm khắc, ông bố cục tính thường cho ông những trận đòn nhớ đời hồi nhỏ. Và hôm nay từ quê, bà con ra tỉnh nhắn cho ông những lời trách móc lần cuối, khi bác Thảnh ra mời cưới đứa con gái ông, bố ông nhắn: “Bảo thằng Nghĩa nhớ cái tên bố mẹ đặt cho nó. Nhờ bác hỏi hộ tôi xem nó lấy tiền đâu mà xây nhà lầu? Nó lấy đâu ra?”.
Nghe ông Thảnh nói ông Nghĩa muốn phát điên lên. Người ta thấy con ăn nên làm ra thì mừng, còn bố ông gàn bát sách, lại nổi nóng như thù hằn, ghen tị. Ông còn nghe người làng nói lại những câu bố ông nói với họ: “Xin bà con cứ coi như tôi chỉ có thằng Hiếu!”. Hiếu là em trai ông Nghĩa. Nó đi bộ đội, cưới vợ, ở nhà quê với bố mẹ ông. Người làng bảo rằng những chuyện “ăn, uống” và cái biệt hiệu “Nghĩa hoa hồng”, “Nghĩa cưa đôi” người ta gắn cho ông đến tai bố, ngôi nhà cao lừng lững mọc lên lại như một lời chứng nên bố ông mới nói thế.
Ở làng không như ở trên phố, không phải ăn ở thế nào cũng được, nhất là những người như bố ông Nghĩa. Từ ngày nghe những chuyện đó ông Nghĩa không về làng nữa. Trong thâm tâm ông vẫn nhớ đến bố và mẹ. Mẹ ông hiền như củ khoai, suốt một đời nuôi con hầu chồng, một ông chồng ngang bướng và độc đoán, tính thẳng như ruột ngựa. Nhưng ông không hề nhắc tới bố mẹ với vợ con. Vì thế mà thằng con bất trị của ông mới có cớ để bắt bài ông được như thế. Ông không thể tha thứ cho nó được, cái thằng Đễ mất dạy con ông ấy. Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu ông Nghĩa. Ông sẽ cho thằng Đễ về quê, giao nó cho ông nội. Gì thì nó cũng là cháu đích tôn của ông già. Với cái tính độc tài, thẳng thớm và nghiêm khắc, may ra ông mới trị được nó. Cũng chỉ còn cách đó nữa mà thôi. Nhưng liệu ông cụ có nghe ông không?
Ông ngồi dậy, ôm đầu một lúc cho đỡ váng rồi lên chỗ vợ nằm. “Ông lại bắt nhái bỏ đệm đấy thôi” - bà vợ ông nói. “Nhưng tôi còn biết làm gì với nó?”. Ông Nghĩa vò đầu bứt tai. Trong lòng ông cũng thấy khó xử. Không biết sẽ nói với bố thế nào. Mấy năm nay không một lời hỏi thăm, không một gói quà nhỏ cho bố mẹ, bây giờ lại dẫn một thằng con vô lại về cho ông bà. Ông nhăn nhó, ông đau khổ và ước gì được trở lại là ông trước đây, là đứa con trưởng của gia đình, được bố mẹ vị nể, hay anh đuổi chợ, vợ chồng con cái vui vẻ trong căn hộ cấp bốn bên sông Tô Lịch... “Nó mà quay về thì tôi giết”, ông trấn an vợ và cũng như mọi lần, trong mọi việc, ông quyết định làm mà không cần hỏi ý kiến ai trong nhà.
Thằng Đễ nói: “Bố muốn tôi đi đày hay đi đâu tùy bố. Tôi về quê thì khỏi đi học, không thích ông thì tôi đi bụi!”. Ông Nghĩa bảo con: “Mày cứ đi bụi cho tao nhờ”. Ông không còn biết mình nói thật hay đùa nữa. Hai bố con xuống xe hàng đi bộ trên con đường làng, vẫn con đường ngày trước, rải sỏi, thỉnh thoảng chân trâu bò giẫm thành những cái hố nhỏ. Trong hố có một bụi cỏ gà. Lâu lắm rồi ông mới thấy bụi cỏ gà. Cũng như lâu lắm rồi ông không biết trên trời có mặt trăng. Một hôm ra hồ hóng mát và hát karaoke với mấy đứa nhân viên trong phòng ông chợt nhìn thấy trăng, trong giây lát ông sững ra, tưởng như mơ.
Ông không biết bố vẫn còn giận hay mừng khi gặp hai bố con ông. Ông biết tính nết bố, ngay thẳng, hay lam hay làm như con trâu. Hồi lên lão sáu mươi bố vẫn gánh hai bó thóc chạy băng băng từ đồng về nhà. Khi bắt đầu có bổng lộc, ông Nghĩa nghĩ là mình sẽ trả hận cho đời lam lũ của bố. Nhưng rồi đời cứ cuốn ông đi. Đồng tiền có ma lực, nó bén như nhựa, không ai dứt ra được. Thấy bố mình không mặn mà gì với việc kiếm chác dễ dàng của mình, ông lấy làm lạ, không hiểu nổi. Khi nghe bố lo lắng như ông sắp vào tù đến nơi, ông cho là bố gàn, không thông hiểu thời thế. Đến lúc ông làm nhà, bố không ra tỉnh lần nào để chăm nom, ngày ông hoàn công nhà mới bố ông cũng không ra mà còn nói này nói nọ thì ông oán giận bố thật sự.
Đời này đâu chỉ mình ông tiêu cực mà bố nỡ đối xử với ông như thế? Đáng lý ra, một người nông dân khổ cực như bố, đồng tiền kiếm được nhầy nhụa mồ hôi nước mắt thì phải mừng cho con khi nó ngẩng mặt lên được với đời mới phải chứ? Vậy mà bố nỡ...
Ông lão Đam ngồi đan rổ. Thấy hai bố con đi vào sân, ông đứng dậy mà không ra đón. Lòng ông mềm ra một lúc, nhưng rồi ông cứng rắn trở lại. Ông đã đổ mồ hôi cho thằng con trưởng ăn học, đi làm cán bộ, mong ước nó làm ông bà mát mặt với hàng xóm. Vậy mà ông chỉ nghe được những điều nhục nhã. Làng này có cu Xuân, một tay trộm gà nổi tiếng, không ai bắt được tay day được trán, nhưng người ta nói ra nói vào, chẳng ma nào chơi với, phải bỏ làng mà đi. Nó chỉ bắt gà của một vài người. Còn con ông thì móc túi cả thiên hạ, liệu ông có gì mà vênh váo với bà con trong làng? Cơn giận bốc lên, ông định quay vào nhà như không nhìn thấy hai bố con. Nhưng ông chợt sững lại vì thằng Đễ. Sao mà nó giống ông thế. Giá lùi lại năm sáu chục năm, giá thay bộ quần áo bò nó đang mặc với bộ cánh nâu vải thô nhuộm bùn thì ai cũng nhầm nó là ông. Lòng ông lại mềm nhũn. Ông lập cập để rơi con dao xuống đất.
- Con dắt nó trả về ông. Ông cho nó theo học trường huyện cho đến hết cấp rồi con tính - ông Nghĩa nói với bố.
Ông lão Đam đoán có ngày này. Nhất định có ngày này. Cây nào thì quả ấy. Thằng Đễ ngồi lên góc cái phản ngựa, hay tay đan vào nhau, vặn vẹo. Trông nó thật ngoan, thật cam chịu. Ông lão thừa biết mẹo trá hàng của thằng cháu đích tôn. Thì chính ông trước đây cũng không thiếu mẹo như nó bây giờ. Chỉ có điều bố của ông, một ông đồ thời Nho mạt, không có tiền như bố thằng Đễ để cho ông ăn xài thả cửa như nó. Nhưng ông biết kêu than với ai bây giờ? Thằng "Nghĩa hoa hồng" cũng là ông, thằng cháu này cũng là ông. Ông cúi đầu cam chịu số phận. Rồi ông nói, bập bập lưỡi dao trong lòng bàn tay:
- Cứ để nó cho tao! Đễ, ra cầu ao rửa chân tay, lấy bộ áo cánh của chú Hiếu thay vào, nghỉ một lúc rồi xuống ao bắt cá với ông.
Lát sau thằng Đễ đã lóp ngóp trong ao, xua cá về một góc cho ông nội cất vó. Ông Nghĩa lúi húi thổi cơm, không chờ mẹ đi ăn giỗ và thằng Hiếu đi mua hạt thóc giống chưa về. Tiếng nước vỗ, tiếng ông lão Đam và thằng Đễ cùng reo to hồn nhiên mỗi lần có một con mè vào lưới vang lên tận bếp nơi ông trưởng phòng thuế ngồi. Lần đầu tiên ông thấy lòng thư thái, ông nhận ra đã từng quên mất một quãng đời.
ANH NGUYÊN

Xem Tiếp: ----