Những đầu ngón tay của anh vuốt ve tờ bạc đã nhàu và trơn trợt vì đã qua tay nhiều người. 20 dirhama°. Chắc chắn chúng cũng đủ để anh mua đồ ăn, nhưng rượu thì không, mà rượu lại chính là thứ  anh đang cần.
Khách du lịch đi ngang qua chỗ anh thưa dần, chỉ một vài người với balô trên vai, những người lang thang ngày này qua ngày khác trên những con phố không mấy khiến anh quan tâm - họ không chỉ đếm kỹ mấy đồng bạc lẻ của mình mà thời gian của họ cũng ít ỏi; họ dùng những món ăn rẻ tiền mà chỉ nhìn qua cũng đủ làm người ta muốn ói, chỉ vì một mục đích là kéo dài thêm chút thời gian được tắm nắng ở đây.
Malec không bán được gì trong cái ngày này, mặc dù anh đã đi tới đi lui dọc theo con phố từ sáng sớm. Trời gần như đã tối hẳn, chẳng còn gì ngoài niềm mong đợi sang ngày hôm sau, biết đâu sẽ có một chuyến xe buýt chở khách du lịch Đức tới. Mọi việc đã trở nên tồi tệ hơn, những tin tức càng ngày càng đáng lo ngại, rõ ràng là thế giới đang tiến dần tới chiến tranh, niềm  hi vọng vào ngày mai sẽ tốt hơn đang giảm dần. 
Không biết mẹ anh có đoán ra chuyện này sau khi đóng cửa hàng chăng? Ít ra thì bà cũng sẽ cho anh ăn. Anh sẽ lại phải nghe những lời than vãn của bà là anh đã chọn con đường không tốt cho mình, nhưng dù vậy anh vẫn sẽ không bỏ tiền ra mua đồ ăn. Hôm qua Josif bán được một chiếc thảm, tin tức nhanh chóng lan truyền khắp cả chợ. Sau hai tiếng đồng hồ, vài ấm trà và sự kiên nhẫn vô tận, anh ta đã thoát được chiếc thảm đó. Biết đâu nhờ thế mà sẽ có một chầu rượu.
Jane đã lang thang nhiều giờ quanh thành phố, cô thử cố định hướng trong cái trận đồ bát quái của những con phố ngoằn ngoèo, bị vây kín bởi bức tường thành xây quanh khu phố cổ. Mặc dù đã cố bước đi thật tự tin (như trong sách hướng dẫn đã khuyên) và cô cũng đã làm như thế ở những nơi mà ánh mắt xung quanh như muốn buộc tội hơn là tò mò, những câu nguyền rủa ác ý, những bãi nước bọt cố tình văng ra và cảm giác sợ hãi, khủng khiếp khi phải đi qua những nơi tối tăm -tất cả những thứ đó ở nơi đây cứ liên tục muốn xô đẩy cô.
Cô thấy đường phố nào cũng đều giống như nhau - nêm chặt những người và hàng hóa, không khí nặng nề được nhồi thêm với đủ loại mùi: mùi gia vị, mùi xăng dầu, mùi nước hoa, cả mùi hôi xông lên từ cống rãnh; và từ bốn phía tiếng còi xe hơi, xe máy, tiếng chuông, tiếng lọc cọc của xe kéo cùng thứ âm nhạc pha trộn giữa phương Đông và phương Tây phát từ những chiếc đài bán dẫn mở to hết cỡ. Một rừng cánh tay đưa ra chào mời hoặc lôi kéo, những cánh tay nhẫn nại của những người buôn  bán. Thật khó để không nhận ra cô với nước da nhợt nhạt như nấm và mái tóc màu khói. Jane nổi bật giữa đám người địa phương da ngăm ngăm và thiếu thân thiện như một vật dị thường.
Rẽ sang một góc phố trước mặt, cô thấy mình đã thoát ra khỏi khu phố cổ, đang bước trên phố chính dẫn về khách sạn nơi cô ở. Ngước mắt lên, cô nhìn thấy bóng của chiếc tháp đồng hồ trên nền rẻ quạt của những tia sáng cuối cùng trong ngày, và lúc này nước mắt cô giàn giụa. Chắc chắn là do bụi ở quanh đây. Mọi thứ ở đây đều phủ đầy bụi, dĩ nhiên rồi - thứ bụi khô và đỏ khiến người ta liên tưởng tới loại bột ớt mà những người buôn gia vị vẫn chất đầy quanh đống lửa, cả bầu trời cũng phủ bụi khiến những tia nắng mang màu cam, nhất là vào lúc này, khi mặt trời đang xuống dần sau dãy tường thành cổ.
Jane thấy mắt mình nóng rát. Chúng như khô khốc, nhất là quanh mí mắt, khiến cô cứ phải nhíu mắt lại tới mức chỉ còn nhìn thấy không gian phía trước nhỏ bằng đầu kim. Đã mấy tối nay cô không ngủ được và vào lúc này cô đang trong trạng thái lả dần một cách lạ lùng, các giác quan như căng hết mức, cứ như thể cô đã nuốt phải một liều thuốc gây ảo giác. Chỗ nào trên người cô cũng đau - bắt đầu từ xương lan đến dạ dày, thậm chí cả tới những cử động nhỏ của da. Các cơ trên mặt cô co lại và từ đó xuất hiện một nụ cười thường trực căng thẳng, ốm yếu. Lẫn trong sự mỏi mệt là một nỗi buồn mơ hồ.
Tiếng chuông nhắc buổi kinh chiều vọng từ tháp đồng hồ nhắc nhở Malec rằng uống rượu là có hại cho thể xác và linh hồn, nhưng theo thánh Allah thì mỗi người đều tự do - nếu hoàn cảnh đưa đẩy phải uống chắc ngài cũng không từ chối. Những người khác họ vẫn làm thế cả. Khách du lịch tới thành phố, ăn tối trong các nhà hàng rồi sau đó uống rượu trong các quán bar dọc bờ biển cho tới khi hầu như mất hết khả năng vận động, vì vậy họ phải dùng tới taxi để về khách sạn chỉ cách đó vài trăm mét. Du khách muốn làm gì thì làm, không phải băn khoăn gì hết. Chỉ cần có tiền thì những vị khách, trong bộ đồ may đắt tiền, thả sức mặc cả tới giá chót để mua những chiếc thảm mà không cần biết là khi người bán đồng ý thì đó là vì họ đang rất cần tiền, vì gia đình họ không thể gặm thảm thay cho thức ăn.
Cũng những du khách này luôn quay đi để đếm tiền, cứ như thể họ sợ là bức tường thành cổ sẽ lừa họ; rồi họ phấn chấn, sung sướng vì rốt cuộc đã mua được với giá rẻ, vừa cuốn tấm thảm lại họ vừa tưởng tượng tới cảnh trở về đất nước ảm đạm, lạnh lẽo của mình với một vật đẹp đẽ, rực rỡ; họ sẽ trải nó ra rồi mời bạn bè tới thưởng thức chất lượng của món hàng thủ công… Họ sẽ đạp chân lên đó với những đôi giày dính đầy bùn đất, cho tới khi nó xác xơ và bạc thếch và rồi họ lại lên kế hoạch cho cuộc du hành tới vùng đất đầy nắng, nơi họ thấy cái gì cũng rẻ, rẻ một cách xúc phạm, để mua một chiếc thảm mới. Du khách…  Malec chỉ muốn làm sao để đái được lên đầu tất cả bọn họ!
Jane tới đây để nghỉ ngơi và giờ đây cô đang bước đi trên phố với đôi mắt đẫm lệ mà không dám dừng lại, vì nếu dừng lại cô sẽ đổ vật xuống giữa đám người da ngăm xa lạ thiếu thiện chí này. Còn nếu tiếp tục đi, không biết cô sẽ cố được trong bao lâu. Cô lấy cặp kính mát ra đeo. Phụ nữ ở xứ sở này giấu tất cả thân thể mình dưới lớp váy dài và khăn choàng, còn cô thì chỉ giấu được duy nhất đôi mắt của mình. Nhưng giờ này đã quá muộn để đeo cặp kính loại đó. Cô hầu như chẳng nhìn thấy gì hết, cứ liên tục va phải người đi đường. Nước mắt cô tuôn trào qua gọng kính, phủ đầy mặt và thế là cô phải bỏ kính ra để lau nước mắt; đúng lúc này cô thấy mình đang đứng trước một cái cổng nhỏ mà hai bên tường treo đầy những chiếc thảm. Rồi cô lại đi tiếp, nép vào một bên con phố chính.
Anh đang định dỡ những tấm thảm xuống để cất vào nhà thì người phụ nữ xuất hiện. Ấn tượng đầu tiên với anh là chiếc áo jacket mà cô ta đang mặc - kiểu thụng, may bằng chất liệu có những ánh đen, được phản chiếu bởi những chiếc bóng đèn màu treo trên một cây cao su gần đó. Anh lập tức nhận ra đây là một  người mới tới thành phố. Bước đi chậm chạp, cặp mắt xanh bâng quơ nhìn lên tường và chỗ bày hàng. Thấy rõ là cô đang rất căng thẳng, tay ghì chặt chiếc túi xách đến nỗi mấy mỏm xương nơi mu bàn tay trắng nhợt ra. Dáng cô thẳng, hơi cứng, nhưng khi cô ngoái lại để ngắm anh rút tấm thảm lụa đẹp đẽ thì hai vạt áo jacket của cô hơi xòe ra, tạo những nếp gấp mềm mại và để lộ thân hình gầy gò. Không phải người Pháp, cũng không phải người Đức.
- Xin chào! Bà có khỏe không? Xin chúc mừng bà đã tới đây!
Cô nhìn anh ta.
- Tôi rất thích cái áo jacket của bà - anh ta nói. Tuy quá rõ câu trả lời, anh ta vẫn cứ hỏi:
- Bà mua nó ở đây, ở Maroc à?
Dĩ nhiên là cô lắc đầu phủ nhận và lúc anh ta mời cô vào bên trong xem hàng, dùng trà thì cô đã bước qua cửa; anh ta khá thú vị, quan tâm hơi quá mức tới chiếc jacket của cô với ý nghĩa là một cái áo như thế giá bao nhiêu, rồi tới mắt cô, miệng cô, ngực cô, chân cô và cố tìm thêm những từ tiếng Anh để nói chuyện. Vốn tiếng Anh của anh ta không hoàn chỉnh, lại quên mất thói quen giao tiếp, vì vậy mà khi anh ta nhớ ra để nói “Xin mời! Bà cứ xem mà không cần phải mua!” thì đã quá muộn.
Anh đã bỏ lỡ dịp may khi mắt họ gặp nhau, đó chính là lúc bắt đầu một vụ làm ăn. Giờ thì trước mặt anh chỉ là tấm lưng của cô với chiếc váy dài và chiếc áo jacket, nhưng rồi cô phải quay lại để đáp lời anh: “Để lần khác, nếu tôi có thể quay lại. Tôi đang muốn ăn thứ gì đó”. Lẽ ra lúc này anh nên để mặc cô đi ăn ở một nhà hàng xấu xí nhưng đắt kinh khủng nào đó mà tên của nó đã được khoanh tròn trong cuốn sách hướng dẫn, nhưng không, anh cầm lấy tay cô, còn cô không tỏ vẻ phản đối dứt khoát nên anh đưa cô tới nhà hàng Jasmin.
- Một nơi sạch sẽ, giá cả phải chăng và trên hết là nó rất gần.
- Nhà hàng của anh trai anh phải không? - cô hỏi nhưng không phải với ý xấu, kẻ cả, khó chịu của một du khách tự tin thường thấy, những người mà Malec phải chịu đựng mỗi ngày, trước khi những tin đồn về chiến tranh chưa làm tổn hại tới công việc làm ăn buôn bán ở đây. Đương nhiên là anh phủ nhận mọi liên quan tới Amal, chủ quán Jasmin, mặc dù có thể anh sẽ được bỏ túi vài đồng do có công đưa khách tới. Cố tỏ ra vui vẻ, cô để mặc anh dẫn đến một chiếc bàn, Malec gọi bồi bàn rồi bắt tay cô, như thể đây là một trò chơi vô hại chứ không phải một vụ móc túi lúc chập tối.
- Bon appetit° - anh ta chúc cô rồi đi về dọn cửa hàng.
Bây giờ cô lại không thấy đói. Việc ăn cũng đòi hỏi phải có sức lực. Bàn tay cô run rẩy khi giơ chiếc nĩa lên cùng mùi thơm của món xào. Mặc dù cô không phải khách hàng duy nhất và không ai ngoài người bồi bàn nhìn thấy cô nhưng cô cứ có cảm giác như đang bị phơi bày trước bao cặp mắt chăm chú, mỗi cử động đều gắn với sự căng thẳng và mỏi mệt, như thể cô đã mất thói quen ăn uống. Thức ăn trơn tuột khỏi chiếc nĩa, thịt và rau thì mắc vào răng, chén đĩa va vào nhau kêu lanh canh ầm ĩ.
Tiếng ồn ngoài đường như phụ họa nhằm che bớt những vết ố do nước xốt trên khăn phủ bàn và những chỗ phồng rộp của giấy dán tường. Một đám rước nào đó, được hỗ trợ bởi tiếng trống, tiếng còi xe rú như điên, diễu hành ngang qua cửa nhà hàng. Từ chỗ của mình, Jane nhìn thấy trên con phố nhỏ, một vài người tay giơ cao đỡ một chiếc bàn dài trên có phủ khăn, bày nến, hoa và tất cả những gì cần thiết. Sau đám người và cái bàn đó là một con bò đực đang bước đi loạng choạng.
Vật hiến tế cho đám cưới này vừa đi vừa đái tồ tồ, lảo đảo trên hai cặp vó gầy gò theo sau đám rước để tới chỗ hành quyết. Malec cài chốt cửa hàng. Khi nhận ra đám rước, anh nhổ nước bọt văng mạnh vào đám bụi mù.
Chú rể - một người Anh hói đầu với cái bụng phình to như một người đàn bà có chửa - khoảng 40 tuổi. Ông ta tới đây chỉ để cưới một cô gái bản xứ - một cô 16 tuổi. Trước đó không lâu, ông ta còn thỏa thuê giải trí với bất kỳ người phụ nữ nào ông thích, rồi ông muốn mua một cô vợ trẻ con - và dĩ nhiên là những con người nghèo khổ kia đã bán con gái mình cho ông ta. Giờ thì lão muốn khoe khoang và nhậu nhẹt đã đời trong cái marriage typique° của mình, bằng cả một cuộc trình diễn màu mè, ầm ĩ. Hẳn là khách khứa sẽ phải đứng chờ ngoài cửa phòng cho tới khi lão ta bước ra, giơ chiếc quần lót của cô vợ trẻ lên và đắc thắng nói:
- Các vị thấy chưa? Tôi đã biến cô bé này thành đàn bà rồi đấy.
Jane cho vào bóp mấy đồng tiền lẻ thối lại cho bữa ăn không đáng và rời khỏi nhà hàng. Chợt cô thấy mình đang đối mặt với người đàn ông bán thảm đang đi tới. Hai bên anh ta là một người phụ nữ và một thanh niên. Họ nắm tay nhau, cười nói vui vẻ. Khi nhận ra cô, anh ta vội chia tay các bạn mình.
- Chị có hài lòng với bữa ăn không? Chị có muốn uống chút gì không?
- Ở đâu?
- Bất cứ chỗ nào chị thích.
Những ngón tay anh vuốt ve tờ bạc đang nằm trong túi. Một tờ 50 dirhama còn mới- đó là nhờ cuộc gặp gỡ may mắn với Josif và Fatima - chúng bổ sung cho tờ 20 dirhama của anh.
Không suy nghĩ gì nhiều, người phụ nữ ngoại quốc đồng ý và bây giờ họ đang đi bên nhau. Chẳng thấy mấy người bạn của Malec đâu cả.
- Chỉ cần nơi nào gần đây. Tôi không muốn đi xa.
- Dĩ nhiên. Chị có muốn một chỗ gần khách sạn của chị không? Tôi biết chỗ đó.
- Không sao.
Khi chai thứ nhất vừa cạn, anh gọi chai thứ hai, nhưng cô phản đối.
- Tôi đã mệt. Đến lúc phải đi rồi. Tôi muốn về khách sạn.
- Tôi xin chị, khoan đi vội. Hãy ở lại thêm chút nữa, anh năn nỉ và cầm lấy tay cô, nhưng cô vội rụt lại.
- Tôi xin lỗi, tôi rất thích chị. Chị có hiểu không? Chúng ta hãy uống thêm một chai nữa rồi tôi tiễn chị tới khách sạn.
Jane cảm thấy anh ta rất buồn trong khi nói, nhất là lúc bị từ chối, như thể điều mong ước duy nhất của anh chỉ là một chút tin cậy, thêm một vài phút được ở bên nhau - không có gì hơn, không cả phiêu lưu tình ái; anh hoàn toàn hiểu cô, anh hiểu rằng cô không còn tự do, cô đã nói về hoàn cảnh của mình trước khi hai người bước vào quán bar. Tốt hơn là cả hai cứ ngồi ở đây, cùng nhâm nhi và cùng ngắm cảnh biển về đêm còn hơn là nhốt mình giữa những tấm gương trong căn phòng chật chội của một khách sạn ảm đạm, với những tấm rèm nâu và cửa kính lâu ngày không ai lau.
- Tôi xin chị, hãy vì tôi… Chắc chị cũng biết thế nào là coup de foudre°?
Cô không biết. Mà cô cũng để quên cuốn từ điển trong khách sạn rồi. Lời giải thích của người bạn đồng hành về những tia sáng gì đó trên trời cũng chẳng rõ ràng hơn được. Thế rồi khi người bồi bàn mang ra một chai nữa thì cô ngồi bất động, để mặc cho anh rót đầy ly của mình. Cứ thêm mỗi ly thì vốn tiếng Anh của anh, vốn tiếng Pháp của cô, cả tiếng Ả Rập, càng trở nên tự do, thoải mái hơn.
Cô ít khi rời mắt khỏi những chiếc tàu đang neo ngoài bến cảng. Trong khi quan sát cô và những cử động của cô, anh tin rằng cô luôn nghĩ là mình đang ở trong một quán bar khác, một bờ biển khác, và với một người đàn ông hoàn toàn khác, như chồng cô chẳng hạn, một người Anh, chắc chắn là trông giống như cái ông đang nhảy với cô vợ Maroc, sắp sửa vồ lấy cô ấy mà chẳng cần đưa ra một câu hỏi thừa thãi nào. Gia đình và giống nòi đã cho phép họ mở rộng cánh tay với khách.
- Mời ông vào. Xin mời. Hãy chọn những gì chúng tôi có. Ông có thể trả bằng tiền mặt. Giá cả rất phải chăng, giá đặc biệt dành cho người đặc biệt như ông. Với ông thì giá này hẳn chẳng là gì.
Cô vẫn đang dõi mắt nhìn về phía biển, còn anh thì dán chặt mắt vào chiếc áo jacket may cầu kỳ của cô và chiếc sắc căng phồng cô đang cầm. Có bao nhiêu tiền trong đó? Ở nhà cô còn bao nhiêu nữa? Xe hơi, video, nước nóng cả ngày lẫn đêm. Quần áo đẹp chất đầy tủ. Chiếc áo khoác Ý mà anh đang mặc là thứ duy nhất trông tạm được, thế mà anh sắp phải bán nó đi. Người phụ nữ này định mua gì mang về nhà? Du khách nào cũng luôn nghĩ xem sẽ mua thứ gì mang về. Đồ lưu niệm, những kỷ niệm, những tấm ảnh.
Một tấm thảm có lẽ sẽ hợp với căn nhà của cô ấy. Có thể nhà cô khá rộng để mua hai, ba hoặc bốn chiếc, và anh sẽ có một thương vụ kha khá. Nếu tối nay họ đều cảm thấy thoải mái thì hẳn cô đưa ra một cái giá phải chăng đủ để anh cầm cự thêm một thời gian. Thế mà cô chẳng hề nhắc gì đến chuyện thảm, thậm chí còn nói mấy lần là sẽ không mang gì về nhà hết, cô rất ghét phải mặc cả, điều đó không có trong máu của cô. Cô tỏ ra cho anh thấy là nếu không phải trong tình trạng mệt mỏi và xa nhà như thế này, cuộc sống của cô luôn là một biểu đồ đầy màu sắc và phức tạp, giống như hoa văn những tấm thảm,  điều mà cô đã chọn lựa trong vô vàn những thứ khác.
- Chiếc áo jacket của chị trông giống như mặt biển dưới ánh trăng - anh nói, tay chạm nhẹ vào tay cô, câu nói kiểu cách của anh vẫn không làm cô quay lại, và bây giờ chai rượu cuối cùng đã cạn, anh muốn được trả tiền phần của mình, với đồng 50 của Josif, nhưng cô từ chối. Đã đến lúc cô phải về khách sạn.
Họ cùng đi trên con đường gập ghềnh của bến cảng, co ro trong cái lạnh của không khí về đêm. Áo jacket của cô trở nên quá mỏng manh. Cô thấy lạnh. Anh cởi áo mình khoác cho cô bất chấp sự từ chối của cô. Những đợt sóng biển đập dữ dội, ồn ào vào kè đá. Những chiếc tàu nghiêng ngả va vào nhau kêu ken két. Quán bar chỉ còn là một cái bóng mờ mờ phía xa, cả bến cảng tối đen. Không một bóng người qua lại.
- Hay ta đi nghe sóng biển - anh gợi ý, khi họ đi được khá xa.
- Ở đây tôi cũng nghe rõ - cô trả lời, nhưng anh vẫn cố thuyết phục, anh muốn cô tỏ ra tin cậy ở anh dù chỉ chút ít, mặc cho những giọt nước từ sóng biển rơi trên mặt cô ướt đẫm, vì ở quê hương mình chắc gì cô đã có dịp tận hưởng khoảnh khắc này. Khi họ đi trong bóng đen của những chiếc tàu hắt lên bức tường đá, cô bắt đầu cảm thấy một nỗi sợ hãi dâng lên và thấy nghi ngờ người đàn ông xa lạ này. Cô cứ lặp đi lặp lại: “Không. Không, cảm ơn, Để lần khác”. Bực mình vì cô cứ lùi lại, anh nắm chặt lấy tay cô kéo đi.
- Tôi xin chị, cứ lại đây, xin chị - Malec nhắc đi nhắc lại, nhưng giọng nói của anh không còn vẻ năn nỉ, “xin chị” không còn là một lời mời thân thiện, anh đẩy nhẹ cô về phía những bóng cây khiến cô dần dần tin chắc là mình đã đi quá xa với cuộc dạo chơi này, mọi chuyện đã thay đổi, và khi cô nhìn ra xung quanh thì thấy quán bar cũng như khách sạn đều đã ở quá xa…
Tại sao cô lại phải xô đẩy anh ta đúng vào lúc này? Cô, người đã ngồi bên anh suốt cả buổi tối và không ngừng hỏi anh về nghề nghiệp, về gia đình, nền kinh tế, về cuộc sống của những em gái và phụ nữ, về marriage typique và về chiến tranh. Anh đã kể cho cô nghe tất cả những gì mà anh biết. Với anh, phải nói bằng tiếng Anh chẳng dễ dàng gì, mà cô thì muốn biết nhiều chi tiết. Anh đã cố vận dụng tất cả những gì có trong vốn kiến thức của mình, cô muốn và anh đã đáp lại, thế mà bây giờ… Anh bỏ cô ra. Anh muốn đi tiểu tiện.
Bước bập bõm, vội vã trên con đường khúc khuỷu, Jane cố hết sức chạy ra xa trong tiếng sè sè đứt khúc của dòng nước tiểu vang tới phía sau, rồi cô cũng sắp đạt được một khoảng cách an toàn. Cô đã tới sát cổng cảng, băng qua bãi đậu xe tải. Bất chợt cô nhớ ra là mình vẫn khoác chiếc áo của anh ta, cô hất mạnh vai cho chiếc áo rơi xuống càng nhanh càng tốt. Chiếc áo rơi xuống vũng nước trước mặt khiến cô giẫm đôi chân ướt của mình lên đó, việc này làm cô bị chậm lại một cách đáng kể, đôi chân cô nặng chịch, nhưng cô không dừng lại vì sau mỗi bước cô lại càng gần tới khách sạn.
Khi lại gần chiếc áo sũng nước, nhàu nát của mình, anh nhặt nó lên. Anh tiếp tục đi theo cô, mặc dù khoảng cách khá xa, nhưng cũng đủ để anh tin chắc là cô sẽ nghe được tiếng kêu của anh, vừa giơ cái áo lên vẫy như vẫy cờ, anh vừa gào lên:
- Tôi ghét cô! Ghét cô và cả cái đất nước giàu có của cô! Cô có hiểu không?
DIỆU LÝ dịch
(từ tạp chí văn học Plamak - Bulgaria, 2002)

Xem Tiếp: ----