Tôi luôn nghĩ mình là đứa trẻ bất hạnh. Nhà nghèo nên việc học hành của tôi vất vả lắm. Mười một tuổi phải xuóng Hải Phòng ở nhà cậu để vừa học vừa làm thêm. Vài năm sau, về nhà, bố mẹ lục đục. Nhà cửa tan hoang, tôi hỏi: "Chị đâu?". Mẹ cười như mếu: "Vào Sài Gòn theo bác trưởng". Tôi nhìn lên tường, chị cười tươi sau vành nón, hai mắt lóng lánh nước. Hai năm sau trốn học, tôi về. Nhà cửa tươm tất. Tôi hỏi mẹ: "Chị đâu?". Mẹ chúm chím: "Chị làm to lắm, lấy chồng giàu gửi tiền thường xuyên". Tôi hỏi: "Cả tiền nuôi con học?". Mẹ gật, rồi nói: "Chị bảo đàn bà có thể không cần học chữ nhiều, chỉ cần học lễ thôi. Nhưng đàn ông thì cần có học. Có cả hai thứ ấy mới thành người". Tôi im lặng, thầm cảm ơn bố mẹ sinh ra chị. Mẹ lại bảo: "Nghe nói con uống rượu?". Tôi gật: "Cả nghiện thuốc?". Tôi lại gật. "Có đánh nhau không?". Tôi thở dài nhìn chỗ khác. Và mẹ thì thầm: "Đừng yêu vội, con gái tỉnh không thật đâu". Tôi cười: "Cái đó còn phải xem đã. Đàn ông lại xa nhà mà mẹ". Lúc đi mẹ dúi tiền vào túi, với theo: "Những cái con thích, chị không thích đâu. Chị muốn con là sáng danh nhà mình". Tôi bớt hút thuóc bỏ dần rượu mỗi chiều mỗi sáng. Suy cho cùng rượu chỉ làm quên nỗi buồn trong chốc lát. Sau cơn say là cảm giác nhạt thếch, khát thèm một cái gì không rõ rệt. Còn đáng sợ hơn cả nỗi buồn lúc tỉnh. Tôi vào đại học, vẫn không gặp chị. Chị vừa gần gũi vừa xa xôi. hàng chục năm rồi còn gì. Tôi đỗ loại ưu, được giữ lại trường làm giảng viên. Bố mẹ già dần không còn lục đục nữa. Hình như học mệt. Tôi nhắc lại chuyện xưa, mẹ cười: "Với mẹ, bây giờ cuộc sống là quý nhất". Mẹ đánh điện: "Về ngay, bác trưởng mất". Tôi về. Hôm sau, cả nhà lên tàu vào Nam. Bố mẹ thương bác và nghĩ đến phận già của mình. Tôi cũng thương bác nhưng nhớ chị nhiều hơn. Tôi thích gặp chị để chị thấy tôi không làm chị buồn. Tàu vào ga. Mẹ nhấp nhổm không yên. Bỗng mẹ kéo giật tôi: "Rụt vào. Có tàu chạy qua phăng đầu đấy". Tôi thì chả thấy con tàu nào cả, mẹ vẫn thất thần, cuống cuồng hoảng loạn vì chuyện gì đó. Tôi đâm nghi ngờ cái sự hốt hoảng của mẹ. Tôi ngó nghiêng. Chẳng có gì đáng chú ý. Chỉ có một người đàn bà, phía bên kia đường ray đăm đăm nhìn chúng tôi. Quần đen, áo bà ba - người đàn bà thật nhỏ bé, nhếch nhác. Dưới chân là mẹt thuốc lá, bên cạnh là cái làn nhựa. bà đứng như bức tượng nghiêm lạnh giữa khung cảnh huyên náo bậc nhất này. Có một đoàn tàu dài chạy qua. Chật người và hàng hoá, chưa rời ga mà đã mệt mỏi quá. Tàu qua, tôi nhìn lại phía ấy. Không còn người đàn bà đó nữa. Tôi và bố mẹ về nhà bác. Dự đám tang xong, hai ngày sau, một mình tôi về Hà Nội, vì công việc, vì không gặp chị. Mọi dự định của tôi với chị tan hết. Mẹ bảo chị cùng chồng đi Đài Loan. Vợ chồng chị không có con nên hay đi lắm. Sài Gòn mùa mưa mát và thơm mùi trái cây. Lên tàu sớm, tôi ngồi ngó lung tung. Bất chợt lại thấy người đàn bà đó. Vẫn những hành trang của mình, bà ta trân trối nhìn tôi. Tôi vẫy bà ta lại định mua giúp vài bao thuốc dù tôi đã bỏ từ lâu. Chị không thích tôi nghiện. Hình như bà ta chỉ đợi có thế, vội bước lên những thanh tà vẹt leo lên toa chỗ tôi ngồi. Hai mắt lóng lánh nước, trên khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn như sét rạch bầu trời mỗi khi mưa gió. Một bao Vinataba sáu nghìn năm trăm đồng, bà ta cứ dứt khoát lấy bốn nghìn. Tôi chực bực mình và ân hận vì cái thiện chí của mình. Thuốc giả, chỉ có đồ giả mới phá giá chung như thế. Bà ta biết không thể lừa được tôi nên mới bán hạ giá? Tôi quắc mắt ném trả lại bao thuốc. Lập tức, bà ta dúi tất cả vào lòng tôi 5 bao thuốc và chạy biến, lẫn vào đám người lên xuống. Tôi sững sờ, việc gì phải sợ tôi như thế, tôi có tố giác bà ta đâu! Tàu đã chạy. Tôi nhìn ra cửa sổ. Người đàn bà lại đứng chỗ cũ, cách tôi những đường ray chằng chéo. Năm ngày sau, mẹ gọi điện: "Chị mất rồi. Tàu hoa? cán". Rồi khóc hu hu trong máy, mẹ tiếp: "Đã hoa? táng". Tôi gào to "Chị Ở Đài Loan cơ mà". Mẹ rên rỉ: "Chị con là cái người bán thuốc lá ở sân ga". Tôi lao ra sân trường. Trưa loang nắng, hấp hiu gió. Chạy vào phòng bạn bè, tìm lại những bao thuốc. Thuốc hết, còn vỏ không, tôi ôm vào lòng bật khóc. Tôi hiểu, đấy là nhưng thứ cuối cùng chị dành cho tôi.
Hết