Chuyện nó đá bóng đang vẻ vang cho cả xóm, sao không đi xem để biết mặt mũi nó bây giờ ra làm sao! Nét mặt mẹ hớn hở. Mẹ trải chiếc chiếu cói giữa nền nhà ximăng, đem ấm chè xanh mời bạn. Có bà mang theo miếng trầu tóp tép nhai đỏ môi, chuyện không dứt:
- Vậy ra cu Lì đi bao lâu rồi nhỉ?
- Tính ra dễ đến năm năm.
- Tôi nhớ ngày bọn trẻ xóm mình kiếm đâu được quả bóng. Hè, nắng chang chang chúng rủ nhau ra đám ruộng đá tung bụi mù. Ông nhà tôi kéo thằng nhỏ về dần cho một trận bảo chừa cái trò chơi lêu lổng ấy giữa ban trưa.
- Bên tôi con nó về tay chân thâm bầm, bố nó phải ngâm nước muối, bôi thuốc.
Mẹ thoáng buồn:
-Thằng cu Lì nhà tôi ngón chân tóe máu, đầu gối sưng vù, cắn răng giấu mẹ, lặng lẽ dắt con bò ra đồng, kiếm ngọn cỏ rịt vết đau. Nghĩ mà thương!
- Bà mẹ nào thấy con toạc da chảy máu mà không xót. Nhưng mình quê mùa mấy ai biết trò chơi ấy nên danh nên giá nhỉ!
Một bà ném cái bã trầu ra sân, chiêu ngụm nước chè, vẻ tự hào:
- Còn ối cái quê mùa nữa đấy các bà ạ! Thời bắt con ếch, mò con ốc về ăn là cơ cực. Bây giờ các món ăn ấy là đặc sản. Thằng con tôi ở tỉnh về, nó bảo nhà hàng, khách sạn một đĩa có đến năm yến thóc. Đâu phải chuyện chơi.
Khuôn mặt của mẹ sáng hẳn khi màn hình chiếc tivi để trên chiếc kệ nhỏ sáng lên. Hai đội bóng xanh đỏ xuất hiện. Mẹ bảo con mẹ mặc áo đỏ. Quốc ca cất lên. Màn hình chiếu cận cảnh. Đội Việt Nam tay đặt lên ngực. Màn hình dừng lại. Con mẹ kia kìa!
Mắt nó sáng rực, nhìn thẳng như hướng tới một nơi nào đó thiêng liêng nhất. Nó hát. Không phải từ miệng nó mà những âm thanh trào dâng trong lồng ngực không kìm hãm được. Nhìn con, mẹ xúc động rưng rưng nước mắt. Mấy bà bạn cũng im lặng trong không khí trang nghiêm.
Tiếng còi xung trận. Quân xanh quân đỏ bám lấy nhau, lao lên lao xuống đón bóng khi cuối sân, khi giành nhau giữa sân. Hàng vạn người chung quanh sân tay vẫy cờ rực màu đỏ, miệng hô vang: Việt Nam chiến thắng!
Các bà bạn của mẹ chẳng biết đâu là đâu, khi thấy đội đỏ giành được bóng là mừng là vui. Mẹ thì khác. Mẹ hiểu không chỉ cướp được bóng mà phải đưa được nó vào lưới quân xanh. Mẹ chăm chú nhìn màn hình, mắt không mấy khi chớp. Chà! Cái quân xanh hùng hổ làm sao. Họ to con, lấn lướt quân mình. “Đấy! - mẹ nói vào màn hình - Nó đang ào xuống. Bên phải kia. Chặn nhanh đi các con ơi! Không kịp à”. Nhưng ổn rồi! Thủ môn của mình đã nhanh tay bắt bóng. Mẹ thở ra nhẹ nhõm.
Lại tranh nhau. Quân mình được bóng. Trời! Quân xanh băm bổ ra cản đường. Ối! Tất cả các bà mẹ kêu lên khi một quân đỏ ngã gục. Bốn năm người phải ra cáng anh vào. Cũng vừa lúc đấy có tiếng còi chấm dứt hiệp một. Các bà lại uống nước, ăn trầu.
Một bà bạn già hơn cả, tóc bạc gần hết, mặt nhiều nếp nhăn hỏi mẹ: “Cơ mà cái anh ngã xuống có sao không nhỉ?”. Mẹ đáp: “Cũng có khi què tay gãy chân đấy bà ạ!”. “Thế thì việc gì phải hùng hục như trâu bạng nhau vậy? Cứ bên này đá một quả, bên kia đá lại một quả chầm chậm có vui hơn không nào!”. Các bà đều cười: “Thế giống như hội vật làng mình, người này vật một keo xong, người kia vật lại một keo ư?”. “Nhưng mà chơi như vậy thương lắm”.
Đấu tiếp. Xem ra lúc vào đầu hiệp một bắt tay tặng hoa nhau trông vui vẻ thế, giờ thì không! Tựa như trái bóng lăn qua lăn lại là nguyên nhân làm cho cả hai bên mất lòng nhau.
Dễ chưa uống cạn một hớp nước, quả bóng đang quanh quẩn bên sân quân xanh, thế mà không kịp nhìn, không biết nguyên nhân gì, do ai, quả bóng đã nằm gọn trong lưới quân đỏ. Cả vạn con người trên sân vận động im phăng phắc như nơi hoang vắng.
Mẹ biết quân mình đang thua, ngực mẹ tưng tức, mắt mẹ buồn. Ngay lúc ấy mẹ không nhớ chung quanh còn có các bà bạn, mẹ lấn vào giữa chiếu. Mắt mẹ đăm đăm vào màn hình. Mẹ tìm con mẹ. Kia rồi! Nó đang chạy trên hàng công. Nó không cao lớn. Cái cốt cha nó, nhà bà có sung sướng gì mà cao to bằng người! Được cái nó lăn lưng trên đồng ruộng không kể nắng mưa sớm tối nên da dẻ nó săn cứng như đá, làm không biết mệt, bệnh tật cũng chừa nó ra.
Mẹ gọi: “Con ơi! Con có nghe mẹ nói không con?”, “Có, mẹ ạ.”, “Con có thấy mẹ không con?”, “Không, mẹ ơi. Mắt con đang hướng theo quả bóng”, “Sao đang thua mà con điềm tĩnh vậy con? Mẹ nóng ruột lắm”, “Lúc nào cũng phải thế mẹ ạ. Tất cả chúng con đang hết mình thực hiện theo đúng chiến thuật của thầy đã dạy”, “Ông ấy ở đâu con? Mẹ không yên lòng”, “Ở góc trái sân đấy mẹ”, “Mẹ thấy rồi... Ông chỉ huy đội bóng…”, “Mẹ đừng gọi thế. Mẹ phải gọi ông huấn luyện viên”, “Đang bận thế mà con cũng nghe được mẹ gọi ư?”, “Vào trận lúc nào con cũng nghĩ đến mẹ, luôn nghe được tiếng mẹ. Mẹ ơi, làm sao mà con không luôn nghĩ về mẹ được!
Ngày ở nhà, những chiều gió bấc lạnh mẹ ôm con vào lòng, nước mắt mẹ ứa ra khi con không có chiếc áo rét. Mẹ đã hết sức rồi mà không sao cho con ăn no mặc ấm được. Với lại mẹ chẳng bao giờ la mắng con quá ham mê chơi bóng. Mẹ chỉ khuyên con cẩn thận chân tay kẻo khổ...”, “Mẹ chỉ nghĩ con có niềm vui là mẹ mừng vì gia đình mình lẻ chiếc... Kìa quả bóng trước mặt con đấy!”, “Con thấy rồi. Con đang tranh với đối phương”.
“Ông huấn luyện viên! Ông có nghe tôi gọi không?”, “Có, tôi đây. Bà là ai? Nhưng tiếng của bà tôi khó nghe quá”, “Tôi là mẹ cầu thủ thằng cu Lì đây”, “Nói gì bà nói ngắn ngắn cho. Tôi đang phải theo sát trận đấu”, “Vâng! Vì sao vừa rồi quân đỏ bị thua?”, “Bóng đá thắng thua là chuyện thường bà ạ. Để lọt lưới quả vừa rồi là có cầu thủ sơ suất”,
“Ông không dạy bảo tính cẩn thận, chính xác cho cầu thủ ư?”, “Máy móc tinh xảo thế mà còn sai sót huống nữa con người!”, “Ông nói dễ nghe nhỉ! Chỉ huy bấy nhiêu con người chẳng lẽ ông không chọn kỹ trước?”, “Thưa bà, 11 con người ấy là những con người ưu việt nhất trong hàng triệu con người biết đá bóng đấy bà ạ”,
“Ông cứ nói quá! Con tôi là thằng chăn bò chứ đâu phải con trời con đất, con thánh thần gì mà ông cũng nhặt nó về!”, “Bà không biết đấy thôi, nó chăn bò đấy nhưng nó xuất chúng về bóng đá nhờ năng khiếu bẩm sinh và ý chí rèn luyện không biết mệt mỏi”,
“Tôi xin chịu ông, nhưng ông cho tôi hỏi: bàn thua vừa rồi ông có biết chúng tôi buồn không? Nghe đâu ông nước khác?”, “Xin bà đừng nói như thế. Làm thầy cũng như đầu quân cho đội bóng nào thì sinh mệnh của mình gắn liền với đội bóng đó, phải chiến thắng dù đối thủ là ai”, “Vậy ra cái nghề ấy chẳng dễ thiên vị khi bên kia là người nhà mình ông nhỉ!”,
“Thưa bà, danh dự của bóng đá lớn lắm. Không cống hiến hết sức vì màu cờ sắc áo của đội bóng mà mình có mặt đã là phản bội, chứ đừng nói đến thiên vị. Phản bội trong bóng đá là xúc phạm đến niềm tin yêu của con người, cả thế giới đều căm ghét. Mà ai cũng căm ghét thì sống không ra con người nữa đâu bà ạ”,
“Ghê gớm đến thế ư! Tôi hiểu rồi, cũng như ở làng xóm chúng tôi lỡ dại không ai trách chứ lừa đảo họ khinh ghét suốt đời”, “Xin trả lời câu hỏi của bà khi nãy. Các bà buồn một, còn tôi phải mang nỗi buồn của hàng chục triệu con người đứng về đội bóng có con bà và nó đè nặng lên trái tim tôi”, “Thế hở ông, hóa ra ông phải chịu đựng đến mức ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Thương ông lắm. Ông bỏ qua những lời lẽ quê mùa ông nhé. Để tôi nói với con tôi ráng sức hơn nữa, đừng làm phụ lòng ông dạy dỗ”, “Cảm ơn bà”.
“Cu Lì! Nhanh lên con”, “Vâng, con đang cố. Không được rồi mẹ ơi! Quân xanh đang chặn đường bóng của bạn con. Con phải lùi về để tổ chức đợt mới”, “Lùi về làm gì nữa con, sắp hết giờ”, “Mẹ ơi, con biết thời gian còn ngắn hơn cả mẹ vơ nắm rạ nhóm bếp”, “Bóng bên kia kìa con!”, “Con thấy rồi, mẹ ạ. Đồng đội con đang dẫn bóng xuống lách vào sân đối phương”, “Giúp bạn con với!”, “Thế trận đã giăng, mỗi người mỗi vị trí. Ai cũng phải hết sức khi đường bóng đến chân mình”,
“Ừ nhỉ. Đã nhấc cày lên vai thì không ai vác hộ. Cu Lì ơi, sắp hết giờ rồi! Mẹ đã nhìn thấy ông trọng tài nhìn đồng hồ. Tim mẹ thắt lại. Cả sân vận động lúc này im lặng, hồi hộp vừa thở vừa nín thở như mẹ. Đừng để thua con nhé!”, “Con biết, ngày trước là trò chơi con trẻ, giờ là chuyện lớn. Là danh dự, sức mạnh vươn lên của hàng triệu con người đang gửi gắm vào chúng con, và đem đến cho họ một niềm tự hào trong tiếng reo hò vui sướng tột độ. Chúng con đang dùng hết sức lực, trí tuệ trong một tình thế khó khăn.”,
“Đừng phụ lòng mọi người nghe con. Mẹ nhớ lại chuyện cũ, dạo đó có con bò dữ bị đứt dây mũi, con đã chạy thi với nó, khéo léo luồn giữa hai cái sừng nhọn hoắt, nắm được mẩu dây thừa ghìm đầu nó xuống đất. Cả làng ai cũng khen con mưu trí, dũng cảm. Mẹ mong giây phút này con cũng làm được điều đó”,
“Vâng! Con quyết tâm. Con đang lướt bóng đây”, “Quãng trống kìa con. Con tung cú đá vào lưới đối phương đi con”, “Chưa được mẹ ơi. Đó là cái bẫy nếu con không tỉnh trí, tính toán chính xác. Đường bóng, tốc độ của con dù có lao nhanh đến mấy vẫn còn xa hơn đối phương đang chạy gần đấy vừa đủ hất quả bóng ra ngoài biên, làm chậm cuộc đấu và con nhụt chí vào phút cuối”,
“Chà! Bóng đá lắm mưu mẹo thâm sâu vậy con?”, “Nó như một chiến trường lớn nhưng không cầm súng, không sát hại nhau. Phút cuối rồi, bao nhiêu ý chí sinh lực con dồn lên mấy giây quyết định này. Đường bóng bạn con tạt vào chỗ đối phương dày đặc tưởng không có một kẽ hở nào vượt qua trước khung thành của họ. Nhưng mẹ ơi, suốt cả tiếng rưỡi đồng hồ ông thầy con, các bạn con bền bỉ tìm cho ra, tạo cho ra cái cơ hội này chỉ trong nháy mắt thôi mẹ ạ!”,
“Mẹ biết mà. Nó tựa như thời cơ cực nhà chỉ còn que diêm cuối cùng, khi nó lóe lên nếu không kịp châm ngọn đèn, cả nhà sẽ tối mù. Đừng để bóng tối ập đến nghe con”, “Vâng. Con quyết không để mẹ và bao người yêu mến con thất vọng”.
“Các bà ơi! Có thấy con tôi như một cơn lốc băng vào, đôi chân nó không dính đất…”. “Vâng, con như một mũi tên. Trên đường bay con phải tính toán nhanh hơn một tia chớp sao cho đôi chân con vượt đối phương khi khoảng cách họ gần quả bóng hơn con đến vài lần, con phải kẻ một đường chỉ con chọn, không được chệch, qua một khe hở giữa một rừng chân vừa lọt quả bóng bay vào cầu môn phía đối phương với một tốc độ dù thủ thành có đoán trước, có lao người với tay thì quả bóng đã vượt qua vạch chết”,
“Ừ, phải thế chứ con. Mẹ tin con. Tay chân con vốn khéo léo”, “Mẹ ơi! Thời cơ trong chớp mắt đến rồi. Nó như ngòi thuốc nổ đã bắt lửa, không dừng được, không chậm trễ được. Quả bóng bay vào trước mặt con. Từng mạch máu, thớ thịt, đường gân căng lên tột độ, con tung chân nghe như gió rít, quả bóng xuyên thủng hàng người đối phương. Cả thân hình con theo đà bay lên cao. Trên cao con kịp nhìn thấy quả bóng rung trong lưới họ; thủ môn họ cao to đổ ụp xuống như người trúng gió. Trên cao, không khí trong lành mát mẻ làm sao, ngực con căng lên, sung sướng vô bờ ào đến, con kêu lên: Mẹ… Rồi chung quanh con vòng tay đồng đội, vòng tay con ôm siết chặt nhau ngây ngất niềm vui tràn ngập”,
“Mẹ thấy hết. Lúc này đây mẹ cất được một tảng đá nặng đè lên ngực. Các bạn mẹ đang cười hể hả như bưng bát cơm mới ngày được mùa. Rồi cả sân vận động kia kìa đang vỡ òa sấm rền, đất dậy và sóng trào một biển cờ đỏ con ơi!...”
TRẦN THÚC HÀ

Xem Tiếp: ----