Không khóc sao được khi mỗi sáng ra thăm chuồng, chị vui sướng nhìn những quả trứng trắng ngà lăn lóc đầy chuồng. Những con gà mái lăng xăng mừng rỡ “lóc cóc...lóc cóc...” đón chị bằng một thứ ngôn ngữ mà chị và lũ gà đều ngầm hiểu. Mắt chúng rực sáng, chạy ào cả về phía chị. Chị cười bảo: “Ăn cho no, đẻ cho nhiều nghe...”. Bây giờ những con gà chết nằm ngổn ngang trong chuồng. Có con chết khi đang ăn. Có con chết khi đang đẻ. Những con sống sót ủ rũ đứng dồn vào một góc. Một không khí lạnh lẽo, tang tóc bao trùm khu chuồng trại. Mấy ngày sau, dù đã được cách ly, sát trùng, tẩy uế chuồng, gà vẫn chết hàng loạt. Chết không kịp chôn. Có người an ủi chị: “Chúng nó đi theo anh Dậu đó chị Hằng ơi!” Anh Dậu, chồng chị, là kỹ sư chăn nuôi. Anh đổ mồ hôi sôi nước mắt gom góp gầy dựng được một trại gà vào loại bề thế của cái làng ven sông Vàm Cỏ này. Khi trại gà bắt đầu sinh sôi thì anh Dậu bị bệnh nặng và dù chị Hằng đã tất tả ngược xuôi chạy chữa cho chồng, hết trung tâm y tế huyện đến bệnh viện tỉnh rồi lên bệnh viện ở Sài Gòn nhưng anh cũng không thoát khỏi chứng bệnh nan y. Rồi anh Dậu lặng lẽ ra đi vào một chiều mùa xuân khi nắng tràn vào mái hiên, nơi anh từng nằm sưởi nắng, lắng nghe đàn gà líu ríu ồn ỉ xao động cả một không gian thanh bình và khuấy động cả khúc sông hiền hòa trước mặt. Ba năm trước chị vuốt mắt cho chồng, nay dịch cúm gà đã cuốn phăng công lao gầy dựng vất vả của anh.Chôn những con gà xấu số xong, chị cho công nhân tạm nghỉ. Ngày hai buổi thắp nhang cho chồng, chị thắp luôn cả nắm nhang cho hàng ngàn con gà đã chết. Thức, chị ngồi lặng hàng tiếng đồng hồ ngoài trại. Chợp mắt, chị hay mơ, những giấc mơ không trọn vẹn với những hình ảnh, những âm thanh không trọn vẹn. Khi thì thấy chồng lúi húi bên trại gà, khi lại nghe anh gọi. Tiếng gọi có lúc thật mơ hồ, khi thì ở bên kia bờ sông, nơi có những bụi hoa mua tím rịm; khi thì nhấp nhới hụt hơi bên những con sóng lao xao; khi thì nghe tiếng kêu đòi ăn của lũ gà; khi thì thấy những ả gà mái núc ních, lông óng vàng, mào đỏ chót đang lóc cóc, lóc cóc…Trong ngôi nhà ba gian tươm tất của chị còn lại ba sinh linh: con mèo suốt ngày lim dim ngủ, con sáo và chị. Con mèo vừa lười vừa ranh. Lúc nào ả cũng muốn được bà chủ vuốt ve, cứ cọ cái đuôi dài vào chân tay chị bất kể cả những lúc chị đang buồn héo ruột héo gan. Bù lại hơi hướm của nó cũng đủ răn đe mấy con chuột táo tợn mà dường như biết ngôi nhà thiếu hơi đàn ông chúng cứ sục sạo suốt đêm. Con sáo mới là người bạn thân thiết của chị. Đó là kỷ vật của anh để lại. Một kỷ vật thiêng liêng. Khi vay bạn bè vốn liếng lập trại, một người bạn đã tặng anh con sáo. Người bạn cho biết loại sáo này khôn lắm, nuôi chỉ một năm là biết nói. Con sáo lớn lên, lông đen mượt, mỏ vàng, chân chì linh lợi trong chiếc lồng bằng nan tre mà anh đã công phu vuốt uốn từng nan. Chị vẫn còn nhớ cái cách anh vót những chiếc nan tre và miệng thì huýt sáo. Rồi mỗi sáng mỗi chiều tiếng huýt sáo của anh và tiếng nói, tiếng cười của anh làm trái tim chị tràn niềm vui. Một năm sau khi con sáo bắt chước tiếng chim chào mào, anh bắt đầu tập cho nó nói. Tiếng đầu tiên là: “Hằng ơi...”. Mỗi lần chị đi qua, anh chỉ tay vào chị, gọi: “Hằng ơi...”. Con sáo ghếch mỏ, nhìn chị một lúc rồi cũng khó nhọc cất tiếng gọi: “Hằng… ơi...”. Một tiếng gọi trầm ấm, rất là đàn ông. Nhân lứa gà đầu tiên đẻ trứng, cộng thêm sự kiện con chim sáo biết nói, anh chị làm bữa nhậu mời bạn bè đến dự.Tiệc bày ra, chị Hằng bưng mâm đi qua lồng sáo, nó nghển cao cổ hướng về chị và cất tiếng gọi: “Hằng ơi...”. Bạn bè ngạc nhiên, tròn mắt thán phục cái giọng rất ư tình cảm của con sáo. Lý thú hơn, nó lại bắt chước được cái giọng ồm ồm của anh Dậu. Một người bạn lên tiếng: “Dậu này, cậu mà có đi đâu, nghe con sáo gọi chắc bà xã cậu cũng đỡ nhớ”. Họ xúm lại bên lồng chim dạy nó thêm: “Hằng ơi, anh yêu em lắm”. Con sáo giương cổ cố nhại theo mấy tiếng “anh yêu em lắm” nhưng nghe không rõ, từng âm cứ dính vào nhau như cơm nếp nấu nhão. Nhưng mỗi khi con sáo nói câu ấy, anh Dậu và chị Hằng đều hiểu nó muốn nói: “Anh yêu em lắm...!”.Chị Hằng cho con sáo ăn một chế độ đặc biệt: lòng đỏ trứng gà trộn với gạo lứt phơi khô, nước uống là nước mưa được hứng từ mái hiên nhà. Dần dần nó nói được nhiều tiếng, nhiều câu. Có ai đến chơi, nó ghếch mỏ chào: “Có khách... Có khách Hằng ơi”. Nhiều khi chị Hằng đi qua, nó nhảy chồm về phía chị, ánh mắt chớp liên hồi như vừa mừng rỡ vừa vui sướng và chào bằng một giọng hết sức tình cảm mà chị cảm nhận được: “Hằng ơi, anh yêu em lắm...”. Chị nghẹn ngào, sững lại, bật thốt thành lời: “Sáo ơi, tao yêu mày lắm!”. Hôm đưa đám anh Dậu, con sáo xù lông đứng bất động ở góc chuồng, im lìm như một cái xác. Chị Hằng cũng không còn nhớ gì cả để lưu tâm đến nó. Nỗi đau quá lớn khiến chị quên cả việc cho sáo ăn. Rồi khi vừa từ nghĩa trang về, chị nghe một tiếng gọi khá to và ngân dài: “Hằng ơi...!” như tiếng của anh Dậu âu yếm gọi chị. Chị bàng hoàng giữa căn nhà trống vắng rồi thụp xuống ghế, nước mắt trào tuôn.Cơn xúc động qua đi, chị đứng lên thắp một nén nhang lên bàn thờ anh thì cũng là lúc con sáo liên tiếp gọi: “Hằng ơi, Hằng ơi... anh yêu em lắm...”. Chị hạ chiếc lồng xuống, nhẹ nhàng bắt con sáo đặt vào lòng bàn tay. Hai mắt nó chơm chớp rồi buồn bã gọi: “Hằng ơi...”. Chị rụng rời, y như linh hồn anh Dậu đã nhập vào con sáo, hiện diện trong ngôi nhà này cùng chị. Con sáo làm chị nguôi ngoai phần nào nỗi thương tiếc chồng. Lạ là từ ngày anh Dậu mất, đàn gà đẻ rất sai. Chị vay thêm tiền ngân hàng, nâng đàn gà từ năm ngàn con lên gấp đôi. Công việc chăm sóc cũng nhẹ hẳn đi nhờ những người công nhân thạo việc và trung thành. Chị Hằng dành nhiều thời gian cho con sáo. Chị thường tưới nước vun bón những chậu hồng quanh đó, lẩn quẩn quanh con sáo để trò chuyện và để thỉnh thoảng được nghe tiếng gọi thiết tha: “Hằng ơi, anh yêu em lắm...”.Chị đang ăn nên làm ra nhờ trại gà thì dịch cúm gà ập đến. Một trận cuồng phong, một cơn động đất ập đến cũng chỉ hãi hùng như thế là cùng.Chị như kẻ mất hồn, ngồi lặng lẽ trong căn phòng có treo chiếc lồng chim sáo phía trước. Như chia sẻ nỗi buồn với chị, con sáo cũng ít nói hơn, nhưng mỗi khi chị thắp nhang cho anh Dậu và đàn gà, nó lại ngân lên rất khẽ: “Hằng ơi...”.Một chiều, khi đang cho chim sáo ăn, ông trưởng ấp bước vào, vẻ mặt nghiêm trang: - Chị Hằng ạ, tôi biết chị sẽ rất buồn nhưng theo lệnh của thị xã, những ai nuôi chim đều phải giết bỏ để tránh dịch bệnh lây lan...Chị Hằng không bất ngờ trước thông tin của ông trưởng ấp, nhưng điều đó có nghĩa là con sáo của chị cũng phải đem thiêu hủy! Như bị một nhát dao đâm thẳng vào tim, chị choáng váng không nói được câu nào, mặt tái đi, cứ như là chính chị cũng sẽ phải hỏa thiêu. Ông trưởng ấp đi rồi, chị đến bên lồng, mở cửa, lặng lẽ đặt con sáo vào lòng bàn tay. Con sáo như cũng hiểu được sự nghiêm trọng của những gì sắp xảy ra với nó, khép nép đưa mắt nhìn chị, như dò hỏi, như muốn được nghe câu trả lời của chị. Trời ơi, kỷ vật của anh Dậu, một con sáo mang hồn người, người bạn thân thiết cùng chị trong ngôi nhà này sắp vĩnh biệt chị. Vuốt nhẹ bộ lông đen mượt của nó, nước mắt chị trào ra... Sáng hôm sau, khi những thanh niên trong ấp đến nhà chị trong tay là những bao những túi chứa xác nhiều loại chim, chị lật đật bước ra, giọng buồn buồn:- Đêm qua con sáo nhà tôi bị mèo vồ mất rồi...Tốp thanh niên định quay ra thì một tiếng ồm ồm cất lên từ trong chiếc tủ đặt khuất sau phòng khách: “Hằng ơi...”. Cả tốp sựng lại lắng nghe. Con chim sáo bị nhốt trong ngăn tủ tối tăm cứ liên tục kêu “Hằng ơi...Hằng ơi...” nghe đau đớn như một lời cầu cứu.Biết không thể giấu nổi, chị bật khóc như đứa trẻ và đành mở tủ, đem con sáo ra. Con sáo quẹt quẹt cái mỏ vào mu bàn tay chị rồi nhìn chị, thống thiết cất lên tiếng gọi: “Hằng ơi!”.BÍCH NGÂN