Vào một buổi sáng mùa xuân, không nhớ rõ ngày nào, bà con ở Thanh Quýt thấy một ông già lạ mặt có dáng người cao to, khuôn mặt quắc thước từ trên một chiếc xe khách bước xuống, đi thẳng vào giữa làng. Mọi người rỉ tai nhau, có lẽ đó là một cán bộ của cơ quan nào đấy đến liên hệ công tác hoặc một người ở xa về tìm người thân. Nhưng một lúc sau họ mới vỡ lẽ: ông là cán bộ người Đà Nẵng đi tập kết, nay được trên cho nghỉ hưu. Bây giờ ông đến đây để tìm hài cốt của con gái. Biết được điều đó, mọi người cảm thấy ông trở nên gần gũi. Họ thân mật vây quanh ông. Một cô gái có khuôn mặt tròn trĩnh, đôi mắt đen láy rụt rè hỏi ông:
- Dạ thưa bác, con gái bác tên là gì?
- Nó tên là Mai.
Mai nào nhỉ? Mọi người đưa mắt hỏi nhau. ở làng này có nhiều cô gái tên là Mai đến công tác rồi hy sinh. Mỗi người gắn liền với tên một cơ quan: "Mai tỉnh đội" "Mai công đoàn", "Mai thanh niên", "Mai giao vận"...
- Chị Mai con bác họ chi? Trước đây chị ấy làm công tác gì? - Cô gái lại hỏi.
- Con tôi là Phạm Thị Mai. Nó làm giao liên hợp pháp - Ông già từ tốn đáp - Hồi còn ở miền bắc, tôi may mắn nhận được một lá thư của nó, do một người bạn cùng cơ quan nó cầm ra. Tôi xa nó từ lúc nó còn nhỏ nên không biết sau này nó như thế nào. Tôi có hỏi anh bạn thì anh ấy nói nó người cao cao, tóc đen và dài lắm. Bà con có ai biết nó không?
Mọi người lại xì xào bàn tán. Vừa lúc ấy, một cụ già tóc bạc phơ lách đám đông đến cầm tay ông:
- Tui có biết con gái ông. ồ, con nhỏ được đó. Sao mà ông sinh được đứa con gái hiền lành, lễ phép, ăn nói dễ thương vậy? Nó làm giao liên hợp pháp nhưng để che mắt giặc, nó giả làm con buôn gánh hàng đi bán. Tui là cơ sở của nó. Đi lên đi xuống, nó đều gánh hàng ghé vô nhà tui, mời tôi uống một chai xá xị rồi một "dạ thưa bác", hai "dạ thưa bác", hỏi tui tình hình đường xá...
Cụ dừng lại nhìn người khách đăm đăm rồi tiếp:
- Bữa đó... tội quá. Nó từ dưới cánh Đông gánh hàng lên ghé vô nhà tui - cụ đưa tay chỉ về một ngôi nhà tranh gần đấy - biếu tôi một chai nước cam, hỏi tình hình rồi đi. Chiều đó, tôi đang cuốc vườn thì nghe có tiếng súng nổ. Tui chạy ra đường thì thấy tụi cảnh sát trói quặt hai tay nó ra sau dẫn đi. Người nó dính đầy máu, áo quần xơ xác. Tui đứng sững nhìn nó. Nó lặng lẽ nhìn tôi, ý biểu tui cứ an tâm. Một thằng cảnh sát già già vừa nện báng súng vô đầu nó vừa nói: "Tao nghi mày từ lâu rồi. Mày có buôn bán cái chó gì. Làm cộng sản thì có..."
Cụ già nhìn thấy người khách rút khăn tay lau nước mắt. Tự nhiên giọng cụ nghẹn lại, đôi mắt đỏ hoe:
- Giữa lúc tôi đang ngơ ngác chưa biết tính sao thì chiếc xe jeep chạy đến. Thằng cảnh sát già già thúc báng súng đẩy con nhỏ lên xe. Trời ơi, con nhỏ bình tĩnh hết sức. Nó bước lên xe đàng hoàng như nó là chủ chiếc xe vậy. Xe chạy đi. Tui đứng nhìn theo, thương đứt ruột...
Sáng hôm sau, tui lần mò vô nhà tù hỏi thăm tin tức nó. Tụi cảnh sát hỏi tui là gì? Tui nói tui là cha nó. Chúng cười hí hố rồi vào trong phòng bên cạnh mang xác nó ra ném trước mặt tui. Chẳng phải con tui mà tui khóc rú lên. Tụi cảnh sát hét: "Thằng già im đi. Con gái mày bướng bỉnh không chịu khai nên bị đánh chết đó. Tội nó đáng đem bêu lên cọc chứ chẳng phải để yên như vầy đâu "Tôi lạy lục xin miết, tụi nó mới cho mang xác con Mai về chôn. Tui nghĩ, tui chẳng biết nó con nhà ai, nó làm cách mạng thì là con mình rồi. Tui chôn nó xong, lập luôn một cái bàn thờ. Năm nào ngày nó chết tui cũng cúng. Tui mong cha mẹ nó đến tìm. Nhưng đã nhiều năm mà không thấy ai hỏi...
"Đúng là con mình rồi. Theo thư nó viết ra thì mẹ nó chết lúc ở tù. Mình thì ở miền bắc. Bà con thân thuộc chẳng còn ai. Vậy thì làm sao có người đến nhận nó". Ông nghĩ, cả người run lên:
- Mộ cháu nằm ở đâu hở cụ?
Cụ già nhìn ông ngạc nhiên:
- ủa, cách đây vài tháng chú nó đến xin đưa nó về quê rồi. Ông ấy bảo với tui là cha nó còn đang ở miền bắc, nhờ ổng...
Có một cái gì giật thật đau đớn giật thót giữa tim ông. Mặt ông tái dần. Ông gượng hỏi, giọng tắc nghẹn:
- Cụ có biết cháu người ở đâu không hở cụ?
Cụ già lắc đầu:
- Tui không nhớ nữa. Hình như có lần nó nói quê nó ở Đại Lộc, Đà Nẵng hay mô mô đó...
Mọi vật chung quanh ông bỗng trở nên nhập nhòa. Ông lảo đảo ngồi phịch xuống đất, thở nặng nhọc.
Cụ già nhìn ông, vẻ mặt đầy thông cảm. Cụ đăm chiêu nghĩ ngợi một lúc rồi đến ngồi bên ông, khẽ vỗ vai:
- Này ông. Tui nhớ là hồi trước tui có gặp một con Mai người Đà Nẵng. Nó cũng làm giao liên hợp pháp. Người nó cao cao xinh lắm. Nó hy sinh ở làng Cẩm Sa cách đây một đỗi đường. Hay ông xuống đó hỏi thăm thử. Biết đâu đó là con ông.
Một tia hy vọng lại lóe lên trong ông. Mặc dù đã trưa, mọi người mời ông ở lại ăn cơm, ông vội vã leo lên một chiếc xe lam. Ông không thể ngờ rằng phía sau lưng ông, mọi người vẫn tiếp tục bàn luận câu chuyện về cô giao liên và người cha tội nghiệp đi tìm con gái...
Trong khi đó, ông già đi tìm con gái đã đến làng Cẩm Sa. Một bầy con nít, như những đứa con nít ta thường gặp ở những làng quê, bỏ những trò chơi, tò mò kéo theo sau ông, rồi khi biết ông cần gì, chúng ồn ào, tranh nhau chỉ dẫn. Tiếng ồn ào của bầy trẻ vọng vào những ngõ xóm, khiến cho người lớn tuổi dừng công việc kiễng chân nhìn qua bờ rào, thì thào hỏi nhau về người khách lạ. Từ trong một ngôi nhà ngói gần đấy, một người đàn ông đứng tuổi, có khuôn mặt khắc khổ bước ra, đi về phía ông:
- Chào anh - Ông già lên tiếng - Tôi muốn hỏi ủy ban xã.
Người đứng tuổi mỉm cười:
- Thưa bác, bác đến ủy ban à. Cháu là chủ tịch xã đây.
Ông già cầm tay anh, thì thầm nói chuyện. Anh chủ tịch xã tự nhiên ôm chầm lấy ông:
- Trời ơi, bác là cha của cô Mai - cười à. Bác đừng ngạc nhiên, ở đây ai cũng gọi cô ấy như vậy. Hễ làm nhiệm vụ thì thôi, chớ về nhà là cô ấy lại khúc khích cười. Nghe chuyện vui cô ấy cũng cười, ăn cơm muối cô ấy cũng cười. Cười hoài. Hồi đó cháu ở cùng tổ giao liên hợp pháp với cô ấy. Chúng cháu đứng ở vùng bàn đạp này. Nhiệm vụ của tụi cháu là chạy công văn giấy tờ, đưa khách từ bộ phận thành ủy đóng ở vùng Đông lên hậu cứ. Từ đấy lên hậu cứ, do con trai tụi cháu đảm nhiệm, đi bất hợp pháp vào ban đêm. Từ đây xuống vùng Đông, qua một con lộ, do nhóm con gái của cô Mai đảm nhiệm. Các cô thường đi hợp pháp vào ban ngày vì ban đêm địch hay phục hơn. Nếu chỉ có đưa công văn thôi thì chẳng nói gì. Các cô chỉ cần ăn mặc thật mốt, son phấn vào, cười đờ mi với tụi lính là qua được. Khó nhất là phải dẫn khách đi...
Người chủ tịch xã dừng lại nhìn ông khách, giọng trầm hẳn xuống:
- Lần ấy, Mai phải đưa hai đồng chí cán bộ vượt đường giữa ban trưa. Trước khi đi, cô lấy quần áo, nón của các bạn trang bị cho hai anh. Thấy hai anh lóng ngóng trong bộ quần áo đàn bà, cô cứ cười mãi. Cô bắt các anh tập đi yểu điệu, quơ tay quơ chân cho đến lúc giống như hai cô gái mới thôi.
Mai đi trước các anh một đoạn. Theo giao hẹn nếu đường thông thì cô cứ đi thẳng. Nếu gặp địch, cô sẽ giở nón "chào", cười nói với chúng. Khi hai anh vừa ra khỏi làng chỉ còn một đoạn nữa là tới con lộ, thì thấy mai giơ nón ra "hế lô" ở phía trước. Các anh lùi lại, chạy thục mạng vào xóm. Tụi cháu đứng trên cây đa cảnh giới thấy tình hình này biết là nguy rồi. Chưa biết gỡ cách sao thì nghe có tiếng súng nổ. Một lúc sau, vọng đến tiếng xe tăng rú máy. Chiều đó, một số cơ sở được phân đi nắm tình hình về báo cáo là Mai bị một thằng xấu trong làng khai báo nên chúng bắn cô, cột xác sau xe tăng làm cho thân thể cô nát nhừ...
Ông già rưng rưng nước mắt. Ông thương con gái quá:
- Anh có thể dẫn tôi đến chỗ em nó nằm được không?
Người cán bộ cầm tay ông, giọng nghẹn ngào:
- Dạ, cô Mai không còn mộ. Sau khi bọn địch cột xác cô vào xe tăng để hủy hoại thân thể, bà con đấu tranh mang về chôn nhưng năm sau, tụi nó cà ủi vùng này nên ngôi mộ cũng mất luôn...
Vậy là không còn cách gì để tìm lại những kỷ niệm của con gái. Ngực ông như chạm phải một tảng đá to, thật sắc, khiến ông khe khẽ rên lên. Ông run run hỏi anh chủ tịch xã:
- Anh có biết... có biết em nó họ gì không?
Anh chủ tịch xã nhíu mày hồi lâu rồi mới đáp:
- Dạ không. ở đây không ai biết họ của cô ấy. Hình như họ Nguyễn. Cũng có thể họ Phạm. Không, không hình như...
Ông lặng người. Khuôn mặt tái mét. Môi run run mấp máy một điều gì đó...
Ông trở về căn phòng vắng vẻ, cảm thấy mệt mỏi vô cùng.
Suốt mấy tháng qua, sau khi được quyết định nghỉ hưu, ông đã từ Hà Nội về Đà Nẵng, vừa chạy vạy để lo một căn phòng để ở, vừa lo đi tìm mộ con gái. Công việc giao liên hợp pháp mà con gái ông đã làm trước lúc hy sinh, có rất nhiều cơ quan đảm trách: giao bưu, thành ủy, quân đội, công an... Ông đã đi hết cơ quan này đến cơ quan nọ, tìm đọc những bản danh sách liệt sĩ dài dằng dặc mới thấy con gái ông hy sinh ở làng Thanh Quýt. Vậy mà... Rồi đến việc ở Cẩm Sa nữa... khiến ông hết sức băn khoăn. Có thể một trong hai người chính là con gái ông. Cũng có thể cả hai đều không phải. Ông cần phải đi tìm nữa. Mọi chuyện đối với ông, có cái gì thật lạ lùng, tạo cho ông cảm giác nghi hoặc, không làm sao hiểu nổi. Ông cảm thấy hy vọng tìm kiếm hài cốt của con mình thật mỏng manh. Bây giờ, trong tuổi già, ông chẳng biết lấy gì để tự an ủi nữa. Trong những năm mới xa quê, cái an ủi đầu tiên là sẽ có ngày thống nhất, ông trở về gặp lại vợ con. Khi được thư con gái báo tin vợ mất, ông thương vợ nhưng tự an ủi mình còn có một đứa con, dòng máu chung của cả hai người. Mình còn hạnh phúc hơn những người khác đã mất hết những người thân. Khi nghe tin con hy sinh, ông đau đớn buồn rầu cho tuổi già mình chỉ còn một thân một bóng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ông tự an ủi mình là có thể về quê tìm được hài cốt của con, trong khi đó, biết bao người bằn bặt tin tức về con họ. Nhưng bây giờ chỉ còn nỗi cô độc của tuổi già, cái tuổi già ngày một, ngày hai đưa ông dần về cõi chết. Ông bắt đầu cảm thấy khó ngủ. Nhiều đêm, ông lặng lẽ ngồi cho đến sáng, pha hết ấm trà đặc này đến ấm trà đặc khác, đầu mẩu thuốc lá tràn ra khỏi đĩa gạt tàn. Đấy cũng là cái tật mới phát sinh. Trước đây, ông không bao giờ tốn tiền trà thuốc. Nếu trước đây ai đó từng biết ông vốn là người cao to, khuôn mặt quắc thước, tuy đã về hưu nhưng còn rất minh mẫn thì giờ đây họ sẽ lạ lùng khi gặp ông già gầy sọp, đôi mắt quầng thâm, lúc nào đi đường cũng lẩm bẩm mỗi một câu: "có thể... không có thể... có thể". Có những ngày ông lần mò đến các cơ quan mà ông đã tra tìm tên con gái, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng những bản danh sách liệt sĩ. Cũng có lúc, người ta thấy ông chỉ lần tới cổng, lẩm bẩm tấm biển tên cơ quan, bỏ đi, một lúc sau lại đến. Hầu như, những người gác nghĩa trang đều quen mặt một ông già tóc bạc trắng có dáng đi xiêu, thỉnh thoảng lại đến nghĩa trang khom mình đưa mắt đọc từng tấm bia, sau đó vừa bước ra vừa lẩm bẩm "có thể... không có thể... có thể".
Một đêm, ông thấy đầu mình nhức như búa bổ, sống lưng như vừa bị ai dần, chân tay rã rời không nhúc nhắc được. Ông ngã ốm, cái ốm vốn có ở tuổi già, kèm theo nỗi buồn đau thất vọng. Ba ngày liền, ông nằm liệt, không dậy được. Có một lần, vào buổi trưa, ông thiếp đi trong cơn mê mê tỉnh tỉnh. Khi tỉnh dậy, ông thấy có một cô gái ngồi bên mép giường:
- Mạch bác đã đỡ. Bác suy nhược bởi lo nghĩ nhiều, lại bị cảm nữa. Cháu định đưa bác đi bệnh viện. Nhưng thôi... Cháu sẽ mang thuốc đến. Bây giờ bác ăn tí cháo nghe.
Cô có cái gì giông giống như con gái ông. Ông định thần một lúc và nhớ ra, đó là cô bác sĩ ở nhà bên.
- Cháu biết bác tìm con nhưng chưa ra nên bác buồn. Cháu rất thông cảm với bác. Chuyện tìm kiếm hài cốt đâu có dễ. Cháu về trong này sớm, cháu biết các chị làm trong ngành giao liên hợp pháp luôn đổi họ, đổi tên. Có khi lại khai trệch cả năm sinh, tháng đẻ, cả quê quán nữa. Cốt để che mắt địch thôi. Nhưng bác đừng buồn, lo mà dưỡng sức cho hết bịnh. Cháu có quen một bác ở bưu điện, xưa phụ trách giao liên hợp pháp. Cháu sẽ nhờ bác ấy tìm hộ cho...
Một buổi sáng, ông thấy trong người đã khỏe ra. Nhưng vừa định trở dậy, chẳng hiểu vì lý do bí ẩn nào, một cơn buồn ngủ đến nhức cả mắt kéo ông nằm xuống, ngay lập tức, một cơn mơ kỳ lạ đến với ông. Ông thấy hiện ra một rừng dương trên bãi biển quen thuộc, từ lâu rồi, ông không hề trở lại. Ông dắt tay con gái ông, lúc ấy chừng năm tuổi đi dạo mát. Tự nhiên, cô bé rụt khỏi tay ông, biến mất. Ông kêu lên, chạy ngược, chạy xuôi để tìm. Đâu đó quanh ông có tiếng cười rúc rích. Nhưng ông đến nơi, tiếng cười lại bặt đi. Một lúc sau ông nghe tiếng nói của con ông:
- Con đây nè, con núp sau cây dương đây nè, ba không thấy sao?
Ông chạy đến bên cây dương đó, nhưng không thấy con ông, mà nghe thấy tiếng cô bé réo ở cây dương bên cạnh:
- Con đây nè, ba dở lắm nè.
Cuộc đuổi tìm làm ông phát mệt. Ông toát mồ hôi, tỉnh giấc mơ. Vừa lúc ấy, ông nghe có tiếng gõ cửa. Tưởng cô bác sĩ nhà bên cạnh gọi, nhưng khi ông lần ra mở cửa thì thấy một ông già trạc tuổi ông mỉm cười:
- Chào anh. Tôi bận đi làm nên ghé một chút báo anh tin vui: Tôi đã tìm ra mộ con anh rồi...
Ông sửng sốt nhìn người lạ mặt:
- Ơ... ơ anh ở đâu? Sao anh biết tôi đi tìm mộ con gái?
Ông khách mỉm cười:
- Tôi là một người cha, anh cũng là một người cha. Anh có con hy sinh, tôi cũng có con hy sinh, sao tôi lại không biết.
- Mộ cháu ở đâu anh?
- ở nghĩa trang Rừng Dương.
Người khách đi rồi, ông còn đứng sững, bàng hoàng. Con người bí mật này có phải người mà cô bác sĩ nói là đang ở Bưu điện? Hay cái ông mà khi ông đến các cơ quan để tìm con, lúc nào cũng thấy ông ta ở bên cạnh, vội vã cầm lấy những bản danh sách liệt sĩ mà ông vừa xem. Ông không biết nữa. Ông cảm thấy cái việc tìm ra mộ con gái ông của người này có điều gì thật bí ẩn, nó giông giống như trong giấc mơ vừa rồi. Có phải con gái ông đã báo mộng là cô đang ở dưới một rừng dương? Vốn từ xưa không hề mê tín, nhưng hôm nay, tự nhiên, ông thấy trong người ông rạo rực, tai ông nóng bừng và chung quanh nhà ông lâu nay im ắng bỗng có một bầy chim lạ bay về chào hót...
Hôm sau, ông tìm đến nghĩa trang Rừng Dương. Dọc đường ông ghé vào một cái quán nhỏ mua một thẻ nhang. Nghĩa trang nằm sát bờ biển, dưới một rừng dương xanh ngát, cảnh vật từa tựa như trong giấc mơ. Người gác nghĩa trang chừng năm mươi tuổi, cánh tay trái bị cụt đến tận khuỷu, đưa ông đi qua những hàng mộ rồi chỉ vào một gốc dương:
- Mộ cô ấy nằm sát gốc dương kia kìa.
Ông bỗng thấy tim mình như ngừng đập. Có lẽ cái điều giấc mơ báo trước đang đến với ông. Ông vội vã đến bên mộ, quỳ xuống, giương kính lên, cúi sát tấm bia. Ông mỉm cười khi nhận ra tên con gái ông. Bất ngờ, ông sửng sốt, làm rơi chiếc kính xuống cát: Cô gái có tên trong bia nhỏ hơn con ông tới năm tuổi. Ông lặng đi một lúc. Nhưng rồi nhớ ra điều gì, ông đăm đăm nhìn vào tấm bia để tìm quê quán của người đã khuất. Kỳ lạ thay, trong bia này không hề ghi quê quán...
Đây có phải là con gái ông hay lại không phải? "Có thể là... có thể không phải là...". Một trạng thái dao động cùng cực dần biến thành nỗi tuyệt vọng đè nặng lên trái tim ông. Ông cảm thấy đôi chân mình đang ngập dần vào lòng cát, không thể nào cất người đứng dậy được nữa. Ông ngã phịch xuống, bất tỉnh...
Người gác nghĩa trang đứng bên cạnh, sửng sốt nhìn ông rồi lật đật chạy đến đưa cánh tay còn lại nâng ông dậy. Một lúc sau, ông tỉnh lại, ngơ ngác nhìn quanh. Khi đã hiểu việc gì xảy ra, ông gục đầu lên vai người gác nghĩa trang nấc than một hồi lâu. Người gác nghĩa trang im lặng, đưa bàn tay lành vuốt lưng ông, dỗ ông như dỗ một đứa trẻ rồi nói nhỏ nhẹ:
- Bây giờ tui đưa bác vào phòng tui nghỉ nghe.
Ông lập cập đứng dậy, vịn vai người gác nghĩa trang định bước đi. Ngay lúc ấy, có một cái gì đó như một luồng sáng lướt nhanh qua đầu ông. Ông cất giọng khàn khàn:
- Anh có mang theo bật lửa không?
- Dạ có - người gác nghĩa trang sốt sắng bật lửa cho ông, vui mừng vì thấy ông đã tỉnh - có cả thuốc đây, bác hút cho tỉnh táo.
Ông già không trả lời. Ông run run xé thẻ nhang, rút ra ba cây, châm lửa, cúi xuống cắm lên mộ cô gái. Khi đứng dậy, ông bỗng thấy trên mộ tấm bia cách đó mấy bước ghi: "Liệt sĩ Trần Thị Mai". Ông lại bước đến thắp ba cây nhang nữa. Chợt nhớ tới lời cô bác sĩ nhà bên nói với ông hôm nọ, ông vội vàng thắp từng cây nhang, lần lượt cắm lên những ngôi mộ xung quanh đấy...
1985

Xem Tiếp: ----